What's new

[Chia sẻ] Ấn Độ - những ngày đông rực nắng

Như vậy, cuối cùng tôi đã đặt chân đến Ấn Độ một ngày mùa đông nắng vẫn còn vàng óng, vẫn tươi màu rực rỡ. Hành trình dài đăng đẵng lần này, tôi không thật sự nghĩ là sẽ thực hiện được ngay từ lúc bước chân lên đường. Đã hơn 2 tháng xa quê, xa nhà, xa bè bạn,… con đường độc hành lang thang qua nhiều vùng đất mơ ước, nhiều học hỏi, nhiều khám phá… có lắm điều hay ho nhưng cũng nhiều khi buồn tê tái. Không biết đã có bạn nào một mình lang thang từ Saigon đến Ấn Độ, chỉ bằng đường bộ hay chưa, nhưng tôi rất vui vì cuối cùng mình đã làm được điều mà-tôi-đã-từng-nghĩ-là-mình-sẽ-không-bao-giờ-làm được – thực hiện được chuyến đi hoàn toàn bằng đường bộ từ Việt Nam đến Ấn Độ.


PB170780-1.jpg

Vẫy tay chào Nepal những ngày thu xanh, tôi một mình lầm lũi len lỏi qua dòng người đông đúc đi kiếm chuyến xe về Gorakhpur.


Một mình lặng lẽ rời Saigon vào một đêm mưa cuối mùa tầm tã, tôi không ra Bắc để tiện đường sang Trung Quốc mà lại bắt đầu hành trình này bằng chuyến xe đêm đi Gialai, để từ đó sang Lào. Từ Nam Lào những ngày mưa mù, tôi chôn chân ở Siphandon những hoàng hôn rực lửa, rồi mải miết trượt dài đến Bắc Lào để sang vùng Xinhuabanna, Vân Nam, Trung Quốc. Lang thang mê mải vùng Vân Nam, Tứ Xuyên trong những ngày mùa thu vàng mù sương cao nguyên tuyệt đẹp … cũng là thời gian tôi chờ đợi, chuẩn bị cho hành trình mơ ước lên Tibet – chuyến đi mà tôi đã chuẩn bị nhiều lần trước đây những đến lúc này vẫn chưa thực hiện được.


PB180876-1.jpg

Một buổi sáng yên bình ở Kushinagar, Ấn Độ, nơi Đức Phật nhập cõi Niết Bàn – đây là nơi được cho là đã làm lễ hỏa táng Đức Phật.



PB191020-1.jpg

Những gì còn lại ở Sarnath, Varanasi, nơi Đức Phật thuyết giảng kinh kệ cho chúng sinh


Cuối cùng, chuyến tàu Thành Đô – Lasha cũng đưa tôi đến được miền đất của các chư thiên – Tây Tạng huyền bí. Choáng ngợp với một Tây Tạng hùng vĩ về thiên nhiên, huyền bí về tâm linh, chân tình mộc mạc trong cuộc sống của người bản xứ… với quá nhiều điều hay ho, mà một chuyến đi ngắn ngủi chỉ để mở đầu cho những mơ ước kế tiếp, tôi tìm đường sang Nepal trong những ngày thu xanh vời vợi, để rồi lại bị mê mệt, đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và tình người nồng hậu nơi đây.


PB190936-1.jpg

Rắc tro trên sông Hằng – để thỏa ước nguyện của những người không được hỏa táng bên bờ sông thiêng.


PB241683-1.jpg

Một sáng mai sớm ở Chùa Vàng – Thánh địa của đạo Sikkim, ở Amrista[/I]


PB221265-1.jpg

Thánh đường Hồi Giáo ở Delhi



PB260162-1.jpg

Tham dự một lễ cưới lúc 1 giờ sáng ở Agra – tự nhiên được mời!


Lần khân mãi, rồi cuối cùng tôi cũng rời Nepal và đặt chân được lên đất nước Ấn Độ vào một ngày mùa đông nắng vẫn tràn ngập, vẫn mênh mang khắp chốn… Như vậy, tôi đã đến Ấn Độ một cái nôi của văn minh nhân loại, một đất nước của huyền thoại, xứ xở của nhiều điều kỳ bí và cả nhiều mâu thuẫn…để bắt đầu hành trình hăm hở khám phá mới – dù đây không phải là lần đầu tôi đến Ấn Độ.


(tbc.)
 
Last edited:
@ oilman, ở Ấn Độ mọi thứ tương phản đến đáng ngạc nhiên và có thể gây sốc nếu bạn nào hơi “mong manh, nhạy cảm”. Khi đã quen và khi đã bỏ qua được những khó chịu chắc chắn sẽ gặp phải rất nhiều trên bước đường lang thang, chúng ta sẽ thấy một Ấn Độ khác hẳn, thú vị hơn nhiều, đúng là cái nôi của một nền văn hóa lớn. Hành trình từ tây sang đông của bạn hầu như tập trung hết tinh túy của Ấn Độ rồi còn gì, bao nhiêu là điểm must-see của LP đều nằm trên cung đường đó. Kể ra đi nghen bạn. Còn hành trình miền Nam Ấn cũng hay lắm bạn ơi!
............................................................................................


Ui sao mà câu nói tâm đắc thế, hik mình cảm nhận thấy việc đó nhưng ko biết diễn tả ra sao, thankss bpk nhiều nhé, bạn đã giúp cho nhưng ai yêu và muốn khám phá India thấy tự hào kinh khủng. Ai mới đến ấn độ cảm giác đầu tiên là "choáng và sốc" vì nó chả giống ai, nhưng càng khám phá càng tìm hiểu mình mới thấy họ là một dân tộc rất biết gìn giữ bản sắc của mình, dù cho bản sắc đó nhiều khi làm cho người khác phát sợ (như vụ thiêu xác cả tắm trên sông Hằng ý, hì thề với các bác hồi em nhìn thấy vụ đấy rợn hết cả người luôn, 1 cái xác người đang được ngâm trong sông trước khi mang đi thiêu thì cách đó tầm 100m, mấy bác cả già lẫn trẻ đang ngụp lặn tắm rửa :(:shrug: )
bpk cả oilman tiếp tục cho các bạn được mở mang thêm tầm mắt nhé. Thanks 2 u sooo much :L
 
Lướt nhanh qua Bodhgaya – 1

@ oilman, các hình ảnh và thông tin bạn chia sẻ thật tuyệt vời, bạn đang làm cho chuyến quay lại Ấn Độ của bpk gần hơn bao giờ hết. Ajanta & Ellora là 2 di tích đã được Unesco công nhận, là 2 trong những điểm must-see mà nhiều sách du lịch đưa ra. Đợt đó từ Bắc Ấn xuống Nam Ấn, bpk tuột nhanh quá nên không ghé được 2 điểm này cũng như một số điểm khác trong khu vực này, đành hẹn dịp sau. Cám ơn oilman nhiều nhiều!

@ aces, vẫn chưa thấy bạn kể chuyện đó nghen.
…...........................................................



Rời sông Hằng, tôi đến ga Varanasi vừa đúng giờ tàu chạy theo như thông tin trên vé, khi ở đoạn cuối con đường từ bờ sông đến ga, tôi đã phải nhảy khỏi rickshaw vác balo chạy bộ vì kẹt xe – cộng thêm cái tội là mải mê ngồi bên sông Hằng đến sát giờ mới lên rixkshaw. Thở hồng hộc như con trâu điên, tôi xông vào ga, xông đến anh soát vé, hỏi thăm chuyến tàu Varanasi – Gaya chạy ở đường sắt số mấy, đến chưa… rồi lại hốc tốc chạy đến đó. May quá, tàu vẫn chưa đến. Nhưng rồi vận may đã nhanh chóng chuyển thành nỗi buồn tê tái khi tôi lê la vật vạ ở đó để chờ đợi con tàu đi Gaya trong gần 3h kế tiếp. Khi nó đến, nó lại đổi sang đường ray khác chứ không phải đường ray mà tôi đang ngồi chờ. May mà hôm giờ tôi cũng đã quen dần với India-English nên nghe láng máng trên loa thông báo việc tàu đi Gaya đổi đường ray, hỏi thăm 1 lần nữa cho chắc rồi lại hộc tốc chạy sang đường ray kia. Ối trời đất ơi, thiệt là mệt cho mấy cái vụ tàu xe trên đất Ấn.


Nãy giờ chờ tàu tôi rất bồn chồn và khó chịu, không phải vì lý do tàu đến trễ mà vì cái kế hoạch đánh nhanh rút gọn của tôi đã tan tành mây khói theo con tàu đến muộn. Việc tàu đến trễ làm thời gian ở Bodgaya của tôi còn rất ít, chuyến đi viếng Bodhgaya của tôi thành chuyến cỡi ngựa xem hoa. Âu cũng là duyên số, nhưng dù sao cuối cùng tôi cũng đã đến được vùng đất Phật thứ 4 này – tạm nhủ với lòng là mình rất may mắn.


Số là tôi dự định đến Gaya vào xế trưa, nhảy xe autorickshaw đến Bodhgaya thăm viếng nơi đây từ chiều đến tối rồi tối khuya quay lại ga Gaya để lên chuyến tàu đêm đi Delhi. Một buổi chiều thì rất ít nhưng cũng có thể tạm đủ vì tôi chỉ muốn ghé thăm Đại Bảo Tháp mà thôi. Các chùa chiền xung quanh có thể nhiều, đẹp đẽ hoành tráng nhưng chắc cũng không khác là mấy so với chùa chiền ở 3 miền đất Phật kia là mấy. Hơn thế nữa là tôi có 3 người bạn đang đi bụi từ Nam Ấn lên Bắc Ấn, hẹn gặp nhau ở Delhi để xem thử mấy anh em có đi chung với nhau vài đoạn đường trước khi tôi xuôi Nam rồi các bạn ấy lại ngược Bắc tiếp tục hay không? Các bạn đã đến Delhi hôm qua và đang chờ tôi ở đó nên tôi đã lên kế hoạch Varanasi – Gaya – Delhi rất vội vàng. Đã vậy, chuyện trễ tàu lại làm cho kế hoạch của tôi càng thêm nát tan…


Tàu đến ga đã chậm giờ, chạy cũng chậm làm tôi sốt ruột vô cùng nhưng biết làm sao bây giờ. Kế hoạch là tàu Varanasi – Gaya đi từ 9.40g đến nơi khoảng 13.00g, nhưng thay vào đó 12.30g trưa tàu mới chạy từ Varanasi và đến Gaya lúc 16.30g. Thêm vào đó, việc hỏi thăm và mua vé tàu Gaya đi Delhi cũng phức tạp, đến khi xong xuôi là đã hơn 5.30pm, trời đã bắt đầu sụp tối.


Để tôi kể chi tiết hơn cái vụ bị xí gạt ở ga Gaya này nhé. Số là sau khi mua 2 cái vé tàu và được sự nhiệt tình giúp đỡ của các nhân viên của ga Gorakhpur và Varanasi, tôi rất tin tưởng ở họ. Khi đến ga Gaya cũng vậy, tôi cũng vào phòng Tourist Information ở đây nhờ mua vé. Phục vụ ở đây là 1 bác cũng trạc 60, khi tôi vào, bác ấy nói là sắp tới giờ về (gần 5pm) nhưng để tao ở lại giúp mày (!). Sau đó, bác ấy nói rằng đêm nay có 2 chuyến tàu từ Gaya đi Delhi, 1 chuyến tàu cao cấp và 1 chuyến tàu bình dân. Chuyến tàu cao cấp chạy trước và chạy nhanh hơn. Bình thường là tôi sẽ chọn tàu bình dân, nhưng nghĩ đến việc chờ tàu đến giữa đêm khuya ở 1 cái ga phức tạp, 2 nữa là tàu từ Gaya đi Delhi mười mấy tiếng, cũng không nên tiết kiệm quá mức, 3 là các bạn đang chờ mình ở Delhi mà mình tới trễ quá cũng kỳ. Thế là tôi đưa bác ấy số tiền mua vé đi tàu nhanh. Nhờ tôi trông coi văn phòng, bác ấy tất tả đi mua vé. Ngồi không rảnh rỗi, tôi mở cuốn sổ thông tin thì thấy trong đó có tên của 2 bạn người Việt nữa cũng đã nhờ bác này mua vé và lưu lại thông tin ở đây (mà sao các bạn ấy không cảnh báo mình về bác trai India trong cuốn sổ này hén (bằng tiếng Việt thì bác ấy đâu có biết)). Một hồi lâu, bác ấy quay về đưa tôi vé của chuyến tàu chậm và nói ”cả 2 tàu đều hết vé, tao phải chi thêm mới có vé cho mày đây”. Khoảng chi thêm đó khoảng 250Rp (khoảng 90.000VND thôi, gần bằng 2/3 cái vé tàu chậm), nhưng ôi trời đất ơi, tôi vừa bực mình vừa buồn cười vì dạn dày như mình còn bị bác này xí gạt. Thực tế lúc đó tôi cũng rất phân vân vì trời đã tối, nếu cự cãi với bác ấy, đi gặp trưởng ga thì cũng OK nhưng chưa chắc sau đó tôi mua được vé, rồi mất thêm thời gian, không đi được Bodhgaya. Do vậy tôi chỉ cười trừ, vào ga gửi hành lý rồi ra nhảy auto-rickshaw đi Bodgaya, vừa đi vừa buồn cười cho mình.


Trời đã sụp tối hẳn khi tôi vừa đặt chân đến miền đất Phật thiêng liêng Bodhgaya.

(tbc.)
 
Đợt tháng 10 vừa rồi em có đi tàu từ Dehli đến núi Abu ở vùng Rajasthan. Ở Dehli có tất cả 5 ga tàu đi các nơi. Tàu chạy lúc 10h tối, vậy mà lúc 10h30 tối, bọn em vẫn còn đang ngồi trên ô tô vì đường phố tắc kinh khủng, xe cộ đủ các loại chen chúc nhau, khói bụi...Các hàng quán hai bên đường thì vẫn sáng đèn. Xe đến nơi, tất cả vứt hành lý xuống xe rồi vơ hàng lý chạy thục mạng vào ga, bọn em may mắn có một bác Ấn độ dẫn đường nên đến thẳng toa tàu, vừa leo lên được tới nơi thì tàu chuyển bánh. Đêm đó may mà tàu đến muộn chứ không em sẽ lại lang thang ở ga như bác bp. Mà ga tàu Ấn độ thì ai đến một lần cũng khó mà quên được. Thế nhưng hôm đó khi ở trên xe giữa đoạn đường tắc, em không hề lo một chút nào, luôn nghĩ là mình sẽ lên tàu và sáng mai sẽ đến nơi cần đến.

Trên chuyến đi về, em gặp một bác người Nga đi theo đoàn khách Nga để làm phiên dịch, khi nói chuyện với bác ý về việc đi tàu của Ấn thì bác người Nga nói rằng: tàu Ấn thường hay đến muộn, các bạn không có gì phải lo cả, nếu các bạn đến muộn thì tàu sẽ đến muộn để chờ các bạn, nếu các bạn gặp khó khăn thì sẽ có người xuất hiện để giúp đỡ các bạn. Và đúng là như vậy
 
Last edited:
Lướt nhanh qua Bodhgaya – 2

(cont.)


(Nguồn L.P + net + wiki + bpk).


Miền đất thiêng Bodhgaya nằm cách thành Gaya khoảng 12km, có tên tiếng Việt là Bồ Đề Đạo Tràng, là nơi Đức Phật đã giác ngộ Phật pháp dưới cội bồ đề. Theo truyền thuyết, vào những năm 500 BC, hoàng tử Gautama Siddhartha, lúc này đã là một nhà tu đi khất thực, đã băng qua sông Falgu để đến Bodhgaya và đã ngồi thiền 3 ngày 3 đêm dưới một bóng bồ đề cổ thụ. Sau 3 ngày 3 đêm, Đức Phật đã đạt được giác ngộ và sự thấu hiểu. Trong 7 tuần tiếp theo, người vẫn tiếp tục ngồi thiền và kiểm nghiệm lại con đường tu hành của mình cũng như của chúng sinh. Sau đó, người đã đến Sarthna gặp các đệ tử đầu tiên và bắt đầu giảng dạy giáo lý nhà Phật ở đó. Lịch sử Bodhgaya đã được ghi chép trong nhiều tài liệu, quan trọng nhất là tài liệu của các vị cao tăng TQ Pháp Hiển, Huyền Trang đã hành hương đến nơi này vào TK IV, và VII công nguyên.


Ở Bodhgaya, điểm thu hút khách hành hương là ngôi đền Mahabodhi, còn gọi Đại Giác Ngộ Tự hay Tháp Đại Giác đã được vinh danh là di sản thế giới, di tích Unesco vào năm 2002. Mahabodhi, được xây dựng vào TK VI công nguyên, nằm ngay trên vị trí của ngôi chùa được quốc vương Ashoka xây dựng 8 thế kỷ trước đó (vào thế kỷ III trước CN). Sau khi bị san bằng bởi những đội quân Hồi giáo vào TK XI, ngôi chùa đã trải qua nhiều lần tu sửa phục chế, lần cuối cùng là vào năm 1882. Đỉnh là ngọn tháp cao 52m, bên trong ngôi chùa có tượng Phật ngồi cao 2m bằng đá mạ vàng được tạc vào những năm 380 AD. Tư thế ngồi thanh thản và dáng ngồi hướng về phía Đông y như tư thế của ngài bên gốc bồ đề năm xưa. Bên ngoài chùa, có 4 viên đá có niên đại từ 184-72 BC. Do ngôi chùa hiện nay được trùng tu bởi các Phật tử Myanmar nên Đại Giác Ngộ Tự có kiến trúc và điêu khắc theo phong cách Myanmar. Mặt tiền của tháp trung tâm có các hốc bên trong có những pho tượng Phật giáo.


P3100358-1.jpg



P3100381.jpg

Một ngôi chùa ở Sangkhlaburi, biên giới Thailand - Myanmar có kiến trúc Myanmar, giống Đại giác ngộ tự


Theo nhà khảo cổ người Anh Alexander Cunningham, người đã vận động trùng tu lại thánh địa Bodhgaya vào năm 1882, cây bồ đề nguyên thuỷ đã bị đốn bởi vợ quốc vương Ashoka. Cây bồ đề hiện nay, được trồng bởi người Anh vào cuối TK XIX, được chiết ra từ cây bồ đề ở Sri Lanka, mà cây bồ đề ở Sri Lanka này vốn là được trồng từ một nhánh của cây bồ đề nguyên thủy, đã được công chúa Sanghamita, con vua Ashoka mang sang và trồng ở Sri Lanka vào thế kỷ III BC. Dù sao, cây bồ đề mới cũng đã được trồng đúng ngay vị trí của cây bồ đề cũ mà Đức Phật đã ngồii thiền từ 2.500 năm trước. Phiến đá đỏ giữa cây và ngôi chùa, được đặt tại đây bởi quốc vương Ashoka, để đánh dấu đây chính là nơi ngày xưa Đức Phật đã ngồi dưới bóng bồ đề và đắc đạo.


Bodhgaya ngày nay thường được ví von là một “Liên Hợp Quốc Phật Tự” vì tập trung rất nhiều chùa của các quốc gia và lãnh thổ như Bhutan, Đài Loan, Myanmar, Nepal, Nhật Bản, Sri Lanka, Tây Tạng, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam…


Người Nhật xây dựng tại đây một tượng Phật bằng đá trắng cao hơn 20m có tên là Đại Phật (The Great Buddha Statue), với kinh phí lên đến cả triệu USD, hai bên là hai dãy tượng 10 vị đại đệ tử của Đức Phật kích thước cao bằng người thật.

Hoàng gia Thái Lan xây dựng ngôi chùa đồ sộ vào năm 1957 với mái cong vút được mạ vàng óng ánh rất công phu đến từng chi tiết. Chùa Trung Quốc có ba tượng Phật ngồi kích cỡ lớn cùng với hình ảnh Vạn Phật khắc trên khắp bốn bức tường.

Các chùa khác như của Bhutan, Đài Loan, Myanmar, Sri Lanka… mỗi ngôi đều mang một vẻ độc đáo riêng với lối kiến trúc đặc thù theo truyền thống Phật giáo của từng nước.

Hiện nay Việt Nam có 4 chùa tại đây. Đó là Việt Nam Phật Quốc Tự của thầy Huyền Diệu, chùa Độ Sanh của một nhà tu hành người Mỹ gốc Việt, chùa Viên Giác của một nhà tu hành người Đức gốc Việt và tịnh xá Kỳ Hoàn của thầy Thích Giác Viên đến từ Vũng Tàu.


(tbc.)
 
Lướt nhanh qua Bodhgaya – 3

(cont.)


Tôi đến Bodhgaya lúc trời đã sụp tối. Những ngày đông này tuy còn nhiều nắng nhưng ngày vẫn tắt rất nhanh. Chiếc autorickshaw thả tôi ngay con đường bên hông chùa Đại giác, phải đi gần 1 vòng mới đến con đường trước cổng chùa. Hàng quán 2 bên đường đang lục tục dọn dẹp vì khách hành hương đi đến trong ngày đã rời Bodhgaya, chỉ còn những khách nào ngụ lại đây hoặc khách lang thang muộn như tôi giờ mới còn ở lại đây.


PB201200.jpg

Bạn đã đến Đại giác tự, Bodhgaya rồi đấy. Chúc mừng bạn!


Theo huớng của những ngọn đèn chiếu sáng tôi đi về chùa. Ngoài đường tuy không còn nhiều người đi lại thế nhưng tôi lại ngạc nhiên khi thấy trong con đường nhỏ trước cổng và trong khuôn viên chùa đông ơi là đông những người đến thăm viếng và cả những người đang ngồi nghe kinh hay tu tập xung quanh tháp lớn. Biết không có nhiều thời gian ở đây và cái máy hình cùi bắp của tôi không chụp được vào buổi tối, tôi loay hoay chụp hình đại tháp của chùa trước tiên. Đang bon chen tìm chỗ đứng, góc đủ sáng (chứ không cần đẹp) để chụp hình chợt có ai đó vỗ vai tôi. Tưởng là chú bảo vệ nào kêu tôi tránh chỗ hay không được chụp hình nơi này tôi quay lại. Té ra là 2 thanh niên Ấn Độ thấy tôi tự xử nãy giờ hỏi rằng tôi có muốn dán cái mặt vào một tấm hình nào đó không. Dĩ nhiên là tôi nhận lời, không phải là vì ở đây đông người không sợ các bạn ấy cầm máy hình chạy mất (!?) mà vì các bạn ấy hết sức thân thiện. Làm xong vài kiểu các bạn ấy bắt chuyện và hỏi thăm thông tin. Tôi cũng vui vẻ chuyện trò một phần vì cũng tò mò muốn biết tư tưởng của một người Ấn theo đạo Phật như thế nào ở quốc gia Hindu giáo này. Các bạn ấy vì sinh ra và lớn lên ở đây nên tư tưởng nghiêng theo Phật giáo nhiều chứ không nghiêng về Hindu giáo và như những Phật tử khác, họ luôn tranh thủ viếng thăm chùa chiền khi có dịp. Các bạn ấy rất vui vẻ, làm trong ngành IT và ở tận Delhi, kỳ này về thăm quê, tranh thủ viếng chùa luôn. Các bạn ấy hỏi tôi đủ thứ linh tinh về quê nhà, về cảm nhận Ấn Độ… đủ một vòng đi bộ quanh khuôn viên chùa theo dòng người đi lễ, rồi chia tay. Lúc này tôi mới bắt đầu đi vào trong chùa để thăm viếng, lòng vui vui vì những người bạn mới thoáng qua và sẽ không gặp lại trong đời.


PB201206.jpg



PB201203.jpg

Đại giác tự trong đêm


Đến Bodhgaya, không ai có thể bỏ qua việc đến chiêm bái và khấn vái trước bức tượng Phật nổi tiếng trong chùa Đại giác. Bức tượng đá được phủ vàng này được hoàn thành vào thế kỷ IV Công nguyên, mô tả tư thế của đức Phật lúc người giác ngộ Phật pháp dưới cội bồ đề. Có nhiều truyền thuyết về bức tượng này mà có bạn đã chia sẻ trên diễn đàn nên tôi không nhắc lại, chỉ biết là khi quỳ lạy trước người, tôi cứ lạnh toát trong người vì lý do nào chẳng rõ. Pho tượng, chỉ là pho tượng nhưng toát lên thần khí sắc rất khác thường. Có thể thấy rõ sự khoan dung hiền từ, cũng có thể thấy rõ sự anh minh thông tuệ, cũng có thể thấy rõ thần thái uy nghiêm… của Người, toát lên rất rõ. Sau khi vái lạy xong tôi rút lui ra ngoài, nhường chỗ cho 1 đoàn người dài dằng dặc đang lặng lẽ chờ. Tôi kiếm một chỗ ngồi me mé bên ngoài, có thể nhìn vào được trong chánh điện, ngồi xuống và chiêm bái, thật lâu.


PB201212.jpg

Tượng Phật trong Đại giác tự


PB201211.jpg

Từ ngoài nhìn vào


Hồi lâu, tôi nhẹ nhàng đứng lên, bắt đầu lang thang tiếp trong chùa.

(tbc.)
 
Lướt nhanh qua Bodhgaya – 4

(cont.)


Chùa đêm rất đông nhưng không ồn ào. Rất nhiều phật tử và thiện nam tín nữ đi vòng quanh chùa, vừa đi vừa lần tràng hạt hoặc lâm râm tụng niệm. Trong các khoảng sân bên hông và phía sau chùa, nhiều đoàn tăng ni đang ngồi trật tự dưới đất để tu tập hoặc nghe giảng kinh kệ. Không khí thấm đẫm sự tôn nghiêm.


Trước khi đi cầu nguyện theo vòng tròn lớn quanh chùa, như thói quen tôi vẫn làm khi ở các chùa Tibet, tôi làm một vòng tròn nhỏ quanh chùa trước, mà điểm dừng đầu tiên là ngay sau chùa, nơi có cây bồ đề hơn trăm năm tuổi, mọc đúng nơi vị trí của cây bồ đề năm xưa đức Phật đã ngồi khi đắc đạo. Dĩ nhiên là cây được rào kín và không có chiếc lá nào rơi rụng trên sân. Tôi không đứng để chờ lá rơi vì tôi đã mang theo từ Kushinagar những chiếc lá bồ đề trong khu vườn (được cho là) đã tiến hành nghi lễ hỏa táng đức Phật khi người nhập cõi Niết bàn. Với tôi, một kẻ lang thang nhiều sân si tội lỗi, như vậy đã là quá đủ!


PB201245.jpg



PB201238.jpg

Cây bồ đề linh thiêng.


PB201241.jpg

Phiến đá Ashoka ghi dấu nơi ngày xưa đức Phật đã ngồi và đắc đạo.


Nhưng tôi vẫn dừng lại nơi đây thật lâu, ngắm nhìn cây bồ đề thiêng, ngắm nhìn dòng người thành kính vái lạy khi qua đây, ngắm nhìn phiến đá của quốc vương Ashoka bên dưới cội bồ đề, đánh dấu nơi ngày xưa Phật đã ngồi… mải rồi tôi mới đi tiếp, rồi tôi lại vòng lại… nhiều lần.


PB201221.jpg

Một vị trí linh thiêng


Bên ngoài chùa, phật tử cúng dường ở nhiều vị trí linh thiêng khác, như nơi đánh dấu vị trí đức Phật đã ngồi thiền vào tuần lễ thứ 3 sau khi đắc đạo, tuần lễ thứ 7… và tôi rất yêu những bông vạn thọ được đơm đầy trong những chiếc đĩa để cúng dường tỏa hương dịu nhẹ hăng hắc lan tỏa nơi nơi. Tôi đã nhiều lần chia sẻ với các bạn là tôi yêu hoa vạn thọ, nhưng lần này tôi cũng phải nhắc lại là tôi rất yêu quý loại hoa dân dã, luôn gợi nhớ trong tôi kỷ niệm êm đềm của những cái Tết nghèo êm đềm ngày quê xưa. Nhiều khi lang thang trên đường gió bụi, chỉ một cụm vạn thọ vàng dân dã mộc mạc cũng đủ làm tôi ấm lòng, cả những lúc đang cô đơn cùng cực.


PB201220.jpg

Vạn thọ yêu thương!


PB201223.jpg

Một góc nhìn khác về Đại giác ngộ tự


Mải miết lang thang trong chùa, sau khi đã đi mấy vòng chùa theo dòng người thành kính, vào ra lại chánh điện để chiêm bái tượng Phật… tôi cũng đã định về, vì sợ rằng nếu về khuya quá không còn xe để về lại Gaya nhưng chợt tôi nghe thấy ai đó đang nói tiếng Việt. Rất vui mừng tôi đi đến và thấy 3 vị sư cô đang nói chuyện với nhau, tôi xông đại tới tự giới thiệu luôn. Chẳng hiểu làm sao tôi lại quá vui mừng khi gặp được người Việt ở vùng đất linh thiêng, hay là tại tôi đã xa nhà quá lâu? 3 sư cô này là người Việt nhưng lại là Việt kiều, 2 cô ở Đức, 1 cô ở Pháp, cũng đã lâu lắm không về quê nhà nên cũng rất vui khi gặp con cháu từ quê sang. Cô ở Pháp thì ngụ tại Việt Nam Phật Quốc Tự, 2 cô kia ở chùa Viên giác vì 2 cô đến từ chùa Viên giác ở Đức. Cả 3 cô cũng ngạc nhiên khi thấy tôi chỉ đi một mình từ quê nhà sang đến tận đây mà chỉ bằng đường bộ và đều rất lo lắng cho tôi khi biết rằng tôi vẫn chưa có chỗ ngụ tại Bodhgaya này. Sư cô ở Pháp bận việc nên về trước, 2 sư cô của chùa Viên giác, cô Đồng Y. và cô Đồng K. (tôi xin phép không nêu tên ở đây) rất nhiệt tình và đầy thương mến với kẻ lang thang bụi bặm này, làm tôi muốn rớt nước mắt. 2 cô kêu tôi hủy vé tàu đi Delhi, ở lại đây một đêm, rồi cho lại tôi tiền vé để ngày mai hẵng đi. Rồi 2 cô kêu tôi về chùa lấy cơm cho tôi ăn, hỏi thăm đủ đều hết… Tội nhất là tôi nghe 2 cô thì thầm với nhau khi hỏi tôi giá vé bao nhiều, rồi nói với nhau là ở Đức số tiền đó không đáng không là bao nhiêu chứ ở Việt Nam là cũng nhiều lắm… sau đó 2 cô mới quay qua nói là sẽ cho tôi tiền vé… Tôi thì nghèo thật nhưng làm sao tôi có thể lạm dụng tấm chân tình đó, nên tôi thưa thật với 2 cô rằng tôi phải đi vì đồ đạc tôi đang để ở ga, bạn tôi đang đợi ở Delhi… 2 cô cũng xuôi xuôi nhưng cứ kêu tôi đi với 2 cô về chùa để kiếm gì lót bụng. Tôi đưa 2 cô về chùa Viên giác, 2 cô phải đến phòng tu tập ngay nên chỉ đường cho tôi ra sau rửa ráy và chỉ bếp cho tôi vào lục cơm nguội, dặn dò tôi cứ tự nhiên như ở nhà… rồi 2 cô vội vã đi để tôi tự do một mình trong chánh điện thênh thang. Tôi vô cùng xúc động nhưng nghĩ rằng mình không nên lạm dụng quá mức. Tôi chỉ ra sau rửa sạch bụi bặm của một ngày dài lang thang, lên chánh điện thành tâm khấn vái, rồi đi…


PB201246.jpg

Chùa Viên Giác ở Bodhgaya.

Tôi lao nhanh ra con đường tối đen và vắng tanh, lòng nghẹn lại… Sao tôi không thể ở lại Bodhgaya đêm nay?


(tbc.)
 
Lướt nhanh qua Bodhgaya – 5

@ 2LuaMienTay, hix, phải chi mà bpk gặp bạn trước và nghe được lời khuyên của bạn thì tốt biết mấy. Nhưng chuyện đã lỡ rồi. Bởi vậy trên đời mới có 2 chữ “Giá như…” mà nhiều người rất thích xài, trong đó, đặc biệt có bpk!
...............................................................

(cont.)

Lòng nặng trĩu, tôi ra đường đón xe về ga Gaya, nhưng làm gì còn xe nào chạy giờ này vì đã hơn 8 giờ tối, khách nào đến đây thì ở lại đây luôn chứ còn về làm chi. Thật ra 13km thì đi bộ cũng được, khoảng 2h là cùng nhưng đường tối đen tối mù vắng tanh vắng ngắt như kia mà đi bộ thì lỡ có chuyện gì thì tèo!!!

Lo lắng, tôi ngược xuôi trong Bodgaya tìm các xe autorickshaw để hỏi họ có chạy ngược về Gaya hay không thì bị hét giá trên trời dưới đất. May mắn thay, cuối cùng có 1 chiếc autorickshaw chở mấy người dân Ấn có việc gì muộn ở Gaya vừa đến và xe đang quay đầu lại để về không. Tôi chận lại và được hét với cái giá rẻ, gấp 1,5 lần so với lúc chiều nhưng cũng gật đại một cái cho nó xong chuyện rồi leo lên xe. Bây giờ kể lại thì thư thái lắm chứ lúc đó thì lòng dạ ngổn ngang trăm mối tơ vò…


Về đến Gaya, kẹt xe! Thế là tôi lại xuống xe đi bộ lon ton đến ga. Ôi trời đất ơi thiên hạ đã chiếm hết sân ga, chiếm cả chỗ của tôi để ngủ hết trơn rồi. Nghĩ đến cảnh lát nữa phải đến đây trải giấy báo ngồi (hoặc) nằm chờ tàu đến 2g sáng, ôi thôi là hãi hùng.


PB201249-1.jpg



PB201248-1.jpg

Chờ tàu ở ga Gaya. Bạn có thấy bpk trong đó không? Mình cũng lê lết như vậy đó, cũng thành dân bản xứ mất tiêu rồi!


“Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu…”! Buồn tình cái cảnh chờ tàu lê lết quá, tôi bèn đi lấy cái balo đã gửi vì cũng đã gần đến giờ đóng cửa khu gửi hành lý, đeo balo đi lang thang rồi mới nhớ là từ sáng đến giờ chưa có cái gì vô bụng, mới tiếc làm sao tô cơm nguội chưa được ăn ở chùa Viên giác! Cũng may là có cái nhà hàng gần ga, trông cũng sạch sẽ còn mở cửa, tôi đi vào. Buồn tình quá, nhìn quanh quẩn không thấy bia bọt gì hết, bèn hỏi thăm thử chú phục vụ nhiệt tình. Nào ngờ, chú OKie, rồi lát sau đem ra cho tôi một cái chai quấn giấy báo và 1 cái ly gói giấy hồng xinh xắn. Tôi tưởng là nhà hàng làm thế cho sạch sẽ hoặc để giữ lạnh bèn tính lột ra thì chú ấy ngăn lại, nói rằng cấm bán bia trong nhà hàng này, chú ưu tiên cho tôi vì là “người nước ngoài”! Té ra là vậy, đạo Hindu cũng cấm bia rượu sao trời. Ngồi nhìn cái chai bọc trong giấy báo chợt nhớ ngày nào lang thang ở Thổ Nhĩ Kỳ, cũng y chang vậy, bia lon bia chai gì cũng quấn giấy báo, mà rượu của xứ xở Hồi giáo cấm rượu bia Thổ Nhĩ Kỳ lại ngon tuyệt. Nhớ nhất cái chai rượu Lion’s Milk xách về Việt Nam xách về Saigon mời bạn bè làm cả nhóm lâu lâu lại thòm thèm nhắc đến! Chẹp, mới vừa trong đất Phật ra giờ lại bia rượu… làm sao tu nổi đây trời…


PB201247.jpg

Bia quấn giấy báo nè…


Rồi nhà hàng cũng đóng cửa, hết chỗ đi, tôi phải quay lại ga và trà trộn vào đám người đang mê mệt chờ tàu. Mình cũng phải như họ tôi. Mãi đến hơn 2.30g sáng tàu mới đến. Lên tàu lại cự cãi nhau um sùm vụ ghế ngồi với thằng ku Ấn độ kia làm cả chuyến đi mất vui vì thắng ku đó cũng ngồi tiếp kế bên tôi mãi đến Delhi, nghĩa là 2 cái mặt sừng sộ nhau từ 2.30g sáng đến 7g tối ngày hôm sau.


PB211250.jpg

Một dãy phố nhìn thấy từ con tàu Gaya – Delhi, cứ tưởng như ở Banda Aceh vừa trải qua sóng thần!!!


Vậy đó, và giờ đây, tôi đang vui mừng cụng ly côm cốp với bạn bè tại Delhi. Bia cũng che lại và được rót vào trong cái ly sứ, để khỏi bị nhìn thấy. Mặc kệ, dù sao có bạn, có bia là vui rồi.


PB211251.jpg

“Say cheers!” – Delhi vừa đến.


Xin chào Delhi!
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,715
Bài viết
1,155,077
Members
190,160
Latest member
gamethekings
Back
Top