What's new

[Chia sẻ] 3 tuần camping & hiking miền Tây nước Mĩ

Có câu: "ở Mĩ 100 năm là cổ kính; ở châu Âu 100 dặm là chặng đường dài". Nếu chỉ nhìn trên bản đồ thì không thực sự cảm được nước Mĩ rộng lớn đến chừng nào. (Nên em là em bái phục những bác đánh đông kích tây chỉ trong 2 tuần.) Hơn thế nữa, nước Mĩ lạc hậu, ngoài các cụm đô thị lớn thì không đầu tư phát triển giao thông công cộng, đi đâu cũng phải lái xe. Thế nó mới đẻ ra cái kiểu du lịch roadtrip.

Em cũng từ lâu ấp ủ một chuyến roadtrip lều trại để đời. Sinh ra và lớn lên ở thành phố, thiếu vitamin thiên nhiên từ nhỏ nên giờ em rất hứng những chỗ đồng không mông quạnh. Và còn gì thú hơn khi đi từ vườn quốc gia (National Park/NP) này sang NP khác, phóng xe trên đường thênh thang, tóc tung bay theo gió. Nhưng vì thiếu các yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa nên đến năm ngoái em mới thực hiện được chuyến đi này. Và đến hơn 1 năm sau em mới ngồi viết kể lể cho mọi người nghe.




Thông tin chuyến đi


Thời gian: 21 ngày từ 26.7-16.8.2012

Quãng đường: 5400km (theo đồng hồ xe)
Cung đường:
California: Oakland – vườn quốc gia Yosemite National Park (NP) – Sequoia NP – Bakersfield – Nevada: (Las Vegas) – vườn tiểu bang Valley of Fire State Park (SP) – Utah: Zion NP – (Bryce NP) – Escalante National Monument – Capitol Reef NP – Arches NP – Manti-La Sal National Forest (cạnh TP Provo) – (Salt Lake City) – Idaho: Boise National Forest (cạnh TP Boise) – Oregon: Bend – Crater Lake NP – Medford – California: Redding – Humboldt Redwood State Park – Oakland.

(Las Vegas và Salt Lake City chỉ đi qua nên cho vào ngoặc để mọi người dễ hình dung cung đường.)

9831702716_7d9c8d40c4_c.jpg
[/url] http://www.flickr.com/photos/24695798@N05/9831702716/

Phương tiện: ô tô

Ngủ:
- ngủ nhờ nhà bạn ở Oakland 2 tối, và 1 tối ở mỗi nơi sau: Bakersfield, Medford, Redding.
- hostel 1 đêm ở Arches NP
- còn lại là camping, và bọn mình camp chui hoặc những chỗ không mất tiền. Lí do là vì không thể đặt chỗ trước khi không có lịch trình cụ thể. Sáng dậy bọn mình mới tính đi hay ở, và nếu đi thì đi bao xa.

Ăn uống:
Thỉnh thoảng đi ăn ngoài, nhưng chủ yếu là tự nấu lấy. Ở các khu cắm trại thường có bếp nướng bbq grill, và bọn mình có bộ đồ nấu dã ngoại nhỏ gọn tiện lợi (xong nồi tháo rời, bếp 3 chân).
Bọn mình chú trọng ăn uống nên tự nấu là tốt và rẻ nhất. Bữa sáng bao giờ cũng có trà, cà phê. Trưa bọn mình thường đi hiking nên làm sandwich mang theo cho nhẹ nhàng. Tối thì có pasta, steak, cá hồi, bia rượu đầy đủ.

Chi phí:
- Thuê xe: $425 (không mua bảo hiểm vì đã có sẵn)
- Chi phí dọc đường cho 2 người: $1200 (+/- $50 vì có những khoản làm tròn) bao gồm xăng xe, đồ ăn uống, ngủ nghỉ, một số đồ dã ngoại
- Chi phí trung bình mỗi ngày $30/người, nếu tính thêm tiền thuê xe thì là $40.5/người

Vé tham quan: Để đi NP các bạn nên mua National Park Pass, cực lợi. Pass chỉ có $80 mà thời hạn là 1 năm, cho vào tất cả các vườn quốc gia và các khu vui chơi liên bang (federal recreational land) trên toàn nước Mĩ.
Mặt sau của pass có chỗ dành cho 2 chữ kí. Chỉ cần 1 người kí, xuất trình thêm ID tại cửa, là có thể bao luôn toàn bộ người trong xe (ở những nơi thu vé theo xe) hoặc bao thêm 3 người lớn (ở những nơi thu vé theo đầu người).
Dùng xong, nếu vé còn thời hạn, bạn có thể tặng hoặc bán lại cho người khác dùng vì vẫn còn trống 1 chữ kí.
 
Xứ gấu

Bang Cali được gọi là xứ gấu bear country. Trên lá cờ tiểu bang là hình chú gấu xám to đùng. Tuy nhiên, thực chất thì gấu xám Cali đã bị tuyệt chủng từ lâu do săn bắn. Gấu ở đây bây giờ là loại gấu đen khá hiền lạnh. Nếu bất ngờ chạm trán một con gấu đen vài trăm kí thì ai chẳng sợ, nhưng người ta nói mình thấy sợ bao nhiều thì nó còn thấy sợ gấp mấy lần. Đối với gấu đen, bạn phải vung tay vung chân khua khoắng loạn xị ngậu gào thét để “hù” nó, rồi chậm chậm đi giật lùi (không quay lưng về phía gấu). Cách này tuyệt đối không áp dụng với gấu xám, vì gấu này dữ hơn nhiều. Nhớ ngày xưa học cấp 1 có bài 2 người bạn gặp gấu trong rừng, một người giả chết một người leo cây. Con gấu này chắc là gấu xám đó, vì gấu đen leo cây rất giỏi, và nếu thấy không động đậy gì thì gấu đen sẽ lại gần khám xét kĩ lưỡng coi có ăn được không.

Mặc dù bảng đề Bear Country được đóng chi chít khắp nơi và đi chỗ nào mình cũng ngó nghiêng nhưng cuối cùng thì vẫn bặt tăm hơi chẳng thấy gì nên giờ không có ảnh để khoe.

Dẫu vậy, bất kì ai đi leo núi hoặc cắm trại trong vùng bear country đều phải tuân thủ cực kì nghiêm ngặt chuyện bảo quản, cất giữ thức ăn. Gấu có thính giác siêu nhạy và thường mò đến các bãi cắm trại, bãi đỗ xe để lục lọi kiếm cơm. Chỉ cần một lần lục được dễ dàng, gấu sẽ quay lại và gấu mẹ sẽ truyền lại tính xấu này cho gấu con. Cất thức ăn trong lều hoặc trong ô tô là cực kì nguy hiểm vì gấu sẽ xé lều, đập vỡ cửa kính để lục đồ. Vì vậy, tất cả các bãi trong rừng và vườn quốc gia đều có các thùng sắt thiết kế đặc biệt để mọi người giữ đồ ăn và đổ rác.

Bọn mình hơi xui vì đi Yosemite NP đúng vào dịp cuối tuần. Tháng 7, tháng 8 là 2 tháng cao điểm ở các vườn quốc gia. Rồi thêm cuối tuần nên nhiều gia đình, đoàn thể đi chơi. Và đây lại là Yosemite nên cả dân bắc và nam Cali đều kéo tới. Để có chỗ cắm trại trong những dịp như thế này thì phải đặt chỗ trước 1, 2 tháng là chuyện bình thường. Buổi sáng lái xe qua cổng đã được thông báo là không có chỗ trống. Bọn mình cũng đoán trước như vậy, và đã tính cuối ngày lái xe ra ngoài tìm chỗ trong state park để dựng lều. Hi hi, cả nghìn người khác cũng nghĩ tương tự. Lái xe 1 tiếng đồng hồ dò dẫm qua các khu state camping ground, tất cả đều chật ních những người là người. Cuối cùng, bọn mình tạt vào một chỗ picnic (day campground) để nấu nướng vì đã tối, cầu trời khấn phật là không có người đến kiểm tra để ngủ chui ở đó. Kế hoạch thất bại thảm hại. Đang xào xáo thì có xe của park service chạy vào. Cũng may bác ấy tốt bụng nên chờ bọn mình nấu ăn xong thì mới đóng cổng.

Trước đó bọn mình có lái xe qua 1 chỗ pull-over (bên lề đường cho xe đỗ) và thấy mấy chiếc RV (xe cắm trại) ở đấy. Vậy là le te chạy về đó để biến chiếc Kia Rio thành 1 chiếc RV. Tiếc là xe nhỏ và phía sau lại đầy đồ nên không thể ngả ghế sâu. Nằm được vài phút khó chịu quá nên quyết định dậy dựng lều. Vì là nền bê tông nên không thể cắm cọc, rất may là vì mình có thói quen mang theo kim chỉ, dây rợ, ghim kẹp nên cuối cùng dã chiến thế này đây.

http://www.flickr.com/photos/24695798@N05/9851766293/
 
Chúc mừng bác đã hoàn thành cung đường 'giấc mơ Mỹ'. Bọn mình đang hóng chờ các thông tin thêm của bác. Việc thuê xe và tuân thủ luật lệ trên đường có gì phức tạp không bác?
 
Chúc mừng bác đã hoàn thành cung đường 'giấc mơ Mỹ'. Bọn mình đang hóng chờ các thông tin thêm của bác. Việc thuê xe và tuân thủ luật lệ trên đường có gì phức tạp không bác?

Chào bác,

Thuê xe:
- Các công ty chỉ nhận thẻ tín dụng (hình như một số nơi giờ có cho người Mĩ thuê bằng thẻ debit, nhưng với người nước ngoài là không thể)
- Bảo hiểm: Cần có, nhưng nếu phải mua bảo hiểm của hãng thuê xe thì hơi chát.
Một số thẻ tín dụng (visa, mastercard) có bảo hiểm khi bác trả bằng thẻ, nhưng bảo hiểm thường chỉ dành cho chuyến đi dưới 2 tuần. Nếu hơn thì không được.
- Lái xe: nếu lái dưới 25 hay đăng kí thêm lái thì giá thuê sẽ tăng lên đáng kể. Dĩ nhiên lái chui cũng được nhưng phải chấp nhận chịu hậu quả. Em lái chui vì để lái chính lái toàn bộ quãng đường như vậy là quá cực.
- Kiểm tra xe: cần kiểm tra mọi ngóc ngách kĩ càng, có gì trầy xước hỏng hóc thì ghi thẳng vào biên bản thuê xe trước khi kí. Nên chụp ảnh xe để tránh phải cãi nhau sau này, nhất là nếu mình phải về nước không có thời gian ở lại tranh luận kiện cáo.

Luật lệ: Thực ra em đã lái ở Mĩ 1.5 năm nên chỗ nào người dân hiền lành thân thiện thì em lái được. Còn những chỗ gấu như Cali mà lại giờ cao điểm nữa thì em chịu.
Ở Việt Nam em cũng đầu hàng vì nhát và không hiểu luật "rừng". Còn từ Việt Nam qua Mĩ, em thấy mọi người hay kêu là dễ, nhưng em nghĩ vẫn phải chú ý một số luật cơ bản. Ví dụ như hồi lái xe ở Mĩ, em có mấy lần đưa các chị Việt Nam đi chơi. Các chị này ở nhà đều lái xe nhé, và các chị ấy hỏi: "Sao em cứ vừa lái xe vừa ngoái cổ lại vậy? Ở nhà mà như vậy thì chắc chắn là sẽ đâm ngày vào đứa đằng trước hoặc đứa lượn đầu." Còn ở Mĩ thì ngược lại bác ạ, đi tốc độ cao lúc mình chuyển/nhập làn mà không head check lại điểm chết thì tai nạn như chơi.
Các luật tiểu bang thì có thể xê dịch 1 chút. Ví dụ như bọn em, một sáng từ chỗ cắm trại đi ra, tới đường chính thấy có xe cảnh sát đỗ nên cũng rất ngoan ngoãn đi đúng tốc độ (bình thường những chỗ vắng người toàn phóng thả phanh). Vậy mà bị cảnh sát chạy theo rú còi inh ỏi. Hóa ra do bọn em đi làn bên trái, mà ở bang này thì làn trái chỉ được dùng để vượt thôi. Trên đường hình như cũng có biển báo nhưng bọn em không để ý. Rồi thấy mình là dân ngoại bang, mặt mũi hiền lành sáng sủa, nhận lỗi rối rít nên họ cũng bỏ qua cho đi thôi.
 
Cảm ơn fresh-air về thông tin rất hữu ích. Công nhận là sẽ có những điều mình không ngờ tới khi đến một miền đất mới, kể cả nơi mình đang sống. Nhưng càng hiểu biết và chuẩn bị thì càng đỡ phiền toái. Có lẽ mình sẽ giành thời gian để đọc luật khi lái xe ở Mỹ một lượt cho có 'cơ bản'.
Vì có ít thời gian (~12 ngày cả nghỉ ngơi) nên bọn mình sẽ không chạy lên Oregon, mà chạy theo 'con đường các National Parks Us-89, để qua Antelope slot và theo đường ven biển LA-SF.

À, mà bác ăn uống trên đường thế nào nhỉ?
 
Last edited:
Chuyến đi thú vị quá :D.
Viết tiếp đi anh ơi, tháng 9 tháng 10 năm sau em cũng định làm chuyến roadtrip :D. Mong được anh chia sẻ hành trình :D
 
Vì có ít thời gian (~12 ngày cả nghỉ ngơi) nên bọn mình sẽ không chạy lên Oregon, mà chạy theo 'con đường các National Parks Us-89, để qua Antelope slot và theo đường ven biển LA-SF.

À, mà bác ăn uống trên đường thế nào nhỉ?

Hehe, cái ảnh "giấc mơ Mĩ" ở trên của em là US89 đó bác, đoạn Bryce NP. Em nhớ là vì chỗ đấy chả có ma nào, phóng xe tinh thần cứ lên phơi phới theo gió.

Đường 101 thì đẹp nổi tiếng rồi, đặc biệt là đoạn Big Sur.

Ăn uống bác muốn hỏi gì? Em nói qua ở trên rồi đó. Đa số là tự nấu. Bọn em mua 1 cái thùng đá cooler, cứ 2, 3 hôm lại đi chợ 1 lần mua đá với thức ăn tống vào đấy. Các chỗ picnic và khu cắm trại đều có bbq grill, mua than nhóm lửa nướng rau quả, thịt cá. Bộ bếp ga du lịch thì cũng thích gì nấu vậy thôi. Pasta, trứng tráng, rau xào thập cẩm, xà lách trộn, đủ cả. Thỉnh thoảng đi qua thị trấn thì ghé vào ăn pizza, burger. Vùng này không có gì nổi trội về mặt ăn uống (trừ đoạn ở Bend, Oregon - thủ phủ bia microbrewery của Mĩ).
 
Yosemite

Vào cổng NP, bạn sẽ được phát 1 brochure và 1 tờ bản tin. Tờ brochure có bản đồ tổng thể, chỉ dẫn hiking trail, chỗ cắm trại. Ngoài ra còn giới thiệu các thông tin cơ bản như địa hình, địa chất, hoa lá, thú vật. Tờ bản tin cập nhật thông tin từng tháng, từng mùa, ví dụ tin cháy rừng, sạt lở, rồi thông tin hoạt động của phòng tham quan (visitor center) như chiếu phim, đi bộ có người hướng dẫn (guided walking tour). NP nào cũng có một phòng tham quan đủ các loại bản đồ, tờ rơi, có người giải đáp thắc mắc. Có nơi còn có cả phòng trưng bày nữa, thường là trưng bày lịch sử tự nhiên. Bọn em ngại tiếp xúc nên ít khi vào phòng tham quan, thường là đọc brochure và tờ tin rồi lựa coi có cái hiking trail nào nghe hấp dẫn, đi trong ngày thì alê hấp.

Yosemite là một trong những NP đón nhiều khách tham quan nhất ở Mĩ, nổi tiếng tương đương Grand Canyon và Yellowstone. Nhưng nếu nhắc đến Grand Canyon ta tưởng tượng ngay ra các vực núi hùng vĩ, nhắc đến Yellowstone thì nghĩ ngay đến suối nước nóng, thì nhắc đến Yosemite thì em chả nghĩ ra được cái gì cả. Em chỉ biết là nó nhiều vách núi, vì có đứa bạn ngày xưa chơi rock climbing hay đi leo ở đó và gọi đó là thủ phủ của dân leo núi. Hóa ra Yosemite nổi tiếng chính là ở các dãy núi granite. (Nhìn hùng vĩ phết, nhưng cá nhân em thấy nhiều chỗ khác ấn tượng hơn, với cả cái đá granite đâu có hiếm :D) Trong đó có 2 đỉnh nổi tiếng nhất là El Capitán và Half Dome. Half Dome thì ngay lúc lái xe tới đã được thông báo là hết giấy “thông hành” permit hôm đó rồi (Họ chỉ phát 400 permit 1 ngày). El Capitán đa số đều phải leo vài ngày mới tới đỉnh, tức là sẽ phải mang theo lều trại đồ nghề đầy đủ để qua đêm trên vách núi (có khi là treo lơ lửng). Mà soi kĩ thì đúng là thấy chỗ nào cũng có người leo, trông chỉ đúng bằng cái đốm nhỏ xíu căng mắt lắm mới nhìn được. (Thường người ta phải mang theo ống nhòm như để xem chim thú vậy). Trong đó ấn tượng nhất là các bạn leo tay không free climbing. (Các bác mở youtube ra xem video của Alex Honnold tay không chinh phục mấy cái đỉnh ở Yosemite nhé, phê khủng khiếp, ví dụ video của National Geographic)

9918482735_b56a11be8d_c.jpg
Các bác tin không? Trên mấy cái vách này đang có những bạn free climb. Máy em zoom hết cỡ cũng chẳng thấy được, post lên để mọi người thả trí tưởng tượng thôi.

Cá nhân em phục lăn những bạn chơi thể thao mạo hiểm, và đặc biệt rất có cảm tình với mấy bạn leo núi. Em thấy các bạn ấy cực kì thân thiện, thích nghi nhanh, và khiêm tốn, vừa zen lại vừa rất dễ vui. Có lẽ vì niềm vui của các bạn khá giản dị, và các bạn lại luôn hòa mình vào thiên nhiên?

Buôn chuyện hơi lan man, trở lại với chủ đề chính, khu trung tâm của Yosemite gọi là Yosemite Valley. Khu này ngoài 2 tảng đá to đùng nói trên thì nổi tiếng có tháp Yosemite, một trong những tháp nước cao nhất ở Mĩ. Đã đến đây không đi được Half Dome thì cũng phải ngó thử cái tháp nước coi thế nào. Mỗi tội là đến đầu trail thấy nung núc toàn người lẫn người nên bọn em nản quá đi tìm chỗ vắng để tha thẩn, đợi xế chiều vãn người thì sẽ lên tháp sau.

Chẳng biết tên trail là gì, cứ thấy vắng người là đi thôi, và dừng chân ăn trưa, phía sau chính là Half Dome.
9918496575_cc9d707a09_c.jpg

Thế đã, mai em đưa nốt mấy cái ảnh Yosemite Fall lên sau.
 
Câu chuyện bác kể hay quá. Cứ nghe bác kể chuyện, xem ảnh đẹp thế này chắc không cần đi nữa nhể.
Mình cũng khoái các trò mạo hiểm lắm, nhưng chơi/làm cái gì cho tử tế thì cũng tốn thời gian và tiền bạc bác ạ.

Về ăn uống bọn mình dự kiến theo công thức: Nấu + fast food+ Restaurant.
Chỉ muốn hỏi thêm bác là trên đường thì có chỗ mua thực phẩm, bình gas (để nấu/ fast food...) không? hay phải mua ở các thành phố?
 
Về ăn uống bọn mình dự kiến theo công thức: Nấu + fast food+ Restaurant.
Chỉ muốn hỏi thêm bác là trên đường thì có chỗ mua thực phẩm, bình gas (để nấu/ fast food...) không? hay phải mua ở các thành phố?

Fast food nếu đi trên freeway hay interstate thì dễ kiếm bác ạ, exit nào cũng có. Sẽ có bảng chỉ dẫn đầy đủ.
Nếu đi đường rural highway thì kha khá chỗ đồng không mông quạnh, chẳng có nhà cửa trâu bò lợn gà gì hết. Trước những đoạn này bác nên mua thức ăn nước uống và đổ đầy xăng.
Các thị trấn nhỏ quanh NP đều có cửa hàng bán đồ đầy đủ, vì khách qua lại cũng nhiều. Nhưng dĩ nhiên là lựa chọn ít và giá cả mắc hơn so với ở các thành phố lớn.
Hồi đó bọn em mượn bạn được cuốn Road Atlas của National Geographic tiện lắm bác ạ. Có thể vừa đi vừa tìm chỗ mua đồ và chỗ cắm trại.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,184
Bài viết
1,150,413
Members
189,945
Latest member
Karide
Back
Top