What's new

[Chia sẻ] 48 giờ ở Phnom Penh

Khi bạn chỉ có 3 ngày cho một chuyến đi hoàn toàn nhằm mục đích thư giãn bạn sẽ đi đâu ?
Câu trả lời sẽ là Nha Trang , Đà Lạt hay Phan Thiết .....?
Tôi cũng đã nghĩ đến những nơi ấy nhưng tôi đành chối bỏ tất cả chỉ vì cách làm ăn kiểu chụp giật của giới kinh doanh du lịch Việt Nam . Tôi gọi điện thoại , lên mạng và làm đủ mọi cách để tìm một phòng trong một khách sạn từ tầm trung đến cao cấp trong ngày 1.9 ( tôi sợ ngày 2/9 bị kẹt phòng ) nhưng vô vọng . Tất cả các khách sạn và trang web đặt phòng đều nhã nhặn từ chối báo hết phòng . Vậy mà trước khi tôi lên đường đọc báo thấy những khách sạn tôi đặt phòng chỉ có 75% số phòng có khách . Chẳng hiểu họ làm vậy để làm gì ? ?

Tôi chọn Phnom Penh như giải pháp tình thế

Tôi lên mạng và rất dễ dàng đặt được phòng trong một khách sạn khá nổi tiếng 3 sao với giá 47 usd / đêm và mua vé xe của Kumho ( 230.000 đồng / vé ) mà không cần phải đặt trước như với Thành Bưởi ....
Và rồi như thế tôi đi ....

phnompenh.jpg


demphnompenh-ksanamajaya.jpg


hoangcung2.jpg
 
ĐƯỜNG ĐẾN PHNOM PENH

Thủ đô của Campuchia - Phnom Penh nằm ngay trung tâm của 3 con sông : Mekong , Bassac , Tonle Sap có một lịch sử lâu đời từ thế kỷ XIV . Thành phố này nằm cách Sài Gòn 270 km
Đường đi thuận tiện nhất là đi đến cửa khẩu Mộc Bài thuộc tỉnh Tây Ninh , cách Sài Gòn 70 km rồi qua cửa khẩu Bavet của Campuchia .
Trong nhiều sự lựa chọn của các hãng xe đi Phnom Penh như : Sapaco( 200.000 đồng / vé ) , Mai Linh ( 210.000 ), thì Kumho ( 230.000 ) là mắc nhất nhưng tôi vẫn lựa chọn vì xe có ghế nằm thoải mái và có toalet ( đây cũng chính là nhược điểm vì toalet trên xe rất hôi - lên xe mới biết ) . Khởi hành từ Phạm Ngũ Lão lúc 11 giờ đến 13 giờ thì đến Mộc Bài . Không có gì khó khăn khi tiếp viên của hãng xe đã thu passport của mọi người rồi đưa cho công an cửa khẩu xét tập thể . Chúng tôi chỉ tập trung gần đó nghe gọi tên rồi cầm passport đã được đóng dấu ra cửa , leo lên xe tiếp tục qua cửa khẩu Bavet .

Rắc rối đấu tiên đã đến khi vào cửa khẩu Bavet có thêm thủ tục lăn tay mà tôi chưa bao giờ gặp ở các cửa khẩu khác . Gã hải quan nhìn tôi xăm xoi rồi nói bằng thứ tiếng việt lơ lớ : " 4 ngón trái ... "Tôi vụng về đưa 4 ngón tay đè lên cái máy lăn tay trong ô cửa nhỏ nơi gã ngồi ... gã lơ đãng nhìn tôi rồi lại ra lệnh ... Ngón .... Đến lúc này thì tôi chịu không nghe được gã nói gì ... Tôi đứng đực ra , miêng lắp bắp .... I dont undestand ....

Gã liếc tôi như liếc một thằng ngu , bình thản quăng cái PP của tôi sang một bên , cặm cụi đóng dấu vào hàng chục cái PP của khách đoàn khác . Tôi khổ sở liếc ngang liếc dọc xem thử mọi người xung quanh làm thế nào và rồi tôi nhìn thầy một cái bảng gắn ngay bên ngoài phòng khai báo hải quan , ngay chỗ tôi đứng mà tôi không nhìn ra ngay từ đầu . bản đó chỉ dẫn các bước lăn tay gồm :
1. Lăn 4 ngòn tay phải
2.Lăn ngón trỏ phải
3. Lăn 4 ngón tay trái
4. Lăn ngón trỏ trái ....
Tôi ngước nhìn lên và gõ gõ vào cửa kính . Gã hải quan ngước lên nhìn tôi rồi lại bập bẹ ... " Hiều chưa ? "
Tôi cười cười " hiểu rồi .... !"
" Làm đi ... " . Gã ra lệnh rồi cúi xuống ghi chép .... vài giây sau đó gã quăng PP của tôi ra ngoài ... Tôi thở phào nhẹ nhõm

Qua cửa khẩu Bavet vài phút , xe dừng tại một quán ăn để mọi người ăn trưa . Không có gì khó khăn ở vùng biên giới khi mà tiếng Việt , tiền Việt được sử dụng thoải mái . Tôi ể oải ăn tạm một dĩa cơm rời rạc với chút đồ xào với giá 30.000 đồng

Xe tiếp tục lăn bánh .Những cánh đồng xanh um xuất hiện hai bên đường . Nếu không có những cây thốt nốt mọc chỏng chơ trên những cánh đồng ,những ngôi nhà sàn xinh xinh , tôi sẽ lầm tưởng mình đang đi trên một con đường nào đó ở An Giang . Thỉnh thoàng xuất hiện những tấm bảng ghi rõ " Đảng nhân dân Campuchia " vối tấm hình 3 nhân vật của Đảng cười toe tét làm cho tôi biết rõ tôi đang đi trong một khu vực gần biên giới Việt Nam vì nghe nói Đàng nhân dân Campuchia có khuynh hướng thân Việt Nam

Xe qua bến phà Neak Loeung trong một cơn mưa chiều ầm ả . Mây đen trên dòng Tonle Bassac cuồn cuộn như đang bốc lê từ sâu thẳm gây cho người ta một cảm giác lo sợ . Nhưng ấn tượng khiến tôi không thể quên Neak Loeung không phải là cơn mưa mà là những cánh tay gầy , đen nhẻm gõ vào cửa kính và những khuôn mặt trẻ thơ hốc hác xuất hiện trên khung cửa kính chỗ tôi ngồi đầy vẻ cầu xin ... Tôi chẳng có gì ngoài vài gói mì chay và chai nước suối .... Tôi không lạ gì những đứa trẻ ăn xin người Campuchia xuất hiện nhan nhản khắp đường phố Sài Gòn nhưng trên đất Cam , trong cơn mưa chiều ầm ả , những hình ảnh đó như một ngón tay nhọn cấu vào lương tâm tưởng chừng như đang dần bị thui chột ...

Không có gì đặc biệt trong đoạn đường còn lại về Phnom Penh
Khoảng 5 giờ tôi đến trạm xe của Kumho trên đại lộ Shihanouk


cuakhaumocbai.jpg

Cửa khẩu Mộc Bài

xekumho.jpg

Xe của hãng Kumho

phanealluoang.jpg

Trên phà Neak Loeang

phanealluoang2.jpg


* Tip 4 U :

- Để đi Phnom Penh có nhiều cửa khẩu như : Mộc bài ( Tây Ninh ) ,Vĩnh Xương ( An Giang ) , Xà Xía ( Hà Tiên ) nhưng từ Sài Gòn thì đi cửa khẩu Mộc Bài lần gần nhất .Các hãng xe bus gồm :

- Xe Mai Linh
Giá vé xe khoảng 200.000 / người . Nếu mua vé khứ hồi sẽ được giảm
Liên hệ : 32 Nguyễn Cư Trinh, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, HCM.

- Xe Sapaco :
Giá vé khoảng 230.000 / người . Mỗi tiếng có 1 chuyến . Chuyến cuối cùng lúc 3g chiều
Liên hệ : 325 Phạm Ngũ Lão, Quận 1 - Điện thoại: 08.39203 623

- Xe Kumho : Giá vé 230.000 / người . Ngày có 6 chuyến . Chuyến cuối lúc 3 giờ chiều
Xe ghế nằm , có toalet nhưng khá nặng mùi . Tiếp viên đôi khi chửi thề
Liên hệ : 305 Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM

- Xe Khải Nam : Giá vé khoảng 170.000 / người . Mỗi ngày có 9 chuyến . Chuyến cuối lúc 4 giờ chiều
Liên hệ : 565/46 Nguyễn Trãi Phường 7 Quận 5, Thành Phố Hồ Chí Minh .Điện thoại: (08) 3855 1809

- Qua cửa khẩu Bavet nhớ 4 bước lăn tay và cẩn thận khi hải quan Cam xin 1 usd khi biết bạn đi một mình . Chỉ cần nói tên hãng xe như Sapaco chẳng hạn bạn sẽ được cho qua

- Không đổi tiền tại cửa khẩu vì giá rất rẻ( 1 triệu VNđồng = 185.000 riel ) khi ở Phnom Penh là 1 triệu VNđồng = 210.000 riel

- Không mua Sim điện thoại tại cửa khẩu Mộc Bài vì chỉ gọi được về Việt Nam 5 phút
 
- Qua cửa khẩu Bavet nhớ 4 bước lăn tay và cẩn thận khi hải quan Cam xin 1 usd khi biết bạn đi một mình . Chỉ cần nói tên hãng xe như Sapaco chẳng hạn bạn sẽ được cho qua
Bây giờ mình đã hiểu tại sao thằng cha Cam hỏi mình đi nhà xe nào rồi.
 
TẬN HƯỞNG TẠI FCC PHNOM PENH BOUTIQUE HOTEL

Đức là tên tiếng Việt của một anh chàng lái xe tuc tuc ngay tại bến của Kumho . Anh chàng nói tiếng Việt khá sành sỏi và nếu khi chia tay mà anh ta không đưa cái card trên đó có ghi tên Campuchia của anh thì chắc tôi đã nghĩ anh ta là người Việt qua Phnom Penh sinh sống . Đức đòi 3 usd cho chuyến đi từ trạm xe đến khách sạn mà tôi đã đặt trước . Tôi nói 2 usd . Đó là cái giá mà tôi đã được nhắc nhở từ đồng bọn lúc ở quê nhà . Thấy tôi kiến quyết Đức chặc lưỡi nhận lời .

Chiếc xe tuc tuc luồn lách giữa những con phố hẹp đầy rẫy xe hơi trong giờ cao điểm . Vừa đi , Đức vừa phàn nàn rằng tại sao tôi lại chọn ở chỗ này ? Chỗ này là khách sạn của bọn Tây , chán phèo ... Nếu như tôi đồng ý Đức sẽ chở tôi kiếm một khách sạn gần khu Sorya , nơi có đông người Việt sinh sống , lại gần chợ trung tâm tha hồ shopping . Tôi thản nhiên trước những lời chào mời của Đức , sau đó chỉ nói gọn lỏn rằng khách sạn này tôi đã được người ta trả tiền rồi nên không thay đổi được .

Lúc đó chiếc tuc tuc cũng dừng lại trước FCC , ngay góc đường Sisowath Way và đường 178 và trước mắt tôi là dòng Tonle Sap đang lấp lánh ánh nắng chiều.

FCC là một tòa nhà cổ kiểu Pháp . Tôi chọn nó vì thấy mê hình ảnh cái ban công lộng gió hướng ra về bờ sông . Viễn tưởng rằng trong buổi chiều tà tôi ngồi trên một chiếc ghế bố nơi ban công , đọc sách bên bờ sông lộng gió chẳng khác gì trong một bộ phim thời thuộc địa đã khiến tôi thích thú đến mức nhấn nút đặt phòng trên agoda ngay với giá khuyến mãi 47 usd / đêm .

Những đó cũng chỉ là ảo ảnh . Không chỉ có FCC mà tất cả các khách sạn từ cao cấp đến trung cấp ... từ 5 sao đến 3 sao ... đều không bất kỳ một phòng nào có mặt tiền hướng ra sông vì đơn giản các phần đó đã được thiết kế để trở thành bar và nhà hàng ... Nhưng FCC không làm tôi thất vọng . Không có mặt tiền sông nhưng sự chăm sóc tỉ mỉ của FCC đã biến 48 giờ ở Phnom Penh của tôi thành thiên đường

Tôi không rõ FCC có bao nhiêu phòng , nhưng mỗi phòng của FCC không được đánh số mà được đặt tên theo các tháp của Angkor . Căn phòng tôi ở nằm ở tầng 1 rất xinh xắn có cửa sổ hướng về phía Hoàng Cung với sàn gỗ lên nước đen bóng , phòng tắm sạch sẽ và rộng rãi . Trên bàn nơi cửa sổ được trang trí khá nghệ thuật và sắp xếp tỉ mỉ đến từng chi tiết , wifi cực mạnh .

Trong toàn bộ chuyến đi , thời gian tôi cảm thấy bình yên nhất là buổi sáng sớm khi tôi nhìn qua cửa sổ và cái màu xanh của bãi cỏ trước Hoàng Cung tự nhiên ùa vào trong mắt một cách tự nhiên mang đến một phút giây ngọt ngào nhưng đọng lại trong tâm khảm sự lắng dịu của bình yên . Và buổi trưa , trong cơn mưa nhiệt đới , thỉnh thoảng tôi rời mắt khỏi cuốn sách để mắt mình lang thang qua bên ngoài cửa kính nhìn những giọt mưa đang vẽ những hình ảnh ngoằn nghèo , tận hưởng cái phút giây hạnh phúc khi không phải lang thang một mình ngồi phố trong cơn mưa lạnh ...

P1014456.jpg

Bên ngoài của FCC

P1014455.jpg


P1014327.jpg

Phòng của FCC

P1014335.jpg

View nhìn sang Hoàng Cung

Tip 4 U :

Khách sạn ở Phnom Penh tập trung vào 2 khu , Khu Bờ sông ở đường Sisowath Quay ( khu này gần các địa điểm tham quan như Hoàng Cung , Bảo tàng quốc gia ...có thể đi bộ được ) , Khu chợ trung tâm và Sorya ( có nhiều người Việt ở ) . Tùy theo nhu cầu bạn có thể lựa chọn :

- Number 9 Guest House : Số 9 Đường 93 Boeng Kak Lake - Giá từ 4 - 8 usd / đêm . Có khoảng 50 phòng
Tel: 012 766 225/ 012 935 813

-Grand View Guest House :Số 4 đường.93, Sangkat Sraschok, Khan Duan Penh - Giá từ 3 - 8 usd
Điện thoại: 855-12 666 547/815 533/23 430 766/ 099 723 136

- Floating Island - Số 11 , đường 93 - Giá từ 3 - 9 usd
Số điện thoại:012551227

- Simon'S II Guetshouse - Số 2 , đường 93 - Giá từ 10 - 15 usd
Số điện thoại:012.508892

- Royal Guesthouse - Số 91 , đường 154 - Giá từ 6 - 12 usd
Số điện thoại:012. 218026

- Hotel Indochine - 251 đường Sisowath Quay - Giá từ 10 - 12 usd
Số điện thoại : 012. 724539

Cao cấp :

- Angkor Mithona GH : Số 19 đường 172 - Giá từ 15 usd - 45 usd
Số điện thoại : 012.760673
Web : www.angkormithonaguesthouse.com

- Asia Hotel : Số 170 đại lộ Monivong - Giá từ 20 usd - 60 usd
Số điện thoại : 023.427825
Web : www.asiahotel.com.kh

- FCC Phom Penh Boutique Hotel : Số 363 đường Sisowath Quay - Giá từ 70 usd - 140 usd
Số điện thoại : 023.210142
Web : www.fcccambodia.com
 
Oh, viết tiếp nữa đi bạn. Cảm giác bạn có một kỳ nghỉ lễ rất nhẹ nhàng. Mình cx quan tâm tới việc bạn mua Sim gì để gọi về VN. :D
 
@cà phê muối : nếu bạn du lịch Cambodia thì nên mua sim Metfone, đây là công ty liên doanh của Viettel nên gọi về VN nhiều ưu đã hơn.
 
TỪ HOÀNG CUNG ĐẾN S21

Biết tôi chỉ có 48 giờ ở Phnom Penh , cô Reception nhiệt tình cho tôi cuốn guide book của khách sạn . Phnom Penh là một thành phố trẻ nên những di tích để tham quan không có nhiều . Những điểm được nhấn mạnh " must see " gồm có : Hoàng Cung , chùa Bạc ( trong Hoàng Cung ) , Bảo tàng quốc gia , Chùa Wat Phnom , Cánh đồng chết và Trại thẩm vấn S21 Tuol Sleng , Đài độc lập ....

Hầu hết các bác tuk tuk đều gạ du khách đi Choeung Ek Memorial ( Cánh đồng chết ) vì chỗ này nằm cách Phnom Penh 15km nên dễ kiếm tiền . Tôi không muốn đội nắng lang thang giữa cánh đồng đầy ám ảnh chết chóc nên dành toàn bộ một ngày chỉ để đi những nơi trong thành phố : Hoàng Cung , Bào tàng chùa Wat Phnom và trại S21 ...

* Cung điện hoàng gia Campuchia

Thế kỷ XV , những ánh vàng rực rỡ còn sót lại của thời kỳ hoàng kim của đế chế Angkor đã rơi rụng không để lại dấu vết . Cơn hấp hối của Hoàng Gia Campuchia đã đến quá nhanh trong cuộc xâm lấn của người Siam . Người Khmer chắc không muốn nhớ vì sao họ bỏ lại Angkor một thời rực rỡ để lùi dần về phía nam , vượt biển Hồ đến Lovek rồi về Oudong ... để cuối cùng dừng chân tại Phnom Penh nhưng họ buộc phải nhớ năm 1866 khi Hoàng gia Campuchia quyết định cho xây dựng Hoàng Cung , chính thức dừng chân tại Phnom Penh.

Hoàng Cung của vương quốc Campuchia na ná giống Hoàng Cung của người Thái nhưng trông có vẻ nhỏ bé hơn và không gây cho người ta các cảm giác quá xa lạ hay quá choáng ngợp . Nhiều lần tôi đứng trong Hoàng Thành - Huế mà có cảm giác thật chua xót , hoài cổ trước những gì còn sót lại và khi màn đêm buông xuống tôi luôn có cảm giác hồn các vị tiên đế và những người đã từng sinh sống trong Hoàng Cung đang lang thang trong Thành Nội với nỗi ưu hoài nuối tiếc . Hoàng Cung Campuchia không mang lại cho tôi cảm giác đó . Có thể nó quá nhỏ bé và người ta cũng nói rằng hiện nay nó vẫn đang là nơi Hoàng Gia đang sống nên khi tham quan tôi có cảm giác tôi đang thăm viếng nhà của một người bạn ... và có thể người bạn ấy hơi giàu một tí

Hoàng Cung chỉ dành một vài chỗ cho khách tham quan . Từ phòng mua vé nằm trên đai lộ Sothearos , theo con đường nhỏ có hàng tượng người đón chào màu trắng nhỏ xinh , vượt qua một khung cửa nhỏ , nơi có cây Thala đang nở hoa thơm ngát , bạn chính thức đặt chân vào Hoàng Cung . Địa điểm tham quan đầu tiên mở ra trước mắt bạn là Cung Khánh Tiết ( tương đương với Điện Thái Hòa của ta ) , nơi nhà vua tiếp các vị quan khách và Hoàng Gia tổ chức các nghi lễ quốc gia . Bên tay trái của Cung Khánh Tiết là Sân khấu ánh trăng ( cũng là một tòa kiến trúc gỗ ) , điện nghĩ yên tĩnh và cung điện đồng nơi cất giữ những trang phục và biểu trưng của Hoàng Gia . Tất cả những tòa kiến trúc trên đều được xây dựng bằng gỗ cách đây hàng trăm năm theo phong cách cổ truyền của người Khmer . Và do vậy , cung điện Napoleon III kế bên nhà hát ánh trăng dễ làm người ta chú ý vì sự khác biệt . Cung điện bằng sắt này được vua Napoleon III tặng vua Norodom vào năm 1876 .

Vượt qua một đoạn đường nhỏ theo bản chỉ dẫn chúng ta sẽ đến chùa Bạc . Đừng vội vã bước ngay lên chùa mà hãy để chân mình lang thang dọc theo những đoạn tường dài và mắt mình nhìn ngắm những vết tích còn sót lại của nghệ thuật tranh tường . Với nội dung mô phỏng theo trường ca Ramayana , những gì còn sót lại của bức tranh tường sẽ làm cho chúng ta sửng sốt và ngưỡng mộ . Và rồi khi mắt bạn đã no nê với bữa tiệc sắc màu , đôi chân của bạn đã bắt đầu thấm mệt , hãy để giày dép bên ngoài và lòng mình thật thanh tịnh để bước vào chùa Bạc , để chiêm ngưỡng 5329 viên gạch lát nền được làm bằng bạc khối với những hoa văn chạm trổ tinh vi , để ngước nhìn pho tượng Phật bằng vàng nặng 90kg cùng với 2086 viên kim cương ....

Để rồi khi tâm của bạn không còn thanh tịnh vì vàng , vì bạc , vì kim cương ... hãy rửa tay và đầu mình dưới dòng nước chảy róc rách ở ngọn giả sơn bên tay trái . Ngọn giả sơn này mô phỏng đỉnh núi Kailash , nơi khởi nguồn của năng lượng của vũ trụ đầy huyền bí ...Và bạn đừng quên dừng dưới gốc cây Thala để tâm mình dừng lại .... dừng lại thật lâu trong mùi thơm thoang thoảng nhẹ nhàng ...

bentronghoangcung-1.jpg

Vườn cây trong Hoàng Cung

cungkhanhtiet-1.jpg

Cung Khánh Tiết

trangtribentrongcungkhanhtiet.jpg

Trang Trí bên trong cung Khánh Tiết

nhahatmattrang.jpg

Nhà hát Mặt trăng

Untitled-1.jpg

Cổng vào chùa Bạc

chuabac-1.jpg

Chùa Bạc

tranhtuongRamayana.jpg

Tranh tường ở chùa Bạc
 
* BẢO TÀNG QUỐC GIA CAMPUCHIA

Tòa nhà theo phong cách Khmer tuyệt đẹp này được khởi công xây dựng vào năm 1917 trên nền của École des Arts Cambodgiens cổ xưa . Người Pháp không hẳn đã áp đặt sự thống trị tuyệt đối mà qua công trình này họ đã thể hiện rằng họ biết tiếp thu và phát triển nền văn hóa bản địa lên đến mức độ hoàn hảo như thế nào ?

Tòa nhà được dựng lên trên một nền cao, và phía trên mặt tiền của tòa nhà là những hình tam giác, những hình chớp, được lòng vào những họa tiết cầu kỳ với nội dung trích từ Reamker (một dạng sử thi Ramayana đã được Khmer hóa ) và những mẫu chuyện dân gian của dân tộc Khmer.

Trong thời kỳ Khmer Đỏ ( 1975 - 1979 ) Bảo tàng đóng cửa . May mắn thay khi Pol Pot chưa thực hiện được một bản sao của cách mạng văn hóa và nhờ vậy tòa kiến trúc tuyệt mỹ này chưa bị đập phá . Ngày 13/04/1979, nó mới được tái mở cửa cho công chúng vào xem.

Nếu bạn quan tâm đến lịch sử Campuchia , thời kỳ Angkor hay bạn muốn có một cái nhìn khái quát , một số thông tin trước khi đến thạm quan Angkor wat hoặc đơn giản la bạn chẳng biết nên đi đâu ở Phnom Penh trong khoang 4, 5 tiếng ....thì bạn nên ghé thăm bảo tàng
Đó là một nơi rất đáng để đi .

baotangquocgiaphnompenh.jpg

Bảo tàng quốc gia Campuchia

baotang.jpg

Bên trong bảo tàng - Ảnh của Angkor ( vietstamp.net )

* Wat Phnom

Đây là ngôi chùa quan trọng nhất của Phnom Penh . Chùa được xây dựng năm 1373 trên một ngọn đồi nhỏ cao hơn các khu vực khác khoảng 27m . Theo truyền thuyết , một người phụ nữ độc thân có tên gọi là Daun Chi Penh đã cảm thương khi thấy sau một trận lụt , rất nhiều tượng Phật bị trôi giạt trên sông và tấp vào khu vực này nên đã cho đắp một ngọn đồi và xây chùa để giữ gìn những pho tượng Phật . Chùa chỉ trở nên nổi tiếng khi tro cốt của vua Ponhea Yat , được an vị trong bảo tháp của chùa .
Tượng Phật trong chánh điện là một trong những tượng Phật của phái Tiểu thừa mà tôi thấy dẹp nhất

watphnom2.jpg

Cổng chính lên Wat Phnom

watphnom.jpg


chanhdienwatphnom.jpg

Chánh điện Wat Phnom
 
S21 - Tuol Sleng

Nằm khuất khuất trong khu phố nhỏ Toul Svay Prey ở phía Nam Phnom Penh và khá lạc lõng với cảnh quan xung quanh , S21 - Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng trông có vẻ quá cũ kỹ, sập sệ với những hàng rào thép gai bao quanh.Tôi đồ rằng người ta cố ý giữ nguyên hiện trạng như vậy để trái tim của bạn bị bóp nghẹt trong một nỗi sơ hãi mơ hồ . Để bạn biết được cái tâm trạng của những người Campuchia đã bị từng bị đưa đến nơi đây và rồi bỏ mình trong những màn tra tấn khủng khiếp .

Năm 1962, S21 vốn là trường trung học Ponhea Yat. Đến thời kỳ Lon Nol, trường được đổi tên thành Trường trung học Toul Svay Prey. Đến tháng 5.1976, trường được chính quyền Khmer đỏ chuyển thành nhà tù với tên gọi Nhà tù an ninh S21.Theo các tài liệu mà Trung tâm tư liệu Campuchia tìm được, S21 được thiết kế đặc biệt để dành cho việc tra hỏi và tiêu diệt các phần tử "phản bội".Trong suốt 4 năm cầm quyền của mình , nơi đây giam giữ tổng cộng 10.499 nghìn người (chưa tính khoảng 2.000 trẻ em bị giết) gồm nhiều quốc tịch như Việt Nam, Lào, Thái, Ấn Độ, Pakistan, Anh, Mỹ, Canada, New Zealand, Australia, nhưng phần lớn là người Campuchia

Tôi đến đây khi bảo tàng vừa mới mở cửa . Nằng vừa lên , ấm áp và thanh khiết khi vương vấn với làn khói nhang thắp trên sân giữa 14 ngôi mộ lạnh lùng . Khi bộ đội Việt Nam vào S21 , ở 14 phòng của tòa nhà A1 , người ta đã phát hiện ra 14 thi thể không toàn vẹn bởi những màn tra tấn và đã mang ra sân để chôn cất .

Không ai hướng dẫn , tôi run run bước vào những phòng tra tấn của dãy A1 , những căn phòng không có gì khác ngoài một cái giường và những dụng cụ tra tấn thô sơ cho thấy kẻ sử dụng ắt phải tung nhiều sức lực .

Nạn nhân bị gọi lên phòng này bị tra tấn man rợ đến chết.

Một trong những hình thức tra tấn phố biển ở S21 là rút móng tay, móng chân; đổ axít vào mặt, khoét ngực để thả rết, dùng búa, rìu, roi đánh đập... Những vết máu bắn ra của nạn nhân vẫn còn in đậm trên tường và trần nhà.

Tòa nhà B là nơi trưng bày các hình ảnh tranh vẽ sống động về thời đó, từ hình ảnh chiếc ghế sắt để nạn nhân ngồi chụp hình, các phạm nhân bị đánh đập tàn nhẫn, các cánh đồng chết đẫy rẫy xương của những người bị Khmer đỏ giết hại, các hình vẽ mô tả lại cảnh phạm nhân bị tra tấn và chân dung của hàng nghìn nạn nhân đã từng bỏ mạng tại đây . Họ nhìn ... và nhìn .... Có cái gì đó thật thê thảm trong ánh mắt của họ ...Và tôi tin chắc rằng không hề có những hình ảnh thật rùng rợn nhưng bạn vẫn sẽ phải rùng mình ...

Tòa nhà C với kẽm gai chằng chịt bên ngoài cho biết đây chính là nơi giam giữ tù nhân.
Những dãy buồng giam dài được xây kín bằng gỗ, gạch, san sát nhau chìm trong bóng tối. , những tù nhân bị giam giữ trong buồng giam nhỏ có diện tích 0,8x2m bị xích chân bằng sợi xích to chôn chặt vào tường hoặc nền nhà xi măng; còn những nạn nhân bị giam trong buồng giam lớn có diện tích 8x6m bị xích một hoặc cả hai chân vào những thanh cùm ngắn hoặc dài.

Cùm nhỏ dài chừng 0,8-1m được thiết kế để xích khoảng 4 người còn cùm dài 6m thì xích 20-30 người. Mọi nạn nhân đều phải nằm ngủ trên sàn nhà lạnh lẽo. 4.30 mỗi sáng, mọi nạn nhân phải thức dậy, kéo quần xuống tận đầu gối để cai tù kiểm tra, sau đó phải thực hiện một số động tác thể dục như đứng lên ngồi xuống, giơ tay cao cho dù chân vẫn bị cùm.

Tòa nhà D trưng bày những thông tin về các tù nhân , những người chống lại Angkar , làm việc cho Mỹ và bọn tư bản . Lướt qua tôi thấy họ có nhiều lứa tuổi ( từ 16 - 54 ) , nhiều thành phần ...( từ lính Khmer Đỏ trên đến giáo sư y khoa .... )

Bước ra khỏi tòa nhà D , tôi có cảm giác gần như kiệt sức . Nhiều người bảo tôi không nên đi S21 một mình . Cả ngàn hồn ma không siêu thoát được đang vương vất trong đó .

Tôi không tin vì tôi biết cái gì đã làm cho tôi có cảm giác kiệt sức . Đó chính là sự tưởng tượng và liên tưởng trong tôi còn quá sống động . S21 cung cấp những thông tin mà khi lướt qua những căn phòng vắng , dãy xà lim tối tăm , ngột ngạt , những tấm hình chân dung câm lặng ... tôi luôn có cảm giác mình đang đứng giữa nó trong thời Pol Pot , trong hàng nghìn tiếng kêu phẫn uất câm lặng . Khi nào bạn còn có trái tim , bạn sẽ còn có cảm giác kiệt sức như tôi ....

Khi quyền lực nằm trong tay những kẻ vô học thì đó thật sự là một thảm họa

tuol.jpg

Mộ 14 nạn nhân cuối cùng của S21 do bộ đội Việt Nam phát hiện ra

tuol4.jpg

Tòa nhà A - nơi tra tấn

tuol3.jpg

Tòa nhà C - Nơi giam giữ

tuol2.jpg

Tòa nhà B

* Tip 4 U :
- Giá vé :
+ Hoàng Cung : 6,5 usd / người
+ Bảo tàng : 3 usd / người
+ Wat Phnom : 1 usd / người ( chỉ áp dụng với khách nước ngoài )
+ S21 - Tuol Sleng : 2 usd / người
- Địa chỉ :
+ Hoàng cung : Sothearos Blvd đoạn giữa đường 240 - 184 . Mở cửa mỗi ngày từ 7: 30AM - 11AM / 2PM - 5PM
+ Bảo tàng : Gần Hoàng Cung - Mở cửa từ 8 AM - 5PM
+ Wat Phnom : Cuối đường Norodom Blvd , mở cửa mỗi ngày
+ S21 : Nằm ở góc đường 113 và 350 . Mở cửa mỗi ngày từ 8AM đến 5PM ( trưa có nghỉ )

- Nếu có thời gian và có tiền bạn có thể đăng ký một chuyến du ngoạn ngắn trên sông Tone Sap vào khoảng 4 giờ chiều để ngắm nhìn Hoàng Cung , Bảo tàng từ trên sông . Đăng ký tại bến tàu trên đường Sisowath Quay , đối diện với chùa Wat Ounalom
- Tất cả các điểm tham quan trên ( ngoại trừ S21 ) đều có thể đi bộ . Có thể chia thành 3 cụm : Hoàng cung - Bảo tàng ; Wat Phnom và chợ đêm ; S21 và chợ Nga , bạn có thể phân chia thời gian để tham quan cho phù hợp . Cụm Wat Phnom nên đi buổi chiều để kết hợp với dạo chợ đêm . Nếu không đi bộ nổi thì gọi tuk tuk với giá chung là 2 usd / lần
 
Bài viết của bạn rất hay ! Thanks !
Mình cũng định như bạn vào tháng 10. Đây là lần đầu mình đi nước ngoài và đi 1 mình. Mình định đi Nông Pênh - Siêm Riệp - Băng Cốc nhưng quá thiếu thông tin. Bạn và các member có nhiều kinh nghiệm về các địa danh nói trên (giá cả, guest house, chợ điện - điện tử, xe tuk tuk...) xin chia sẽ với mình. Xin chân thành cám ơn các bạn !
Mail của mình : [email protected] hoặc comment tiếp vào topic của bạn nhé. Thank a lot !
Hứa là khi hoàn tất hành trình sẽ có report đầy đủ về chuyến đi. Mọi người cố gắng giúp mình nhé !
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,485
Bài viết
1,153,166
Members
190,103
Latest member
Penguin1
Back
Top