What's new

[Chia sẻ] Ấn Độ - những ngày đông rực nắng

Như vậy, cuối cùng tôi đã đặt chân đến Ấn Độ một ngày mùa đông nắng vẫn còn vàng óng, vẫn tươi màu rực rỡ. Hành trình dài đăng đẵng lần này, tôi không thật sự nghĩ là sẽ thực hiện được ngay từ lúc bước chân lên đường. Đã hơn 2 tháng xa quê, xa nhà, xa bè bạn,… con đường độc hành lang thang qua nhiều vùng đất mơ ước, nhiều học hỏi, nhiều khám phá… có lắm điều hay ho nhưng cũng nhiều khi buồn tê tái. Không biết đã có bạn nào một mình lang thang từ Saigon đến Ấn Độ, chỉ bằng đường bộ hay chưa, nhưng tôi rất vui vì cuối cùng mình đã làm được điều mà-tôi-đã-từng-nghĩ-là-mình-sẽ-không-bao-giờ-làm được – thực hiện được chuyến đi hoàn toàn bằng đường bộ từ Việt Nam đến Ấn Độ.


PB170780-1.jpg

Vẫy tay chào Nepal những ngày thu xanh, tôi một mình lầm lũi len lỏi qua dòng người đông đúc đi kiếm chuyến xe về Gorakhpur.


Một mình lặng lẽ rời Saigon vào một đêm mưa cuối mùa tầm tã, tôi không ra Bắc để tiện đường sang Trung Quốc mà lại bắt đầu hành trình này bằng chuyến xe đêm đi Gialai, để từ đó sang Lào. Từ Nam Lào những ngày mưa mù, tôi chôn chân ở Siphandon những hoàng hôn rực lửa, rồi mải miết trượt dài đến Bắc Lào để sang vùng Xinhuabanna, Vân Nam, Trung Quốc. Lang thang mê mải vùng Vân Nam, Tứ Xuyên trong những ngày mùa thu vàng mù sương cao nguyên tuyệt đẹp … cũng là thời gian tôi chờ đợi, chuẩn bị cho hành trình mơ ước lên Tibet – chuyến đi mà tôi đã chuẩn bị nhiều lần trước đây những đến lúc này vẫn chưa thực hiện được.


PB180876-1.jpg

Một buổi sáng yên bình ở Kushinagar, Ấn Độ, nơi Đức Phật nhập cõi Niết Bàn – đây là nơi được cho là đã làm lễ hỏa táng Đức Phật.



PB191020-1.jpg

Những gì còn lại ở Sarnath, Varanasi, nơi Đức Phật thuyết giảng kinh kệ cho chúng sinh


Cuối cùng, chuyến tàu Thành Đô – Lasha cũng đưa tôi đến được miền đất của các chư thiên – Tây Tạng huyền bí. Choáng ngợp với một Tây Tạng hùng vĩ về thiên nhiên, huyền bí về tâm linh, chân tình mộc mạc trong cuộc sống của người bản xứ… với quá nhiều điều hay ho, mà một chuyến đi ngắn ngủi chỉ để mở đầu cho những mơ ước kế tiếp, tôi tìm đường sang Nepal trong những ngày thu xanh vời vợi, để rồi lại bị mê mệt, đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và tình người nồng hậu nơi đây.


PB190936-1.jpg

Rắc tro trên sông Hằng – để thỏa ước nguyện của những người không được hỏa táng bên bờ sông thiêng.


PB241683-1.jpg

Một sáng mai sớm ở Chùa Vàng – Thánh địa của đạo Sikkim, ở Amrista[/I]


PB221265-1.jpg

Thánh đường Hồi Giáo ở Delhi



PB260162-1.jpg

Tham dự một lễ cưới lúc 1 giờ sáng ở Agra – tự nhiên được mời!


Lần khân mãi, rồi cuối cùng tôi cũng rời Nepal và đặt chân được lên đất nước Ấn Độ vào một ngày mùa đông nắng vẫn tràn ngập, vẫn mênh mang khắp chốn… Như vậy, tôi đã đến Ấn Độ một cái nôi của văn minh nhân loại, một đất nước của huyền thoại, xứ xở của nhiều điều kỳ bí và cả nhiều mâu thuẫn…để bắt đầu hành trình hăm hở khám phá mới – dù đây không phải là lần đầu tôi đến Ấn Độ.


(tbc.)
 
Last edited:
Bpk thân mến, bạn viết rất hay, mình rất thích văn phong của bạn
Nhưng sẽ tuyệt vời hơn nữa, nếu mở đầu câu chuyện mỗi chuyến đi , bạn ghi rõ ra lịch trình cả chuyến đi của bạn để mọi người có cái nhìn tổng thể và tiện dõi theo hành trình của bạn thì hay biết mấy
Hơn nữa những ai có ý định nối gót bạn đến đó sẽ có thể học tập hoặc rút kinh nghiệm từ lịch trình của bạn
Cảm ơn nhiều
 
Varanasi, Lang thang vườn Lộc Uyển thanh bình – 1

@ Nheva, cảm ơn bạn nhiều nhiều nghen. Bpk sẽ lưu ý cho các bài khác (nếu có). Ở loạt bài này thì ý của bpk hơi khác, bpk chỉ muốn giới thiệu sơ lược về cung đường, bằng cách giới thiệu những điểm nhấn qua các tấm hình ở các bài mở đầu. Chi tiết cung đường sẽ đi theo mạch của câu chuyện kể về chuyến đi và sẽ được tổng kết vào cuối topic. Nhưng bạn nào muốn PM hỏi chi tiết cụ thể về hành trình thì bpk rất sẵn lòng chia sẻ. Thân mến!
………..................................................................................




Thật lạ, Varanasi là thánh địa của người Hindu với dòng sông Hằng linh thiêng, cũng là nơi gần kề với Thành Xá Vệ, tên tiếng Anh là Sarnath, 1 trong 4 vùng đất thiêng của Phật giáo, nơi ngày xưa Đức Phật đã giảng kinh, thuyết pháp cho rất nhiều tăng sư cũng như những người mộ đạo, ngay sau khi Ngài đắc đạo tại Bodhgaya. Đây cũng là nơi vào TK III trước Công Nguyên, Quốc vương Ấn Độ Ashokar đã cho xây dựng những tu viện, bảo tháp to lớn, cùng trụ đá với những sắc dụ nổi tiếng của ông. Vào những năm 640, cao tăng Huyền Trang của nhà Đại Đường cũng đã đến viếng miền đất thiêng Sarnath này. Lúc này, Phật giáo còn đang hưng thịnh ở Ấn Độ, nơi đây còn có tòa bảo tháp cao 100m, nhiều tu viện to lớn với hơn 1.500 tăng sĩ cư ngụ… Sau đó là thời gian suy thoái của đạo Phật tại đây, những đạo quân Hồi giáo đã tràn qua tàn phá và hầu như đã phá hủy sạch sẽ nơi đây. Thành phố Sarnath cũng biến mất, không còn cư dân sinh sống. Mãi đến năm 1835, những nhà khảo cổ học người Anh mới khám phá, phát hiện và khai quật lại thời vàng son lộng lẫy của Sarnath.


Nằm cách trung tâm Varanasi khoảng 10km, từ bờ sông Hằng, bạn có thể đi taxi hoặc xe lôi máy lên đến tận Sarnath, với giá khoảng 200Rp. Nếu không, bạn đi xe lôi đạp (30Rp) lên đến bến xe bus đi Sarnath, nằm ngay trước ga Varanasi, đi xe bus mất thêm 10Rp nữa sẽ đến nơi. Dĩ nhiên là tôi đi bằng phương tiện này. Đi xe lôi đạp chầm chậm ngắm nghía phố phường Varanasi xem sao, vả lại tôi còn phải quay lại ga Varanasi chuẩn bị vé, hỏi thăm thông tin đi Gaya nữa, nên đi xe lôi là thích hợp nhất, lại tiết kiệm nữa (mách nhỏ, bia ở đây đắt gấp đôi bên Nepal, nên cần phải tiết kiệm mấy khoản khác nhiều hơn nữa (!)).


PB190943.jpg

Đường phố Varanasi, đoạn vừa ra khỏi khu bờ sông – đông ơi là đông


PB190944.jpg

Lên chút nữa thì đường vắng hơn, giờ thì các chú bò thiêng cứ xem đường là nhà, thảnh thơi nằm nhai cỏ. Cái xe có tên Rickshaw mỹ miều trong L.P là cái xe lôi đạp này đây. Tôi cũng đang ngồi chễm chệ trên đó nhưng 2 tay ôm khư khư cái túi xách và cái máy chụp hình vì Varanasi cũng có tiếng về nạn giựt dọc.​


Chiếc xe bus đến Sarnath lúc mặt trời cũng đã lên khá cao, bỏ tôi xuống ngay ngã 3 vào khu di tích với con đường vào thị trấn, vì xe còn đi tiếp 1 đoạn vào phố. Tôi hân hoan nhảy xuống miền đất linh thiêng. Như vậy, tôi đã may mắn đến được vùng đất thiêng thứ 3 của Phật giáo, sau Lumbini và Kushinagar. Niềm tự hào và hạnh phúc chợt ùa về trong tôi. Xin chào vườn Lộc Uyển, chào Sarnath

(tbc.)
 
Last edited:
Varanasi, Lang thang vườn Lộc Uyển thanh bình – 2

(cont.)


Thay vì đi thẳng vào trong thành xưa Sarnath, bây giờ tôi lại đi ngược đường trở ra, vì lúc nãy trên đường xe chạy, tôi có thấy có 2 khu di tích trông cũng rất lôi cuốn. Đó là quần thể chùa Thái đang xây dựng và di tích của Chaukhandi Stupa nổi tiếng. Chúng ta bắt đầu thăm chùa Thái trước nhé.


PB190945.jpg

Đường vào chùa Thái


PB190947.jpg

Nét duyên dáng cao ráo khó lẫn vào đâu của chùa Thái​


Quần thể chùa chiền và cả tu viện của Phật giáo Thailand đang bắt đầu được xây dựng tại đây. Nhiều công trình chỉ vừa mới bắt đầu. Chùa chắc cũng có tài trợ việc học tập cho các em học sinh nên trong khuôn viên có rất nhiều các em chơi đùa và đều rất ngoan ngoãn. Không có các bảng nói về các điển tích, sự tích nên tôi đi lang thang trong chùa nhìn ngó thôi chứ cũng không biết được nhiều.


Trong chùa, rất ấn tượng là bức tượng chỉ của 1 gương mặt Đức Phật thôi nhưng rất to. Vì chưa thấy ai chỉ thờ phụng 1 gương mặt của Ngài không thôi nên tôi nghĩ đây sẽ là một phần trong 1 bức tượng lớn – mà sao lại làm tượng tách bạch như vậy. Tôi không hiểu nhưng không biết hỏi ai nên chỉ ôm những câu hỏi vào lòng. Trong khuôn viên còn có ngôi chùa theo kiến trúc Thailand nhưng rất lạ là những bức tượng Phật đứng chỉ khác nhau với các tư thế của 2 bàn tay. Tôi có biết chút chút về các tư thế bàn tay khi Ngài ngồi, về các giai đoạn trong quá trình tu và đắc đạo của Ngài, nhưng các tư thế đứng này tôi không biết. Bạn nào biết giải thích giúp nhé.


PB190946.jpg

Gương mặt thánh thiện của Đức Phật


PB190950.jpg



PB190956.jpg

Các tư thế khác nhau của các tượng Phật


PB190949.jpg

Những người bạn Ấn dễ mến


Trong khuôn viên này, tôi có chụp hình giúp một gia đình người Ấn đi viếng chùa. Họ vui vẻ cảm ơn và cả ngày hôm đó tôi lại gặp họ rất nhiều lần trong thành Sarnath, tôi đều nhận được những nụ cười chào, dù có lúc tôi đã quên bẵng họ, khi họ lẫn vào đám đông đang thành kính đi lễ.


(tbc.)
 
Last edited:
Varanasi, Lang thang vườn Lộc Uyển thanh bình – 3

(cont.)


Chỉ dừng trong khuôn viên chùa Thái một thời gian ngắn, tôi lại đi ngược ra tiếp đến Bảo tháp Chaukhandi. Đây là nơi Đức Phật gặp 5 vị đệ tử đầu tiên của người. Bảo tháp Chaunkhandi được xây dựng vào khoảng TK IV-V Công Nguyên, cũng có những tài liệu nói rằng cao tăng Huyền Trang của nhà Đại Đường cũng đã đến đây vào TK VII. Bảo tháp này được phát hiện vào 1835 và khai quật, trùng tu mãi đến 1904-1905, có chiều cao khoảng 30m. Trên đỉnh của bảo tháp, đặc biệt có 1 tháp bát giác, kiến trúc Mughal, được xây dựng sau này, vào 1588 để tưởng nhớ cuộc viếng thăm nơi đây của vị quốc vương Hồi giáo vĩ đại Humayan.


PB190960.jpg

Chaukhandi stupa nhìn từ cổng chính


PB190969.jpg

Và góc sau


PB190970.jpg

Rồi cận cảnh tháp bát giác.


Trải qua thời gian bao nhiêu năm, bảo tháp vẫn còn giữ được hình dáng uy nghi dù những viên gạch, những gờ cạnh, những phù điêu đã mòn đi biết bao nhiêu theo dấu thời gian. Dù bạn thấy có người trên bảo tháp nhưng việc leo lên bảo tháp là điều cấm. Bpk không thể leo lên đó như những bạn trẻ Ấn nên đành chiêm ngưỡng bảo tháp từ bên dưới và đi vòng thật nhẹ quanh bảo tháp, mới phát hiện sau lưng khu vườn bảo tháp hiện đang được đào bới rất nhiều để xây dựng 1 công trình gì đó. Không biết nó có ảnh hưởng đến bảo tháp hay không. Trong khuôn viên và ở công viên kế bên bảo tháp Chaukhandi cũng có rất nhiều những cây bồ đề to lớn với rất nhiều chú sóc hồn nhiên chơi đùa, thỉnh thoảng gương những đôi mắt đen ngây thơ nhìn khách lạ, như hỏi, như chào.


PB190966.jpg

Những chú sóc hồn nhiên, dạn dĩ​


(tbc.)
 
Last edited:
Varanasi, Lang thang nơi vườn Lộc Uyển thanh bình – 4

(cont.)


Sau khi lang thang trong Chaukhandi stupa vắng vẻ và yên bình, tôi bắt đầu đi trở lại vào khu di tích chính của thành Sarnath. Bảo tháp Dhanekh còn sót lại, nằm trong 1 khuôn viên rộng lớn của những di tích của ngày xa xưa.


PB190980.jpg

Tài hoa của những nghệ nhân từ hơn 2.000 năm trước vẫn sáng ngời qua từng viên gạch vỡ.


Ở đây, mỗi phiến đá, mỗi viên gạch đều chất chứa một câu chuyện dài của 2.000 năm về trước. Thời gian và con người đã cùng nhau góp phần tàn phá nơi đây, nhưng những giá trị lịch sử vẫn còn mãi trường tồn. Khu vực này, theo sử sách, ngày xưa là cơ man những tu viện, chùa chiền, bảo tháp, lên đến cả ngàn. Quốc vương Ashokar trong thời gian đến đây cũng đã dừng chân rất lâu để tu tập trong 1 ngôi chùa lớn, gần nơi ông cho dựng chiếc cột đá nổi tiếng của mình, nhưng giờ những gì còn lại chỉ là những dấu tích….


PB190981.jpg



PB190977.jpg



PB190993.jpg

Dấu xưa


Mỗi cụm đá, gạch bạn thấy nơi đây ngày xưa có thể là 1 ngôi chùa hay 1 bảo tháp, như dấu tích bên dưới chính là bảo tháp Dharmarajka được xây dựng bởi quốc vương Ashoka để cất giữ các thánh tích của Phật. Bảo tháp có đường kính 13.49m này đã bị phá hủy năm 1749 bởi quốc vương Jagatshingh. Khi đó, người ta phát hiện trong bảo tháp có một hộp bằng thạch anh đựng tro, nằm trong 1 hộp đá khác to hơn. Chiếc hộp thạch anh và tro đã được rải xuống sông Hằng, còn chiếc hộp đá hiện được lưu giữ trong bảo tàng, cùng với 2 bức tượng Phật, mới được tìm thấy gần đây, khi các nhà khảo cổ bắt đầu khai quật lại Sarnath.


PB190978.jpg

Những gì còn lại của Dharmarajka Stupa


PB190996.jpg

Thành kính


(tbc.)
 
Last edited:
Varanasi, Lang thang nơi vườn Lộc Uyển thanh bình – 5

(cont.)


Những người theo đạo Phật không thể không biết đến quốc vương Ashokar và công lao to lớn của người trong việc phát triển và tôn vinh đạo Phật. Di tích của ông để lại ở các vùng đất Phật được tìm thấy gần đây đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề ngày trước còn chưa được làm sáng tỏ về Phật giáo. Ở Sarnath, ông để lại nhiều di tích nhưng nổi tiếng nhất là chiếc trụ đá mang tên ông và tượng 4 chú sư tử chụm lại. Trụ đá ở Sarnath giờ đã gãy làm nhiều khúc nhưng vẫn dễ nhận biết vì những dòng chỉ dụ ông cho khắc trên đó có gần 2.300 năm tuổi. Cây cột đá nguyên thủy cao 15.25m, có đường kính ở gốc là 0.71m, ở đỉnh là 0.56m, đã được quốc vương Ashokar cho làm vào thế kỷ thứ III trước CN. Trên đỉnh của cây cột đá này còn có 4 chú sư tử đá oai vệ, mà giờ đang là biểu tượng nằm trong quốc huy Ấn Độ. Trên cột đá này có khắc 3 chỉ dụ của quốc vương Ashokar. Ở Lumbini, Nepal cũng có 1 trụ đá như vậy và vẫn còn nguyên vẹn chứ không bị gãy như ở đây.


Lion_Capital_of_Ashoka-1.jpg

Tượng 4 sư tử, giờ là quốc huy Ấn Độ, được giữ trong bảo tàng Sarnath (cấm chụp hình), hình từ net


PB190988.jpg

Các phần còn lại lại của cột đá Ashokar.


Dhanekh stupa là di tích còn được bảo quản tương đối nguyên vẹn nhất ở đây. Toà bảo tháp cao 34m, này được xem là để đánh dấu nơi Đức Phật thuyết giảng lần đầu tiên, sau khi Ngài đắc đạo ở Bodhgaya. Hầu như thời gian đã bào mòn tất cả nhưng may mắn thay, đâu đó trên các góc của bảo tháp vĩ đại này, người ta vẫn thấy được những chạm trổ, hoa văn điêu khắc tinh xảo của 2.000 năm trước còn sót lại. Những hoa văn này, được cho là mới làm vào thế kỷ thứ V, còn ngôi bảo tháp làm bằng này gạch được cho là đã được xây dựng vào những năm 200 trước CN.


PB191020.jpg



PB191005.jpg

Dhanekh stupa


PB191006.jpg


PB191007.jpg


PB191012.jpg

Các hoa văn sắc sảo còn lại (một số đã trùng tu)


Tôi cứ miên man đi trong khu vườn thênh thang nắng, mênh mang những dấu tích xưa... lòng đã nhẹ tênh. Trong khu vườn, bên cạnh những khách Tây thơ thẩn như tôi thì còn lại là những đoàn khách hành hương, cả châu Á và những gia đình Ấn độ. Mọi người đều rất thành kính và im lặng, và có những đoàn người ngồi nghe giảng kinh kệ trên nền của 1 ngôi chùa ngày xưa, thật yên bình trong 1 trưa nắng nhẹ ở Sarnath. Giá bây giờ là 2500 năm về trước và tôi vẫn đang ở đây!


(tbc.)
 
Last edited:
Giá bây giờ là 2500 năm về trước và tôi vẫn đang ở đây!

Nếu là 2500 năm trước, có lẽ nơi đó chỉ là một khu vườn, có lẽ đúng hơn là một khu rừng thưa, nhiều cỏ, cây cối không rậm rạp lắm. Chắc là không có gì khác nữa, ngoài một số chú hươu nhỏ đi ăn cỏ, xa cách với khu dân cư....
 
Varanasi, Lang thang vườn Lộc Uyển thanh bình – 6

@ chitto, bpk đang “phiêu” 1 tý thôi, ý bpk là “mơ ước” được nghe Phật giảng kinh ở đây, vào khoảng gần 2.500 về trước. Đang phiêu diêu trên trời, bạn cắt dây 1 cái, bpk té cái bịch xuống đất, trở về với thực tại rồi.

@ oilman, vậy bạn vào đây chia sẻ thêm thông tin về đất nước Ấn Độ mà bạn đang nhớ đi nhé. Cho topic đỡ nhàm chán vì chỉ đơn độc 1 giọng điệu.
...................................................


(cont.)


PB191013.jpg



PB191019.jpg

Cuộc sống vẫn tiếp diễn, tình yêu vẫn muôn đời... khắp nơi nơi. - Trong vườn quanh Dahnekh stupa


Rời khu vườn thiêng có Dhanekh stupa, tôi vào tham quan Bảo tàng Khảo cổ học Sarnath. Bảo tàng rất hay nhưng vì cấm chụp hình nên tôi không chia sẻ nhiều được với các bạn. Bạn nào rành về Phật giáo vào đây sẽ mê mệt với các hiện vật nơi đây. Cả tượng 4 chú sư tử đá của quốc vương Áhoka cũng đang chễm chệ nơi đây. Hơn 2.000 năm đã qua mà các chú vẫn mạnh mẽ oai phong như ngày nào. Do không chuẩn bị về thời gian nên tôi không dừng lại ở đây nhiều lắm, nhưng chân tình khuyên các bạn nào muốn yêu mến hoặc muốn tìm hiểu về Phật giáo, các bước thăng trầm… qua các di tích,… nên dành thời gian đến đây thăm viếng.


PB191021-1.jpg

Bảo tàng khảo cổ học về Phật giáo ở Sarnath


Không nhiều chùa chiền như ở Lumbini, cũng ít hơn ở Kushinagar, bao quanh Sarnath cũng có chùa chiền của vài nước trên thế giới, cũng như của Ấn Độ. Và cũng không có chùa Việt Nam nào ở đây, dù trong chùa Mulganda Kuti Vihar có 1 bản kinh Chuyển Pháp Luân bằng tiếng Việt khắc trên đá. Như vậy, có lẽ trong 4 miền đất Phật, chỉ có ở đây là chưa có chùa và sự hiện diện của các tăng ni Việt.


Ngôi chùa đầu tiên tôi viếng là Mulganda Kuti Vihar, được xây dựng vào năm 1931 bởi cộng đồng Mahabodhi Society, Srilanka. Bài thuyết giảng đầu tiên của Phật, kinh Chuyển Pháp Luân, vẫn được thuyết giảng lại tại đây hàng đêm, vào khoảng giữa 6-7pm, tùy theo mùa. Cây bồ đề trong khuôn viên chùa, được trồng vào năm 1931, có nguồn gốc từ Srilanka. Mà cái cây ở Srilanka, lại có nguồn gốc từ cái cây đầu tiên ở Bodhgaya, nơi Đức Phật đắc đạo. Cây bồ đề đầu tiên tại Bodhgaya cũng không còn nữa, cây hiện tại, mọc đúng tại vị trí Ngài đắc đạo, cũng lấy từ chính cái cây tại Srilanka. Tiếc là lúc đó chẳng hiểu tôi lơ đãng làm sao nên đọc lướt qua điểm này, khi rảnh rỗi đọc kỹ thấy mới thấy tiếc. Ngôi chùa này có kiến trúc rất lạ, và phần trang trí bên trong lại được thực hiện bởi 1 nghệ sĩ người Nhật. Màu sắc nâu nâu, kiến trúc thanh mảnh của ngôi chùa này rất ấn tượng. Nhiều gia đình đến đây rồi đi tiếp vào tham quan vườn nai bên trong. Lúc nãy mon men đi dọc theo bức tường bao quanh Dhanekh stupa, tôi cũng nhìn qua hàng rào và đã nhìn thấy mấy chú nai đáng yêu rồi nên tôi không vào nữa mà đi tiếp.


PB191025.jpg

Đường vào Mulganda Kuti Vihar


PB191029.jpg


PB191034.jpg

Mulganda Kuti Vihar ở các góc nhìn


PB191015.jpg

Vườn nai ở Sarnath

(tbc.)
 
Varanasi, Lang thang vườn Lộc Uyển thanh bình – 7

(cont.)


Sarnath bé nhỏ, yên bình. Chỉ có vài nhà nghỉ ở đây, có lẽ do cũng gần Varanasi quá. Mà khách hành hương thì có thể xin ngủ trong chùa được, nên dịch vụ không phát triển nhiều nơi đây, thế mà hay.


Trên đường đến thăm chùa Tàu, tôi thong dong đi cùng đoàn các cô các dì đi làm đồng về. Chẳng khác gì những mẹ những dì lúc nào cũng lam lũ, cần mẫn, chăm chỉ… ở Việt Nam hay khắp châu Á. Và cũng phải nói là đi chung với những chú bò nữa chứ. Các chú lang thang khắp nơi, chẳng biết ai quản lý mấy chú này ta, ăn uống, bệnh tật, sinh nở… thì làm sao, vì tôi thấy các chú cứ đi rông ngoài đường cả ngày lẫn đêm.


PB191035.jpg

Trên con đường làng ở Sarnath


PB191041.jpg

Các chú bé Sarnath, cái chú nhóc bìa phải đang mặc theo model gì vậy không biết nữa.


PB191023.jpg

Một bức tượng Phật rất lạ so với những tượng tôi hay nhìn thấy (về gương mặt của Người), khi lang thang ở Sarnath


PB191037.jpg

Bò cũng đi chùa? Phải không vậy trời?


Chùa Tàu ở đây lại rất đơn giản, không rồng phượng sơn son thếp vàng như hầu hết ở các nơi khác. Điều này làm tôi cũng hơi lạ lạ nhưng lại thấy mến mến hơn. Trong chùa, có thông tin ngắn gọn về cuộc đời và về chuyến đi Tây thiên thỉnh kinh của vị cao tăng Huyền Trang, và có 1 bản đồ ghi lại hành trình đó của ngài. Vì cao tăng cũng đã có ghé đến Sarnath trong hành trình gian khổ của mình và có ghi chú lại nhiều điều về vùng đất này, trong hành trình. Do nhờ những thông tin của ngài đã giúp nhiều người biết về vùng đất Phật này… nên miền đất này cũng cần tôn vinh người nhiều hơn.


PB191038.jpg



PB191040.jpg

Ngôi chùa Tàu giản dị


PB191039-1.jpg

Hành trình Tây thiên thỉnh kinh của cao tăng Huyền Trang. Sao không giống con đường của mình vậy ta?


(tbc.)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,462
Bài viết
1,153,029
Members
190,097
Latest member
bonghongvu
Back
Top