12.1.1/ Mộ Ông Tăng Chủ (thiền sư Bùi Tăng Chủ):
DSC_0293 by
Chantam, trên Flickr
Như đã nói ở phần trên Đức Phật Thầy Tây An có 12 vị đại đệ tử (thập nhị hiền thủ), và Ông Tăng Chủ là một trong những người đệ tử đầu tiên.
Khi Đức Phật Thầy dựng lên cái trại ruộng ở Thới Sơn, thì người ta đã thấy ông Tăng Chủ theo hầu hạ trước hơn ai hết.
Sở dĩ, người ta gọi ông là ông Tăng Chủ, vì ông là người đầu tiên được Đức Phật Thầy giao cho làm chủ coi sóc trại ruộng ở Thới Sơn.
Ông Tăng, người giỏi võ nghệ, thân vóc cao lớn, miệng rộng tai dài, cánh tay buông xuống dài tới đầu gối, chân tay lông móc đầy kín, tiếng nói sang sảng như sấm, tâm tánh thì hồn nhiên quả quyết.
Cũng như các hàng đệ tử khác, ông đạt được những khả năng phi thường, cho nên ngoài việc phát phù trị bịnh cho bá tánh, ông còn hàng phục các mãnh hổ trong rừng.
Thuở đó rừng núi Két, cọp dữ có tiếng, thế mà từ ngày ông được lịnh Đức Phật Thầy giữ trại ruộng ở Thới Sơn, thì các thú dữ thảy đều kiêng sợ ông như chúa sơn lâm. Có thể nói, khi ông đi rừng hễ gặp cọp thì cọp thảy đều quì mọp, có khi cùng đi theo ông lên núi.
Về chuyện ông Tăng Chủ điều khiển mãnh hổ, người ta kể lại rất nhiều:
Một lần nọ, cọp về xóm vào lúc chập tối, mọi người rút lên gác, đóng cửa kín mít, đánh mõ báo động vang trời. Ông Tăng một mình cầm mác thong trèo xuống thang rượt cọp. Dưới ánh trăng mờ mờ, cọp lao tới phủ lên mình ông. Ông lẹ làng rùn xuống, một tay dựng đứng mác thong lên, một tay thủ thế chờ cọp rơi xuống. Cọp hoảng hốt khi gặp tọa độ của ông Tăng cùng với ánh sáng lấp lánh của ngọn mác thong, nó liền né sang một bên. Trong lúc lúc cọp mất đà chao mình trên lưng chừng, ông đấm nhẹ vào hông nó một cú đấm thôi sơn rồi thuận chân bồi thêm vào hạ bộ nó một miếng đòn trời giáng. Cọp rống lên một tiếng vang trời rồi ngã lăn bất tỉnh.
Ông Tăng không giết cọp, bước tới lôi nóp dậy, miệng lẩm bẩm:
- Ta tha cho người, từ nay phải bỏ tính ngang tàng, đừng có đén đây nữa mà mất mạng. Cọp gằm mặt xuống đất, kéo lết cái chân què đi vào rừng, và từ đó không dám bén mảng tới xóm nữa.
Có người hỏi ông:
- Tại sao ông lại dưỡng hổ di họa, giết phắt nó đi cho mọi người nhẹ lo.
- Tôi không muốn sát sanh, mà chỉ muốn tâm phục bọn thú dữ thôi. Không phải chỉ một lần như thế, mà rất nhiền lần ông đều đánh rồi tha chúng, cho nên lũ cọp không dám hoành hành như trước.
DSC_0307 by
Chantam, trên Flickr
Trong bao nhiêu chuyện thuần phục mãnh hổ, có 1 câu chuyện do người rể của ông Đình Tây thuật lại rất lý thú.
Một hôm vào chật vật tối, Đức Phật Thầy đi xa về, khi Ngài vào gần tới cốc, thấy một ông bạch hổ ngồi cú xụ gần bàn thông thiên.
Khi thấy Đức Phật Thầy trờ tới thì hổ ta há miệng ra. Thấy vậy, Đức Phật Thầy mới hỏi:
- Chà! Đau gì mà ốm nhom vậy hả Đạo hổ? Bộ ông lại để xin thuốc phải không?
Vừa nói, Đức Phật Thầy vừa bước vào cốc và kêu lớn lên:
- Ông Tăng đâu? Ra coi Đạo hổ đau gì mà ngồi cú xụ vậy nè?
Khi ấy, ông Tăng ở phía sau, nghe tiếng Đức Phật Thầy, liền chạy ra trước chỗ ông hổ ngồi và hỏi:
- Ông làm gì ngồi đây? Sao mà ốm quá vậy?
Ông hổ há miệng ra, ngước lên trước mặt ông Tăng. Ông Tăng hỏi thêm:
- Bộ ăn mắc xương phải không?
Ông hổ hội ý, đập đuôi và gật đầu.
Ông Tăng liền bảo:
- Nếu mắc xương thì cúi đầu xuống. Ông hổ làm theo lời.
Ông Tăng cung tay đấm ngay cổ cúp của ông hổ ba cái. Tức thì cục xương quá to từ trong miệng vọt ra. Ông Tăng la lên:
-Chà! Cố ăn như thế nào mà mắc cục xương quá lớn như thế. Thôi hết rồi, đi đi!
Khi ấy Đức Phật Thầy bước ra kêu ông hổ mà dạy rằng:
- Từ nay về sau, tôi cấm ông hổ không được cho giống loài phá khuấy bổn đạo của tôi lên núi hay vào trong rừng Thất sơn nữa, nghe không?
Ông hổ cúi đầu lui ra. Rồi vài hôm sau cõng lại một con heo mà đền ơn ông Tăng.
Quả thật từ đó về sau, các thú dữ trong rừng không dám bén mảng ra phá khuấy dân cư nữa.