What's new

[Chia sẻ] Bula Fiji!

Em vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị một tuần đến Cộng hòa Fiji. Em đã biết đến Fiji từ lâu, khi trước vẫn biết Fiji là nước đầu tiên trên thế giới đón năm mới, nhưng mới gần đây tay Tổng thống Samoa tuyên bố đổi giờ nên Fiji mất ngôi đầu bảng nhưng dù sao đường Đổi ngày quốc tế vẫn chạy qua đảo Taveuni của Fiji nên đây vẫn là một trong những nước đầu tiên đón chào ngày mới và năm mới. Do vậy khi đang sinh sống và học tập ở Úc thì phải tranh thủ đi ngay vì bay từ Úc đến Fiji là gần nhất. Trước khi đi em có lên mạng tìm hiểu thông tin thì chỉ thấy có duy nhất bài của bác pentax647‎ trên Phượt là do người Việt Nam viết và đầy đủ chi tiết. Nhưng bác pentax647‎ lại không phải xin visa nên em đành tự lực cánh sinh mày mò. Bây giờ khi đã đi về nên em muốn viết bài chia sẻ thông tin cũng như cảm nhận và nhiều điều mới lạ em biết được trong chuyến đi mà không phải khách du lịch nào cũng quan tâm (thường người ta chỉ nghĩ đến dừa xanh cát trắng mà thôi).

Hi vọng những bạn đang sống ở Úc hay New Zealand hãy dành thời gian để khám phá một đất nước tươi đẹp với những con người vô cùng thân thiện và mến khách, họ thật thà và chân chất thực sự từ trẻ em đến người già, từ người lái xe đến hải quan, cảnh sát chứ không phải thân thiện kiểu nụ cười Thái Lan hay Singapore để làm du lịch. Điều làm em ấn tượng với đất nước này không phải ở cảnh quan (vì Hạ Long, Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo quê ta cũng đẹp chẳng kém) mà chính bởi con người nơi đây.

Đây là lần đầu tiên em đăng bài nên mong được mọi người ủng hộ!

Với cái giá AUD$108 (single-entry) thì cái visa dưới đây đúng là quá bôi bác, viết bằng tay (cái của bạn em còn gạch gạch xóa xóa), số ngày cho phép do tay nhân viên sứ quán quyết định. Em đặt phòng nhà nghỉ 6 ngày nên hắn cho đúng 6 ngày còn bạn em hắn ngứa tay vẽ số 7 vào thế là thành 7 ngày (chính hắn nói qua điện thoại) ?
1c Visa - Copy.jpg


Yêu cầu cho Visa Holiday Fiji bao gồm: Hộ chiếu còn hạn 6 tháng tính đến ngày rời khỏi Fiji, mẫu đơn xin Visa khai đầy đủ thông tin, 2 ảnh hộ chiếu, vé máy bay, đặt phòng khách sạn, visa cho điểm đến tiếp theo (ví dụ em phải nộp visa Úc để có thể quay lại Úc), chứng minh tài chính (tầm $2000 là ok) và một bì thư chuyển phát nhanh để họ gửi lại hộ chiếu đã "vẽ" xong visa. Cuối cùng quan trọng nhất là tiền CHỈ CHẤP NHẬN gửi qua bưu điện (Australia Post Money Order) (giống lần mẹ em chuyển tiền cho cậu ở Hà Giang, tất cả các ngân hàng bó tay cuối cùng phải ra bưu điện).

Em đã mất thêm $10 gửi tiền qua bưu điện, hai cái bì thư chuyển phát nhanh $30. Đau đớn nhất là gửi toàn bộ giấy tờ đi mà không gửi cái cheque của bưu điện, sáng thứ hai ngủ dậy móc túi ra thấy, chết nửa đời người, email ngay cho Đại sứ quán thì họ trả lời ngay lập tức và nói họ vẫn giữ hồ sơ đây để chờ, gửi tiền luôn cho họ đi. Khi nhận được tiền họ có email lại, khi duyệt xong hồ sơ họ cũng gọi điện lại báo là đã gửi hộ chiếu qua bưu điện rồi. Em bắt đầu có thiện cảm với người Fiji từ lúc đấy. Đi tong thêm $5 cái phong bì đựng mỗi cái séc bé bằng cái vé xe buýt.

Thế là mỗi phần thủ tục đã mất gần ba trăm đô. 2 tuần sau hộ chiếu gửi đến nhà là xong, ngồi rung đùi đợi ngày bay thôi :D ( Qua đợt này em cũng thấy tin tưởng bưu điện Úc, nghiên cứu mới biết họ có cả một đội máy bay riêng để chuyển bưu kiện nên gửi qua một đêm đã tới nơi). Ở Úc thì gửi cho Cao Ủy Fiji tại Canberra (riêng ai ở NSW thì gửi đến Sydney), Ở NZ thì gửi đến Wellington còn ai ở Việt Nam thì gửi sang Kuala Lumpur, Đại sứ Fiji tại Malai kiêm nhiệm Việt Nam. Đây là link của Cao Ủy Fiji tại Úc:

http://www.fijihighcom.com/visaspermits/88-visa-forms-and-how-to-apply-for-a-visa.html

Muốn bay đến Fiji có ba đường chính: Qua Úc+New Zealand là đường "chính ngạch", dân Khoai tây dù khoai châu Âu hay khoai châu Úc đều qua đường này. Thứ hai là từ Mỹ bay thẳng sang (giá vé thì trên trời và đồng thời cũng ngồi nửa ngày ê ẩm trên trời). Thứ ba là Korean Air dành cho các bạn Dae Han Min Guk và Tung Của Dân Mỉnh. Em là Ta-Ba-lô nên chỉ dùng hàng không giá rẻ thôi mà cũng phải xem xét rồi mới chọn Virgin Australia. Em đặt vé trước 3 tháng nên hai chiều từ Melbourne là AUD$500, rẻ hơn và nhiều chuyến để chọn hơn Jetstar, còn Qantas, Air NewZealand, Fiji Airway thì miễn bàn :(

Phòng nghỉ thì em dựa trên Tripadvisor cuối cùng đặt qua Hotels.com. Cả chuyến này em dựa trên thông tin của Tripadvisor là chủ yếu và mấy cái tờ rơi của các trung tâm du lịch. (vì đi có mấy ngày nên em không mua Lonely Planet $35 đắt lòi)

Chương trình đi cũng chỉ lên cái khung sơ sơ còn nói chung là tùy cơ ứng biến, chính thế lại hay. Rồi thế là nhét kem chống nắng vào ba lô và đi. Sau 5 tiếng rưỡi vo ve trên giời, Sân bay Quốc tế Nadi, cửa ngõ Fiji, chào đón du khách đến từ Mel-buồn lạnh lẽo bằng cái nóng nhễ nhại. Nadi là thành phố lớn thứ ba Fiji và nó chẳng có cái gì cả ngoài cái sân bay, bến tàu, nó thực ra là một điểm trung chuyển để đi đến các khu resort, các đảo, thủ đô Suva. Vì em không ở rì sọt rì siếc gì hết nên em đặt phòng ở Nadi. Đây là bản đồ du lịch sơ lược đảo Viti Levu (đảo lớn nhất và có các thành phố lớn nhất):



Câu chào của người Fiji là "Bula" và nó đã trở thành thương hiệu cho đất nước này, bất kì ai trong bất kì thời điểm nào trong ngày cũng có thể chào "Bula", thậm chí lên xe khách chào "Bula" tất cả người ngồi trên xe trước cũng không sao (Còn ở Việt Nam mình chắc sẽ cho một vé đi thẳng vào trại). Ngay bước xuống cửa máy bay là có người của sân bay đứng chào, và sảnh đến thì có ban nhạc đánh đàn hát chào mừng. Chưa một đất nước nào em từng thấy cảnh sát giao thông cũng như an ninh sân bay vẫy tay chào khách miệng nói: "Bula! bula!" và cười toe toét. Anh Hải quan mặt rất nghiêm túc nhưng vẫn có một chút sốc nhẹ khi lần đầu cầm trên tay cuốn hộ chiếu nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sờ mó cái hộ chiếu chán chê anh nói: "Follow me" (Đi theo tôi), em há mồm: "For what?" (Để làm gì?), anh hải quan:" To get your holiday visas", em cười:"It's inside" (Ở trong cơ mà thím). Anh kiểm tra lại rồi cười hì hì. Em hỏi luôn thì phát hiện ra rằng không cần phải xin visa trước mà đến sân bay xin visa tại đây cũng được (nhưng tốt nhất không nên nghịch dại mà cứ có trước cho chắc ăn).

Nhà nghỉ em chọn không được đánh giá cao bởi cơ sở vật chất nhưng được đánh giá rất cao ở sự vui vẻ của nhân viên và bà chủ (biệt hiệu giang hồ đặt là Mama). Khách sạn nằm cách cuối đường băng sân bay mấy trăm mét nhưng phải đi vòng mất 3 km (thỉnh thoảng máy bay lại vèo một cái qua nóc nhà). Đây là cảnh ngay trước khách sạn. Ba bước chân là đến biển (Cát trong đất liền không đẹp như mấy hòn đảo trên phim)

 
Last edited:
Việc đầu tiên khi xuống sân bay phải quan tâm đó là đổi tiền. Fiji tiêu tiền Fijan Dollar (Các mệnh giá, kích thước đồng tiền, đồng xu và chất liệu đều rập khuôn như đúc của Australia). Trước khi đi em có xem tỷ giá ở mấy quầy đổi tiền trên phố của Úc thì 1AUD ăn 1.63FJD. Em nhờ anh bạn đang học tiếng Anh hỏi bà cô giáo người Fiji thì bà ấy xui là sang kia mới đổi tiền. Lên các diễn đàn của Tây thì năm người mười ý nhưng thống nhất là sang bên kia mới đổi. Nhưng quan trọng là đổi ở chỗ nào??? Lúc ngồi ở sân bay, vui miệng nói chuyện với một ông Fiji thì ông ấy khuyên đến công ty XXX này để đổi tiền, trên Tripadvisor có bạn tỏ vẻ sành sỏi, nói là đổi ở sân bay được giá nhưng phải sang Ga quốc tế đi thì tỷ giá cao hơn vân vân và vân vân. Nhức hết cả đầu.

Dù sao em vẫn mò sang ga đi xem thế nào thì thấy tỷ giá ga đi ga đến y hệt như nhau và y hệt như em xem ở trên phố bên Úc. Thế là em mới đổi một ít trước và định để vào phố đổi tiếp. Kết luận: Đi Fiji đổi tiền ở Western Union là tỷ giá tốt và vào trong phố tỷ giá cao hơn sân bay nhưng không chênh lệch quá nhiều như ở Úc (sân bay Úc mua có 1.5). Trung bình là 1$ (AUD/USD) được 1.6$ (FJD).



Em phát hiện ra một sự lạ trên đồng tiền mà nhiều người không để ý đó là Mrs. Elizabeth II trên tất cả các mệnh giá đã dần bị thay thế bởi một em ve sầu, một em đại bàng, một em cá và một em vẹt. Đó là do sau đảo chính quân sự 2006, Chính phủ Fiji đã thành lập nền cộng hòa với một ông Tổng Thống và Nữ hoàng đã bị ra rìa, không còn là Nguyên thủ quốc gia nữa. Dĩ nhiên là mấy cha Angles không thích thế, nên đã ngồi uống nước chè bàn bạc với Úc và NewZealand tống cổ Fiji ra khỏi Khối thịnh vượng chung, Diễn đàn kinh tế Thái Bình Dương, quy kết tội đàn áp và vi phạm nhân quyền nhưng cuối cùng cũng chưa làm gì được vì Fiji vẫn là nước mạnh nhất trong các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương. Tổng thống Fiji đã thất hứa tổ chức bầu cử năm 2009 nên Fiji bị ra khỏi Khối thịnh vượng chung và phải hứa sẽ tổ chức bầu cử vào năm 2014 trong khi đó thì dân Úc dân Anh vẫn đến Fiji chơi nhiệt tình. Quốc kỳ Fiji vẫn có cờ Anh bay phấp phới. Ở Fiji người ta thường nói "Don't rush in Fiji. This is Fiji time!" (đừng vội vã ở Fiji, đây là thời gian kiểu Fiji). Fiji time bao trùm ảnh hưởng lên cả xã hội Fiji, mọi thứ rất từ từ chậm rãi (Không phải theo kiểu Lào đâu nhé - vấn đề này sẽ được phân tích sau). Thế nên hứa thì hứa thế chứ bầu cử hay không người ta cũng không quan tâm, vì đến làm việc ở cơ quan Nhà nước, công chức đi làm muộn 1,2 tiếng thì người dân ngồi đợi và cán bộ đến trễ vẫn vui vẻ cười xòa, nên bầu cử muộn 1, 2 năm đã là gì.:))

Về phía người dân, sau nhiều cuộc phỏng vấn thì em thấy họ hài lòng với chính phủ mới (do người Fiji bản địa điều hành). Còn về phía chính phủ Úc thì đương nhiên là không bằng lòng vì chính phủ Fiji có biểu hiện "giãy giụa" không tuân theo như trước và đặc biệt là "thân thiết" với anh Tàu hơn. Bằng chứng là trên con đường giữa trung tâm hành chính (đường Queen Elizabeth- vâng vẫn là bà ấy) giữa Văn phòng Thủ tướng, Phủ Tổng Thống, Nhà Quốc hội là hai cái đại sứ quán Trung Quốc cũ và mới nằm chễm chệ.

Thôi, chính chị chính em thế là mệt lắm rồi, giờ phải đi ngắm hoàng hôn đã chứ. Nadi nằm ở vĩ tuyến 17 (độ Nam không phải độ Bắc các bác nhé) nhưng dùng giờ mùa hè nên 8 giờ là trời tối (em cũng chả hiểu người ta dùng giờ mùa hè làm gì trong khi ở đây làm gì có mùa- chắc cho khớp với Úc và NewZ :shrug:).


Cảnh nhìn từ khách sạn (Tên khách sạn có chữ resort nhưng đẳng cấp ngang tầm motel, được mỗi cái view đẹp).


Chú ngựa bên bờ biển.


Sunset in Wailoaloa beach.

Trong thực đơn của nhà nghỉ toàn cà ri, spaghetti mà em thì không có thấy món ăn của của nước nào ngoài Việt Nam ta ngon, mà đến đây thì phải ăn đồ Fiji chứ, nên ngày đầu tiên đã kết thúc với món Fish in lolo with taro (Cá rán nấu trong nước dừa với khoai môn)

 
Last edited:
Ngày thứ hai em đã dự tính trước là sẽ đi lặn có bình dưỡng khí (scuba diving) ở Momi Bay vì nghe nói Fiji là một trong những nơi lặn biển đẹp nhất thế giới. Em chọn trung tâm lặn Scuba Bula ở vịnh Momi nằm cách Nadi 40km và phải dùng dịch vụ đưa đón của họ mất FJD$100 hai chiều.

Sáng ra có đi dạo ngắm bình minh trên bãi biển, mỗi tội mặt trời lại mọc phía sau núi mới đau. Cách nhà nghỉ một đoạn là cửa sông nơi sông Nadi đổ ra biển:



Xe đến đón rất đúng giờ. Ông lái xe (nói chuyện một lúc mới biết là giám đốc của công ty đưa đón khách) hỏi mình một câu như rất nhiều người sau này hỏi: "Where are you from?". Và tự nhiên mình nảy ra trong đầu một ý nghĩ, đó là "Let's make a guess!" (Ông thử đoán đi). Trong suốt cả chuyến đi trên dưới 50 chục người hỏi câu này xong đoán và chỉ có 2 người đoán đúng mà thôi (một anh English hai tay chống nạng đi vòng quanh thế giới (đã qua Việt Nam) với người yêu và một ông đại gia Bangladesh đi chơi một mình: "You eat lots of rice, you must be Vietnamese!"). Quay trở lại với ông tài xế: Tao thấy bọn mày cười rất tươi, bắt tay niềm nở, giới thiệu rõ ràng nên chắc chắn không phải Trung Quốc, mắt chúng mày không hề giống bọn Hàn Quốc, da chúng mày trắng nên không phải Thái Lan, blah blah cuối cùng chốt lại là người Nhật!

Rất nhiều người Fiji khi được yêu cầu đoán, trước tiên đều cho rằng bọn em là người Nhật. Không phải ngẫu nhiên mà họ đoán như vậy vì người Nhật sinh sống ở đây và đầu tư vào Fiji rất nhiều. Họ là một thế lực ngầm, nắm trong tay một phần không nhỏ kinh tế của đất nước bé tẹo với 1 triệu dân này. Người Hoa đến Fiji từ 150 năm trước (dĩ nhiên ở đâu trên cái thế giới này mà chả có người Tàu) và người Nhật mới có 30 năm đang cạnh tranh nhau ác liệt ở đây.


Ảnh trên là em ngồi trong xe Toyota Prado trên đường đi lặn.

x6_副.jpg

Chị Tây chủ công ty lặn và hai sư phụ là thợ lặn chuyên nghiệp hướng dẫn rất nhiệt tình. Bức ảnh duy nhất về việc đi lặn, cái gì đẹp thì chỉ nên nhìn bằng mắt thôi phải không ạ? Em đang nói chuyện tôm cá san hô dưới biển chứ không phải nàng tiên cá đâu nhé. Cảnh đáy biển đẹp đến mức em nhớ như in đến giờ

Rất nhiều thông tin tình báo đã được em thu thập khi ngồi trên xe (vì đi lặn có hai đứa trên tàu, không dám mang máy ảnh ra xa bờ nên kể tạm chuyện hóng hớt trên đường thay vì chuyện đi lặn vậy - ra Nha Trang 500k lặn 20 phút đẹp cũng không kém, lại còn khuyến mãi 1 kiểu ảnh). Cùng một công thức như với Thái Lan, Vỉệt Nam, người Nhật bỏ tiền là ra làm đường rồi bán xe ôtô. 80% xe ở đây là của Nhật Bủn, 10% Hàn Xẻng, 10% còn lại là Trung Quốc (chủ yếu là xe khách và xe tải, thảo nào không biết Trung Quốc bán xe đi đâu, thì ra sang hết châu Phi châu Úc). Nhân tiện cho bác nào máu kinh doanh: thuế nhập khẩu xe ở Fiji là 15% và giá xăng là USD$1.3/lít.

Bất ngờ hơn mà em cũng không thể nghĩ ra được đó là người Nhật đi sang Fiji du học rất nhiều. Họ lợi dụng cái di sản duy nhất có giá trị mà người Anh bỏ lại hòn đảo này chính là tiếng Anh. Người Nhật gửi con sang đây từ lúc 16-18 tuổi sống cùng nhà (home-stay) với người bản xứ. Khi về họ có thế nói trôi chảy 4 thứ tiếng: Fijian, Hindi, English và tiếng Nhật (đứa nào xuất sắc còn biết cả tiếng Tàu). Cơ duyên em đến với Fiji lần này cũng do cái khăn tắm có chữ Fiji của thằng cha người Nhật nằm giường tầng đối diện trong cái hostel khi đi phượt ở Sydney. Lúc đấy em lại tưởng mình nghe nhầm khi nó nói đã từng đi Fiji học, giờ mới biết dân Nhật khôn thế nào. Fiji nghèo nên chi phí học tiếng Anh rất rẻ, chất lượng tiếng Anh ngang với ở Anh ở Úc (nghe phát thanh viên đài tiếng nói Fiji FBC như nghe BBC luôn) mà giá cả ăn ở đi học chỉ bằng 1/3. (Em cũng đang nghiên cứu sau này có con thì cho nó đi học Fiji :)) ). Người Nhật mở cả trường song ngữ Anh - Nhật ở đây, có cả học tiếng anh kì hạn 3-6 tháng, ai muốn học lên tiếp thì vào đại học của Fiji hoặc đi theo chương trình trao đổi học sinh.



Trên dọc đường đi xa khỏi thành phố cảnh nông thôn hiện ra với những cánh đồng mía bát ngát, nguồn nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp mía đường của Fiji. Những đường ray han gỉ ngoằn ngoèo từ thời thuộc địa đến giờ vẫn còn sử dụng nhưng không phải chở hành khách mà chỉ để chở mía. Xen lẫn với mía là những cánh đồng sắn (cassava) và khoai môn (taro), hai loại hoa màu chính ở Fiji.


Cánh đồng mía

Khung cảnh đồng quê nơi đây rất giống với vùng Tây Nguyên khi xe đi qua những vạt đồi đất đỏ, núi non nhấp nhô, không một bóng người, nhưng khi có vài cây dừa lô nhô với những căn nhà một tầng trải rộng nằm ẩn mình thì lại làm ta liên tưởng đến miền Tây Bến Tre, Tiền Giang.


Một bên là núi non...


Một bên là giáp biển...



Thỉnh thoảng trên đường bắt gặp những điểm dừng xe khách như thế này, những người phụ nữ ngồi đợi xe, nói chuyện dưới cái nắng oi ả, con đường vắng lặng, cuộc chờ đợi một chuyến xe tưởng như vô tận. Fiji time là thế, người ta cứ thong thả, cái gì đến sẽ đến, không có chuyện tranh nhau bắt xe hay cố chen lên một chuyến xe chật kín người. Không đi chuyến này thì ta đi chuyến khác. Xe buýt trong thành phố cũng vậy, người trên xe giật chuông, bác tài dừng lại, người ta chậm rãi đứng dậy, người ở dưới đợi người trên xuống rồi lên, lần lượt từng người đưa tiền cho tài xế, nhận tiền thừa trả lại, khi mọi người vào trong hết, xe mới bắt đầu chạy. Cái xe buýt thì cũ kĩ, cọc cạch như từ đời nhà Tống, không có cửa sổ, người ngồi thò tay hết ra ngoài, nhưng văn hóa người đi xe và người lái xe thì Tây cũng phải giương mắt lên mà học hỏi. Khách du lịch, đặc biệt là dân châu Á (chán nhất là mấy con mẹ Hàn Quốc tỏ vẻ lắm tiền, đi đâu cũng bịt khẩu trang, đeo kính râm bất chấp trời mưa) luôn luôn được nhắc nhở: " Slow down, slow down. It's Fiji time!"


Bác tài xế và hộp đựng tiền xu, máy in vé (kết hợp giữa hiện đại và truyền thống)


Hàng ghế xe buýt
 
Last edited:
Bạn viết khá lắm, Pen mình thích phong cách viết chi tiết và dí dỏm của bạn. Bạn làm mình nhớ Fiji và Fiji time quá đi. Hê hê chỉ có ai đi Fiji mới hiểu Fiji time là gì . Lâu lắm mới có lại cảm xúc trẻ trung này khi đọc bài của bạn
Ôi mình thành gà già mất rồi bạn, dạo này vào forum kiếm mấy bài có chất lượng hơi bị hiếm toàn là tám để lên sao không :)
Rầu thúi ruột Tiếp đi bạn mình ủng hộ bạn hai tay, vui là đã có vài người mò tới South Pacific rồi, tềnh iu của mềnh

Dưng bạn đi Fiji có uống mấy vại Kava chưa hay chỉ nhìn thôi ....
 
Mới xem chương trình 72h của Mỹ quay tại Fiji giờ lại đọc bài này của bạn ,rất hay và bổ ích .
Cảm ơn bạn nhiều .
 
Tiếp đi bạn mình ủng hộ bạn hai tay, vui là đã có vài người mò tới South Pacific rồi, tềnh iu của mềnh

Giờ lại đọc bài này của bạn ,rất hay và bổ ích. Cảm ơn bạn nhiều.

Đa tạ hai bác, các bác làm em cảm động quá (khóc sụt sùi), em có động lực để viết tiếp rồi (c)

Dưng bạn đi Fiji có uống mấy vại Kava chưa hay chỉ nhìn thôi?



Báo cáo bác đây là cảnh thằng em đang húp sùm sụp bát kava như chết khát ạ. Cảm giác như vừa nuốt chửng chai nước súc miệng Listerine (beer). Đến Nam Thái Bình Dương mà chưa thưởng thức văn hóa Kava thì phí quá (Bạn em nhìn ông kia vừa gãi mông xong cho tay vào vò vò rễ cây và pha ra cái nước đục ngầu nên không dám uống =)), còn em đã vượt qua nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm để biết mùi đời :D) . Cái bát gỗ to đựng Kava gọi là Tanoa còn được khắc trên đồng xu FJD$2 nữa. Fiji giờ đã đóng chai món này và xuất khẩu sang Úc với NZ rồi.
 
Last edited:
Trong điều kiện thời tiết bất lợi mưa to gió lớn thì các bác tài xử lý theo phương án dã chiến như thế này đây ạ.



Nhân tiện nói về mưa gió, em đến Fiji cuối tháng 11 là lúc bắt đầu mùa mưa và đồng thời cũng là mùa nóng hơn trong năm từ tháng 12 đến tháng 3. Học sinh được nghỉ học thời gian này nên mùa này gọi là mùa hè (summer - mặc dù không có mùa đông).Thời gian này không phải là lý tưởng cho du lịch nhưng vì nghỉ Giáng Sinh nên đến cuối tháng 12 dân Tây với Hàn Quốc sang Fiji nghỉ mát rất nhiều. Suốt một tuần em đi không ngày nào không mưa mà mưa rất to, thường mưa vào ban đêm và buổi chiều. Nên nếu bác nào đi trong khoảng thời gian này thì nên đi chơi vào buổi sáng, buổi chiều ở nhà chỉ có nước ôm nhau ngủ thôi.

Mùa hè đến, học sinh được nghỉ, cũng giống như quê ta, ở đây có một loài hoa báo hiệu hạ sang mà người Fiji cho rằng màu đỏ của nó thông báo Giáng Sinh sắp tới nên gọi là Christmas Flower đại loại dịch ra tiếng Nôm gọi là Hoa phượng vĩ. Nadi phải gọi là thành phố hoa phượng mới đúng vì những cây phượng được trồng ở đây rất lâu rồi, nhiều cây thân to, tán rất rộng và mật độ trồng rất cao, Hải Phòng nhà ta so với đây không ăn thua (Ảnh minh họa không mang tính chất tư liệu mong các bác thông cảm)

x1_副.jpg


Chiều ngày thứ hai, em mò sang nhà hàng to to bên cạnh, thử xem có hải sản gì ăn được không, bèn gọi món Prawns Vakaviti (Tôm nấu nước cốt dừa). Món ăn bày thì đẹp mắt nhưng ăn con tôm thì nuốt vào không được, nhả ra chẳng đừng, không khác gì mấy con tôm nhạt thếch, trắng ởn được tắm rửa kì cọ sạch sẽ rồi nằm co ro trong mấy siêu thị ở Úc. Từ ngày rời Việt Nam đến giờ khái niệm "tôm tươi" đã hoàn toàn biến mất. Mà nào có rẻ gì cho cam, một cái đĩa trong ảnh, họ "cướp" của em FJD$30!



Đang "Ức Trai toàn tập" thì bỗng dưng mấy cô vũ nữ bốc lửa bước ra, nhạc nhẽo ầm ĩ. Thôi thì bù lại được xem một màn múa Meke, mấy ngọn đuốc cháy bừng bừng trong hoàng hôn, cũng ra cái không khí trên một hòn đảo Thái Bình Dương ra phết. Mời các bác thưởng thức tí nghệ thuật:


Ngày thứ ba, em quyết định đi chăm sóc sắc đẹp một tí xíu bằng phương án đi tắm bùn và suối nước nóng. Hôm trước, anh nhân viên khách sạn đã tìm được cho bọn em hai bạn Tây đi chung để chia đôi tiền taxi FJD$50. Trên đường vào Khu tắm bùn có một điểm du lịch là Garden of Sleeping Giant nghe giang hồ đồn là vườn hoa lan dưới chân ngọn núi có hình người khổng lồ nằm ngủ ngáy khò khò nhưng mà hai bạn Tây không quan tâm lắm, em cũng không muốn rẽ ngang rẽ dọc nên bỏ qua. Vé vào cửa là FJD$15, có người hướng dẫn đi cũng. Đầu tiên là công đoạn tự trang điểm:



Và đây là thành quả:

x2_副.jpg


Sau khi phơi nắng để bùn khô cứng lại trên người thì xuống tráng bùn (bao nhiêu ghẻ lở, mụn nhọt, ghét bẩn ra hết :D để lúc sau một ông tây đầu hói lội xuống xoa bùn hết cả lên đấu: "Tôi cảm thấy hình như tóc đang mọc lại rồi thì phải!"). Nước nguồn ở đây rất nóng, nhân viên họ cho trứng vào túi nilon và luồn một sợi dây qua, treo lơ lửng trong hồ để luộc. Không thể tắm trực tiếp ở đấy được nên họ dẫn nước ra một cái bể bơi cho nguội hơn và cũng đủ rộng cho tắm thoải mái.



Buồn cười nhất là có một em Hàn Quốc xinh như Dae Jang Geum, body rất chuẩn nhưng sau khi nhúng bùn lên thì thôi rồi Lượm ơi, bao nhiêu son phấn trôi đi hết, chỉ tội các anh ngắm nãy giờ =)). Bơi xong thì đói nên em mua ăn tạm FJD$7 món Fish in lolo with cassava (Cá nấu nước dừa với rau khoai lang và sắn) (huhu...không còn sự lựa chọn nào khác vì món gà nướng đút lò dưới đất hôm nay không có). Chắc do đói nên ăn cũng ngon với lại nhìn thấy rau khoai mừng phát khóc. Ớt ở Fiji cũng đặc biệt, cay như ớt chỉ thiên nhưng lại hình chữ nhật.



Ngày thứ tư là ngày đi ra đảo. Đây là phần chính trong chuyến đi Fiji của tất cả khách du lịch. Cái khó là lựa chọn tàu nào để đi, vì có hàng chục hãng tàu khác nhau, mỗi tàu chiếm giữ một hòn đảo, đảo to đảo tí, đảo xa đảo gần, giá cả cũng đa dạng. Em cũng đau đầu nghiên cứu và định chọn cái tàu màu vàng như hai tiền bối pentax647 và ViNguyen147 nhưng vì em không nghỉ đêm lại trên đảo, đi về trong ngày nên lựa chọn Captain Cook Cruise đi đến Tivua Island. Giá vé là FJD$185 bao gồm đưa đón hai chiều từ khách sạn, bữa trưa trên đảo (gà, xúc xích, cá nướng + salad các loại), ăn sáng với bánh mì bơ, hoa quả, nước cam và trà chiều với bánh quy trên tàu, dụng cụ snorkelling, thuyền kayak, ngồi tàu đáy kính miễn phí và màn biểu diễn chặt đôi quả dừa + nhạc sống trên tàu. Ngoài ra trên đảo cũng có dịch vụ scuba diving nhưng em đi rồi nên không quan trọng nữa . Em chọn chương trình này vì thấy có bao gồm ăn uống, thời gian ngồi tàu hợp lí (1 tiếng rưỡi 1 chiều), hoạt động cũng đa dạng, sau khi em chọn xong thì mấy người ở khách sạn cũng khen là chọn được tour hay. Đây là ảnh demo cái đảo bé xinh:



Nhưng thú thật là trên đảo không có một cái gì, nếu ai không đam mê tắm nắng và đi bơi như mấy bạn Tây thì chỉ cần một ngày là quá đủ. Còn nếu ở lại trên resort các đảo xa hơn thì "sáng ra lặn xuống, tối bò lên" là hết một ngày, em thì chỉ cần tắm biển là đủ, ngay trước khách sạn đã tha hồ rồi (vì biển ở Úc lạnh quá không tắm được nên mới mò sang đây).
 
Last edited:
Mọi chuyến tàu ra quần đảo Yasawa đều xuất phát từ bến cảng Denarau. Ở đây có một sân golf và khu nghỉ dưỡng 5 sao nên bến cảng rất sạch sẽ, hiện đại.



Em đã đặt cọc tiền ở khách sạn 20%, bây giờ đến đây trả nốt rồi lấy vé thôi



Sau một tiếng rưỡi ngồi hóng gió, tàu đến nơi, có thuyền ở đảo ra đón khách vào





San hô mọc ở xung quanh đảo dễ dàng nhìn thấy, em lấy mặt nạ, ống thở snorkel bơi một vòng thì thấy ngay cá và san hô chỉ cách bờ tầm 5-7m. Nước Thái Bình Dương nó trong xanh thế này các bác ạ:



Hết snorkelling thì bọn em hì hục đẩy cái thuyền kayak ra chèo. Đây là lần đầu tiên cả hai đứa chèo nên bốn tay không đều nhau nhịp nhàng, cái thuyền quay như cái kim la bàn, trưa thì nắng, rát hết cả chân tay nên lại nhảy ùm xuống nước cho mát nhưng cháy thì vẫn cháy, có điều không cảm thấy mà thôi. Sướng nhất là các bạn Tây, da trắng gì mà sáng thế, cứ nằm bò ra giữa trưa mà da cũng chỉ cháy đỏ lên chứ không ra được màu nâu. Chúng nó lại còn bảo sao mày cháy nắng nhanh thế, thích thế, bọn tao đi cả 1 tháng mùa hè không được bằng mày cháy một ngày :(



Nói chung là chương trình chỉ có thế thôi, tắm biển là chủ yếu đã thế còn dính một trận mưa trên đảo. Giờ mới biết cái cảnh Robinson ngồi ngắm mưa trên đảo. Hòn đảo bé tí giữa mênh mông nước, mưa trắng xóa, gió như bão, cây cối bị vùi dập tơi tả, trên tàu về lại thêm một trận nữa (tàu lại không phải kiểu du thuyền mà kiểu tàu gỗ mô phỏng tàu Thuyền trưởng Cook tìm ra Fiji) cảnh tượng như mưa trong Cướp biển Caribbean. Chiều về công chúa (phù thủy) của em đòi đi ăn vịt. Thế là quyết định ra phố giải ngố và cũng muốn xem ở cái xứ này người Trung Quốc nấu vịt thế nào. Nadi town là trung tâm thành phố Nadi có mỗi một phố chạy thẳng, đi bộ tầm 20 phút thì hết, bắt đầu bằng cầu bắc qua sông Nadi và kết thúc là cái đền Hindu (em ngó qua thấy không có gì đặc sắc nên không vào). Cảnh phố huyện một chiều mưa:



Vịt thì chỉ mấy anh Trung Quốc là có nên tìm loanh quanh mấy hàng tàu nhưng thực đơn toàn thấy tôm hùm, bào ngư, hải sâm. Thế là hỏi han, bắt xe buýt, hỏi anh lái xe, anh lái xe gật đầu, thả xuống giữa đường, anh lái xe buýt thấy mình là khách du lịch NÊN không lấy tiền (chuyện ngược đời phải không) nhưng anh ấy lại quên gọi mình xuống xe thế là đi quá tầm 1 cây số. Trời thì mưa như trút nước nên đành bắt taxi quay ngược lại. Và đây là cái thành quả của việc ăn một con vịt chạy ba quãng đồng đây

 
Last edited:
Ngày thứ năm em quyết định đi xem cho biết thủ đô. Suva là thành phố lớn và đông dân nhất Nam Thái Bình Dương, đối với người dân Fiji và các nước xung quanh thì ở Fiji cái gì cũng có, nghe thì hoành tráng nhưng thực ra quy mô chỉ bằng một quận của Thành phố Hồ Chí Minh thôi. Vì kết quả điều tra cho thấy ở Suva không có nhiều điểm du lịch nên em lựa chọn đi thật sớm và về thật muộn trong vòng một ngày.

Từ Nadi đến Suva là 200km, có xe khách chạy hằng ngày, vì dọc đường có nhiều khu nghỉ dưỡng (có thể thấy trong bản đồ du lịch ở trên). Thuê taxi thì mất FJD$200 trong khi đi xe khách khoảng FJD$20 nên em dậy sớm bắt xe. Bà chủ khách sạn nói chuyến xe sớm nhất là 3 rưỡi sáng và đặt cho em một cái taxi lúc 3 giờ để đi ra phố bắt xe. Thế là 2 rưỡi đã lục đục lôi nhau dậy sửa soạn, ăn sáng rồi đi. Anh lái xe taxi vui vẻ trò chuyện và hỏi thăm quê quán (dĩ nhiên là lại đoán sai) rồi hỏi muốn đi xe khách to 60 chỗ hay xe van bé 16 chỗ, xe van đi nhanh hơn xe khách, xe khách dừng đỗ nhiều lắm, chỉ đắt hơn một tí, giá 25$. Em nghe thấy nhanh hơn thì ok, bảo đi xe van. Đến nơi 3 rưỡi, phố xá vắng tanh (trả tiền taxi em không có tiền lẻ, đi một vòng phố, bao gồm cả cây xăng cũng không đổi được tờ 50, cuối cùng góp đống xu lại vừa đủ), tay lái xe van tuyên bố: 5 giờ mới chạy. Hai đứa há hốc mồm, ngồi đợi 1 tiếng rưỡi. Tay lái taxi cứ đứng đấy buôn chuyện với em, em hỏi sao không đi đâu ngủ thì hắn bảo phải 6 giờ mới hết ca làm việc.

Hành khách đến đông dần, gần 5 giờ có một tay bặm trợn đi xe đến thu tiền (thì ra là chủ hãng xe, tài xế không được thu tiền). Em trả năm chục 2 đứa vào xe ngồi xong tự nhiên chột dạ, quay ra hỏi hai chị em ngồi sau thì họ bảo có 17$ một người thôi. Em quay ngay ra hỏi tay đầu trọc bao nhiêu tiền một người thì hắn mới móc ra 10 đồng trả lại. Em thấy trời thì tối, nó thì to con, không dại dây dưa nên chịu mất 6$ vậy. Em vào xe kể với bạn thì bạn em bảo tay lái taxi nó vừa lên xe đi luôn rồi. Tay lái taxi người gốc Ấn Độ, thế là em đã được nếm mùi bị bọn Ấn Độ ở đây lừa thế nào rồi. Nó chắc mẩm lấy được của 2 đứa em 16$ nên cứ đứng đấy nói chuyện mãi đợi tay thu tiền đến, không được gì là nó phắn ngay tức khắc. Hai chị em ngồi sau là hai chị em dâu, cô em học năm cuối đại học, cô chị dâu là giáo viên mẫu giáo, quê ở Savusavu (đảo lớn thứ hai của Fiji). Hai người thấy em mất tiền thì xót thay cả phần mình, xong rồi dặn em là đừng bao giờ nhận là khách du lịch và phải hỏi giá trước khi đi, ngay cả họ là người Fiji khi ở những đảo khác sang đây cũng bị tính giá cao hơn, và họ còn cho em biết là họ bị nhỡ một cái xe khách to đi lúc 4 giờ sáng, vì thằng cha Ấn Độ nó muốn giữ em ở đây nên nó chở sang đầu này bến xe cho không thấy (càng kể càng cay, bến tàu bến xe thì ở đâu cũng thế). Khi về em bắt hẳn xe to đi.

Dành cho bác nào đi xe khách từ Nadi đến Suva và ngược lại: FJD$17 đi xe 16 chỗ (đi suốt không nghỉ, nghe đài, chỗ ngồi chật, nhất là em chân dài ngồi đến khổ), đi mất 3 tiếng, FJD$15.70 đi xe 60 chỗ hãng Sunbeam (nghỉ 15 phút giữa đường, xem phim Mỹ, chỗ ngồi duỗi chân thoải mái), đi mất 4 tiếng rưỡi.

Sau 3 tiếng co quắp trên xe, nghe nhạc xập xình, ngủ gà ngủ gật thì cũng đến Suva. Hai bạn ngồi sau thấy mình lơ ngơ thì dẫn ra chỗ xe buýt chạy vào thành phố dặn dò: chỉ đi xe buýt màu xanh, chỉ trả 70 cent, nếu đi taxi thì đồng hồ bắt đầu từ $1.15 (Ở Fiji những đoạn đường mà mình biết giá rồi thì cứ mặc cả vì công tơ mét không mấy khi dùng). Em cảm ơn rồi tạm biệt.

Và đây là ảnh chụp trước cổng Phủ Tổng Thống nước Cộng hòa Fiji, tèn ten :D

IMG_3860.JPG


Lúc đầu chỉ dám đứng chụp xa xa, xong anh lính ở trong gọi lại, bảo đứng cạnh đây mà chụp (Trong khi em chụp ở Phủ Chủ Tịch quê ta thì xùy xùy như đuổi ruồi, Lăng Bác thì bảo là không được phép chụp cùng khách du lịch, Phủ Thủ Tướng thì cấm chụp)

Cái món đen đen em đang mặc kia là Sulu, quốc phục của Fiji, một loại váy mà cả nam lẫn nữ đều mặc (Ai bảo mỗi đàn ông Scotland mới mặc váy nào, Sulu ở đây dân công chức cũng mặc nhiều như kiểu Longi bên Myanmar). Bạn lính canh bên cạnh đang mặc Sulu dạng lễ phục. Người dân Fiji rất thích mặc áo sơ mi theo kiểu mà nhà ta gọi là áo chim cò, hoa hoét, màu sắc, nên em cũng mua một cái để mặc gọi là Bula Shirt. Bọn Tây cũng mua Bula Shirt mặc nhưng mua váy Sulu thì chỉ có dân chơi như em mới dám mặc :)) (xin phép cho em tự sướng tí). Lần đầu tiên trong đời mặc váy cũng thấy "thoáng mát" lắm các bác ạ. Mặc bộ này vào, em không cần nói quê ở Fiji người ta đã tin sái cổ rồi, họ nghĩ em là người Fiji gốc Hoa (Hôm về sân bay Melbourne em vẫn mặc, đi đến đâu người ta ngoái đầu nhìn em như thằng trốn trại chỉ có hai bà người Fiji đi qua, em chào Bula, hai bà há hốc mồm, tay bắt mặt mừng, hỏi xem em quê thành phố nào, em nhận quê ở Nadi, cười đau cả bụng).

Presidental Palace.JPG


Phủ Tổng thống trên đồi nhìn ra biển.

Duy nhất ở đây em mới thấy các cơ quan Nhà nước nằm ngay cạnh biển (Đối diện Phủ Tổng thống là cái biển cảnh báo sóng thần to tướng!). Muốn vào trong xem cũng được nhưng phải đặt lịch hẹn, do Chánh văn phòng Phủ Tổng thống kí văn bản mới được vào, thường là hôm sau mới vào được. Em đi về trong ngày biết là không đi được nhưng cứ vào hỏi xem thế nào thì anh lính chạy vào trong hỏi rồi bảo: bên văn phòng đi đâu hết rồi chưa về. Ôi! Fiji time!!!

IMG_3854.JPG

Đây là Phủ Toàn Quyền Anh trước đây, giờ là Tòa án Tối cao. Kiến trúc thuộc địa của Anh ở đây xấu thảm hại và xuống cấp rất nhiều.

IMG_3878.JPG

Đây là chiếc thuyền săn cá voi cuối cùng ở Fiji được Bảo tàng Fiji mua lại. Bảo tàng Fiji bé xíu, là tập hợp cả bảo tàng tự nhiên, bảo tàng lịch sử, bảo tàng hàng hải, bảo tàng nhập cư, bảo tàng văn hóa các dân tộc... giá vé vào cửa $7, sinh viên $5. Các tủ kính của Bảo tàng là do Nhật viện trợ toàn bộ. Cũng không có gì nhiều để xem nhưng mấy bạn Tây bình luận trên mạng thì ca ngợi lắm.

IMG_3885_zps291032d5.jpg


Đại học Nam Thái Bình Dương. Cơ sở chính ở Suva. Đây là đại học do 12 nước Nam Thái Bình Dương thành lập, có chi nhánh tại cả 12 nước, là đại học duy nhất ở Nam Thái Bình Dương có bằng cấp được công nhận quốc tế (Không tính Úc với NZ). Cô bạn trên xe lúc sáng đang học trường này. Số lượng sinh viên từ nhiều nơi đến học chiếm một phần không nhỏ dân số của Suva. Có một trường chuẩn quốc tế còn hơn một (số) nước không có cái nào phải không ạ?

TappoCity_zpsab8d67da.jpg

Trung tâm thương mại Tappo City. Tappo là một công ty lớn ở Fiji thấy họ bán đủ từ quần áo đồ lưu niệm đến thầu xây dựng, làm đường.

Trời thì nắng chang chang mà không có chỗ nào để đi, bọn em trèo lên xe buýt đi một vòng trung tâm thành phố hết 30 phút. Cuối cùng đành xuống vào mấy trung tâm thương mại có điều hòa cho mát, ăn uống xong rồi kiếm đường chuồn. Kết luận: Suva là thành phố lớn và không có nơi nào để tham quan, phố phường đông đúc, biển không tắm được (toàn rừng ngập mặn). Chiều tới, em bắt xe về lại Nadi, chuẩn bị ngày mai lên đường về quê.
 
Last edited:
Chuyến đi này bọn em đen như chó mực với hai cái sân bay. Khi đi ở Melbourne không nhớ ra, mang theo lọ sữa tắm, dầu gội , sữa rửa mặt, nước hoa hồng lên máy bay. Hải quan Úc không lôi thôi, 125ml là quẳng luôn vào sọt rác. Bạn em tiếc xót ruột lọ sữa rửa mặt, nước hoa hồng mấy trăm bạc lận, đi qua hải quan rồi mới nghĩ ra biết thế chỉ cần bóp ra một ít là xong!!! Em mua hai chai Chivas trong duty free đang khuyến mãi vì sân bay có dịch vụ cho gửi lại đây, hôm quay về lấy. Hôm quay về em lại cứ nghĩ hàng của mình ở sau Hải quan rồi, cứ đi nhanh lên còn xếp hàng, qua Hải quan xong mới biết phải nhận rượu ở đằng trước, thêm một lần đau!

Còn sân bay Nadi thì vé máy bay em không mua hành lý ký gửi nhưng ông làm check-in tự in ra hai cái nhãn dán vào cho ký gửi luôn. Hai đứa đang hớn hở thì sực nhớ ra cái chìa mở khóa ba lô ở trong va li, đi qua cửa quét, hải quan Fiji yêu cầu mở ba lô kiểm tra không làm sao mở được. Nhưng rất may đây là hải quan Fiji chứ không phải hải quan Úc, họ bảo quay lại mua 1 cái túi nilon có zip, đựng hết đồ nước hoa, chất lỏng vào trong là ok. Một anh thì chạy đi lấy con dao, nạy cái núm kéo của balô ra, kiểm tra xong họ lại dặn chỉ cần ấn cái miếng sắt xuống là núm kéo lại bình thường. Một cô thì dặn đừng ấn xuống vội vì trên tầng còn một lần kiểm tra nữa. Mình vừa đi vừa nghĩ mãi về thái độ của nhân viên hải quan, lần đầu tiên gặp một đội ngũ hải quan như vậy. Nếu hải quan Úc hay Việt Nam thì chẳng ngần ngại gì mà rạch ngay túi người ta ra xem rồi.(NO)

Lên đến cổng ra máy bay rồi em bảo quái lạ, từ trước đến giờ đi máy bay chỉ có một lần kiểm tra thôi chứ, không thấy kiểm tra gì, túi còn mấy đồng em mua nốt 1 chai nước uống. Chưa được một hớp thì ai ngờ trên hành lang ra máy bay còn 3 cái bàn kiểm tra an ninh nữa, giời ạ, trấn lột mất của em chai nước, hai đứa chia nhau uống hết luôn chai nước 1 lít cho bõ tức.X(

Vậy là đã đến lúc phải tạm biệt Fiji ?. Khi ở thì không sao mà khi đi sao nhớ thế. Đến lúc về bạn em vẫn cứ nhớ Fiji đặc biệt là những con người nơi đây

x5_副.jpg

...những người phụ nữ hiền lành, nhẫn nại...

x4_副本.jpg

...những anh cảnh sát thân thiện...


Fijian1_zps3d096a6a.jpg

...những em bé...

Fijian3_zps22f6aff9.jpg

...những sinh viên và giáo viên...

x3_副.jpg

...những nhạc công...
Chính họ và những nụ cười của họ mới làm nên một Fiji đáng nhớ trong tôi!
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,186
Bài viết
1,150,431
Members
189,946
Latest member
Ngvanvuong
Back
Top