What's new

[Tổng hợp] Các tháp Chăm cổ còn lại trên đất Việt

Re: Các tháp Chăm cổ còn lại trên đất Việt (tháp Pô Romê)

Có một truyền thuyết ở địa phương rằng, ban đầu ngôi tháp được dựng lên để thờ vua Pô Mahtaha (Pô Klong Menai) - mà trong truyền thuyết về Pô Romê, Pô Mahtaha là bố vợ Pô Romê - rồi sau do có nhiều công trạng với dân, khi chết, Pô Romê được đưa vào thờ tại đây.

Dưới chân núi Tro hiện có một căn nhà nhỏ của người trông tháp ở. Bình thường tháp được khóa cửa, khi có khách đến tham qua, người canh tháp mới lên mở cửa tháp (đó là hồi 2008, còn bây giờ không biết thế nào).


IMG_2489.jpg

Ông Lượng - người canh tháp, bên con dốc bên sườn núi để đi lên tháp.


Từ căn nhà dưới chân núi, leo qua con dốc boeen trên, thì đến lối bậc thang xi măng lên tháp. Ông già coi tháp bảo rằng cái dãy bậc thang xi măng này được làm từ hồi Cộng hòa, còn xa xưa có 2 lối lên tháp, nay đã mất dấu cả rồi.


IMG_2485.jpg

Bậc thang xi măng dẫn lên tháp.


IMG_2432.jpg

Người coi tháp lên trước mở khóa cửa



IMG_2425.jpg

Tháp được xây trên một nền đá cao. Các bậc từ sân lên tháp (chắc mới làm lại sau này) khá dốc, lúc bước xuống dễ hụt chân.


IMG_2402.jpg

Cửa chính của tháp ngoảnh về hướng Đông.


Cửa tháp có xây thò ra một cái tiền đình khá sơ sài cuốn theo lối cửa tò vò, phía trên cửa này có một khoảng trống thụt vào, giờ nhìn không thấy gì, nhưng ông già Lượng bảo, ngày trước có gắn hình tượng bò (thần) đực Nanđin, giờ trông vẫn thấy dấu vết mờ mờ - không hiểu ngày xưa là họ đặt tượng bò thần Nandin lên đó, hay là khắc lên tấm đá trên ô vòm ấy. Trần của tiền đình và khung cửa bằng gỗ còn từ thời xây tháp đến giờ. Còn cánh cửa thì đã hỏng từ lâu, hiện được lắp bằng 2 cánh cửa gỗ mới và gắn khóa khóa lại, chỉ khi hành lễ hoặc có du khách đến mới được mở ra.
 
Re: Các tháp Chăm cổ còn lại trên đất Việt (tháp Pô Romê)

Bước qua khỏi mấy bậc cấp rất dốc để vào tháp, ngay gian tiền đình bên ngoài đặt hai pho tượng bò thần bằng đá nằm chầu, hướng mặt vào bên trong tháp.


IMG_2423.jpg

Tượng Bò (thần) đực bằng đá xám, nằm chầu bên trái.


IMG_2421.jpg

Tượng Bò (thần) cái bằng đá trắng nằm chầu bên phải.


Vua Pô Romê được thờ trong tháp dưới dạng một tượng đá được tạc thành phù điêu nổi cao trước một tấm đá hình vòng cung có trang trí những hìn nổi khác phía sau.
Vị Thần - Vua được thể hiện có 8 tay. Hai tay chính úp lại trên bụng. 6 cánh tay còn lại được "gắn" vào hai vai khá vụng.
Các cánh tay phụ còn lại mỗi bàn tay cầm một vật, đó là đinh ba, thanh kiếm và cái chén (phía bên trái) và dao găm, búp sen, cái lược (ở bên phải).
Tượng thần đội một chiếc mũ thân trụ tròn, vành mũ có trang trí dải hoa.
Ngoài ra, trên tảng đá hình vòng cung còn khắc đến ... 5 cái đầu khác, trong đó có 3 cái chồng lên nhau ở ngay phía trên đầu tượng thần, hai cái khác ở hai bên, chiếc đầu ngay trên mũ tượng thần còn có cả vai. Các đầu này đều đội mũ trụ tóe ra 5 tia phía trên.
Phần bệ hình vuông có rãnh chạy quanh tượng và bức đá hình vòng cung, kéo dài như chiếc vòi voi đến bên một con voi nhỏ nằm nghiêng gần bệ.
Trước mặt vị Thần-Vua, trên phiến đá bệ có một cái lỗ - chắc để cắm đuốc hay nến mỗi khi tế lễ.


IMG_2419.jpg

Tượng vua Pô Romê thờ trong tháp. Bức tượng đá trắng bên tay phải nhà vua là bà hoàng hậu người Rhadé tên là Bia Thanh Chanh


Ông Lượng bảo rằng, các vật được cầm trên 6 cánh tay phụ của tượng Thần - Vua là các vật đặc trưng của thần Siva, tức là bức tượng được tạc theo chuẩn mực của thần Siva, nhưng cũng có nét đặc biệt, đó là 5 cái đầu phụ, được giải thích là thể hiện các vị đại thần quây quanh nhà vua.
 
Re: Các tháp Chăm cổ còn lại trên đất Việt (tháp Pô Romê)

IMG_2405.jpg


IMG_2408.jpg

Mặt trước (phía Đông) của tháp. Các trang trí khá đơn giản.


IMG_2435.jpg

Mặt Bắc của tháp.


IMG_2451.jpg

Mặt Tây (lưng tháp).


Mặt Nam của tháp cũng giống mặt Bắc, nhưng ... không có chỗ đứng để chụp, vì phía ấy vướng chướng ngại vật, sau đó là ... vực núi.


Trên các mặt tường của tháp, chỉ còn lại 2 cột ốp ở góc tường và cửa giả ở giữa các mặt tường. Chân cột ốp không có trang trí, bản thân cột ốp phẳng phi vươn lên, đầu cột thô và nặng nề, tại các góc đỉnh cột ôp, nhô ra các phiến đá nhỏ hình ngọn lửa.
Ở trên đầu các đầu trụ ở 4 góc, nổi lên 4 cái ụ nhọn có trang trí sơ sài.


IMG_2470.jpg

Cửa giả mặt Nam. Các cửa giả mặt Tây và Bắc cũng tương tự.


Các cửa giả có 3 thân, để trơn, trán cửa phía trên hình mũi giáo 3 lớp. Trán cửa có khoét ô rỗng để đặt tượng người ngồi. Quanh rìa trán cửa ở cả 3 lớp, người ta trang trí các hình đất nung giống ngọn lửa cắm vào.


IMG_2454.jpg

3 tâng tháp phía trên ở mặt Tây - 3 mặt kia cũng bố trí tương tự.


Hai tầng trên lặp lại y hệt bố cục và hình dáng của phần thân tháp (4 mặt đều là cửa giả). Tầng thứ 4 cũng giống 2 tầng dưới, nhưng không còn các ụ nhọn ở các góc.
Đỉnh tháp là một tảng đá lớn hình tháp cong 4 mặt được trang trí bằng nhữn nét khắc vạch lên trên bề mặt.
 
Re: Các tháp Chăm cổ còn lại trên đất Việt (tháp Pô Romê)

Ngày nay chỉ còn trơ trọi một mình trên đỉnh núi, nhưng xưa kia, tháp Pô Romê là trung tâm của một quần thể các công trình lớn nhỏ xung quanh.
Ngoài tháp chính, còn có tháp phụ phía sau thờ bà hoàng hậu Rhadé - đã sụp đổ.
Phía mặt Nam của tháp chính là một tháp phụ thờ thần Hỏa, là nơi chuẩn bị đồ cúng tế để đưa sang tháp chính vào mỗi dịp tế lễ. Ngôi tháp Lửa này ngày nay vẫn còn chút dấu tích ít ỏi.


IMG_2477.jpg

Dấu tích còn lại của ngôi tháp Lửa phía Nam tháp chính, ngay sát bên tường Nam của tháp.


Phía Đông Bắc của tháp chính, ngay chỗ bậc thang xi măng từ dưới chân núi đi lên, còn một trụ bia đá hình khối trụ vuông, cao 1.2m, mỗi cạnh 0.33m, nhưng chữ đã mờ hết , gần như đã thành trụ đá trơn rồi.


IMG_2434.jpg


IMG_2484.jpg

Bia đá ngoài trời, phía Đông Bắc tháp chính.



IMG_2446.jpg

Cái này nằm phía sau lưng tháp. Ông Lượng bảo rằng đó là ngôi mộ của một cặp vợ chồng ngày trước chuyên lo hương hoa trong tháp.


Mặc dù vậy, ông ta vừa nói chuyện, vừa đi lại trên cái mặt xi măng đó, không biết có phải dưới đó là mộ không nữa.
 
Re: Các tháp Chăm cổ còn lại trên đất Việt (tháp Pô Romê)

Phía Tây Nam của ngôi tháp có một ngôi nhà nhỏ khóa cửa. Đó là ngôi nhà mới được xây năm 1962.


IMG_2455.jpg

Ngôi nhà quét vôi vàng ở phía Tây Nam ngôi tháp (chếch phía sau bên phải) ...


IMG_2476.jpg

... nằm trơ trọi, cửa khóa chặt.


IMG_2468-1.jpg

Ngôi nhà được dựng năm 1962.


Nguyên ngày trước vua Pô Romê có 3 bà hoàng hậu, bà thứ nhất là Bia Thanh Chih, con gái vua Pô Mahataha, bà thứ hai người Rhadé là Bia Thanh Chanh, bà thứ 3 là công chúa Ngọc Khoa của Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên, gọi là Bia Út.
Sau này, Bia Út trốn về Đại Việt khi quân Nguyễn tấn công Panduranga. Nhà ua bị bắt và bị giết.
Theo tục lệ Chăm, người ta hỏa thiêu xác vua, khi đó chỉ có bà hoàng hậu Rhadé là Bia Thanh Chanh nhảy vào lửa chết theo vua, nên được thờ trong một ngôi tháp phụ, rồi khi ngôi tháp sụp đổ, tượng của bà được đưa vào tháp chính phía bên phải tượng vua.
Còn bà hoàng Bia Thanh Chih không chịu nhảy vào lửa chết theo nhà vua, cho nên sau khi chết, bà không được thờ tự trong ngôi tháp (phụ) nào cả.
Ông Lượng coi tháp nói rằng, ngày xưa người ta "thờ" tượng bà giữa trời đất dãi dầu mưa gió, mãi tới năm 1962 họ mới gom góp tiền xây dựng căn nhà nhỏ làm nơi nhang khói thờ cúng bà.


IMG_2460.jpg

Người coi tháp mở cửa căn nhà nhỏ, nơi thờ bà hoàng Bia Thanh Chih.


IMG_2465.jpg

Bức tượng đá bà hoàng Bia Thanh Chih trong phòng thờ của bà.


Truyền thuyết kể rằng, vua Pô Romê tuy tài giỏi nhưng lại hiếu sắc. Bà Bia Thanh Chih không có con, bà Bia Thanh Chanh khi đó mới sinh được mấy người con gái. Một người con rể của vua báo cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên biết chuyện, Sãi Vương bèn lập mưu cho công chúa Ngọc Khoa sang Chiêm Thành làm vợ vua Pô Romê.
Ngọc Khoa sang Panduranga, chẳng bao lâu tìm cách gặp được nhà vua, lập tức Pô Romê say mê nàng, cưới làm vợ, gọi là Bia Út.
Sau khi thành bà hoàng, Bia Út dò la được bí mật, Chiêm quốc còn tồn tại được là nhờ cây thần Krêt trong hoàng cung che chở.
Theo kế hoạch định sẵn một hôm Bia Út bất ngờ lâm bênh nặng, khiến Pô Romê rất lo lắng.
Các lang y được vời đến thăm bệnh đều nói bà hoàng không bị bệnh gì cả, còn Bia Út thì ngày đêm rên la. Nàng lén bỏ bánh đa (bánh tráng) dưới chiếu, mỗi lần vua vào thăm, bà trở mình khiến bánh vỡ răng rắc như xương nàng gãy. Điều đó khiến vua càng thêm lo.
Bia Út đổ cho cây Krết làm hại nàng, vua bèn vời các bà bóng vào hỏi. Vì đã được mua chuộc, các bà bóng đều bảo với ngài rằng chính cây Krết gây bệnh cho hoàng hậu.
Quá say mê Bia Út, mặc cho các quần thần can ngăn, vua vẫn quyết định cho chặt cây Krết.
Suốt 3 ngày liền, chặt thế nào cây Krêt vẫn đứng vững, vua Pô Romê nổi giận đích thân cầm búa chặt cây. Sau ba nhát búa trời giáng của nhà vua, cây Krết đổ xuống, máu đỏ từ thân cây chảy ra như suối.
Từ đó Bia Út lạ khỏi bệnh, nhà vua càng vui khi nàng báo cho vua là nàng đã có mang - mặc cho thần dân đau buồn vì cái chết của cây thần Krêt.
Bia Út mật báo cho Sãi Vương biết mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Ít lâu sau Pô Romê nhận được tin mẹ nàng Bia Út lâm bệnh nặng, ngày đêm mong nàng trở về thăm. Pô Romê trúng kế, để Bia Út về nước thăm mẹ một mình.
Ít lâu sau một cánh quân Nguyễn tiến đánh Panduranga. Pô Romê thua trận bị bắt và bị chết.
 
Re: Các tháp Chăm cổ còn lại trên đất Việt (tháp Pô Romê)

Dưới chân núi Tro hiện có một căn nhà nhỏ của người trông tháp ở. Bình thường tháp được khóa cửa, khi có khách đến tham qua, người canh tháp mới lên mở cửa tháp (đó là hồi 2008, còn bây giờ không biết thế nào).

Bây giờ vẫn thế thẩy Tủn ạh. Ít ra là đến tháng 7/2010, thời điểm em đến tháp.


Bước qua khỏi mấy bậc cấp rất dốc để vào tháp, ngay gian tiền đình bên ngoài đặt hai pho tượng bò thần bằng đá nằm chầu, hướng mặt vào bên trong tháp.

IMG_2423.jpg

Tượng Bò (thần) đực bằng đá xám, nằm chầu bên trái.

IMG_2421.jpg

Tượng Bò (thần) cái bằng đá trắng nằm chầu bên phải.

Em đồ rằng tượng bò thần cái (đá trắng) được làm sau này. Nét tạc thô hơn, mới hơn và mặt đá còn xù xì chưa nhẵn bóng do thời gian như tượng bò thần đực:

attachment.php

Tượng bò thần đực.


attachment.php

Tượng bò thần cái


Mặt Nam của tháp cũng giống mặt Bắc, nhưng ... không có chỗ đứng để chụp, vì phía ấy vướng chướng ngại vật, sau đó là ... vực núi.

Em ké cái ảnh, không được trực diện và đầy đủ nhưng chắc cũng đủ hình dung mặt Nam tháp:

attachment.php

Mặt Nam tháp.


Trên nền đất phía mặt Bắc tháp có 1 hố cát. Theo lời bác Lượng, đấy là hồ hứng nước tắm Vua mỗi khi làm lễ. Hố này như không đáy bao nhiêu nước cũng thấm hết không bao giờ đầy (?). Trên vách tường mặt Bắc tháp có khe nhỏ dẫn nước ra, kiểu như Yoni, nhưng em tìm mãi chả có khe nào.
Trên mặt hố cát có vài phiến đá và 1 đầu trụ đá như tấm bia nhô lên, thấy rõ là đã được khai quật lên rồi lấp xuống lại. Bác Lượng bảo ngày trước người ta khai quật lên, phát hiện 01 bộ xương người dưới hố nên lấp lại.

attachment.php

Hố cát ở mặt Bắc tháp.
 
Re: Các tháp Chăm cổ còn lại trên đất Việt (tháp Pô Romê)

Cám ơn nuamua post vào tấm ảnh mặt Nam của ngôi tháp nhé. Bữa đó tớ đến tháp đúng tết Tây, trời mưa, lại mang cái ống kính rất lỡ cỡ, không có cách gì chụp được quá 2/3 mặt tháp phía Nam, nên không chụp luôn :D
Còn cái hố cát, mình nghĩ nó ở trên đỉnh núi thấm xuống, thì biết bao nhiêu nước cho đủ đầy. :D

-----------------------------------------------------------------------------------------------


Ngày nay, người chăm ở Ninh Thuận - Bình Thuận vẫn tin rằng chính vua Pô Romê là người cho xây dựng đập thủy lợi Ma Rên, một trong hai công trình thủy lợi quan trọng nhất ở Ninh Thuận hiện nay.
Vì thế, ngoài việc cúng tế vị thần-vua Pô Romê vào những dịp lễ tết, người Chăm hiện nay hết sức chăm lo bảo vệ hệ thống thủy lợi Ma Rên, và làm nhiều nghi lễ liên quan đến đập nước.

Hình ảnh của tôi về tháp Pô Romê thì ít, và ... xấu tệ, nhưng lần đến tháp, do mắc mưa nên có dịp ngồi nói chuyện nhiều với ông Lượng, có một số chuyện khá thú vị.

Chuyện thứ nhất :
Khi đó tôi chưa đến tháp Bình Thạnh ở Tây Ninh, nhưng đã đọc một số thông tin về ngôi tháp ấy, à biết được rằng, người ta xác định niên đại của nó vào khoảng cuối thế kỷ VIII.
Trong lúc ngồi chờ mưa tạnh ở tháp Pô Romê, lân la hỏi ông Lượng về ngôi tháp ở tây Ninh (lúc đó còn chưa biết Tây Ninh có tháp Chót Mạt nữa, tưởng chỉ có 1 tháp Bình Thạnh).
Câu trả lời của ông cụ làm tôi ngôi ngây ra : " Ngày xưa quân chúa Nguyễn đánh xuống, vua Pô Romê chết trận, một ông tướng đã chạy sâu về phía Nam, rồi xây ngôi tháp ở Tây Ninh đó" :shrug:
Dĩ nhiên là vâng dạ mà không nói gì thêm rồi :D.


Chuyện thứ hai : Chuyện những vụ trộm, phá hoại các pho tượng ở tháp Pô Rome.


Ông Lượng nói rằng, ông tuy mang họ Nguyễn, nhưng là người Chăm, hơn nữa, ông còn khoe mình là người trong "hoàng tộc xưa" (chuyện ông Lượng có phải người hoàng tộc Chăm xưa hay không thật khó kiểm chứng và cũng chả để làm gì, nhưng việc người Chăm mang họ Nguyễn thì có - từ thời Gia Long ban "quốc tính" cho các vương tôn Chămpa ở trấn Thuận Thành - vùng đất Panduranga của người Chăm).
Hiện nay thì ông là người ăn lương của Sở Văn Hóa, chứ trước đây, những người coi tháp - gọi là chức tămnay - được dân làng cử ra, và được ưu đãi ruộng đất.
Ông Lượng kể rằng, trước 1975, ở đây đã xảy ra một số vụ lấy cắp hay phá hoại các pho tượng :
- Tượng thần Siva ở vòm cổng của tháp bị lấy mất;
- Tượng công chúa Ngọc Khoa (Bia Út) bị lấy cắp và đập vỡ, vứt cách tháp mấy km. Sau người ta phục chế lại tượng Bia Út, rồi chuyển tượng ấy ra bảo tàng Chăm Đà Nẵng.
(Nhưng thực tế, pho tượng Bia Út đang được lưu giữ tại Bảo tàng Ninh Thuận - sau này đọc thấy trên mạng nói thế :D).

Rồi ông kể chuyện ông tămnay tên là Tình, hình như là người tămnay cuối cùng do làng bầu lên, và được ưu đãi về ruộng đất.
Ông Tình coi tháp mười mấy năm, để trộm lấy mất hai pho tượng Bia Thanh Chih và Bia Thanh Chanh, rồi nghe nói con cháu dòng họ người coi tháp đánh tráo vương miện bằng vàng của vua Pô Romê, mà sau đó ông Tình bị đuổi khỏi làng Hậu Sanh này.
Cũng từ đó, người coi tháp ăn lương của Sở Văn hóa.
Và theo như ông Lượng nói, hai pho tượng đá của hai bà hoàng trong khu vực tháp Pô Romê là hai pho tượng mới làm ngay gần đây.
Trong câu chuyện của ông già coi tháp, còn đầy vẻ huyền hoặc ma quái, như việc ông Tình - khi còn coi tháp - một đêm bỗng phát hiện một chén máu được để ngay trước mặt tượng thần-vua Pô Romê, sau đó ít lâu thì tượng bà Bia Thanh Chanh trong tháp bị mất,...


Tò mò với những câu chuyện của ông Lượng, nhưng lại biết chắc chắn là ông ấy có nhiều nhầm lẫn, phóng đại, nên tiếp tục về lần mò trên mạng, nào ngờ gặp một bài trên mạng có nội dung khá giống với câu chuyện mất trộm ở tháp Pô Romê mà ông Lượng nói : http://www.danangpt.vnn.vn/vanhoa/detail.php?id=41&a=77
 
Re: Các tháp Chăm cổ còn lại trên đất Việt (tháp Pô Klong GiaRai)

Cụm tháp Pô Klong GiaRai là một trong số cụm tháp lớn và còn nguyên vẹn nhất của người Chăm hiện còn tồn tại.
Đây là cụm tháp được truyền thuyết nói rằng do vua Jaya Simhavarman III (nhân vật này khá ... quen thuộc trong sử Việt với cái tên Chế Mân) xây dựng để thờ một vị vua tiền nhiệm là Pô Klong GiaRai.
Niên đại của cụm tháp được xác định ở vào khoảng cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV.
Cụm tháp hiện nằm trong khu vực nội thị của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, nằm khá gần ga Tháp Chàm.
(Hình như) trước đây, Phan Rang và Tháp Chàm là hai thị trấn riêng biệt, sau phát tiển dần ra đến "dính" vào nhau luôn. Cụm tháp Pô Klong GiaRai nằm ven Tháp Chàm, cách QL27 vài trăm met, cách Phan Rang chừng 7km, nhưng giờ thì thành phố đang phát triển, cụm tháp có lẽ đã được tính trong khu vực nội thị rồi


IMG_9998.jpg

Cụm tháp Pô Klong GiaRai còn lại 3 tháp, nằm trên đỉnh ngọn đồi cách QL27 vài trăm met.


(Cụm) tháp được xây dựng trên một ngọn đồi, gọi là đồi Trầu.
Đồi Trầu không cao lắm, chỉ khoảng 100m, tuy nhiên các mặt đồi khá dốc. Trước kia, người ta phải xây tường đá làm bờ kè giữ đất ở ba mặt Đông, Tây và Nam.
Tuy nhiên, cổng chính vào khu tháp nằm ở mặt Nam, nên sau này (hiện nay), lối lên tháp chính lại được trổ về phía Nam bởi các bục đá.


IMG_9995.jpg

Lối lên cổng tháp.



IMG_1689.jpg

Cổng vào khu tháp mở ở phía Nam.


Tuy nhiên về sau này, người ta cho dựng lên ở mặt phía Đông dưới chân đồi Trầu một cái kiến trúc giống như cái cổng. Chắc dựng tượng trưng ... chơi, vì vách đồi Trầu phí Đông, Tây, Bắc đều dốc đựng đứng.


IMG_1672.jpg

Dưới chân đồi Trầu, mặt phía Đông, kiến trúc này mới được dựng lên gần đây.


IMG_0012.jpg


IMG_0114.jpg

Cụm tháp nhìn từ dưới chân đồi, phía dãy nhà trưng bày phía Đông Nam khu tháp.


Con đường láng nhựa, có hai dãy cột đèn hai bên (hình thứ 2) là con đường người ta sử dụng khi hành lễ, còn có một con đường khác lên từ phía Đông Nam đồi Trầu, ngoằn ngoèo leo theo sườn đồi, rồi cũng dẫn về cỏng tháp phía Nam.
 
Last edited:
Re: Các tháp Chăm cổ còn lại trên đất Việt (tháp Pô Klong GiaRai)

Pô Klong GiaRai (Po Klaung Girai) là một vị vua khá nổi tiếng của người Chăm, đặc biệt là ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận. Đối với họ, ông là vị anh quân có công dẫn thủy nhập điền, lại tài giỏi và nhiều mưu mẹo.
Giống như Pô Rôme là người có công xây dựng hệ thống thủy lợi Ma Rên, Pô Klong GiaRai có công xây dựng hệ thống đập thủy lợi Nha Trinh - hai hệ thống thủy lợi quạn trọng nhất vùng Panduranga ngày xưa và của cả vùng Ninh Thuận ngày nay.

Truyền thuyết của người Chăm về vua Pô Klong GiaRai có thể tóm lược như sau :

Xưa kia, mẹ của Pô Klong GiaRai là một đứa bé gái bị thả trôi sông, được một cặp vợ chồng già không con cái ở vùng Panduranga nhặt được và nuôi làm con.
Lớn lên, trong một lần đi rừng cùng cha mẹ, cô gái đã uống nước trong một cái hốc đá, rồi tự nhiên mang thai, sinh ra một bé trai đầy mình ghẻ lở, đặt tên là Pô Ong.
Tình cờ trong một lần đi chăn bò, Pô Ong được một con rồng hiện ra liếm sạch các vết ghẻ lở và trở nên một chàng trai rất khỏe đẹp.
Khi nhà vua băng hà, không có hoàng tử kế vị, triều đình chưa biết làm thế nào, thì con voi trắng trong hoàng cung bỗng phá chuồng chạy đến tận nơi Pô Ong đang ở và quỳ xuống trước mặt chàng tỏ ý mời lên lưng nó.
Pô Ong vừa trèo lên lưng voi, con voi trắng bèn đưa chàng chạy thẳng về kinh thành. Dọc đường, Pô Ong nhiều lần tìm cách trốn, nhưng con voi vẫn cứ tìm ra chàng, nên Pô Ong đành theo voi về kinh thành.
Về đến kinh thành, thấy chuyện lạ, triều đình tôn Pô Ong lên làm vua. Tuy vậy cũng có một số quan không phục, vì vua vốn xuất thân là anh chàng chăn bò bẩn thỉu. Nhà vua trẻ buàn bã bỏ đi tu trên núi. Nhưng vua bỏ đi, trong nước liên tiếp gặp dịch bệnh, mất mùa,... nên triều đình và dân chúng lại lên núi rước vua về cung tiếp tục làm vua.
Trong thời gian trị vì, vua Pô Klong GiaRai đã cho xây dựng hệ thống đập thủy lợi Nha Trinh giúp dân làm nông nghiệp, và ngài cũng tỏ ra rất tài giỏi và mưu mẹo trong việc ứng xử với các quan (vụ thi xây tháp với đại thần Pô Đam - đã nói ở phần tháp Pô Đam), hay như vụ dùng mưu mẹo thắng người Khơme trong vụ thi xây tháp Hòa Lai (sẽ nói khi đến phần tháp Hòa Lai).


Về cơ bản, truyền thuyết về Pô Klong GiaRai dính dáng rất nhiều đến miền đất Panduranga.

Trong các truyền thuyết của người Chăm đều nói Pô Klong GiaRai trị vì trong khoảng thời gian từ 1151 đến 1205.
 
Re: Các tháp Chăm cổ còn lại trên đất Việt (tháp Pô Klong GiaRai)

Pô Klong GiaRai là cái tên "nỡm" của người Chăm gọi nhà vua của mình - Vua Lác (Non nước Ninh Thuận - Nguyễn Đình Tư) - một kiểu tên dân gian, bởi trong tiếng Chăm, "Pô" có nghĩa là "ông", "bà", "ngài",... mang hàm ý trang trọng.

Sau này, người ta cũng cất công dò tìm trong lịch sử xe Pô Klong GiaRai là vị vua Chăm nào. Giai đoạn giữa thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XIV (từ 1145 đến khoảng 1320) là một giai đoạn xung đột kéo dài giữa Chiêm Thành với Chân Lạp của người Khơme, hai bên thường xuyên đánh phá nhau, và thậm chí có đến vài chục năm cuối cùng của giai đoạn ấy, Chiêm Thành bị biến thành một tỉnh của đế chế Ăngkor.

Có 2 giả thuyết về thân thế thực sự của vua Pô Klong GiaRai.

Giả thuyết thứ nhất : Pô Klong GiaRai là Suryavarman (hay Suryavarmadeva - sử Việt gọi là Bố Trì) làm vua từ 1190 đến 1203


Ông nguyên là một vương tôn Champa tên là Sri Vidyanandana, không rõ lý do nào, đã sang sinh sống ở Chân Lạp từ năm 1182.
Trong giai đoạn trước đó vài chục năm, giữa Champa và Chân Lạp đã thường xuyên xảy ra chiến tranh đánh phá lẫn nhau.
Năm 1177 vua Chiêm Thành là Jaya Indravarman IV (trị vì từ 1167 đến 1190) đánh chiếm Chân Lạp, bắt được nhiều tù binh đem về Chiêm Thành, trong đó có một vị hoàng thân Khơme mà sau này là vua Jayavarman VII của Chân Lạp.
Năm 1186 vị hoàng thân Khơme này được thả về nước để kế nghiệp ngai vua của người anh. Về Chân Lạp lên ngôi vua, Jayavarman VII gặp và kết thân với Sri Vidyanandana và phong cho vị hoàng thân Champa một tước hoàng tộc Khmer là Yuvaraja.
Năm 1190, Jayavarman VII (vua Chân Lạp) sai Vidyanandana đi đánh Chiêm Thành, ông chiếm được Vijaya, bắt sống Jaya Indravarman IV (vua Chiêm Thành) mang về Chân Lạp.
Hoàng tử In (anh em cột chèo với vua Chân Lạp Jayavarman VII) được phong làm tiểu vương xứ Nagara Vijaya (Bắc Chiêm Thành), hiệu Surya Jayavarman (hay Surya Jayavarmadeva), hoàng thân Vidyanandana được phong làm tiểu vương xứ Rajapura (Nam Chiêm Thành), hiệu Suryavarman (còn gọi là Suryavarmadeva hay Bố Trì), cả hai đều đạt dưới sự lãnh đạo của Jayavarman VII. Vương quốc Chiêm Thành trở thành một thuộc địa của Chân Lạp. Panduranga và Vijaya là hai tỉnh của đế quốc Angkor.

Người Thượng trên Tây Nguyên không công nhận vương quyền mới này đã cùng một số vương tôn Chăm khác tổ chức đánh phá Amavarati, Vijaya và Panduranga.

Năm 1191 tại Vijaya, Surya Jayavarman (hoàng tử In) bị Rasupati, một hoàng thân Champa, đánh bại phải chạy về lại Chân Lạp.
Rasupati tự xưng là vua xứ Vijaya, hiệu Jaya Indravarman V.
Không nhìn nhận vương quyền mới này, Jayavarman VII (vua Chân Lạp) cho Jaya Indravarman IV (cựu vương Chiêm Thành bị bắt khi Sri Vidyanandana dẫn quân Chân Lạp đánh Chiêm Thành năm 1190) về Bắc Chiêm Thành chiếm lại ngôi báu. Jaya Indravarman IV được Suryavarman (hoàng thân Sri Vidyanandana) tiếp sức mới chiếm được Vijaya, Rasupati (Jaya Indravarman V) bị xử trảm.
Thay vì giao thành lại cho vua Chăm cũ, Suryavarman chiếm luôn Vijaya; Jaya Indravarman IV liền kêu gọi dân chúng tại Amavarati và các làng Ulik, Vyar, Jriy, Traik chống lại.
Năm 1192, Jaya Indravarman IV bị tử trận tại Traik. Suryavarman thống nhất lại đất nước, lên ngôi vua và tìm cách tách khỏi ảnh hưởng của đế quốc Angkor.

Hay tin hoàng thân Suryavarman làm phản, Jayavarman VII (vua Chân Lạp) cử đại quân sang đánh Chiêm Thành. Cuộc chiến kéo dài từ 1193 đến 1194, đại quân Khmer bị đánh bại.

Tuy đẩy lui được quân Khmer, Suryavarman vẫn lo sợ. Năm 1194, ông dời cư lên Amaravati tránh nạn và giao hảo tốt với Đại Việt năm 1198, bằng cách triều cống hằng năm, và được vua Lý Cao Tông (Long Cán) phong vương năm 1199.
Đất nước được thái bình trong vài năm thì Suryavarman bị chú là Yuvaraja on Dhanapati Grama (Bố Do) soán ngôi năm 1203.
Dhanapati Grama đưa quân Khmer vào chiếm Amaravati, Suryavarman dẫn một hải đội hơn 200 chiến thuyền chạy vào cửa Cửu La (Nghệ An) xin tị nạn. Tại đây, vị vua Chăm (người Việt gọi là Bố Trì) bị Dĩ Mông và Phạm Giêng, hai quan trấn thủ Nghệ An, nghi ngờ. Suryavarman rất buồn lòng, dùng mưu đốt thuyền của Phạm Giêng và giăng buồm ra khơi mất tích.

(Theo Tìm hiểu cộng đồng Chăm ở Việt Nam - Nguyễn Văn Huy)

P/S : tuy vậy, theo Nguyễn Văn Huy thì Pô Klong GiaRai lại không phải là Suryavarman.
Giả thuyết cho rằng Pô Klong GiaRai là Suryavarman (hoàng thân Sri Vidyanandanana) do Ngô Văn Doanh đưa ra trong Tháp cổ Champa - sự thật và huyền thoại
.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,547
Bài viết
1,153,608
Members
190,116
Latest member
Thangcho07
Back
Top