What's new

Chuyện đi rừng - có một thời như thế

Em/mình mở thread này để chia sẻ những buồn vui thời trai trẻ, khi rừng với em là nhà. Dạo này bỗng dưng nhớ nhà xưa (rừng) ghê gớm.

Trước tiên xin nói sơ qua về mình: sinh ra và lớn lên ở xó nhà bố mẹ, thế nhưng không hiểu sao trong người nó có máu lang bạt hay sao í, lúc nào thèm đi chơi, mình chẳng giống ai ở trong nhà và có thể mình cũng là nỗi thất vọng trong gia đình vì uốn mãi chẳng thành người (như mong muốn của bố mẹ).

Khi còn bé tí, mình thích đi bơi, thích đi học đàn, thích đi sinh hoạt hè cùng các bạn... toàn những cái thích giản đơn nhưng hầu như bị cấm đoán. Bố mẹ sắm cho cái máy khâu để tập tành nữ công, 4 năm cái máy khâu vẫn phủ khăn chống bụi, mình thì tìm mọi cách để đi chỗ nọ chỗ kia mặc dù lần nào về cũng ăn đòn.

Lớn lên một tí thì chỉ mong lấy chồng nhanh nhanh để thoát khỏi sự giám sát gắt gao của bố mẹ, nhưng trước tiên phải đi học cho giống mọi người, thế là mình chọn 1 ngành hoàn toàn không phải vì yêu thích mà chỉ vì hay được đi, ngành thực vật, ngành mà khi mình chưa ra trường thì đã được xa nhà suốt rồi, đến giờ mình vẫn thấy mình may mắn vì bố mẹ khó tính, chứ nếu bố mẹ dễ tính thì khéo bây giờ mình vẫn ngồi lì trong văn phòng nào đó ở hà nội với chức danh pha trà và oánh máy chữ.

Khi ra trường, mình vào làm cho 1 tổ chức phi chính phủ , chuyên về khám phá môi trường, điều tra đa dạng sinh học và giáo dục môi trường, và cuộc đời mở ra một trang mới từ đây, một cuộc đời vừa lộn xộn, vừa buồn, vừa vui, vừa thích thú lạ lẫm, vừa sợ hãi khong biết đời mình trôi về đâu... nhưng có một điều chắc chắn mình biết: được bước ra khỏi nhà một cách hợp pháp mà không bị ăn đòn.

Cũng lâu lâu rồi nên nhớ chuyện nào kể chuyện đó, có thể lộn xộn, có thể nhiều đoạn à quên, mong các bác thông cảm nhé
 
Last edited:
Đây là thực phẩm hàng ngày
8719039125_09199c1e91.jpg

Mì túi rẻ tiền loại không nhãn mác nhé (Ảnh bác Hến)

Những ngày đầu chuẩn bị đi thực địa, chúng tôi đi mua mấy thứ này ở ga Trần Quý Cáp (nơi đây thời đó bán rất nhiều lương thực rẻ tiền để chuyển đi miền ngược , vì tôi là lính mới nên anh Trợ Lý chương trình dắt đi chợ, anh bạn người Anh nói tiếng Việt thõi lắm, thời đấy Tây ở vn còn ít, lại nói tiếng Việt tốt thì các cô bán hàng vui lắm, mới đầu cũng trêu nhau khi hỏi giá, các cô nghĩ tây thì chả bao giờ ăn được thứ đó nên đều nghĩ là nói đùa, lúc ông bạn bảo muốn mua 200kg thì các cô bắt đầu giãn ra vì thằng tây này đùa dai quá, các cô bảo: thôi, nói chuyện vui lắm rồi, nhưng thôi... đi đi để cô bán hàng :))

Một thứ nữa là bánh ép (bánh lương khô), mỗi gói có 4 thanh, khi đi rừng trong ngày thì sẽ gặm nhấm dọc đường và chỉ phải uống nước thôi chứ không nấu nướng gì. Cái bánh ép này thì dễ ăn hơn mì tôm, nó cứng và khô như ngói, mình hay trêu tây là đói cũng phải ăn từ tốn kiểu nhấm nhấm chứ cắn mạnh một cái thì bánh ép không vỡ mà vỡ răng.

6452246221_cfedecdd2d_z.jpg

(Ảnh anh Nguyên Tabalo)
 
Vì trại chính ở chỗ tiện đường qua lại nên cũng đồng nghĩa là hơi gần nhà dân, gần trâu gần bò luôn thể, mỗi lần tiệc mì tôm thì bọn trâu bò nó đến chơi đông lắm, cũng không hiểu sao nó thích cái mùi mì tôm thế. Hôm đầu cả bọn ăn tranh với bò, đuổi đánh tõe cả cái que tre ra mà chúng nó vẫn xông vào ăn. Rồi có kinh nghiệm hơn nấu cho thật nhiều ớt vào, mùi cay chúng nó mới bỏ đi, nhưng cuối cùng người cũng không ăn được vì cay quá

Cuối cùng trại đành phải rào xung quanh để chống giặc, tiện thể treo cái biển lên để chụp ảnh cho nó đẹp :D

5414947309_5ec62ab0a7_z.jpg
 
Khi mà Bò không chơi với bọn này nữa thì chính bọn này cũng không nuốt nổi cái thứ mì túi rẻ tiền đó, không thể tả được cái độ khó ăn của nó, cho dù đi bộ cả ngày về đói lắm mà mỗi bữa 1 gói anh em cũng không nuốt nổi. Cuối bữa tiếc của bọn sinh viên mang đến nhà dân gần đó để đổ cho lợn cho đỡ phí. Một hôm sinh viên đi đổ mì về thì thấy hai bác nông dân cũng đi theo sau, hoá ra các bác theo tây về trại nhờ mình dịch cho tây. Bác ấy bảo thế này:
- Cái lợn nhà mình nó không thích mì cơm của chúng mày, từ mai chúng mày không mang sang để mình đỡ phải đi đổ
Ôi, mình cười xuýt ngã ra khỏi ghế
Đấy, đi làm cho Tây, ăn thức ăn lợn nó cũng chối từ

8724549434_cbbf71a935_z.jpg

Ảnh chỉ có tính chất minh họa (em vừa ăn trộm trên mạng về)
 
Lần đầu đi trại phụ không hề thấy vất vả, một phần đội tiền trạm đã chọn điểm dễ đi nhất cho chuyến đầu tiên, một phần luyện tập đã giúp việc đi lại dễ dàng hơn nhiều

5414945215_d5f0c51d1b_z.jpg



Ngày đó hầu hết dân nơi đây chưa có dép đi, ai đi giầy dép thì thường được dân bản tưởng là thầy cô giáo, gặp là người lớn trẻ con đều: Chào Thầy giáo, Chào cô giáo. Dân dù nói được tiếng kinh hay không mà đều biết chào tiếng tây hết, điều này mình cứ thấy lạ vì những vùng này điện chả có, tivi không, tây thì không (chưa) bao giờ gặp, sao họ lại biết Hello nhỉ

5415554164_d82d538475_z.jpg

Thế là có lần cả làng ra xem ''đoàn thầy cô giáo'' đổ bộ về bản :D .
 
Trại phụ là những điểm được cho là có đa dạng sinh học cao, đội tiền trạm đã đảo trước vài vòng với dân địa phương, kiểm lâm... để chọn ra các điểm đặt trại phụ. Đôi khi mất hai ngày đi bộ mới tới nơi, như thế giữa đường tới trại phụ cả đoàn phải kiếm một chỗ đất bằng phẳng để hạ thổ một đêm thế này

5415555314_bed01a091a_z.jpg


Trong đoàn có chú Tiến, người của Viện Sinh Thái, là một thành viên đi rừng kỳ cựu, nếu đoàn nào được đi với chú Tiến thì cứ yên tâm cả chặng. Lũ về chú ngả cho cái cầu, rắn đến chơi chú túm rắn, không có chạn chú làm chạn... cực kỳ nhanh nhẹn và khéo léo, lúc nào cũng có giải pháp. Chú là người không chỉ giỏi chuyên môn của chú mà cái chuyên môn đi rừng của chú thì ai cũng nể phục lắm. Chú Tiến bây giờ đã về hưu nhưng những ngày đông tới, chú lại chui mình vào trong túi ngủ ở Hà Nội mà nhớ rừng xưa...
 
Chú Tiến thì chuẩn man rồi, nói chung đội đi mình tham gia toàn người hay (đâm ra mình thành ấm ớ nhất).

Tuy mỗi người có chuyên môn riêng nhưng vì thời gian ở bên nhau là 24/7 nên thỉnh thoảng người nọ cũng chạy sang sân người kia lấn một tí. Ví dụ mình làm thực vật thì đo đạc cộng trừ phân loại... đều làm ban ngày, đêm thì có đội nghiên cứu về Bướm đêm thì cũng le te hóng hớt chuyên môn của họ, vui ra phết.

5415549134_e9367f4f99_z.jpg


Bẫy bướm đêm là 1 miếng vải trắng, trong những ngày không trăng, treo 1 cái bóng điện lên thì bướm đêm đến đông lắm, tha hồ mà phân loại mà chả hại đến bạn nào, trừ những loài được cho là loài mới thì sẽ bị xử tử để thu mẫu. Một thời gian thì chả những phân biệt được Bướm ngày bướm đêm mà còn phân biệt được cả bướm làng nữa

000003.JPG

Ảnh Thầy Nghĩa (Dr. Trần Đình Nghĩa)
 
000005.JPG


Bọn Thực Vật nó tĩnh, mình làm xong rồi nó vẫn đứng trơ trơ ở đấy nên không phán bừa được. Rất nhiều cây tưởng như là giống nhau nhưng khi chúng nó nở hoa thì hóa ra là khác loài. Mình hay nói với thầy, sai lầm của tuổi trẻ là em không theo ngành '' trym học ''. Định loại có sai thì nó cũng vút đi mất rồi, coi như tự dưng có loài Chim đổi hướng di cư bay qua rừng, chứ làm thực vật không làm bậy được

5415558616_d9c7d86341_z.jpg


Bọn Trym học nhàn tản, mang theo mỗi cái ống dòm, cái bút chì và cuốn sổ bé để ghi chép. Đôi khi giắt theo 1 cút rượu nữa, êm vui cả ngày

5414939049_0b34d9c203_z.jpg


Thậm chí chúng nó mà mải rượu quên chim ( không thấy Chim ) thì cũng chả sao, chứ mình thì không thể cãi được rừng hôm nay không có cây



000001.JPG

Nhìn mặt bạn bướm này khiếp chưa
 
Bài của bạn rất hay. Không hẵn là phượt nhưng lý thu. Mình rất thích.
Thanks bạn nhiều. Bớt chút thời gian viết tiếp nhé.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,545
Bài viết
1,153,604
Members
190,116
Latest member
Thangcho07
Back
Top