What's new
Ngày 22/12 là ngày Hạ chí ở Úc, đã chín rưỡi tối mà mặt trời chưa lặn hẳn, hoàng hôn vẫn còn lấp ló ở cuối chân trời thành phố. Giật mình nhớ ra, đã nửa năm kể từ chuyến đi Nga xem World Cup cũng vào ngày Hạ chí (22/6). Mấy lần vào Phượt hóng hớt xem có ai kể chuyện đi xem World Cup không nhưng đều không thấy, phần em lại quá lười, vả lại cũng sợ hiểu biết còn nông cạn, kể chuyện đi Nga khác nào múa rìu qua mắt các bậc lão làng ở đây nên cứ chần chừ mãi không viết. Thế mà đến mãi hôm nay là Tết mới vội hí hoáy viết vài dòng, tự lưu lại làm kỷ niệm, bởi trí nhớ con người vốn tồi tàn, nếu không viết ra, nhiều chi tiết trong đầu đã dần rơi rụng mất.

Em không lớn lên với văn học Nga, không học tiếng Nga, bố mẹ không ai đi Nga, nhưng giống nhiều người Việt Nam vẫn có một tình cảm gì đấy với nước Nga rộng lớn, vậy nên bài viết này chỉ hoàn toàn là cảm nhận của một khách du lịch đi Nga vào một dịp rất đặc biệt là FIFA World Cup 2018, lại sống ở Tây, nên có lẽ sẽ khách quan và khác với cảm nhận của nhiều bác khác trên Phượt, có điều gì chưa phải, mong các bác vào bổ sung thêm kiến thức cho em với ạ. Nghĩ đi nghĩ lại em quyết định viết theo thứ tự thời gian vì như thế đỡ bỏ sót sự việc, mỗi tội sẽ rất dài dòng!
154803
 
Em mua vé từ lúc chiều rồi bác nhé, tối cầm vé ra đi thôi, bác đọc ở đoạn trên ấy, còn mua vé ngay lúc đêm cũng được vì vẫn có mấy người sát giờ chạy mới lên tàu mà.

Có bác giám sát chặt chẽ thế này, em quyết tâm viết cho hết ạ! Có điều công việc dạo này bận quá hay đi làm về muộn nên một, hoặc hai ngày mới ngồi viết được một đoạn thôi, mỏi mắt lắm, bác thông cảm ạ.

Cổ vật Hy Lạp và La Mã chiếm đa số diện tích ở tầng một. Những mẫu thiết kế và dạng thức kiến trúc, mỹ thuật của Hy Lạp và La Mã cổ đại đều được coi là mực thước của nghệ thuật phương Tây và áp dụng rộng rãi cho đến ngày nay. Tiếc thay em không có nhiều cảm tình với những kiểu thiết kế này bởi qua thời gian, chúng càng ngày càng bị biến tướng và bị giới trọc phú trên khắp thế giới áp dụng cho những dinh thự, biệt phủ của mình, nước càng nghèo, càng mới nổi thì càng hay thích xây kiểu Hy La và tô trát diêm dúa. Nước Mỹ ngày trước và Trung Quốc ngày nay là những điển hình cho việc áp dụng rộng rãi thể thức Hy La và phóng đại quá lố. Em sống ở Úc, một nước đã từ bỏ kiểu cách Hy La cổ điển từ lâu và yêu thích phong cách hiện đại Bắc Âu nên chỉ thấy những hình thức này đẹp ở những tòa nhà cổ, đồ đạc cổ chứ bây giờ mà còn xây và trang trí kiểu này trông rất chối.

Nhìn tận mắt những cổ vật Hy Lạp này mới thấy trình độ mỹ thuật và thủ công của họ cũng ghê gớm, dĩ nhiên so với đồ Trung Hoa cùng thời thì còn thua xa nhiều bậc.

View attachment 167126
Vại gốm hai quai xoắn vẽ tích "Artemis bắt cóc Iphigenia'", 330-310 trước Công Nguyên, miền nam Ý. Vại này (volute-krater) dùng để đựng rượu vang pha loãng, thường đặt giữa phòng tiệc để người hầu múc rượu từng cốc mời khách. Sau cũng dùng để trang trí nội thất vì nó rất to

View attachment 167127
Bình gốm hydria, mô tả nghi lễ Eleusine, thế kỉ IV trước Công Nguyên, miền nam Ý. Bình này là một cổ vật rất quý, có tên riêng hẳn hoi: "Regina Vasorum" (Nữ hoàng của các loại bình) vì kích thước rất lớn của nó và những hình được đắp nổi, mạ kim loại nhiều màu. Qua thời gian, những màu này bị bạc đi nhưng thể hiện một kỹ thuật cao cấp trong nghề gốm sứ: dùng NHIỀU màu để trang trí, giống như những tượng trong đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng, vốn được nung với rực rỡ màu sắc.


Đồ cổ Ai Cập thì khỏi nói, là những thứ kỳ bí và hấp dẫn nhất với tất cả những người mê lịch sử và khảo cổ học. Ở đây không có quá nhiều đồ cổ đại như bên Pháp hay Ai Cập nhưng cũng kha khá thứ đẹp. Văn minh Ai Cập là nền văn minh cổ đại được biết đến rộng rãi nhất ở phương Tây vì những nghiên cứu sâu rộng và tốn kém công sức tiền bạc của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu phương Tây (Anh - Pháp), sở dĩ do Ai Cập rất gần với châu Âu. Những nền văn minh cổ đại khác ở Trung Hoa và Nam Mỹ cũng rực rỡ không kém, có điều ít được nghiên cứu hơn. Vậy nên cái gì trên thế giới này phổ biến được đều là nhờ người phương Tây cả, văn hóa Nhật được tâng bốc lên tận mây xanh cũng là nhờ người Mỹ "rừng rú", sang "đô hộ" nước Nhật sau chiến tranh, lần đầu tiên được gặp một nền văn hóa châu Á đặc sắc nên đã quảng bá nó ra cả thế giới.

View attachment 167129
Nắp và bên trong quan tài của Pa-kesh, thầy tế thần Amun, cuối triều đại XXV (cuối thế kỉ 8 - giữa thế kỉ 7 TCN) tại Thebes. Thần Amun là thần bảo trợ cho Thebes

View attachment 167128

Quách đá (Sarcophagus) của Tư lệnh quân đội - Hoàng tử Ah-mose, con trai Pharaoh Amasis II, triều đại XXVI (nửa sau thế kỉ 6 TCN) tại Giza


Nhìn những quan tài này em mới hiểu vì đâu mà Liên Xô lại có ý tưởng "gìn giữ lâu dài" long thể của Lê Tiên Hoàng, có lẽ con người ta sau nhiều nghìn năm vẫn không thay đổi quan niệm về những nhà lãnh đạo khi chết, phải bảo quản theo kiểu Ai Cập cổ đại để họ không chết mà còn sống vĩnh hằng như một biểu tượng trường tồn. Nghĩa là việc nảy sinh quan niệm tâm linh vẫn diễn ra một cách tự nhiên cho dù những người đứng đầu Liên Xô không tin vào tôn giáo (cụ thể là Thiên chúa giáo) nhưng bản năng của con người vẫn tự diễn ra như thế giống một cách nghĩ khác đã tồn tại từ hàng nghìn năm trước và còn được nhiều người ở "các nước khác" cũng hưởng ứng với cùng một quan niệm về sự sống vĩnh cửu, hòng đánh bại thời gian.

Sau khi lòng vòng một hồi tầng 1 thấy chán, em mới lên đến tầng 3. Trên này khá vắng, nhưng đặc biệt cái là khá nóng và ngột ngạt vì không có điều hòa nữa. Ở ngoài trời thì lạnh nhưng ở nhà Tây thì các bác có lẽ cũng biết là nó cách nhiệt rất tốt, nên ngoài lạnh mà trong nhà nóng là chuyện thường, quan trọng nhất là đi bộ đã khá nhiều, mồ hôi vã ra như tắm, đứng trong những hành lang tầng 3 kín như bưng nóng vô cùng. Lên đến tầng 3 này mới để ý cửa sổ: thấy tường của cung điện cực dày và có đến hai lớp cửa sổ, cách nhau một khoảng không ở giữa để cách nhiệt như cửa sổ máy bay vậy. Hóa ra không chỉ mình em nóng mà mấy bác phụ nữ ngồi canh gác cũng nóng nên trên này các bác ấy mở toang cửa sổ, đi qua chỗ mở cửa sổ lại rét run vì mồ hôi đang ướt mà gió ngoài thì lạnh.

Trên tầng ba dành trọn cho châu Á và Trung Đông mà Viễn Đông và Trung Á là chủ yếu. Ngay cầu thang lên là có một dãy hành lang rất dài trưng bày các loại tiền xu và huân huy chương.
View attachment 167131
Tiền của Trung Hoa từ thời xa xưa nhất bắt đầu có tiền cho đến tận thời hiện đại. Hai đồng tiền ở trên cùng gọi là "tiền cây cầu" là dạng thức sơ khai nhất của tiền mặt trong lịch sử nhân loại. Người Trung Hoa dẫn đầu thế giới cổ đại với những quy ước chung về những vật làm gốc, để quy đổi giá trị tương đương dùng trao đổi trong buôn bán, thay thế phương pháp hàng đổi hàng. Những vật dụng có giá trị sử dụng giống tiền này, ngay từ đầu đã được đúc bằng đồng thiếc (bronze), nên từ đấy đơn vị của tiền ở nước ta gọi là đồng.

View attachment 167130
Tiếp đến phía trên là những đồng tiền được chế tác cầu kì hơn gọi là bố tiền (hình cái mai, cái thuổng) và đao tiền (hình con dao) từ thời Đông Chu, hay nói cách khác là thời Xuân Thu - Chiến Quốc, giai đoạn phát triển cực thịnh của văn hóa và kinh tế Trung Quốc cổ đại. Trên bố tiền và đao tiền đã có đúc các chữ đại triện đơn giản mục đích của việc chế tạo tiền có hình cầu kì và đúc chữ này là để tránh làm tiền giả. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều tiền giả cùng niên đại, với chữ và hình dáng rất thô kệch, khác hẳn tiền thật. Văn minh Trung Quốc đã phát triển đến độ có đơn vị đo lường thống nhất, vì thế Nhà nước chỉ cần công bố là tiền thật dài bao nhiêu, nặng bao nhiêu thì mọi người đều có thể kiểm chứng được đâu là thật, đâu là giả.

View attachment 167132
Tiền Nam - Bắc Triều Tiên, Việt Nam và các nước Đông Nam Á xếp chung một tủ kính.


Nhìn vào đây thấy đẹp và sắp xếp gọn gàng quá mà lại thấy xấu hổ. Nghĩ đến ngay cả Bảo tàng Lịch sử quốc gia ở mình cũng chẳng có nổi một gian tử tế bày các loại tiền của Việt Nam trải dài theo lịch sử. Ở Việt Nam người ta chưa quan tâm đến những khía cạnh khác nhau của lịch sử (như kinh tế, trang phục, lối sống...) mà vẫn chỉ kể câu chuyện theo dòng thời gian như biên niên sử mà thôi. Mặc dù những đồng tiền chính là những minh chứng đanh thép nhất cho biên niên sử, chứng minh rằng nhiều khi chính sử còn chép sai, chép thiên vị vì đơn giản sử sách chỉ là chép lại đời này qua đời khác, tam sao thất bản, thêm mắm dặm muối, tiền thì đã đúc ra rồi là nằm đấy đến ngày nay.

View attachment 167133
Tiền Việt Nam qua các triều đại
Một số chú thích (rút gọn):
1. Thái Bình Hưng Bảo (đồng tiền đầu tiên của người Việt, tức nhà Đinh phát hành)
2. Thiên Phúc Trấn Bảo (Tiền Lê)
3. Thuận Thiên Nguyên Bảo (Tiền do Lê Lợi cho đúc, bắt đầu nhà Hậu Lê, đây chính là một minh chứng cho việc sử sách chép sai, sử chép vua cho đúc Thuận Thiên Thông Bảo, nhưng trên thực tế chỉ tìm thấy tiền có chữ Thuận Thiên Nguyên Bảo)
4. Quang Thuận Thông Bảo (Tiền thời Lê Thánh Tông, kinh tế phát triển là minh chứng cho việc tiền này tìm thấy rất nhiều)
16. Minh Mạng Thông Bảo, trị giá 3 tiền, vàng, nặng 11.09 g
19. Một Lạng bạc thời Thiệu Trị (nhà Nguyễn), nhưng cân nặng chỉ 37.87 g
20. Ba tiền thời Thiệu Trị, bạc, nặng 12.49 g

View attachment 167134
Từ 25-29 là những thỏi bạc nguyên chất hay ta thường nghe thấy trong phim gọi là nén bạc, thực tế nó bé xíu thế này thôi ạ
Tiêu chuẩn của một lạng ta là 38.5 g
25. Nén bạc 1 lạng mặt sau có chữ "Tự Đức niên tạo" và chữ "Canh Thân" trong ô vuông, tức là đúc năm 1860, nặng 38.39 g
26. Nén bạc 1 lạng mặt trước có chữ "An Phú - quan ngân nhất lượng", nặng 38.25 g
27. Nén bạc 1 lạng mặt trước có chữ "Nội thảng ngân nhất lượng", Nội thảng là kho bạc, nặng 37.79 g
28. Nén bạc 3000 tiền Tự Đức, nặng 15.87 g
29. Nén bạc 1000 tiền Tự Đức, nặng 9.41 g
vấn đề của vn là bị nứt gãy lịch sử nữa bác chưa kể là thiên vị ng ày ng kia của ng chép sử thành ra nó bị tùm lum
 
Phần lớn của tầng 3 dành cho Viễn Đông và Trung Á, trên bản đồ vẽ màu đỏ và những tủ trưng bày ở khu vực này đều đỏ rực rỡ cả. Rất nhiều cổ vật thu được từ những đoàn "thám hiểm" (khảo cổ) của người Nga và người Đức trưng bày ở đây. Mỗi lần xem những khu vực này ở các bảo tàng phương Tây đều thấy cay cay sống mũi cả, bao nhiêu vàng bạc châu báu ngọc ngà tranh tượng của cải hàng nghìn năm tích lũy đều bị người phương Tây mang hết về châu Âu và Mỹ, trong đấy nhiều báu vật chỉ có một không hai. Đáng buồn hơn là ngay cả ngày nay, sau cả trăm năm, cổ vật vẫn tiếp tục chảy máu ra nước ngoài vì các nước châu Á vẫn còn quá nghèo và dân trí thấp, chỉ trừ khu vực Đông Bắc Á mà thôi. Nói đơn cử như tiền cổ Việt Nam, bao nhiêu năm nay vẫn chảy máu sang Trung Quốc, rồi sẽ có ngày ta phải sang đó mua lại với giá cắt cổ.

IMG_2684.JPG

Tượng thương nhân đến từ Sogdia hoặc Ba Tư (Iran), Vương quốc Kucha (Aksu, Tân Cương ngày nay), thế kỉ 6, Chuyển từ Bảo tàng Kunstkammer năm 1930, cổ vật thu được từ đoàn nghiên cứu của M. M. Berezovsky (1905-1907)

IMG_2685.JPG

Những đồng tiền tìm thấy ở Ốc đảo Kucha:
1. Tiền Drachma của Vương quốc Sasan, Triều Khosrow I năm 29 (559), bạc.
2-3. Các đồng tiền Ngũ thù (một thù bằng 1/24 lạng) không rõ niên đại (có lẽ từ trước nhà Đường)
4. Khai Nguyên Thông Bảo, Nhà Đường (713–741).
5. Càn Nguyên Trọng Bảo, Nhà Đường (758-760)


Kucha là một Vương quốc nhỏ theo Phật giáo nằm trên con đường tơ lụa, thuộc địa phận Tân Cương Trung Quốc ngày nay. Là một ốc đảo nằm giữa sa mạc Taklamakan, Kucha là điểm cuối cùng thuộc Tây Vực của Trung Quốc, làm điểm trung chuyển hàng hóa trên con đường Tơ lụa đi các nước xa hơn về phía tây như Vương quốc Sasan, Ba Tư. Đường Huyền Trang (tức là Đường Tăng) đi phượt qua nước Cưu Từ này năm 630 đã ghi lại:

Đất ở đây trồng được gạo và mạch... người ta trồng nho, lựu và rất nhiều các loại quả hạch như mận, lê, đào và hạnh nhân... Đất đai giàu khoáng sản, có vàng, có đồng, sắt, chì và thiếc. Không khí thì trong lành mà con người thì chân thật. Ở đây viết chữ Phạn như Ấn Độ, có khác kiểu đôi chút. Họ chơi đàn luýt và thổi sáo giỏi hơn hẳn các nơi khác, người ta mặc quần áo bằng lụa nhiều màu và thêu hoa văn họa tiết.

Nước này có hơn một trăm tu viện với hơn năm nghìn người tu hành (dân số khoảng 8 vạn). Người ta theo phái Tiểu thừa - Nhất thiết hữu bộ. Giáo lý và kinh sách của họ giống bên Ấn Độ vì cùng từ một gốc ra cả. Khoảng 40 dặm phía Bắc thành là hai ngôi chùa nằm lưng chừng núi. Phía ngoài cổng tây thành, hai bên đường có dựng tượng Phật, cao đến 30 mét."


Đây là những ví dụ đầu tiên trong lịch sử loài người về toàn cầu hóa. Sức mạnh của Nhà Đường không nằm ở quân sự và chinh phạt mà thực sự nằm ở kinh tế và văn hóa. Muốn phát triển thì phải giao thương, muốn làm ăn với triều Đường thì phải xưng thần cống nạp, Đông Tây Nam Bắc, bốn phía đều phải quy phục nhà Đường bởi tầm ảnh hưởng về thương mại của nó. Như các bác có thể thấy, ở khu vực Kucha này tìm thấy rất nhiều tiền nhà Đường, thương mại là yếu tố sống còn (và là yếu tố sinh ra) với những nước nhỏ ở dọc "hành lang kinh tế" này. Con đường Tơ Lụa (Ti Trù chi lộ) nếu không có Tơ Lụa của nhà Đường thì không thể thành hình. Châu Âu lúc ấy mới chỉ là "mọi rợ" thực sự, còn đang đâm chém chứ chưa biết gì về buôn bán nữa là văn hóa.

Đây chính là lý thuyết cơ bản nhất của Con đường tơ lụa mới: Một vành đai - một con đường (Nhất đới nhất lộ) mà chính quyền Trung Quốc ngày nay muốn áp dụng để vươn tầm ảnh hưởng của mình ra toàn cầu. Họ muốn "phục hưng" lại đế chế Đại Đường, không phải bằng quân sự như nước Mỹ, Liên Xô mà bằng "trỗi dậy hòa bình", dùng tiền "mua" và "khuất phục" mọi đối thủ, họ hiểu ra rằng đóng cửa với thế giới như nhà Thanh, như Mao là dại, chỉ có thương mại thì mới có quyền lực. Những khu vực nghèo và bị bỏ quên như Châu Phi, Trung Á và Nam Thái Bình Dương nếu không có Trung Quốc đến làm ăn thì bao giờ mới ngóc đầu lên được, họ có ảnh hưởng chính trị là đương nhiên. Vậy nên giới chóp bu của nước Mỹ mới phò Trump lên ngôi chúa, là người có chuyên môn hơn hẳn những ứng cử viên khác về kinh tế, đặc biệt là thương mại, "đánh rắn phải đánh dập đầu", chơi rắn tay ngay lập tức với Trung Quốc. Những nền kinh tế yếu đuối như Nga, Venezuela, Mỹ chỉ cần dùng chiêu bài bao vây cấm vận là đã đủ để đẩy người ta đến cùng cực, nhưng với Trung Quốc thì phải cần một tay chơi lão luyện điều hành. Thực ra lúc Trump tranh cử, dân đen và báo chí đâu có ai quan tâm đến việc đấu nhau với Trung Quốc, mà toàn nói về tường Mexico, cấm người nhập cư, đạo Hồi, tạo việc làm cho người Mỹ... nhưng giới tài phiệt và kinh doanh Mỹ mới là những kẻ thao túng chính trị và chi tiền để giúp ai thắng cử. Lúc Trump thắng cử Trung Quốc còn hồ hởi ra mặt vì nước Mỹ sắp loạn, chỉ lo chuyện nội bộ, giờ thì mới biết ai cao thủ hơn ai và giới tinh hoa của Mỹ cáo già như thế nào.

Có một chuyện khá vui và rất đáng suy ngẫm về thương mại toàn cầu rằng một ngôi làng của Trung Quốc khẳng định rằng họ là những người đầu tiên trên thế giới biết rằng Trump sẽ thắng cử, trước cả khi người Mỹ đi bỏ phiếu. Đó là một ngôi làng sản xuất thủ công, chuyên may cờ và làm các loại băng rôn biểu ngữ xuất khẩu, nơi giải quyết phần lớn mặt hàng này của thế giới. Họ biết rằng Trump sẽ thắng cử vì trong suốt thời gian vận động tranh cử, lượng đơn hàng họ nhận được đặt những sản phẩm cho chiến dịch tranh cử của Trump cao gấp đôi đơn hàng cho Clinton!

IMG_2689.JPG

Một bộ tượng (tùy táng) phong cách đời Đường rất đẹp và chi tiết với các màu còn nguyên bản. Phim cổ trang Trung Quốc dựng lại được những bộ trang phục rất đẹp là nhờ những cổ vật như thế này, kết hợp với văn tự mô tả lại nên họ dựng phim với chính xác kiểu tóc, dáng áo quần, chất liệu và thậm chí là lối sống, cách sinh hoạt của mọi tầng lớp trong xã hội, thậm chí con ngựa đeo yên cương thế nào cũng chi tiết. Nước ta vừa không còn văn tự, lại không có nhiều cổ vật, và quan trọng là thiếu người nghiên cứu nên chưa có phim cổ trang ra hồn, rất may là gần đây, phong trào nghiên cứu cổ phong đã phát triển rất đáng kể.

IMG_2690.JPG

Cặp voi trang trí Throne Hall (Điện có ngai vàng) ở Trung Quốc, thế kỉ XVIII, đồng - Cảnh thái lam - mạ vàng - gỗ sưa (giáng hương hoàng đàn). Phòng 357


Cặp voi này rõ ràng là một vật rất quý, có cả ảnh trên bản đồ hướng dẫn. Nhưng rất kì lạ là em không có cách nào tìm ra bất kì thông tin gì của cặp voi trên mạng, các trang của Hermitage cũng như Google, tiếng Anh cũng như tiếng Nga. Chỉ có tìm bằng tiếng Nga thì ra được một vài trang blog của khách du lịch có chụp ảnh lại và chú thích họ chép lại là thế kỉ XVII. Rõ ràng là có gì đó khuất tất ở cặp voi này. Em cốt muốn tìm hiểu chính xác xem Throne Hall ở đây là tòa nhà nào, vì ở Trung Quốc thì chỉ có hai Throne Hall là Điện Thái Hòa hoặc Điện Bảo Hòa trong Tử Cấm Thành mà thôi. Em từng xem hai Điện này rồi, hai con voi trông rất giống phong cách những cái bình ở đấy. Có lẽ đây là hàng đang tranh chấp, Trung Quốc đòi lại chăng, nên thông tin mù mờ và bị giấu nhẹm (!?)

IMG_2692.JPG

Takeda Shingen đấu tay đôi với Uesugi Kenshin tại Kawanakajima, tranh của Toseda Horyu, nửa sau thế kỷ 19, màu nước trên giấy, lụa, ngà, gỗ (cuộn tranh). Sưu tập năm 1987 (nghĩa là Bảo tàng vẫn tiếp tục mua thêm vật phẩm cho đến tận sau này).

Bức tranh mô tả trận đánh lần thứ tư (1561) tại Kawanakajima giữa hai lãnh chúa cũng là hai kẻ thù truyền kiếp: "con hổ xứ Kai" Takeda Shingen và "con rồng xứ Echigo" Uesugi Kenshin. Cảnh trong tranh là giai thoại về việc Kenshin bất ngờ phi thẳng ngựa đến chỗ Shingen và chém Shingen bằng kiếm. Shingen đỡ lại được cú chém bằng cái quạt sắt tessen của ông (trong tranh vẽ quạt gunbai). Kenshin không thể kết liễu Shingen vì một người hầu cận của nhà Takeda lao vào cứu giá giúp Shingen chạy thoát thân. Shingen tiến hành một cuộc phản công. Quân nhà Uesugi rút lui và nhiều binh lính chết đuối khi băng qua con sông gần đó trong khi rất nhiều binh lính khác bị quân nhà Takeda tiêu diệt.

Lá cờ lớn bên phải Shingen có viết câu khẩu hiệu, cũng là tôn chỉ trong lối hành binh của ông (giúp ta biết tranh mô tả ai): 疾如風,徐如林,侵掠如火,不動如山 (tật như phong, từ như lâm, xâm lược như hỏa, bất động như sơn). Nghĩa là "tiến nhanh như gió, lấn chậm như rừng, dữ dội như lửa, bất động như núi. Đây gọi là binh pháp "Phong lâm hỏa sơn", là bản rút gọn từ Phong lâm hỏa sơn lôi âm của Binh pháp Tôn Tử, nhớ kiên trì áp dụng cách dùng binh này mà Takeda Shingen nổi lên như một nhà quân sự danh tiếng cuối thời Chiến quốc.
Lá cờ nhỏ bên trái cũng là đặc trưng của quân đội Takeda viết 南無諏方南宫(法性)上下大明神 (Nam mô tưu phương nam cung (pháp tính) thượng hạ đại minh thần) tức là vừa đánh vừa cúng, đông tây y kết hợp thì mới mong thắng được. Trong tranh thiếu hai chữ "pháp tính" tức là bản chất của vạn vật theo Phật giáo, lá cờ thật của Takeda Shingen có hai chữ này.

Nước Nhật hỗn loạn binh đao, kẻ theo binh nghiệp được trọng vọng nên thời kì này người Nhật tôn sùng các học thuyết chiến tranh cổ điển của Trung Quốc từ Tôn Tử - Bách gia chư tử cho đến Tam Quốc, chỉ lo đánh nhau nhân dân đói khổ. Thời kì này được biết đến rất nhiều là nhờ các trò chơi điện tử luôn đưa các nhân vật và bối cảnh chiến tranh kiểu Nhật vào khiến cho người phương Tây (chủ yếu là người Mỹ) say mê văn hóa Nhật trung đại và samurai, ninja, lãnh chúa (daimyo), tướng quân (shogun)...

IMG_2694.JPG

Cầu Taiko-bashi (Thái cổ kiểu - cầu trống to) trên sông Meguro và hoàng hôn bên đồi, 1857, cảnh thứ 111 trong bộ tranh Một trăm cảnh đẹp Edo, tranh của Ando Hiroshige (nghệ danh thường dùng Utagawa Hiroshige), tranh khắc gỗ màu in trên giấy. Tranh khắc gỗ màu của Nhật rất rẻ, thời ấy các nhà buôn phương Tây mua về rất nhiều, nhưng đưa nghệ thuật ukiyo-e lên hàng nghệ thuật thì chỉ có Hiroshige và Hokusai mà thôi.

IMG_2696.JPG

Tượng Phật hai đầu, Thời Mông Cổ đô hộ Khara-Khoto, khoảng 1227 - cuối thế kỉ 14, đất sét nung.

Khara-Khoto là một thành phố cổ nay chỉ còn phế tích ở Tây Nội Mông. Nhiều đoàn thám hiểm của Nga, trong đó có đoàn của Pyotr Kozlov đã khai quật được rất rất nhiều cổ vật ở thành phố này vì nghe người ta đồn rằng dưới lòng đất vẫn còn phế tích về một thành phố đã từng tồn tại giữa sa mạc, được nhắc đến trong sách của Marco Polo. Bộ sưu tập 3500 cổ vật về nền văn hóa Tangut này ở Hermitage có lẽ là lớn nhất thế giới. Còn rất rất nhiều các dân tộc với những nền văn minh rực rỡ ở Trung Á và Mông Cổ bị chìm vào quên lãng và ngày nay trở thành một phần của Trung Quốc vì Con đường Tơ Lụa biến mất và biến đổi khí hậu. Vẫn còn nhiều dư địa cho việc khám phá Trung Á huyền bí này. Qua đó ta thấy rằng người Nga là một dân tộc rất ưa khám phá, thám hiểm những vùng đất mới, họ góp phần lớn vào việc khám phá Siberia, Trung Á, các đảo Thái Bình Dương, Bắc Cực và cả Nam Cực, chưa nói đến vũ trụ. Những kẻ xem thường người Nga mà cho rằng người Tây Âu mới khôn ngoan, thích mạo hiểm, mê tìm tòi... là hơi bị hồ đồ.

IMG_2702.JPG

Dao và đôi đũa trong bao, Mông Cổ, sắt-bạc-sừng-ngà-da, nửa sau thế kỉ 19. Lần đầu tiên em thấy đũa để chung với dao, kiểu này chắc lại giống sinh viên Việt Nam ta thời bao cấp, đi học phải đút cái thìa trong túi quần, đến giờ cơm tập thể là lao vào xúc. Đọc ra mới biết đây là chuyện phổ biến ở Mông Cổ thời đó, cái bộ dao đũa này gọi là хэт хутга, để tiện ăn mì. Từ khi độc lập và theo hệ thống Liên Xô thì người Mông Cổ dần quen ăn với thìa dĩa, đến nay người Mông Cổ vẫn biết ăn đũa, nhất là với sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung - Hàn - Nhật.

IMG_2700.JPG

Tượng Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5, Tây Tạng, đồng, sơn mạ, nửa sau thế kỷ 17. (Hehe, đoạn này trong chú thích chỉ ghi là Tây Tạng, không hề ghi Trung Quốc nhé). Sưu tập năm 1934, từ Bộ phận Dân tộc học của Bảo tàng quốc gia Nga, nguyên gốc từ bộ sưu tập của Esper Ukhtomsky.

IMG_2698.JPG

Mạn-đà-la của Phật Dược Sư, Trung Quốc, thế kỷ 18, phong cách Trung Hoa - Tây Tạng. Sưu tập năm 1934, từ Bộ phận Dân tộc học của Bảo tàng quốc gia Nga, nguyên gốc từ bộ sưu tập của Esper Ukhtomsky. Hoàng thân Esper Ukhtomsky là người mê nghiên cứu Đông phương học, đã từng tháp tùng Nicholas II lúc còn là Thái tử đi một chuyến rất dài đến phương Đông, kết thúc ở Nhật.

Nói về đạo Phật vì vô biên và có quá nhiều trường phái, kiến thức của em về khoản này còn nông cạn nên không dám bàn gì. Chỉ biết rằng các phái tu Tây Tạng, Mật Tông này đang là "mốt" ở Việt Nam, nhiều nghi lễ linh đình và tốn kém, không ngại ngần mời những thầy tu "cao cấp" ở nước ngoài về làm lễ và giảng pháp, buôn bán các vật phẩm trì chú, nói chung là còn nhiều điều cần xem xét.

Vào đây phải thực sự có lượng kiến thức khổng lồ mới có thể tiêu hóa hết các vật trưng bày. Nhiều thứ và nhiều thông tin em còn phải à ờ một lúc hoặc tra cứu mới hiểu hết được.
 
Last edited:
Xem đồng hồ thấy gần đến giờ đóng cửa vội quay xuống tầng hai để xem nốt khu nhà vòm Rotunda và Phòng Malachite. Hai chỗ này đều đông người xem nên em vội không chụp nhiều ảnh. Đây là nguyên văn đoạn giới thiệu trên tấm bảng trong phòng:
"Phòng Malachite được trang trí theo thiết kế của A. Briullov vào năm 1839. Các cột tròn, cột vuông và bệ lò sưởi được ốp đá malachite theo kỹ thuật gọi là 'mosaic kiểu Nga'. Căn phòng gắn liền với sự kiện lịch sử: vào đêm ngày 7 tháng 11 năm 1917, cuộc họp cuối cùng của Chính phủ Lâm thời phản cách mạng diễn ra tại đây. Các bộ trưởng sau đó bị bắt giữ tại phòng ăn nhỏ bên cạnh phòng này."

MalachiteRoom.jpg

Nội thất phòng Malachite, tranh của Constantine Andreyevich Ukhtomsky năm 1885

IMG_2704.JPG

Ghế dài và bức tranh vẽ trên tường ốp đá mô tả: Ngày, Đêm và Thi ca. Đây là phòng khách chính thức của Sa hậu Alexandra Fiodorovna

IMG_2325.JPG

Trần nhà và đèn chùm

IMG_2326.JPG

Một số đồ nội thất trong phòng

IMG_2710.JPG

Vừa ra khỏi phòng thì các bà các cô lục đục đứng dậy để khóa tất cả các cửa. Hóa ra các cửa này đến đêm đều bảo vệ theo cách truyền thống là... khóa lại cả. Mà ổ khóa thì có lẽ vẫn nguyên bản từ thời Napoleon cởi truồng. Sáng ra mở hết tưng này cái cửa cũng tốn thời gian phết. Có lẽ vậy nên bảo tàng mở cửa muộn. Bác này còn có đồng hồ bỏ túi kiểu quý-sờ-tộc nữa, không dùng đồng hồ đeo tay.

IMG_2708.JPG

Ngoài cửa phòng Malachite còn một cái phù điêu gì to vật mà lúc đấy người ta đuổi khách trên loa rồi, em cũng đuối nên chẳng biết là cái gì.


Viết đến đây cũng thở phào được một cái vì xong đoạn Bảo tàng Hermitage. Từ trước khi viết bài này em đã không biết có qua nổi được đoạn này không. May có bác @khoixedich123 động viên chỉ đạo kịp thời, rất cảm ơn bác ạ!

Xem xong vừa đói vừa khát phải đi tìm stolovaya ngay.

IMG_2347.JPG

Cơm pilaf (tiếng Nga là Плов - Plov), khoai tây nghiền, gan gà xao, bò hầm khoai tây (có lẽ là múc vào nồi đất chứ không phải nấu trong nồi đất)

IMG_2711.JPG

Độc đáo nhất là có quả lò vi sóng trong khu vực ngồi ăn với biển ghi: bạn có thể hâm nóng thức ăn tại đây. Không biết là dành cho đồ của khách mang theo ăn kèm hay đồ của quán bán (!?)
 
22. Bữa sáng mang tâm hồn (ăn uống) Nga

Mấy ngày ở khách sạn tại Xanh em mới được ăn sáng tử tế theo đúng kiểu Nga. Đi chơi đâu có vui hay không phần nhiều phụ thuộc vào việc ăn có ngon hay không. Tuy nhiên, ngày ba bữa, ngon hay không thì cũng phải ăn nếu không thì không có sức mà đi bộ giữa những ga tàu điện ngầm và bảo tàng to vật vã ở Nga. Các nước phương Tây ngày nay đã phủ sóng với rất nhiều món Ăn châu Á nhưng nước Nga dường như vẫn là ngoại lệ. Đi Nga, ngoài McDonald’s và KFC thì đồ ăn nước ngoài không phong phú mấy, nếu rời khỏi các thành phố lớn thì gần như không có sự lựa chọn nào ngoài đồ Nga. Nhưng có lẽ đồ Nga đã đủ ngon và đa dạng để ta có một cơ hội được trải nghiệm trọn vẹn một nền ẩm thực châu Âu giữa thời đại toàn cầu hóa vũ bão như ngày nay.

Khi đi du lịch, sức khỏe là yếu tố tiên quyết và nạp đủ quân lương vào bữa sáng chính là tiền đề cho cuộc hành quân thành công ngày hôm đó. Giống như các nước châu Âu, buổi sáng ở Nga không có nhiều hàng quán mở cửa trước 9 giờ, nếu bạn không có bếp nấu mà lại không muốn ăn đồ khô thì cách tốt nhất là chọn khách sạn hay nhà nghỉ có phục vụ ăn sáng. Nếu bữa sáng không bao gồm trong giá phòng thì mình có thể đặt ăn với giá cả rất mềm, chỉ khoảng 150 rúp, vừa tiện lợi lại vừa hiểu thêm về cách người địa phương ăn sáng bởi bữa sáng hầu như là kiểu Nga, rất đủ chất. Bánh mì luôn là nguồn năng lượng chính của bữa sáng kiểu Tây, và bánh mì đen ở Nga thì đã quá nổi tiếng, đặc biệt trong thời buổi nhà nhà đều muốn giảm lượng tinh bột thì bánh mì đen có hàm lượng chất xơ cao hơn và không khiến đường huyết tăng nhanh, rất thích hợp cho người tiểu đường.

Russia Open sandwich with kolbasa and cheese.jpg

Bánh mì đen kẹp ăn sáng kiểu Nga. Ảnh từ trang này

Bánh mì kẹp ăn sáng kiểu Nga rất lạ, chỉ có một miếng bánh mì, một miếng pho mát (hoặc bơ) và một miếng xúc xích đặt chồng lên nhau, không có miếng bánh mì thứ hai kẹp lại, rất phù hợp với các bác thích thịt hơn bánh. Miếng xúc xích rất lớn, cắt dày, ăn rất ngon (mà ban đầu em thoạt tưởng là thịt nguội) được gọi là (Doktorskaya) kolbasa. Vị của xúc xích này rất đặc biệt, sau khi rời khỏi Nga, em tìm mua ở Úc mà không có.

Xúc xích Kolbasa là một loại thực phẩm thiết yếu và rất được yêu thích của mọi gia đình thời Liên Xô. Nguyên liệu xúc xích gồm thịt bò, thịt lợn, trứng, sữa, bạch đậu khấu, đường, muối được các cơ sở chế biến quốc doanh pha trộn với một công thức cố định tạo nên một hương vị rất thơm ngon và độc đáo. Năm 1974, công thức làm kolbasa bị thay đổi dẫn đến chất lượng đi xuống. Người ta vẫn đùa rằng có hai công thức tối mật của Liên Xô là công thức làm bom nguyên tử và công thức kolbasa. Người mạnh mồm hơn thì bảo việc thay đổi công thức chế biến xúc xích có khi đã dẫn đến... sự sụp đổ của Liên bang Xô viết (!?) Nói như vậy cũng không phải sai, vì kinh tế Liên Xô khủng hoảng trầm trọng vào cuối những năm 60, đầu 70. Việc thay đổi công thức làm xúc xích bằng cách độn thêm bột và phụ gia do thiếu nguồn cung thực phẩm chính là sự báo trước về thất bại của nền nông nghiệp hợp tác xã và sự sụp đổ của cả nền kinh tế.

Doktorskaya kolbasa and butterbrot.jpg

Xúc xích doktorskaya kolbasa với bánh mì. Ảnh từ trang này

Pho mát lại là một câu chuyện khác. Câu chuyện ăn uống ở Nga đã thay đổi đáng kể trong mấy năm gần đây, do các lệnh cấm vận kinh tế của phương Tây và lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ các nước Tây Âu của chính phủ Nga để đáp trả. Pho mát là một trong những mặt hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi quá nửa pho mát ở Nga trước cấm vận là nhập khẩu từ Tây Âu, nhất là các dòng cao cấp. Trong lúc những nhà sản xuất pho mát nội địa vui mừng với lệnh cấm thì giá pho mát tăng vọt và người tiêu dùng không có nhiều sự lựa chọn. Loại pho mát mà em được ăn trong khách sạn ở Xanh có màu vàng với vân trắng loang lổ, trông giống như loại pho mát “vân cẩm thạch” của người Anh do trộn hai loại pho mát khác nhau lại, nhưng kì thực đây chỉ là pho mát “độn”, những vân trắng là dầu cọ nhập khẩu từ Đông Nam Á với giá rẻ chỉ bằng nửa pho mát.

Việc cấm vận càng làm lộ rõ ra những yếu kém thâm căn cố đế của nền nông nghiệp Nga, nhất là ngành bơ sữa. Đất đai và đồng cỏ nước Nga mênh mông bỏ hoang không người cày cấy, nông dân Trung Quốc đi sâu vào trong nội địa Nga hàng trăm cây số, cả hợp pháp và bất hợp pháp chỉ để trồng khoai tây và lấy… vợ Nga! Công ty TH True Milk lách lệnh cấm do chỉ cấm nhập khẩu sữa vào Nga chứ không cấm nhập nguyên con bò nên họ mua cả đàn bò sữa từ Mỹ về Nga. Nga Thái Tông kí giấy cấp đất làm trang trại bò xoèn xoẹt. Nói gì thì nói, vẫn thấy tự hào về việc họ đã sản xuất được sữa trên đất Nga, hơn rất nhiều vị đại gia khác, vơ vét ở Liên Xô về và một đi không trở lại, chưa bao giờ quay lại đầu tư bất kì cái gì.

Quay lại với bữa sáng, món làm em mê nhất có lẽ vẫn là bánh kếp blini. Bột mì đánh với bơ, trứng, sữa được đầu bếp dàn rất mỏng trên một cái chảo dẹt rất lớn và rồi lật mặt một cách khéo léo. Bánh nóng, thơm thường ăn kèm với mật ong, mứt, trái cây, sữa đặc hoặc kem chua smetana. Nếu ăn các bữa khác trong ngày thì người ta cho vào giữa các loại nhân mặn đặc trưng Nga: trứng cá muối, thịt nguội, gà, cá hồi, cá muối, nấm hoặc trứng luộc.


Đây là cách con gái Nga làm bánh blini... ở quán nha các bác ?

Blini là một món ăn truyền thống ở Nga từ cả nghìn năm trước, tượng trưng cho mặt trời để ăn vào lễ Maslenitsa (khoảng giữa tháng 2 mừng mùa đông kết thúc, em nghe mãi bản Tháng 2 của Tchaikovsky mà chẳng hình dung ra đoạn nào có cảnh bóc bánh à nhầm ăn bánh blini cả). Ngày nay cuộc sống bận rộn ở thành phố khiến người ta chỉ còn có thể làm nó trong những dịp rỗi rãi hay buổi sáng cuối tuần, cách tiện hơn là ra quán.


IMG_2345.jpg

Bữa sáng ở Nga (từ dưới, bên trái theo chiều kim đồng hồ): Bánh mì trắng và trứng rán, lọ muối và lọ tiêu có đục lỗ thành hình chữ S và P (salt và pepper trong tiếng Anh), lọ đường vuông, bánh oladyi ăn với sữa đặc có đường và quả mâm xôi, nước cam đóng hộp (vì bình sữa hết rất nhanh mà châm thêm rất chậm), bánh quế – blini với nutella, bánh gừng Nga (Pryaniki) –bánh quy vòng Sushki để uống trà

Một loại blini nhỏ hơn chỉ bằng lòng bàn tay gọi là oladyi, bánh này đặc biệt hơn vì dày, phồng và thường làm bằng bột tam giác mạch nên vị khá lạ. Tam giác mạch hay kiều mạch là loại cây mà ta thường nghe thấy nổi tiếng ở vùng núi cao phía bắc nước ta với những cánh đồng hoa, còn ở Nga, hạt tam giác mạch (còn gọi là hạt ba góc) là một loại lương thực thiết yếu. Cháo mạch kasha là món ăn quốc hồn quốc túy của Nga thường có mặt ở mọi gia đình vào bữa sáng.

Loài cây này có thể sống ở những vùng đất đai cằn cỗi và lạnh giá nên phổ biến ở Đông Âu, Trung Á và Đông Bắc Á. Trước đây em cứ nghĩ hạt này khó ăn và cứng vì nghĩ nó trồng ở vùng khí hậu khắc nghiệt, khi cầm hạt mạch khô lên cũng thấy rắn như sỏi nhưng chỉ từ khi đi Nga mới biết ăn. Sau mua cả mấy cân về ăn dần vì nhiều chất xơ và khoáng chất, nấu lại rất nhanh chín, không cần ngâm, cho vào nồi cơm điện cắm như gạo tẻ, thế mới biết gạo tẻ là loại hạt rắn kinh khủng, vì gạo lứt không ngâm thì không nấu được mà có ngâm cả ngày cũng chẳng sợ hỏng.

Khác với nhiều nước phương Tây, buổi sáng người Nga vẫn thường uống trà chứ không phải cà phê. Văn hóa uống trà đen là một phần quan trọng trong văn hóa Nga. Nước Nga tiêu thụ trà bình quân đầu người cao thứ tư thế giới và nhập khẩu một lượng khổng lồ trà nhưng ngạc nhiên nhất là đất nước mà mọi người tưởng lạnh giá này vẫn trồng được cây chè ở vùng Sochi nắng ấm phía Nam. Trà đi vào thi ca Nga, ví dụ như Pushkin coi chén trà là đầu câu chuyện rất nhiều lần trong tiểu thuyết thơ Yevgeny Onegin.

Việc uống trà đã sinh ra những biểu tượng của nước Nga như chiếc ấm đun nước sa-mô-va (samovar) với phần nắp có cái vành bằng kim loại konforka để đặt ấm trà lên giữ nhiệt hay chiếc cốc thủy tinh với đế và tay cầm kim loại podstakannik để cầm được cốc trà nóng bỏng mới pha. Cốc trà nóng luôn luôn có một lát chanh dù là ở nhà tự pha hay bán ở quán, người Nga thường cho mật ong chứ không phải đường vào trà. Mật ong Nga rất thơm mùi hoa cỏ, uống vào có cảm giác… đồ thật (không chỉ riêng mật ong, thực phẩm ở Nga nói chung kể cả bánh quy đóng gói ăn cũng có cảm giác rất thật miệng, ít chất hóa học), còn đường là loại đường vuông từng miếng, rất đặc trưng châu Âu, ngày nay hầu như không còn thấy ở Bắc Mỹ và châu Úc nữa.
 
Last edited:
23. Đi Cung điện mùa hè giữa mùa đông

Chỗ em ở là khu có rất nhiều Tổng lãnh sự quán của các nước. Ngay bên cạnh khách sạn là Tổng lãnh sự quán của Bỉ nhưng thấy đóng cửa im lìm, mấy ngày liền đi qua chẳng thấy ai ra vào. Có lẽ là việc xin visa đi châu Âu được xử lý chung ở một Trung tâm nào đó nên các Tổng lãnh sự quán không có người đến làm việc. Hôm ấy là ngày 2/7/2018, có trận vòng 1/16 Bỉ - Nhật nên chụp lại phát ảnh Tổng lãnh sự quán Bỉ, nếu Việt Nam mà vào đến vòng 1/16 thì chắc Tổng lãnh sự quán đã chăng đèn kết hoa, kiều bào tụ họp, múa lân các kiểu rồi.

IMG_2714.JPG

Tổng lãnh sự quán không thấy có lính gác, cũng chẳng có giờ mở cửa, đi sứ như các bác này sướng thật.

IMG_2348.JPG

Metro ở Xanh dùng những đồng xu token này để bỏ vào cổng.
IMG_2740.JPG

Các bác Bỉ đi cổ vũ rất đông và mặc áo đỏ chữ vàng rất nổi bật. Trận này Bỉ thắng Nhật ngoạn mục 3-2, hầu như ai cũng đặt Nhật cửa trên. Năm nay Bỉ rất xuất sắc, vào đến tận bán kết, đá cho Brazil bét nhè chè đỗ đen ở tứ kết.


Trời hôm nay mưa tầm tã, đợi đến quá trưa mà mưa vẫn không ngớt nên em quyết định đội sấm, đội chớp, đội cả trời mưa đi Cung điện mùa hè Peterhof. Đây là điểm "phải đến" ở Sankt-Peterburg nói riêng và Nga nói chung theo cách diễn đạt của dân du lịch. Nhưng với em thì chả có điểm nào là phải đến cả, mình đi chơi chứ ai bắt mà cứ phải xem chỗ này, phải check-in chỗ nọ, có điều xem ảnh thấy nơi này rất đẹp, nên vẫn quyết định đi, sau này có tiền xây nhà to thì còn biết cách mà về trang trí vườn cho đẹp phải không ạ?

Hành trình đã nghiên cứu theo bác @xuanhoa2000ru (đi năm 2014) xuất phát từ ga Avtovo (Автово), ra khỏi ga, xuống lối ngầm cạnh cửa hàng bán hoa sang đường bắt xe khách, loại xe 16 chỗ hay chạy liên tỉnh ở ta để đi ФОНТАНЫ (Fontani - đài phun nước). Giá vé có dán trên xe nên cũng không sợ bị lấy đắt, em không nhớ chính xác là bao nhiêu tiền nhưng chỉ biết là lúc về đến Xanh rồi, ngồi thử tra xe trên app thì từ khách sạn đi Peterhof chỉ mất có 850 rúp, chẳng biết app có tính nhầm không nhưng tính ra thì còn rẻ hơn đi xe khách + metro x 2 người, mà đỡ khổ mưa gió bao nhiêu, tiếc hùi hụi ? Các bác có đi thì nhớ kiểm tra giá xe trên app là bao nhiêu để tính toán nhé.

IMG_2724.JPG

Ga Avtovo với những hàng cột ốp thủy tinh


Xe này y như e khách Việt Nam, cũng đợi khách lên đông đông rồi mới xuất bến, cũng dừng đỗ bắt khách nhưng vì ngày mưa tầm tã nên chả có khách mấy. Sau 45 phút thì cũng đến nơi, phải nhắc nhở bác tài không các bác ấy chả nhớ cho mình xuống đâu. Có bạn Tây ngồi trên xe gà gật, thấy em nhấp nhổm đòi xuống thì mới tỉnh, vội vàng theo xuống chứ không chắc xe cho đi cmn đến tận Estonia luôn. Xe dừng ở một thị trấn nhỏ giống như những phố huyện ven đường tỉnh lộ ở khắp nơi trên thế giới này. Ngay cổng trước của Peterhof là một anh Nga đứng bán áo mưa giấy, khách mua đông ra phết, nhà em dùng ô chứ mặc áo mưa thì còn gì là thời trang nữa. Nhớ lại ngày xưa đi Úc, mẹ cứ dúi vào hành lý cái áo mưa dày, loại xịn (áo mưa thật chứ không phải áo mưa kia đâu nhé các bác), bảo sang đấy mưa to có cái mà dùng, chiều cụ nên mang đi, nhưng đến lần chuyển nhà gần đây nhất thì cuối cùng cũng vứt vì còn mới nguyên chưa bóc, ở Úc đi ngoài phố mà mặc áo mưa khéo dân nó gọi cảnh sát hộ tống về tận nhà! Sau mẹ em sang chơi cũng gật gù: Đúng là bên này mưa to thế mà không ai mặc áo mưa thật ?


IMG_2725.JPG

Cổng vào vườn Thượng Uyển. Cung điện lớn ở phía xa.


Trời mưa lại có cái hay của trời mưa, đó là cả khu vực này rất vắng, không hề có khách du lịch giữa mùa hè tháng 7, tha hồ đi ngắm nghía và chụp ảnh mà không phải chen nhau và có những người đứng lố nhố trong ảnh, hơi bị hiếm luôn.

IMG_2362.JPG

Vườn Thượng Uyển có những hàng cây cắt tỉa tròn vuông rất cầu kỳ. Đài phun nước có thần Neptune đứng ngạo nghễ cầm đinh ba ở giữa. Mặt thần quay về hướng biến, nhìn ra Vịnh Phần Lan. Vườn theo đúng kiểu Pháp, nên nơi này thường được gọi là Versaille của Nga.

IMG_2365.JPG

Vòng sang phía bên trái để ra đằng sau tham quan Vườn Hạ Uyển. Các chậu cây đều cắt tỉa và đặt ở các góc khoảnh cỏ theo kiểu Pháp.


Các bác lưu ý là đi Peterhof thì phải nghiên cứu giờ giấc cẩn thận vì lịch đóng mở cửa các cung điện cùng lịch phun của các đài phun nước cực kỳ rắc rối và thay đổi theo mùa, mỗi một cung điện, một bảo tàng ở đây lại bán vé riêng. Trang web (https://en.peterhofmuseum.ru) này có các thông tin khá chi tiết. Em chỉ mua mỗi vé vào xem Vườn Hạ Uyển là 900 rúp, xem hết các đài phun nước đã đủ chết rồi, không có sức vào xem Cung điện lớn nữa, chưa kể vé vào Cung điện phải mua riêng, những 1000 rúp. Em nghĩ nó cũng na ná như Cung điện mùa đông thôi. Hôm nay không phải xếp hàng chờ bố con thằng nào, mua vé xong phăm phăm đi vào cổng oai như cóc.

IMG_2371.JPG

Từ trên sân Cung điện lớn nhìn ra khu đài phun nước vàng son lộng lẫy với trục thần đạo đâm thẳng ra biển. Kiểu lát gạch đen-trắng này lại là một cái rất Pháp nữa, người Anh không bao giờ lát gạch kiểu hoa mỹ, "đồng bóng" như thế này. Nói vui chứ toa-lét phòng riêng, em cũng chọn lát gạch y như thế này, tường cũng ốp như thế mà mảng to hơn, thế mới biết giờ chúng ta sướng, nhà riêng cũng oách kém gì vua chúa ngày xưa đúng không ạ.

IMG_2377.JPG

Các bức tượng vàng tạo mọi tư thế với những dáng cơ bắp cực kì sinh động. Có "bức tượng" trước mặt em tạo dáng hơi kì tí.


Đài phun nước nhiều tầng ở chính giữa là điểm nhấn của cả Cung điện này. Khu này được xây dựng mô phỏng theo hệ thống đài phun ở Château de Marly của vua Louis XIV. Điều đáng nói đến nhất ở Đài phun nước nhiều tầng này là hệ thống phun nước không dùng máy bơm. Peter Đại Đế đã thiết kế hệ thống thủy lực bằng cách dùng chênh lệch cao độ giữa các hồ nước ở Vườn Thượng Uyển và Vườn Hạ Uyển. Riêng Đài phun nước Sampson ở giữa phải dùng một đường ống riêng, dẫn nước từ trên rất cao để tạo thành cột nước cao đến 20 mét, cao nhất trong tất cả các cột nước ở đây.

IMG_2380.JPG

Đài phun nước Sampson ở chính giữa


Đài phun nước này với hình dũng sĩ Sampson dùng tay gang mồm con sư tử được dựng lên nhằm thể hiện chiến thắng lừng lẫy của Peter Đại Đế trước quân Thụy Điển. Con sư tử là biểu tượng trên hoàng huy của Thụy Điển và Trận Poltava, trận thắng quyết định chiến cục của quân Nga diễn ra vào ngày Thánh Sampson. Một điều đáng tiếc là khi quân Đức chiếm Cung điện này vào năm 1941, chúng đã phá hủy gần như tan tành cung điện. Bức tượng Sampson gốc thì đã bị phá hủy. Bức tượng ngày nay chỉ là bản sao, phục chế năm 1941. Sau chiến tranh (1944) người ta phải đổi tên cả cung điện thành Petrodvorets (nghĩa là Cung điện của Peter trong tiếng Nga) vì Peterhof nghĩa là Cung điện của Peter trong tiếng Đức. Năm 1997 mới đổi lại tên cũ là Peterhof.
 
Last edited:
IMG_2406.JPG

Trời mưa, nước nhiều nên các đài phun rất khí thế

IMG_2405.JPG

Thấy em sư tử này buồn cười quá nên phải chụp lại. Bác thợ nào ngày xưa đục em này chắc có họ hàng mấy đời với các bác làm Pikalong ở Hải Phòng đây.

IMG_2413.JPG

Ngay cả những miệng vòi nước nhỏ hình đầu sư tử dọc kênh chính đều mạ vàng

IMG_2419.JPG

Từ cuối Kênh chính nhìn về Cung điện lớn. Các bác này thu vé thì cao mà cũng để cho kênh mọc rêu như sông Tô Lịch thế này thì hỏng, phải thuê ngay mấy chuyên gia Nhật Bản đến nạo vét và thả cá Koi mới được.


IMG_2420.JPG

Phía sau lưng là biển Baltic hay Vịnh Phần Lan là bến tàu cao tốc để đi từ trung tâm Thành Xanh ra đây

IMG_2726.JPG

Em tranh thủ đi "lái" tí thì nhìn thấy ngay cái bệ toilet này là hãng Gustavsberg của Thụy Điển. Không biết đây là hàm ý gì hay chỉ đơn giản là mấy ông Thụy Điển viện trợ cho mấy bộ xí bệt.


Sau đó mới vòng lại cánh bên kia của Vườn Hạ Uyển. Có rất, rất nhiều đài phun nước trong vvườn, công nhận là rất đẹp và kì công. Mỗi cái một kiểu. Cái to như tháp, cái bé thì có bốn con vịt và một con chó pug chạy quay vòng.

IMG_2435.JPG

Đài phun nước bàn cờ. Các bức tượng thần được chôn xuống đất để giấu quân Đức năm 1941, năm 1953 mới đào lên nên đây là những bức tượng nguyên bản.

IMG_2457.JPG

Tượng thần Triton (nhân ngư) bẻ hàm con quái vật biển. Thần Triton ở đây tượng trưng cho hạm đội non trẻ của Nga đã đánh bại hải quân lão luyện của Thụy Điển tại mũi Gangut, vào ngày 27 tháng 7 năm 1714. Bốn con rùa chạy ra bốn phía vì có đánh nhau tượng trưng cho các đồng minh đã phản bội Thụy Điển, đặt dấu chấm hết cho vị trí bá quyền phương Bắc của Thụy Điển và chuyển sang cho Đế quốc Nga của Peter.

IMG_2464.JPG

Em ở lại đến muộn nên được xem cảnh đài phun nước tắt điện... à quên tắt nước. Nhạc bật lên, hát rất hùng hồn mà em không rõ bài gì vì bằng tiếng Nga. Và nước tịt ngòi.


Em biết rằng 11 giờ sáng hàng ngày sẽ có cảnh bật nước lên và phát nhạc bài "Ca ngợi Sankt-Peterburg" (Hymn of great city - St. Petersburg) của Reinhold Glière. Nhưng cảnh tắt nước thì chưa thấy ai nhắc đến là bài gì. Tìm mãi mới thấy một ông có quay Youtube cho các bác xem tạm

 
Last edited:
Về đến trung tâm Xanh thì mưa như trút nước. Em lao ra đường vẫy taxi trong tuyệt vọng, không một ai dừng lại, taxi hết sạch, có taxi dừng ngay trước mặt mà đập cửa họ cũng không cho lên, chỉ chăm chăm cắm mặt vào điện thoại dùng app. Điện thoại của em đến hôm nay là hết gói cước mua từ hôm đến, theo tính toán thì thế là đủ vì ngày mai về rồi, có nhu cầu gì nữa đâu. Cuối cùng vẫn phải lóp ngóp trong mưa tìm hàng Beeline để nạp thẻ. Trong hàng Beeline có cái máy tự động in mã thẻ nạp, bạn nhân viên nhiệt tình làm giúp. Có tiền phát, gọi xe trên app, có xe đỗ xịch ngay. Tài xế lần này là một bạn nữ, đi cái xe nhỏ xinh rất dễ thương. Trời mưa thế này, đi xe qua những cây cầu của Xanh hơi bị lãng-sờ-mạn, nếu mà bạn ấy biết nói tiếng Anh thì chắc cứ trả tiền cho bạn ấy đi lòng vòng thành phố cả chiều rồi dừng quán cafe nào đấy là hợp lý phải không các bác? Thế nhưng mà bạn ấy chả biết nói tiếng Anh, chỉ được cái không lấy tiền trả lại thì cười hơi bị tươi-đẹp.

IMG_2737.JPG

Em chụp được mỗi hai cái lông mày ạ!

IMG_2732.JPG

Lại món phở zamtoi cho ấm người thôi. Em thì sợ phở lắm rồi nên ăn món khoai tây cả vỏ bỏ lò của Nga xem sao, ăn với dưa chuột muối, nấm muối và cá muối

IMG_2733.JPG

Cộng với một cái bánh kiểu pita cuộn bò xé ăn cũng nóng sốt. Các hàng phở ở đây ngoài bán đồ Việt thì kèm thêm các kiểu combo đồ ăn nhẹ khác cũng hợp lý
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,184
Bài viết
1,150,413
Members
189,945
Latest member
Karide
Back
Top