What's new

Du hành 2009

Không phải bất cứ chuyến đi nào dù đã được chuẩn bị kỹ càng từ trước đều có thể diễn ra suôn sẻ theo như mong đợi. Cuộc sống luôn luôn vận động, luôn luôn thay đổi, nên sự thay đổi và các tình huống xảy ra trên suốt dọc hành trình đều là điều không quá xa lạ với dân du lịch bụi nói nôm na là dân phượt.

Đối với tôi, năm 2009 sẽ là năm có thể có nhiều chuyến du hành cho mình.

Thực thế, khi bước qua thềm 2009 được 2 ngày, điểm đầu tiên lại là vùng đất trong năm 2008 tôi đã đặt chân tới ba lần.

Sẽ không lấy gì làm thú vị, sẽ cảm thấy nhàm chán nếu như việc di chuyển diễn ra y chang như hai lần đầu.
Với việc di chuyển được lựa chọn giống với chuyến đi xuyên rừng hồi cuối tháng 11, chuyến đi này mang lại cho tôi một cảm xúc khác, cảm xúc bây giờ vẫn quấn lấy tôi, vẫy gọi tôi, cuốn tôi đi.
 
Khu Thánh địa (tiếp)

354650170.jpg


354650304.jpg


354650372.jpg


354650409.jpg


21403850


354650474.jpg
 
Buổi sáng sau cơn mưa cuối đông ở Hội An bầu trời cũng chẳng trong trẻo gì. Mây mù giăng đầy làm tôi lo lắng. Đi sau mưa, đường ướt lẹp nhẹp thế này thì cũng chẳng hứng thú gì. Tự an ủi mình, thôi thì, dù sao cũng có cái để nhớ về.
Tour tôi chọn đi Mỹ Sơn là đi bằng xe và về bằng thuyền. Tôi thích kiểu tour đi và về bằng hai phương tiện khác biệt nhau ấy. Kiểu tour này tôi đã từng chọn khi đi ở Huế.
Sau bữa ăn sáng(cũng không khoái khẩu lắm vì quá ngọt), tôi nhanh chóng đến điểm đón khách của công ty du lịch.
Cao lầu Hội an
354649798.jpg

Vẫn còn nhiều thời gian, vì vậy có thể ngắm nghía cảnh vật xung quanh một lát. Hôm nay sẽ là ngày trăng tròn. Ở Hội An (và ở đâu nữa thì tôi không rõ), đồ ăn chay được bán hầu như ở trong các quán ăn vào ngày rằm. Tuy nhiên, để phục vụ khách du lịch nước ngoài, vẫn có những tiệm bán đồ ăn bình thường nữa. Quang cảnh buổi sáng sớm tĩnh mịch chí ít là với thị xã nhỏ bé này. Những nhành hoa cúc vàng, sau khi bày trên mâm đồ cúng đêm hôm qua giờ dắt trên những nhánh cây ven đường.
355435751.jpg

Ở miền Trung, những nơi tôi đã qua, thường có thông lệ sắp lễ bái Phật vào trước ngày mùng 1 và ngày rằm một ngày. Phảng phất quanh đây mùi hương trầm toả hương ngan ngát.
Hội An lặng lẽ chưa có bóng dáng gì cho sự trở mình chuẩn bị Tết nguyên đán.
Đã có thêm vài người khách tới văn phòng. Quay trở lại, tôi cắm cúi đọc các chương trình tour du lịch đang trưng đầy trên bảng thông báo của công ty. Đây là chương trình tour tôi đã mua sao? Thăm Thánh địa Mỹ Sơn đi bằng xe – về bằng thuyền, thăm quan làng mộc Kim Bồng trên đường về.
Tôi nghi ngại hỏi anh điều hành. “Đúng như vậy chị à.” – Anh trả lời –“ Chúng tôi muốn tạo ra sự khác biệt trong thiết kế tour để du khách khỏi nhàm chán vì đi Mỹ Sơn không tốn nhiều thời giờ cho lắm.
Tôi mừng húm. Dạo đặt vé máy bay tôi cũng chỉ nghĩ là sẽ đi Mỹ Sơn bằng một tour của công ty du lịch chứ không cần tốn thời giờ cho việc ngao du 45km bằng xe máy tới điểm mà tôi chưa biết đường ấy. Tôi cũng hoạch định nếu còn thời gian ở Hội An tôi sẽ đi thăm làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng dệt Mã Châu, làng đúc đồng Phước Kiều, làng rau Trà Quế để tô sắc cho chuyến đi của tôi. Kể ra mình cũng hơi lạm dụng internet và cũng tham lam trong khi mình chỉ có ít thời gian nhỉ. Thế mà giờ trong tour đã có cả những thứ ngoài sự tưởng tượng của tôi, không mừng mới đáng lạ.
Đã đến giờ khởi hành, nào mình cùng đi Mỹ Sơn nhé.
Đường đi Mỹ Sơn trải rộng trước mắt, mạ non trên cánh đồng mới cấy đã lên xanh thăm thẳm.
354631422.jpg

Làn sương mỏng như chiếc khăn choàng nhẹ buông trên những dải đồng xanh ngút ngàn cạnh những ngôi nhà bé nhỏ dưới rặng tre phía xa xa. Rải rác đâu đó những khoảnh đồng mạ non mới cấy còn thưa thớt lắm.
Chừng một tiếng trên xe, chúng tôi đã có mặt ở Mỹ Sơn sau khi được nghe giới thiệu về điểm tham quan sắp đến. Trời lâm thâm mưa, đường ướt. Mỹ Sơn ngày mưa không lấy gì làm hấp dẫn với tôi cho lắm ngoại trừ việc sắp chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc được xây dựng từ trước cả Angkor.
Tôi đã từng được nghe về sự kỳ công của việc xây cất các tháp Chăm trên khắp vùng Trung bộ và Nam trung bộ, về việc không dùng đến vữa chát bằng cát trộn mật mía như các kiểu xây nhà cổ thường thấy. Việc gắn kết các khối gạch không nung với nhau bằng một loại nhựa cây có thể kết dính các viên gạch Chăm lại với nhau. Đó chính là nhựa cây dầu rái, một loại cây mọc rất nhiều tại vùng rừng núi phía tây Quảng nam.
Anh hướng dẫn viên là một người năng nổ, năng nổ đến độ lạc cả giọng. Bệnh nghề nghiệp đấy. Đoàn chúng tôi với một đoàn khác thành một nhóm thăm quan Mỹ Sơn được đặt cho một cái tên là group Tiger. Hì hì, tên hay đấy chứ. Ở trong jungle này từ lâu đã vắng bóng những chú hổ nhỉ.
Đường vào Mỹ Sơn
354631767.jpg

Phương tiện chuyên chở khách vào khu nhà giới thiệu sơ nét về lịch sử của Mỹ Sơn và các vị trí thăm quan là những chiếc cá mập và xe Jeep.
Tôi và cô bạn người Malaysia mới quen trên ô tô chọn ngay chiếc xe Jeep để tiện tác nghiệp.
Xe chở khách vào khu thánh địa
354631837.jpg

Nói là tác nghiệp cho oai chứ cái máy ảnh của tôi mà cứ rung bần bật thế này thì có giời mà tác với chả nghiệp. Ảnh cứ gọi là nhòe như chưa bao giờ được nhòe vậy.
Anh hướng dẫn hướng chúng tôi vào khu nhà trưng bày bản đồ của khu Mỹ Sơn và băt đầu giới thiệu.
Sơ đồ Mỹ Sơn
354631159.jpg

Bài giới thiệu mang nội dung sơ khái về lịch sử của Mỹ Sơn, ai đã tìm ra Mỹ Sơn. Cái việc tìm ra Mỹ Sơn tôi thấy tương tự giống với việc tìm ra Angkor. Cũng vẫn là người Pháp, chỉ có khác là người tìm ra Angkor là một ngài lãnh đạo cấp cao của Pháp thì phải.
Bài giới thiệu rôm rả nhất khi thầy giáo- anh hướng dẫn-nói đến sự khác biệt trong cách đọc tên địa danh Mỹ Sơn.
“Mi – Sòn nót Mai - săn” – anh kẻ cả rồi giơ cái thước chỉ lên bảng bắt cả toán khách cùng đọc.
“Mi - Sòn”- cả toán đồng thanh thật ngon lành. Tôi mím cười. Nghề hướng dẫn kể ra cũng cần nhiều đến sự tinh tế nhỉ.
Cứ hết một đoạn giới thiệu, anh hướng dẫn lại hỏi cả toán du khách để xem ai đó trong chúng tôi có tìm hiểu gì về văn hóa ở đây trước khi tới không. Cầm cái thước, chắp tay sau lưng, anh đi đi lại lại trước cái bảng, tôi mường tượng đến thầy giám thị thời trung học trường tôi.
Thầy giáo hướng dẫn viên – trông giống giám thị vì cứ chắp tay sau lưng ý
354631907.jpg
 
Sau thời gian giới thiệu, nhóm khách tản ra thăm quan Mỹ Sơn. Mỹ Sơn chỉ nhỏ bằng 1/5 Angkor, tôi nghĩ thế. Và mức độ hoành tráng thì chưa chắc đã bằng. Song, tôi vẫn thấy lâng lâng một niềm tự hào vì dầu sao những bức tượng ở nơi đây chỉ do thời gian phai mòn dấu khắc chạm chứ không như Angkor bức tượng nào cũng bị chặt mất đầu.

354649921.jpg


354650001.jpg

Mỹ Sơn rêu phong, cỏ mọc ngút ngàn những quần thể tháp ở xa. Đâu đó hiện diện sự phá hoại của những bom đạn cũng không làm cho Mỹ Sơn bớt vẻ cuốn hút. Tôi cảm thấy thích thú với những hình người chạm khắc dưới chân các linga. Những chạm khắc vẫn còn rõ nét, chưa bị dấu thời gian mờ phai.
354650641.jpg

Những tháp nhỏ nằm rải rác trên đường đi.
354650766.jpg

Có những tháp đang trùng tu, có những tháp phải chống bắng những cây sắt tròn dài làm trụ.
354634248.jpg

Đường đi trong rừng xanh với những thân cây thẳng tắp làm tôi nhớ đến những khuôn hình trong “Thập diện mai phục”.
354650737.jpg

Đã tạnh mưa nhưng đường vẫn ướt lướt thướt.
Chỉ có chừng 45 phút cho cả khu quần thể, nói cho đúng là 2/3 khu vì những nơi xa cũng không dám leo trèo mà đi tới vì cũng sợ lỡ bom mìn còn sót lại.
Thế mà tôi và cô bạn mới quen lại lạc mất đường ra.
 
Tại cái tội mải mê với những ngôi tháp cổ, với những rặng cây xanh mướt dưới mưa nhẹ, với những chạm khắc nhuốm màu thời gian, chúng tôi đã lang thang sang một nẻo đường nào khác tự lúc nào.
Cứ đi mãi vẫn không thấy hiện ra ngôi nhà cả toán khách đã ngồi nghe giới thiệu về khu di tích ban nãy. Vẫn còn một vài người đang lang thang cùng chúng tôi trong khu làm chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn. Nhưng cái đáng lo nhất là không thấy có ai quen trong group tiger ấy cả. Chúng tôi phải ra chỗ nhà trung tâm đó kẻo mọi người chờ quá lâu. Cả đi và chạy, gặp một anh hướng dẫn của đoàn khác, mừng cuống quýt, tôi hỏi xem đường chúng tôi đang lựa để marathon liệu là đường đúng. May quá, lại cùng chạy tiếp. Đến bãi xe, vẫn còn một chiếc xe đang chờ chúng tôi và hai cô bé nữa cùng đoàn. Hóa ra cái lũ không tuân thủ đường đi và thời gian đi lại có những bốn tên. Lao vội lên xe, bác tài phóng vù ra nhà chờ phía cửa thánh địa.
Đến nơi, đã thấy thầy giám thị của group tiger đứng đó với chiếc xe máy đang dáo dác nhìn kiếm lũ học trò bát nháo.
“Phải nhớ “say sorry” với các bác trên xe đấy ạ. Muộn 15 phút rồi”.ạ Thầy giám thị gườm gườm.
“Vâng ạ” – tôi đáp. Cả 2 đứa leo tót lên cái Dream Tàu kêu phành phành của thầy đi ra bến ô tô đậu.
Bước lên xe mồm miệng chúng tôi líu ra líu ríu xin lỗi. Chẳng dám ngẩng lên nhìn vì thấy bắt các bác phải chờ là lỗi lớn quá rồi. Về chỗ ngồi và im thin thít, cô bạn tôi thì thầm “Tao chạy mệt đứt cả hơi. Nóng quá đi mất”
Tôi cũng vừa mới nín thở để nói câu xin lỗi, đang mũi mồm tranh nhau thở nên chỉ còn nước im lặng.

Vậy là kết thúc chặng đi bằng xe. Bây giờ là tới chặng trở về bằng thuyền. Xe đi mãi, đi mãi mà chẳng thấy bóng sông, chẳng thấy có dấu hiệu của nước để nhìn thấy bóng thuyền.
Chừng 20 phút, bỗng dưng ô tô dừng lại. Anh hướng dẫn thông báo những ai đi tour thuyền thì xuống tại đây.
Chỗ xuống cạnh một cái chợ đã tan bên đường. Nhận ra cái chợ vì thấy những cọng rau còn sót lại, những bàn bán thịt để san sát nhau. Chợ này chắc cũng chỉ mới tan thôi , tôi nghĩ thế. Tôi và cô bạn mới quen bước xuống xe cùng toán khách tour thuyền đi sang một con đường nhỏ. Vẫn chưa thấy bóng sông mặc dầu đã nghe đâu đó tiếng nước vỗ vào bờ ì oạp. Con đường đất vàng nâu âm ẩm dưới chân chúng tôi. Nắng đã hơi hé lên nhàn nhạt làm cho không khí bớt u uẩn. Những làn gió nhè nhẹ mơn man lướt qua mặt.
Khoảng nước rộng và ngầu đục màu phù sa nhạt ở trước mắt. Sông Thu Bồn đây ư? Sao sông rộng và kém thơ nhường này cơ chứ.
356068523.jpg

Trong tôi mường tượng con sông Thu xanh ngát, ngát xanh như cái tên của nó. Tôi thấy thất vọng.
“Sông đục quá bác nhỉ?” “Thời tiết năm nay lạ thế đó cô ơi. Tháng chạp rồi mà còn mưa miết. Nước trên nguồn đổ về ào ào, chưa năm nào nước sông lại lên như năm ni.”
Tôi quên nước đã lên trên dải sông quê tôi. Tôi đã không cho rằng các dải sông miền Trung nơi nào sông cũng thế. Bây giờ nhớ lại dường như sông Hương đã đục ngầu khi tôi qua. Và sông Thu cũng đang chung một màu nước ngày lũ.
Sông rộng lòng làm tôi choáng ngợp tưởng như đang đi trên biển, chỉ có điều gió không mặn mòi như ở biển mà thôi. Leo lên boong, tóc bay lật ra sau vì gió mạnh. Chẳng hề gì, không mưa, tôi thích thế. Phía trong khoang đầy mùi dầu máy cũng chẳng thấy dễ chịu hơn đâu. Vì chạy, vì quá giờ trưa nên tôi chén sạch đĩa cơm trưa bác bếp đưa cho.
Đi gần một tiếng trên sông, ngắm những rặng cây xa xa mờ mờ ảo ảo làm tôi chẳng thấy thú vị chút nào.
354634367.jpg

Tôi thích những thứ sống động và nhiều màu sắc hơn kìa. Và cũng đừng có rộng đến độ quá choáng ngợp nhường này để tôi thấy cái trí tưởng tượng của tôi như bị ngủ quên mất ấy. Chả có gì trên sông kia ngoại trừ làn nước chẳng trong trẻo gì. Xa tít tắp những ngôi nhà phố Hội khuất mờ sau làn sương khói.
Vài con thuyền chở người và xe sang sông ngang qua mũi tàu chúng tôi cập vào bến.
354634426.jpg

Tàu hướng nhẹ sang mạn sông bên phải. Đã đến làng mộc Kim Bồng.

354634775.jpg

Nằm ở bờ nam sông Thu Bồn, cách đô thị cổ Hội An 1km đường sông, làng mộc Kim Bồng ở vào vị trí thuận lợi không cách xa trung tâm đô thị, dễ dàng trong việc giao thông, vận chuyển bằng đường sông để phát triển làng nghề.
Làng Kim Bồng- tên cũ là Kim Bồng Châu được hình thành từ thế kỷ thứ 17, là nơi hình thành nghề mộc thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng ở Hội An và cả xứ Đàng Trong. Làng Kim Bồng không chỉ sản xuất, chế tác ra những sản phẩm mỹ nghệ với đường nét chạm khắc tinh xảo mà còn tham gia đóng những chiếc tàu phục vụ nhu cầu đi lại của cư dân nơi đây. Các nhà mộc gia truyền đông nghịt khách du lịch, trời đã hửng nắng, gió xôn xao trên vườn cau xanh ngát ngọc tăm tắp ven đường. Chúng tôi dừng lại bên những sản phẩm làng nghề được chạm khắc tinh xảo. Trong khoảng vườn cau xanh ngọc, như hiện ra hình dáng Phật Bà Quan Âm đang lướt nhẹ trong mây. Những nét chạm khắc mịn màng tưởng như hình động vậy.
354634863.jpg
 
Chúng tôi được thấy cách khảm những mảnh trai trang trí lên thớ gỗ. Những vân trai nhóng nhánh ánh hồng ngà, lúc lại đổi sắc sang màu xanh biển nhạt.
“Group tiger, Let’s go”- Tiếng loa của anh hướng dẫn viên làm chúng tôi choàng tỉnh.
Con thuyền lại lướt nhẹ đưa chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình sông nước ngắn ngủi về với bến Hội. Xa xa, những ngôi nhà nơi phố cổ đã hiện ra rõ nét với mái ngói nâu sẫm trong ráng chiều nhàn nhạt khuất xa những hàng cau non đang vươn lên.
356069329.jpg

Nắng mới hé đã vội tắt. Bầu trời và màu nước chung một màu u tịch.
Có lẽ tôi là một đứa tham lam. Hẳn là như vậy. Mong là trời đừng mưa. Thôi mưa, lại mong trời thêm nắng. Thêm nắng, lại mong có gió nhẹ man mát. Toàn cái thứ mong đợi có lợi cho việc rong ruổi khắp nơi.
Nếu như ở đây, việc đánh bắt cá, quăng chài kéo lưới mặc nhiên là một nghề của những cư dân vùng sông nước, thì đối với du khách được chứng kiến cảnh lao động trên sông để kiếm ra con cá cái tôm là cả một sự trải nghiệm với họ.

Kéo lưới
354635033.jpg


Thành quả từ sông nước
354635058.jpg

Cái cách quăng lưới, chống xoay thuyền trên sông hút tất cả ánh mắt du khách trên thuyền. Tôi cũng sẽ không ngạc nhiên và không để tâm tới nhiều cho lắm nếu như cả toán khách trong group tiger đó không nhào sang phía mạn bên trái tàu giơ máy ảnh chớp lia lịa. Chiếc lưới rộng được quăng ra phía trước mũi thuyền, người con gái ông cụ chống chiếc sào xuống lòng sông một cách vững chắc và bắt đầu xoay thuyền giúp người cha kéo rê lưới xuống lòng sông kiếm tìm những chú cá đang nhớn nhác đào thoát. Phải quăng đến lần thứ ba mới thấy trong chiếc vợt của ông lão một con cá vược nhơ nhỡ. Đèn flash chớp nhanh đến sản phẩm vừa thu được. Tiếng trầm trồ, sự hồ hởi xen lẫn vẻ ngạc nhiên trên gương mặt du khách. Thật thú vị.
Bến thuyền đã trước mặt. Tản bộ bên bờ sông, ngắm những ngôi nhà phố cổ trong buổi chiều vắng thật yên ả. Mái nhà kia màu xanh thẫm bạc, khuất hết màu ngói sẫm là những màu mùa xuân đang hiện hữu nơi đây.
356069757.jpg

Bên này là hội quán Quảng Đông với trang trí đầy sắc màu sống động.
356070066.jpg


Phía kia là mái nhà cổ với trang trí “lưỡng long chầu nguyệt” bên giàn dây leo mềm mại trước hiên nhà.
356070139.jpg


Phía này là những mái mới dựng lên sặc sỡ của những đèn lồng muôn hình muôn sắc.
354635118.jpg
 
Đặc sắc của Hội An là khu phố cổ với những lối đi bé nhỏ dường như chẳng quan tâm gì đến độ chuyển mình của khu đường ven ngoài kia. Đi trong phố cổ thấy lòng ấm lại vì gần gũi, vì bình yên, mặc dầu xen kẽ những mái nhà kia đã không còn thuần phác nữa. Trên mái ngói rêu phong kia, đâu đó đã thấy những đèn trang trí trên mái, không nhấp nháy hút sự chú ý cũng làm nhận thấy vẻ gì đó lộ liễu muốn vươn ra khỏi khung sắc trầm mặc.
Phố cổ sẽ đẹp dưới đêm trăng nhất là đêm rằm khi trăng sáng nhất. Tôi mường tượng thấy ánh trăng bàng bạc tỏa sáng trên từng nếp nhà màu đêm tối, chỉ phân biệt bằng những chái nhấp nhô như từng con sóng sông Thu ngoài kia.
Tôi đã có mặt ở đây vào ngày trăng tròn, tôi đã thấy những mái cổ rêu phong, tôi đã thấy những con đường nhỏ bé thân thương và thật gần gũi ở Hội An. Từ rất lâu nay, cư dân ở đây dường như ý thức việc tạo nên một phong cách thực sự đặc biệt rất riêng biệt của vùng đất mình đang sinh sống, họ tự nguyện thắp đèn lồng thay cho điện chiếu sáng trong những đêm trăng.
Song, tôi lại không thể dạo bước trên phố cổ trong đêm rằm này. Thật tiếc.
Tôi sẽ còn quay lại ngắm những phố cổ đêm trăng với những đèn lồng rực sáng, với những hoa đăng lấp lánh trên sông. Tôi sẽ còn trở lại, tôi sẽ còn trở lại.
Tạm biệt cô bạn mới quen, tôi rảo bước tới nhanh trạm xe buýt, nơi chị tôi đang chờ ở đó. Tôi sẽ trở ra Đà Nẵng để sáng mai kịp chuyến bay ra Hà nội. Thế mà cũng đến ngày trở về rồi ư.
Đà Nẵng đã lên đèn. Màu sắc của thành phố trẻ đang rực rỡ trên từng con phố. Tôi phấn chấn hẳn lên quên mất mình vừa vuột mất một đêm chìm đắm trong lòng Hội An.
Chúng tôi ăn tối tại một quán cơm chay ngay sát chùa Bát Nhã. Ăn chay vào những ngày rằm mùng một đã là một lối sống rất riêng của cư dân vùng đất tâm thành kính Phật này.
Chùa Bát Nhã hôm nay đông đúc kẻ vào người ra vì là ngày rằm cuối cùng của năm. Chùa nằm trong lòng phố với tượng Phật Bà Quan Âm được coi là lớn nhất. Cạnh cửa ra vào là bàn bày những nén hương trầm phục vụ Phật tử đi chùa. Mùi hương thơm ấm bao quanh, lòng cảm thấy bình yên tĩnh lặng.
Tôi ngước nhìn bức tượng Phật Bà Quan Thế Âm ở trên cao kia. Ánh mắt hiền từ dịu dàng toả xuống khắp các con dân còn nhiều tục luỵ buồn đau dưới chân. Chẳng ước nguyện gì nhiều lắm, chỉ mong sao cho mưa thuận gió hòa, sao cho lòng người sống ấm áp. Chỉ thế thôi, với tôi là đủ.
Đêm đã buông những giọt lạnh thánh thót lên thành phố trẻ. Phố vẫn đông người lắm. Cũng đã muộn đâu mà vội vàng nhỉ. Tôi lướt qua những bồn hoa rực những sắc cúc vàng chen lẫn hoa trạng nguyên đỏ thẫm, lướt qua những chùm đèn mầu đã được treo lung linh trên khắp đường đi. Một màu vàng sáng rực trải dài trên Đà Nẵng. Tôi chẳng có khái niệm nhớ tên phố nữa trong lúc tâm trí để vào việc ngắm nghía là chủ yếu này.
Lòng đi không cùng với đôi chân mỏi. Tôi phải trở về thôi. Về với nơi những yêu thương ấm áp đang mong chờ kia. Đêm dịu dàng vỗ về đưa tôi vào giấc ngủ yên lành.
 
Sáng. Tiếng chim sàng gạo ở ngay ở trong khu vườn nhà dìu dịu. Sáng yên bình và còn nhiều mây mù lắm. Tiếng người lào xào ngoài con ngõ nhỏ.
Tôi có một chuyến bay vào chiều nay về Hà nội yêu dấu của tôi, nơi tôi xa đã gần 120 giờ rồi đấy. Nhớ mong và mong trở về biết bao.
Tôi nên dậy sớm chút chứ để đốt nốt thời giờ còn lại trước khi rời Đà Nẵng phải không.
“Dì đi rồi về ăn cơm trưa”- chị tôi nhắc. “Đồ đoàn xếp sắp gọn lại để lúc về khỏi vội nhé ”
Dắt xe ra khỏi nhà, tôi hối hả hòa vào dòng người trên phố. Trời đã trong và sáng hơn tuy chưa thấy gợn có sợi nắng nào. Những bồn hoa thắm rực rỡ bao quanh vòng lá xanh thật đẹp. Đà nẵng có vẻ như được quy hoạch rất chi tiết và dài hơi. Không ngoa nếu nói ở đây cuốn hút hơn so với Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh chí ít cũng là về sự ít tắc nghẽn giao thông của thành phố trẻ này.
Tôi đi qua con phố ven bờ biển. Sóng biển vỗ rì rào. Những khu nhà mới mọc lên sau bão Xangxen làm thay đổi diện mạo phố. Những con đường đang dần được hoàn thành. Cây xanh đang được trồng, vẫn chưa thấy đâu những cụm lá mới mang bóng dáng mùa xuân đến.
Đi lan man hết phố nọ sang phố kia để ngắm nghía sức sống của một thành phố mới, tôi quên rằng đã đến giờ cần phải về nếu như chuông điện thoại không đổ dồn.
Tạm biệt những miên man nhé. Tôi phải trở lại hiện thực. Nắng đã vàng óng trên đường Điện Biên Phủ, nắng đã trải đều trên con phố Hải Phòng, nắng len lỏi ánh vàng trên phố Ông Ích Khiêm, nắng xiên qua những hàng cây bàng già trơ lá, nắng mơn trớn trên những luống hoa. Nắng đã trong trên khuôn mặt mẹ Nhu xóa bớt đi những nếp nhăn vất vả.
Mải miết đi, mải miết ngắm nhìn, tôi đã về tới nhà lúc nào không hay.
Cả nhà quây quần bên mâm cơm được anh em tôi đánh giá là bữa cơm Tất niên vui nhất vì có đông đủ mọi người. Nào là người từ Huế vào công tác trên Trà My mới về, nào là tôi vừa từ Hà Nội vào, nào là chị tôi bên Liên Chiểu vừa sang, nào là anh tôi vừa trên Hải Phòng mới tới. Rau dớn và thịt lợn rừng là quà vùng Trà My cùng cá hanh biển Đà nẵng với đĩa dưa Đông Dư muối vàng ruộm mà cay xè sống mũi làm cho bữa tiệc của chúng tôi thật hoành tráng với nhiều hương vị. Cười nói rôm rả tưởng như Tết đã ở trong nhà tự khi nào.
Ngồi đã lâu đâu mà đã phải xa. Tới giờ lên đường rồi đấy. Anh em tôi hối hả chở nhau ra sân bay cho kịp chuyến.
Tạm biệt nhé Đà Nẵng, tôi phải xa rồi. Tôi vẫn còn chưa thấy đâu cầu quay sông Hàn, tôi vẫn chưa thấy đâu đường lên Bà nà, vẫn chưa thấy đâu cảnh quan nơi Sơn Trà nữa kìa. Đó là lý do tôi phải trở lại. Đó là lý do tôi còn trở lại.
Sân bay vắng lặng. Một vài người khách cuối cùng đang làm thủ tục tại quầy check in của hãng hàng không quốc gia. Mới hơn 2 giờ chiều, còn tận nửa tiếng nữa mới hết giờ làm thủ tục của hãng hàng không giá rẻ. Vậy mà tôi đâu có thấy bóng ai trên quầy. Tôi cảm thấy không ổn. Nhẽ ra phải rất đông khách mớí phải vì chuyến bay ĐN – HN một ngày chỉ một chuyến.
Tôi nhìn quanh chỉ sợ quầy làm thủ tục chuyển sang khu vực khác. Không có dấu hiệu nào cả. Ngoài sân bay người đi lại thưa thớt mặc dù rất gần với giờ khởi hành rồi.
Nỗi lo lắng của tôi càng dâng lên. Chỉ còn đúng nửa tiếng nữa là máy bay cất cánh mà tôi vẫn chưa check in xong. Không dấu được sự lo lắng vì chả lẽ mình đến sân bay quá muộn chăng, tôi tiến lại hỏi một anh an ninh sân bay.
“Chị cứ nhìn trên màn hình xem có thấy số hiệu chuyến bay của chị không?”
Chả thấy đâu cái số hiệu chuyến bay của tôi trên cái màn hình cứ trôi chầm chậm phát sốt ruột kia. Cũng chỉ có vài chuyến bay thôi mà không thấy chuyến bay nào tên tôi cần hết.
“Chiều chỉ còn một chuyến bay vào Sài gòn thôi chị ạ.”- Anh an ninh từ tốn.
“Sao anh bảo sao, vé của tôi bay ra Hà Nội vào lúc 3 giờ chiều. Sao anh nói không có chuyến nào bay ra Hà Nội hôm nay nữa?” – Tôi mất hết bình tĩnh.
“Hãng này chỉ có một chuyến một ngày ra Hà Nội thôi chị. Chị check lại thông tin đi. Tôi sợ có khi chị nhầm.”
Chán chả muốn quặc lại. Tôi nhấc điện thoại gọi cho văn phòng của hãng hàng không giá rẻ ở Đà Nẵng. Chuông điện thoại đổ cả chục lần cũng chẳng thấy có ai nhấc. Chết dở, sao thế nhỉ?
Rồi tiếng tút dài của điên thoại cũng ngừng, tiếng một người trẻ hỏi tôi cần giúp đỡ gì không. Sau khi đưa thông tin về mã số đặt chỗ, tên người đặt, một thông tin được anh nhân viên hãng đưa ra cho tôi làm tôi như bị dội một gáo nước lạnh vậy.
“Tất cả các hành khách của chuyến bay này đều được thông báo về việc đổi giờ chuyến bay trừ chị. Chúng tôi đang kiểm tra xem lỗi xuất phát từ đâu. Chị có thể vui lòng bay vào chuyến bay ngày mai được không, lúc 9h45 sáng?”
“Tôi phải có mặt ở Hà Nội ngay trong hôm nay bất luận các anh phải làm gì, và phải làm như thế nào với cái vé book trước của tôi. Vé tôi đã cầm trong tay tức là đã xác nhận hành trình, mặc nhiên nếu thay đổi về bất kỳ chi tiết nào liên quan đến chuyến bay, các anh phải có trách nhiệm rà soát để thông báo với khách hàng. Nếu lỗi xuất phát từ chúng tôi liệu các anh có chấp nhận cho chúng tôi đi vào chuyến sau không?”
“Nếu chị không chấp nhận phương án đó, thì chúng em sẽ làm thủ tục hoàn trả lại vé cho chị.”
“Tôi nhắc lại cho các anh ở hãng rằng tôi nhất thiết phải có mặt tại Hà Nội hôm nay. Anh đừng nói với tôi về việc hoàn tiền nhé. Các anh đưa ra dịch vụ, đưa ra các cam kết cho người sử dụng dịch vụ không phải để rồi tới khi xảy ra lỗi ở khâu nào đó các anh lại rũ sạch như vậy.”
“Em chỉ là nhân viên nên việc này em phải xin ý kiến cấp trên. Chị chờ cho chút nhé, chúng em sẽ liên hệ lại với chị.”
Tôi sợ bị bỏ rơi, tôi sợ nếu ngắt đường dây tôi sẽ vẫn cứ chơ vơ trên sân ga hàng không và ôm nỗi uất ức không biết đến khi nào. Tôi gào dữ dội vào điện thoại “Anh phải cung cấp cho tôi số di dộng và tên anh. Tôi không thể tin là các anh có thể gọi lại. ” – Tôi chới với.
Một cái tên và số hiệu nhân viên được đưa đến cho tôi. Chẳng khó nhớ lắm dù có đang tức bực thế này.
Tôi lo đến phát sốt. Không hiểu tình hình tôi sẽ thế nào nữa.
Có tiếng điện thoại đến. Tôi vơ vội lên nghe.
Bây giờ là tiếng con gái.
“Chúng tôi sẽ liên hệ với hãng hàng không quốc gia để chị bay ra Hà Nội”
“Tôi được biết cái waiting list đã dài đến hơn cả chục người rồi, liệu tôi có còn chỗ không?”Tôi gay gắt.
“Chị yên tâm, một người thì đơn giản mà. Chị cứ yên tâm”
Tôi làm sao mà yên tâm cho được. Bên cạnh một chị hành khách của hãng hàng không quốc gia mua vé mà vẫn còn chưa biết có chỗ để đi không, nữa là tôi một nhân vật hoàn toàn mới trong cái waiting list dài kia.
Tôi bồn chồn. Qua 3 giờ chiều lâu rồi. Đã thấy một vài nhân viên của hãng giá rẻ tới chuẩn bị cho chuyến chiều bay vào Thành Phố Hồ Chí Minh.
Tôi tiến tới quầy bán vé. Tôi đồ là họ đang lo lắng không biết hành khách đòi ra Hà Nội ngay hôm nay là ai nữa trong số nhan nhản người đang đi lại như mắc cửi ở sân bay.
Lại đọc code vé, lại đọc tên. Tôi chán ngấy làm việc này dù vẫn phải kiên nhẫn. Lại những câu trả lời y như cái anh nhân viên lúc đầu.
Tôi vẫn không khoan nhượng. Vớ vẩn thật đấy. Để xem xem.
“Chị có thể ra Hà Nội vào chuyến ngày mai không lúc 9h45 sáng?”
“Tôi nói với các anh lần này là lần cuối. Tôi phải có mặt ở Hà nội ngay trong hôm nay bất luận các anh xử lý như thế nào. Tôi không thể chờ các anh tìm ra lỗi xuất phát ở đâu rồi mới giải quyết cho tôi. Các anh vô trách nhiệm với khách hàng và dịch vụ các anh đưa ra vừa thôi nhé.” – Giọng tôi khô khốc.
“Chị vui lòng chờ cho một lát”- Anh nhân viên vẫn nhẹ nhàng.
Lại điện thoại xin ý kiến, tôi đồ thế. Cuộc điện thoại dài đến cả thế kỷ. Sốt ruột vì việc mình cứ chơi va chơi vơi không biết đi đâu về đâu, tự nhiên lại bị quẳng lại ở cái sân bay này.
“Chị có thể hợp tác với chúng tôi như thế này được không? Chị sẽ bay chuyến 16h35 từ Đà Nẵng vào Thành Phố Hồ Chí Minh, sau sẽ chuyển bay chuyến tiếp từ Thành Phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội lúc 21h ”
“Liệu vào đến Thành Phố Hồ Chí Minh tôi có phải tiếp tục phân trần về tình trạng vé máy bay như tôi trình bày với anh không?” - Tôi cố chắc chắn thêm.
“Chỗ của chị mặc nhiên đã có trong chuyến 21h. Chúng tôi đã book rồi. Nếu vào tới Thành Phố Hồ Chí Minh, tại quầy thủ tục còn vé thì mặc nhiên chị có thể bay tiếp chuyến 19h35 không cần chờ đến 21h.”
“Tôi vẫn không thể yên tâm, liệu tôi đã có chỗ trên chuyến bay lúc 21h chưa?” – Tôi hỏi dồn.
“Chỗ của chị đã được book trên chuyến 21h, vậy là mặc nhiên chị đã có thể bay ra Hà Nội lúc 21h. Nếu còn chỗ chuyến 19h30 chị vẫn có thể đi. Tất cả các chi phí do hãng chúng tôi chi trả. Chị yên tâm. Chỉ xin lỗi chị vì đã để chị về Hà Nội muộn màng đến vậy. Chị ra làm thủ tục đi, chỉ còn 10 phút nữa là hết giờ rồi đó.”
Tôi cảm ơn mặc dù lòng còn nghi ngại.
Thôi cứ bay vào Thành phố Hồ Chí Minh rồi tính tiếp. Chắc mai lại một mớ sám hối rồi.
Nhà ga nội địa sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đang sửa chữa sau vụ hoả hoạn. Tôi lao thật nhanh đến ga đi, tới phòng làm thủ tục.
Vừa mới chỉ đọc tên và nói nơi mình vừa bay đến, anh phụ trách đã nói một câu làm tôi đến ngượng, tựa như tôi là kẻ quấy đảo cả cái ngày chủ nhật đang yên ổn nhường này của họ vậy.
“À, trường hợp này tôi biết. Chị chờ cho một lát.”
Tôi cũng yên tâm vì như vậy tôi đã có thể về Hà Nội trong hôm nay rồi, dù hơi muộn.
“Thủ tục của chị xong rồi, chị có thể bay tiếp chuyến 19h30 nhé. Chị ra phòng chờ đi khỏi muộn. Chỉ còn vài phút thôi.”
Tôi mừng rỡ. Nhưng cái mặt tôi thì tỉnh bơ. Cảm ơn anh phụ trách, tôi hùng hục chạy về phía cầu thang lên phòng chờ ra máy bay.
Và tôi đã trở về Hà Nội ngay trong ngày. Ơn Trời.
Chuyến đi của tôi là như vậy. Dù có chuẩn bị kỹ càng, hoạch định rõ ràng mà phút cuối vẫn vướng chút trục trặc. Cũng may còn chuyến từ Đà Nẵng vào Thành Phố Hồ Chí Minh, cũng may còn chuyến bay ra Hà Nội, và may mắn là chuyến tôi bị lỡ có giờ bay sớm hơn so với các chuyến bay khác. Nếu muộn hơn, chắc chỉ còn nước chuyển đi tàu hoặc xe mà thôi. Nhưng mọi sự đã qua rồi. Lại bắt đầu một chuyến đi mới chứ, phải không bạn của tôi?
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,393
Members
189,943
Latest member
3sdecal
Back
Top