What's new

Ghi chép Trường Sa - 2013

Đi trên tầu, lên đảo hầu như các đoàn văn công và các thành viên trong đoàn đều hát câu hát: Không xa đâu Trường Sa ơi... hát thế thôi, nhưng Trường Sa xa lắm. Xa đất liền, xa tình cảm gia đình bè bạn, người yêu. Đảo còn thiếu nhiều những phương tiện thông tin như tivi, điện thoại, máy vi tính... xung quanh chỉ có nhiều sao trời, sóng biển, nắng, gió và những ngày giông bão.

TS15.JPG


Hôm nay đoàn lên Đá Thị và Sơn Ca. Hỏi ấn tượng khi lên đảo là gì, tôi chẳng nhớ những công sự, hầm hào, những buổi họp, tặng quà... tôi chỉ nhớ những câu chuyện với chiến sỹ và đặc biệt là giây phút chia tay, tôi cứ nấn ná để lên tầu bằng chuyến cano cuối cùng, để được là những người cuối cùng chia tay anh em chiến sỹ trên đảo. Có những cậu chiến sỹ, trẻ lắm, hỏi em bao nhiêu tuổi, em trả lời 19. Chắc cậu bé cũng giống tôi tuổi 19, nghĩ mình lớn lắm, nghĩ mình đủ rắn rỏi can trường, lính Trường Sa cơ mà, nhưng các em còn trẻ lắm, tôi biết. Nhưng tuổi 19 các em hơn tôi rất nhiều. Tuổi 19 đáng sống, tuổi 19 em đang sống những ước mơ của tôi, ước mơ mà tôi đã quên, ước mơ mà tôi không dám sống.
TS20.JPG


TS14.JPG


Vài câu chuyện làm quen, vài lời nhận đồng hương, vài lời động viên thăm hỏi, vài câu chuyện vô thưởng vô phạt, thế mà cậu bé vụt chạy vào một góc, hí húi đào lên một con ốc gai. Như một báu vật - cậu kể muốn có được vỏ ốc gai đẹp như thế, cậu phải chôn xuống đào lên vài lần để làm sạch hết phần thân ốc, rồi rửa, rồi mài cho hết phần hà bám mới lộ ra phần vỏ ốc đẹp đẽ này - cậu tặng cho một bạn trong đoàn, đấy là tấm lòng của đảo gửi tặng đất liền. Chúng tôi một lũ tay không lên đảo. Chẳng có gì tặng lại, áy náy mà cũng chỉ biết bắt tay thật chặt để cảm ơn.

TS17.JPG


TS18.JPG


Những cái vẫy tay tiễn đoàn cuối cùng bao giờ cũng lưu luyến. Kể cả khi đoàn thuyền gần khuất sau chỗ ngoặt, quay lại vẫn thấy anh em nấn ná vẫy tay theo thuyền.

Tôi luôn sợ những cuộc chia tay, nhưng giờ tôi sợ nhất là chia tay những chiến sỹ quần đảo Trường Sa. Anh Võ cụm trưởng cụm chiến đấu trên đảo Sơn Ca bắt tay tôi thật chặt và đọc câu thơ:

Tôi với anh đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau...

Không biết đáp lại thế nào, tôi đành mượn một chữ duyên. Phải có duyên mới gặp được nhau giữa biển khơi mịt mùng này và mong anh em còn duyên để có dịp gặp nhau trong đất liền, gặp nhau đâu đó trên đường đời. Anh chúc chúng tôi khỏe để hoàn thành chuyến công tác. Tôi cũng chỉ biết chúc lại anh khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhìn trong mắt anh tôi thấy có một nỗi niềm rất khó tả, một nỗi niềm giống như anh Thập trưởng trạm hải đăng trên đảo Song Tử tây, một chút buồn, một chút mặc cảm, một chút tự hào, trách nhiệm, một chút nỗi nhớ nhà, gia đình ở đất liền... và trên tất cả tôi thấy một nỗi cô đơn, không thể chia sẻ hết những tâm sự đang chồng chất trong lòng.

TS21.JPG


Giữa biển khơi cuộc chia tay nào mắt cũng ngân ngấn nước.

Đảo Sơn Ca đang xây kè mở rộng, công binh mới ra đảo được vài tháng nay. Công binh hải quân là những người vất vả nhất. Hình như đâu cũng vậy, nghề xây dựng đến khi còn hoang sơ bùn đất, đi lúc sạch sẽ khang trang. Tôi gặp Thượng ta Việt Anh binh đoàn 141, người có hơn 20 năm gắn bó với công tác xây dựng đảo. Anh kể về những ngày đầu tiên gắn bó với việc xây dựng đảo vào những năm 90, những người lính công phải dầm mình cõng từng viên đá, kéo từng xuồng nước ngọt từ thuyền vào đảo. Ngày ấy, để xây đảo chìm họ phải ở trong những chiếc xuồng kín bưng - anh dùng một từ chuyên môn mà tôi quên không ghi lại nên quên béng mất - sóng vỗ dập dềnh, biển lặng mà còn say sóng hơn đi tàu gió cấp 6-7.

TS16.JPG


TS19.JPG


Giờ xây đảo cũng đỡ hơn nhiều, đã có cơ sở để lưu trú, tầu chở hàng đã to hơn - tầu Trường Sa sức tải 1000 tấn. Nhưng sức người vẫn thế. Vẫn vác từng bao cát, vẫn tròng trành chở từng téc nước ngọt. Vẫn chạy đua cùng thời tiết, chạy đua cùng những cơn giông nổi lên bất ngờ, và mùa mưa bão đang gần kề.
 
Last edited:
Bài của bạn rất hay. Mặc dù là ghi chép mà như đang tả vậy. Ảnh cũng rất đẹp và được "quán triệt đàng hoàng". Mong rằng luôn có những bài như vậy. Vốt.
 
Ngày thứ 6

Đảo Nam Yết là hòn đảo lớn thứ 2 trên quần đảo Trường Sa, chỉ sau đảo Ba Bình do Đài Loan đang chiếm giữ. Đảo có nhiều cây xanh, có cả dừa, phi lao, đa và cả bồ đề trồng sẵn ở chỗ chuẩn bị xây chùa.

TS23.JPG


Trên đảo ngoài những công trình xây dựng giống như những hòn đảo nổi khác, đảo còn có nghĩa trang liệt sỹ. Bốn ngôi mộ của bốn người lính hải quân còn rất trẻ, chỉ 19-20 tuổi. Có bạn chỉ mới vào hải quân được 6 tháng. Lúc nãy lúc giao lưu văn nghệ, có bạn ca sĩ hát bài Tổ quốc gọi tên mình, có mấy câu:

Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi
Mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ
Ngọn đuốc hòa bình, bao người ngã xuống
Máu của người nhuộm mặn sóng Biển Đông...

TS24.JPG


Giữa thời bình, máu vẫn nhuộm mặn sóng biển.

Trên tầu tôi ở cùng anh Xô và anh Độ, hai thủ trưởng của quân chủng Phòng không - Không quân, các anh đang trên đường công tác kiểm tra các cơ sở Phòng không - Không quân trên đảo. Hai anh nhiệt tình mời chúng tôi về đơn vị của các anh an trưa. Thật ra chẳng phải ăn trưa, giờ mới chỉ có 8.30 sáng. Nhưng những ngày ở trên tầu chúng tôi được ăn theo giờ giấc oái oăm. 5h ăn sáng, 10h ăn trưa, 4h ăn chiều và 9h đêm ăn tối. Thế nên 8.30 tạm tính là ăn trưa.

Tôi ngại uống rượu nên lần trước trên đảo Song Tử Tây tôi trốn, về phòng bị hai anh phê bình kịch liệt, nên lần này không dám trốn nữa. Vào đến nhà bếp đã thấy bàn ăn mọi thứ sẵn sàng. Các anh chiến sỹ bảo đơn vị thịt con lợn từ 4h sáng để đón thủ trưởng và đoàn công tác. Đầy đủ nướng, luộc, xào, lòng, dồi, tiết canh... thiếu chỉ là thiếu rau xanh, chỉ có giá đỗ tự làm, một ít rau tăng gia và lá cây tra, một loại cây cùng với phong ba và bàng vuông bám trụ trên đảo. Lá cây non ăn chát chát gần giống như lá mơ, được anh em chiến sỹ trên đảo ăn kèm với thịt chó, lòng lợn...

TS25.jpg


Lại rượu rót tràn li, lại những cái bắt tay thật chặt. Những câu chuyện hỏi nhau vội vàng về quê quán, công việc... và rồi lại chia tay. Chưa kịp nhớ tên nhau đã chia tay, chưa kịp uống hết chén rượu đã chia tay. Đoàn đúng 10h phải quay về tầu để lại tiếp tục hành trình. Tôi ôm thật chặt anh bạn ngồi cạnh - trung úy Việt quê ở Lâm Thao. Hai anh em cùng nói với nhau một câu còn duyên anh em mình sẽ gặp lại.

TS25.JPG
 
Ngày thứ 7

Thân ấy mất, danh ấy còn sống mãi.

Đấy là câu trong bài văn tế Khao thề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn. Những người lính thời nào cũng thế. Ra đến Trường Sa mới thấu hiểu hết được những mất mát, hi sinh.

Tôi cũng đi nhiều. Cũng được vài lần vào thăm và ở lại những đồn biên phòng ở biên giới phía Bắc, nhưng nếu so sánh với Trường sa, khó khăn của các chiến sĩ trên đảo gấp bội phần. Trong sinh hoạt hàng ngày, cái khó khăn nhất lại là nước ngọt, sống giữa biển nước mênh mông mà lại thiếu nước. Năm 2010, các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn đã có những thời điểm phải dùng nước mặn nấu cơm, nhường nước ngọt cho những hộ dân trên đảo.

TS31.JPG


Và hy sinh. Ai cũng biết ngày 14.3.1988, 64 chiến sỹ ra xây dựng đảo Gạc Ma đã đứng thành vòng tròn giữ đảo, quấn lá cờ tổ quốc quanh người, động viên nhau dù có hi sinh thì cũng để máu của mình tô thắm lá cờ tổ quốc. Hơn 25 năm trôi qua, các anh vẫn nằm đâu đó dưới rặng san hô, dưới mây trời, sóng nước Gạc Ma. Và tôi tin anh linh của các anh vẫn còn đâu đó quanh quần đảo này.

TS32.JPG


Các đoàn trước đi đều nói, sau khi đến Cô Lin, làm lễ tưởng niệm các anh xong, thả hoa và ban thờ xuống nước xong, dù trời đang nắng cũng sẽ có vài hạt mưa lắc rắc, ấy là lúc anh linh các anh hiện về. Nhưng đoàn chúng tôi, sau khi lễ tưởng niệm xong, ban thờ vừa đem ra khỏi thành tầu thì bát hương hóa, ngọn lửa trùm kín bát hương và lan sang chỗ để tiền vàng. Cháy hết phần tiền vàng, ban thờ tự động đi vào chỗ vòi nước đang bơm từ thân tầu, nước dập tắt hết chỗ lửa đang cháy và ban thờ lại từ từ trôi ra chỗ vòng hoa được thả trước đấy mấy phút.

TS34.JPG


TS33.JPG


Thân ấy mất, danh ấy còn sống mãi.
Thú thật danh tính các anh chúng tôi không nhớ hết. Trận hải chiến trên đảo Gạc Ma chúng tôi mới biết dăm năm nay, ngay cả lễ tưởng niệm trên tầu, bài diễn văn cũng nói chung chung đối phương là nước ngoài, không một từ chỉ rõ sự thật đối phương chính là Trung Quốc. Thế nhưng tôi tin, từ nay những chiến công của các anh sẽ được vinh danh mãi mãi.

TS35.JPG


Tôi thả xuống biển một chiếc lá bồ đề, cầu mong cho anh linh các anh siêu thoát, mong cho vùng biển trời các anh đã ngã xuống mãi mãi được bình yên, dù nhìn sang phía Gạc Ma, hòn đảo giờ Trung Quốc xây như một con tầu chiến, nghênh ngang chĩa mũi tầu về hướng Cô Lin, Len Đao.

TS27.JPG


Ngày hôm nay xã đảo Sinh Tồn tổ chức mitting chào mừng 38 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa. Đảo Sinh Tồn cái tên nghe rất có sức sống giữa biển khơi, nhưng Sinh Tồn là một trong những hòn đảo giáp địch nhất. Chắc vì thế mà các chiến sĩ trên đảo chắc cũng được lựa chọn kĩ càng, các bạn trả lời phỏng vấn đoàn nhà báo rất máy móc và công thức. Nhưng thôi không thể trách các bạn được, khó khăn thì ai cũng hiểu, nói thêm cũng hơn gì. Hãy nói về những niềm tin, những niềm vui, niềm tự hào của những người lính đảo, để đất liền, để gia đình yên lòng.

TS28.JPG


Đảo Cô Lin là đảo chìm gần bãi Gạc Ma nhất, cách khoảng 4 hải lí. Như bao đảo chìm khác cuộc sống ở đây vô cùng khó khăn và đói đời sống văn hóa tinh thần, lính đảo chỉ đợi văn công và mong được nghe hát. Lại bài hát Lính đảo đợi mưa nhưng lần này không mưa, vẫn nắng trang trang. Nước trong bể sắp cạn và mùa khô còn dài.

TS29.JPG


TS30.JPG


Mưa đi mưa đi, mưa cho mãnh liệt
Mưa lèm nhèm lính đảo chẳng thích đâu.
Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo.
Đảo vẫn hiên ngang giữa đại dương sóng bão.
Như đá vững bền, như đá tốt tươi.

TS26.JPG
 
Bác ơi, em không phải nhà báo, ko phải ủy viên TW Đảng... Làm sao em có thể ra Trường Sa đây?:(((((. Bác mách cho em các cách có thể đi với.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
37,537
Bài viết
1,148,644
Members
193,600
Latest member
manhhungct
Back
Top