Rượu ngô Mèo Vạc
Chúng tôi chưa khi nào hài lòng với thứ rượu ngô đóng chai dọc đường, rặt mùi cồn, men Tàu, và hương ngô nhân tạo …
Trong các bữa ăn, rượu ngô vẫn được rót tràn, như sự tưởng thưởng cho quãng đường hơn 300km + +, cho những tâm hồn phiêu bạt đang cồn cào khát cháy về một trong những biểu trưng linh hồn của HG, đầy sánh những chén thủy tinh trong suốt.
Và chúng tôi đều thống nhất với nhau, cái thứ cồn loãng trộn hương ngô giả cầy, không thể nào làm dịu cơn khao khát vẫn ám ảnh chúng tôi từ trước chuyến đi. Chúng tôi cùng chờ đến Mèo Vạc, vựa rượu ngô nổi tiếng, sẽ qua trong ngày thứ ba của hành trình …
Thị trấn Mèo Vạc hiện ra khi cơn say đèo vẫn còn chống chếnh, đến mức tôi suýt quên về thứ ma lực quyến rũ thường trực mang tên RƯỢU NGÔ ...
Mụ Đạt vốn tự nhận bình sinh không sống bằng cơm mà chủ yếu sống bằng rượu. Hay nói một cách ví von, người đời ăn xác gạo, mụ chọn ăn phần hồn. Việc đầu tiên của mụ lúc đặt chân đến Mèo Vạc là xách xe lùng cho được một lò rượu ngô, và khi chị em chúng tôi xong xuôi vụ mua bánh kẹo cho công cuộc vĩ đại
chia sẻ niềm vui trung thu với các em học sinh dân tộc, thì nhận được chỉ thị thẳng tiến về phía trước. Mụ Đạt và mấy người khác đang chờ.
Tôi bước vào “lò rượu”, thực chất là một ngôi nhà tối tăm, xập xệ nằm sau ngưỡng cửa thấp tè, mái tôn che phủ và bức tường ngăn xây bằng gạch ba – banh. Đôi mắt lóa nắng của tôi chưa kịp làm quen với bóng tối, đang nhòa đi trước những dáng người. Xôn xao tiếng nói người quen. Tôi dấn thêm vài bước, mộng du, xiêu vẹo …
Thì có một thứ gì đó vừa quen vừa lạ, cái mùi không lẫn đi đâu đánh thẳng vào khứu giác tôi, thức tỉnh. Trong căn nhà tối tăm, giờ đã hiện rõ hơn những ụ bếp bỏ không, dụng cụ nấu rượu, đống can to nhỏ đủ cỡ, mấy bao tải xếp chồng lên nhau ở một góc nhà. Và giữa cái nền đất cát lổn nhổn, một bãi ngô tràn ra, vàng mê mải … nháng lên trước mắt tôi.
Tôi ngồi xuống mân mê mấy hạt ngô vàng hườm, đã được đồ chín, hạ thổ, trương lên cỡ đầu ngón tay. Hạt ngô tỏa ra thứ mùi thơm đặc biệt. Không giống mùi non mát ngọt thanh của ngô nếp bãi sông, cũng không nặng ngai ngái và nhân nhẩn đắng như ngô tẻ đồng bằng. Ấy là một thứ mùi ngậy, béo, thơm ngầy ngật đánh bật mọi ấn tượng khứu giác về ngô trong ký ức. Chỉ thấy hiện ra trước mắt một phiên chợ Sapa nhiều năm trước, loáng thoáng mưa, se se lạnh, bàn tay người phụ nữ Mông đen đúa, và cái bánh mèn mén gói sơ sài trong lá chuối khô. Ngậy, và thật là … ngô.
Trong lúc tôi còn mải lãng đãng, những người khác đã kịp thửa cho mình những can rượu đầy, chất lỏng không màu rớm ra ngoài vành nắp nhựa xoáy chặt. Sợ rằng mình đã bỏ lỡ quá nhiều thứ, tôi đến bên một thùng tròn, mở nắp, hít mạnh. Chưa thỏa mãn, tôi vớ cái ca nhỏ trôi lõng bõng trong thùng, nhẹ tay vợt, đưa lên mũi ngửi. Ngửi đi, ngửi lại. Rồi nhấp nhẹ …
Chúng tôi thả từng bước vào sân sau ngôi nhà, ánh nắng tràn ngập. Ngay cạnh cửa, hàng bó lá to, xanh mướt xếp chồng lên nhau. Một cái lu cũ kỹ choán gần lối đi, dễ đến lưng lu là những hạt ngô lên men, đã phai bớt màu vàng nguyên thủy, rỗ sứt sẹo. Tiếng con bò nhai cỏ ọ ọ trong chuồng.
Xong công đoạn quan trọng của cuộc hành trình, chúng tôi đi. Những người bạn đồng hành của tôi khệ nệ can lớn can bé, chằng đụp trong những lớp túi nilon dày buộc chặt.
Tôi không mang theo gì, tay không, ngoài một mùi hương ngô nồng đượm đã hằn sâu vào ký ức.
Sẽ chẳng có thứ chất lỏng nào thay thế được mùi hương chào đón tôi trong ngôi nhà thiếu ánh sáng …
Hoặc có thể do tôi chưa gặp may … !