What's new

[Chia sẻ] Kailash mùa thu 2014

Tháng Mười Hai, những ngày cuối cùng của tháng cuối năm, nhìn cuốn lịch mỏng dần chợt thảng thốt nhận ra một năm sao mải miết trôi nhanh đến thế. Trong giá rét của mùa đông Hà Nội, đếm những tờ lịch còn lại mà thấy da diết nhớ về những ngày kora rực rỡ giữa mùa thu tràn nắng và lòng vẫn day dứt về một lời hứa chưa thực hiện, lời hứa chia sẻ về một chuyến đi chưa từng kể lại - Kailash mùa thu 2014.

Kailash - chuyến hành hương ấp ủ hơn 3 năm của những kẻ đã từng một lần đặt chân đến Tibet và đã nặng lòng với vùng đất của chư thiên ấy.

Chuyến đi này, tôi kể lại đây như một lời tri ân với diễn đàn phượt, nơi tôi đã từng nhận biết bao thông tin quý giá không chỉ về Tibet và Kailash.

Chuyến đi này, tôi kể lại đây như một món quà dành cho người bạn đã từng đi Kailash, dù mới quen nhưng đã sẵn lòng tặng tôi những viên thuốc pháp quý báu của vị đại sư Nepal, những viên thuốc đã tiếp cho tôi thêm động lực trên đường hành hương.

Chuyến đi này, chuyến đi của đời người, đã thành một dấu ấn trong đời mà tôi chắc sẽ chẳng bao giờ quên được, tôi kể lại đây vào những ngày sắp khép lại một năm, cũng là để chuẩn bị cho cuốn nhật ký của những chuyến đi mới đang chờ đợi tôi phía trước.

Kailash mùa thu 2014.
 
Kailash - những hình ảnh cuối cùng

Xe đưa chúng tôi theo con đường uốn lượn quanh hồ thiêng để hướng về phía quốc lộ 219. Phải rời Manasarovar cũng là rời xa Kailash. Từ phút ấy, tôi không dám rời mắt khỏi cửa kính xe, tôi cố gắng thâu nhận nốt những hình ảnh cuối cùng của mặt gương xanh kỳ ảo và ngọn núi thiêng ở bên trái con đường tôi đi.

16698476629_1b35b4bfa4_b.jpg

(ảnh NL)

16883401332_77ef97016d_b.jpg


16884599335_b9c8accf6f_b.jpg

(ảnh NL)

16698507889_4fec42ba46_b.jpg

(ảnh NL)

Tôi vẫn nhớ, kể từ giây phút đầu tiên được diện kiến, Kailash linh thiêng đã ở bên chúng tôi trong suốt hành trình bảy ngày. Bảy ngày đáng nhớ ấy, sau cả ngàn cây số đường xa, tôi đã được chiêm bái ngọn Thần sơn, có những phút ở gần đến mức tưởng như chỉ leo thêm vài bước và với tay là chạm tới được. Bày ngày ấy, tôi đã được hít thở không khí tràn đầy những nguồn năng lực vô hình bao quanh cái đỉnh tuyết vĩ đại ấy, từ lúc bình minh cho đến khi mặt trời lặn, trong ngày nắng rực rỡ cũng như những lúc cơn mưa bất chợt đuổi sau lưng, dưới bầu trời mây vần vũ cũng như đêm trăng mười bốn vằng vặc trong tâm tưởng. Bảy ngày đáng nhớ ấy, tôi đã được sống cùng ngọn núi và đã cảm nhận được phần nào hơi thở, nhịp sống cũng như "tính cách phi thường" của núi thiêng. Vậy mà giờ đây, tôi sắp phải chia xa rồi. Xe đã chạy ra đường 219. Trước mặt tôi là con đường đầy mây trắng xuyên giữa thảo nguyên vàng cỏ mùa thu,

16199219393_8859fa568c_b.jpg


còn sau lưng tôi, đỉnh núi thiêng cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi hút tầm mắt. Tôi ngoái đầu lại, cố thu vào mắt mình lần cuối hình ảnh cái kim tự tháp trắng xóa ấy, bỗng thấy tim mình như bị bóp nghẹt lại, cố hít một hơi thật sâu để ngăn những giọt nước mắt sắp rơi, rồi lặng lẽ đeo kính để giấu đi đôi mắt đỏ hoe.

16819113375_1bdb97248c_b.jpg


Buổi chiều chia tay Kailash và Manasarovar ấy, tôi đâu biết cơn mưa giông mây đen giăng kín trời đang chờ chúng tôi ở phía Dzongba.

16835281825_35bbce95da_b.jpg

(ảnh NL)

Mưa đến ào ạt cùng sấm chớp và cũng vội đi thật nhanh, để lại bầu trời chạng vạng bỗng bừng lên trong sắc cầu vồng và một hoàng hôn dữ dội màu thương nhớ, cháy như tâm trạng của chúng tôi khi phải chia xa ngọn núi và mặt hồ thiêng, buổi hoàng hôn không thể quên trong đời.

16834247891_ffc38af16c_b.jpg

(ảnh La)

16196821114_8c5c35988f_b.jpg
 
Saga county

Hành trình trên đất Tạng của chúng tôi đã đi đến những ngày cuối cùng. Những đêm cuối của hành trình, tôi hầu như không ngủ được, tâm trạng vui sướng nhẹ nhõm khi hoàn thành chặng kora quanh núi thiêng giờ đã nhường chỗ cho nỗi bâng khuâng tiếc nuối bởi thời gian ở lại đất Tạng cứ ngắn dần. Trên vùng cao nguyên này, không khí loãng khiến cho đầu óc tôi trở nên trong suốt, cả hành trình mười bốn ngày, tôi hầu như ngủ rất ít nhưng vẫn thấy tỉnh táo một cách kỳ lạ. Chỉ có duy nhất đêm rằm tháng tám, khi đã qua đèo Dolma-la là ngủ ngon. Nếu như những đêm đầu không ngủ được là do tâm trạng bồn chồn lo lắng trước khi bước vào vòng kora thì những đêm sau lại là nỗi trăn trở thao thức khi sắp phải rời xa mảnh đất yêu dấu đã trở thành một phần của trái tim tôi.

Ngày thứ 12 trên đất Tạng, chúng tôi rời Dzongba để về Zhangmu - thị trấn vùng biên nằm giáp ranh giữa Tây Tạng và Nepal, trên đường ghé qua thị trấn Saga và Nyalam.

Buổi sáng rời Dzongba, vầng trăng mười sáu vẫn còn lơ lửng trên bầu trời đã ửng sắc hồng của ngày mới. Con đường về Saga, cảnh thảo nguyên mùa thu đẹp đến nao lòng, càng làm chúng tôi thêm day dứt nghĩ đến giây phút phải rời xa đất Tạng.

21778962210_597c463c9c_b.jpg

(ảnh NL)

21337799363_ccc1231003_b.jpg


21699608085_2a292d6c7d_b.jpg


Saga đây, cái tên trong tiếng Tạng mang nghĩa "miền đất hạnh phúc", thị trấn mà nhẽ ra chúng tôi nghỉ lại vào đêm thứ 4 trong hành trình lên phía Tây Tây Tạng, nhưng do hỏng xe nên phải dừng ở Ngamring trong một chiều mưa ủ dột. Thị trấn vùng biên nơi giao nhau giữa Quốc lộ 219 và đường cao tốc Hữu Nghị 318, giờ đây như một đại công trường, đâu đâu cũng thấy máy trộn bê tông và giàn giáo. Đường trong thị trấn đang được bê tông hóa toàn bộ với vỉa hè và đèn đường cao vút, theo đó nhà cửa cũng mọc lên bám sát hai bên, những tòa nhà ốp đá mặt tiền theo phong cách Hán.

16631687238_0974a2d061_b.jpg


16633130149_d91d0f2d06_b.jpg


21345990924_e40f40aed3_b.jpg


Vào đến khu phố chính, chúng tôi xuống xe tìm chỗ ăn sáng. Con phố chính của thị trấn biên giới san sát những cửa hàng với môt rừng biển hiệu tiếng Hán. Những năm gần đây, chính sách khuyến khích người Hán từ đại lục lên định cư tại Tây Tạng của Chính quyền đã làm cho lượng người Hán tăng đáng kể ở các thị trấn đầu mối giao thông quan trọng như Saga và ngày càng đẩy lùi người Tạng về những vùng hẻo lánh. Saga giờ đây người Hán đã chiếm hầu như các khu phố chính và thiết lập nên căn cứ quân sự đồn trú để kiểm soát toàn bộ vành đai biên giới Tây Tạng - Nepal, và người Tạng đang dần trở thành người vong quốc trên mảnh đất quê hương của chính mình - "miền đất hạnh phúc" ấy.

16611943547_2eb1c99f4f_b.jpg
 
Peiku-tso

Từ Saga, chúng tôi tách khỏi quốc lộ 219, hướng vào đường cao tốc Hữu Nghị 318, đi về phía biên giới Nepal. Đây là hồ nước mặn Peiku-tso nổi tiếng nằm trên đường về Nyalam. Peiku-tso chúng tôi đến vào buổi trưa nắng rực rỡ, khoảng dừng chân cũng ngắn ngủi như lúc ở Manasarovar.

21973682992_222962f145_b.jpg


21280175904_1fab1fabdd_b.jpg

(ảnh Sói em)

21279928044_fa2b4238c1_b.jpg


Những sắc xanh biến ảo kỳ diệu dưới bóng mây.

21955138382_d11cc80453_b.jpg

(ảnh NL)

21780369369_9e351ce723_b.jpg

(ảnh NL)

21714760660_9f1e024326_b.jpg


Chặng dừng chân không đủ để xuống tận hồ chạm tay vào làn nước biếc ấy mà cảm nhận được cái hơi lạnh của mặt nước ở độ cao 4600m. Cả nhóm cùng ngồi thư giãn, lặng ngắm hồ xanh, ghi lại lần cuối hình ảnh mặt gương Peiku-tso,

16835359955_fbd420ecb5_b.jpg

(ảnh La)

và dải Shishapangma (8027m) hùng vĩ phủ tuyết phía xa.

21281608303_51996a8755_b.jpg


21346130053_004ababc6e_b.jpg

(ảnh NL)
 
Nyalam - một trời quan tái


Chiều nay, chúng tôi đang đi về phía biên giới Nepal, ngày mai sẽ phải rời xa mảnh đất yêu dấu này.

Nyalam chiều nay, trên con đèo Thong-la, nơi lần cuối trong hành trình này, tôi còn được hít thở cái không khí đậm chất cao nguyên, và được nhìn ngắm lần cuối những sắc màu rực rỡ của đức tin, của phước lành đang tung bay trong gió. Đứng từ đây, hướng tầm mắt ra xa để thấy một vùng đất khô cằn nơi thời gian như ngừng lại trong sự cô tịch mênh mang bao trùm cả bầu trời chiều mây xám và những rặng núi ngút ngàn phía chân trời. Tôi yêu biết bao cái không khí hanh hao ánh vàng sắc cỏ mùa thu này, tôi muốn đắm chìm mãi trong mang mang chiều biên tái ấy. Ở vùng đất này, cỏ cây không vội hư mục để rồi lại nảy lộc đâm chồi mạnh mẽ, vạn vật cứ lặng lẽ đổi thay, mùa nối mùa, theo một vòng quay chậm rãi không thể đảo ngược của tự nhiên.

Tôi cứ muốn đứng đây thật lâu, để được ngắm lần cuối dãy Shishapangma phủ tuyết phía bên kia con đèo, để được chậm rãi hít đầy lồng ngực hơi thở bình yên và thuần tịnh của buổi chiều cao nguyên bởi vì chỉ lúc nữa thôi, khi đổ hết con đèo này, vài chục cây số đường nữa là sẽ sang một vùng đất khác, một thị trấn vùng biên vẫn mang tên Tây Tạng nhưng không còn cái chất Tạng nữa, nơi ấy là vùng biên mậu tấp nập, là những rặng núi ẩm ướt phủ sương mù và đầy màu xanh ào ạt của cỏ cây.

21984181836_e9b4d4fbb9_b.jpg


16632015690_f7d2d96954_b.jpg


21281786163_7b375993e2_b.jpg

(ảnh Sói em)

Đứng giữa chốn mênh mông cô tịch này, sao tôi nhớ quá sắc nắng thu chan hòa trên những con đèo cao lộng gió và rực rỡ đại kỳ ngũ sắc, tôi nhớ núi, nhớ mây và nhớ và thảo nguyên mùa thu, nhớ cái cảm giác an bình thoát tục trong những Phật điện âm vang tiếng tụng kinh. Còn chưa ra khỏi đất Tạng mà sao tôi lại thấy lòng nhớ nhung quyến luyến da diết thế này, nỗi nhớ day dứt và đau đớn như thể tôi đã thuộc về miền đất này từ kiếp nào xa lắm.

Nyalam - một trời quan tái.

21997693862_2d4c404503_b.jpg


"Chiều nay, thương nhớ nhất chiều nay"
(thơ Nguyễn Bính)
16819392795_219bcde2d6_b.jpg
 
Zhangmu

Những cảnh sắc cuối cùng còn mang chất Tạng trên đường về Zhangmu, cánh đồng lúa mỳ đang vụ chín.

16197048784_9f4cb158d8_b.jpg


16632010880_6bfe8b4763_b.jpg


16612097747_b949297ab7_b.jpg


16793529276_d659a698a4_b.jpg


Về đến Zhangmu, con đường liên tục đổ xuống những khúc quanh ngoằn ngoèo, một bên là vực sâu, mây lẫn trong sương bảng lảng bay.

21780414109_8856b2411a_b.jpg

(ảnh NL)

Những đoàn xe biên mậu nối dài khiến cho con đường hẹp bên bờ vực mờ sương lại càng thêm tắc nghẽn.

21876852336_d1f38b9998_b.jpg

(ảnh NL)

Zhangmu, thị trấn vùng biên ẩn hiện trong mây mà người ta vẫn gọi tên "vân thượng biên thành" là đây. Về đến Zhangmu nghĩa đã sang một địa hình khác, khí hậu khác, không còn cái hanh hao đã trở nên quen thuộc mười mấy ngày qua. Từ vùng cao nguyên xuống đây, tôi bỗng thấy bứt rứt không sao quen được cái không khí ẩm hơi sương và cỏ cây hoa lá um tùm này.

21715183938_b378c98751_b.jpg

(ảnh Sói em)

21891051262_a240a87015_b.jpg

(ảnh Sói em)

21891046632_8cfa0d7795_b.jpg

(ảnh Sói em)

Đêm ở Zhangmu, trong căn phòng nhỏ cửa sổ chênh vênh trông ra miệng vực, đêm cuối cùng của hành trình trên đất Tạng cũng lại là một đêm không ngủ, nằm trăn trở thao thức, nghe rả rích tiếng mưa rơi để lòng thấm thía nỗi buồn sắp chia xa.

21843910659_844d1ae910_b.jpg

(ảnh La)
 
Khép lại hành trình

Đây là cây cầu giữa biên giới Tây Tạng - Nepal

21779231440_9dda2e71f6_b.jpg

(ảnh NL)

Ngày 11/9/2014, chúng tôi đã rời Tây Tạng qua cây cầu này để sang đất Nepal, kết thúc hành trình mười bốn ngày rong ruổi trên vùng đất Chư thiên và chặng đường kora mơ ước. Không thể tả hết nỗi day dứt và nhớ nhung khi lần thứ hai trong đời phải chia xa vùng đất ấy. Tôi biết, mình đã quá may mắn khi thực hiện thành tựu chặng hành cước quanh ngọn núi thiêng trong cái năm đặc biệt này - năm con ngựa gỗ của người Tạng, và tôi thầm cảm ơn những người bạn thân thiết đã đồng hành cùng tôi trong chuyến đi của đời người. Tôi vẫn luôn nghĩ chuyến đi này là một điều màu nhiệm, là cơ duyên may mắn hiếm có trong đời chúng tôi, là niềm hạnh phúc mà vị ngọt của nó đã quá đủ cho một đời viễn du.

Cho đến bây giờ, khi ngồi viết những dòng này, đã hơn một năm kể từ chuyến đi ấy, tôi vẫn thấy sống lại nguyên vẹn cảm xúc của những ngày mùa thu năm trước, tôi đã gặp lại chính tôi trong hành trình rong ruổi trên miền đất tuyết - là tôi lúc cơ thể ốm yếu và tận cùng lo lắng không biết mình có đủ sức thực hiện chặng kora, là tôi trong buổi hoàng hôn bên dòng sông biên tái đau đáu nỗi buồn trước cảnh cũ điêu tàn của vương triều xưa, tôi của những giây phút bình an thoát tục khi cúi đầu trước Kailash linh thiêng, và tôi trong niềm an nhiên tuyệt đích khi đứng trên đỉnh đèo rực rỡ của Mẹ Tara xanh buổi trưa ngày Trung thu. Chuyến đi này không chỉ tiếp nối cho tôi những cảm xúc về cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ vô song của đất Tạng mà còn là một hành trình trải nghiệm đặc biệt giúp tôi thấu triệt những giá trị tinh thần to lớn: niềm tin bất tận, sự kiên trì và quyết liệt dám sống với mơ ước và tâm nguyện của những con người trên vùng đất khắc nghiệt này. Kết thúc hành trình rồi tôi mới càng thấm thía những điều mà P - người bạn tặng tôi thuốc pháp trước ngày hành hương - đã chia sẻ: "Mọi kinh nghiệm đêu có thể sai, chỉ có trải nghiệm của bạn là có thật, mọi sự chuẩn bị về thể lực đều cần thiết nhưng để có một chuyến hành hương Kailash thành tựu, duyên nghiệp của bạn quyết định rất nhiều".

Trước chuyến đi, đã có quá nhiều khó khăn khiến chúng tôi đôi lúc phải nản lòng chùn bước, nhưng rồi niềm tin và sự đồng lòng đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả để thực hiện trọn vẹn hành trình kora mơ ước ấy. Sau chúng tôi, một nhóm bạn lên đường hành hương vào tháng 4/2015 đã không may mắn khi phải thay đổi cả hành trình vì trận địa chấn khủng khiếp tại Nepal đã cắt đứt con đường lên phía Tây Tây Tạng trong nhiều ngày. Tôi biết, các bạn đã rất buồn, nhưng đừng bao giờ từ bỏ tâm nguyện. Ngọn núi thiêng vẫn ở đó gọi tên những ai biết từ bỏ chấp ngã và sự tự mãn bản thân mà lên đường hành hương với "niềm tin tưởng hoàn toàn và một tâm thức tập trung". Bản thân chúng tôi vẫn còn vòng Inner kora chưa thực hiện được. Và chúng tôi vẫn mong ngày trở lại miền đất yêu dấu ấy để lại một lần nữa được chiêm bái và đi nhiễu quanh ngọn núi thiêng, để được tiếp cận gần nhất với mặt phía nam của ngôi đền thiên giới vĩ đại, và lần nữa lại được hít thở đầy lồng ngực cái bầu không khí tràn đầy năng lượng của vùng đất vô song trên địa cầu. Với tôi, nơi ấy "đất đã hóa tâm hồn".

Và tôi biết, trong tim chúng tôi, ngọn Thần Sơn ấy sẽ tỏa sáng, mãi mãi.

22031048885_4bfe4bb417_b.jpg

(ảnh NL)
 
Khúc vĩ thanh

Tây Tạng - cái tên ấy vẫn là niềm mơ ước của bao thế hệ Phật tử và khách hành hương. Mỗi chúng ta đều có một lý do để tìm thấy cảm hứng viễn du về miền đất bí ẩn ấy. Khúc vĩ thanh này tôi muốn viết về một trong những điều đã khơi gợi cho chúng tôi nguồn cảm hứng tìm hiểu và lên đường đến với Tây Tạng.

Với chúng tôi, từ nhiều năm trước, cảm xúc về vùng đất tuyết lại tình cờ bắt nguồn từ Đạt Lai Lạt Ma thứ sáu - vị Lạt Ma đa tình - người có số phận kỳ lạ nhất trong 14 đời Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng, ông là Thương Ương Gia Thố (Tsangyang Gyatso). Trong số 14 vị Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng, tôi ấn tượng nhất với Thương Ương Gia Thố bởi cuộc đời sóng gió và mối tình bi thương của ông. Là hóa thân chuyển thế của Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 Losang Gyatso - người đứng đầu phái Cách Lỗ (Gelug-pa) trong Mật Tông Tây Tạng nhưng bản thân gia đình ông lại theo truyền thống của phái Ninh Mã (Ningma-pa), do đó tư tưởng của Thương Ương Gia Thố vẫn mang đậm chất phóng khoáng của dòng Hồng mạo giáo. Truyền thuyết kể rằng, trước khi được ấn chứng làm người lãnh đạo tối cao trong chính giáo Tây Tạng, ông đã có mối tình sâu đậm với nàng Mã Cát A Mễ - một người bạn thanh mai trúc mã ở quê nhà. Tình yêu thánh khiết và sâu sắc ấy đã khiến cuộc đời 10 năm tu hành trong cung điện Potala của ông trở thành chuỗi thời gian dài mâu thuẫn giằng xé giữa đạo tu và tình đời. Năm 25 tuổi, bị nhiếp chính Thiết Bổng Lạt Ma tố cáo không giữ đạo tu, ông bị triều đình nhà Thanh phế truất và lưu đày lên phương bắc. Trên đường áp giải, ông đã mất tích ở Thanh Hải. Lịch sử cuộc đời ông có nhiều dị bản, cũng có bản cho rằng sau khi trốn thoát tại Thanh Hải, ông đã chu du khắp vùng Hy Mã và mất năm 64 tuổi ở Mông Cổ.

Thương Ương Gia Thố cũng là một nhà thơ nổi tiếng tài hoa. Do ảnh hưởng tư tưởng của Hồng Mạo giáo, thơ của ông (hiện còn lưu truyền hơn 60 bài) mang nhãn quan của một tuệ tâm, vừa có nét thanh tao thoát tục lại vừa thể hiện những cảm xúc rất tự nhiên đời thường, rất con người, cho thấy cái thế giới tinh thần bao la trong tư tưởng xuất thế của vị Lạt Ma này.

Có lẽ, đúng như Bạch Lạc Mai, trong cuốn "Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất", đã viết: "Khi tôi biết rằng có rất nhiều người bởi vì đọc thơ tình của Thương Ương Gia Thố, mà quyết định thu thập hành lý đi lên Tây Tạng, trong lòng nảy sinh hàng ngàn cảm xúc khác nhau. Tôi luôn tin tưởng, những người này đi Tây Tạng, không đơn giản là vì tìm hiểu Thương Ương Gia Thố của kiếp trước hay kiếp này, mà bọn họ muốn biết, ở nơi phong cảnh lãng mạn đó, rốt cuộc là có một cuộc tình không giống người bình thường ra sao. Kết quả là làm thế nào mà một vị Đại Lai Lạt Ma có thể viết được ra hai câu thơ:
Thế gian nào có đôi đường vẹn
Chẳng phụ Như Lai, chẳng phụ nàng"


trước khi đến với Tây Tạng, cảm xúc của chúng tôi đối với vùng đất kỳ lạ này cũng một phần xuất phát từ những bài thơ của vị Đạt Lai Lạt Ma đa tình ấy. Trôi trong dòng tư liệu về Thương Ương Gia Thố, chúng tôi đã từng say mê những bài thơ (được cho là) sáng tác của ông, những bài thơ ẩn chứa đầy tâm trạng mâu thuẫn, da diết đau đớn như “Chẳng phụ Như Lai, chẳng phụ nàng”, “Một đêm ấy”, “Hạc trắng”… Trong đó, “Gặp hay không gặp” (kiến dữ bất kiến) là một trong những bài thơ được mến mộ nhất.

Đây là một trong nhiều bản dịch tiếng Việt của “Gặp hay không gặp” (tôi cũng chưa tra cứu được chính xác là ai dịch) - một bản dịch mà tôi tin là từng làm thổn thức bao trái tim ngưỡng mộ chuyện tình của Đạt lai Lạt Ma thứ sáu:

GẶP HAY KHÔNG GẶP

Nàng gặp, hay không gặp ta
Ta vẫn ở đây
Không mừng, không lụy

Nàng nhớ, hay không nhớ ta
Tình vẫn ở đây
Không còn, không mất

Nàng yêu, hay không yêu ta
Yêu vẫn ở đây
Không thêm, không bớt

Nàng theo, hay không theo ta
Tay ta vẫn nơi nàng
Không lơi, không siết

Hãy ngả vào lòng ta
Hoặc là
Dành cho ta một chỗ trong trái tim nàng
Bình lặng yêu nhau
Âm thầm thương tưởng.

Tôi sẽ không nói về bản phiên âm Hán Việt của bài thơ bởi âm điệu đã bị Việt hóa không còn cái du dương nguyên bản nữa. Bản dịch tiếng Anh của “Gặp hay không gặp” dưới đây, có tên "See or not", tôi rất thích và cho rằng đó là bản bám sát nghĩa và có âm điệu hay nhất.

SEE OR NOT

(by Tsangyang Gyatso)

You see me, or not see me
I am there
Not sad, not happy.

You miss me, or not miss me
The feeling is there
Not coming, not going.

You love me, or not love me
The love is there
Not more, not less.

You follow me, or not follow me
My hands are in yours
Not giving up, not abandoning.

Come into my arms
Or
Let me live in your heart
In silence, in love
In stillness, in joy.

Do tính hàm súc và cô đọng của nó, bài thơ có nhiều tầng lớp nghĩa và ngay từ đầu đã gợi cho nhiều độc giả nghĩ đến mối tình đau đớn của Thương Ương Gia Thố với Mã Cát A Mễ. Và hầu hết những tư liệu chúng tôi từng đọc đa phần đều cho rằng bài thơ này (dưới cái tên "Kiến dữ bất kiến") là của Thương Ương Gia Thố.

Nhưng sau này, khi tiếp tục tìm hiểu thêm về Tây Tạng và Đạt Lai Lạt Ma thứ sáu, chúng tôi mới được biết những câu thơ da diết ấy lại là sáng tác của một nữ sỹ ở thời đại sau câu chuyện tình bi thương kia hơn 300 năm - Trát Tây Lạp Mẫu Đa Đa (tên thật là Đàm Tiếu Tĩnh, người Quảng Đông, sinh năm 1978).

Bài thơ "Kiến dữ bất kiến" xuất hiện lần đầu trên blog cá nhân của tác giả Đàm Tiếu Tĩnh (bút danh Trát Tây Lạp Mỗ Đa Đa) vào tháng 5/2007, với cái tên "Ban trát Cổ lỗ Bạch mã đích trầm mặc" (Sự trầm mặc của Kim Cang Thượng sư Liên Hoa), nằm trong tập “Nghi Tự Phong Nguyệt” của cô. Năm 2008, tạp chí “Độc giả” đăng tải bài này với tiêu đề “Gặp hay không gặp”, đồng thời đề tên tác giả là Thương Ương Gia Thố. Tháng 12/2010, nhờ bộ phim "Phi thành vật nhiễu 2" (mà ở ta dịch là “Nếu em là người tình”) của đạo diễn Phùng Tiểu Cương, bài thơ “Gặp hay không gặp” được biết đến rộng khắp. Trong bộ phim "Cung Tỏa Tâm Ngọc" được trình chiếu hồi tháng 1/2011, đây cũng chính là nội dung lá thư tình mà hoàng đế Ung Chính viết cho nàng Tình Xuyên. Trong phim cũng có đoạn nhân vật chính Xuyên Xuyên ngâm nga từng chữ trong bài "Kiến dữ bất kiến".

Những người quan tâm còn có thể tìm thấy nhiều bản dịch tiếng Anh tâm đắc dành cho "Gặp hay không gặp", đa phần đề tên tác giả Thương Ương Gia Thố, bản tiếng Hán trên các diễn đàn và blog của Trung Quốc cũng vậy.

Chỉ cho đến tháng 3/2011, khi Đàm Tiếu Tĩnh lên tiếng khởi kiện Nhà xuất bản Châu Hải xâm phạm bản quyền khi không được sự đồng ý của cô đã xuất bản tập thơ “Một ngày đó, một tháng đó, một năm đó” (那一天那一月那一年) trong đó có bài "Ban trát Cổ lỗ Bạch mã đích trầm mặc" thì người yêu mến Thương Ương Gia Thố mới vỡ lẽ đây không phải là thơ ông.

Về lý do của cái tên "Ban trát (Vajra = Kim Cang) Cổ lỗ (Guru) Bạch mã (Padme) đích trầm mặc", tác giả Đàm Tiếu Tĩnh có giải thích: Ý tưởng của bài thơ bắt nguồn từ câu chú của Đại sư Liên Hoa Sinh, đại ý “Ta không bao giờ rời bỏ người tín ngưỡng ta, hay người không tin ta, cho dù các con không thấy được ta, nhưng lòng từ bi của ta mãi mãi che chở các con”. Bài thơ là sự thể hiện tình yêu thương quán chiếu của Đại sư với chúng đệ tử của Ngài, chứ hoàn toàn không liên quan đến chuyện luyến ái nam nữ.

Đặc trưng của thơ ca là vậy, vừa có tính điển hình lại vừa mang tính cá thể. Mỗi độc giả đều có thể tìm thấy những mảnh cảm xúc, những hình bóng thân quen trong sáng tác thi ca và gán cho nó một cách hiểu riêng. Cho nên, với một bài thơ ngôn từ cô đọng như thế này, việc liên tưởng đến chuyện tình của Thương Ương Gia Thố cũng hoàn toàn dễ hiểu.

Dưới đây là bản dịch của Sói em trong nhóm tôi, xin giới thiệu để các bạn cùng thưởng thức. Tôi tin rằng, khi biết được tinh thần đích thực của bài thơ, sự mến mộ của độc giả với thi phẩm này cũng như niềm yêu mến Tây Tạng và Thương Ương Gia Thố không vì thế mà thay đổi, bởi cái tình mà Trát Tây Lạp Mỗ Đa Đa nhắc đến ở đây, vượt ra ngoài tình luyến ái nam nữ, là thứ tình rộng lớn và phổ quát, thứ tình yêu bao la quán chiếu của đạo pháp với nhân sinh.

SỰ TRẦM MẶC CỦA ĐẠI SƯ LIÊN HOA

Trát Tây Lạp Mỗ Đa Đa
(Sói em dịch)


Người thấy, hay không thấy ta,
Ta vẫn ở đó,
Không buồn, không vui.

Người nhớ, hay không nhớ ta,
Tình vẫn ở đó,
Không rời, không chuyển.

Người yêu, hay không yêu ta,
Niềm yêu vẫn đó,
Không thêm, không giảm.

Người cùng, hay không cùng ta,
Tay ta vẫn trong tay người,
Không buông, không bỏ.

Đến đây trong lòng ta,
Hay là,
Để ta trú trong trái tim người.
Mặc nhiên yêu thương,
Lặng thầm hoan hỉ.

Hơn ba trăm năm đã trôi qua, chuyện về vị Đạt Lai Lạt Ma đa tình đã không còn phân biệt được đâu là truyền thuyết và đâu là lịch sử nữa. Tôi không biết liệu có bao giờ chúng tôi đạt đến được cái cảnh giới “Không buồn - không vui, Không rời - không chuyển, Không thêm - không giảm, Không buông - không bỏ" hay không? Với tôi, có lẽ chỉ cần có được sự bình thản luôn an trú trong trái tim để cho tâm hồn “mặc nhiên yêu thương, lặng thầm hoan hỉ” là đủ. Và tôi biết, trong đời tôi, những khoảnh khắc ấy tôi đã từng tìm thấy, trên đất Tạng.
 
Last edited:
Thấm thoát đã 1 năm rồi chị Gemini1976 nhỉ ( em đoán chị sn 76 nên gọi là chị ), tình yêu với Tibet và Kailash vẫn còn nguyên trong em, tiếc là em vẫn chưa đủ duyên để đến được Tibet 1 lần ( chưa dám nói đến Kailash ) , tháng 4 -2015 vừa rồi em cũng k có may mắn đi theo đoàn của Linh vì lí do sức khỏe.
Vừa rồi em đi Cửu Trại Câu mới lên đến độ cao 4000m mà 1 lúc sau hơi đau đầu ko biết năm tới có ấp ủ đi Tibet được ko, còn Kailash nữa, làm thế nào để được chiêm bái Người?
 
Thấm thoát đã 1 năm rồi chị Gemini1976 nhỉ ( em đoán chị sn 76 nên gọi là chị ), tình yêu với Tibet và Kailash vẫn còn nguyên trong em, tiếc là em vẫn chưa đủ duyên để đến được Tibet 1 lần ( chưa dám nói đến Kailash ) , tháng 4 -2015 vừa rồi em cũng k có may mắn đi theo đoàn của Linh vì lí do sức khỏe.
Vừa rồi em đi Cửu Trại Câu mới lên đến độ cao 4000m mà 1 lúc sau hơi đau đầu ko biết năm tới có ấp ủ đi Tibet được ko, còn Kailash nữa, làm thế nào để được chiêm bái Người?

Bibo81 thân mến,

Đã lâu không lên diễn đàn, cảm ơn em vẫn theo dõi hành trình của chị. Hơn một năm rồi nhưng chị hầu như không quên chi tiết nào của chuyến đi ấy. Đối với chị, Tây Tạng vẫn luôn là vùng đất yêu dấu mà chị mong muốn trở lại nhất.

Chị nghĩ việc bị đau đầu khi mới lên độ cao 4000m có thể là do lúc đó em chưa ở trong thể trạng tốt nhất và cũng chưa đủ thời gian để thích nghi với độ cao thôi.
Năm nay chị không quay lại Tây Tạng nhưng cũng vừa thực hiện chuyến đi 3 tuần tới vùng Kham thuộc địa phận Vân Nam và Tứ Xuyên. Bọn chị đã có đủ thời gian thích nghi độ cao nên trekking lên 4.800m mà vẫn khỏe, không phải dùng bất cứ loại thuốc gì.

Đừng từ bỏ tâm nguyện nhé, có duyên ắt sẽ đến được với núi thiêng. Chúc em sang năm hành hương thành tựu.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,410
Members
189,945
Latest member
Karide
Back
Top