What's new

[Chia sẻ] Kailash mùa thu 2014

Tháng Mười Hai, những ngày cuối cùng của tháng cuối năm, nhìn cuốn lịch mỏng dần chợt thảng thốt nhận ra một năm sao mải miết trôi nhanh đến thế. Trong giá rét của mùa đông Hà Nội, đếm những tờ lịch còn lại mà thấy da diết nhớ về những ngày kora rực rỡ giữa mùa thu tràn nắng và lòng vẫn day dứt về một lời hứa chưa thực hiện, lời hứa chia sẻ về một chuyến đi chưa từng kể lại - Kailash mùa thu 2014.

Kailash - chuyến hành hương ấp ủ hơn 3 năm của những kẻ đã từng một lần đặt chân đến Tibet và đã nặng lòng với vùng đất của chư thiên ấy.

Chuyến đi này, tôi kể lại đây như một lời tri ân với diễn đàn phượt, nơi tôi đã từng nhận biết bao thông tin quý giá không chỉ về Tibet và Kailash.

Chuyến đi này, tôi kể lại đây như một món quà dành cho người bạn đã từng đi Kailash, dù mới quen nhưng đã sẵn lòng tặng tôi những viên thuốc pháp quý báu của vị đại sư Nepal, những viên thuốc đã tiếp cho tôi thêm động lực trên đường hành hương.

Chuyến đi này, chuyến đi của đời người, đã thành một dấu ấn trong đời mà tôi chắc sẽ chẳng bao giờ quên được, tôi kể lại đây vào những ngày sắp khép lại một năm, cũng là để chuẩn bị cho cuốn nhật ký của những chuyến đi mới đang chờ đợi tôi phía trước.

Kailash mùa thu 2014.
 
Lhasa - Gyantse - Shigatse: cung đường kỷ niệm

Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi đến Gyantse. Thành phố lớn thứ 3 của Tibet đón chúng tôi trong bầu trời ảm đạm của một cơn mưa vừa dứt. Qua khỏi pháo đài Dzong đầu cửa ngõ thành phố là đến tu viện Pelkhor Chode - dấu tích vàng son của đô thị từng được coi là thủ phủ của Tây Tạng một thời. Trước đây, Gyantse đã từng giữ vị trí trọng tâm trên con đường huyết mạch nối Lhasa và Shigatse. Pelkhor Chode, vì thế, cũng đóng vai trò là trung tâm Phật giáo, đặc biệt là của tông phái Sakyapa (Tát Ca). Đại tu viện này đã từng là nơi tu hành của cả 3 tông phái lớn trong Mật Tông Tây Tạng là Kadampa, Sakyapa và Gelugpa. Nghe nói, thời vàng son có đến hàng nghìn vị sư tu tập ở đây, ngày nay con số này chỉ chưa đến 80.

Đi theo con đường hai bên có hàng chuyển luân chung bằng đồng, chúng tôi lần lượt xoay từng vòng chuông trước khi vào chính điện, rồi sang Kumbum

Kumbum đây rồi - Thập vạn Phật tháp, mandala ba chiều vĩ đại, công trình kiến trúc độc đáo bậc nhất trên đất Tạng.
IMAG4645_zps7adcbebe.jpg


Hai lần đến Kumbum, không hiểu sao lần nào tôi cũng liên tưởng đến Borobudur ở Yogyakarta, Indonesia - ngôi đền Phật giáo duy nhất trên đất nước đạo Hồi vốn có số lượng tín đồ Hồi giáo lớn nhất thế giới. Cũng kiến trúc kiểu mandala 3 chiều cân xứng, Borobudur có cấu trúc 10 tầng gồm 3 tầng tròn phía trên và 7 tầng vuông phía dưới, biểu trưng cho quan niệm "trời tròn đất vuông" của người xưa. Tòa tháp này được thiết kế dựa trên thuyết Tam giới của Phật giáo: 2 tầng dưới cùng tượng trưng cho "dục giới", 5 tầng giữa là "sắc giới", và 3 tầng trên cùng là "vô sắc giới". Còn Kumbum có 9 tầng, thể hiện vũ trụ quan của người Tạng: thế giới hình thành từ 5 yếu tố: đất, nước, lửa, khí và thức. 5 tầng dưới của Kumbum hình vuông - tượng trưng cho đất, mang tính bền vững, ổn định. Các phần tiếp theo lần lượt có hình trụ - tượng trưng cho nước, hình nón - tượng trưng cho lửa, hình đĩa - tượng trưng cho khí và trên cùng là một chấm nhọn tượng trưng cho thức - nơi giao điểm giữa thế giới vật chất với thế giới tâm linh. Nếu như các tín đồ Phật giáo đến Borobudur cho rằng việc đi hết các tầng của ngọn tháp này cũng đồng nghĩa với sự giác ngộ và giải thoát thì người Tạng quan niệm hoàn thành một vòng kora quanh Kumbum từ dưới lên trên là đã trải quả một vòng từ tử sinh luân hồi cho đến Niết bàn.

Cả hai nơi này: Borobudur và Kumbum, chúng tôi đã từng đi kora từng tầng từ dưới lên, vừa đi mừa mê mẩn ngắm những tranh, tượng và phù điêu. Nếu như ở Borobudur, chúng tôi từng say mê những bức phù điêu tạc bằng đá núi lửa mô tả cuộc đời đức Phật, những tháp chuông trổ hình mắt cáo và đôi khi, còn đưa tay qua mắt cáo của các tháp chuông chỉ để được chạm tay vào vai tượng Phật thì ở đây - Kumbum, chúng tôi cũng đã mê mẩn những bức bích họa, tượng Phật, Bồ tát và Tara đầy màu sắc sống động, vừa đi kora vừa nghe tiếng chim câu gù trong không gian tĩnh lặng, để lòng quán tưởng sự an nhiên tự tại.

Kumbum năm nay đang được trùng tu, toàn bộ phần hình trụ và phía trên có vẽ bốn đôi mắt Phật ở bốn hướng đã bị bắc giáo che khuất. Tương truyền yếu tố nước mà phần tháp này biểu trưng chính là nước mắt từ bi của Phật và Bồ Tát đã chảy vì chúng sinh. Lần đến Kumbum này, dù rất muốn leo tháp để ngắm lại những bức tượng và bích họa, ngắm lại 4 pho tượng Độ Mẫu Tara đẹp rực rỡ ở tầng 4, nhưng tôi và Sói em đã quyết định ở lại. Lúc đứng dưới chờ anh T, chị NL và La leo tháp, hai đứa cứ thơ thẩn trong sân tìm lại hàng bạch dương xưa và ngắm nghía mãi mới nhận ra cái góc tường lần trước cả hai chị em đã từng chụp những bức ảnh nghiêng ngả và tập hành lễ ngũ thể nhập địa trước sân.

15703853513_e3ff3418e1_b.jpg

trước Kumbum - năm 2011 (ảnh Sói em)

Màu tường đỏ đã phôi pha, hàng bạch dương cao vút giờ không còn xanh lá nữa. Có nhiều thứ đã thành kỷ niệm, và tôi cứ miên man tự hỏi: trên tầng cao kia, sau lớp giàn giáo che lấp, liệu nước mắt của lòng bi mẫn có còn chảy, tương lai của người Tạng và cả một nền văn hóa - tôn giáo từng phát triển rực rỡ liệu rồi có tàn tạ như thành phố này?

16137686259_3fb75615db_z.jpg

(ảnh NL)

Chiều muộn Kumbum, chỉ còn vài cụ già tay xoay mani, tay lần tràng hạt đang chậm rãi băng qua sân chùa để đi về phía tu viện nhỏ đằng xa. Phải tạm biệt Pelkhor và Kumbum thôi, chúng tôi vẫn còn chừng trăm cây số đường phía trước nữa, cái đích đến nghỉ tối là Shigatse.
16297952076_9d5d821a3e_z.jpg

(ảnh NL)
 
Last edited by a moderator:
Lhasa - Gyantse - Shigatse: cung đường kỷ niệm

Điểm dừng chân tối hôm thứ 3 của chúng tôi là Shigatse - thành phố lớn thứ 2 đã từng là thủ phủ của Tibet. Đây là nơi chúng tôi được bố trí chỗ nghỉ tươm tất nhất trong toàn bộ hành trình: khách sạn 4 sao “Shigatse Hotel” tại trung tâm thành phố với đầy đủ tiện nghi và tất nhiên, không thể thiếu wifi. Vậy mà nơi tiện nghi nhất lại là nơi chúng tôi cảm thấy khó ngủ nhất. Những cơn đau đầu lúc chiều mới chỉ là thoảng qua thì đến tối mới cảm nhận rõ rệt hơn. Uống thuốc xong, trằn trọc mãi rồi cuối cùng giấc ngủ cũng đến nhưng là những giấc ngắn và đứt quãng để rồi sớm hôm sau tỉnh giấc, cả nhóm hỏi nhau có thấy nặng gáy nặng trán không. Hầu như ai cũng bị đau đầu, chỉ có điều ở mức độ khác nhau mà thôi. Tôi bỗng thấy thầm hối hận, phải chi tối hôm đầu tiên ở Lhasa chúng tôi đã không thức khuya để ra Potala chụp ảnh cung điện về đêm, phải chi sáng ngày thứ hai chúng tôi cứ vào quán Mã Cát A Mễ ngồi thư giãn có khi lại hơn là đội mưa đi Bảo tàng Tibet, phải chi…
Sau bữa sáng, chị NL chia thuốc cho mọi người uống và bảo có lẽ phải mua thêm “Hồng cảnh thiên” để tăng cường. Tranh thủ wifi để gửi thư và gọi nốt mấy cuộc điện thoại viber về nhà rồi chúng tôi check out và bảo Samdrup dẫn đi mua thuốc trước khi sang thăm tu viện Tashilhunpo.

Tashilhunpo lần này tôi đến vẫn là một ngày nắng đẹp, nắng dát trên mái vàng của tu viện, nắng xuyên qua những tán lá tử đinh hương và in bóng trên những góc tường đỏ đậm. Tây Tạng đầu mùa thu vẫn rực rỡ hoa, ở Pelkhor hôm qua và cả Tashilunpo hôm nay, góc vườn nào cũng thấy rực rỡ sắc hoa bướm và hoa thược dược.
16192282768_9b8f284dfe_z.jpg


16193622029_4050aabef3_z.jpg

tận hưởng một ngày nắng đẹp trong tu viện

16378982432_e8858d5879_z.jpg

và mải mê lạc lối giữa những con ngách nhỏ

Có lẽ nhiều bạn đã biết, nhưng tôi vẫn nói qua một chút về Tashilhunpo - đại tu viện của Thành phố Shigatse đã gắn liền với danh tiếng của dòng Ban Thiền Lạt Ma.
Tashilhunpo là một trong 6 tu viện nổi tiếng thuộc Hoàng Mạo giáo (phái Gelugpa - Cách Lỗ) của Mật Tông Tây Tạng. Nằm trên đỉnh đồi Drolmari tại trung tâm Thành phố Shigatse, Tu viện Tashilhunpo được xây dựng vào năm 1447, là một trong những điểm thu hút hàng ngàn tín đồ hành hương và khách du lịch tới Tibet. Nếu như Potala là cung điện của Đạt Lai Lạt Ma thì Tashilhunpo là nơi cư ngụ của Ban Thiền Lạt Ma, người lãnh đạo tinh thần thứ hai chỉ sau dòng Đạt Lai trong cộng đồng chính - giáo Tây Tạng.

Cái tên Tashilhunpo có nguồn gốc từ vị trí của tu viện bởi công trình này nằm trên một ngọn đồi. Trong tiếng Tạng: tashi có nghĩa là cát tườnglhunpođồi. Chính vì vậy, tên của tu viện Tashilhunpo có ý nghĩa là ngọn đồi cát tường. Nằm trên sườn đồi với dãy tường dài bao bọc xung quanh, tu viện là một khu phức hợp bao gồm 57 tòa nhà với hơn 3.600 phòng và 50 ngôi tháp thờ. Ngay từ cổng vào đã nhìn thấy kiến trúc của tu viện gồm 4 tòa lớn: lần lượt là điện thờ Phật Di Lặc, tháp thờ có lăng mộ của Ban Thiền Lạt Ma thứ 10, khu lăng mộ của Ban Thiền Lạt Ma thứ 4 (vị này là thày dạy của đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm - Lobsang Gyatso - là vị Đạt Lai Lạt ma vĩ đại nhất trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng), và cuối cùng là khu lăng mộ của Ban Thiền Lạt Ma từ đời thứ 5 đến thứ 9, phía trên đỉnh đồi sau tu viện có thể nhìn thấy bức tường lớn dùng để treo bức thangka khổng lồ vào mỗi dịp lễ hội.

16192081988_0e908f3638_z.jpg


Trong quần thể kiến trúc của Tashilhunpo, Tháp thờ Phật Di Lặc - vị Phật tương lai Maitreya là tòa tháp thiêng liêng nhất của toàn tu viện. Nơi đây có bức tượng đức Phật Di Lặc bằng đồng mạ vàng lớn nhất thế giới. Có lẽ ấn tượng thu hút tôi cũng như nhiều bạn đến Tashilhunpo chính là bức tượng ấy. Khởi dựng vào năm 1914 bởi đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 9, với chiều cao gần 27 m, bức tượng được đúc và trang trí bởi hơn 279 kg vàng, 150.000 kg đồng, kim cương, ngọc trai và vô số các loại đá quý…tượng này được làm hoàn toàn thủ công trong suốt 9 năm trời bởi hơn 900 thợ thủ công giỏi của Tây Tạng. Có một điểm đặc biệt mà lần trước Tenzin đã giới thiệu: đây là bức tượng duy nhất ở Tây Tạng trình bày Đức Phật Di Lặc tọa trên tòa sen.
16315665716_3be9bfbbff_b.jpg

(ảnh sưu tầm)

Lần thứ 2 đến đây, tôi vẫn thấy xúc động như lần đầu được đảnh lễ Ngài. Đức Phật Di Lặc ngồi trên tòa sen với bàn tay trong tư thế ấn giáo hóa, với đôi mắt xanh nhân từ mà thấu suốt. Như mọi du khách đến đây, chúng tôi đã đi một vòng kora quanh bức tượng, để lặng ngắm khuôn mặt đầy vẻ an nhiên và thoát tục siêu phàm của Ngài, để chạm tay và áp trán vào tòa sen, để tạm thời gạt bỏ những sân si và để thâu nhận trong tâm những khoảnh khắc bình an tự tại, tuy ngắn ngủi thoáng qua nhưng đầy ý nghĩa trong đời. Những cánh sen dưới chân ngài sáng bóng lên, trăm năm nay, đã có biết bao bàn tay của những thế hệ tín đồ hành hương chạm vào, họ cầu xin điều gì, trong triệu ức những lời thì thầm cầu nguyện ấy, có bao nhiêu ước nguyện cháy bỏng cho ngày tự do trong tương lai của mảnh đất này?

16363203675_1bea539d4d.jpg

Bàn tay đức Phật trong tư thế ấn giáo hóa (ảnh sưu tầm)

Về phía đông của Tháp thờ Đức Phật Di Lặc là tháp thờ của các đời Ban Thiền Lạt Ma, trong đó có tháp Sisum Namgyel, nơi chứa lăng mộ của đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10. Sisum Namgyel được xây dựng và trang trí bởi hơn 600 kg vàng cùng với nhiều loại đá quý. Xác ướp của đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 được tôn thờ và bảo quản cẩn thận ở bên trong. Người ta nói rằng, đến nay, xác ướp của Ngài vẫn còn nguyên vẹn, không hề có dấu hiệu hư hoại và thậm chí kỳ diệu hơn, có người còn khẳng định vẫn thấy tóc và móng tay của Ngài tiếp tục phát triển. Chuyện về cuộc đời đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 cũng là một chương đầy bi tráng của lịch sử Phật giáo Tây Tạng. Tôi sẽ kể tiếp trong phần sau.
 
Last edited by a moderator:
Tu viện Tashilhunpo

Đi khắp Tashilhunpo, hầu như ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh những người Tạng mộ đạo. Đây, một cụ ông ngồi nghỉ chân bên gốc liễu, tay vẫn không ngừng quay mani.
IMAG4702_zps9bbce9c1.jpg


Bà dắt cháu lên chùa
IMAG4685_zps2cd99d17.jpg


Thành kính dâng lễ chư tăng
15679139574_a211b19d59_z.jpg

(ảnh NL)

Mùa thu, những góc nắng ấm trong tu viện với hình ảnh bóng áo vàng
16115378529_a24b50bae6_z.jpg

(ảnh NL)

16301500065_791b66bbc7_z.jpg

(ảnh NL)
 
Ban Thiền Lạt Ma thứ mười

Nằm ở phía đông của Tashilhunpo là toà tháp lớn cuối cùng trong 4 toà tháp chính của tu viện, có tên là Tashi-Langyar, nơi chứa lăng mộ của các Ban Thiền Lạt Ma từ đời thứ 5 đến đời thứ 9. Trong thời Cách Mạng văn hóa, linh tháp này đã từng bị Hồng vệ binh phá hủy, sau đó đã được đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 cho phục dựng lại vào năm 1985 và hoàn thành vào đầu năm 1989. Không bao lâu sau sự kiện khai quang lăng mộ của các đời Ban Thiền trước, đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đã từ trần một cách bí ẩn tại chính Shigatse - thành phố gắn liền với dòng tái sinh của Ngài.

Từ sự kiện này, ngược dòng thời gian mới thấy cuộc đời của Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đã gắn liền với một giai đoạn đen tối, gắn với bi kịch chính trị của dân tộc Tạng và những thử thách to lớn đối với Mật Tông Tây Tạng, giai đoạn đất nước Tây Tạng phải trải qua cuộc xâm lăng bằng vũ lực của Trung Quốc.

Hẳn nhiều bạn đã biết, Ban Thiền Lạt Ma là danh hiệu mà Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 đã tặng cho thầy mình là trụ trì tu viện Tashilhunpo trong thế kỷ thứ 17. Vì Đạt Lai Lạt Ma được xem là hoá thân của Quán Thế Âm Bồ Tát nên lúc đó Ban Thiền Lạt Ma được coi là hóa thân của Phật A Di Đà. Cũng như dòng Đạt Lai, dòng Ban Thiền được xem là một dòng tái sinh và hai dòng này đều có thể ấn chứng các vị hóa thân cho nhau.

Ban Thiền Lobsang Trinley Choekyi Gyaltsen được tái sinh năm 1938 tại Thanh Hải, đã được Lạt Ma Flak Lakho công nhận là hóa thân của Ban Thiền Lạt Ma thứ 9, và được Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 ấn chứng là Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 vào năm 1951. Năm 1952, Ngài đã gặp đức Đạt Lai Lạt Ma tại Lhasa và sau đó đến cư ngụ tại tu viện Tashilhunpo ở Shigatse.

Cùng với Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Ban Thiền thứ 10 đã trải qua nhiều sự biến chính trị của Tây Tạng. Tháng 9 năm 1954, hai Ngài đến Bắc Kinh để tham dự phiên họp đầu tiên của Quốc hội Nhân dân, gặp Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo khác. Tháng 12 năm này, đức Ban Thiền đã được bầu làm uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trở thành Phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị toàn quốc. Năm 1956, Ngài lại cùng với Đạt Lai Lạt Ma hành hương đến Ấn Độ, tại đây hai Ngài đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru.

Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 và Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 với Thủ tướng Ấn Độ Nehru và thủ tướng Miến Điện U Nu năm 1956 tại Ấn Độ
16215699030_8be8d86aed_z.jpg

(ảnh sưu tầm)

Năm 1959, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến vào Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma lưu vong sang Ấn Độ. Ban Thiền Lạt Ma thứ 10, khi ấy mới 21 tuổi, đã quyết định ở lại Tây Tạng. Đầu những năm 1960, nhận thấy các chính sách của Trung Quốc tại Tây Tạng đã dẫn đến đói khổ và chết chóc cho người Tạng, vào tháng 5 năm 1962, Ngài đã viết bức Thất vạn ngôn thư nổi tiếng (bản kiến nghị dài 70.000 chữ) gửi Chu Ân Lai để tố cáo về cảnh sống khốn cùng của người Tạng đồng thời chỉ trích chính quyền đã cho phá hủy nhiều chùa chiền và di tích tôn giáo của Tây Tạng. Vì bản kiến nghị này, Ngài đã bị chính quyền Mao kết tội và cầm tù hơn 14 năm. Mãi đến năm 1978, Ban Thiền thứ 10 mới được trả tự do và “phục hồi” chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc - Phó Chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị toàn quốc.

Ra tù, Ngài đã du hành rộng rãi khắp Tây Tạng để hành động bảo vệ nền văn hóa Tây Tạng và cải thiện đời sống của đồng bào Tạng, phát đi thông điệp mạnh mẽ kêu gọi làm sống lại tinh thần "Hãy là một người Tạng" và "Hãy sống vì Tây Tạng". Ngài cũng chính là người đã xúc tiến việc thông qua đạo luật coi tiếng Tạng là ngôn ngữ chính thức của khu tự trị Tây Tạng vào năm 1987. Khi Ngài về thăm lại tu viện xưa Tashilhunpo sau 18 năm xa cách, các tín đồ đã đem di hài của 5 vị Ban Thiền mà họ đã mạo hiểm tính mạng để giữ lại trong thời cách mạng văn hóa trao lại cho Ngài.
Ban Thiền đã thỉnh nguyện Đặng Tiểu Bình và lãnh đạo Trung Nam Hải cho trùng tu lại tu viện Tashilhunpo và phục dựng linh tháp để hợp táng di hài của 5 vị Ban Thiền và được chấp thuận. Bắc Kinh đã đền bù bằng cách cấp 108 kg vàng, 1000 kg bạc để xây linh tháp.
Cuộc phục dựng kéo dài ba năm tám tháng. Linh tháp được hoàn thành vào cuối năm 1988 với diện tích 1.933m2, cao 33,1m, bên trong tháp thiêng cao 11,5m, được bao phủ bằng một lớp bạc và khảm đá quý. Di cốt của 5 vị Ban Thiền Lạt Ma trong năm hộp gỗ đàn hương được đặt bên trong tháp. Ở trung tâm của tháp là bức tượng đồng của Ban Thiền thứ 9. Lễ khai quang được cử hành trọng thể vào tháng giêng năm 1989 do Ban Thiền chủ trì và Bí thư đảng ủy khu tự trị Hồ Cẩm Đào đọc diễn văn chúc mừng.

Sau lễ khai quang linh tháp, Ngài đã có buổi nói chuyện tại Shigatse, công khai phê phán chính sách của Trung Quốc tại Tây Tạng và tuyên bố sự trung thành của Ngài với Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Sau tuyên bố này, khi chưa kịp về lại Bắc Kinh, vào ngày 28 tháng giêng năm 1989, đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đã từ trần vì “đột ngột bị nhồi máu cơ tim”, thọ 51 tuổi.

Do cái chết đột ngột của Ngài, Đại pháp hội truyền chiếu - một sinh hoạt tôn giáo đã có truyền thống gần 500 năm ở Tây Tạng sắp tổ chức phải hoãn lại. Quyết định hủy bỏ Đại pháp hội truyền chiếu đã gây chấn động lớn trong dân chúng và Phật tử Tây Tạng. Tại Lhasa đã liên tục diễn ra các vụ diễu hành đòi độc lập mà đình điểm là cuộc xuống đường của hơn 2000 Phật tử ngày mùng 5 tháng 3 năm 1989, với hậu quả có 11 người chết, hơn 100 người bị thương.

Sau khi Ban Thiền từ trần, Bắc Kinh đã quyết định xây dựng một tháp thờ tại tu viện Tashilhunpo để bảo quản xác ướp của Ngài và tưởng nhớ đến cống hiến của Ngài đối với Phật giáo Tây Tạng. Trong một chuyến thị sát lên Tây Tạng vào năm 1990, chủ tịch Giang Trạch Dân đã có chuyến thăm đặc biệt đến tu viện Tashilhunpo để kiểm tra việc xây dựng lăng tháp. Việc xây dựng bắt đầu vào tháng 9 năm 1990. Nhà nước đã phân bổ 64 triệu Nhân dân tệ từ quỹ đặc biệt, với 614 kg vàng và 275 kg bạc được sử dụng để xây tháp. Dự án này kéo dài ba năm và một buổi lễ khai quang hoành tráng đã được tổ chức vào tháng 9 năm 1993 để đưa xác ướp của Ngài táng vào trong tháp. Tháp đã được đặt tên là Sisum Namgyel, có nghĩa là Lễ đường của Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới).

Linh tháp Sisum Namgyel
16388062971_e58bf6f8e9_b.jpg

(ảnh sưu tầm)

Ngày này, khách hành hương đến Tashilhunpo sau khi chiêm bái bức tượng Phật Di Lặc nổi tiếng đều ghé thăm linh tháp Sisum Namgyel để được ngắm bức tượng của Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 ngay tại trung tâm của tháp với kích cỡ bằng người thật. Một ngày đầu thu nắng ấm chan hòa, tôi quay lại nơi này, thăm lăng tháp của Ngài, chiêm bái lại hình tượng mandala Kalachakra tối thượng trên trần của linh tháp, lòng cứ mãi băn khoăn nghĩ về số phận của một vị Lạt Ma đã từng gắn liền với bi kịch chính trị của đất nước Tây Tạng. Sáu năm sau ngày Ngài viên tịch, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã ấn chứng một cậu bé 6 tuổi là hóa thân của Ngài. Nhưng bi kịch lại một lần nữa xảy ra khi vị Lạt Ma trẻ tuổi cùng gia đình đã bị đưa đến Bắc Kinh và không ai biết số phận của họ sau đó ra sao. Để rồi sau đó, nhà cầm quyền đã công nhận một cậu bé sáu tuổi khác là tái sinh của Ngài và dựng nên vị Ban Thiền Lạt Ma thứ 11. Bi kịch lại chồng lên bi kịch khi truyền thống Lạt Ma tái sinh đã bị lợi dụng vì mục tiêu chính trị để chi phối dân tộc Tạng.

Hình tượng Mandala Kalachakra trên trần linh tháp Sisum Namgyel
16203915727_dfe00a0b8b_b.jpg

(ảnh sưu tầm)

Có lẽ, di sản tinh thần cuối cùng của Ban Thiền thứ 10 chính là lời khuyên mà Ngài đã dành cho Lạt Ma Khenpo Phuntsok về việc chấn hưng Phật giáo Tây Tạng. Nhờ có sự khuyến khích của Ngài, năm 1980 Lạt Ma Phuntsok đã thành lập Học viện Phật giáo Sethar tại thung lũng Larung Gar thuộc vùng Garze - Tứ Xuyên, thu hút hàng nghìn tăng ni theo học Phật pháp. Ngày nay, Sethar đã trở thành trung tâm nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Sethar - Larung Gar - mái nhà của vùng Kham, tôi vẫn ấp ủ kế hoạch một ngày đến đó để được thăm quan di sản cuối cùng của đức Ban Thiền, được lạc lối giữa màu đỏ của hàng ngàn căn nhà gỗ trải dài trên cả một vùng thung lũng tươi đẹp.
 
Last edited by a moderator:
Hành trình về phía Tây
Ngamring

Rời tu viện Tashilhunpo, tạm biệt Shigatse, chúng tôi bắt đầu hành trình về phía Tây Tibet và cái đích đến tối hôm đó sẽ là thị trấn Saga. Cung đường kỷ niệm đã khép lại, giờ sẽ đi tiếp trên cung đường mới, được ngắm những cảnh sắc và được trải nghiệm cảm xúc ở những vùng đất mới.
Con đường trải dài phía trước trong mây trời mùa thu
16112263484_696c03a42c_z.jpg

(ảnh NL)

Núi ở đây bắt đầu mang dáng hình và khuôn mặt khác
16708728706_c5fcbd277b_z.jpg

(ảnh NL)

Những thảm hoa cải vàng rực giữa thung lũng
16733568472_1c818a0fe3_z.jpg

(ảnh NL)

16733564022_803046415c_z.jpg


Phiên chợ bên đường
16548654919_a0dccef349_z.jpg

(ảnh NL)

Lung ta trải giữa không gian mênh mông
16112453164_712dd5351b_z.jpg

(ảnh NL)

Cảnh tượng này không khỏi làm tôi phấn khích, chỉ mong lần tiếp theo trở lại mảnh đất này sẽ là hành trình khám phá Tây Tạng trên xe đạp
16833656155_17e63c23f5_z.jpg


Nhưng tâm trạng háo hức đáng lẽ phải có khi bắt đầu một cung đường mới đã phải nhường chỗ cho sự lo lắng khi cả mấy anh em đều bắt đầu cảm thấy thấm mệt sau 4 ngày di chuyển liên tục, riêng tôi và Sói em thì có lẽ tình trạng còn tệ hơn nhiều.
Buổi trưa hôm ấy chúng tôi dừng chân ăn trưa ở Lhatse - thị trấn nhỏ với dãy phố có những kiot ốp gạch mặt tiền đặc trưng kiểu Hán. Cột điện và đèn đường chi chít đã cho thấy tốc độ Hán hóa lan nhanh đến thế nào.
16708847956_07b170e864_z.jpg

(ảnh NL)

Lúc chuẩn bị ăn trưa cũng là lúc “cao nguyên khang” hết tác dụng. Mệt mỏi, tôi ngồi gục đầu bên bàn ăn, đợi mãi không thấy Sói em đâu. Mãi một lúc sau mới thấy Samdrup cùng Sói em bước vào quán, hóa ra cô bé đã suýt ngất và bị ngã ngay khi vừa bước xuống xe.
Bữa trưa diễn ra lặng lẽ, thức ăn không hợp khẩu vị cộng với cái lạnh và mệt dường như đã làm chúng tôi thêm mất sức. Khi rời Lhatse, bắt đầu lên xe chị NL đã giục chúng tôi uống thử loại thuốc mới “Hồng cảnh thiên” để “vừa đi vừa lắng nghe cơ thể”. Uống hai viên thuốc mới, tôi bắt đầu hy vọng sẽ đỡ mệt dần. Nhưng cơn đau đầu không hết như mong đợi, nhìn sang Sói em và La, tôi thấy hai đứa cũng đang mệt nhọc ngả vào thành ghế, môi tím tái và mắt nhắm nghiền. Cung đường mỗi lúc một dốc, có những đoạn nhìn GPS thấy đã lên đến độ cao 4700 - 4800m. Những rặng núi tuyết bắt đầu gần hơn
16735076695_a2f797f706_z.jpg

(ảnh NL)

Trời chuyển mây vẫn vũ và bắt đầu mưa
16735080455_ff9ba418d2_z.jpg


Cơn mưa kéo dài mãi suốt cả buổi chiều hôm ấy. Dọc đường, cứ ì ạch leo dốc được một lúc bác tài lại cho xe dừng rồi mở nắp để kiểm tra. Giữa những giấc ngủ bị ngắt quãng, tôi vẫn cố mở mắt hỏi Samdrup xem có chuyện gì và lần nào cũng nhận được câu trả lời “no problem”. Và rồi, như tôi đã kể, bắt đầu đến Ngamring thì xe chúng tôi hỏng nặng và khó có thể đi tiếp 240km nữa theo đúng lịch trình. Vì thế, chúng tôi phải nghỉ lại tại thị trấn này thay vì đến Saga như kế hoạch ban đầu. Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn, tìm được chỗ nghỉ tươm tất, phòng ốc và chăn đệm sạch sẽ ở nơi hẻo lánh này cũng là may mắn dù phải xách balô leo lên tận tầng 3 trong thể trạng này. Quả thật, tôi cũng không biết điều gì sẽ xảy ra, liệu chúng tôi có chịu nổi không khi phải đi thêm 240km và lên thêm 500m độ cao nữa, sự cố hỏng xe ở Ngamring đã làm thay đổi cả lịch trình nhưng cho đến giờ tôi vẫn nghĩ, đó là một điều may mắn kỳ lạ trong hành trình của chúng tôi.
 
Last edited:
Hành trình về phía Tây
Ngày thứ 5: Ngamring – Dzongba

Sáng ngày thứ 5, tỉnh dậy trong cái yên ắng tịch mịch của buổi sớm nơi thị trấn nhỏ, tôi bỗng cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Gáy vẫn còn hơi nặng nhưng cơn đau đầu dường như đã biến mất. Mưa đã tạnh, trời vẫn đầy mây nhưng những tia nắng đầu tiên chiếu qua cửa sổ cảm giác thật ấm áp. Qua cửa sổ, trong cái nắng lạnh đầu mùa, thỉnh thoảng lại thấy tuyết lất phất bay trên triền núi phía xa.

16115714094_5562908fba_z.jpg

(ảnh NL)

Cả buổi sáng hôm ấy, chúng tôi không ra ngoài để giữ sức, nghỉ lại trong phòng đứa thì đọc sách, đứa nghiên cứu bản đồ. Samdrup đã ra gara ngoài thị trấn cùng bác tài. Mặc dù biết chắc rằng phải đến trưa mới có thể khởi hành và như vậy là lịch trình đã bị chậm lại mất một ngày, tôi vẫn không có cảm giác lo lắng lắm, có lẽ thể trạng nhẹ nhõm lúc này đã tạm xua đi nỗi lo lắng ấy. Tôi bắt đầu nghĩ đến phương án sẽ dồn lịch trình trong mấy ngày cuối, khi cơ thể đã thích ứng được với độ cao.
Đến trưa, xe đã sửa xong, Samdrup và bác tài về đón chúng tôi ra thị trấn ăn trưa. Vẫn như mấy ngày trước, chúng tôi gọi cơm trắng với canh rau cải. Trong những ngày ở vùng đất khắc nghiệt này, chỉ cần gọi cơm trắng với rau, thức ăn mang từ nhà đi có ruốc thịt, mắm tép chưng và gia vị chẩm chéo đã giúp chúng tôi “sống sót” qua những ngày mệt mỏi và chán ăn này .
Rời Ngamring lúc 2h chiều, Samdrup bảo sẽ cố gắng đi nhanh nhất, qua Saga để có thể nghỉ tối tại Dzongba.

Đường về phía tây chúng tôi sẽ đi
16153612714_bc9d7b9e5c_b.jpg


Tuy Samdrup bảo sẽ cố gắng đi nhanh, nhưng tôi biết với kiểu hạn chế tốc độ của Trung Quốc trên đất Tạng, chúng tôi cũng khó lòng mà đến Dzongba sớm. Có một điều mà bạn nào đã từng đi Tây Tạng hẳn đều biết: ở đây người ta không hạn chế tốc độ xe chạy trên đường cao tốc bằng cách bắn tốc độ như ở VN mà hạn chế bằng cách quy định thời gian tối thiểu xe chạy giữa hai điểm check-point trên đường. Cứ vài chục km lại bố trí một điểm check-point. Đến mỗi điểm, lái xe lại phải xuống đóng dấu và ghi giờ để tính giờ đến cho điểm tiếp theo, nếu đến sớm hơn sẽ bị phạt rất nặng.

Lúc xuất phát từ Ngamring, trời lại mưa xầm xì như thế này:
16832707801_d25a99de5b_z.jpg

(ảnh NL)

Đi tiếp, trời mỗi lúc một sáng
16551897009_ef177d2417_z.jpg

(ảnh NL)

Cảnh sắc bên đường làm quên nỗi mệt nhọc, những đàn bò yak nhẩn nha gặm cỏ.
16833784905_cf5204ea5c_z.jpg

(ảnh NL)

Những cục bông di động trên thảo nguyên
16646220928_5b18545248_z.jpg

(ảnh NL)

16550449908_c707659ae7_z.jpg


9h tối chúng tôi mới đến Dzongba, nhà trọ to nhất thị trấn (được chứng nhận của Cục Du lịch khu tự trị) cũng chỉ có loại phòng dorm nhưng khá sạch sẽ, nhà ăn ấm áp ngay đầu hồi với bếp lửa đốt bằng phân bò yak. Nhận phòng xong, chúng tôi đi ăn tối. Đã tối muộn nên nhà ăn chỉ còn phục vụ trà bơ và mỳ, đã quen với mùi ngai ngái và vị mặn của trà bơ Tạng - thứ đồ uống giàu năng lượng giúp chống lại cái lạnh giá nhưng còn loại mỳ sợi to và vị chua này thì thật là khó nuốt. Khi không còn dùng thuốc thảo dược nữa, tôi đã bắt có cảm giác thèm ăn trở lại, cũng cố gắng ăn gần hết bát mỳ trong khi các bạn tôi chỉ khều khều mấy sợi và bỏ lại gần như nguyên bát.
Tối ấy, giấc ngủ đến với tôi thật nhẹ nhàng, ngày mai chúng tôi sẽ đi qua Darchen để đến Thirapuri, sắp được diện kiến Kailash rồi.
 
Last edited by a moderator:
PERMIT

Một số bạn đã hỏi tôi về thủ tục xin permit và địa chỉ liên lạc của hãng tour đã xin Kailash permit cho chúng tôi. Mặc dù có thể nhiều bạn đã biết, nhưng tôi vẫn chia sẻ ở đây thủ tục xin permit vào Tây Tạng nói chung và khu vực Kailash nói riêng:

1. Loại Permit: Thông thường, để có thể vào được Tây Tạng, được lưu trú và đi lại tại vùng đất này, cần có 3 loại permit sau:
- Tibet Entry Permit: là loại permit trước tiên phải có để được nhập cảnh vào Tây Tạng
- Alien’s Travel Permit: cho một số khu vực hạn chế đặc biệt như Everest, tu viện Tashilhunpo, tu viện Sakya, tu viện Samye…
- Tibet Military Permit: cho một số tour đặc biệt như tour leo núi Kailash hoặc các tour xuyên đường bộ từ Côn Minh hoặc Tứ Xuyên đi Lhasa.

2. Thủ tục:
Để có thể xin được permit, trước tiên bạn cần phải có visa Trung Quốc, sau đó bạn gửi bản quét visa cho hãng tour ở Tây Tạng để họ tiến hành xin permit.

3. Thẩm quyền cấp permit:
- Tibet Entry Permit do Cục du lịch khu tự trị (Tibet Tourism Bureau) cấp;
- Hai loại còn lại thì do Cục an ninh PSB (Public Security Bureau) cấp.

4. Thời gian xin permit:
Xin Tibet Entry Permit mất 2 tuần nhưng Kailash Permit thì lâu hơn. Các bạn nên gửi hồ sơ xin Kailash permit ít nhất 25 ngày trước ngày khởi hành bởi thủ tục xin cấp qua Cục an ninh sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Năm 2014 - năm con ngựa gỗ của người Tạng, dự đoán nhu cầu vào Kailash có thể tăng đột biến và do những khó khăn và phức tạp về mặt chính trị, chúng tôi đã gửi hồ sơ xin Kailash permit từ rất sớm: 45 ngày trước ngày khởi hành và permit chỉ được cấp trước khi chúng tôi vào Tibet có 7 ngày (ngày 21/8/2014). Tình hình năm 2015 có lẽ sẽ dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, việc cấp permit còn tuỳ thuộc vào tình hình chính trị từng thời kỳ vì chính quyền Trung Quốc có thể ban hành lệnh cấm người nước ngoài vào Tây Tạng nói chung và từng khu vực đặc biệt nói riêng vào bất cứ lúc nào mà chẳng cần phải công bố lý do.

Vì vậy, tốt nhất là các bạn nên theo dõi thường xuyên tình hình qua các hãng lữ hành. Trước chuyến đi, ngoài thông tin từ Lhakpa, tôi thường cập nhật thông tin của Tibet Vista (một hãng tour chuyên cung cấp các tour du lịch đến Tây Tạng, Ấn Độ và Nepal, có văn phòng giao dịch ở hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc) thông qua trang web của hãng:
http://www.tibettravel.org/tibet-travel-permit/

Cá nhân tôi thấy đây là trang thông tin khá đầy đủ và hữu ích. 20 ngày trước khi khởi hành, thông tin cập nhật nhất của Tibet Vista về Kailash permit vẫn như thế này:
“Update 13: (07-08-2014)
Mt. Kailash is open to western tourists again, but there are still some restrictions. Such as, mix-nationality group is not allowed; French, Japanese and Vietnamese cannot get the permit; people that are over 70 years old cannot get the permit”


5. Hãng tour xin permit:
Nên chọn hãng có uy tín bởi Cục du lịch và Cục an ninh thường ưu tiên cấp permit trước cho hồ sơ do các hãng này xuất trình, mặc dù giá tour chắc chắn cao hơn các hãng nhỏ lẻ khác nhưng khả năng xin permit sẽ được đảm bảo hơn.
Cả hai lần đi Tây Tạng, chúng tôi đều đi với Tibet Fit Travel. Đây là hãng tour khá uy tín ở Lhasa đã được giới thiệu trên Lonely Planet. Ông chủ Lhakpa Tsering luôn tự hào rằng đây một hãng tour hoàn toàn do người Tạng điều hành và toàn bộ đội ngũ nhân viên, tour guide đều là người Tạng.

Tibet Kawa Karpo International Adventure
Tibet FIT TRAVEL
Xian Zudao Xigu Gongyulou
nan1 -15hao lhasa Tibet China
E mail: [email protected] hoặc [email protected]
Mobile: 13989011658
Office: +86 891 6349232
Fax: +86 891 6363812
Website: www.tibetfit.com
www. tibetkawakarpoadventure.com

Trong Lonely Planet cũng có giới thiệu contact của Tibet Fit Travel với địa chỉ liên lạc là hòm thư yahoo của Lhakpa ([email protected]). Tuy nhiên, vào thời điểm tháng 7/2014, hòm thư này đã bị hack nên hiện nay các bạn nên liên lạc với Lhakpa bằng hòm thư hotmail ở trên.

Hồi đó, khi tình hình giàn khoan vẫn còn căng thẳng, một ngày chủ nhật đẹp trời đầu tháng 7, tôi nhận được mail xin tiền từ hòm thư yahoo của Lhakpa - kiểu xin tiền xưa như trái đất với nội dung “Hãy giúp tôi, tôi đang ở Philippin và bị kẻ gian lấy cắp hết tư trang tiền bạc…”.
Thật không may, trước đó đúng hai ngày, tôi vừa gửi toàn bộ bản scan hộ chiếu và visa của cả 5 thành viên trong nhóm vào hòm thư yahoo trên để làm thủ tục xin permit. Trong tình hình bất lợi khi ấy, thông tin cá nhân của cả 5 đứa chúng tôi có thể rơi vào tay kẻ xấu, điều đó đã khiến tôi lo lắng mãi cho đến ngày nhận được permit.

Và nỗi lo của chúng tôi chỉ được giải tỏa trước khi khởi hành có 5 ngày. Đây, niềm vui lớn nhất sau bao ngày đợi chờ căng thẳng:

16664771130_c048c411dd_b.jpg


16232128403_c82e1ffbdc_b.jpg
 
Last edited by a moderator:
Em chưa đến kailash, nhưng đang làm việc tại tòa nhà kailash, đọc bài viết của bác thấy thêm yêu nơi mình làm việc :)
 
Hội ngộ Kailash và Manasarovar - ngày rực rỡ

Dzongba, buổi sáng ngày thứ 6 của chúng tôi ở Tây Tạng là một ban mai tuyệt đẹp. Ngay từ sáng sớm mặt trời đã nhuộm hồng cả vầng mây trước cửa nhà trọ. Dậy từ sớm, cả lũ co ro chui vào nhà ăn goi trà bơ nhấm nháp, đã thấy bác tài đang ở đấy trộn tsampa.

Quang cảnh nhà ăn vắng vẻ lúc sáng sớm
16249547763_bf02aaaa95_b.jpg

(ảnh NL)

16249585273_34ddc76c30_b.jpg

(ảnh NL)

16683428559_008581eb3c_b.jpg


Với người Tạng, lương thực dài ngày của họ chính là món bột lúa mạch rang giàu năng lượng này. Bột Tsampa được đựng trong ruột tượng và mang theo các chuyến đi dài ngày, đến bữa chỉ cần một ấm trà bơ hoặc chút bia để trộn bột là đã có một bữa ăn đủ năng lượng để có thể chống chọi lại cái lạnh của vùng cao nguyên. Tôi cũng tò mò đòi bác tài cho thử chút tsampa, mặc dù đã được nhào kỹ với trà bơ, tsampa vẫn đặc quánh, vị mặn và hơi khó nuốt, nhưng chiêu với trà bơ thì cũng không đến nỗi nào.

Nhà ăn - lúc nào cũng có nước sôi trên bếp cho khách trọ. Đây là bếp đun bằng phân bò yak, được thiết kế rất kín nên hoàn sạch sẽ và không có mùi
16249568563_973e7d4a0c_b.jpg


Bữa sáng vẫn không có sự lựa chọn nào khác ngoài mỳ sợi to, nhưng sáng nay rút kinh nghiệm chúng tôi gọi mỳ với trứng và bắp cải chứ không dùng thịt bò yak như tối hôm trước. Dường như đã quen với độ cao, sức khỏe đã hồi nên ăn uống cũng thấy ngon miệng hơn, ngồi trong căn phòng ấm áp, nghe tiếng nước sôi reo vui, chả muốn ra ngoài nữa.

Nhưng thôi, sáng hửng lên rồi, chuẩn bị lên đường thôi, hôm nay chúng tôi sẽ đi gần 400km đến Tirthapuri, chặng đường hứa hẹn nhiều cảnh đẹp trong một ngày nắng rực rỡ. Mới đi khỏi Dzongba một đoạn đã gặp cảnh này
16738740005_a918e21d53_z.jpg


16153876904_7f70fa14a7_z.jpg

(ảnh NL)

16590038149_bec24284a3_z.jpg

(ảnh NL)

Cả bọn ào xuống chạy nhảy và chụp ảnh:
16551182448_7a3b3518c1_z.jpg


Thảo nguyên mùa thu, màu vàng óng của cỏ trải đến tận chân trời
16738736795_7b0eedf4ee_z.jpg
 
Last edited by a moderator:
Hội ngộ Kailash và Manasarovar - ngày rực rỡ

Cảnh sắc trên đường thay đổi liên tục, mới nắng thế mà lên đến độ cao hơn 4500m đã thấy tuyết bay mù mịt thế này
16844810146_2766082afe_z.jpg

(ảnh NL)

Trên những con dốc, tuyết bay phủ mờ cả đường và những dải lungta
16248314424_bbed121635_z.jpg

(ảnh NL)

qua thị trấn nhỏ
16844804926_d020b83ea1_z.jpg

(ảnh NL)

Rồi lại đổ dốc trên con đường nhựa mới trải, mây trắng và trời xanh phía trước đẹp đến nao lòng
16870671505_2bdb9d7ed8_z.jpg

(ảnh NL)

Những rặng núi tuyết đã thấy gần hơn:
16750372016_ec7a2d3ff8_z.jpg


Gần 12h trưa, xe bắt đầu vào địa phận Ali. Nhìn thấy tấm biển này, lòng đã chộn rộn vì sắp được diện kiến Kailash và Manasarovar
16115623437_a8c84efc32_z.jpg

(ảnh NL)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,485
Bài viết
1,153,187
Members
190,103
Latest member
Penguin1
Back
Top