What's new

[Tổng hợp] Kể chuyện Tây Nguyên

attachment.php

Hoa dã quỳ Đơn Dương (Lâm Đồng)

Đã từ lâu, tôi muốn viết về Tây Nguyên, viết cho chính mình, cho tình cảm của mình với vùng đất cao nguyên này. Tôi viết những gì tôi đã tìm hiểu, cả qua sách, báo, qua mạng và qua những lần lang thang Tây Nguyên. Tôi cũng không biết có hoàn tất được topic không, nhưng cứ viết vậy, gọi là chút chia sẻ.

Tây Nguyên là vùng đất thuộc miền Trung Việt Nam, hiện có năm tỉnh, theo thứ tự từ Bắc vào Nam là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Cách ghi tên như vừa rồi được xem là tên chính thức trong các văn bản hành chính, còn câu chuyện về tên gọi và các tên khác của từng tỉnh, tôi sẽ kể lần lượt sau.

Như những câu chuyện thường kể về các vùng đất, phần đầu tiên là lịch sử ...
 
Last edited:
hản bạn là con người rất am hiẻu vùng đất này. cảm ơn bạn đã có những chia sẽ giúp mọi người hiểu hơn về một vùng đất.
 
Con COVID-19 này khiến mình bị kẹt lại Đà Lạt đã mấy ngày, có nhiều thời gian rảnh, nhưng tiếc là không mang theo ổ cứng trữ hình ảnh.
Mình sẽ lại kể chuyện, hình ảnh thì nợ nhé :D
 
Con COVID-19 này khiến mình bị kẹt lại Đà Lạt đã mấy ngày, có nhiều thời gian rảnh, nhưng tiếc là không mang theo ổ cứng trữ hình ảnh.
Mình sẽ lại kể chuyện, hình ảnh thì nợ nhé :D
kể tiếp đi bác. Vùng tây nguyên e cũng có nghiên cứu từ lâu. Nhưng e muốn nghe thêm những câu chuyện từ chính ng đi. Tây nguyên hầu như những nơi xe đến đc e đều đến. Nhưng trek thì ít vì chân e đợt này ko còn khoẻ nữa.
 
Chúng ta đều biết là Đà Lạt bị vỡ quy hoạch. Cụ thể, quy hoạch Đà Lạt bị vỡ từ khi nào?


Năm 1923, Giám đốc Quy hoạch kiến trúc Đông Dương Ernest Hébrard hoàn thành Đồ án quy hoạch thị trấn Đà Lạt, quy mô từ 30.000 dân và tối đa 50.000 dân. Với quy hoạch của Hébrard, Đà Lạt được xây dựng. Năm 1923, Đà Lạt có khoảng 1.500 dân, đến năm 1944 thì có hơn 25.000 dân.

Giai đoạn 1954-1956, đã có 1,2 triệu người di dân từ phía Bắc vào phía Nam, và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đưa khoảng 700.000 người lên Tây Nguyên, trong đó có hơn 30.000 người lên Đà Lạt. Đà Lạt vỡ quy hoạch của Hebrard. Năm 1956, dân số Đà Lạt gần 59.000 người.
Đây là lần thứ nhất vỡ quy hoạch của Đà Lạt.

Giai đoạn 1956-1960 là giai đoạn Đà Lạt bùng nổ. Bộ Công chánh Việt Nam Cộng hòa làm lại quy hoạch Đà Lạt, mở rộng Đà Lạt lên 80.000 người, gấp đôi quy hoạch của Hebrard.
Đến năm 1965, Đà Lạt có khoảng 73.000 người, tiệm cận mức quy hoạch của Bộ Công chánh.

Giai đoạn 1965-1970, Đà Lạt vỡ quy hoạch lần 2, đến năm 1970, Đà Lạt có khoảng 89.000 người. Năm 1974, Đà Lạt có hơn 105.000 người.

Đó là những 2 lần vỡ quy hoạch đầu tiên, và . Sau 1975, Chính phủ không đưa ra một quy hoạch cụ thể cho Đà Lạt. Nên có thể nói là không còn gì để vỡ.
Năm 2018, dân số Đà Lạt vượt 400.000 dân.

Nguồn: Địa chí Đà Lạt. Số liệu trước 1975 Địa chí Đà Lạt dẫn nguồn của Bộ Công chánh Việt Nam Cộng hòa.
 
Về lịch sử Đắk Lắk

Darlac được thành lập theo nghị định ngày 22 tháng 11 năm 1904 của Toàn quyền Đông Dương. Darlac là Pháp hóa từ Đắk Lắk.

Tên gọi Đắk Lắk có hai ý kiến quan trọng:

- Một là, Đắk là nước, Lắk là tên hồ. Đắk Lắk là hồ Lắk. Đây là ý kiến phố biến nhất, nghe hợp lý nhất tuy nhiên chính các nhà nghiên cứu bản địa phản đối ý kiến này, vì hồ Lắk thuộc vùng đất của người Mnông, trong khi tên gọi Đắk Lắk bao trùm toàn bộ vùng đôi bờ sông Sêrêpôk. Hơn nữa, hồ Lăk không phải điểm quan trọng trong vùng đất này ở thế kỷ XIX.
- Hai là, Đắk là vùng nước, cách gọi lãnh thổ theo sông, Lắk là biến âm từ Lạch, Đắk Lắk là vùng giao thương với người Lạch. Sông Sêrêpôk từ thế kỷ XIX là mạch giao thương từ xứ người Lạch đến Stung Treng, mặt hàng quan trọng nhất và nổi tiếng nhất là gốm sứ, do người Lạch mang đến bán. Sử thi Đam San có nhắc đến người Lạch. Bác sĩ Yersin vào năm 1892 thực hiện chuyến đi đến sông Sêrêpôk đã biết về hoạt động mua bán trao đổi nhộn nhịp ở đây. Ông mô tả một thương cảng trên sông nhộp nhịp có người Thái, người Lào, người Khmer, người Lạch, người Hoa, vùng đất mà ông mô tả chính là đoạn sông Đak Đam chảy vào sông Sêrêpôk ở Buôn Đôn hiện nay. Ý kiến này hợp lý với vùng đất đông dân nhất, nổi bật nhất ở đây vào thế kỷ XIX, nhưng ít được biết đến.

Cách gọi nào cũng có sự hợp lý nhất định. Hiện tại, về mặt chính thống, tỉnh Đắk Lắk thiên về lý giải theo cách thứ nhất.

Đến ngày 9/2/1913 thì tỉnh này trở thành một đại lý hành chính trực thuộc tỉnh Kon Tum được thành lập cùng ngày.

Đến ngày 2/7/1923 tỉnh Đăk Lăk mới được thành lập lại. Lúc mới thành lập, Đắk Lắk chưa chia huyện, tổng mà chỉ có đơn vị làng (còn gọi là buôn hay bon), người Ê Đê có 151 làng, người Bih có 24 làng, người Gia Rai có 11 làng, người Krung có 28 làng, người M'dhur có 120 làng, người M'Nông có 117 làng, người Xiêm có 1 làng. Năm 1931, trong cuộc cải cách hành chính toàn Đông Dương, tỉnh Đắk Lắk được chia làm 5 quận, gồm có Ban Mê Thuột, Buôn Hồ, Đăk Song, Lắk và M'Đrăk, dưới có 440 làng.

Ngày 15 tháng 4 năm 1950,Quốc Trưởng Bảo Đại ban hành Dụ số 6 đặt Cao Nguyên Trung phần, trong đó có Đắk Lắk, làm Hoàng Triều Cương Thổ, có quy chế cai trị riêng.

Nghị định số 356-BNV/HC/NĐ của Chính Quyền Việt Nam Cộng Hòa ngày 2 tháng 7 năm 1958 ấn định tỉnh Đắk Lắk (được ghi là Darlac) có 5 quận, 21 tổng và 77 xã. Trong đó, Quận Ban Mê Thuột có 4 tổng, Quận Lạc Thiện (đổi tên từ quận Lăk) có 7 tổng, Quận M'Đrak có 4 tổng, Quận Đak Song có 2 tổng và Quận Buôn Hồ có 4 tổng.

Ngày 23 tháng 1 năm 1959, Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ban hành Nghị định số 24/NV, tách gần như toàn bộ quận Đak Song của tỉnh Darlac, lập ra tỉnh Quảng Đức. Như vậy tỉnh Darlac còn lại 4 quận. Sau đó quận M'Đrak lại bị xé lẻ, một phần nhập vào tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 20 tháng 12 năm 1963, lập thêm một quận mới tên là Phước An, quận lỵ đặt tại Phước Trạch, đến ngày 1 tháng 9 năm 1965 chuyển về Thuận Hiếu. Sau này lại bỏ cấp tổng, nên chỉ còn cấp quận (4 quận) và xã.

Tỉnh Đắk Lắk của nước Việt Nam thống nhất từ năm 1976 hình thành từ hai tỉnh Darlac và Quảng Đức, có diện tích lớn thứ hai Việt Nam sau tỉnh Gia Lai - Kon Tum, gồm thị xã Buôn Ma Thuột và 6 huyện: Đăk Mil, Đăk Nông, Krông Búk, Krông Nô, Krông Pắk, Lắk. Tỉnh chỉ lớn nhất nước khi tỉnh Gia Lai - Kon Tum tách làm đôi, khi đó Đắk Lắk diện tích 19.800 km². Số huyện tăng dần cho đến 18 huyện.

Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội ra Nghị quyết số 22/2003/QH.11[30], tỉnh Đăk Lăk tách thành hai tỉnh mới là Đăk Lăk và Đăk Nông, nên số huyện giảm xuống còn 12[31]:

Tỉnh Đắk Lắk gồm thành phố Buôn Ma Thuột và 12 huyện: Buôn Đôn, Cư M'gar, Ea H'leo, Ea Kar, Ea Súp, Krông Ana, Krông Bông, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pắk, Lắk, M'Đrắk, các xã Ea R'Bin và Nam Ka của huyện Krông Nô; các xã Hòa Khánh, Hòa Xuân và Hòa Phú của huyện Cư Jut.
Tỉnh Đắk Nông gồm 5 huyện: huyện Đắk R'Lấp; huyện Đắk Nông; huyện Đắk Song; huyện Đắk Mil; huyện Krông Nô (trừ các xã Ea R'Bin và Nam Ka); huyện Cư Jut (trừ các xã Hòa Khánh, Hòa Xuân và Hòa Phú).
 
Last edited:
Về lịch sử Ban Mê Thuột

Xưa kia, đây là vùng đất của người Ê Đê, với nhiều nhà dài Ê Đê nằm dọc theo suối Ea Tam, xuôi theo dòng đổ ra sông Sêrêpôk. Các buôn được điều hành bởi già làng cho mỗi buôn. Những buôn làng đầu tiên trên địa bàn thành phố là: Buôn Kram, Buôn Alê, Buôn Păn Lăn, Buôn Kosier, Buôn Enao, Buôn Akõ Dhông, Buôn Dung.

Không có buôn làng nào có tên riêng là Buôn Ma Thuột trong cùng thời kỳ khi người Pháp xây dựng đô thị tại đây. Có nhiều luận chứng từ phía người Ê đê bản địa là ông Ama Thuôt tên là Y Druôt theo ghi chép của bà Linh Nga Niê Kdăm ghi lại từ già làng ở huyện Cư M'gar.

Nhân tiện, bà Linh Nga Niê Kdăm là một nghệ sĩ, nhà văn, nhà nghiên cứu nặng lòng với Tây Nguyên mà tôi cực kỳ ngưỡng mộ. Điều thú vị là tôi chơi với cháu của bà từ năm 2000, chơi với con gái bà từ năm 2010 (nhậu bét nhè với chị này) mà đến năm 2018 tôi mới biết họ là con là cháu của bà.

- Tư liệu Pháp được KTS. Nguyễn Thanh Hà tìm được, có ghi : Un très gros village se trouve préciément à 54 kilomètres de là occupé par les Rhadés Kpa sous les orders de Methuot, c’est à 700 mètres plus au Sud-Est de ce dernier, au bord de l’Ea-Tam, chứng tỏ ông Mê Thuôt có tồn tại nhưng ở Buôn Mê Thuột hay ở ngoài vùng thì không có thông tin đầy đủ.
- Theo KTS. Phạm Ngọc Cảnh là người đọc và dịch nội dung cơ bản trên 3 tấm bản đồ về Buôn Ma Thuột đồng ý về sự tồn tại này khớp với các từ như sông Mé Kông, trại tù Mé Wall của Pháp ở Cư 'gar (trại Mê Van), và một cô gái Mé Sao là vợ của chánh sứ Sarbatier theo một bài báo, ông là người Pháp từng quản lí ở Buôn Ma Thuột trong thời kì Pháp Thuộc. Nhưng tên thật của ông Mé Thuột là gì thì chưa có tài liệu nào minh chứng cụ thể, và ông sống ở đâu.

Người nổi tiếng trong tờ bản đồ về Buôn Ma Thuột 1918 là Khunjunop tên thật là Y Thu K’Nul. Các thông tin về Mê Thuột vẫn còn trong bế tắc. Để làm rõ nghĩa nên tìm kiếm và giải nghĩa tương đồng của 4 từ Mé Kong - Mé Thuôt - Mé wall - Mé Sao (1 danh từ chỉ người 1 danh từ chỉ dòng sông lớn, 1 danh từ chỉ địa danh trại tù, Mé Thuôt) có liên quan nhiều đến vùng Hạ Lào, thuộc bản đồ Đàng Trong - Đàng Ngoài thời Trịnh Nguyễn.

Tập tục của người Ê đê (Rhade) thì phụ nữ là người giữ của cải, nhà cửa, rồi đón chồng về ở nhà phụ nữ. Phân biệt Nam và nữ là Y và H trong thời buổi sau 75, nhiều khả năng Mé Thuột là một phụ nữ như người vợ Mé Sao của công sứ Sarbatier.

Những năm đầu Buôn Ma Thuột được xây dựng tại khu vực Buôn Kram, cạnh buôn Alê-A, Alê-B, ngày nay là thoải triền đồi khu vực ngõ cua đường Đinh Tiên Hoàng về nhánh suối Ea Tam. Thời kỳ Pháp đô hộ được đặt tên đô thị là Ban Mé Thuot, từ '' Ban'' bao hàm một nghĩa rộng, ví như ''Ban'' là đô thị các buôn, các buôn như khu khu vực nhỏ, ngang phường.

Bản đồ thời kỳ 1905-1918-1930, ''Ban'' và ''Buôn'' được phân biệt rõ rệt qua tư liệu bản đồ lịch sử của người Pháp, qua thời Việt Nam Cộng Hòa phiên âm thành Ban Mê Thuột, sau 1975 gọi thành Buôn Ma Thuột, nên nhiều người suy diễn là có vị tù trưởng Ama Thuột, dẫn đến sự nhầm lẫn nghiêm trọng.

Ngoài ra còn các cách gọi sai khác như (Bản Mế Thuột - Bản Mế Thuật, Buôn Ma Thuộc - Buôn Ma Thuật, Ban Mê Thuộc - Ban Mê Thuật), đều là cách gọi sai lệch về thông tin của thành phố.

Năm 1904, Pháp lập tỉnh Darlac.

Công cuộc tiếp cận và khai phá vùng cao nguyên Darlac được tiếp cận theo sông Mê Kông đi vào sông Sêrêpôk, tới Buôn Đôn, nhờ các vị vua săn voi ở Buôn Đôn,người Pháp tìm được nhánh suối Eanao - EaTam, nơi các buôn làng người Eđê sinh sống với mật độ lớn và gần nhau, dẫn đến việc hình thành một trung tâm hành chính mới là Ban Mé Thuột, với lực lượng lao động là người Ê đê bản địa, trong công cuộc khai thác thuộc địa thời kỳ đầu của người Pháp ở Darlac.

Năm 1905 bản đồ quy hoạch đầu tiên về Ban Mé Thuôt được ấn bản. Tư liệu này ngày nay vẫn còn để đối chiếu. Buôn đầu tiên xuất hiện với đô thị là buôn Kram. Cùng thời kỳ này các đồn điền được lập dựa theo sự phân bố dân cư tự nhiên của các dân tộc nơi đây ở trên toàn tỉnh Darlac. Các thầy giáo người Huế, người Bình Định, các công nhân người Phú Yên, Khánh Hòa, Nha Trang được người Pháp điều động lên Tây Nguyên để hướng dẫn người Eđê các phương thức sản xuất cơ bản, như trồng lúa, trồng cây công - nông nghiệp, khai thác gỗ rừng ...

Năm 1918 bản đồ thứ 2 được ấn bản. Xuất hiện ngôi làng An Nam (làng người Trung Kỳ) được bố trí bên cạnh buôn Kram tại Ban Mé Thuôt. Tư liệu hình ảnh ghi nhận đã có các ngôi trường dạy người Ê đê các phương thức sản xuất mới. Thời kỳ này chữ quốc ngữ phiên âm theo tiếng Ê đê được người Pháp phổ biến dần trên Darlac, sử thi Đam San được ghi chép lại bởi vị công sứ Sabatier.

Bản đồ 1918 ghi nhận thêm một buôn lớn về phía Tây - Nam thành phố là buôn Alê ngày nay là buôn Alê A và Alê B.

Năm 1930 ấn bản tờ bản đồ ghi nhận khu phố An Nam, khu phố của người Trung Kỳ riêng biệt, ngày nay là khu trung tâm của thành phố, nơi tọa lạc đình Lạc Giao, chùa Sắc Tứ Khải Đoan. Và khu phố Tây của người Pháp ở phía Đông thành phố nay là khu vực đường Nguyễn Công Trứ - Đinh Tiên Hoàng - Hùng Vương và khu bảo tàng, khu vực người Êđê cũng được tách riêng biệt không kết hợp vào khu người Trung kỳ.

Thời kỳ Pháp thuộc, Vua Bảo Đại cùng gia đình cũng xuất hiện nhiều ở Ban Mé Thuôt, các công trình gắn với tên tuổi ông như dinh Bảo Đại, Biệt thự hồ Lăk gắn với tên người vợ ông Nam Phương Hoàng Hậu, chùa Sắc Tứ Khải Đoan gắn với Đan Hy Hoàng Hậu, Bảo Đại xuất hiện ở Đarlac nguyên do là do Nhật đảo chính Đông Dương, Pháp nhượng bộ toàn vùng đồng bằng cho Nhật trong chiến tranh thế giới thứ 2, chỉ giữ lại các vùng núi, lúc này vùng núi lớn nhất Việt Nam mà Pháp còn lại là vùng Tây Nguyên, lúc này được gọi là Hoàng Triều Cương Thổ.

Khi người Pháp chuyển giao Miền Nam Việt Nam cho Chính quyền Quốc gia Việt Nam, rồi sau này là Việt Nam Cộng Hòa, cơ cấu hành chính tỉnh Darlac được chia thành các quận, quận Lạc Thiện, quận Phước An, quận Buôn Hồ, quận Ban Mê Thuột, với thị xã là Lạc Giao.

Thời kỳ này các thị trấn thị tứ bước đầu được đô thị hóa ở Đarlac, các phương tiện cơ giới ở Darlac tăng vọt, không chỉ cơ giới ở phương tiện giao thông, mà các máy móc phục vụ nông nghiệp cũng xuất hiện, các sân bay được xây dựng, riêng Ban Mê Thuột có đến 2 sân bay trong thời kỳ này, một sân bay cho trực thăng gọi là phi trường Lạc Giao, một sân bay cho các máy bay lớn là phi trường Phụng Dực (phi trường này được xây từ các gói viện trợ của Mỹ cho Pháp trong trước năm 1950,nay là sân bay Buôn Ma Thuột) Cũng trong thời kỳ này, Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng xuất hiện nhiều ở Ban Mê Thuột, ông ăn tết ở Ban Mê Thuột năm 1957 và đồng thời tổ chức lễ hội kinh tế khi ông ăn tết ở đây.

Sau năm 1975, Thị xã đổi tên thành Buôn Ma Thuột có 7 phường: Tân Lập, Tân Thành, Tân Tiến, Thắng Lợi, Thành Công, Thống Nhất, Tự An và 21 xã: Cư ÊBur, Ea Bar, Ea Bông, Ea Kao, Ea Na, Ea Nuôl, Ea Po, Ea Tam, Ea Tiêu, Ea T'ling, Ea Tu, Hòa Đông, Hòa Khánh, Hòa Phú, Hòa Thắng, Hòa Thuận, Hòa Xuân, Nam Dong, Quảng Điền, Tâm Thắng, Trúc Sơn.
 
Bản đồ Ban Mê Thuột 1905

2020ed5fa3a6-21f0-44f9-ad47-b1bdb8a3855d.jpg


Bản đồ Ban Mê Thuột 1918

2020c4eae84a-2c49-4615-8ccc-e05e90f94295.jpg


Bản đồ Ban Mê Thuột 1930, có thể thấy các trục chính của thành phố đã hình thành

2020f7984829-a161-44a6-ac94-14082775221d.jpg
 
Nhân nói đến cô Linh Nga Niê Kdam, mình chia sẻ một bài viết rất rất đáng đọc của cô.

TÂY NGUYÊN CÓ "LỄ ĐÂM TRÂU" KHÔNG?
(Linh Nga Niekdam)


Ở Tây Nguyên xưa kia mùa xuân là “ mùa ăn năm uống tháng – hoă mlan bŏng thŭn, tháng nghỉ ngơi – khai ning nơng ” của mùa no đủ với những lễ, hội liên miên từ làng này sang làng khác, hết nhà nọ đến nhà kia. Tập quán “ ăn trâu” thường có trong những lễ cúng được coi là quan trọng của một gia đình hay một cộng đồng.
Với tôn giáo đa thần, trong các lễ cúng tế liên miên của một gia đình Tây Nguyên ngày xửa ngày xưa, việc “ ăn trâu” chỉ diễn ra trong một nghi lễ quan trọng , như lễ mừng chiến thắng ( trước và sau một cuộc chiến tranh bộ lạc), lễ kết nghĩa với ai đó trong hoặc ngoài bộ tộc ( sống cách biệt nên coi trọng việc kết nghĩa lắm), lễ mừng cơm mới khi thu hoạch được 100 gùi lúa,cưới xin cho người trẻ, chúc thọ cho người già, tang ma, bỏ mả của những gia đình có địa vị cao trong cộng đồng….thường diễn ra khi lúa đã chất đầy trong kho, bắp đã treo kín sà nhà. Nghĩa là mùa no đủ đã tới. Và để làm bất cứ việc gì lớn,quan trọng, người Tây Nguyên không chỉ cầu xin mà còn cảm tạ vô số các vị thần linh ( Yang) để được phò trợ. Con trâu được coi là lễ vật thanh sạch nhất, lớn nhất, và chỉ hiến sinh trâu trong một lễ trọng nào đó, chứ không hề có cái gọi là “ Lễ hội đâm trâu” riêng như hiện nay thường gọi.
Trước đây nhiều gia đình trâu nuôi hàng đàn bóng mượt lông chỉ dùng cho các lễ lạt, chúng không hề bị bắt phải vận chuyển nông sản như con bò hay con voi. Chẳng thế hồi đầu đất nước mới thống nhất, ngành Nông nghiệp hướng dẫn làm ruộng nước, bà con dùng voi đi cày, chứ không dùng trâu. Nay không còn thờ cúng yang, nên đa phần các nơi chuyển sang phát triển đàn bò, mà không nuôi nhiều trâu nữa. Vậy nên con trâu cũng không phải là vật “ đầu cơ nghiệp” như quan niệm ở miền xuôi.
Khi quyết định tổ chức một lễ lớn nào có ăn trâu, trước ngày lễ chính, người ta sẽ buộc con trâu một đêm không cho ăn cỏ, để thanh sạch. Trước khi tiến hành hạ thủ, phải có bài “ khóc trâu” bằng văn vần ( như là thơ lục bát nhưng được hát lên bằng giai điệu bổng trầm ). Nội dung đại ý rằng “ lâu nay trâu ở trong nhà, được coi như anh em. Nay trâu thay mặt con người báo với các thần linh công việc đã xong, đã tốt đẹp, cộng đồng ( gia đình) dâng lễ vật này biểu thị lòng thành và sự cám ơn to lớn đối với các yang, cám ơn mày, ơ trâu…”.
( Trong lễ “Xoay cột cầu mùa” của người Bâhnar Chăm, có nghi lễ 7 người phụ nữ dắt trâu đi 7 vòng quanh cột nêu trong tiếng khấn nguyện của thày cúng, để “ báo cáo” với các thần linh và từ giã cộng đồng. Bài “ Khóc trâu” của tộc người Cơ Tu từng được Huy chương vàng Liên hoan nghệ thuật dân gian ở nhiều nơi)
Người ta phải làm sợi dây bằng nứa bện rất chắc,to ngang cổ tay, chọn những người thật khỏe mạnh để hoặc đâm một nhát trúng tim, con trâu chết ngay, hoặc chặt hai chân sau cho trâu không thể chạy lồng được. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cộng đồng. Sau đó mang trâu đi xẻ thịt, lấy đầu, đuôi đặt lên mâm cúng, huyết bôi lên cột nêu, cây cổ thụ, cột nhà rông, cầu thang nhà sàn, kho lúa… ( báo cáo các vị Yang là làng đã có cúng trâu). Thịt trâu, ngoài làm bữa ăn cộng cảm cho toàn thể cộng đồng còn chia cho mỗi nhà một rẻo nho nhỏ ( Ai cũng được hưởng lộc yang), da để bện thành giây thừng hay để dành bịt trống. Chưa bao giờ và ở đâu có hiện tượng xô đẩy, tranh cướp. Xương đầu trâu, sau đó sẽ treo ở nhà rông, nhà mồ, càng nhiều đầu trâu càng minh chứng cho sự sang giàu, niềm tự hào của làng, của gia chủ.
Đó có thể coi là những hành vi ứng xử toát lên bản sắc rất nhân văn của văn hóa dân gian Tây Nguyên, khi quan niệm thiên nhiên và ngay cả động vật đều như một thực thể sinh động, có linh hồn, nên không chỉ tôn trọng thần linh, thiên nhiên mà còn cả những con vật gần gũi nữa ( với voi đã thuần dưỡng về còn có lễ đặt tên, lễ cúng sức khỏe hàng năm, thậm chí là lễ cưới …).
Vậy nên tập quán “ ăn trâu” trong các lễ lạt thực ra chỉ mang định tính là con vật được hiến sinh mà thôi. Bên cạnh đó, tộc người nào cũng có thể tổ chức “ ăn trâu”, nhưng không phải đều có lễ đâm ( như người Ê đê chỉ cần lấy đầu & đuôi trâu đặt lên mâm lễ vật dâng cúng là xong).
Tuy nhiên, trên thực tế, hàng chục năm nay ở Tây Nguyên rất ít nơi bà con còn tự tổ chức “ ăn trâu”. Vì rằng đa số đã chuyển đổi tín ngưỡng, việc cúng kiếng các yang – thần linh - không còn phù hợp. Hơn nữa, điều kiện kinh tế không cho phép , vì khó mà thu được 100 gùi lúa . Bên cạnh đó, bà con còn rất sợ bị cho là lạc hậu, mê tín, hủ tục .
Vậy thì “ lễ hội đâm trâu” thường diễn ra ở đâu?
Thực ra chỉ có ở các điểm du lịch nhân một lễ lạt nào đó của địa phương, nhằm thu hút du khách. Hoặc nhân một ngày hội hè gì, Ban tổ chức tài trợ kinh phí, yêu cầu một tộc người nào đó tái hiện lại để thực hiện cái gọi là “ lễ hội đâm trâu giữ gìn bản sắc văn hóa”… Đông đảo bà con các tộc người Tây Nguyên cũng không ưng bụng việc ở đâu đó mời thày cúng của buôn làng đến để thực hiện cái gọi là “ Lễ hội đâm trâu” cho du khách thưởng lãm đâu. Bởi người Tây Nguyên không thích thú gì với việc phải cúng “giả vờ”, cũng không có tập tục đốt tiền âm phủ thay cho tiền thật để cầu xin hoặc tạ ơn.
Mùa Khai ning nơng lại về, dẫu không còn ăn trâu thì vẫn mong sao cho tiếng ching chêng lại vang lên đâu đó trong gió đại ngàn, gọi về những vòng suang náo nức gái trai của những ngày lễ hội xa xưa.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,406
Members
189,943
Latest member
3sdecal
Back
Top