What's new

[Chia sẻ] Lang thang, Sài Gòn - Bali, đường bộ, một mình

Hành trình lang thang một mình bằng đường bộ từ Sài Gòn đến Bali, và hơn thế nữa (!?) của bpk cũng có nhiều câu chuyện buồn vui lẫn lộn. Dĩ nhiên là buồn rất ít mà vui thì rất nhiều, chứ nếu buồn nhiều hơn vui thì ở nhà đi mần cũng vậy à (tức là với bpk thì đi mần luôn luôn là buồn nhiều hơn vui, mà thường là chỉ vui vào cuối tháng thôi!). Trong những niềm vui được khám phá, được học hỏi, được mở mang đầu óc, được thanh thản hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp,… thì còn có những niềm vui nho nhỏ từ những lời động viên, thăm hỏi từ bạn bè ở quê nhà (qua Yahoo 360 blog, giờ đã qua đời), niềm vui gặp gỡ và biết thêm những người bạn mới trên con đường lãng du.


Giờ, ngồi rị mọ vẽ lại hành trình đã qua, lòng vẫn còn bồi hồi như ngày nào lang thang trên con đường đó. Và không hề nuối tiếc. Nếu được cho làm lại, bpk cũng sẽ đi lại con đường này, đi xa hơn nữa, đi lâu hơn nữa, đi nhiều hơn nữa… nhưng biết đến bao giờ?


Indo-1-1jpeg.jpg


Indo-2-1jpeg.jpg


Indo-3-3.jpg

Cung đường lang thang Sài Gòn – Bali


Trong hành trình này, con đường đi màu xanh đậm, nằm song song với con đường màu vàng là con đường trở về của bpk (cũng bằng đường bộ, mãi đến tận Jakarta). Bạn có thể hơi ngạc nhiên vì sao bpk tốn thời gian để quay lại con đường cũ, không dành thời gian đó cho việc khác. Đó là vì một lời hứa cho riêng mình, là lý do của việc bpk đã quay lại viếng Borobudur đến 2 lần, cũng là lý do ngày trước trong blog có 1 entry mang tên “Borobudur, những lỗi lầm sẽ được thứ tha…”. Và đó cũng là 1 điểm nhấn rất quan trọng trong những bước đường lang bạt của bpk.


Cùng đi nào!
 
Last edited by a moderator:
Ranong, miền biển bình yên – 3

(cont.)


P3190068.jpg

Đường phố yên bình tím ngắt bằng lăng ở Ranong

P3190078.jpg

Bông súng cô đơn trong một chậu cảnh trước nhà ai đó ở Ranong!



Xuôi tây ngắm biển, giờ lại ngược đông lên núi nghen. Tổng cục du lịch Thailand TAT giới thiệu nhiều về Ranong Canyon, cũng nằm trên con đường đi về suối nước nóng nên bpk cũng tò mò lên đường, dù không hề có ý định đến suối nước nóng. Thành thật chia sẻ với các bạn là đi bụi 1 mình, mấy cái khoảng tắm táp dù ở biển hay suối nước nóng, xông hơi massage… đều rất bất tiện vì không ai giữ đồ cho mình. Ở quê nhà mất đồ, giấy tờ còn xin gọi nhờ điện thoại cầu cứu chứ ở “ngoại quốc”, nhất là những nơi khỉ gáy cò ho mà bpk mò tới mà mất mấy thứ đó thì chỉ có khóc tiếng Mán. Nhất là sau này khi bpk “mất của” ở Malaysia thì mấy chuyện để vật quý rời xa người là chuyện không thể, đi đâu cũng mang theo, kể cả (…).

P3190020.jpg


P3190022.jpg

Suối và hồ trên đường đi vào Ranong Canyon


P3190025.jpg


P3190029.jpg

Những con đường cau miên man

P3190027.jpg

Rồi cau khô phơi trên đường



Ranong Canyon nằm không xa trung tâm lắm, cách khoảng mười mấy km. Con đường đi đẹp mộc mạc và nên thơ, chạy mải miết lên xuống những dốc đồi quanh co, men theo con suối đầy đá lớn đá nhỏ chen chúc làm nước cũng phải khó nhọc lắm mới lách qua được để chảy về xuôi. Con đường uốn lượn theo dốc đồi đã đẹp, nhưng còn đẹp hơn khi có những hàng dừa thẳng tắp chào đón – vì được trồng như 2 hàng cây bên đường thay vì sao dầu… như ở phố. Ở quê Việt cũng có những con đường dừa nhưng chủ yếu ở những con đường đất đỏ ở quê chứ không như những con đường tráng nhựa phẳng lỳ này. Hết dừa rồi đến cau. Cũng thấy nhiều nhà ở quê hay trồng 2 hàng cau thẳng tắp – “trước cau sau chuối” ở quê nhà, nhưng những con đường mà cau trồng bên đường nhựa như thế này thì chưa thấy – 18 thôn vườn trầu có còn cau còn trầu như thế này? Dân chúng còn chẻ cau ra phơi ven đường – cảnh trí y hệt quê nhà nhiều năm về trước. Giờ những vườn cau quê nhà đã nhường đất cho những dự án tiền tỷ, những mẹ, những ngoại móm mém nhai trầu giờ đã ra đi để lại đàn con răng trắng như sứ (vì toàn làm bằng sứ)… chẳng biết những vườn cau xưa có còn. Thôn nữ giờ có kẽo kẹt gánh trầu cau đi chợ quê Việt hay số phận xua đẩy sang tận Đài Loan têm trầu cánh phụng, ai nào hay?...Hết những vườn cau rồi đến những vườn trầu miên man đan xen với những vườn cây xanh ngát. Bpk chạy qua luôn con đường rẽ vào Ranong Canyon, mải mê theo con đường chính đến khi hết đường, đụng phải chân núi, chỉ còn đường đất đá lổn ngổn, mới quay lại. Cũng tính đi tiếp nhưng đi xe gắn máy trên con đường đá củ đậu sắc ngọt, vắng tanh vắng ngắt này mà xe nó xẹp lốp thì chỉ có khóc gọi Bụt chứ chẳng biết làm gì nữa, nên đành phải quay về chứ cũng máu lắm. Mà Bụt bây giờ mải đi chơi với anh Yahoo, với cô Tấm Ngô Thanh Vân chân dài tới yếm rồi, cũng chẳng rảnh mà nghe dân tình khóc than nên thôi, quay lại cho nó lành!!!



(tbc.)
 
Ranong, miền biển bình yên – 4

(cont.)


Ranong Canyon thực ra chỉ là những dãy núi đá thấp lè tè nhưng được cái nằm soi bóng bên những chiếc hồ trong xanh nên hồ tôn vẻ đẹp núi, núi làm hồ thêm mơ. Hồ trong xanh sạch đẹp, cá lội tung tăng, những dãy núi đá hoa cương nhiều màu, thỉnh thoảng đây đó lại có cụm cây cối mọc um tùm nên tăng thêm vẻ đa dạng của cụm quần thể. Gần hồ, cũng có nhiều nhà treo bảng home-stay hay hay. Nhưng phải có người ra đón chứ đi từ bến xe lên đây bằng taxi thì tiền home-stay có mà bằng tiền ở 5*. Các bé học sinh tụ tập picnic ở đây cũng nhiều. Khi thấy có khách lạ, các chú phô trương tý đỉnh, leo lên các vách núi nhảy ùm xuống – khách cũng muốn thử chút nhưng chợt nhớ hình như hôm đó dây thun quần hơi lỏng – đành thôi (?!).

P3190033.jpg


P3190038.jpg


P3190047.jpg

Các cung bậc màu sắc của Ranong Canyon & hồ xanh


Lê la bên hồ, mon men vào con đường mòn vào các núi đá, dựa bóng cổ thụ ngắm hồ, ngắm trời, ngắm mây… rồi lại về. Trên đường về chạy xe lên 1 ngôi chùa trên đồi. Bỏ xe lội bộ lên viếng chùa, chùa vàng trong trời chiều âm u càng thêm rực rỡ. Chùa có rất nhiều mô hình, tượng theo các điển tích nhà Phật. Bạn nào biết ném giúp vài cục đá nhé.

P3190052.jpg

Ở ngôi chùa trên đỉnh núi – nhiều chuông ghê hén!

P3190056.jpg

Còn đây là điển tích nhà Phật – bánh xe luân hồi?




(tbc.)
 
Ranong, miền biển bình yên – 5

(cont.)


Mải mê về phố lại thấy trên đỉnh đồi 1 ngôi chùa Tàu, cũng mon men lên dốc để vào viếng. Chùa hoành tráng nhưng vắng. Chùa do cộng động Hoa kiều ở Ranong làm nên, hình như của Lão giáo (đoán thế - bạn nào biết giúp nhé) chứ không phải của nhà Phật. Lang thang trong chùa đến chiều thì xuống dốc chạy vội sang nhà xưa của nhà quý’s tộc xưa Koh Su Chiang để viếng.

P3190064.jpg


P3190061.jpg


P3190062.jpg

Chùa Tàu trong phố

P3190073.jpg

Chùa Thái trong phố



Kỳ thực, bpk đã đi tìm ngôi nhà này rất nhiều lần theo bản đồ LP nhưng đều bị hụt khi đi ngang qua vì không thấy ấn tượng gì hết. Di tích xưa này giờ chỉ còn 1 bờ tường thấp cũ kỹ nằm bên ngoài khu vườn mà đi vội qua có thể là khu vườn hoang nào đó. Sau mấy lần hụt mà mải chơi bpk đi đến điểm khác, đến lúc quyết tâm đi tìm thì mới thấy là kế bên bức tường – khu vườn hoang đó là 1 con đường, rẽ vào con đường đó mới đến cổng vào nhà thờ từ đường của ngài Koh Su Chiang. Bây giờ trong nhà cũng chẳng còn gì, chỉ còn những dấu tích hoang phế của 1 khuôn viên rộng lớn, những bài báo nghiên cứu về ngài đính trên tường và một số vật dụng xưa của gia tộc. Thế nhưng ở đó bpk đã gặp 1 cô bé Thailand đang làm luận án cao học về ngài đang trú ngụ ở gần đó để tiện việc tìm hiểu. Bé nhiệt tình giải thích đủ điều nhưng cái đầu lỏng của bpk chỉ nhớ được chút ít lúc đó, giờ quên tiệt. Có điều có chụp hình lại các bài viết về tiểu sử… nên bạn nào muốn làm luận án cao học, tiến sĩ… thì báo, bpk sẽ gửi thông tin cho.


P3190080.jpg

Di tích nằm sau bức tường vỡ này – có ai nào ngờ.

P3190074.jpg


P3190076.jpg

Di tích ngôi nhà của ngài Koh Su Chiang

Chiều đã rất chiều. Khu vườn vắng giờ thêm vắng. Những cơn gió từ biển không xa ngoài kia ùa về mang theo hơi ẩm ướt thổi vào khu vườn một không khí hoang vắng tái tê. Thành ốc thênh thang, nhà rộng vườn sang,… qua những cuộc dâu bể giờ chỉ còn dấu vết tang thương.


Thế sao vẫn còn mê mải…?!



(tbc.)
 
Ranong, miền biển bình yên – 6

(cont.)

Từ Ranong lướt nhanh qua Kawthaung, Myanmar


Ranong đã từng là điểm đến vàng son tấp nập một thời, khi chính quyền Myanmar còn mở cửa cho du khách đến Kawthaung, để rồi từ đó đi tiếp vào sâu trong đất liền. Sau những vụ biểu tình, đình công, bạo động năm 2007… chuyện này giờ đã thành dĩ vãng. Những chuyến đò nối liền 2 miền biển Ranong – Kawthaung vẫn ngược xuôi tấp nập nhưng giờ chở chủ yếu là những người dân Myanmar sang Thailand làm lụng hoặc đi mua sắm, chỉ thỉnh thoảng mới lọt thỏm vài mái đầu vàng hoe sang Myamar để đóng dấu out rồi để lại đóng dấu in vào cuốn passport khi thời hạn của visa gần hết. Do vậy, con phố balo ở Ranong giờ vắng tanh, dù vẫn còn giữ vẻ huy hoàng ngày xưa qua những tấm biển hiệu chưa gỡ xuống, ở những quán bar theo kiểu Viễn Tây giờ vắng hoe nhưng vẫn còn mang những cái tên Tây Mỹ kiêu hãnh ngày nào.


Nhưng đã đến đây rồi, bpk không thể không sang Myanmar, dù chỉ đến được Kawthaung bpk cũng phải đi, rồi tính tiếp.

P3200109.jpg

Bến đò chở khách từ Ranong, Thailand sang Kawthaung, Myanmar


Đón chiếc xe Sawngthaew số 4 ngay trước chợ, đi theo hướng ra bến cảng. Hiểu ý “người ngoại quốc” xe dừng chân ngay trước trạm làm thủ tục hải quan xuất cảnh. Bpk lon ton đi vào cùng mấy bạn tóc vàng hoe làm thủ tục, rất nhanh và còn được anh hải quan dễ thương chỉ dẫn việc photo thêm passport để nộp cho chính quyền Myanmar khi sang bên kia. Mấy bạn khác không được hướng dẫn khi sang bên kia lúng túng như gà mắc tóc, phải nhờ mấy nhóc địa phương đi copy với giá cao hơn – còn bpk lúc đó đã nhởn nhơ phất phơ lượn trong khi các bạn ấy còn phải chờ. Làm thủ tục xuất cảnh xong bên phía Ranong sẽ có đội xe ôm đứng chờ để thỏa thuận giá cả, xong xuối các anh sẽ chở mình đến bến đò. Lại chờ tiếp, khi nào đủ người thì lên đò. Cũng hơi lâu lâu 1 tý vì đò này đi là đò ngoại quốc (!), giá cao hơn giá của dân, nên phải chờ gom đủ các bạn ngoại quốc khác rồi mới lên đường.


P3200124.jpg


P3200127.jpg

Tượng Phật Quan Âm (theo kiến trúc chùa Tàu) trên đảo biên phòng Thailand

P3200144.jpg

Đảo biên phòng Myanmar


Đò “ngoại quốc” của bpk đi chở ít khách, nhưng các con đò khác chở dân chúng đi thì rất khẳm. Dù biết là đoạn đường không dài, chỉ 25-30p nhưng giữa biển khơi thì biết đâu mà lường, nhưng có lẽ cư dân ở đây quen rồi. Đoạn đường biển giữa Ranong & Kawthaung có 1 hòn đảo nhỏ, cũng là đồn biên phòng Thailand. Ở trên đảo, người ta đã thành kính thờ 1 tượng Mẹ Quan Âm rất lớn, tay cầm bình nước cam lộ và nhành liễu để ban ơn mưa móc cho những người dân nghèo Myanmar ngày đêm ngược xuôi cần mẫn sang Thailand làm lụng tích góp mong về một tương lai tươi sáng mai này. Chỉ cách 1 con sông, 1 khúc biển nhưng sao những phận người quá khác biệt.

P3200138.jpg


P3200151.jpg

Những con đò đầy ngược xuôi qua lại


(tbc.)
 
Ranong, miền biển bình yên – 7

(cont.)


P3200135.jpg


P3200141.jpg

Bên đó là Kawthaung, Myanmar rồi


Kawthaung đây rồi. Myanmar đây rồi. Bến đò cũ kỹ, cũng là đồn hải quan xập xệ nhưng được cái các bạn ở đây vui vẻ. Tuy không bằng Thailand nhưng hơn hẳn… (bạn tự điền vào nghen). Nộp tiền, đóng dấu cái cộp 1 cái là bạn đường hoàng bước vào đất Myanmar.

P3200155.jpg

Cầu cảng bé nhỏ và cũ kỹ - cửa ngõ vào Myanmar đây!!! Welcome bpk to Myanmar!

Rất lạ là hôm nay nắng không gắt nhưng rất chói, khó chịu. Những ngày mây mù đâu rồi, người vẫn đang bịnh nên bpk rất mệt với cái nắng khó chịu ở miền biển Kawthaung này. Khác với bên Ranong, ở đây cây cối đã bị chặt tỉa tương đối sạch nên đã nắng lại càng thêm nắng. Rời khỏi đồn biên phòng, sang bên đường bpk bước vội vào 1 quán bên đường để trốn nắng và bắt đầu ngồi ngó nghiêng cuộc sống người dân Myanmar ở đây.

P3200172.jpg

Quán vắng nơi bpk trốn nắng ở Kawthaung


Trưa nắng ngồi trong quán nhìn poster quảng cáo bia Myanmar với các bé Myanmar đẹp mũm mĩm là thèm (bia) dù đang mệt (!?). Chẳng biết “sự mũm mĩm” được xem đẹp là do người dân còn khốn khó hay người ta chuộng kiểu đẹp phì nhiêu của các bức tranh thời Phục hưng gì gì đó nữa. Chỉ có điều là các bé người mẫu quảng cáo rất phốp pháp, không hấp dẫn như ly bia Myanmar thanh cảnh vàng óng ánh – tuy không bằng Singha, Chang nhưng bia Myanmar cũng rất hấp dẫn. Trong nắng trưa nóng nực ở miền đất nghèo có ly bia vàng thì “đời thế mà vui” rồi, cần gì hơn nữa. Nghỉ ngơi 1 lát, nói chuyện với 1 ku địa phương, đâu chừng 15-16 tuổi nhưng miệng nhai trầu toen hoét, để nhờ ku chở đi hỏi kỹ về dịch vụ làm visa ở đây cũng như cách thức vào đất liền vì ku nói là làm được. Lên xe máy ku chạy lên dốc xuống đèo vào trong phố, gặp mấy anh chàng quấn longi làm việc ở các travel-agency, hỏi thăm thì mới được xác-nhận-lần-cuối-cùng là không có cách nào để vào sâu Myanmar từ đây, kể từ sau năm 2007. Chán, thế là leo tiếp lên xe, kêu ku em chở đi thăm thú các chùa chiền ở đây, dù chẳng ai nói rằng Kawthaung đẹp, được biết đến nhiều… là nhờ chùa chiền. Cứ thấy có nhiều mái chùa vàng vàng, cao cao nhô lên từ xa xa… là bpk cứ chỉ cho ku em đó chở đến.

P3200162.jpg


P3200163.jpg

Chùa Myanmar, vàng và trắng – giờ nhìn lại hình vẫn còn nhớ cảm giác nhức mắt lúc đó

P3200160.jpg

Chùa đang sửa, nhưng cái sân chùa trắng lóa đã làm xong rồi



Không biết các bạn cảm nhận thế nào nhưng bpk thành tâm mà nói không thích cái cách người ta lát gạch men bóng loáng, trắng toát trong các sân chùa bpk đã gặp ở Kawthaung, rồi cũng gặp sau đó ở các nơi khác trên đất Myanmar. Nắng hắt vào gạch men rồi hắt ngược lên làm đau rát mắt bpk, mở mắt không nổi luôn. Hơn nữa, do khi vào chùa phải bỏ dép từ bên ngoài, nên việc đi ngang qua các sân men trắng hấp thụ nắng vô cùng tốt này là 1 thử thách không nhỏ với bpk. Và nói chung, với cuộc sống dân chúng còn khó khăn ở đây, nhìn các ngôi chùa vàng rực rỡ và sân chùa trắng toát gạch men bpk cũng hơi buồn buồn, dù các sư thầy ở đây rất hiền hậu, nhiệt tình, rất khắc khổ chân tu chứ không như ở... (bạn tự điền vào nhé). Biết là do sự thành tâm của dân chúng muốn mang đến những gì tốt đẹp nhất cho ngôi chùa thân yêu của họ nhưng bpk vẫn cảm thấy gờn gợn trong lòng khi nhìn thấy sự tương phản giữa sự rực rỡ này và những khu nhà xập xệ trong phố. Đi chỉ vài ngôi chùa, bpk nhờ cậu bé chở về chỗ cũ vì cảm thấy mệt trở lại, giống như bị say nắng bởi cả cái nắng ở trên trời và dưới đất hắt lên, cùng ập đến.



(tbc.)
 
Ranong, miền biển bình yên – 8

(cont.)



Kawthaung, dù đã là thành phố vùng biên có giao lưu buôn bán với Thailand… cuộc sống chắc có phần đỡ hơn trong sâu, nhưng thấy cũng còn rất nhiều khó khăn. Nhà cửa còn rất xập xệ tuy nhiều khu phố mới đã mọc lên. Những căn nhà lớn, những khách sạn cho dân balo giờ không còn khách nữa đã đóng cửa, rồi xuống cấp làm phố thêm cũ kỹ. Dân chúng thân thiện nhưng trong ánh mắt của họ bpk có thể cảm nhận được sự mệt mỏi không che dấu – như những ngày xa xưa ở quê nghèo.

P3200170.jpg

Các bé mũm mĩm Myanmar quảng cáo bia, ở Saigon bạn nào “màu mỡ” tý sang Myanmar chắc dễ cưa hàng (!?)

P3200156.jpg

Một góc Kawthaung nhìn từ trên 1 ngôi chùa trên đồi


P3200177.jpg

Xe bus cũ kỹ ở Kawthaung


P3200180.jpg


P3200178.jpg

Đường phố ở Kawthaung


Vẫn còn đang bịnh nên bpk không đi lang thang nhiều trong cái nắng gay gắt ở đây. Sau mấy giờ lang thang, thấy hơi mệt, bpk vội quay lại bến tàu để về Ranong. Lỡ có gì thì bên Thái vẫn ok hơn, nhất là vấn đề ngôn ngữ cũng dễ hơn. Thế là chia tay Kawthaung, chia tay Myanmar, vội vã đi như vội vã đến. Con đò nhẹ tênh của bpk thường chạy nhanh băng qua hay luôn gặp phải những chuyến đò nặng trĩu của những dân Myanmar tất tả ngược xuôi sang Thailland làm lụng hay trở về… làm bpk càng thêm nặng lòng…

P3200188.jpg

Đường lên chùa, bên vách núi, ở cạnh biển ở Kawthaung


P3200186.jpg

Ánh mắt Myanmar


Những ký ức về Kawthaung không nhớ nhiều lúc ở đó, nhưng khi đã chia xa lại ùa quay trở về rất nhiều mỗi khi xem hình hoặc nhớ đến – nhớ những nụ cười đỏ thân thiện, ánh mắt buồn buồn, cả nét láu cá lừa lọc nhưng lại bỡ ngỡ như xấu hổ ngại ngần của nhóc làm xe ôm cho bpk, những nụ cười bẽn lẽn, những vui mừng của các bé khi bpk đề nghị chụp hình chung, nhớ cả những sân chùa lóe nắng trắng rợn người, nhớ cả những mái vàng lấp lánh vươn cao của những ngôi chùa trên những mái nhà cũ kỹ mòn úa xám xịt hay cong queo hoen gỉ đỏ lô xô bên dưới và nhớ mãi những con đò đầy bồng bềnh những phận người vẫn mãi ngược xuôi lầm lũi đi về… Ôi, Kawthaung!



(tbc.)
 
Ranong - miền biển bình yên - 9.

(cont.)




P3210005.jpg


P3200002.jpg

Những buổi chiều lười nhác ngắm phố phường Ranong từ trong quán café vắng – dấu xưa huy hoàng của Ranong vẫn còn đâu đó….


Bpk lại chia tay Ranong để đi tiếp hành trình của mình và biết rằng khó có dịp quay lại mảnh đất này dù rất mến yêu. Con người thật đáng bị trừng phạt bởi sự tham lam của mình (!?). So với việc quay lại miền đất thương nhớ đã từng đến, đã từng biết,… hành trình khám phá một miền đất mới bao giờ cũng được ưu tiên hơn (ít ra là với bpk). Dù đôi lúc ra đi vội vã, chia tay chốn yêu thương để đến vùng đất mình ham hố khám phá, mới biết mình đã sai, đã rất sai!!!

P3180182.jpg

Ranong yên bình một chiều mưa, ngày bpk vừa đến


Những ngày ở Ranong thật yên bình và là điểm lặng đáng nhớ trong những bước đường lang thang của bpk. Không hào nhoáng lộng lẫy, không tiếng tăm, không danh phận… Ranong như nằm bên ngoài dòng chảy du lịch cuồn cuộn của Thailand. Bpk rất thích điểm này ở Ranong. Những buổi chiều nắng nhạt hay mưa bay giăng giăng tơ chiều, bpk lang thang cuốc bộ trên những con đường dốc đèo đầy bóng cổ thụ, những ngôi nhà hoa nở vàng hiên, những bờ tường xanh bìm bịp, những khung cửa sổ trắng rực rỡ cúc vàng, bông giấy đỏ… bpk cứ ngỡ như mình đang ở cao nguyên đất Việt. Những chiều muộn mệt mỏi, những đêm mưa nhác lười Ranong… bpk lang thang vào những quán bar dành cho dân địa phương, thả người trên ghế ngắm mưa bay ngoài kia, nghe những bài tình ca đương đại Thailand sôi động chen lẫn những tình khúc quốc tế xa xưa rủ rỉ thì thầm những lời yêu… Chỉ tiếc là những ngày ốm đau bệnh tật đó, bpk vẫn chưa khỏi hẳn vào đêm cuối nên đã không chia tay Ranong bằng một đêm “quên cả lối về” - như vẫn thường làm khi chia xa những miền đất mến yêu đã từng chứa chấp, che chở kẻ lang thang bạc bẽo bội bạc bpk này.

P3190090.jpg

“Chiều đi lên đồi cao”… hát trên biển hoàng hôn


P3190102.jpg

Những đêm mưa Ranong biếng nhác buông mình trên ghế nghe tiếng nhạc trong tiếng mưa (chỗ nào có cái chai là có nó!!!)


Và lần này, khi ghé ngang Ranong lần thứ hai trên con đường lang bạt, dù chỉ tạt ngang đôi chút, bpk đã cảm thấy ấm áp. Kia là con phố quen, nọ là dãy núi mình đã biết, đây là con đường mình đã ngược xuôi đi về… cảm giác sao thân thuộc… như mình vừa trở lại, quê nhà...


.
 
Phuket, đảo ngọc đã hồi sinh – 1

@ Linh, Ranong khác Rayong. Rayong là bên bờ đông Thailand, gần với Pataya và nổi tiếng với hòn đảo du lịch Ko Samet. Còn Ranong bên bờ tây của bán đảo Thailand-Malaysia. Ranong thì không có gì nổi tiếng hết!

..............................................................................................

Hix, đi từ Saigon đến Bali bằng đường bộ mà giờ chỉ mới còn ở Ranong, chỉ mới nửa đường Bangkok - Phuket thì chừng nào mới đến nơi hả trời. Tăng tốc thôi, tăng tốc thôi!!!!!!


Thật khó khi viết về sub-topic này vì cả yếu tố khách quan và chủ quan. Đảo ngọc Phuket nổi tiếng cũng ngang ngửa Bali, nhưng Bali đã được nhiều bạn dành nhiều topic để chia sẻ (và cũng từ đó đã kêu gọi, lôi kéo được nhiều bạn khác lên đường đến Bali), còn Phuket thì chưa nhiều – nếu không muốn nói là chưa có trong diễn đàn này. Sẽ có bạn cho rằng Bali ngoài phong cảnh ra còn có nét đẹp văn hóa, còn có nhiều khu vực khác nhau mang những nét rất riêng như Ubud, Uluwatu… khác hẳn khu Kuta ăn chơi nhộn nhịp… Nhưng Phuket cũng vậy, Phuket cũng không chỉ có Patong Beach mà còn nổi tiếng với nhiều địa danh khác như Promthep Cape, Phi Phi Island, Coral Island… chưa nói đến thành phố Phuket êm đềm hiền hòa, không kém phần tươi đẹp nhưng thường bị lu mờ các bãi biển dừa xanh cát trắng quyến rũ du khách ngoài kia. Về phần bpk, vì 2 lý do a/ nhắm đến mục đích chuyến đi là hành trình trên đất Indonesia nên chỉ xem Phuket là điểm dừng trên đường, vì vậy thời gian dành cho Phuket không nhiều; b/ vì đã ghé Phuket 2 lần rồi nên lần này cũng chỉ dự định cỡi ngựa xem hoa… do vậy, đã dự định không ở đây lâu. Nhưng ôi thôi mọi việc đã không như bpk nghĩ, Phuket xứng đáng là một đảo ngọc của châu Á, nhất là sự hồi sinh mạnh mẽ của đảo sau thảm họa sóng thần vào năm 2004. Bạn chưa tin phải không? Mời bạn cùng đi tham Phuket cùng bpk nào!


phuket-map1.gif

Đảo ngọc Phuket


Đây là lần thứ 3, bpk ghé lại Phuket, lần đầu đi họp, suốt ngày trong phòng, lần thứ 2 đi tour với cả công ty. Sau lần thứ 3 này mới càng thấy các tour-tiết là cực kỳ… (xin lỗi nếu đụng chạm đến các bạn nào làm tour), chỉ phù hợp cho các gia đình, các công ty hoặc các bạn nào ngại va chạm … mà thôi. Những gì bpk biết và học hỏi được qua mấy ngày lang thang ở Phuket hơn gấp nhiều nhiều lần so với việc đi tour – mà so sánh này cũng mắc cười ghê luôn hén! Chỉ có điều hơi tiếc là kỳ này, do đã đi rồi, bpk không ra nhảy múa ngoài các đảo nữa, nên phần thông tin về Phuket cũng bị hạn chế nhiều.



Nằm ở bờ tây bán đảo Thailand – Malaysia, tiếp giáp với biển Andaman, đảo Phuket giờ đã được nối với đất liền bằng cây cầu băng qua biển, dài 666m. Đảo rộng khoảng 600 km2, nghĩa là nếu như đảo này vuông vắn sẽ có kích thước cỡ 20km x 30km, cũng có nghĩa là bạn có thể chạy vòng quanh đảo, chu vi (20+30)x2 = 100km trong 1 ngày (!).



Mênh danh là “Viên ngọc của miền Nam”, Phuket là tỉnh rộng nhất, giàu có nhất và là địa danh được thăm viếng nhiều nhất ở Thailand. Nơi đây hòa quyện nhiều sắc màu của cuộc sống, đa dạng đến ngỡ ngàng. Đảo ngọc nổi tiếng bởi những bãi biển dừa xanh cát trắng, rồi đến thông xanh, cọ xanh cát trắng, những sườn núi xanh ngát chạy dài, những rặng núi đá chạy dài ra biển tạo thành những vịnh êm đềm, kể cả những đảo đá vôi sừng sững giữa biển khơi trong veo xanh ngắt… Đây là nơi bạn có thể đến để bơi lội tắm nắng bên những bãi biển cát trắng phau hay hụp lặn tung tăng ngắm san hô cùng những đàn cá tung tăng vây quanh hay thám hiểm những đảo hoang leo trèo trên những vách đá hay thả mình trong 1 quán nhỏ trên đồi chiều xanh xanh êm êm như mơ. Chưa hết, khi đêm về bãi biển giờ chỉ dành cho những người mộng mơ ngắm sao rơi trên biển đêm, phố phường giờ rực rỡ ánh đèn màu, sáng như ở ban ngày, người đông đúc tấp nập…. Dù cho cư dân chính ở đây lên đến 35% là những người Thái – Muslim, khác với bên bờ đông đảo ngọc rất yên bình và hiền hòa, bạn có thể gặp chùa Thái, chùa Tàu, nhà thờ Hồi giáo… thanh bình bên nhau trong phố.


P7100024.jpg



P7100080.jpg

Dấu vết của sóng thần giờ chỉ còn là những biển báo


Đợt sóng thần kinh hoàng vào tháng 12-2004 đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng và phá tan hoang bao nhiêu nhà cửa công trình…, nhưng trở lại Patong Beach, giờ chỉ thấy dấu vết của Tsunami qua những biển hướng dẫn nơi lánh nạn, những cảnh báo… Thành phố giờ đã xây dựng tươi đẹp như xưa. Sự sống đã hồi sinh mạnh mẽ trở lại trên đảo ngọc. Phuket đã hồi sinh nhanh chóng và đang chờ đón bạn đấy.


P7110370.jpg

Đường ven biển ở Patong bây giờ phồn thịnh sầm uất


P7100027.jpg

Biển Patong xanh ngời trong nắng, trắng ngần cát tinh khôi


Bpk đến Phuket Town vào xế trưa. Dự định là sẽ ở Phuket Town rồi thuê xe chạy lòng vòng chứ không ra ngủ ở các GH ngoài bãi biển, nên bpk ghé vào On On Guest House, cũng trên đường Phang Nga (có bến xe liên tỉnh), cách bến xe khoảng 5p đi bộ. Giá cũng chỉ 150baht/phòng (có thể ở 2 người), thuê xe cũng chỉ 150baht. Ông chú quản lý GH rất nhiệt tình giúp đỡ cho bản đồ hướng dẫn những điểm đến mà LP không đề cập như làng Gypsy, café đồi Phuket…, nhất là sau khi chú đi viếng chùa và gặp bpk cũng đang lang thang ở ngôi chùa trên đồi Phuket nữa. À, để bpk chia sẻ với các bạn dễ hình dung về Phuket và các bãi biển. Phuket town là trung tâm hành chính của đảo, khách du lịch ít khi ở đây mà ra ở luôn ngoài các bãi biển như Patong (14km), Karon & Kata (+6km từ Patong), Surin ( # 25km)…. Đường đi từ Phuket Town đến bãi gần nhất là Patong rất đẹp nhưng nguy hiểm vì đèo dốc rất cao và rất thẳng nên làm dốc càng đứng hơn. Hàng năm có đến cả ngàn người chết và bị thương vì tai nạn xe cộ ở Phuket, nhất là khi các bạn lưng tưng rồi chạy xe tưng tưng. Nghe vậy cũng ớn, nên dù đã là tay lái lụa nhiều năm (?!) ở VN, bpk cũng rất thận trọng khi chạy xe ở đây.


P7100091.jpg

Một góc biển nào đó của Phuket, trên đường từ Karon Beach đi mũi Promthep


Sau khi ổn định chỗ nghỉ, tắm rửa tẩy trần sau hơn 13h trên xe… bpk leo tót lên xe, chạy lòng vòng Phuket Town cho quen đường sá rồi thẳng tiến Patong – tìm lại miền đất xưa, nơi bpk đã từng có 1 đêm trắng cũng như đã ngược xuôi 4 lần trong đêm từ Phuket Town – Patong Beach…



(tbc.)
 
Mình cũng đã đi Phuket bụi 2 lần, mặc dù cũng cưỡi ngựa xem hoa nhưng chưa viết lần nào. Bác viết làm mình nhớ Phuket quá. Hy vọng có ngày sục sạo hết Phuket

Theo mình Phuket chưa bị khai thác quá mức như Bali, có lẽ tại xa Úc hơn :D
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,584
Bài viết
1,170,031
Members
192,208
Latest member
namthilananh
Back
Top