Từ chân đèo Cổ Mã một dãi cát trắng chạy thẳng ra biển theo hướng Đông Nam tạo thành bán đảo Bàn Sơn dài độ 30 km trong nhỏ, ngoài to, hình thù giống như chiếc chìa khóa mà những cái răng chìa xuống hòn Lớn, cán hướng lên đèo Cổ Mã. Hai răng chìa khóa ôm lấy cửa Vạn có hòn Lớn đứng trước cửa như bức bình phong.
Làng Tuần Lễ nằm trên bãi cát trắng cách Ninh Mã độ 5 km, thuộc xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, từ đó các đụn cát trắng và các đồi đá thấp nối tiếp chạy dài đến Đầm Môn, Hòn Gầm, thuộc xã Vạn Thạnh. Từ Ninh Mã đến mũi Hòn Ngang dài độ 13 km, bờ biển thẳng: khởi đầu là một dãy đồi cát thấp, qua khỏi đồi cát thấp sẽ tới một dãy đồi đá thấp, tiếp theo là một dãy đồi cát cao che khuất mặt Đông của làng Vĩnh Giật.
Các dãy đồi đá và đồi cát tiếp nối chạy dài này là một bức trường thành che gió mùa Tây Nam cho vùng Đại Lãnh, Vũng Rô. Trên đoạn này có một cái truông gọi là truông Tràm có nhiều cây tràm mọc, còn có tên là bãi Võ, cát ở đây khác với cát ở các nơi, vì khi bước lên có tiếng kêu kít kít. Dân chài cho biết nơi đây xưa kia là dãy đá ngầm, rất nhiều ghe thuyền bị chìm đã nằm chồng chất lên nhau tạo thành một bãi chướng ngại vật khiến cho cát bị gió đánh từ xa bay vào tụ lại lâu ngày thành bãi Võ này.
Gió mùa Đông Bắc từ biển thổi vào qua mũi Varella (phía Đông Vũng Rô) dồn xuống đồi cát Vĩnh Giật và dãy núi hòn Lớn, vì đồi cát và núi này cao nên gió bị chận lại, dồn ép và thổi bật qua hòn Gầm, qua truông Tràm và vào thẳng Tu Bông thành một luồng gió mạnh và cuốn xoáy. Chính ngọn gió này đã làm cho Tu Bông nổi tiếng "Gió Tu Bông".
Ông tha mà bà khổng tha
Trời cho cây lụt hăm ba tháng mười
Đồi cát Vĩnh Giật là cánh cửa chắn gió cho vùng Vạn Giã, nếu việc khai thác cát để xuất khẩu kinh doanh là điều không nên, vì gió mùa Đông Bắc sẽ tràn vào Vạn Giã !!!
Đi khỏi mũi Hòn Ngang hơn 3 km thì núi nổi lên làm cho bờ biển trở nên gập ghềnh khúc khuỷu. Từ Ninh Mã đến Vĩnh Giật, (hay còn gọi là Vĩnh Yên) là cán chìa khóa, Từ Vĩnh Giật đến Khải Lương là răng chìa khóa, trong khoảng răng chìa khóa có nhiều mũi đá như mũi Hòn Ngang, mũi Đá Chôn, mũi Đồi, mũi Hòn Chò. Mũi Cột Buồm ở về phía Đông, mũi Gành nằm về phía Nam cuối bán đảo, mũi Nai Ba Kèn nằm ở phía Nam cửa Vạn, trong khi mũi Cổ Cò, mủi Đá Sơn nằm ở phía Tây bán đảo.
Khi rời mũi Hòn Ngang có một bãi cát dài độ 5 km gọi là bãi Cát Thắm, tiếp theo là một dãy núi cao 201 m, tại đây có mũi Đá Chôn, mũi Đồi như đã nói ở trên, phía ngoài có đảo Đồi Mồi. Men theo hết chân núi sẽ đến đầm Bà Gia. Hòn Gầm (gần đèo Cổ Mã) cách đầm Bà Gia chưa tới 20 km, nhưng nếu biển động thì ghe bàu phải đi mất bảy ngày:
Hòn Gầm nghe sóng bổ vang
Đi bảy ngày đàng mới đến Bà Gia
Tại Hòn Gầm vào mùa gió Tây Nam, người địa phương thường đến dựng lều để bắt cá, tôm, khi hết mùa gió là họ bỏ đi.
Trên đường đi vào các ghe bàu sẽ qua các đảo Hòn Khô Đen, Hòn Khô Trắng, đảo Hòn Đen, và đảo Trâu Nằm:
Trâu ai cắc cớ chẳng ăn đồng
Lúc ngúc ra nằm giữa biển Đông
Sóng trắng lô nhô xao trước mặt
Rong xanh tấp tểnh đóng bên hông
(Theo vinhhoi.net)
Từ cửa Hải Triều chạy quanh co một đỗi ra đến QL1A
Ngã 3 ra Đầm Môn (Con đường xẻ cát)