What's new

Mấy tháng không tiền, lang thang Châu Á, chia sẻ cùng mọi người.

Những câu chuyện dưới đây được viết dựa trên 2 cuốn hồi kí trên đường của tôi hồi năm ngoái! Nếu mọi người thấy không quá nhàm chán, tôi sẽ tiếp tục Post.


Xe trả khách, và tôi biết mình đã thực sự bắt đầu một câu chuyện mới. Ai nấy đều có quá khứ riêng họ, tôi cũng có cái thứ đó, có điều hơi bẽ bàng một chút. Nhưng dại gì mà cứ đóng khung cuộc đời mình bằng những thời điểm, nghĩ vậy nên tôi dấn thân vào chuyến đi này lòng đầy quyết tâm và háo hức.

Thả bước dọc theo dòng sông Ka Long đi về phía cửa khẩu, tôi lôi tấm bản đồ thế giới điểm lại kế hoạch lớn lao của mình. Bắt đầu từ Trung Quốc đại lục, sau khi có một số vốn tiếng Trung, tôi đi đến Côn Minh để tìm đường sang Tây Tạng huyền thoại. Từ miền đất thánh này tôi sẽ nỗ lực vượt qua dải Nepal vĩ đại để đến với quê hương Đức Phật. Sẽ dừng chân ở Ấn Độ để tiếp tục mưu sinh và học tiếng, chuẩn bị cho hành trình tới Biển Đen. Qua Pakistan, men theo bờ biển Ả Rập, tôi sẽ tới Iran, từ đây, tiếp tục hướng về phía tây đi theo vịnh Oma. Đến biên giới Irak, ngược về hướng Bắc sẽ đến giao miền Nam Á và Đông Âu, chắc phải nghỉ ở Ankara. Sau đó tiếp tục đi để đến Roma và dừng lại ở Kinh Đô Ánh Sáng. Châu Âu văn minh sẽ mang lại cho tôi một cuộc sống giàu sang và hiện đại, điều này chắc chắn rồi, vì kiều bào nào về nước chẳng toát lên cái vẻ dễ thấy của mấy người thành đạt. Rồi tôi cũng sẽ là một Việt kiều lắm tiền nhiều của, chẳng cần phải cứ đi mãi một con đường, thành Rome còn nhiều ngả đến. Niềm tin đó là hành trang có giá trị nhất thôi thúc tôi lên đường với ba bộ quần áo, ba cuốn sổ ghi và một hộ chiếu mới có duy nhất một tấm Visa Trung Quốc.

Cứ nghĩ đến việc mỗi vùng đất đi qua đều thấm những giọt mồ hôi lao động của mình tôi lại thấy phấn khích lạ thường. Và cũng chẳng có lựa chọn nào khác để đi và tồn tại với một kẻ vô sản ngoài việc làm bất cứ việc gì ra đồ ăn, ra vé xe và ra Visa, miễn là tới được Paris, tới được sự giàu sang, tôi sẽ làm bất cứ công việc chính đáng nào.

Tôi ghép chữ thành thơ, trịnh trọng ghi nó lên trang đầu tiên của cuốn nhật ký hành trình bên cạnh một số thông tin liên lạc trong trường hợp cần thiết.

Nụ cười dọa những phong ba
Bàn chân dọa những đường xa gập ghềnh.
Cơn gió cuối đông rung rung cọc nhọn lòi lên ở giữa dòng sông làm mọi thứ trông hao gầy một cách thảm hại, chào Tổ quốc và hẹn ngày gặp lại!

Ngay lập tức, tôi lao vào tìm việc. Thành phố Đông Hưng có nhiều người Việt làm ăn và sinh sống nên không khó để giao tiếp. Trong đám xe ôm nhao nhao tìm khách có một khuôn mặt khắc khổ, dáng người nhỏ con, ông nói tiếng Việt lơ lớ “Đi đâu ông chủ?”. Haha, ông chủ đi tìm việc. Tôi cười sảng khoái như bị cù léc.

Ông nói, người Việt sang đây làm công nhân nhiều lắm. Xưởng gỗ, xưởng điện tử, xưởng sản xuất máy lửa, nhưng phải đến rằm tháng giêng thì xưởng mới mở cửa làm việc nhiều, bây giờ còn ít lắm. Visa có hạn nên tôi không thể chờ đến cả tuần, tôi nhờ ông chở đến các xưởng đã mở cửa. Đúng như lời A Quốc nói, đi đến đâu tôi cũng thấy có công nhân người Việt, họ đều nhiệt tình giúp tôi nói với ông chủ nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu vì không biết tiếng Trung. Vạn sự khởi đầu nan, tôi biết vậy nên vui vẻ đón nhận những khó khăn đầu tiên, đáp lại nó bằng tất cả nhiệt huyết.
Xế chiều, mọi việc vẫn chẳng có gì khá hơn, tôi cảm ơn và từ biệt A Quốc, hẹn ngày mai gặp lại. Phía bên kia dòng sông là đất nước mình, có tòa nhà cao mấy chục tầng, người ta gọi là tòa nhà cao su vì của Tập đoàn Cao su đầu tư. Tôi thấy nó lênh khênh trơ trọi trong buổi chiều đông ngược gió. Mấy con đò đìu hiu đợi khách qua biên trên dòng sông khô cằn. Mới chiều qua thôi, còn ấm áp bên bữa cơm gia đình, nay đã cô quạnh một mình nơi biên ải. Có lo toan dấy lên trong mớ cảm xúc bộn bề, liệu tôi có đi qua được bẽ bàng của quá vãng, viết nên những trang mới mẻ cho cuộc đời mình, hay chỉ là câu chuyện lặp lại với kết thúc chẳng tốt đẹp gì! Mọi thứ trùng xuống một cách nặng nề, có vệt đen dài trên dòng sông cạn, từ bờ này đến bờ bên kia. Không, phải nói là từ đất nước này đến đất nước kia mới chính xác. Ô kìa, đúng rồi! chính là cái bóng của tôi, không ngờ ánh tà dương đông tàn yếu ớt cũng có thể làm cho cái bóng của mình hoành tráng đến vậy. Đừng hoài nghi nữa, câu chuyện cuộc đời mình có thể là chuyến phiêu lưu bất tận, là cuộc tình lãng mạn nhất hành tinh, là bất cứ thứ gì mà ta muốn nó thành. Cứ tiếp tục bắt đầu thôi! Nhuệ khí của tôi lại dâng lên như chú gà trống choai chuẩn bị đập cánh.

Rồi chợt thấy từ xa xa có đám người xuống lên, khuân vác, tiến lại gần mới hay người ta đưa hàng qua biên giới bằng cách này. Toàn là người Việt, tôi hỏi một người nhìn giống ông chủ nhất “Chú ơi, ở đây có việc gì không cho cháu làm với?”. Ông nói mới qua Tết nên ít hàng, phải đợi thêm vài ngày nữa thì sẽ có thể tìm được một chân bốc vác với mức lương khoảng 100 tệ một ngày ở đây. Trong lúc chờ hàng xuống đò, chúng tôi có nói chuyện qua lại. Thấy tôi ăn nói hoạt bát, nhanh nhẹn, cuối cùng chú nhận tôi về làm trong quán ăn của gia đình tại thị trấn biên ải này. Tôi làm phụ bếp, bồi bàn, kiêm dạy tiếng Việt cho cô con gái út nhà cô chú với mức lương một ngàn năm trăm tệ một tháng. Họ là người Hoa gốc Việt nên muốn con cái gìn giữ tiếng nói quê hương. Đúng là sự khởi đầu tốt.

Tại gia đình nhà chú, tôi được bố trí ở một phòng rộng rãi, có tivi to và toilet, sang trọng không kém gì một nhà nghỉ. Công việc cũng không vất vả gì, 5h sáng tôi dậy để dọn dẹp bàn ghế, chuẩn bị bán hàng, đến 7h tối thì đóng cửa, 8h đến 10h đêm, dạy tiếng Việt cho cô gái út Lưu Ái Chi. Thời gian cứ trôi đi đều đặn, một tháng ấy cuộc sống của tôi cứ như một công thức, đều đặn và chính xác. Ái Chi khá xinh xắn, đó là lí do khiến tôi dạy em rất nhiệt tình, bù lại, chính sự nhiệt tình ấy khiến trình độ tiếng Trung của tôi lên nhanh đến bất ngờ. Tôi đã có thể mua bán và giao tiếp cơ bản.

Ngày nhận lương cũng là ngày tôi nói lời từ biệt, cô chú làm một bữa ăn chia tay thật thịnh soạn. Chú chúc tôi thành công, cô chúc tôi sức khỏe, Ái Chi mong tôi sớm tìm được người trong mộng, tôi bước vào màn mưa phùn phơ phất xa dần những cánh tay vẫy chào.

Người lái đò bên kia bờ sông thấy tôi vẫy tay lại tưởng khách gọi đò, tôi chỉ định chào xứ sở trước khi đi sâu vào lục địa Trung Hoa. “Em quen họ à?” Có anh đứng bên cạnh hỏi tôi. Thế là những câu chuyện bắt đầu, cho đến tận khi các hàng quán lên đèn. Anh là thương nhân Sài thành, có nhiều thứ để chúng tôi nói về thành phố quê anh, nơi gieo bao mơ ước to lớn mà chỉ gặt hái được bẽ bàng - một thời của tôi. Anh đến đây để tìm hiểu về thị trường điện tử và cần một người biết tiếng Trung đưa anh vào lục địa, thành phố Quảng Châu.

Tôi vào vai một trợ lý, một phiên dịch, một hướng dẫn với thù lao quá hấp dẫn, ba ngày bằng cả một tháng, lại được miễn phí đi lại ăn ở. Hai anh em lên xe ngay trong đêm hôm đó.

Chiếc xe lầm lũi lao vào màn đêm thưa thớt lạnh. Những giọt nước mưa nối đuôi nhau lăn vệt dài trên ô cửa kính. Mọi thứ nhòe đi, tôi như kẻ ngoại đạo ngắm bức tranh sơn dầu trừu tượng. Mưa nặng hạt dần, làm chẳng thể ngắm được ngọn đèn le lói giữa rừng đêm mà tôi yêu thích, chỉ thấy hình hài phản chiếu lại từ tấm kính. Tôi thấy chính mình, tự hỏi sao cái mặt mình tươi đến thế rồi tự cười với ảo ảnh.

Chúng tôi tới bến xe Việt Tú tại trung tâm thành phố Quảng Châu lúc trời nhập nhoạng sáng, vẫn còn mưa nhưng có lẽ không khí ấm hơn. Lần đầu tiên tới một thành phố lớn đến thế, cả anh và tôi đều bỡ ngỡ. Chúng tôi dành cả buổi sáng để đi thăm chợ đường hầm, chợ Bạch Mã, đi tàu điện ngầm và thưởng thức đồ ăn Kungfu. Những nơi lạ, những thứ lạ thật hấp dẫn.

Bản thân tôi cũng hơi bất ngờ về khả năng phiên dịch của mình, suốt hai ngày ở Quảng Châu, gặp tất cả ba đối tác, tôi đã giúp anh tìm được một cơ sở uy tín và giá thành rẻ như anh mong muốn. Phần của tôi ngoài một ngàn năm trăm tệ thù lao, tôi còn được khách của anh mời đi ăn đủ những sơn hào hải vị nơi này, ngủ khách sạn ba sao, đi chơi quán bar và đặc biệt là trải nghiệm cô gái Trung Hoa. Người Trung Quốc tiếp khách không thể tốt hơn.

“Khi nào trở lại Việt Nam thì liên hệ với anh nhé. Cố lên chàng trai!”

Anh chào tôi nghe nặng bàn chân giang hồ. Sân bay Bạch Vân lớn hơn cả cái làng, tình nghĩa quê hương đất nước tôi gửi anh mang về, chỉ còn trái tim yêu tự do với cái ba lô nhỏ tiếp tục theo tôi trên đường dài, chào anh.

Tôi trở lại Nam Ninh để chuẩn bị đi Côn Minh.


............(Còn nữa)


Nguyễn Nhật Lâm
 
Chị đã đọc "Trở về" của em rồi. Rất đáng để xem. Cũng ngạc nhiên là em chỉ mới 24 tuổi. Ở độ tuổi này, sai lầm hay không thì không quan trọng vì ta vẫn còn có thể quay đầu là bờ. Chúc mừng em vì đã có những trải nghiệm đáng giá.
 
Gửi bạn chủ thớt Nhật Lâm: tiếp tục kể đi bạn. Tặng bạn bài thơ Giã gạo của Bác Hồ:
Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công...
 
Những câu chuyện dưới đây được viết dựa trên 2 cuốn hồi kí trên đường của tôi hồi năm ngoái! Nếu mọi người thấy không quá nhàm chán, tôi sẽ tiếp tục Post.

Chương II:


Chuyến xe lạnh lùng trả khách, bỏ tôi giữa nhà ga xa lạ, chỉ có cái ba lô và mớ cảm xúc là quen thuộc. Không phải là tới bến, rõ ràng là niềm vui của kẻ ham đi không phải vì tới bến, tới bến này chỉ là sự bắt đầu cho hành trình đến bến khác. Liệu có phải Paris cũng chỉ là một cái bến trong hàng trăm cái bến mà tôi đã đi qua, liệu tôi có tìm được chân lý của đời mình ở một bến đỗ hay chỉ là cảm xúc háo hức chuẩn bị lại lên đường như lúc này đây? Cơn gió sớm cố tình làm tôi hơi hoang mang khi nghĩ tới điều đó. Nhưng cứ phải đi thì mới biết được, phải thử chứ, dẫu sao thì tôi cũng thèm đến những nơi chỉ có cao ốc và ô tô, thèm được làm bạn với những con người cao lớn hơn mình ít nhất là chục phân, và nói chuyện với họ bằng tiếng Anh làu làu như người bản địa, chắc sướng lắm.

Lạnh quá, tôi bước vào trong khu nhà chờ, đông lắm, kẻ ngủ gục, người chuyện trò, chẳng có ai lạc lõng giống tôi. Ở đây cũng bán mì tôm pha sẵn, tôi vào làm gói cho ấm bụng. Mì to và nhìn đẹp mã đấy, không biết ăn có ra gì không? - Tôi thầm nghĩ. Vừa húp cái sột thì tôi ho sặc sụa, trợn hết cả mắt mũi, cay quá. Cô gái đi ngang qua cười khúc khích buộc tôi phải đưa mắt nhìn lên. Dáng người cũng không có gì nổi bật, mấy lớp áo bông chống rét xồ xề, đầu chụp cái mũ len vài màu xanh đỏ. Tôi tặc lưỡi “cũng thường thôi!”. Phải đến khi cô gái ấy ngồi xuống, tôi mới há hốc mồm, ngỡ như mình đang nhìn thấy hai giọt sương rung rinh trên cánh hồng e ấp chứ không phải là đôi mắt của người phàm.

Tôi mất mười phút uổng phí hệ thống lại vốn tiếng Trung ít ỏi để sửa soạn vài câu lưu loát làm quen. Cô nàng là người Hoa gốc Việt, mới theo gia đình trở về Trung Quốc được hai năm. Không khó để có được mấy thông tin cơ bản, nàng tên Bảo An, 20 tuổi, đang học năm thứ hai trường đại học kinh tế Chiết Giang ở thành phố Hàng Châu, và nàng tới Nam Ninh sau đó sẽ đến Vân Nam rồi sang Lào trong một chuyến du lịch bụi - một mình. Quả là rất đúng ý tôi, một mẫu phụ nữ bất tận.

Chúng tôi đi chuyến xe buýt đầu tiên vào trung tâm thành phố Nam Ninh, gặp một số bạn bè của An ở đại học Đông y Quảng Tây, có cô Đài Loan, có cô Trung Quốc nhưng xem ra họ chỉ làm tôn lên vẻ đẹp của nàng. Suốt cả ngày hôm đó, tôi theo nàng đến nhiều thắng cảnh của thành phố thủ phủ khu tự trị dân tộc Choang này. Chúng tôi đến hồ Thiên Trì thả hồn vào làn nước xanh ngăn ngắt, ngắm nhìn ngôi đền cổ giữa tàng cây tươi tốt, đàn cá đủ sắc màu thản nhiên bơi lội. Rồi trèo lên đỉnh tòa tháp Long Trượng thấy cả một cõi nhân gian. Có khi lại tung tăng trên con đường phố xá bên hàng mỹ lệ phù dung xum xuê cây lá.

Anh hùng khó qua ải mỹ nhân, tôi nghĩ vậy nên tự cho mình cái quyền xao lòng trước vẻ đẹp khó cưỡng của nàng. Tôi đề xuất được đi cùng nàng tới Phổ Nhĩ thay vì Côn Minh như trong kế hoạch bất chấp sự hạn hẹp về kinh phí. Phổ Nhĩ cũng thuộc Vân Nam và tôi biết không quá xa để tôi trở lại Côn Minh tiếp tục cuộc hành trình. Nàng đồng ý.

Tối đó tôi lên xe đi tới một cái bến không nằm trong dự định. Tôi nhớ đến cách Einstein dí dỏm trả lời báo chí về học thuyết vĩ đại của mình: “Thuyết tương đối giống như việc bạn ngồi cạnh một cô gái đẹp và thời gian trôi rất nhanh.” Đúng thế, tôi thường nhớ về những kỉ niệm đẹp đẽ hay tồi tệ, ngắm nhìn cỏ cây hoa lá trên đường, và đôi khi là cố ngủ để không bị đường dài chi phối, còn chuyến đi này, cũng cả ngàn cây số mà chỉ thấy vèo trôi.


Những đồi trà bát ngát trong sương chẳng giữ được thời gian trôi chậm, người tôi giờ đây lúc nào cũng bồn chồn như bầy kiến nhao nhác dưới đám cỏ khô. Một ngày ngắn ngủi nữa trôi đi kéo sự vấn vương của tôi dài ra vô hạn. Phổ Nhĩ như gốc của trục tọa độ đẩy tôi và người con gái đẹp về hai hướng âm dương, có lẽ sẽ chẳng gặp lại. Tôi nghĩ thế và dằn vặt mình suốt một đêm dài, ước gì có nhiều tiền, tôi sẽ theo em đến tận sơn cùng hải tận. Tất cả sẽ diễn ra trong sáng mai.

Trước lúc chia tay, An cùng tôi đến một điểm bán vé xe về Côn Minh, nhân tiện tôi cũng nhờ An hỏi giùm người bán vé hướng dẫn cách đi Tây Tạng. Phải xin Visa mới có thể lên Tây Tạng, tôi chưa từng nghe chuyện này trước đó vì cứ nghĩ Tây Tạng chỉ là một tỉnh của Trung Quốc. Và tôi đã có cái lí do to tướng để cùng em sang Lào, có xin Visa thì ít nhất cũng phải một tuần mới có. Tôi sẽ cùng An tới Luang Nậm Thà.

Rừng núi điệp trùng dẫn chiếc xe khách tồi tàn tới xứ sở Triệu Voi. Tôi bắt gặp những túp lều xộc xệch bên vệ đường, giá rét chẳng thể làm hồng nước da đen thui của đám trẻ chân trần “không thấy lạnh”, chúng nhìn tôi giống cái cách tôi nhìn tổng thống Mỹ.

Đi với An, tôi không phải tốn khoản phí ga lăng, vì nàng chẳng bao giờ chịu để tôi trả tiền mà cùng chia sẻ. Nàng cũng thích ăn đường phố chứ không ham mấy chỗ sang trọng cầu kì. Chính vì thế mỗi lần chúng tôi ngồi ăn ở một sạp đồ nướng lề đường là tất cả ánh mắt lại dồn về. Không cần biết tiếng Lào thì tôi cũng hiểu họ muốn nói gì, đại loại như: anh này có cô bạn gái đẹp thế, da trắng thế, nhìn cứ như trong phim… Có bữa gặp anh tài xế Việt Nam chở khách tây đi tour, anh khen trông hai đứa đẹp đôi thế. An không nói “chúng em là bạn thôi” mà đưa mắt nhìn tôi đầy ẩn dụ làm tôi sướng mê mệt.

Giá mà người ta có thể yêu nhau, đi cùng nhau tới chân trời góc bể mà không cần tiền thì tốt biết bao. Hôm ấy, giọng An vẫn ngọt ngào như dòng suối mát nhưng sao tôi thấy lạnh rùng mình. Nàng nói “Chiều nay đi mua vé về anh nhỉ?” Chợt nhớ là mình đã tiêu gần hết số tiền mang theo, tôi như dòng suối đang ào ạt chảy thì bị tảng đá lớn chắn lại, ứ đọng và bế tắc. Không thể nói với nàng rằng anh đã hết tiền, mua vé giùm anh vì ngay từ đầu tôi đã ghi điểm với nàng bằng cách kể về hành trình trên giấy như một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu. Bảo An còn khen: anh giỏi thế, ước gì em cũng được đi nhiều như anh.

Kẻ ăn cắp thời gian mấy ngày qua như đáp trả hết vào mặt tôi buổi chiều hôm ấy. Từng phút một cũng nặng nề, tôi bước theo nàng như con trâu kéo cày mùa hạn hán, tim đập nghe còn lớn hơn tiếng kim đồng hồ phành phạch trong đêm. Mỗi lần nàng nói là tôi lại ước đừng có chữ mua vé, để tôi có thêm thời gian suy nghĩ.

Anh đi nhiều nơi, lại quảng giao, chắc nhiều bạn lắm nhỉ?

À, ừ, ờ đấy, em nhắc đến mới nhớ anh có người bạn ở Lào, hay là nhân tiện đây anh ghé thăm cậu ấy cái nhỉ?

Đấy, tôi đã lấy lí do như thế để An về Trung Quốc trước, còn tôi ở lại tính tiếp. Buổi chiều tiễn em đi, nắng và gió cứ đùa má em mãi, làm người ở lại chất chứa luyến thương. Xe bus cùng đoàn khách đưa em đi, để lại tôi nghêu ngao câu hát: Chưa nắm tay nhau, chưa ngồi sát lại, mà sao bỗng thấy, như là của nhau. Tôi hứa sẽ gửi email cho em, kể về mỗi chặng đường đi qua.
Hoàng hôn đỏ lòe loẹt núi rừng, đám cỏ dao cứ rung rinh mãi, khiến tôi phải suy nghĩ không biết bọn nó có tư duy không mà nom sinh động thế, nhân chẳng có ai xung quanh, tôi vẫy tay chào lại đám cỏ già, rồi ngân nga câu thơ của người anh phố núi:

Kẻ độc hành ca bài ca chia ly.
Hất mái tóc một chiều đông ngược gió.

Ven đường, mấy sạp bán cơm nếp và đồ nướng đã hồng than đỏ lửa. Mùi thịt nướng bị cơn gió quẩn đong đưa cứ lởn vởn quanh người lữ khách đang say cơn mê tình ái. Cuối cùng, trực giác cũng làm được cái nhiệm vụ của nó, là đánh thức tôi về với thực tế ngổn ngang. Đói + hết tiền!

Giờ đã lạc một đoạn đường dài, không tiền, không người thân thích, tôi nghĩ đến cái đích còn mãi xa mà mình cứ nhởn nhơ với mấy thứ thoáng qua thì thật là đáng trách. Có nỗi ngao ngáo lại dấy lên trong lòng.

Trích "Trở Lại" - Nguyễn Nhật Lâm.
Còn nữa.......
 
Những câu chuyện dưới đây được viết dựa trên 2 cuốn hồi kí trên đường của tôi hồi năm ngoái! Nếu mọi người thấy không quá nhàm chán, tôi sẽ tiếp tục Post.

Có thực mới vực được đạo, tôi móc túi kiểm tra tài khoản trước khi quyết định vào quán quen làm một nắm xôi và xiên thịt nướng, còn một trăm đồng tệ và vài bạc kíp Lào lẻ, cũng xót thật, mới bữa trước còn căng đét gần ba ngàn tệ, giờ còn một tờ mong manh. Rồi mở tấm hộ chiếu, lật đi lật lại hai con dấu đỏ choét, trông nó rõ ràng và đẹp thế. Một ngày nó sẽ còn đỏ rạo rực đầy khắp những con dấu khác nữa, tôi lại mơ màng tưởng tượng về hành trình phía trước.

“Ô, chưa về hả em? Bạn gái đâu rồi?” - Anh tài xế Việt Nam hôm trước gọi từ phía sau làm tôi ngạc nhiên. “Anh cũng chưa đi à, bạn em về rồi.” - “Sáng mai anh về, vào làm xị đã em.” Thế là chén chú chén anh cho đến khi cây cối và cửa nhà nghiêng ngả. Anh cứ cười mãi khi nghe tôi kể về chuyện tình bến xe của mình, anh nói tuổi trẻ mà, cứ cháy hết mình đi. Anh tên Tùng, quê ở Kon Tum, anh lại hỏi tôi sao rành quê anh thế. Tôi kể anh nghe cái ngày lặn lội lên cao nguyên tìm thị trường cho rượu dừa, anh nói ngưỡng mộ khi biết tôi đẻ ra cái thương hiệu đó, anh cũng từng uống và rất thích. Rồi tôi kể anh nghe một tháng sống đời phật tử trên chùa Trung Tín, phường Ngô Mây gần nhà anh. Anh cười như nắc nẻ, chủ hãng rượu mà lại đi tu à? Sống trên chùa chứ ngày nào em chả uống bia đàm thiên luận địa với sư thầy, tôi cười đáp. Anh khuyên tôi cứ đi đi, đời trai mà chôn vùi ở một xứ thì phí lắm.

Chap 3


Anh khen tôi thông minh nhanh nhạy, lại biết tiếng Anh nên nếu muốn tìm việc anh sẽ giới thiệu tôi với sếp anh, ở Champasak, chỉ việc theo anh lên xe cùng đoàn về ngày mai. Thế là tối đó, tôi ngủ cùng anh trên chiếc xe 54 chỗ rộng thênh thang. Lòng dạ cứ xốn xang rạo rực hết cả lên, tôi thấy mình thích đi hơn là đến, thích đường hơn là bến. Ngày mai, ngày mốt, mình sẽ là chàng hướng dẫn viên du lịch, cả đoàn khách Tây sẽ chăm chú nghe mình giới thiệu về những con đường, những địa danh. Cơ thể tôi có một cơ chế lạ mỗi khi tinh thần bị phấn khích, hai cánh tay lông dựng đứng và da gà nổi râm ran. Như cái thời mà lần đầu tiên tôi bước chân ra khỏi lũy tre làng, lần đầu tiên giả dạng sinh viên Bách Khoa đi gia sư kiếm tiền ở lại Hà Nội. Mùa hè năm ấy, thi đại học xong tôi không về quê chờ điểm như chúng bạn mà nhờ người chị quen biết xin cho đi làm gia sư. Chiều đạp xe ra Lò Đúc dạy, tối về ngủ chui ở kí túc xá B13, cái ngày lĩnh lương 210 ngàn tôi đạp xe quên cả lối về kí túc. Niềm vui của thằng con trai 18 tuổi quê mùa, cứ tưởng công việc nó có thể làm chỉ là quét sân, cho lợn ăn, hay cấy gặt, nay kiếm được đồng tiền để tồn tại ở thành phố mới tuyệt làm sao.

Sáng hôm sau anh bảo, sao chú em ngủ mà cứ cười khành khạch.
Tôi nói đùa, chắc em mơ ngủ. Ồ mà mơ thật, rồi tôi nhớ, mình mơ thấy ngồi trên một chiếc thuyền lớn lắm, cứ như Titanic vậy, xung quanh toàn là những người lạ, họ nói ngôn ngữ lạ. Con tàu phi về phía một nơi có ánh sáng rực rỡ mà tôi không biết là nơi nào. Chỉ nhớ trong giấc mơ cũng thấy sung sướng râm ran.

Có dạo, sáng nào tôi cũng ghi lại giấc mơ của mình, có khi là cả những giấc mơ ngày. Cách lí giải của Carl Jung thôi thúc tôi tìm hiểu về các biểu tượng, những thông điệp từ các hình ảnh ẩn dụ của giấc mơ. Dần dần tôi hiểu được chúng, luôn luôn là những dự báo về tương lai. Tôi nghĩ, não bộ có một công thức để tính toán tương lai mà dữ liệu đầu vào là các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, và giấc mơ chính là kết quả.

Mãi đến một hôm, trong cơn ác mộng tôi mơ thấy người bác ruột của mình qua đời, tôi cứ chới với ở ngã tư đường mãi mà không tìm được nhà bác. Thế rồi hôm sau gia đình gọi điện bác phải nhập viện thay tim. Vài ngày sau đó nữa bác qua đời ở tuổi chưa đầy năm mươi. Tôi thất vọng về sự bất lực của mình, giấc mơ là của mình mà chẳng bao giờ nắm bắt được nó. Từ đó, tôi chẳng muốn nhớ giấc mơ nữa.

Băng qua chỗ con bò gầy dơ xương bên bìa rừng cũ kĩ, băng qua những túp lều xộc xệch bên vệ đường, băng qua những đứa trẻ đen nhẻm chân trần, tôi, anh và đoàn người cũng tới Pakse, thủ phủ của miền Nam nước Lào. Nghe đâu xưa kia, nơi đây chính là kinh đô của xứ sở Triệu Voi này. Tôi cất đồ và tắm rửa trong căn phòng tập thể của cán bộ công nhân viên Việt Nam trong công ty anh.

Ở Pakse tôi có thêm những người bạn Lào, người thì quen ở khuôn viên trường đại học Champasak - cô ấy là giảng viên môn tiếng Việt ở trường này, người thì quen ở cầu hữu nghị Nhật Lào - anh này làm sở nông nghiệp thành phố, từng là du học sinh của đại học Quy Nhơn. Những người bạn Lào rất quý Việt Nam, bởi thế mà tôi được họ đưa đi thưởng thức đủ những tập tục văn hóa địa phương. Vì sếp của anh Tùng về Việt Nam công tác nên tôi chưa gặp được, ban ngày tôi lang thang ngắm đền đài, sông núi, đêm về lại vào hùa tụ tập chè chén với mấy anh em Việt Nam. Bữa ấy, anh Tùng đưa tôi đi ăn thịt chó ở quán bờ sông, coi như là lễ chia tay tạm, vì sáng hôm sau anh phải lái xe đưa đoàn đội tuyển bóng đá của tỉnh Champasak sang Campuchia để tham gia giải đấu giao hữu ba ngày mới trở lại. Cũng sáng hôm sau tôi sẽ gặp anh sếp, người sẽ cho tôi một công việc nào đó, rồi tôi sẽ lại có lộ phí để trở về Trung Quốc, sang Tây Tạng, tiếp tục hành trình. Chén rượu chia ly nhanh thấm làm cho cây cối, cửa nhà ngả nghiêng say. Bác chủ quán già khề khà mang chén rượu tới bàn chào khách, ông chỉ vào đôi câu đối cũng đang say cơn gió dòng sông Mekong phất phơ xiêu vẹo.

Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật
Thế cho nên tất bật đến bây giờ.

Trong một giây tôi say lịm men thơ, giây kế tiếp tôi bừng tỉnh men đời. Từ rất lâu, hồi còn cứ nâng niu giấc mơ, mỗi sáng thức giấc tôi thường xuyên ước gì khi mơ biết mình đang mơ, để nếu đang mơ bay thì bay tiếp, bay tít lên cao xem thế nào, đang mơ chạy lũ chằn tinh thì quay lại chiến đấu với chúng xem thế nào, đang mơ thấy cô gái đẹp thì xông tới tỏ tình với cô ấy xem thế nào… Lần nào cũng thế, tỉnh rồi lại tiếc, tiếc mình không biết là đang mơ. Tại sao lại không đặt một giả thiết rằng cuộc sống này cũng chỉ là một giấc mơ, dài dài một chút. Nếu thế ta sẽ biết mình đang mơ. Những chuyến phiêu lưu kì lạ đến ngẩn ngơ, băng qua muôn trùng trở ngại của lòng người, chạm vào những số phận đáy cùng kiếp sống, biết đâu còn vô tình lạc vào một buôn làng xa xôi nơi có cô con gái trưởng bản xinh đẹp rạng ngời ngỏ lời yêu thương - và tôi ngoảnh mặt đi về phía lý tưởng. Ôi, đó mới là câu chuyện đời mình. Một thiên anh hùng ca thời hiện đại!!

Thoáng giây, tôi nghĩ đến lời hứa lòng mình, là sẽ trở về trong giàu sang để trả nghĩa thằng bạn thân, người đã thay tôi gánh chịu tất cả nợ nần, mang tôi ra khỏi cái kết thúc thảm hại của câu chuyện một thằng có tham vọng trở thành doanh nhân thành đạt. Rồi tôi lại phản pháo lại dằn vặt của mình. Cuộc sống là tiếng vọng, chẳng có người anh hùng nào lại không được trả nghĩa được ân nhân của mình cả. Vậy thì cứ trở thành một người anh hùng trước đi, rồi những điều tuyệt vời sẽ tới.

Thế là đắm vào cơn mơ giữa đời thực, tôi từ bỏ kế hoạch ban đầu, quyết tâm dấn thân vào những chuyến đi, việc mà tôi thực sự say mê. Trước đây tôi đánh lừa mình thích làm doanh nhân, mở văn phòng công ty khắp nơi, để những thứ đọng lại trong kỷ niệm chỉ có núi, biển, cỏ cây hoa lá (cộng với một khoản nợ khổng lồ). Tôi đánh lừa mình nếu đến Paris sẽ có cuộc sống sung sướng chứ thực ra chuyến đi, trải nghiệm trên những nẻo đường mới là thứ tôi thực sự quan tâm. Tôi quyết định sẽ đi đến bất cứ đâu, để mai này biết trần gian chẳng là cõi thật, tôi chẳng còn tiếc sao ngày đó mình không đi tiếp xem thế nào.

Sáng hôm sau, dậy từ rất sớm, tôi leo bộ lên tận giữa cây cầu Hữu Nghị dài thườn thượt vắt từ phố đến rừng qua dòng sông Mekong nước chảy lững lờ. Bước vào bên trong dải phân cách dành cho khách bộ hành, tôi ngồi chắp bằng, hai tay đan hờ vào nhau trên mắt cá chân, nhắm mắt thả hồn vào núi sông. Đó là cách thiền của riêng tôi. Thả trôi những hình thù tưởng tượng vụt qua hàng vạn sát na, tôi chẳng bận tâm vào việc kiến giải, chỉ thấy mình lâng lâng trong nắng sớm, hương sông.

Trở về căn gác trọ tập thể, tôi nói với anh Tùng cho tôi đi cùng đoàn cầu thủ bóng đá tới Phom Penh, anh chỉ cười khà khà - Nghĩ kĩ chưa? Tôi kiên định - Rồi, anh! Vậy thì lên đường thôi nào.

Chí làm trai nam bắc đông tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.

Tôi đọc câu thơ, hai anh em ôm nhau cười ngả nghiêng.
Trích "Trở Lại" - Nguyễn Nhật Lâm.

Còn nữa...
 
Bỏ lại những mệt mỏi, chán nản của quá khứ, anh đã đi, đi để biết mình cần đi hơn là cần 1 bến. Đi tiếp anh ơi.......
 
Rất hay và rất ngưỡng mộ chú Lâm. Anh đang đặt mua cuốn "Trở về " để đọc và để dành cho thằng ku con nhà em ( lúc này mới 2 tuổi) sau này sẽ đọc.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,468
Bài viết
1,153,103
Members
190,101
Latest member
dabongxoilac365tv
Back
Top