What's new

[Chia sẻ] Một chuyến viễn du nữa của Sinbad-Người đi biển

"Đặt chân xuống sân bay, bao mối bận tâm bình nhật như trời hôm nay có ấm ngang với số quần áo mũ tất đem theo hay không, số tiền 1000 đổi từ nhà đem theo có đủ để về tới khách sạn hay không, các cô gái ở đây xinh thật - không hiểu họ có đúng như sách vở đã kể hông, tính ẩu tả trứ danh của dân nước này có biến cái visa mất công xin được thành thứ bỏ đi hay không v.v. vội lọt đâu mất khỏi đầu thằng bé. Thằng bé được nghe những từ quen thuộc “pozhalyusta” dịu dàng và sáng sủa… “detsky” ròn tan và vui tươi… “luidi” ấm áp và đầy tin tưởng… qua đó nhận ra âm hưởng ấm áp, trìu mến và niềm hân hoan trong trái tim mình. Nó lắng nghe người ta nói tiếng bản xứ và ngạc nhiên khi thấy mình cũng nói được “chut-chut” tiếng bản xứ. Đã 23 năm nay nó chưa từng nghe mình nói cái thứ tiếng ấy bao giờ. Cuộc đời nó thoát khỏi khối hộp của các “dealing”, “scandal”, “shocking”, “contract”, “ăn nhậu”, “dằn mặt”, “dò đài”, “dứt điểm”. Nó trở lại với thời thơ ấu, với các cô thiếu nữ nhân hậu và chàng trai dũng cảm, các ông bà lão độ lượng và sâu sắc, với lòng tốt và nhân tính…”

Vừa đọc lại, người viết liền kéo chuột quét khối và xóa các dòng vừa viết ở trên. Không, chuyến đi vừa rồi, đi cùng người bạn đồng hành sắc sảo và tốt bụng quen thuộc, không phải là chuyến đi về tuổi thơ. Nó có nhiều êm đềm, rực rỡ, hân hoan, sung sướng nhưng cũng thừa những liều lĩnh, rủi ro, đen đủi, hiểm nguy và vực sâu hun hút… Đó là một chuyến viễn du nữa của Sinbad-Người đi biển. Gió lạnh 8 độ C và mưa lún phún đón thằng bé ở sân bay.

 
Last edited:

Một đoạn tường thành cũ.



Trụ sở Bộ Giao thông LB.



Ivan Fyodorov 1525-1583, ông tổ nghề in thế giới Đông Slav. Người Ba Lan-Lithuani, Ukraina và Nga đều nhận ông này là người mình, do ông sinh ra trong công quốc Muscovy, nhưng chết tại công quốc Ba Lan-Lithuani. Việc này cũng giống như một loạt danh nhân thế kỷ 19 như nhạc sĩ Oginsky hay nhà văn Kondrad - sinh ra trên Đế quốc Nga (phần Ba Lan khi đó thuộc Nga), đi lưu vong và chết đi như một người thuộc thế giới nói tiếng Anh.


Nền một thánh đường cổ từ năm 1493, được tìm thấy khi làm đường năm 1934. Từ 1998-2001 được khai quật, bảo tồn lưu giữ ngay trên vỉa hè như một bảo tàng mở. Là tu viện nơi Ivan Fedorov sống và làm việc.
 

Cửa hàng Thế giới Thiếu nhi.


Bến xe buýt sạch sẽ, an toàn.


Siêu thị giá rẻ, cực rẻ. Tỷ giá 1USD = 65 rúp thì 1 kg cherry có 120k VND. Người bán hàng lịch sự, bảo vệ lịch sự.



Ga Lubianka.



Trụ sở Trung ương KGB
 

Tại Quảng trường Lubyanka, có một đài tưởng niệm. Trên đó ghi:
"Trong những năm tháng khủng bố, tại Moskva có hơn 40 ngàn người bị xử bắn vì những tội chính trị vô căn cứ. Xác họ được chôn tại Nghĩa trang Bệnh viện Yauza (nay là Bệnh viện 23) trong khoảng từ 1921-1926; tại Nghĩa trang Vagankovo trong khoảng 1926-1935 và thiêu tại Lò hỏa táng Moskva (Donskoi) từ đầu thập niên 1930 cho tới, ít nhất, là thập niên 1950. Bắt đầu từ 1937, hai pháp trường - Pháp trường Butovo ngoại ô Moskva và Nông trang Kommunarka - cũng được dùng làm nơi chôn."



Ghi chú: Đây là hòn đá lấy từ Đảo Solovki (Solovetsky), nơi có trại tù GULag đầu tiên.

Dmitri Likhachev, sau này trở thành một trong những nhà bình luận văn học nổi tiếng nhất nước Nga, cảm thấy mình may mắn khi không bị phân vào làm ở một trong nhiều trại vô danh đóng giữa rừng (Ở Solovki). Ông đã tới một trại và viết lại như sau: “tôi phát rùng mình vì kinh hãi khi nhìn thấy nó: mọi người ngủ ngay trong những con hào vừa mới đào lúc ban ngày, đôi khi phải đào cả bằng tay”.

Trên toàn cụm đảo, điều kiện vệ sinh đã đến mức thảm họa, lao động quá sức và chất lượng thức ăn tồi dẫn tới bệnh tật, và trên hết là dịch sốt chấy rận. Trong số 6.000 tù do SLON quản thúc năm 1925, có khoảng một phần tư chết trong mùa đông 1925-1926 trong một đợt bệnh dịch dữ dội. Theo một số tính toán thì con số chết bệnh ở mức khá cao: có từ một phần tư đến một nửa tù chết vì sốt chấy rận, thiếu ăn và vì các bệnh dịch khác hàng năm. Một tài liệu ghi nhận 25.552 ca sốt chấy rận tại các trại của SLON trong mùa đông 1929-1930 (vào lúc này thì SLON đã phình ra khá lớn).


Trong trại có phụ nữ và trẻ em:
Ngược với mọi điều từng được viết về tính ích kỷ và dễ bị mua chuộc của những phụ nữ sinh con trong trại, bật lên câu chuyện của Hava Volovich. Là một tù chính trị bị bắt năm 1937, bà vô cùng cô đơn trong trại, và chủ động tìm cách sinh cho được một đứa con. Mặc dù bà không có tình cảm gì đặc biệt với cha đứa bé, Eleonora được sinh hạ năm 1942, tại một trại không có trang bị gì riêng cho các bà mẹ:
Ở đấy có tất cả ba người mẹ, và chúng tôi được phân riêng cho một căn buồng bé xíu trong lán. Rệp rơi xuống như mưa từ trần và tường nhà; suốt đêm chúng tôi phải phủi chúng khỏi người lũ trẻ. Vào ban ngày chúng tôi phải ra ngoài làm việc và để con lại cho bất cứ phụ nữ lớn tuổi nào chúng tôi thấy không phải đi làm; những người này bình thản chén sạch chỗ thức ăn mà chúng tôi để lại cho đám trẻ.
Tuy nhiên, Volovich viết
Đêm nào cũng vậy trong suốt một năm trời, tôi đứng bên chiếc giường con mình, nhặt bỏ lũ rệp và cầu nguyện. Tôi cầu Chúa hãy kéo dài sự khốn khổ của tôi thêm trăm năm nữa miễn sao tôi không phải xa rời con gái mình. Tôi cầu mong mình sẽ được thả cùng bé, thậm chí nếu tôi phải đi ăn xin hay tàn phế cũng được. Tôi cầu cho mình có thể nuôi dạy con cho tới lớn, thậm chí phải quỳ phục dưới chân mọi người van xin tôi cũng làm. Nhưng Chúa không đáp lại lời tôi. Con tôi chật vật tập đi, tôi vất vả mới được nghe những tiếng đầu của nó, thốt lên lời kỳ diệu ấm lòng “Mama” khi chúng tôi quấn trên mình toàn giẻ rách dù đang giữa mùa đông giá rét, chen chúc trong toa tàu chở hàng và di chuyển tới “trại cho các bà mẹ”. Tại đây, thiên thần bé nhỏ bụ bẫm với mớ tóc vàng xoăn tít của tôi mau chóng biến thành một bóng ma xanh xao với những quầng thâm dưới mắt và vết lở loét khắp môi.
Volovich ban đầu bị nhét vào một đội lâm nghiệp, sau đó chuyển tới làm tại trại cưa. Mỗi buổi chiều, bà mang về nhà một ôm củi để đưa cho các cô nuôi trẻ trong nhà trẻ. Để đáp lại đôi khi bà được phép đến gặp con gái mình ngoài giờ thăm con bình thường.
Tôi thấy các bảo mẫu đánh thức trẻ con dậy vào buổi sáng. Họ xô đẩy và đá đít để lùa chúng ra khỏi những chiếc giường lạnh lẽo… lấy nắm tay đẩy dúi chúng và chửi rủa thô bạo, họ lột quần áo ngủ và tắm cho chúng bằng nước lạnh buốt. Thậm chí lũ trẻ đến khóc cũng không dám. Chúng chỉ khụt khịt khe khẽ như người già và buột ra những tiếng rít trầm trầm.
Tiếng rít dễ sợ phát ra từ giường cũi ấy suốt cả ngày. Lũ trẻ đã đến tuổi ngồi thẳng lưng và bò trườn nay thường nằm ngửa, đầu gối gập đến tận bụng, đã tạo ra những tiếng động kỳ lạ ấy, giống như tiếng gù của con bồ câu bị bóp nghẹt họng.
Một bảo mẫu phải lo cho mười bảy đứa trẻ, nghĩa là cô ta khó mà có đủ thời gian để cho tất cả thay đồ và ăn uống, chưa nói đến chăm sóc đúng mức:
Cô nuôi trẻ đem ra một thau cháo bốc khói từ nhà bếp, chia nó vào từng đĩa. Cô ta tóm lấy đứa gần nhất, nắm tay nó ra sau, trói lại bằng cái khăn mặt rồi bắt đầu nhồi hết muỗng này đến muỗng khác món cháo nóng vào họng nó không để thời gian cho nó nuốt, chính xác y như nhồi thức ăn cho gà tây vậy.
Dần dần, Eleonora bắt đầu héo lả đi.
Vào một trong những chuyến đến thăm tôi trông thấy những vết bầm trên mình nó. Tôi không bao giờ quên cảnh nó ôm lấy cổ tôi bằng đôi tay gầy trơ xương mà kêu van “Mama, muốn về nhà!” Nó vẫn chưa quên cái phòng nát đầy rệp nơi lần đầu tiên nó thấy ánh sáng mặt trời, nơi nó được luôn bên mẹ suốt cả ngày…
Eleonora bé bỏng, nay mới có mười lăm tháng tuổi, mau chóng nhận ra việc đòi về “nhà” chỉ là vô vọng. Nó thôi không còn vươn tay với tôi khi tôi đến thăm; thay vào đó nó lặng lẽ quay đi. Vào cái ngày cuối cùng trong đời, khi tôi nhấc nó lên (họ cho phép tôi cho con bú) nó đã mở to mắt nhìn vào khoảng trống xa xăm, sau đó đập nắm tay nhỏ bé lên mặt tôi, bấu lấy ngực tôi rồi cắn lấy. Rồi nó chỉ xuống cái giường.
Đến chiều, khi quay về với ôm củi, cái giường của nó đã bỏ trống. Tôi thấy nó trần truồng nằm trong phòng xác cùng xác của những tù người lớn. Nó trải qua một năm và bốn tháng trên cõi đời này, rồi chết ngày 3/3/1944… Đó là câu chuyện về việc, khi sinh hạ đứa con duy nhất của mình, tôi đã phạm cái tội khốn nạn nhất như vậy đó.



Hòn đá Solovki

Tác phẩm của các tù GULag

http://englishrussia.com/2011/01/04/dark-pages-of-the-russian-history/2/
 

Rẽ vào một con phố nhỏ



Bên trong các khối nhà chung cư có vẻ rất thanh bình.


Một quán bar có tên CUBAR



"Nhe boltai!" - Phải kín miệng (với kẻ thù, tất nhiên)


Bắt đầu thấy thích sự thanh bình này.



Tuy có chỗ xuống cấp nhưng nhìn chung là sạch sẽ, không có mùi hôi, an toàn.



Lâu lâu lại có biển kỷ niệm. Ví dụ cái này: "Tại khu nhà này từ 1931-1968 điêu khắc gia Aleksei Matveevich Izmalkov đã từng sống, chiến đấu và làm việc".
 

Ngược từ bờ sông để lên Quảng trường Đỏ


Thánh đường Vasily Blazhenny



Tháp chuông Spasskaya. Đi từ phía này nắng chiếu thuận chiều rất đẹp. Tối qua trời mưa và lạnh, nhưng sáng nay trời trong và đẹp chưa từng thấy.


Ngôi sao bằng hồng ngọc.



Lăng Lenin mở cửa 3 ngày trong tuần, mỗi ngày từ 10h tới 13h.


 
Cám ơn bạn Danngoc đã đến Quảng trường Lubianka, nơi trụ sở KGB, nơi chứng tích tội ác của chế độ cộng sản Soviet (toàn trị). Trước 1990 ở chỗ tảng đá này là tượng của trùm KGB Dzeginskii. Nay là chỗ tưởng niệm nạn nhân của chế độ toàn trị cộng sản CCCP. Trên tảng đá ghi (xin phép chủ topic dịch): "Tảng đá này được lấy từ lãnh thổ Trại Gulag đặc biệt Solovet, để kỷ niệm và tưởng nhớ hàng triệu nạn nhân của chế độ toàn trị". Ngày 30-10-1990 - ngày trừng phạt chính trị.

Tôi xin dẫn nguồn 1 phim tư liệu về trại Gulag kinh tởm này. Một hòn đảo nhỏ ở biển Bắc đã đày ải và để họ chết hàng triệu nạn nhân, đa phần là trí thức, nhà văn, nhà thơ, nói chung là những người mà Stalin cho là chống đối hoặc có tư tưởng chống đối chế độ do ông ta lãnh đạo...
Trại Solovet đóng cửa năm 1939

Ngày nay đảo Solovet rất thanh bình và trở thành điểm du lịch khá nổi tiếng của Nga

https://www.youtube.com/watch?v=DNvYLTvy1jI

https://www.youtube.com/watch?v=h02DGItFGNo
 
Last edited:

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Vốn là Nhà thuốc Thành phố, xây theo lối baroque theo lệnh Piotr Đại đế. Từ 1872 trở thành bảo tàng. Đến 1875-1881 được xây lại theo lối Tân Cổ điển Nga làm Bảo tàng Lịch sử Nga. Họa sĩ Ivan Aivazovsky cũng tham gia trang trí nội thất.

Giữa Quảng trường Đỏ, Sinbad lần đầu được gặp ồ ạt các bạn láng giềng phương Bắc của xứ Arab - ồn ào, vô kỷ luật, hành xử bất cần đếm xỉa đến người khác. Dân xứ Arab cũng rất giống các bạn này, nhưng trang phục nhã nhặn hơn, và hành xử tuy ồn ào thiếu văn hóa nhưng cũng có nhìn trước ngó sau đôi chút.



Trung tâm mua sắm GUM. Bên trong bán những đồ hiệu cao cấp nhất thế giới. Nhưng giá một ly nước quả hay cafe nếu ra ngồi ở quán ven Quảng trường Đỏ là khá mềm - 30-40 ngàn đồng xứ Arab.



Anh lính gác trước Tháp Spasskaya.



Bức tranh thánh "Chúa Cứu thế Smolensk" trước mặt tiền Tháp Spasskaya.


 
Dọc tường thành Kreml' là khán đài và bia mộ các nhân vật cấp cao. Dưới chân đều có hoa cẩm chướng tươi màu đỏ. Khách tham quan không được tiếp cận vào đây.


Brezhnev.


Hình như Dzerjinsky.



Stalin



Kalinin.


Đang thi công sửa Điện Kremlin. Tiếng cưa sắt, tiếng búa rầm rầm không khoan nhượng.



Con đại bàng hai đầu - một nhìn về phía Tây, một về phía Đông. Khác với quốc huy các nước Châu Âu khác đại bàng chỉ 1 đầu nhìn về phía Tây.
 

Quay trở ra Tượng đài Tưởng niệm Chiến sĩ Vô danh - Ngọn lửa Bất diệt. Lúc này đám khách du lịch đến từ xứ sở phía Bắc xứ Arab đã tràn ra, chen lấn, ngồi, xoay người, thò tay đủ kiểu xâm phạm vào phạm vi cách ly bảo vệ tượng đài. Hai người lính gác vẫn đứng im như tượng, nhưng tay sĩ quan đứng bên cạnh thì miệng huýt còi te te để nhắc nhở các vị khách xâm phạm sự uy nghiêm. Cử chỉ anh sĩ quan vẫn lịch sự, không bực dọc, không thô lỗ, bàn tay anh năm ngón khép chĩa về phía vị khách "bất cẩn" nhưng không gay gắt, nét mặt anh không thể hiện cảm xúc gì. Chỉ có tiếng còi vang lên. Còi thì cứ thổi, khách thì cứ ngồi ghé vào mà chụp ảnh, chẳng màng gì. Tiếng còi cứ vang liên tục gần như không đứt quãng, cho tới khi Sinbad đã đi cách xa cả 200m vẫn văng vẳng bên tai tiếng còi bất lực. Xứ sở gì mà kỳ lạ, cảnh binh gì mà hiền quá...
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,563
Bài viết
1,153,687
Members
190,125
Latest member
johnauston54
Back
Top