Anh bạn trẻ, con của Edgar đang học cách nối nghiệp cha nhưng vẫn chưa lặn được.
Ngư dân ở đây họ còn đánh bắt theo kiểu thô sơ, đủ để sinh nhai.
Đám trẻ trên hòn chỉ cần học đến lớp 4 là học hết chữ rồi (muốn học tiếp là phải vào đất liền). Để giết thời gian, chúng câu cá cả ngày. Mỗi khi chúng câu được một con cá lớn, là chúng mang đi bán ngay tại mối thu mua, rồi dùng tiền để mua bánh kẹo, và tiếp tục câu cá.
Vì chúng tôi có một thời hạn, deadline, nên chúng tôi phải lên đường, mặc dù tôi rất thích ở lại nơi đây thêm vài ngày nữa.
Thông thường thì mọi người phải quay trở lại đảo Utila, thì mới có phà về đất liền. Nhờ Edgar mách cho tôi biết, là anh chủ vựa cá trên hòn Pigeon, trung bình cứ 2 lần mỗi tuần, ông ta phóng chiếc bobo vào đất liền để bán cá. Thế là chúng tôi được đi ké với giá cũng gần tương đương như giá vé tàu. Lợi điểm khi sử dụng phương tiện này, là chiếc bobo phóng rất nhanh, yếu điểm là những cơn sóng đánh ướt người chúng tôi như chuột lột.
Trở lại đất liền, chúng tôi phải đi ngược lại San Pedro và sau đó đi tiếp tới Nueva Ocotepeque. Cũng hên là chúng tôi đón kịp xe, nhưng lại hết chỗ ngồi, thế là phải đứng gần 2 tiếng, trong khi đó xe lựơn qua lượn lại theo sườn núi. Thật vất vả quá, sáng thì bị ướt đẫm người của nước biển, giờ thì bị đong đưa, nhừ cả người.
Đến 8 giờ tối xe chúng tôi mới tới Nueva Ocotepeque, một thị trấn ranh giới, gần cửa khẩu qua Guatemala và El Salvador.
Sáng chúng tôi dậy thật sớm để tranh thủ đến cửa khẩu, khi nhìn ra đường chúng tôi thấy vắng tanh, và cũng không biết kêu ai mở cửa giùm. Thôi lại leo len giường ngủ tiếp.
Khi mặc trời mọc, lúc đó mới có xe buýt chở chúng tôi đến cửa khẩu Agua Caliente. Lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến, nơi đây cũng có cò, giúp hành khách điền hồ sơ khi rời ranh giới. Tôi để ý thấy, họ làm việc rất đàng hoàng, không hề chụp giựt.
Vào lúc này rất ít khách qua lại, vì thế chúng tôi ra khỏi Honduras thật dễ dàng. Tại khu vùng đệm, có xe chở chúng tôi đến cửa khẩu Guatemala, nằm cách đó 2 km.
Chúng tôi nhập vào Guatemala dễ đến nỗi mà cảnh sát biên phòng không muốn đóng mộc ngày nhập vào hộ chiếu của chúng tôi. Chúng tôi phải đòi hỏi họ đóng giùm cho cái mộc, lỡ sau này, khi rời khỏi nước, sẽ không gặp khó dễ.
Tại cửa khẩu chỉ có loại xe taxi chia sẽ, colectivo, đưa bạn tới thị trấn Esquipules, nơi đó mới có xe đò, để bạn đi tiếp đến các tỉnh khác.
Hôm nay lại xui thật, chúng tôi lên xe đò thì lại hết vé. Họ không bán chỗ đứng cho khách du lịch, nhưng nhờ chúng tôi năn nỉ, họ cho chúng tôi lên xe, ngồi vào chỗ mà khách hàng đã đặt sẵn. Xe chạy khoảng 1 tiếng, thì đám khách đó lên, thế là chúng tôi phải đứng. Tuyến đường này chỉ có một chuyến xe trong ngày, nên xe đón khách đến chật cứng (chúng tôi không dám đi xe đêm tại Guatemala, vì lâu lâu lại xảy ra 1 vụ cướp. Một anh tây balo kể chúng tôi nghe, mới đây, một xe đò đêm bị bọn cướp chặn lại, và chúng bắt mọi hành khách xuống xe, bắt họ cởi sạch quần áo, trang sức trên người ra, rồi sau đó chúng phát cho mỗi người một tờ báo để che thân. Nghe câu chuyện thấy hú hồn thiệt, lỡ mà gặp bọn chúng, là tiền của chúng tôi sẽ mất sạch (đâu còn chỗ nào mà dấu) và cuộc hành trình sẽ chấm dứt sao?).
Hôm nay xe đò chúng tôi phải dừng lại, để công an lên xét giấy tờ. Họ giữ hộ chiếu của chúng tôi, và bắt chúng tôi xuống xe đứng chờ, trong khi họ tiếp tục xét những hành khách còn lại. Khi các chú cớm xuống xe và ra hiệu là chúng tôi phải chìa tiền, nhưng chúng tôi cứ làm lơ, thế là các chú phải đưa lại giấy tờ.
Chiều nay xe chúng tôi tới thị trấn Rio Dulce, nằm bên bờ hồ lớn nhất của Guatemala, Lago de Izabal, ăn thông ra biển Caribbean. Thắng cảnh nơi đây đẹp và có rất nhiều du thuyền ghé thăm. Gần đây có thị trấn cảng Livingston là một điểm nghỉ mát nổi tiếng, ngoài ra nơi đây còn có vài khu vườn quốc gia.
Chúng tôi chỉ nghỉ qua đêm tại Rio Dulce, và sáng hôm sau, chúng tôi lại đón xe đi tiếp đến Flores. Đoạn đường này tuy chỉ có trên 200 km, mà chúng tôi phải đi từ sáng cho tới chiều. Mục đích chúng tôi đến nơi đó, là ghé thăm quan Tikan
Vườn quốc gia Tikan nằm cách xa Flores khoảng 65 km và rộng 570 km2, vào năm 1979 Tikal được tuyên bố UNESCO công nhận Di sản thế giới.
Tikal trước kia là thủ đô cùa một vương quốc hùng mạnh của người Maya cổ đại.
Vết tích của một số ngôi đền có tuổi từ thế kỷ thứ 4 tước công nguyên và được phát hiện vào thời gian 1840.
Đỉnh cao của nền văn hóa Maya là vào thời kỳ năm 200- 900 sau công nguyên và bao rộng nguyên khu vực của Trung Mỹ.
Đến cuối thế kỷ thứ 10 thì nền văn hóa này bị mất đi. Các nhà thảo cổ cho rằng nguyên nhân chính của sự sụp đổ, là nơi đây không có nguồn nước (họ chỉ sinh hoạt nhờ nguồn lưu trữ nước mưa).
Đền Tikal cao 47 mét.