What's new

Myanmar - Chuyến đi về miền quá khứ

Tháng 4 là tháng nóng đỉnh điểm ở Miến Điện, và nóng nhất có lẽ là “vùng đất khô” Bagan. Bagan là một thành phố nhỏ miền trung Miến, thuộc Madalay, cách Madalay 145km. Bagan là thủ đô của vương quốc Pagan vào khoảng thế kỷ 12, 13. Pagan từng là một đế quốc hùng mạnh trước khi suy tàn và diệt vong bởi sự xâm lược của vó ngựa Mông Cổ cuối thế kỷ 13. Cố đô xưa còn lại gì sau hơn 800 năm?

Sau khi check in tại một guest house nhỏ ở Old Bagan, chúng tôi thuê 2 chiếc xe ngựa cho 6 người với giá khoảng 25usd/chiếc cùng với 1 bạn hướng dẫn viên là anh chàng tên Min Thu. Ngựa Miến Điện cao lớn, có lẽ là hậu duệ của những chiến mã oai hùng của đế chế Pagan xưa. Chiếc xe ngựa lóc cóc rẽ vào một con đường mịt mù bui đỏ. Trời nắng chói chang như ở giữa sa mạc, cỏ cháy, cây trụi cành, chỉ còn những bụi xương rồng là dũng cảm đương đầu với ông mặt trời. Ngồi phía sau xe ngựa nhìn con đường nhỏ xíu quanh co càng lúc càng dài, bóng những đứa trẻ, những nhà sư áo đỏ mờ ảo sau lớp bụi mịt mù. Trong lớp bụi mờ, những đền đài cổ kính bắt đầu hiện ra, càng lúc càng nhiều. Bagan là nơi mà đứng ở đâu cũng có thể thấy đền đài chùa tháp. Có tư liệu nói rằng vào thời cực thịnh, ở Bagan có khoảng 4 triệu đền đài, lại có tư liệu nói rằng vào thời đó Bagan có khoảng 40.000 ngôi đền. Không thể kiểm chứng thông tin nào là đúng, chỉ biết rằng hiện nay ở Bagan chỉ còn hơn 2.000 đền tháp nằm trong diện tích khoảng 42km2, số còn lại đã bị hủy hoại do thời gian, do động đất, do chiến tranh. 2.000 cũng đã là một con số đáng ngạc nhiên. Số lượng đền đài chùa tháp quá nhiều nên ngoài những ngôi đền chùa lớn có tên riêng, còn lại chỉ được đánh số để quản lý. Trời càng về trưa càng nóng, cảm giác như có bao nhiêu hơi nóng ông mặt trời gom cả về nơi này. Vậy mà khi vào thăm các ngôi đền, không ai được mang giày vớ trong khi nền đất bị nung nóng, đôi bàn chân bỏng rát như đi trên than hồng. Trong các ngôi đền chùa rất vắng người, chỉ có dăm ba người dân bán tranh cát hay bán nước uống ở phía ngoài đền. Leo lên trên đỉnh của một ngôi đền, phóng tầm mắt khắp Bagan, thấy trùng điệp đền đài trên nền cát vàng, phía trên đầu là mặt trời đỏ lửa.

Con đường bụi mờ

IMG_1748.JPG


Đền đài trập trùng giữa miền đất nóng

IMG_1783.JPG


Min Thu cũng giải thích cho chúng tôi về các loại đền tháp ở đây. Có 5 loại khác nhau căn cứ vào đặc điểm kiến trúc cũng như mục đích sử dụng.nhưng tôi chỉ nhớ được 4 là chùa (pagoda), đền (temple), tháp (stupa), tu viện (monastery). Chỉ ở Bagan đúng một ngày nên chúng tôi cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, chỉ đến thăm được một số đền tháp trong hàng ngàn đền tháp.

IMG_1769.JPG


IMG_1800.JPG


IMG_1803.JPG


IMG_1806.JPG
 
Dát vàng cho tượng Phật

IMG_1818.JPG


Ngoài trời thì nóng nhưng bên trong những ngôi đền thì mát rượi do vòm cao và tường xây dày. Có lẽ ngày xưa dân chúng xây dựng nhiều đền đài, ngoài lý do tín ngưỡng thì còn là nơi để trốn nắng hay chăng?

IMG_1819.JPG


IMG_1908.JPG


Những con đường nhỏ ở Bagan

IMG_1869.JPG


Một bé con ngủ ngon lành trong 1 ngôi đền. Gia đình em trông giữ ngôi đền này

IMG_1874.JPG


Ananda Temple – Ngôi đền đẹp nhất ở Bagan

IMG_1835.JPG


Bagan chia làm Old Bagan và New Bagan. Trước chuyến đi tôi vẫn ngỡ giống như những đô thị lớn khác, khi chia New và Old thì chắc rằng New Bagan sẽ rất hiện đại. Tuy nhiên thực tế thì New Bagan cũng chỉ là một thị trấn nơi dân cư tập trung (Old Bagan thì là khu đền chùa). New Bagan nối với Old Bagan bằng một con đường nhỏ. Ở New Bagan, chúng tôi ghé thăm Nanpaya Temple. Ở đât bán nhiều con rối bằng gỗ truyền thống khá tinh xảo.

Những con rối

IMG_1900.JPG
 
Ở những nơi tôi đi qua, tôi thấy có rất nhiều những bình thế này được đặt ở nơi công cộng. Lúc đầu chẳng biết là gì, sau khi hỏi thì biết được đó là những bình nước công cộng nhưng những bình trá đá từ thiện ở lề đường Sài gòn. Ai lỡ đường khát nước đều dễ dàng tìm thấy nơi để uống 1 ly nước mát lạnh trong cái nóng ran người.

IMG_1897.JPG


Có một lần, tôi vô tình xem được một tấm ảnh hoàng hôn ở Bagan, nó đẹp đến nao lòng và thôi thúc tôi phải đến với Miến Điện để được tận mắt chiêm ngưỡng cảnh mặt trời lặn trên hàng ngàn tháp cổ. Chúng tôi đi ngắm hoàng hôn khá sớm, khoảng 5h chiều, trong khi mặt trời thì đến khoảng 6h15 mới lặn. Giống như ngắm hoàng hôn ở đồi Bakheng Campuchia, để lên trên đỉnh tháp, bạn phải trèo lên những bậc thang rất cao và hẹp, có khi gần như phải bò lên (người xưa chủ đích làm vậy để thể hiện lòng thành kính của con người đối với thần linh). Mặc dù đã đi sớm vậy mà trên ngôi tháp ngắm hoàng hôn mọi người đã đông nghịt. Dân da trắng, da vàng đủ cả. Thấy ồn ào đích thị là các bạn Trung Hoa, ngồi vắt vẻo không lo nguy hiểm là các bạn da trắng. Máy ảnh đủ mọi loại. Ai cũng rình rập ông mặt trời từng phút từng giây.

IMG_1969.JPG


Mặt trời chỉ có một, ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này ta cũng có thể nhìn thấy mặt trời lặn, và mỗi ngày ta đều có thể thấy mặt trời lặn nếu muốn. Nhưng ở nơi đây, hoàng hôn mang đến cho tôi mội cảm giác rất khác biệt. Nó không phải là cảm giác bình an như hoàng hôn ở chùa vàng Shwedagon, mà là một cảm giác rất u hoài. Trong một sát na, tôi thấy mình đang đứng ở nơi này hàng trăm năm về trước, mặt trời cũng đang lặn ngoài kia. Tám trăm năm trước mặt trời lặn trên một đế chế huy hoàng. Tám trăm năm sau mặt trời vẫn lặn nhưng đế chế huy hoàng đã trở thành phế tích. Và ai biết tám trăm năm sau nữa còn lại những gì! Thời gian mang theo những hủy hoại thật tàn khốc. Trong lòng tám trăm năm là tiếng cười khi phồn thịnh, tiếng đao gươm lạnh lẽo của chiến tranh, tiếng khóc than khi thiên tai, và sự im lặng của điêu tàn…

IMG_1963.JPG


IMG_1942.JPG
 
Inle Lake - Đời sông nước giữa miền sơn cước
Chỉ ở Bagan 24h, sáng hôm sau chúng tôi lên đường đi Heho với điểm đến là Inle Lake.

Đối với người dân Campuchia, Angkor là linh hồn, Biển hồ là trái tim của dân tộc Khmer. Tôi không biết người dân Miến Điện có xem Bagan là linh hồn, Inle Lake là trái tim của dân tộc mình hay không, nhưng tôi vẫn thấy có một sự tương đồng thú vị giữa Angkor và Biển hồ Tonle Sap của Campuchia với Bagan và Inle Lake của Miến Điện.

Trong chuyến đi này do thời gian không nhiều nên chúng tôi đã phải bỏ qua Mandalay với cây cầu Ubein bằng gỗ teak nổi tiếng và những cánh đồng hướng dương rực rỡ. Máy bay dừng ở Mandalay khoảng 15 phút để đón và trả khách. Vì vậy tôi cũng tự an ủi là mình cũng có đến Mandalay vậy.

Đến sân bay Heho, phải đi khoảng 45 phút để đến thị trấn ven hồ Inle, từ đó thuê thuyền để đi vào resort ở giữa hồ. Giá thuê xe 7 chỗ đi từ sân bay Heho đến thị trấn là 40.000 kyats. Heho thuộc bang Shan, nằm ở độ cao 800m so với mực nước biển nên khí hậu khá giống ở Bảo Lộc. Khí trời ở đây mát mẻ hơn Bagan rất nhiều, đầm nước mênh mông và nhiều đồng lúa, thi thoảng thấy vài cây phượng tím, và có cả thông nữa. Tôi thấy ở đây cuộc sống người dân dễ chịu và thoải mái hơn miền đất khô cằn Bagan. Thấp thoáng bóng những chiếc nón lá đặc trưng của người Shan trên cánh đồng lúa xanh mướt và những con đường làng rợp bóng cây xanh.

Một trong những điều tiếc nuối khi không thể Mandalay là những cánh đồng hướng dương rực rỡ mùa hè. Tôi không tưởng là mình có thể gặp 1 cánh đồng hướng dương nho nhỏ dễ thương trên đường đến Inle Lake. Khi thấy đồng hoa hướng dương, cả đám nháo nhác cả lên làm bác tài phải dừng xe lại để chúng tôi vào đồng hoa chụp hình. Đúng là một món quà bất ngờ từ Miến Điện.

IMG_1983.JPG


IMG_1993.JPG


Khi thuê những bác tài ở Miến Điện, chúng tôi cứ ngỡ đơn thuần họ chỉ chở mình tới nơi, nào ngờ họ đều là những hướng dẫn viên du lịch rất dễ thương. Như bác Te Tua ở Yangon, như bác tài ở Heho. Anh ấy dừng xe ở một tu viện gỗ với những cánh cửa sổ hình ovan khá đặc biệt để chúng tôi vào tham quan. Bây giờ tôi mới biết đó là tu viện cổ Shwe Yaunghwe nổi tiếng, là “một trong số những hình ảnh đẹp nhất trên postcard về Myanmar”. Ở cửa tu viện là một bác già bán tranh nói tiếng Anh rất khá. Thêm một người nữa minh chứng cho sự thân thiện dễ gần của người dân nơi đây.

IMG_1999.JPG


IMG_2001.JPG


Đến thị trấn ven hồ Inle (sau khi trả 5usd/người để vào khu bảo tồn hồ Inle), bác tài chở chúng tôi tới thẳng một văn phòng nhỏ chuyên làm các dịch vụ về du lịch để thuê tàu ra vào Inle Lake. Ông chủ của văn phòng nhỏ này là một kỷ niệm rất vui của chuyến đi. Bạn ấy hướng dẫn chúng tôi các nơi nên đến ở Inle Lake, giờ giấc sao cho hợp lý, và mua giúp vé xe bus để hôm sau về lại Yangon. Bạn ấy khá “nhiều chuyện”, nói chuyện có đầu có đuôi, có dây có nhợ nên sau 2 tiếng đồng hồ mà chúng tôi vẫn chưa thể lên tàu để vào hồ, hihi. Bạn ấy rất giống Obama. Và dường như chỉ đợi có người phát biểu “Oh, bạn trông rất giống Obama!” là bạn ấy rút ra từ hộc bàn một tấm hình so sánh với Obama ngay lập tức. Vui nhất là có 2 bạn Tây, cũng tới đây thuê tàu, thấy bạn ấy giống Obama quá thế là xách bạn ấy đi chụp hình để lấy bằng chứng mình có làm việc với tổng thống Mỹ ^^.

Welcom to Inlay

IMG_2007.JPG


Obama made in Myanmar

IMG_2661.JPG


Bác tài lái thuyền cho chúng tôi gần 2 ngày ở Inle là một người Inda, 1 trong nhiều sắc tộc ở vùng hồ này. Bác không biết nói tiếng Anh, rất hiền, và rất nhiều phen làm tụi tôi hú vía khi thuyền chết máy trên hồ mà hỏi gì bác cũng chỉ biết cười hì hì.

Bến thuyền cũng là đầu mối tập kết một đặc sản nổi tiếng của Inle Lake đã được biết nhiều qua những bài viết về Myanmar, đó là cà chua được trồng thủy canh trên hồ. Trái cà nhỏ, ăn nghe giòn rụm. Trong mấy bữa ăn trên hồ, hôm nào cũng phải có 2 dĩa salad cà chua, một dĩa cà chua xanh, một dĩa cà chua đỏ cùng nước sốt đậu phộng.

Bến nước

IMG_2027.JPG


Cà chua

IMG_2020.JPG


IMG_2094.JPG
 
Giống hệt thói quen hồi còn nhỏ, món ăn nào ngon luôn được tôi để dành đến cuối bữa cơm, thì khi viết về chuyến đi nào đó thông thường tôi hay để dành những thứ hay ho nhất của chuyến đi cho bài viết cuối. Thế là có nguy cơ xảy ra là sẽ chẳng có bài viết cuối, vì lười. Và những kỷ niệm đáng nhớ nhất của chuyến đi mãi mãi nằm trong đầu, lâu lâu nằm nhớ lại để cảm thấy bồi hồi. Nhưng đáng tiếc rằng cái đầu không phải là một cái máy tính có bộ nhớ vô hạn, nên khi những chuyến đi mỗi lúc mỗi nhiều lên thì việc đánh mất dữ liệu sẽ xảy ra. Để tránh điều đáng tiếc đó thì ráng copy dữ liệu bằng những con chữ vậy.

Mới đó mà đã gần nửa năm trôi qua từ chuyến đi Miến Điện. Vậy mà ngồi nhớ lại những chuyện xảy ra năm tháng về trước dễ dàng hơn mình nghĩ nhiều, có lẽ vì chưa có chuyến đi nào đáng nhớ hơn xảy ra sau đó. Bắt đầu hồi tưởng lại từ con thuyền chở cả nhóm đi vào hồ Inle.

Bến tàu, trông cũng không khác gì những bến tàu ở miền tây Việt Nam với dòng nước đục ngầu, và những chiếc ghe chở đầy hàng hóa, chủ yếu là nông sản, ra vào bến. Những chiếc ghe máy phục vụ du lịch được sơn màu sặc sỡ. Ghe hẹp, chiều rộng đủ để 1 chiếc ghế nhỏ, chiều dài để được khoảng 5,6 ghế, có đầy đủ áo phao. Việc đầu tiên khi yên vị trên ghe là mặt áo phao, thể hiện tinh thần “phượt có trách nhiệm” cao độ, hihi

1175113_3417713698343_81189328


Đi vào hồ Inle, nơi rộng nhất chẳng thấy bờ. Hồ lọt thỏm giữa trùng trùng núi non, tôi gọi nơi đây là “Hồ trên núi”, và liên tưởng đến việc mang Đồng Tháp Mười đặt giữa lòng Đà Lạt hay Sapa. Nhìn những giề lục bình nở bông tím rịm dập dền trên sóng nước, tôi nhớ miền Tây. Nhìn xa xa những dãy núi mờ mờ ảo ảo trong sương chiều, tôi nhớ tới miền sơn cước. Sự hòa trộn về mặt địa lý này đã tạo nên nét văn hóa độc đáo của đời sống trên hồ.

Núi non và lục bình

1234019_3417716538414_1898046129_n.jpg


1173658_3417769459737_1649552206_n.jpg
 
Tháng 4 là mùa khô, nước không lớn như vào tháng 10,11. Những căn nhà sàn trơ ra những cọc gỗ, mà tôi chắc rằng vào mùa nước lớn thì những cọc gỗ đó sẽ nằm trong nước. Trên hồ có rất nhiều làng, vào làng phải qua cổng làng, chỉ vừa đủ để một chiếc ghe đi qua. Cổng làng bằng gỗ, nhà bằng gỗ, cột điện cũng bằng gỗ. Những căn nhà sàn trên hồ được sơn nhiều màu sắc rực rỡ: màu tím, màu xanh lá, xanh dương, màu vàng, nhà này nối tiếp nhà kia, nhìn xa xa như những khối ru bíc. Có những ngôi nhà lợp bằng tranh (hay rơm?), bóng tranh vàng soi xuống mặt hồ trong ánh hoàng hôn đẹp long lanh. Điều thích nhất ở những căn nhà nơi đây là nhà có rất nhiều cửa sổ. 4 mặt nhà đều có cửa sổ. Nhà một tầng thì khoảng 10-15 cửa sổ. Nhà 2 tầng thì chắc hẳn số cửa sổ phải trên 20. Ôi, cứ tưởng tượng mình sống trong một ngôi nhà như thế. Ngôi nhà mở lòng ra với thiên nhiên. Sáng sớm hay chiều buông đều nhìn thấy mặt trời. Và gió thì chẳng bao giờ thiếu.

1381278_3417723498588_2127626488_n.jpg


1240457_3417730018751_916241088_n.jpg


ngôi nhà nhiều cửa sổ

946027_3417785260132_1152596027_n.jpg


Có lẽ sống trong những căn nhà cởi mở như thế nên người dân ở nơi đây cũng dễ thương chăng? Chưa đi một nơi nào mà tôi phải mỏi miệng và mỏi tay nhiều như một ngày trên hồ Inle. Mỏi miệng vì phải cười khi người dân cười với mình. Mỏi tay vẫy chào lại khi những đứa trẻ, những người lớn, và cả những cụ già vẫy tay chào mình.

1209438_3417735338884_596197483_n.jpg
 
Cuộc sống ở nơi đây gắn liền với nước. Phương tiện di chuyển là ghe thuyền, mọi sinh hoạt gắn liền với bến nước trước mỗi nhà. Vừa mới thấy ở nhà này một em gái đang gội đầu, thì sang nhà kia cách vài căn là một chị đang vo gạo rửa rau. Những đứa trẻ tắm hồn nhiên cùng với bầy vịt. Có ai đó đã từng so sánh nơi đây là một trong những Venice của phương Đông. Với cảm nhận riêng của tôi, một người chỉ mới biết Venice qua sách báo phim ảnh, thì Venice phương Đông là Lệ Giang cổ trấn, hay cổ trấn ở Tô Châu là sự so sánh phù hợp hơn. Những làng nổi ở Inle có lẽ chỉ giống Venice ở chỗ gắn liền với nước. Làng nổi ở nơi này và Venice như là hai thế giới khác nhau. Inle mộc mạc và nghèo lắm. Trong thời gian đi trên hồ, tôi suy nghĩ nhiều về cái sự nghèo – giàu. Tôi cảm giác họ nghèo một cách hồn nhiên. Mà nghèo, có chắc rằng họ nghèo không? Hay họ chỉ nghèo theo cách chúng ta suy nghĩ. Họ sống mà không có những thứ vật chất xa hoa. Có thể có những người cả đời không ra khỏi cái hồ này. Họ không cần biết thế giới có những nơi giàu có ra sao. Họ sống vui vẻ (tôi nghĩ thế, vì nếu sống thế tôi cũng vui) trong những ngôi nhà bằng gỗ bằng tranh nhưng lộng gió, cá thì có sẵn trong hồ, trồng hoa màu trên vườn nổi. Đời sống đơn giản vì có nhu cầu bao nhiêu đâu, nên thanh thản.

1376351_3417749299233_1608712679_n.jpg


Tôi đã được thấy những điều mà trước khi đi quyết lòng phải thấy ở Miến Điện. Là ngư dân chèo thuyền đánh cá bằng 1 chân. Là những khu vườn nổi trồng cà chua, trồng đậu. Là cách dệt vải từ tơ sen. Có một số điều mà thực tế còn tuyệt vời hơn cả khi mình tưởng tượng. Như khi ghé thăm xưởng dệt từ tơ sen. Mặt dù chẳng mua được tấm longi bằng tơ sen nào vì quá mắc, tôi vẫn nhớ mãi nơi này, vì con người. Nhớ những người phụ nữ dệt vải, từ chị chủ đến các bác đã lớn tuổi, đến cô bé phiên dịch 16 tuổi xinh xắn mà rụt rè. Họ hiếu khách đến mức mình cảm thấy áy náy. Thật vui khi nhớ lại cảnh chủ, khách ngồi cạnh nhau, rót trà mời nhau, nhìn nhau cười rồi mạnh ai nấy nói vì chẳng ai hiểu ai nói gì, cô bé phiên dịch thì đi trốn riết. Họ bán sản phẩm đấy, nhưng chẳng chèo kéo, chẳng một lời càm ràm, chẳng mặt nặng mày nhẹ khi mắc công tiếp khách mà khách chẳng mua gì. Dù chỉ biết khách chỉ đi xem, đi chụp hình mà cũng nằng nặc phải mời trà, rồi còn cà thanaka cho bôi mặt.

532086_3417756779420_1230264276_n.jpg


Khi ánh hoàng hôn buông xuống, trên hồ tấp nập hơn, những chiếc ghe vội vã về nhà sau một ngày lao động. Chúng tôi ghé Nga Phe Chaung Monastery, thường được gọi là tu viên mèo nhảy vì nơi này nuôi nhiều mèo biết…nhảy (chắc không phải nhảy đầm!). Đứng bên tu viện, nhìn ra mênh mông những khu vườn nổi. Và hoàng hôn trên hồ…

Ve nha

9830_3417761219531_1082481922_n.jpg


Hoàng hôn trên hồ


1235080_3417765379635_1842760904_n.jpg


Tối hôm đó, sau khi rời làng có người phụ nữ cổ dài về, chúng tôi có một bữa ăn tối lãng mạn với nến, với những món Shan ngon tuyệt, và…với muỗi. Trên đường về, có một kỷ niệm nhớ đời là ghe bị chết máy giữa hồ. Buổi trưa chiều ghe cũng vài lần chết máy, nhưng không sợ vì trời sáng, và còn thấy dân cư. Còn buổi tối, sau khi rời làng, ghe chết máy giữa hồ, hai bên là lau sậy. Hỏi bác tài thì bác cũng chẳng trả lời được vì không biết tiếng Anh. Điện thoại thi nhau mở để lấy chút ánh sáng. Ghe bập bềnh theo sóng nước. Mình thì chẳng biết bơi, mặc dù có áo phao mà cũng sợ, lỡ ghe chết máy cả đêm thì chẳng biết sao, lỡ ghe có lật thì chẳng biết sao (sau này mới biết là nước ở đó cao lắm là ngang bụng à J). Đành nhìn lên trời đầy sao, cầu nguyện đủ mặt thánh thần, rồi nghĩ đến những chuyện lãng mạn cho bớt lo. May mà sau đó ghe chạy lại được. Khoảng 15p sau là tới resort. Thấy resort mà mừng rơi nước mắt. Cả nhóm quyết định bo cho bác tài 1 khoản lơn lớn vì có công đưa cả nhóm về an toàn, hihi.



Mùa khô chúng tôi mới có cơ hội ở resort trên hồ, vì giá giảm nhiều so với mùa cao điểm du lịch là mùa nước lớn. Mùa khô nên cảnh không được đẹp lắm vì nước thấp, bùn nhiều. Đêm ở đây bình yên đến buồn, âm thanh duy nhất trong đêm là tiếng tụng kinh từ ngôi chùa gần đó. Trong ánh đèn mờ mờ và bầy muỗi vo ve, còn biết làm gì hơn là về phòng ngủ sớm. Một giấc ngủ thật ngon lành là liều thuốc bổ quý giá nhất trong những chuyến đi xa.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
37,442
Bài viết
1,147,288
Members
193,504
Latest member
niuelifeuit
Back
Top