What's new

[Chia sẻ] Nhật ký hành trình Nước Mỹ bằng xe gắn máy

Chào các Bạn/Anh/Chị,

Ông bà ta có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đối với nhiều người thì câu nói đó đúng, riêng tôi thì mỗi một cuộc hành trình kết thúc thường để lại một khoảng trống, một sự tỉnh ngộ. Và khi vẫn chưa thấy điểm dừng của sự khám phá, để lấp đầy khoảng trống đó tôi lại lên đường.

HDD82 thấy rằng các chuyến đi đã làm thay đổi mình nhiều hơn tưởng tượng. Các cuộc hành trình không còn là những cuộc phiêu lưu “điên khùng” nhằm chứng tỏ bản thân với mọi người nữa. Hơn hết là hành trình quay về khám phá con người thật sự, khả năng và bản lĩnh thật sự của mình…

Có rất nhiều cách để đi từ điểm A đến điểm B, khoảng cách giữa hai điểm không quan trọng, đi xa hay đi nhiều không quan trọng, quan trọng là bản thân học được những gì, tiến được bao xa trên con đường Chân, Thiện, Mỹ.

Cuối cùng, HDD82 lấy lại câu kết trong bài “Nhật ký hành trình Trung Quốc - Tây Tạng bằng xe gắn máy” rằng: Có những người đi để khẳng định bản thân, có những người đi để tìm hiểu thế giới xung quanh, cũng có những người đi chỉ vì được đi. Bằng cách kể lại chi tiết chuyến đi này, tôi hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều bạn mạnh dạn lên đường khám phá thế giới xung quanh bằng xe gắn máy, một thế giới tuyệt vời ở bên ngoài đang chờ đón bạn chiêm ngưỡng, đừng ngần ngại những gì bạn chưa biết, chưa nắm rõ...

“Người lữ hành đúng nghĩa là người đi chỉ vì được đi,
Trái tim không hề vương vấn
Như mây bay gió thổi
Anh bước theo số phận của mình,
Cần gì phải có một lý do
Chỉ một tiếng hô thôi “Lên Đường”!!!”

Topic “Nhật ký hành trình Nước Mỹ bằng xe gắn máy” xin được phép ra đời.
 
Những người thám hiểm thường hay mắc lỗi lầm này: Đánh giá quá thấp thiên nhiên và đánh giá quá cao bản thân mình! Đương nhiên ai đã đến đây mà không muốn leo xuống tận đáy vực? Nhưng rõ ràng giữa thực tế và mong muốn có khoảng cách! Khoảng cách đó rộng hay hẹp là do sự chuẩn bị của mỗi người.

Đang hăm hở chuẩn bị chạy xuống thám hiểm đường mòn thì tôi thấy một nhóm người đi tới với hành lý rất chuyên nghiệp: nào là balo leo núi, nào là giày leo núi xịn, nào là mũ nón trùm kín mít, nào là nước uống tăng lực, nào là gậy leo núi, chưa kể cả đoàn còn có hai hướng dẫn viên dẫn đường v.v... Nhiêu đó cũng đủ cảnh tỉnh tôi rằng mình đã đánh giá quá thấp Grand Canyon khi quyết định cuốc bộ xa hơn 2km với chiếc áo khoác chuyên đi moto, balo học sinh cấp ba, "giày thể thao đánh xi" trong các cuộc họp tại Washington D.C và hộp cơm trưa khiêm tốn... :D





Chuyên nghiệp như Mỹ:

 
Bắt đầu...





Khung cảnh...



Bạn có để ý con đường mòn bé xíu trong ảnh?



Tiếp tục đi xuống con đường mòn đó... Đất cát dần chuyển sang màu đỏ:





 
Ở đây có cả dịch vụ cho thuê súc vật cưỡi cho đỡ mệt... Bạn biết đấy, trong 100 du khách ghé Grand Canyon thì 90 người ghé Bờ Nam vì đường xá thuận tiện, chỉ 10 người ghé Bờ Bắc - North Rim (nguồn: http://www.nps.gov). Và trong 10 khách ghé Bờ Bắc đó , 90% chỉ loanh quanh trong bán kính 200m gần khu vực bãi đậu xe oto vì sợ nắng và đa số đi về trong ngày, 10% chọn đi bộ thám hiểm xuống Grand Canyon. Trong số 10% "đi bộ" khám phá đó, một số không nhỏ là "đi bộ" trên lưng súc vật cưỡi... :)



Bụi bay mù mịt dưới chân các con vật:



Bạn có thấy sinh vật nào trong ảnh?



Nó đây...



Bạn có thấy "sinh vật" nào trong ảnh?



"Nó" đây... :D

 
Trong lúc nghỉ chân dọc đường, tôi bắt gặp và nói chuyện với hai chàng trai trẻ trạc 23-24 tuổi, một đến từ Texas mặc áo đen sọc vui tính, một đến từ Utah mặc áo trắng. Họ tranh thủ vài ngày nghỉ phép đi máy bay tới Grand Canyon để thỏa mãn mong ước một lần đi bộ xuống đáy vực! Sau một ngày đi xuống và nghỉ đêm ở dưới vực thì họ bắt đầu leo từ sáng sớm và chúng tôi tình cờ gặp nhau trên đường.

Khi gặp nhau, tôi thấy hai anh chàng đang lê từng bước như nặng cả ngàn cân, trông họ cực kỳ mệt mỏi và cứ 10p lại dừng chân nghỉ một lần... Tôi đi bộ một mình cũng cảm thấy hơi buồn, vả lại tốc độ di chuyển của hai anh chàng cũng phù hợp, nên tôi trò chuyện và nhập bọn với họ cho thêm phần vui vẻ.

Câu chuyện cũng không có gì đáng nói nếu trong một lần dừng chân, anh chàng áo đen Texas không đột nhiên đổ gục xuống. Cả hai chúng tôi đều chạy lại: "Joe, mày không sao chứ?". Joe lấy tay ôm đầu ra vẻ kiệt sức, lúc đầu Joe còn ậm ừ trả lời được vài câu, lúc sau mặt cậu tái nhợt và không đứng dậy nổi. "Joe bị tụt đường huyết rồi !". Tôi và anh chàng áo trắng nhìn nhau...

Tôi lấy hai cái bánh quy còn lại trong túi xách đưa cho Joe: "Mày ăn cái bánh này cho có chút đường". Joe gật đầu và cầm bánh cố gắng ăn:



Tình hình sau đó không khá hơn, Joe hơn 30p mà không ăn hết nửa cái bánh. Mặt cậu ta càng lúc càng tái nhợt, cậu than chóng mặt, hơi thở hổn hển và cuối cùng nằm dưới đường không nhúc nhích nổi:



Một vài người đi ngang qua hỏi han chúng tôi và họ đưa cho Joe một số bánh cũng như muối hòa tan để ăn, nhưng Joe vẫn nằm im... Hơn một tiếng đồng hồ sau Joe mới ngồi dậy được. Tôi giúp Joe mang balo và hành lý. Nhưng đi thêm được chừng 5p thì Joe kiệt sức ngồi bệt xuống... Anh chàng áo trắng đành dừng một người quản lý Grand Canyon đang dẫn một đoàn súc vật chở khách du lịch đi xuống:



Anh nhờ ông quản lý gọi cấp cứu vì điện thoại ở đây không có sóng tín hiệu. Ông quản lý lấy bộ đàm gọi cho người điều hành ở trên "điều" một con la xuống chở Joe lên, giá cả $100. Ông cũng cho Joe một gói muối + vitamin màu xanh hòa tan vào nước uống. Joe mệt mỏi mở gói muối ra uống:

 
Gói muối dường như có tác dụng và làm Joe tỉnh táo hơn. Rất may là sức khỏe của Joe sau đó okie. Nhưng bạn thấy đấy, một thanh niên trẻ khỏe, chỉ mới một ngày trên đường, chưa phải nhịn đói nhịn khát lần nào, chuẩn bị hành lý kĩ càng, thế mà đã bị Grand Canyon vắt kiệt sức khi leo lên!

Con người không bao giờ được xem thường Hẻm núi vĩ đại Grand Canyon:







Còn tôi thì không bao giờ dám xem thường đôi giày "thể thao đánh xi" Made in Vietnam này. :) Chấm hết một ngày khám phá Grand Canyon!

 
Last edited:
Trở về khu cắm trại, lương thực của tôi đã gần như cạn kiệt. Chỉ còn vài thứ có thể ăn được. Trong Grand Canyon Bờ Bắc có một khu cắm trại rất lớn và giá cả thì rất đắt đỏ. Chẳng hạn: một gói mì tôm bé xíu khoảng $2, một cái bánh sandwich nhỏ bằng bàn tay $7, đồ hộp giá cũng ngất ngưỡng. Gạo nấu cơm và rau xanh mà còn không có, nói chi tới nước mắm là thứ cả tháng nay tôi chưa được nếm. Người Mỹ không ăn rau nấu chín mấy như người Việt Nam, hơn nữa ai cũng xác định tham quan khu vực "khỉ ho cò gáy" này 1- 2 ngày chứ không ở lâu, nên tôi hiểu họ không bán là hợp lý.

Đêm đó, sau bữa ăn tối đạm bạc, rửa đóng chén bát chất núi trong lều và trò chuyện với người quản lý khu trại xong, tôi về lều ngồi trong bóng tối tĩnh mịch xem lại những hình ảnh về Grand Canyon, bầu trời đêm vạn vì sao lấp lánh và giọng ca Hương Lan ngọt ngào vang lên bài "Đất Nước"... Tâm hồn thư thái. Vâng! Đi du lịch độc hành cũng có cái hay riêng của nó khi bạn có những phút giây dành riêng cho mình. Rồi lý trí mách bảo tôi rằng đã tới lúc mình phải tiếp tục lên đường... Con đường lại vẫy gọi!

Lý trí thì muốn lên đường mà dường như vẫn còn cái gì đó lưu luyến... Grand Canyon hùng vĩ hàng trăm dặm đâu phải chỉ vài ngày là xong? Giống như Vạn Lý Trường Thành tại Trung Quốc vậy, Vạn Lý dài hàng trăm cây số và nằm rải rác khắp nơi xung quanh Bắc Kinh, nếu muốn có vài tấm hình để đưa lên với bạn bè rằng "Bất đáo Trường Thành phi hảo hán" thì chỉ cần vài tiếng, nhưng những gì tuyệt vời nhất phải nằm ở nơi xa xôi hẻo lánh nhất.

Vạn Lý Trường Thành cho những người thích sự nhanh chóng... Cứ cáp treo mà lên thôi:



... và cho những người thích sự chậm rãi...



Và tôi quyết định ở lại Bờ Bắc tiếp tục tìm hiểu Grand Canyon!
 
Một số bạn bè đọc "Nhật ký hành trình" các chuyến đi tôi và nói rằng tôi miêu tả mọi chuyện lại nghe "đơn giản" quá. Mọi thứ đều có vẻ suôn sẻ và dường như không có gì phải lo lắng. Trong khi một số bạn bè tôi chuẩn bị hành lý cho chuyến đi vài trăm kilomet gần nhà đã có hầm bà lằng thứ để lo: Xe hư, thủng xăm, đứt dây côn, bể bạc đạn, chết bugi, cháy đèn, hết xăng v.v... và v.v... thế là họ mang theo cả trăm thứ trong hành lý, nào là cờ lê, mỏ lết, kìm, khóa, lắc-lê, lốp dự phòng, nhớt, xăng dự trữ ...

Lo lắng là tâm lý bình thường trước mỗi chuyến đi, dài hay ngắn... Những ai mê truyện kiếm hiệp Kim Dung đều nhận thấy cốt truyện chung kể về những nhân vật mới bước chân vào giang hồ thường trang bị cho mình những thanh bảo kiếm sắc bén, chém sắt như chém bùn khắp nơi không có địch thủ và biểu diễn với dáng vẻ phong nhã, như bay như múa. Kiếm sắc ở đây tượng trưng cho chiếc xe đời mời, hiện đại, đồ nghề tối tân và trang phục bảo hộ đầy đủ, bảo hiểm từ đầu xuống gót chân.



Nhưng qua thời gian, trải qua nhiều trận quyết đấu, anh dần thuần thục các kỹ năng. Nếu muốn thực sự muốn sống một cuộc đời kiếm sĩ, và trở thành một tay kiếm có chút tên tuổi nào đó, thanh kiếm mà anh sử dụng có lẽ chỉ là một thanh kiếm cùn mà anh không buồn mài sắc. Chiếc xe cồng kềnh hiện đại hôm nào là vật bất ly thân thì giờ dần trở thành gánh nặng, nó ngăn cản bạn khám phá các cung đường bùn đất, bạn phải thường xuyên lau chùi sạch sẽ, sợ mất trộm, không được phép ngủ trong rừng, sợ té xe v.v... và v.v... Một chiếc xe cổ lổ sĩ sản xuất năm 1982 không cần bảo trì sửa chữa gì vẫn đủ sức mang bạn tới đỉnh núi Alps.



Qua thời gian, khi kỹ năng và kinh nghiệm dần trở nên phong phú và vững chắc hơn anh mới nhận thấy rằng chất lượng của thanh kim loại lúc đầu không còn quan trọng nữa. Nhưng muốn thực sự hiểu được giá trị của kỹ năng và kinh nghiệm, anh phải rèn luyện bằng sự chuyên chú. Không phải bằng lời nói, cũng không phải lý thuyết sách vở...

Xe hư, không có đủ dụng cụ để sửa xe, thì có thể gọi người tới giúp đỡ...



... nếu không được nữa thì ...



Xe bị mắc kẹt trong vũng bùn giữa một nơi vắng vẻ, không có dụng cụ, không có người giúp đỡ...



... thì phải tự thân vận động thôi...



Nếu một người chăm chú rèn luyện kỹ năng qua thực tế, dần dà anh ta sẽ thấy rằng những thứ thuộc về bên ngoài không quan trọng bằng những thứ thuộc về bản thân anh ta. Những cao thủ trong kiếm hiệp Kim Dung có người đạt đến trạng thái cao nhất - đó là Độc cô cầu bại. Nhân vật Độc cô cầu bại không mang vũ khí nào cả, mọi kỹ năng kiếm thuật của anh đã hòa vào trong tâm hồn và tâm trí anh qua những năm tháng tập luyện miệt mài, và anh ta - theo Kim Dung mô tả - có thể tạo ra một thanh kiếm chỉ bằng cách duỗi cánh tay của mình ra.

Một lần nữa bạn phải tự thân vận động: té xe, tai nạn, trầy da chảy máu, cảnh sát hỏi thăm, thất lạc hành lý v.v... đều là các cơ hội để phát triển kỹ năng và kinh nghiệm. Những chuyến đi xe máy là để truy rèn nội tâm mỗi người, nâng cao sự chững chạc và trưởng thành. Hãy chia sẻ lại các kinh nghiệm đó, nhưng đừng xa vào cái bẫy huênh hoang khoác lác muốn đánh bóng sĩ diện bản thân...





Một phần trong các chuyến đi là bạn có cơ hội gặp gỡ với những người giỏi hơn và khiêm tốn hơn. Điều đó khiến chúng ta "tỉnh ngộ" lại để trở nên khiêm tốn, nhã nhặn hơn và cái tôi dần được bào mòn thấp xuống... Còn nếu không thì các chuyến đi dần trở thành đề tài để khoe khoang chiến tích hơn là để phát triển nội tâm như cái nghĩa đẹp nhất của nó.

Không lời:

 
Last edited:




Khoảng 1,100 đến 800 năm trước, những người thổ dân đã sinh sống dọc theo sông Colorado dưới đáy vực này, họ trồng trọt săn bắn và hái lượm trong khoảng 05 thế hệ trước khi buộc phải di cư đi nơi khác. Lý do họ di cư thì có lẽ do khí hậu thay đổi, lượng nước càng lúc càng ít hơn và không thuận lợi cho việc trồng trọt.



 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,637
Bài viết
1,154,243
Members
190,154
Latest member
tranquochuy86
Back
Top