Giờ này thì bắt đầu lục tục có người đi lại trên hồ rồi, chủ yếu là dân Miến Điện đi lễ chùa và các xuồng trĩu nặng rau quả chạy cho kịp buổi chợ. Tiếng xuồng máy phóng hết tốc lực ầm vang trên mặt hồ, nước từ cánh quạt bắn vồng lên như những cái nơm màu bạc.
Các vườn trồng cây quả nổi trên mặt hồ đã rõ nét hơn, từng luống cà chua cũng đã bắt đầu giũ những giọt sương khỏi cành. Chúng tôi gọi cậu lái thuyền tắp vào để chụp vài tấm ảnh, nhưng với vốn tiếng Anh hạn chế, cậu giải thích ở đường về sẽ có những vườn đẹp hơn, dễ vào hơn. Vậy là chúng tôi bấm bụng chờ đến chiều vậy.
Đi sâu vào lòng kênh để đến Kaung Daing, qua một xóm được gọi là làng nghề thợ bạc, tí chúng tôi sẽ ghé xem, gần cuối con kênh này là một khu chùa cổ đổ nát, nghe nói tồn tại hàng chục thế kỷ rồi. Chủ yếu 2 vợ chồng Hà Lan xem thôi, chứ 2 vợ chồng tui không vào xem. Con kênh chảy hiền hòa, xanh trong. Dọc kênh, lâu lâu lại gặp một cái giống như đập nước chắn ngang, làm thành một cái ghềnh nho nhỏ, chỉ chừa đủ chỗ cho xuồng chạy ngang. Cậu lái xuồng cứ đến những khúc này lại canh đường 2 bên, mở máy to lấy đà phóng ào qua. Phải nói là cậu giỏi vì không chạm cái cọc tiêu của đập sát rạt 2 bên thành xuồng, chắc là quen tay rồi. Cậu giải thích là nước những chỗ này cạn, họ làm đập để nâng mực nước lên cho xuồng dễ qua.
Những vạt tràm bên bờ, những hàng tre xanh ngát bắt ánh nắng sớm lung linh. Đường vào đã thấy người địa phương lũ lượt đi ra, cứ thắc mắc người ta đi đâu về sớm thế. Ngày hôm sau thì thắc mắc này được giải đáp.
Sau nhiều khúc quanh co, đã vào được đến bến đỗ lên đền. Hai vợ chồng tui chỉ vào đi lang thang trong khu chợ vắng tanh vắng ngắt, rồi ra ngồi quán uống nước chờ 2 đồng chí kia. Ngán chùa chiền lắm rồi.
Đường ra gặp rất nhiều đoạn có thanh niên xuống kênh tắm (kênh cạn xệu à, cỡ 1m nước là cùng), họ dắt cả những con trâu đen lùi lũi mập mạp xuống để cọ mình cho chúng. Đã 8g rồi mà vẫn còn lạnh, thế mà họ vẫn tắm ngon lành. Vẫn còn đang trong lễ hội nước, nên việc xuồng chúng tôi đi ngang qua và bị các chành thanh niên tinh quái kia tạt nước ướt hết là điều không tránh khỏi. Chồng tui và cô Hà Lan cứ phải loay hoay tìm cách bảo vệ cái tài sản quý giá của mình là cái máy ảnh.
Ghé một nhà làm bạc. Ngày xưa nơi đây là một làng nổi, đúng nghĩa đen của chữ nổi luôn. Thế nhưng bây giờ là làng trên doi đất rồi, các nhà cũng vẫn xoay ra kênh rạch và nối với nhau bằng những nhịp cầu ngắn. Họ biểu diễn cách thổi lò nung bạc cho chảy, đổ ra khuôn thành một thỏi hơi dài, rồi cứ thế sẽ kéo qua những vòng tròn ngày càng nhỏ dần cho đến khi được một sợi bạc mỏng dính như ý. Ban đầu tui cũng dự định mua một vài thứ làm quà cho con gái ở nhà. Thế nhưng giá mắc quá, mắc một cách vô lý, nên chúng tôi ai cũng bỏ qua.
Ra tới ngoài hồ chính, chúng tôi định đi thăm chợ Nam Pan, dạng chợ nổi, thường được họp xoay tua ở đây, ngày thì ở làng này hồ, ngày thì ở làng kia. Chúng tôi quên mất hôm nay là ngày đầu năm mới, nên chợ không họp là ... điều đương nhiên. Tiếc thật, nhưng biết sao bây giờ.
Mặt hồ giờ đã rộn ràng hơn rất nhiều, hàng chục thuyền máy chở dân đi viếng chùa chạy như bay trên mặt nước, các resort trên mặt hồ đã có người đi lại trên các cây cầu nối, và trời thì đã hết lạnh. Quẹo vào khu làng kéo tơ dệt lụa, vẫn còn dùng phương pháp thủ công, và tui tròn mắt nhìn họ kiên nhẫn làm chỉ dệt từ những sợi tơ của cọng hoa/lá sen. Lấy dao nhọn khía nhẹ cọng, bẻ nhẹ tay kéo ra được những sợi tơ chỉ dài độ 2-3 cm, rồi họ bỏ xuống mặt bàn xe chúng lại với nhau. Phải mấy lần như vậy mới được một cọng có bề ngang như cọng chỉ thô ở ta. Ôi, sự kiên nhẫn mới đáng khâm phục làm sao.
Quanh trở về, ghé một làng đồ thủ công mỹ nghệ của dân tộc cổ dài, cô bé này xinh xắn quá.