What's new

Nhìu Cồ San - tiếp tục câu chuyện đang kể dở

Mở đầu, em cũng xin nói luôn là chuyến đi này đã được thực hiện từ đợt 30/4 - 1/5 của năm 2009, cũng khá lâu rồi so với những topic "hồi ức" khác của các bác. Hồi đó em rủ rê bên Box Du lịch TTVNOL và cũng đã post 1 vài bài tường thuật bên đó, nhưng topic bị bỏ lửng giữa chừng vì 1 lý do rất củ chuối: lên Bắc Hà chơi - gặp mận đầu mùa - ăn quá nhiều - về bị ngộ độc/dị ứng đầy mặt mũi chân tay - phải đi bệnh viện :"> Đúng là chết vì cái tội tham ăn :))

Bây giờ chả dám đào mộ cái topic cũ kia, 1 phần vì mất mạch cảm xúc, phần nhiều là cũng chả ai nhớ đến nó nữa, sang đây mừng vì gặp mục Hồi ức này, để có thể vừa chia sẻ, vừa tự nhắc bản thân ghi nhớ về một lần đã đi qua Nhìu Cồ San :):

DSC07811-1.jpg


Post demo 1 tấm ảnh để lấy cảm hứng, mai em sẽ kể tiếp :D
 
Một chút ít thông tin: Nhìu Cồ San (tiếng Hà Nhì, nghĩa là Ba ngọn núi to; hay còn được biết đến với cái tên núi Sừng trâu) là dãy núi thuộc hệ thống Hoàng Liên Sơn, kéo dài từ Lai Châu sang Bát Xát - Lào Cai, có đỉnh cao hơn 2600m. Ở Bát Xát, núi có "hộ khẩu" ở địa phận 3 xã: Sàng Ma Sáo, Dền Sáng và Y Tý, trong đó Sàng Ma Sáo và Y Tý đều có thôn tên là Nhìu Cồ San (có vẻ NCS của Y Tý được biết đến nhiều hơn).
Đầu thế kỷ 20 miền Tây Bắc vẫn còn là một xứ sở hoang sơ, hoàn toàn cách biệt với đồng bằng. Phong Thổ khi ấy có lẽ là một trong những địa danh xa xôi nhất, hoang vu nhất, nhưng lại chiếm giữ một vị trí chiến lược trấn giữ biên giới phía Bắc. Năm 1927, người Pháp huy động hàng ngàn dân phu người Mèo Thái trong vùng làm một con đường mòn vượt dãy Hoàng Liên Sơn, nối liền Phong Thổ với thung lũng Mường Hum (thuộc huyện Bát Xát Lao Cai). Thời ấy, đây là con đường liên lạc duy nhất giữa hai tỉnh Lao Cai và Lai Châu. Tổng cộng chiều dài con đường này là 80 km, tuy nhiên giờ chỉ còn 30 km là giữ được tình trạng nguyên thuỷ của nó, hàng vạn tảng đá cuội xếp chặt vào với nhau, trơ trơ ra với nắng gió suốt gần một thế kỷ nay. 30 cây số đường rừng này cực kỳ hoang vu, vắt vẻo qua dãy núi Nhìu Cồ San, xuyên qua một cánh rừng già nguyên sinh. (equinoxe - ttvnol)
Thực ra, mục đích của người Pháp khi làm con đường đá này là để thu hoạch thảo quả - loại cây có giá trị nhưng chỉ sống được trong rừng già, nơi âm u lạnh lẽo ko có ánh nắng mặt trời (cây thảo quả rất kị ánh sáng). Từ thôn Nhìu Cồ San - Sàng Ma Sáo bọn em định xuất phát, được biết có 2 con đường đá, 1 sang Phong Thổ - Lai Châu và 1 đi ngược lên phía Y Tý ở bên kia sườn núi, nhưng hồi đấy đường thứ 2 vẫn còn bị sạt lở sau cơn bão năm 2008. Không có sự lựa chọn nào khác về lịch trình.
Chính vì thế, khi mà chí đã quyết, điểm đến đã có, thì chân sẽ tự động lần men theo nhưng hòn đá cổ xưa để 1 lũ người chưa quen biết nhau nhiều cùng dấn thân vào dãy Nhìu Cồ San...

DSC07898-1.jpg
 
Lịch trình dự kiến:
- Ngày 0: Tối lên tàu từ HN đi Lào Cai

- Ngày 1: Sáng 6 rưỡi xuống tàu, nghỉ ngơi ăn sáng, di chuyển ra bến xe gần chợ Cốc Lếu bắt chuyến xe 7h30 đi Mường Hum. 10h30 tới Mường Hum ăn trưa, nghỉ ngơi rồi tiếp tục bắt xe ôm lên ngã ba Nậm Giàng - Sàng Ma Sáo cách Mường Hum 7km. Đi bộ từ ngã ba Nậm Giàng lên bản Nhìu Cồ San nghỉ đêm.

Ngày 2: Từ bản Nhìu Cồ San, đi theo con đường đá của người Pháp qua rừng thảo quả. Đây là ngày đẹp nhất vì sẽ đi theo con đường đá sâu vào rừng già. Nghỉ đêm trong rừng.

Ngày 3: Đi hết rừng già ra bản Sàng Mà Pho. Từ đây sẽ toàn đường đất, theo đường đất sang bản Chảng Phàng (Chảng Phàng có bản trên và bản dưới, vượt qua bản trên xuống bản dưới nghỉ đêm)

Ngày 4: Từ bản Chảng Phàng đi tiếp sang Nậm Xê, tới bản Mỏ có thể bắt xe ôm ở đây hoặc đi tiếp sang bản Màu cách đó 2km bắt xe ôm ra Mường So (14km), dừng ở ngã ba giao với đường quốc lộ (cách Mường So 3km) bắt xe ôtô khách về Sapa.

Ngày 5: Nghỉ ngơi ăn chơi tại Sapa. 3h chiều bắt xe xuống Lào Cai. 19h30 lên ô tô về HN. 5h sáng hôm sau về tới HN, kết thúc chuyến đi.

Lần đầu tiên tổ chức 1 chuyến đi, lại là chuyến trekking nên em lo lắng hết sức :p Từ việc rủ rê, chọn bạn đồng hành, tiền nong, vé tàu vé xe (đúng đợt 30/4 nên khó mua vé tàu LC hết sức), test thể lực, rồi mua sắm đồ dùng, tất tần tật những việc gạo củi mắm muối cũng đau đầu ra phết, cộng thêm cả đống việc sếp giao trước khi nghỉ lễ, khiến cho em sau chuyến này thề ko dám làm leader nữa :)) Cũng rất may được sự giúp đỡ của bác kydamoc nhà Long Nhong về lịch trình & đồ đạc (nhà Long Nhong đi trước bọn em mấy tháng) và bác Hùng zuji về một số thông tin bên Phong Thổ - Lai Châu nên cuối cùng mọi việc cũng đâu vào đấy.

Một bức ảnh lưu niệm ở Mường Hum trước khi lên đường - danh sách đoàn chốt ở con số 7:

DSC07714.jpg


Từ trái qua: Midnight, misswinter, kotus, loaneu, mitdac, Thọ & em là thằng chụp ảnh :D

Và cũng rất là thiếu sót khi ko nhắc đến Sắn đại ca - người em tìm được ở Mường Hum trong chuyến tiền trạm trước đó, với lời giới thiệu "là người Phong Thổ & đã từng đi qua con đường đó hàng trăm lần rồi" (c) để làm porter kiêm người dẫn đường kiêm phiên dịch (lo xa mà :D). Nhưng có lúc trong chuyến đi em có thắc mắc ko biết bác này đi cùng mình làm gì, vì toàn kêu đồ nặng để san cho bọn em, tí nữa đi sai đường ở Chảng Phàng và nói thì ko ai hiểu, đã thế lại còn có tính thích pose hơn cả 2 bạn nữ, cứ đến đoạn nào là lại gọi ời ời ''chụp cho chú 1 phát'' :)), nhưng nhìn chung đi cùng bác Sắn này rất là vui.

Chân dung Sắn đại ca

DSC07717-1.jpg
 
Ngày đầu tiên

... Con tàu SP8 thả 6 đứa đánh uỵch xuống ga Lào Cai lúc tờ mờ 5 giờ sáng - cái giờ mà chả mấy khi bước ra ngoài đường. Ngơ ngác, ngái ngủ, lỉnh kỉnh lều bạt xoong nồi túi tắm tay xách nách mang, lẹo dẹo dắt díu nhau đi ăn sáng ở gần ga rồi ngáp ngắn ngáp dài ngồi cafe chờ cái thằng ở trong Bát Xát ra nhập hội. Đợi mãi đợi mãi ko thấy thời gian chạy đc bao nhiêu, cả lũ quyết định đi bộ sang bến xe Cốc Lếu để giết thời gian, vừa là khởi động chân tay luôn thể. Buổi sớm ở Lào Cai u ám xám ngoét, nhưng đc cái là ko mưa vì bao nhiêu nước đã đổ hết xuống trong 2 ngày trước rồi. Sang đến bến xe đã thấy thằng Bát Xát đứng đấy cười toe toét , thông báo là đặt chỗ xe khách đi Mường Hum rồi, 7 ghế x 35k, 7 rưỡi xe chạy, lạng quạng mua sắm, nước nôi gì thì cứ việc đi thoải mái. Yên tâm là như thế, ai dè hơn 7 giờ lò dò đi lên xe thì thấy bao nhiêu chỗ kín hết rồi , hỏi lái xe thì bảo ''ơ tao biết đâu đc... ơ tao tưởng blah blah...'' Sau này mới biết cái lệ xe khách miền núi là đặt chỗ phải quẳng cái túi, cái bao gì đó lên trên ghế, ra điều hoa này đã có chủ rồi, lượn đi chỗ khác mà đặt mông Mà có ghế rồi thì cũng cố mà giữ khư khư như giữ mả tổ, chứ ko nhỏm mông lên 1 cái là có người thế vào ngay, nói kiểu gì cũng ko thèm ra. Như em chẳng hạn, dọc đường nhân lúc xe đổ hàng ở Bản Xèo, chạy xuống tè 1 bãi, thế mà leo lên đã bị bố con 1 bác Mông với 1 thằng cu học lớp 6 trường nội trú huyện ngồi hộ. Ngớ ra bảo ''ơ chỗ này của anh mà'' nhưng làm gì đc, cái lệ của người ta nó là như thế, đành xuống nước ''cu ơi mày dịch vào cho anh kê nhờ nửa cái đít'' chứ ko thì chịu làm sao đc cảnh đường xá như thế đến tận Mường Hum. Như bác Mít đặc chẳng hạn, ghế đã chả có lại còn phải ngồi đít xe trông balo cho cả đoàn, cũng vừa hở ra 1 tí thế là mất luôn cái góc ấm áp giữa đống balo vào tay 1 thanh niên Bát Xát, chắc hôm trước khi đi bác Mít bị đau răng hàm nên nhịn nó chứ nhìn tướng bác thằng nào chả sợ :Dam

Sau 3 tiếng rưỡi xóc, lắc, lăn, đè như cocktail quầy bar trên cái xe 24 chỗ mà chở 60 người ấy, Mường Hum đã hiện ra trước mắt. Bước xuống xe tập tễnh vì ê hết cả xương cụt - ngồi đc có 1/4 mông - em dẫn cả đoàn vào nhà Sắn đại ka - porter mới khai quật đc trong chuyến tiền trạm vài ngày trước. Mừng một nỗi là ở Mường Hum hôm đó nắng đẹp rạng ngời mà ko chói lóa, thế nên đứa nào cũng sung sướng thầm trong bụng vì thời tiết quá ủng hộ. Cả buổi sáng trên xe làm ai cũng đói bụng, mọi người vội vàng quẳng balo vào 1 góc, tìm quán cơm đánh chén 1 bữa ngon lành với cá suối, nấm tươi, ngọn su su xào và mấy món bỏ mẹ gì nữa quên tên rồi. Sau bữa trưa no nê, ai cũng vui vẻ trở lại nhà chú Sắn để nghỉ ngơi một chút trước khi lên đường. Các anh zai càng phấn khích hơn nữa khi gặp 2 cháu gái con chú Sắn, 1 lớp 7, 1 lớp 9 mà vừa nhớn vừa xinh, làm các chú nuốt nước bọt chèm chẹp, nhất là anh Huy kotus, mắt cứ sáng như đèn halogen, quên hết cả vợ con ở nhà :gun

... 2h chiều. Đợi cho bằng được đại ka Sắn đi làm nương về. Cả lũ lục tục kéo nhau lên ngã ba Nậm Giàng bằng 1 chuyến u oát. Đường xấu chết cha chết mẹ, đầu với mông va lung tung vào thành xe. Lái xe quay lại hềnh hệch: ''Thông cảm, xe chuyên chở hàng nó thế '' Đi sâu vào địa phận xã Sàng Ma Sáo khá xa thì tấm biển chỉ đường lên Nhìu Cồ San mới hiện ra. Có lẽ lần đầu tiên lái xe đc 2 em xinh tươi ngồi cạnh (còn mấy thằng con zai thì kệ bố chúng nó tự tìm chỗ ở đằng sau ), thế nên anh lái xe chở hàng này cứ nằng nặc đòi tiễn lên tận thôn (với 1 giá hữu nghị), nhưng trek là trek, anh em đã kiên quyết từ chối . Đi đc vài trăm mét là điểm dừng đầu tiên: 1 lán của bộ đội biên phòng tăng cường cho xã. Do đã gặp anh trạm trưởng tên là Thịnh từ chuyến tiền trạm, nên thủ tục rất nhanh gọn, chỉ gửi lại anh 1 bản danh sách thành viên trong đoàn (thậm chí anh cũng chả thèm đòi xem mặt hay xem chứng minh thư - đấy, tiền trạm nó có lợi thế đấy)

Đường lên thôn Nhìu Cồ San cũng toàn đá, nhưng đá này chắc là do người Việt rải. Đoạn đường dài chục cây nhưng cũng gây đôi chút vất vả vì chân của mọi người chưa làm quen đc với đường, cộng với số đồ đạc ngày đầu nặng nề, kèm theo đó là những con dốc số 1 (tức là lên số 1, xuống cũng số 1). Nhưng cũng thật bõ công khi cả đoàn đc tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt hàng ngày của người Mông ở đây: người dân bắc ống nước từ trên núi về nhà, cảnh phơi quần áo ngoài bờ rào, tàn tích của cơn bão năm ngoái là 1 trường tiểu học bị phá sập, khu tái định cư mới của người dân thôn Khu Chu Phìn dọc đường đi... Cảnh núi non, ruộng bậc thang thu vào tầm mắt của những kẻ lần đầu đến đây trong ngày đầu tiên háo hức chinh phục 1 quãng đường dài phía trước được 1 lúc thì cái nặng của balo trên vai bắt đầu thấm khi đi sâu vào trong núi, và toàn là dốc để lên đc thôn Nhìu Cồ San...

Ngày đầu nên ko cần đi vội vàng gì, chỉ miễn là đến đc thôn trước khi trời tối. Thế nên gần 2 tiếng cho gần 10 km đường dốc thì cũng ko phải là 1 khoảng thời gian tệ lắm. Đang hổn hển thì bỗng dưng thôn Nhìu Cồ San hiện ra ngay trong tầm mắt, đánh dấu bởi cái quán nhỏ ngay ngã ba của 1 đôi vợ chồng trẻ từ Mường Hum lên lập nghiệp. Đôi này chồng là Pằng, vợ là Hiên, lúp xúp trứng gà trứng vịt chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn nên mới phải cưới chui trên này. Đặt vấn đề anh chồng tìm cho 1 nhà rộng rãi để 8 người ngủ, có luôn 1 nhà ở ngay đầu con dốc. Hỏi cô vợ về tình hình gà qué, xăm xắn vào thôn kiếm luôn. Trong lúc đó thì anh em rửng mỡ mượn cân đòn ra cân balo để tiện bề về khoe cho giang hồ nể. Kết quả là nam: balo cần nặng từ 16 đến 19,5, nữ đồng hạng 12 :gun Cũng đáng để tự hào đấy nhỉ ;)

Mua ít bánh kẹo làm quà gọi là cảm ơn 2 vợ chồng bán quán kia, hùng dũng tiến vào nhà anh Hạ - 1 thanh niên Mông cũng trẻ ko kém mà đã 1 vợ 2 con. Đồng chí Hạ này ngượng ngùng: ''Nhà tao ko có chăn chiếu gì đâu''. Xua tay ''bọn em chuẩn bị đầy đủ hết rồi, chỉ nhờ cái nền nhà với cái bếp của anh thôi''. Thế là cười hớn hở gọi con ra nhận kẹo, gọi vợ thêm củi vào bếp, xăng xái giúp anh em làm gà. Cũng phải 1 lúc lâu sau, khi mọi người đã xong xuôi công việc chuẩn bị, tấm bạt mới đc trải ra, gà qué sắn sàng, chục con người mới 1 đập 3 xoa khoanh chân ngồi vào mâm, cùng chung nhau 1 bát rượu ngô uống xoay vòng bên bếp lửa, mặc kệ sương mù trắng xóa bên ngoài, len cả vào những bát cơm và vội vì đã quá đói...
(bài này em copy từ ttvnol sang cho đỡ mất thời gian type lại)
 
Đường vào thôn Nhìu Cồ San - xã Sàng Ma Sáo

DSC07808-1.jpg


Những bước chân đầu tiên còn gượng gạo với con đường rải đá cấp phối quanh co những dốc

DSC07790-1.jpg


Đoạn đường ko quá dài nên vừa đi vừa tranh thủ nghỉ để thích nghi với cường độ vận động

DSC07765-1.jpg


Và tận hưởng cảnh đẹp

DSC07737-1.jpg


DSC07750-1.jpg


Đi qua khu tái định cư của thôn Khu Chu Phìn. Nhà cửa đã được xây dựng lại toàn bộ trên 1 khu đất bằng phẳng và cách xa chân núi. Bà con thấy có người lạ kéo nhau ra xem

DSC07754-1.jpg


Phân hiệu tiểu học thôn Khu Chu Phìn cũng mới đc xây lại ngay trong khu tái định cư hồi đầu năm 2009 với sự giúp đỡ của báo Hà Nội Mới

DSC07756-1.jpg
 
Sozi, em ko muốn cắt vụn câu chuyện, nhưng phải đi công tác suốt, tranh thủ lúc rảnh mới post bài được.

Đây là màn cân balo khi vừa đến được thôn Nhìu Cồ San buổi chiều ngày thứ nhất

DSC07831-1.jpg



Ngày thứ hai


Đêm đầu tiên quả là một đêm vất vả với những kẻ mới từ miền xuôi lên. Cả lũ trải bạt nằm 1 dãy từ cửa đến tít tận vách nhà người ta, túi ngủ êm ái mà hơi lạnh cứ thấm ngược từ dưới lên trên. Trải những 3 lần bạt mà lưng vẫn lạnh, giấc ngủ chập chờn chỉ kéo dài đến 5h sáng là kết thúc vì vợ chồng nhà đó dậy sớm khua xoong khua nồi xủng xoẻng hết cả. Hí mắt nhìn ra bên ngoài trắng xóa sương mù, lại co người như con tôm cố níu giấc mơ đang dở dang.

054.jpg


6h. Cả bọn chào buổi sáng bằng 1 nồi mì tôm đại tướng, vừa ăn vừa tra khảo nhau xem đứa nào đêm qua nói mơ làm nhảm, đứa nào rên, đứa nào đạp đồng đội. Ăn hết đợt mì tôm thứ 2 mới nhận ra ''thôi xong, mặn quá'' - đi trong rừng mà ăn mặn thế này thì khát nước bằng chết. Gửi biếu gia chủ ít bánh kẹo nữa kèm 50k, thế là vui vẻ cả đôi bên.

Thu dọn hết đồ đạc, khoác ba lô lên vai, đứa nào cũng phải thốt lên: Sao nặng thế!! Quả thật, ko hiểu sao sau 1 đêm mà balo mình lại có vẻ nặng thêm gấp mấy phần, mặc dù hôm qua đã bỏ bớt đồ ăn thức uống ra ăn vãn rồi. Lý do thật dễ hiểu, ngày đầu tiên xếp đồ từ ở nhà nên gọn ghẽ vừa vặn, dừng lại lôi quần áo đồ dùng ra rồi lại nhét vào ko theo thứ tự gì cả nên balo mới bị đầy lên, nặng hơn là đúng rồi. Với lại ngày thứ 2 rất hay quên khởi động, phần quan trọng khi bắt đầu 1 chuyến đi. Ai cũng nghĩ mình đi cả ngày hôm trước là quen chân quen lưng rồi, nhưng đâu biết sau 1 đêm nằm ngủ thì cứng khớp, cứng vai, vận động khó khăn nên yếu hơn cũng phải thôi.

Đến khi từ biệt anh Hạ để khởi hành mới nảy sinh ra mấy vấn đề củ chuối liên quan đến đồng chí porter. Mới đầu thì đồng chí kêu phải vác đồ nặng và kiên quyết... chia bớt đồ cho mọi người xách giúp :-D Tiếp đến, ra đường rồi mới biết hóa ra đồng chí cũng chả biết đường xá hơn cái bọn đến đây lần đầu gì cả. Thế mà lúc gặp lần đầu dở ra CV rõ hay :-( Nguyên do là có đến 2 còn đường đá cơ (1 đi sang Y Tý, 1 đi qua rừng thảo quả sang Lai Châu), mà hỏi người dân thì mỗi người chỉ 1 hướng làm cho cả lũ quay mòng mòng giữa những ngôi nhà người Mông khá là giống nhau (vì đây là điểm cuối cùng có thể đến được bằng xe máy và ở ngay cửa rừng nên nhà cửa khá đông đúc). Do bất đồng ngôn ngữ nứa, nên cũng phải tốn kha khá thời gian cả lũ mới hỏi đc lối đi vào rừng, được phân định bằng 1 cánh cửa rất đơn giản thế này:

DSC07915-1.jpg


Sau cánh cửa này vẫn chưa có dấu hiệu gì của con đường đá hay rừng già, nhưng đường đi đã rõ ràng hơn rất nhiều. Có điều, "rõ ràng hơn" ko có nghĩa là dễ dàng hơn, vì vừa ra khỏi thôn NCS đã thấy sừng sững trước mặt 1 con dốc cao ngất khấp khểnh đá tảng, đến nỗi đứa đi sau ngẩng lên thì chỉ có dòm thấy mông đứa đi trước :)) Vượt qua được con dốc này, cả lũ vui mừng khi lên được 1 bình nguyên rất rộng rãi và bằng phẳng, với 1 cái hồ khá to. Khung cảnh mờ ảo do sương vẫn phủ khắp mọi nơi mặc dù đã 8h sáng.
Thế rồi, tiến vào bình nguyên được vài bước theo đường mòn, đột nhiên con đường đá như từ trong sương hiện ra, với nhưng viên đá tròn, xếp đều tăm tắp ko thể lẫn vào đâu đc. Cả bọn mừng húm vì con đường đẹp miễn chê, với cây cỏ ướt sương trải dài 2 bên đường. Con đường đá này sẽ dẫn 1 mạch sang tận Lai Châu, tất nhiên cả con đường ko thể đều & đẹp như nhau, ngược lại càng xa càng khó đi, nhưng ít nhất việc có mặt trên một con đường xa xưa đã khiến ko ít người xuýt xoa vì vẻ đẹp của nó

DSC07905-1.jpg


DSC07898-1.jpg


DSC07920-1.jpg


DSC07921-1.jpg


Cả bọn đi trong im lặng để tận hưởng cảm giác lâng lâng như đang bước trên sương để đi vào một con đường cổ tích. Đi hết bình nguyên, bấy giờ con đường quanh co này mới dẫn vào rừng một cách chính thức :-D. Rừng già, hay rừng thiêng theo cách gọi tôn kính của người địa phương chào đón đoàn khách lạ bằng 1 trận mưa tầm tã khi họ vừa bước những bước chân đầu tiên qua 1 cánh cửa chặn trâu ngựa giống như bên trên. Trong rừng rất khó dự đoán về thời tiết, thoắt mưa, thoắt mù, đang râm mát bỗng chợt nắng rực, đi hết chục mét trời lại âm u như chưa bao giờ ấm áp. Vì thế cơn mưa rừng ào ạt này ảnh hưởng rất nhiều đến những người vác balo nặng trong buổi sáng ngày thứ 2. Những hòn đá to tròn trở nên trơn như bôi mỡ, giày bộ đội bám mấy cũng phải xoay ngang bàn chân bước chậm chạp từng bước, nói dại chẳng may trượt chân thì nguy cơ sai khớp sẽ cao hơn, nhưng ko làm khác đc vì những hòn đá càng ngày càng to, xếp càng cao. Cơn mưa rừng cũng đem lại 1 chút xíu vắt ở bìa rừng, nhưng ít người dính phải vì đến chỗ có cây thảo quả là vắt ko sống đc nữa, thật may mắn. 8 con người, trên 1 con đường vắng vẻ, cứ như đang 1 trên 1 cái thang bộ đang lên cao mãi, cao mãi ko thấy tầng trên cùng ở đâu, 1 cái dốc cheo leo chưa kịp kết thúc ở khúc quanh đã nối tiếp bằng 1 cái dốc cao hơn, mà có lẽ cái lý thuyết dốc 10% của các bác giao thông cũng tắt điện. Chưa hết, các bậc thang còn bắt người đi ngày càng phải xoạc chân dài hơn, vừa bước đi lại phải vừa đánh võng để kiếm chỗ đặt chân trên 1 phiến đá, thế nên mới nói vui với nhau rằng: chắc chắn sau chuyến này mông sẽ cong ra, hông sẽ dẻo hơn vì trèo đường đá. Mọi người bị mệt nhanh chóng, liên tục phải đứng lại thở, mà nhiều khi muốn đứng cũng chả đừng yên đc vì dốc quá. Nhưng cũng có đoạn bắt buộc phải dừng lại nghỉ, ko qua nhanh đc, đó là những con suối đang chảy xiết do mưa rừng từ mấy hôm trước chảy từ thượng nguồn về [...]
 
Buổi sớm ở thôn NCS - view từ nhà anh Hạ, nơi bọn em ngủ nhờ qua đêm thứ nhất. Sau này già chắc cũng phải lên núi kiếm 1 căn nhà "tiên cảnh" thế này để ngày ngày ngắm cho đã :))

DSC07832-1.jpg


Bắt đầu lên đường - bình nguyên em kể trong bài trước nằm trên đỉnh của ngọn núi trước mặt, và con đường đá cũng bắt đầu từ đấy. Các bác cũng có thể nhìn thấy con dốc đầu tiên bên sườn núi

DSC07876-1.jpg


Cây cầu dẫn ra khỏi thôn NCS để lên con dốc đầu tiên: Từng người qua một thôi, ko là y như chơi xích đu :)) Còn nếu hứng lên mà tập hợp hàng 1 đi mốt hai mốt qua cầu thì... :F

DSC07886-1.jpg


Hồ nước trên đỉnh núi

n504724374_1570507_327752.jpg


Quanh hồ có rất nhiều hố bẫy thú, có thể vì thú hoang thường ra đây uống nước

n504724374_1570508_2152903.jpg
 
... Đi sâu vào trong rừng già một đoạn, trời vẫn mưa khá nặng hạt, bọn em gặp một con suối khá rộng, nước ko sâu nhưng chảy khá xiết, có thể do mưa mấy ngày liền

DSC07922-1.jpg


Phải miêu tả kĩ con suối này, vì mọi người trong đoàn quyết định trèo qua mấy hòn đá to bên phía trái ảnh để qua bờ bên kia, trong khi em thấy mấy hòn đá này có vẻ chênh vênh nên quyết định đi ngược lên phía đầu nguồn 1 chút để lội qua suối cho nhanh, cậy có ủng nilon hịn bọc ngoài giày mà. Và đây cũng là sai lầm của em. Trong khi mấy zai mấy gái kia cầm tay ôm eo kéo nhau qua chỗ mấy hòn đá, em lầm lũi kiếm đc 1 chỗ nước nông mà bước 6, 7 bước là có thể sang đc bên kia suối. Nước tuy ko sâu nhưng chảy khá mạnh, đá lại trơn, cộng thêm đế ủng ko bám chắc như đế giày, thế là tùm 1 cái, chân bị trượt ngang, ướt đến tận bụng. Máy ảnh & điện thoại theo thói quen vẫn để ở túi quần hộp cũng bị dính nước. Ngã ngồi nên nước chảy hết vào cổ giày, bên trong ướt hết sạch. Nhưng vẫn may chân cẳng ko bị trẹo đi tí nào, nên chỉ thông báo sợ qua về chuyện bị ngã & ướt máy ảnh, ko dám thông báo mình đang buồn rười rượi sợ ảnh hưởng đến tinh thần của mọi người :p Vì quần & giày ướt hết nên em cũng ko dám đi bít tất mới, chỉ tròng 1 đôi ủng nilon mỏng vào chân rồi đi giày bộ đội (ướt) vào luôn. Đây cũng là 1 sai lầm khác của em, vì bị lạnh chân và đi khập khiễng do ủng nilon ko ma sát với giày, ko đi nhanh đc, hậu quả là cuối ngày rộp hết cả lòng bàn chân. Đúng là ngu ko đỡ đc nhỉ :T Cảm giác lúc đó nản khủng khiếp, chân nặng như chì, xuống sức liên tục. Thế mới biết, trong mỗi chuyến đi tâm lý là cực kỳ quan trọng, nếu đã có cảm giác chán nản thì sức lực cũng tiêu tan bằng sạch, và càng nguy hiểm hơn nữa nếu các thành viên khác cũng bị truyền tâm trạng ấy. Em toàn phải tụt xuống cuối đoàn, thỉnh thoảng đứng lại nghỉ đôi phút rồi lại lúp xúp chạy theo, ko đc để cho mọi người biết mình mệt. Nếu đi giữa đoàn mà dừng lại nghỉ thì tự khắc những người đi sau cũng sẽ nghỉ theo, và như thế thì đến tối cũng ko đến đc điểm dừng chân.
Bài học ở đây là: 1, Ko nên tách đoàn vì bất kỳ lí do gì, trừ lúc đi WC :)) và 2, Kiểu gì cũng ko đc làm ảnh hưởng đến tâm lý chung.

Qua suối nhanh nhưng lại bị ướt trước - lúc này mọi người mới lục tục bắt đầu trèo qua

043.jpg


Toàn cảnh con suối

IMG_4547.jpg


Quả thật thời tiết ở trong rừng ko biết đằng nào mà lần, thoắt mưa thoắt nắng, thoắt mây mù thoắt lại âm u, áo mưa cứ mặc vào lại cởi ra liên tục, mà khổ nỗi, tròng cái áo mưa vào thì có sung sướng gì đâu, bên ngoài thì ướt lướt xướt mà trong mồ hôi toát ra đầm đìa. Trong đoàn cũng đã có vài người thấm mệt, dừng lại nghỉ liên tục, thế nên tốc độ cũng ko đc nhanh lắm. Giày ướt, đường trơn, đá thì to, dốc thì ngược, mang tiếng đi trên con đưòng đá mà chỉ dám dẫm vào đá đc có mấy lần, chẳng may oạch 1 cái sái chân thì chết cả mình lẫn đồng đội. Thế nên cứ phải quay ngang mũi giày, chậm rãi lựa vào khe đất giữa 2 hòn đá mà bước lên. Sau đoạn đường đá xinh đẹp bằng phẳng demo lúc đầu, bây giờ vẫn là đường nhưng đá lổn nhổn, ko có hàng lối đội ngũ gì cả, kiểu như các bác làm đường vác đá vào rừng mệt quá cứ lẳng xừ ra đấy, kiểu gì nó chả thành đường. Tuy đường xấu là vậy, nhưng mỗi lần ngước mắt lên là ko thể ko mê mẩn xuýt xoa trước vẻ đẹp của rừng già - thật bí ẩn song cũng thật hùng vĩ. Những thân cây cao, xù xì vươn thẳng lên trên đón nắng, ích kỷ hứng hết ánh sáng của tầng bên dưới. Dây leo toàn to bằng bắp tay ngoằn ngoèo uốn lượn nhìn như những con trăn rắn khổng lồ mốc thếch. Mấy lần giật hết cả nẩy vì có đoạn dây leo thò ra giữa đường, rung rinh uốn lượn như rắn bò. Tầng dưới toàn dương xỉ, cây dại, rêu mốc chen hết cả lối người đi. Mà còn chưa kể thỉnh thoảng gặp 1 vạt rừng toàn tre hay vầu gì đó xanh ngát như trong Thập diện mai phục. Tường thuật lại thì thơ mộng quyến rũ thế thôi, chứ thực ra lúc đấy cả hội mệt thở ra đằng tai, thỉnh thoảng giờ máy lên bấm 1 kiểu theo bản năng, chứ thưởng thức cảnh đẹp đc rất ít vì cứ phải cúi gằm mặt xuống dò dẫm tìm đường đi. Âu cũng là điều đáng tiếc!

Thế nhưng cũng chẳng tiếc đc lâu. Đến 1 vạt rừng thưa, mặt trời lại ló ra rực rỡ. Cả bọn quyết định dừng lại ăn trưa mặc dù mới khoảng 10 rưỡi. Ai cũng đói, cũng mệt, nên xử lý đống bánh mì đồ hộp 1 cách nhanh chóng. Đặc biệt, ai cũng mang đồ mình (phải) xách ra mời mọi người, để mong balo mình nhẹ đc tí nào hay tí đấy :D Rốt cục nó vào bụng rồi thì cũng nặng như nhau, nhất là ngồi ăn trong tình cảnh đường dốc, ngồi xuôi cũng khó mà ngồi ngược ăn cũng khổ, bánh mì lăn vào bụng thôi mà nó cũng lục cục phản đối. Bỗng nhiên gặp 4 bác người Mông dắt ngựa đi bộ từ Phong Thổ sang, qua chỗ cả lũ đang ngồi ăn. Mặc dù rất ngạc nhiên, nhưng các bác vẫn hỏi han thân tình, chả bù cho con ngựa, hình như chưa gặp người lạ trên con đường này hay sao mà giật mình, cứ hí lên như... ngựa. Hỏi đường, các bác bảo: Cũng sắp lên đến đỉnh rồi, sang đc bản gần nhất cũng nhanh thôi mà!! Chả ai chả biết cái ''sắp'' với cái ''nhanh'' của mấy bác là thế nào, nhưng cũng có đứa tin sái cổ, kiểu đang chết đuối vớ đc cây chuối, lúc sau đi cứ than ''Sao mấy bác lúc nãy bảo nhanh lắm cơ mờ'' ...
 
Một số hình ảnh rừng già bên phía Lào Cai. Đoạn này máy ảnh của em bị dính nước, tháo pin cất đi rồi nên tất cả các ảnh chụp trong rừng đều lấy của mọi người cùng đoàn.

Đi được một đoạn qua con suối trên thì gặp 1 rừng tre/trúc rất rộng & thưa, con đường đá đi xuyên qua cánh rừng này đẹp như mơ, tiếc là lúc nào mọi người ai cũng thở phì phò nên ko có tấm nào đẹp

4333_76012899374_504724374_1544407_8065900_n.jpg


Càng đi sâu vào trong rừng, cảnh vật càng âm u và im ắng. Từng cây cổ thụ mốc thếch vươn cao hết cỡ khỏi tầng rừng thấp cố đón chút ánh nắng hiếm hoi ít ỏi. Làn sương mờ đục cứ quẩn quanh các gốc cây ngọn cỏ làm khung cảnh liêu trai thêm bội phần. Chỗ này mà đi 1 mình qua đây thì chắc là sợ vãi mật ra mất :-D

IMG_4577-1.jpg


IMG_4565.jpg


IMG_4576.jpg


Dưới tán rừng thấp, đó là dương xỉ, thảo quả và những loại cây nhỏ khác sống ở những nơi thiếu ánh mặt trời

IMG_4578.jpg


Có những chỗ dương xỉ mmọc tràn lan lên con đường mòn, đến nỗi vừa đi phải vừa lựa chân. Và cũng phải bám sát nhau, vì có lúc những hòn đá thu nhỏ đến không ngờ, rất dễ bị thụt chân xuống đâu đó. Cũng rất khó để phân biệt cây thảo quả với những cây nhỏ cạnh đường. Một điểm đặc biệt của những nơi có cây thảo quả là tuyệt nhiên ko có vắt, nhưng rắn thì nhiều vô kể. Rất may cả chuyến đi bọn em ko gặp 1 con rắn nào.

IMG_4579.jpg


Có lúc, đại ka Sắn porter dẫn cả lũ đến chỗ 1 cây dây leo bụi có những quả tí xíu màu vàng & đỏ, kể chuyện: Ngày xưa tao đi bộ từ Lai Châu sang mất gần 1 ngày, sáng 4h dậy bắt đầu đi thì tối mịt là sang đến Mường Hum, giữa đường khát nước quá toàn bứt quả này ăn. Cả lũ cũng nhấm nháp thử loại quả bé tẹo chua chua này, tiếc là ăn nhanh quá cũng chả còn quả nào để chụp ảnh :)) Rồi còn gạ đại ka Sắn kể chuyện ma trong rừng, chú Sắn nói lảng đi: Trong rừng có 1 loại chim, tiếng kêu buồn da diết, đi rừng mà bắt gặp thì nhớ nhà kinh lên được. Có lẽ, trong rừng thiêng cũng có những kiêng kị nhất định, có những điều chỉ 1 mình mình biết chứ không nên nói ra...
 
... Ăn trưa xong, dù rất muốn chợp mắt một chút nhưng đường rất dốc, ko có chỗ nào đủ bằng phẳng dù chỉ để dựa lưng, mà chui vào trong bụi thì sợ rắn rết. Cả lũ bảo nhau cố lên đến đỉnh rồi nghỉ 1 thể, vì nhìn địa hình càng ngày càng dốc, chắc cũng sắp đến điểm cao nhất rồi. Nhưng cái "sắp" này kéo dài những 3 tiếng liền. Tầm 2h chiều, bọn em đã leo lên đến điểm cao nhất của con đường đá, là ranh giới tự nhiên giữa Lào Cai và Lai Châu. Đỉnh núi được đánh dấu bằng một ngôi mộ rất lớn của 1 (hay 3 - em ko nhớ rõ) người công nhân qua đời khi xây dựng con đường đá này. Theo lời đại ka Sắn, ai đi qua cũng phải đặt vào ngôi mộ 1 cành cây, nhánh lá để tỏ lòng biết ơn và cầu may mắn trên con đường phía trước

069.jpg


Ở trên đỉnh núi có vẻ đỡ ẩm ướt hơn, cây cối thấp hơn và hoa hoét cũng đa dạng, tươi tắn hơn. Thế nên cả lũ mới dừng lại nghỉ ngơi xâu hàng chụp choẹt bét nhè ở đây rồi mới đi tiếp, đánh dấu sự kết thúc của đoạn đường đau khổ mà mình phải vượt qua từ sáng đến giờ

IMG_4594.jpg


Cùng một khu rừng, cũng một dãy núi, nhưng bên phía Lai Châu thì thời tiết trái ngược hoàn toàn: nắng vàng rực rỡ chiếu xiên khoai trên cành lá vẫn còn ướt rượt sau cơn mưa, cây cối bên kia cũng ngắn & thấp hơn, ko che đc những dãy núi lúp xúp nối nhau phía trước. Bỏ lại rừng già thâm trầm u uất lại sau lưng, cả đoàn vui phơi phới vì từ giờ toàn xuống dốc, từ giờ toàn nắng, từ giờ thẳng tiến đến điểm cắm trại, từ giờ blah blah blah, đại loại là phấn khích vô cùng, mệt nhọc bay biến, tốc độ di chuyến cứ gọi là tăng lên vòn vọt, phải đến mấy cây số 1 giờ :D

IMG_4591.jpg


IMG_4677.jpg


IMG_4616.jpg


Đến 1 khoảng rừng cháy, ánh nắng vàng rực rỡ làm mọi người lóa hết cả mắt. Dừng lại, hẹn giờ máy ảnh làm 1 kiểu đủ mặt

IMG_4639.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,451
Bài viết
1,152,960
Members
190,093
Latest member
hoavienchauduc
Back
Top