What's new

[Chia sẻ] Rong chơi ba nước Cambodia Thái Lan Lào - từ thủ đô đến cố đô (01/2023)

Sơ phát rong chơi ba nước Đông Nam Á
Dự định tranh thủ dịp nghỉ Tết Nguyên Đán Quý Mão năm 2023 tôi đi. Vài ngày lên kế hoạch cung đường chuyến rong chơi ba nước Đông Nam Á. Tuyến đi theo hướng từ Sài Gòn qua Cambodia qua Thái Lan sau đó đến Lào. Lần này chọn cung đường bộ bàng xe buýt và tàu hỏa với các thành phố sẽ tới như sau. Sơ phát cung đường theo dự định Sài Gòn, Phnom Penh, Siem Reap, Bangkok, Ayutthaya, Sukhothai, Chiang Mai, Vientiane, Luang Prabang. Chủ yếu sẽ sử dụng xe buýt với tàu hỏa, chưa rõ sẽ có trở ngại chuyện mua vé không?
Ba nước láng giềng
Khác với những lần trước lang thang trong một nước mua vé đầy đủ một lần. Lên đường chỉ việc thực thi theo tiến độ đã đề ra. Lần này chỉ mua vé từ Sài Gòn qua Phnom Penh, qua đó mua tiếp từng chặng. Lang thang qua ba nước, chuyện tiền tệ luôn là vấn đề quan ngại. Trong vòng hơn hai tuần sẽ phải sử dụng năm loại tiền tệ khác biệt. Tiền đồng Việt Nam phải chuyển qua tiền đô la Mỹ dự trữ. Từ đó qua mỗi nước sẽ chuyển sang đồng Riel Cambodia, đồng Bath của Thái Lan và đồng Kíp của Lào. Các mệnh giá tiền bản xứ đều cao hơn đồng tiền Việt Nam. May mắn càng về cuối năm kiều hối Việt Nam càng dồi dào, tỷ giá Việt – Mỹ có hạ một chút.

resized_2023_01_12_21_47_IMG_5021a.JPG

Cung đường rong chơi ba nước Cam – Thái – Lào. Photo Samgoshare
Đối với dân du mục phượt dài ngày tỷ giá luôn là vấn đề quan tâm. Rong chơi mỗi nước chưa đến một tuần nên tỷ giá cao thấp không đáng lo lắng. Trong ba nước phiêu du chuyến này chỉ có nước láng giềng Lào, tôi chưa đến. Campuchia và Thái Lan đã từng đến tham quan từ khá lâu. mười mấy năm trước. Nay muốn chia sẻ cũng không có được chút cảm xúc nào để múa bàn phím. Thật tội nghiệp! Hy vọng lần trở lại này sẽ thắp sáng chút ký ức đâu đó còn sót lại giữa đời thường biến động. Liệu mười mấy năm qua đời sống hai nước này đã ổn định chưa. Hơn nữa sau trận đại dịch lịch sử liệu du lịch đã phục hồi được phần nào chưa?
Khu vực bình an
Người xưa có câu “bán anh em xa mua láng giềng gần” nhắc nhỏ cách đối nhân xử thế với hàng xóm. Suy rộng ra trên một bình diện quốc gia cũng vậy. Giữ hòa khí chân thành tin tưởng giúp người dân các nước giao thương, du lịch với nhau. Một khu vực có kinh tế phát triển sẽ kéo theo đời sống người dân khá hơn lên. Hơn bốn thập kỷ trước chiến tranh đã tàn phá và đe dọa hàng trăm triệu người dân quanh khu vực Đông Nam Á. Hiện nay Đông Nam Á đã và đang trở thành một khu vực hòa bình, hợp tác năng động phát triển nhất của toàn cầu. Chính phủ các nước trong khối Asean đã tin tưởng dỡ bỏ thị thực giúp sự giao thương du lịch thuận lợi hơn rất nhiều.

Mỗi năm Tết đến người ta hay nói đến đoàn viên, đoàn tụ. Ai trong năm chưa về quê đều mong đã từng về nhiều cũng thường. Riêng tôi Tết về như một dịp được khám phá những miền đất mới. Năm nay tôi chọn các nước láng giềng làm mục tiêu quan trọng của hành trình. Rong chơi mà không bận rộn với thị thực nhập cảnh luôn như một ước mơ cố hữu của dân mê phượt. Khi những dòng chữ này lên blog cũng là lúc tôi đang ngồi trên chuyến xe bắt đầu hành trình từ Sài Gòn. Thầm cười một mình cho vài công tác chuẩn bị.
 
Cô gái ký họa tại bảo tàng Cambodia tại Phnom Penh
Câu chuyện tham quan bảo tàng đã chia sẻ, mong độc giả còn hăm hở bước chân vào tham quan. Một nơi ẩn chứa nhiều báu vật còn lại của đế chế Khmer kiêu hùng. Các hiện vật trong ấy dẫu rất nhiều vẫn rất ít khi so sánh với di sản văn hóa vĩ đại Angkor Wat và Angkor Thom. Trong lúc tham quan bảo tàng quốc gia Cambodia có chi tiết thú vị. Tình cờ gặp cô gái ngồi ký họa giữa những báu vật của thời gian.
Nhật ký chuyến đi
Ngày tạm biệt thủ đô tại bến xe tôi đã viết. “Sáng dậy khí sớm chuẩn bị tạm biệt Phnom Penh lên đường đến Siem Reap. Hôm qua ngày đầu thử lửa tại thủ đô Phnom Penh, những bước chân dạo bộ đã mau thấm mệt hơn trước. Mình già rồi nên thể lực giảm sút hay lâu nay ít tập luyện đi bộ. Vác ba lô đeo máy ảnh cơ khá nặng có thể phải thay bằng loại khác nhẹ hơn. Hôm qua tham quan cung điện hoàng gia, chợ trung tâm Phsar Thom Thmei, bảo tàng quốc gia và chùa cổ Wat Phom.

2023_01_13_15_39_IMG_5465.JPG

Một góc bảo tàng quốc gia Cambodia. Photo Samgoshare
Một ngày trở lại đường phượt bụi khá mệt nhoài phải ngủ sớm. Chưa biết đêm qua trận đá banh giữa Việt Nam và Thái Lan có làm nên cơm cháo gì không. Sáng dậy sớm điểm tin qua high light mới biết kết quả 2-0 một kết thúc không như mong đợi của toàn dân Việt. Đôi khi cũng tốt giúp các cầu thủ Việt trở lại mặt đất một cách nhanh chóng.

Sáng tại khách sạn Nangkok Village các nhân viên dậy sớm sắp xếp dọn dẹp chùi rửa đón một ngày mới.
Nhờ tìm trên Google Maps biết địa điểm xuất phát xe buýt đi Siem Reap. Bến xe tên Virak Buntham Express, nghe qua như tên cầu thủ Bunmathan. Chàng trai Thái đã gương cung ghi bàn thắng duy nhất ở trận chung kết lượt về.
Cô gái ký họa
Nhớ lại chiều hôm qua lang thang trong bảo tàng quốc gia Cambodia. Lạc lối trong bảo tàng rất nhiều hiện vật đá với nhiều dấu hỏi hiện ra trong đầu. Bất ngờ đến gian giữa bảo tàng thấy một cô gái đang ngồi vừa nhìn tượng vừa ký họa. Em gái người nước ngoài dễ thuơng xinh xắn vừa vẽ vừa tự quay lại tác phẩm của mình. Tò mò tôi đến bên cạnh quan sát em ký họa. Hết sức chuyên nghiệp em chào tôi nở nụ cười tươi như hoa rồi nhanh nhẹn cúi xuống tiếp tục vẽ. Từ góc độ quan sát của em, bức tượng lặng lẽ đứng ở bảo tàng chợt sinh động trên trang giấy qua ngòi bút chì của em. Em dừng tay khoe thêm một vài hình đã phác họa từ trước tại bảo tàng.


2023_01_13_15_08_IMG_5387.JPG

Cô gái ký họa trong bảo tàng quốc giá Cambodia. Photo Samgoshare
Nếu bạn chụp ảnh trong nháy mắt sẽ lưu lại khoảnh khắc không gian của hiện vật tại bảo tàng. Nó luôn vậy sẽ có chút đổi thay vì ánh sáng trong ngày. Riêng em khi ký họa đã thổi hồn vào tượng đá làm tăng thêm sức sống riêng có. Những tưởng các bức tượng đã trơ như đá. Nào ngờ qua bàn tay nghệ sỹ chúng hóa thân thành thánh thần khác. Mặc cho ai vào ra em vẫn miệt mài ngồi vẽ các bức vẽ mơ ước của mình. Tôi xin phép chụp vài tấm hình và quay đoạn phim ngắn. Ra về vẫn nhớ cô gái ký họa xinh xắn ở bảo tàng quốc gia Cambodia làm kỹ niệm nhỏ “.

Creator Samgoshare Music Chris Rea “And You My Love”
 
Nhạt ký tạm biệt Phnom Pênh thủ đô Cambodia
Trong những chuyến rong chơi, mỗi lần đợi chờ tại bến xe, bến tàu tôi thường chọn riêng một chỗ. Thời gian ngắn ngủi ấy thường ngồi yên viêt đôi dòng ngắn dài tùy theo cảm xúc. Ghi lại những gì đã qua trong ngày hôm trước hay đang xảy ra. Hiện thực sinh động như cuốn phim đời chảy qua trước mặt. Nhật ký tạm biệt thủ đô Phnom Penh Cambodia ra đời trong hôm ấy.
Bến xe Virak Buntham Express
Trích từ nhật ký “Sáng hôm ấy gọi bác tài Tuk tuk bên kia đường đưa đến bến xe lạ tên Virak Buntham Express. Hôm qua em Ciara ở công ty Thái Dương bán vé xe nhắn tin nhắc nhở đến bến xe trước 30 phút. Cẩn tắc vô áy náy đến sớm hơn dự định. Sáu giờ rưỡi tạm biệt Nangkol Village xe tuk tuk nổ máy lên đường. Tạm biệt Phnom Penh đường phố còn đang ngái ngủ, thời tiết êm dịu đêm qua vẫn còn giúp người dân say giấc nồng. Rong chơi đôi khi cực hơn đi làm phải thức khuya dậy sớm! Đường phố sớm mai vắng xe êm đềm đến lạ. Ngồi trên xe dập dềnh quay vài đoạn phim lên xuống thật khó.

2023_01_14_08_16_IMG_5592.JPG

Bến xe Virak Buntham Express tại Phnom Penh. Photo Samgoshare
Những con đường của thành phố này phần lớn quy hoạch theo ô bàn cờ nên dễ xác định phương hướng. Nhìn bác tài chạy với xem Google Maps chỉ đường hoàn toàn khác nhau nhưng song song về một hướng. Khi gần đến từ ngoài bến xe đã có vài “con cò” ngoắc tay hỗ trợ chạy theo. Bác tài nói câu gì đó cắt đuôi cò vào đến bến xe chính. Bến xe đúng nghĩa chỉ có bến và xe. Họ chọn một góc ngã ba làm văn phòng bán vé, lấy mặt đường làm bến. Đến giờ xe khách tới đậu ngay trước văn phòng hành khách lên đường. Kiểu giống như thành phố Sài Gòn thường gọi bến cóc. Tìm nhân viên đưa tờ A4 in ở Việt Nam xem thử đúng bến chưa. Chàng bảo ngồi chờ trên ghế đến giờ sẽ gọi.
Bữa sáng cơm sườn Cambidia
Tám rưỡi mới xuất phát, thời gian vẫn còn sớm bụng dạ chưa có gì, mời bác tài tuk tuk ăn bữa sáng. Bác quay xe lui một đoạn gặp quán cơm sườn dừng chân vào đợi. Ngẫm lại đúng hai ngày chưa có hột cơm vào bụng. Ở Sài Gòn, lạy trời mấy khi ăn cơm buổi sáng. Thoáng chốc hai dĩa cơm sườn trứng nhanh lẹ, thấy cơm như quê hương trước mắt. Nhờ anh chủ quán cho ly nước nóng lấy cà phê pha sẳn đem theo, hương cà phê Việt lan tỏa khắp quán. Tôi như nhà đại sứ quảng cáo không mất tiền cho cà phê Việt.


2023_01_14_08_00_IMG_5585.JPG

Cơm sườn vơi sbác tài xe Tuk Tuk. Photo Samgoshare
Nhìn lát sườn nướng khá mỏng với cái trứng ốp lết nằm trên dĩa cơm nóng hổi. Bất ngờ cơm Cambodia rất dẻo mềm thơm ngon hơn quê nhà. Từng muỗng cơm vừa ăn vừa nhớ hương quê đến “trào nước mắt”. (Thật ra ham bỏ ớt nhiều gây cay chảy nước mắt). Bác tài nhìn tôi cười, nụ cười thân thiện dễ mến. Thật khác với những nụ cười tôi gặp vào mười tám trước. Nụ cười u uẩn năm ấy liệu có còn ở đất nước này?

Mười một ngàn Riel cho hai dĩa cơm sườn với hai ly trà đá, vị chi một dĩa năm ngàn và ly trà năm trăm. Tương ứng với tiền Việt Nam khoảng ba chục và ba ngàn. Tam biệt cám ơn bác tài già cẩn thận. Tôi trở lại bến xe cóc ngồi chờ đến giờ xuất phát.
Nhật ký trong đợi chờ
Thói quen viết lách trở lại. Mỗi lần chờ đợi ở bến xe, bến tàu hay nhà ga tôi đều viết nhật ký. Một cách tận dụng thời gian đơn giản. Đến giờ em nhân viên đến hỏi lại mời lên xe đi Siem Reap. Nhìn quanh có thấy xe lớn đến đâu, em chỉ vào chiếc xe đò nhỏ loại 12 chỗ ngồi. Ơn Chúa tôi, cứ ngỡ xe khách loại lớn ai dè kiểu như xe đò Huế Đà Nẵng năm nào. Thôi đành cất bước sang ngang, bước chân lên xe mà “lòng khóc như mưa”. Lòng tự hát trấn an “xe nào cũng là xe, ta lên xe đi nào”. Chuyến xe đò tạm biệt Phnom Penh về cố đô Siem Reap như đưa tôi trở về với ký ức của mười tám năm trước”.

Bạn nào muốn đọc nhiều, nhanh xem qua trang blog mang tên Samgoshare trên Google- Chia sẻ đồng thời ba nước rong chơi. Thân ái !


2023_01_14_08_16_IMG_5593.JPG

Hành khách và xe đò tại bến xe. Photo Samgoshare
 
Đường về cố đô Siem Reap từ Phnom Penh
Liệu tôi có tìm được một ảo ảnh của ngày ấy không nhỉ? Tôi cứ mãi băn khoăn khi leo lên xe yên vị. Dù chỗ ngồi có chật chội một chút vẫn vui lòng cảm thông cho đất nước bạn. Vết thương rỉ máu cũng phải mất thời gian cầm máu, khép vết lành và sẹo. Cuộc hồi sinh của một dân tộc đã từng bên bờ diệt vong, không thể một sớm một chiều. Ngày ấy đến bây giờ đường về cố đô Siem Reap từ Phnom Penh có gì khác? Khoảng cách gần 400 cây số của đất nước Cambodia vừa xa vừa gần.

Gần sáu thế kỷ trước, vào năm 1431 kinh đô Angkor kiêu hùng thất thủ trước đội quân Xiêm La hùng mạnh. Liệu người dân Khmer đã lang thang dìu dắt trên con đường này để thoát nạn xâm lăng của quân Xiêm La (Thái Lan)? Ngoài nhân họa còn thiên họa hạn hán kéo dài gây thất bát mùa màng nạn đói triền miên. Họ phải rời bỏ kinh thành Siem Reap ra đi tìm miền đất mới.
Nhật ký di chuyển
Hơn tám giờ xe đò chuyển bánh, nó lượn vài đường trong thành phố, rẽ ra hướng về Siem Reap. Từ thủ đô Phnom Penh về cố đô có thể xem con đường này như huyết mạch chính đất nước Cambodia. Quan sát bốn loại đường vận chuyển: đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không có thể đánh giá sự phát triển một quốc gia. Con đường hướng về Siem Reap được trải nhựa phẳng phiu, hai bên có lề cẩn thận. Trong vài chục cây số ban đầu đã thấy một đất nước Cambodia rất khác. Hai bên đường nhiều khu dân cư mọc lên, kiểu nhà thấp tầng như Aqua City ở Sài Gòn.

2023_01_14_09_40_IMG_5627.JPG

Phnom Penh như đại công trường. Photo Samgoshare
Không phải chỉ một khu mà một đoạn đường dài, mỗi phân khu tửng chủ đầu tư đua nhau xây dựng. Có khu dân cư hiện cái cổng chào to vật vã như muốn đánh dấu cho thiên hạ biết đệ nhất cao cấp. Lẽ ra nên dành sự hoành tráng không cần thiết, đưa vào thành tiện ích trong nội khu. Sự khoa trương nặng màu marketing, xuất phát từ Trung Quốc như bệnh dịch lan sang các nước láng giềng. Kèm theo đó vài khu bán hàng vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị phục vụ nhu cầu đang tăng. Đường sá đang sửa sang, hệ thống cống rãnh hạ tầng đang nâng cấp. Thành phố Phnom Peng như một đại công trường xây dựng.
Nhớ lại thuở trước
Bồi hồi nhớ lại kỹ niệm khó quên của mười mấy năm trước. Lúc ấy ngồi trên xe khách công ty Fiditour nhìn từng chiếc xe của người Cambodia chạy mà kinh hãi. Từ xe tải nhỏ, xe tải lớn, xe taxi… đều có người ngồi trên nóc hay trước cabin xe chật kín. Riêng xe máy họ chở 2-3-4 miễn chất được bao nhiêu cứ chạy bấy nhiêu. Ngày ấy có những đoạn đường mịt mù đất đỏ, xe chạy bụi cuộn bay như cơn lốc. Người dân đầu để trần, quần áo cáu bẩn, nước da đen nhẻm, gương mặt u buồn. Họ cứ thế ngồi an nhiên tự tại đưa nhau hướng về thủ đô Phnom Penh.


2023_01_14_09_19_IMG_5610.JPG

Đường về Siem Reap Cambodia. Photo Samgoshare
Cả đoàn khách du lịch Việt khi ấy tròn mắt lên mà há hốc miệng. Ký ức của ngày ấy bây giờ không còn thấy nữa. Xe cộ giờ đây nhiều loại hơn, mới hơn thêm đường sá đàng hoàng hơn trước. Thi thoảng vẫn bắt gặp ai đó đi làm phải ngồi sau xe tải nhỏ. Càng ra xa thành phố nhà cửa thưa dần trở về với miền thôn quê bình dị yên tĩnh. Màu xanh của cánh đồng của ruộng vườn cây cối đã về trên mãnh đất này. Vài đoạn dân cư sinh sống giống như khúc ruột miền Trung quá đổi. Cư dân sinh hoạt buôn bán làm nghề ngay trên mặt tiền trước nhà. Xe chạy thoáng qua khúc làng nghề đúc tượng, tượng Phật đứng ngồi hai bên đường rất nhiều.

Nếu có người hỏi rằng Cambodia một đất nước rất sùng bái đạo Phật. Nhìn quanh nơi đâu cũng thấy nhiều ngôi chùa cùng nghề làm tượng Phật rất phát triển. Người dân một lòng hướng về Phật Pháp, vì sao không tránh được kiếp nạn diệt chủng? Phải chăng trong quá khứ xa xưa người dân Khmer đã trót mang một nghiệp báo nào đó? ”


Creator Samgoshare Music Freedom – Sergey Grischuk
 
Last edited:
Trên chuyến xe từ thủ đô Phnom Penh về Siem Reap đưa tôi trở lại cố đô. Ký ức nhạt nhòa của mười mấy năm trước trước một Siem Reap đã thật sự hồi sinh. Vì chia sẻ đồng thời trên blog Samgoshare cả ba quốc gia Cambodia Thái Lan Lào nên chuyện về Siem Reap viết sau một thời gian. Nay chia sẻ trước đoạn đi xe đò từ Siem Reap qua Bangkok tại cửa khẩu Poipet

Nhật ký chuyến xe Giant Ibis từ Siem Reap đến Poipet
Một thói quen đã được hình thành như một cách thư giãn rất riêng. Tôi ngồi bất cứ đâu, miễn có chút thời gian nghỉ đều có thể viết trên mục Note của chiếc điện thoại Iphone hoặc Ipad. Hai công cụ này liên kết với nhau nên tiện cái nào bấm bàn phím cái đó. Nhật ký chuyến xe Giant Ibis từ Siem Reap đến Poipet, cửa khẩu biên giới Cambodia và Thái Lan được ra đời đơn giản như thế. Tôi viết trên chuyến xe, nhằm kịp ghi lại luôn những gì mắt thấy tai nghe với quan điểm riêng.

Nhật ký hành trình
Khi ấy hắn đã viết “Chàng tài xế chở tôi đến bến xe Giant Ibis cách khoảng hai cây số. Trên đường ghé lại quán đã ăn làm tô hủ tiếu cho ấm lòng buổi sáng. Chị bán quán gặp lại cười vì mới tối hôm qua đã ăn một lần. Xe Giant Ibis chạy suốt hơn tám tiếng nên cái bụng phải đằm đệ với món quen trước. Lỡ không may chột dạ e rằng rất căng trên xe xứ người. Ăn ở quán ven đường còn nhờ được thêm việc có ly nước nóng pha cà phê gói mang sẵn. Sáng sớm ăn hủ tiếu Cambodia và uống cà phê Việt như song kiếm hợp bích bụi. Xe đến bến chụp vài tấm hình với chàng không quên tip một ít cho vui.

2023_01_17_07_54_IMG_6838.JPG
Hủ tiếu Cambodia và Cà phê Việt. Photo Samgoshare
Chiều hôm qua đã một lần chạy ra kiểm tra lại vé mua online từ Sài Gòn. Yên tâm đúng bến, đúng xe nhân viên còn nhắc nên đến sớm trước 30 phút. Vào bến đợi lác đác có vài khách Tây đã tới trước. Khoảng gần 7h 30 khách ghi tên đăng ký vào tờ chung. Nhân viên yêu cầu kiểm tra lại visa của khách cho yên tâm. Riêng tôi chàng nhắc nhở thêm trình bày với hải quan lịch trình ở Thái Lan. Kakaka… Chưa biết thế nào liệu sau trận thắng đá banh hôm qua các chàng có vui vẻ không nhỉ?

Gần nhà xa cửa ngõ

Đúng 7h45 xe chạy chàng trai theo xe hướng dẫn mọi người tờ khai nhập cảnh. Hướng dẫn chi tiết như mọi lần trên các chuyến bay. Hành khách sẽ xuất cảnh và nhập cảnh tại cửa khẩu Poipet. Chàng bảo xuất tại cửa khẩu Cambodia rất nhanh nhưng nhập cảnh qua Thái Lan hơi lâu. Hải quan phải scan toàn bộ hành lý và kiểm tra từng người. Có nhiều xe đò như này nên khách cố gắng tập trung nhanh nhất có thể tránh phải đợi chờ nhau. Với tôi thật lạ, lần quay lại Thái Lan thật sự sau 19 năm!

Loay hoay phiêu du các xứ khác thế nào quên luôn đất nước láng giềng đầy những nụ cười thân thiện. Đôi khi gần nhà mà xa cửa ngỏ, dễ đến cửa luôn mở mà ngang qua chứ không vào. Lần đầu năm 2004, lần thứ 2 quá cảnh đi Iran năm 2016 đến năm 2019 lại quá cảnh phiêu du Myanmar. Hôm nay mới thật sự vào tham quan đất Thái. Chàng phát cho mỗi người miếng bánh ngọt và lon Nescafe nữa cho buổi sáng. Thật tốt thêm chút cà phê cho đời tỉnh táo.


Xe Giant Ibis chạy êm

Hành khách trên xe khá ít chưa được một nữa. Khách tha hồ chọn lựa chỗ ngồi có view bên cửa sổ. Tôi đã chọn view từ lúc mua online. Ban đầu dự tính đi xe đêm của Virak buntham lúc 0h45 nhưng nghĩ lại. Xe có chạy đến sớm ở Poipet thì cũng chờ bởi Hải quan làm việc có giờ giấc cụ thể. Nhiều khách tính nằm ngủ trên xe luôn đêm khỏi tốn tiền khách sạn. Đó cũng là cách, tuy nhiên ở Siem Reap nhà trọ khá rẻ nên ngủ một giấc cho sướng lấy lại sức khỏe vẫn tốt hơn. Con đường khá tốt xe chạy đều nhẹ nhàng như ru, khách dễ ngủ có thể ngon giấc.

2023_01_17_10_21_IMG_6889.JPG

Lên đường với chuyến xe Giant Ibis từ Siem Reap đến Bangkok. Photo Samgoshare
Tôi thức nhìn hai bên đường và viết nhật ký hành trình, một thói quen khó bỏ. Hai bên đường vẫn một màu xanh quê hương của Cambodia. Ngồi trên xe chạy ở xứ người mà ngỡ như ngang qua khúc ruột miền Trung đất Việt. Tôi tin đất nước này sẽ hồi sinh diệu kỳ. Mười tám năm một khoảng thời gian dài đối với một đời người những thật quá ngắn so với lịch sử của vương quốc Phù Nam. Và câu hỏi chưa có lời giải đáp, vì sao đất nước này bị một giai đoạn diệt chủng khủng khiếp như vậy? Quả kiếp nạn trầm luân ấy liệu có từ nhân nào ở xứ sở hiền hòa này? Xe chạy tới cửa khẩu Poipet làm thủ tục hải quan cả hai bên.

(Viết trên chuyến xe Giant Ibis từ Siem Reap to Bangkok, 17/01/2023)




Edit
 
Last edited:
Chuyện cửa khẩu Poipet xuất cảnh từ Cambodia qua Thái Lan
Đúng giờ xe khởi hành, tạm biệt cố đô Siem Reap mảnh đất đã thật sự hồi sinh trở lại. Xa dần, xa dần cố đô Siem Reap, hai bên đường nhà cửa cư dân thưa thớt. Nhường lại những cánh đồng bạt ngàn bằng phẳng ít thấy người canh tác. Xe đò của hãng Giant Ibis chạy từ lúc 7h45 đến 10h25 sẽ tới cửa khẩu Poipet. Xe chạy sau gần ba giờ, nhìn qua cửa sổ xe đò khu vực biên giới, đường phố, nhà cửa có phần đông đúc nhộn nhịp hơn. Người dân buôn bán bên đường phục vụ du khách qua lại giữa hai nước.

Cách đây mấy hôm báo có đăng sòng bài gần cửa khẩu cháy dữ dội phải nhờ cả PCCC bên Thái Lan qua chữa lửa. Viết vội vài dòng chuyện tại cửa khẩu Poipet xuất cảnh Cambodia qua Thái Lan.

Xuất xảnh Cambodia
Tại cửa khẩu Poipet Cambodia và Thái Lan nhật ký hôm ấy tôi viết. “Cô gái Thái Lan tại Hải Quan khá xinh xắn không hiểu sao đến lượt mình lại gái không phải một mà những hai. Một em gái Cambodia và một em gái Thái Lan. Em gái Cambodia mặt đầy mụn hơi ngăm màu da ái quốc. Em Cambodia yêu cầu tôi đưa 4 ngón bàn tay phải, bàn tay trái đến 2 ngón cái. Lần lượt hai bàn tay mười ngón kiêu sa của tôi được scan qua máy điện tử. Ánh sáng trắng chớp nhẹ một cái là xong. Thế giới điện toán thật vi diệu, phát minh lưu giữ và sử dụng bao nhiêu dữ liệu của con người.

2023_01_17_09_59_IMG_6881.JPG

Bánh ngọt và cà phê sáng (nhà xe phát). Photo Samgoshare
Liệu biết đâu có ngày dữ liệu như rác ngập tràn cả hành tinh này. Chàng Google tìm kiếm lưu giữ và phân tích mọi thông tin của thế giới. Chỉ việc bán thông tin phân tích tích hợp ấy cũng đủ giàu, đủ tạo nên một đế chế mới mạnh mẽ. Tương lai tài nguyên của toàn cầu phụ thuộc vào thông tin đến từ những điều đơn giản. Liệu sẽ có ngày thông tin lưu trữ bị quá tải gây nên sự sụt “hố đen” nào đó? Ví như có một ngày mà các trung tâm dữ liệu bị mất, con người sẽ còn nhớ những gì?
Băn khoăn vài điều?
Khoa học từng chứng minh ký ức được lưu truyền qua DNA. Nhờ các ký ức này kinh nghiệm đã được tích lũy theo thời gian và loài người dần phát triển như ngày nay. Và nếu một ngày nào đó trong tương lại ký ức của con người được máy nhớ tất cả. Liệu DNA không còn lưu giữ ký ức nữa nhân loại sẽ tiến hóa ra sao? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản xin dành lại cho hàng chục ngàn năm sau vậy.

Tôi vẫn không hiểu sao em gái Cambodia lại yêu cầu tôi đưa tờ 100 Bath. Trên cao trước mặt em có ghi dòng chữ “No payment here” mà. Tôi đưa tay vào túi quần lấy ra một nắm tiền Riel còn lại và dĩ nhiên không có tờ tiền Thái Lan nào. Chỉ tay vào bụng nói có tiền đô la Mỹ. Em làu bàu vừa đủ nghe lần sau sẽ không cho qua.


2023_01_17_11_48_IMG_6917.JPG

Ngang qua Casino trên đường vào cửa khẩu Poipet Cambodia. Photo Samgoshare
Wow! Tiền Thái Lan đã đổi một mớ nhưng người yêu ở nhà đã phân tán cất vào valy. Nguyên tắc không để trứng vào một giỏ được vợ áp dụng triệt để. Trong valy, trong balo, trong người đều có giữ tiền, lỡ chuyện gì xảy ra còn có đường sinh tồn. Kiểm tra tiền 100 Bath, sao đơn giản vậy em? Nhìn mặt Samgoshare, hắn cũng đủ già rong chơi phiêu bạt không lẽ không đem theo tiền. Hay biết đâu vì giữ mấy tờ bạc lẻ của Cambodia mà động lòng ái quốc của nàng đành cho qua. Qua được cửa khẩu Poipet Cambodia, tiếp tục đến phía Thái Lan ”.

Creator Samgoshare Music Senorita
 
Qua cửa khẩu Khlong Luek vào Thái Lan dễ dàng
Sau khi kết thúc khâu kiểm tra xuất cảnh tại cửa khẩu Poipet ở Cambodia. Hành khách từng người phải đi bộ đến hải quan Thái Lan gần đó. Tiếp tục làm công việc nhập cảnh tương tự như bên Cambodia. Hành lý mỗi người được chuyển theo xe kéo tay chuyên dụng. Khi làm xong thủ tục mỗi khách phải chờ lấy hành lý tự kiểm tra qua máy soi chiếu phía Thái. Tôi đặt chân đến đất Thái Lan từ cửa khẩu Khlong Luek dễ dàng. Mọi lo ngại về kiểm tra giấy tờ kiểm dịch đều tan biến, đơn giản nhanh gọn.
Thủ tục Thái gọn gàng
Hôm ấy có nhiều người sang Thái làm ăn cùng xếp hàng làm thủ tục. “Em gái Hải quan Thái Lan ngược lại tương phản với em gái Cambodia. Khuôn mặt có sống mũi cao ráo, gương mặt thanh tú nhanh chóng yêu cầu đưa bàn tay năm ngón kiêu sa của tôi. Thêm lần nữa đôi bàn thon đẹp đầy những đốm tàn nhang và đượm màu nắng gió được scan. Em chả hỏi gì nhìn mặt “đẹp chai” của tôi một cái và đóng ngay con dấu. Đưa lại PassPort, tôi hỏi lại miếng giấy nhỏ, mảnh giấy quan trọng khi rời đất Thái ấy mà.

2023_01_17_11_56_IMG_6932.JPG

Cửa khẩu Khlong Luek ở Thái Lan. Photo Samgoshare
Hôm qua đội tuyển Thái Lan thắng xứng đáng, người dân Thái đang vui. Duyên nợ đá banh Thái Việt vay trả trả vay bao năm qua. Dẫu kết thúc mang chút đượm buồn cho HLV Park. Năm năm qua ông đã tạo một dấu ấn mạnh mẽ ở đất nước Việt Nam. Ông truyền cảm hứng giúp đội tuyển một tinh thần thể thao tự tin không biết sợ hãi đã quá đủ.

Trước ngày rong chơi, đọc báo bảo viết “từ ngày 09 tháng 01 Thái Lan sẽ kiểm tra việc tiêm chủng Covid 19”. Tôi chuẩn bị vài cái giấy tiêm cũ như bằng chứng tại tòa. Vậy mà hải quan Thái Lan chẳng thèm ngó ngàng gì. Có thể Thái Lan sợ Trung Quốc trả đũa như Nhật Bản với Hàn chăng.

Nhà giàu cũng cháy
Qua cửa khẩu Khlong Luek tôi đi thẳng một mạch ra phía bên kia mà quên đợi đoàn khách chung xe. Báo hại chàng nhân viên nhà xe tội nghiệp chạy tìm kêu quay lại chờ đoàn. Vì hành lý được kéo riêng bằng xe chuyên dụng, xe đẩy bằng sức người. Bác tài xế chuyên dụng bỏ valy các loại từ xe đò kéo đến chỗ khách chờ. Ai nấy tự lấy valy cho vào băng chuyền kiểm tra hành lý. Kiểm tra đơn giản nhanh gọn hầu như ít ai bị hỏi lại. Theo hành lang nhỏ hẹp, họ phân luồng Man và Woman. Bước ra ngoài khỏi cửa khẩu, tôi thật sự đã đặt chân vào xứ sở chùa chiền Thái Lan.


2023_01_17_12_35_IMG_6953.JPG

Sòng bài mới bị cháy ở biên giới Cambodia. Photo Samgoshare
Ngạc nhiên quá đổi nhẫm lại sau ngần ấy năm mới được rong chơi thật sự tại đất Thái. Nhà cửa dân cư biên giới Thái ít xây dựng hơn bên Cambodia. Sòng bạc lại nằm bên phía nước nghèo, có luật lệ thông thoáng hơn. Xe đò chở khách chạy theo đường riêng đến chờ ở bãi. Giữa trưa chang nắng em nhân viên chỉ cho tôi biết sòng bạc mới bị cháy vài hôm trước từ xa xa. Em bảo nhiều người nước ngoài chơi bài bạc ở sòng này lớn, không rõ mất bao nhiêu người. Từ đất Thái Lan nhìn về đất Cambodia, công trình làm sòng bài khá lớn bên ngoài cháy đen nhẻm những tàn dư vẫn còn. Người giàu người mê kiếp đỏ đen cũng bị chết cháy như ai.

Cơm trưa trên xe
Lên xe đò chuẩn bị tiếp tục chuyến đi đến Bangkok. Điểm cuối cùng bến xe đổ gần với con đường Khao San nổi tiếng náo nhiệt. Con đường này được rất nhiều bạn trẻ gần đây chia sẽ trên mạng. Xe chưa chạy, họ phát cho mỗi người hộp cơm chiên nhỏ với hai lát dưa leo. Không muối, không cà chua thấy thiêu thiếu, cơm bụi mà lỵ. Ngồi ăn nhẹ phải góp ý nhà xe thêm với chuyện thiếu cái bàn nhỏ sau lưng ghế.


2023_01_17_12_38_IMG_6956.JPG

Cơm bữa trưa của nhà xe Giant Ibis. Photo Samgoshare
Xe tiếp tục lên đường sau mười phút dừng cho bữa trưa đạm bạc. Vừa viết vừa nhìn lên con đường phía trước trên đất Thái Lan như mới rải nhựa. Đường phân hai làn rõ ràng cho hai chiều riêng biệt. Con đường cũ hướng về phía Cambodia và đường mới hướng ngược lại. Ngoài trời đang rất nắng, phía trái xe tôi ngồi gặp ngay ánh nắng xiên khoai rất rát. Thi thoảng mở màn xe nhìn chiếu lệ bên ngoài xem đã quay phim được chưa, bị nắng phản chiếu mạnh rất khó chịu”. Xe theo hướng Bangkok thẳng tiến bon bon.
 
Đoạn trên bạn viết : "Đưa lại PassPort, tôi hỏi lại miếng giấy nhỏ, mảnh giấy quan trọng khi rời đất Thái ấy mà.". Có phải là tờ khai nhập cảnh không vậy bạn? Nhưng không thấy bạn nói kết quả ra sao (có trả cho bạn hay không)?
 
Đoạn trên bạn viết : "Đưa lại PassPort, tôi hỏi lại miếng giấy nhỏ, mảnh giấy quan trọng khi rời đất Thái ấy mà.". Có phải là tờ khai nhập cảnh không vậy bạn? Nhưng không thấy bạn nói kết quả ra sao (có trả cho bạn hay không)?
Chào bạn
Đúng rồi bạn, họ trả lại mình mảnh giấy nhỏ ấy. Cám ơn bạn đã theo dõi.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,211
Bài viết
1,174,349
Members
191,997
Latest member
nhatvip
Back
Top