Bảo tàng Kháng chiến Warsaw
Sự kiện kháng chiến của Warsaw năm 1944 trước đây vẫn có nhiều tranh cãi do sau chiến tranh, Ba Lan bị chiếm đóng bởi Liên Xô và phát triển theo khối XHCN. Tuy nhiên, sự kiện Kháng chiến năm 1944 đã cho thấy nỗ lực và sức mạnh tinh thần đấu tranh Ba Lan. Cuối cùng, với tinh thần ấy họ đã lật đổ được Chủ nghĩa cộng sản và xây dựng nên nền dân chủ Ba Lan cho tới nay.
Ý tưởng xây dựng Bảo tàng kháng chiến được đưa ra từ những năm 1983 nhưng sau đó, vì những ý kiến khác nhau nên không có hoạt động xây dựng nào được tiến hành. Trong số ý kiến đó, người ta cho rằng sự kiện kháng chiến năm 1944 là một sự kiện vô nghĩa, đã hy sinh xương máu của biết bao nhiêu người dân. Mãi cho đến 31 tháng 7 năm 2004 bảo tàng mới được mở cửa nhân dịp kỷ niệm 60 năm sự kiện nổi dậy.
Bảo tàng nằm trên một khuôn viên trước đây là nhà ga sửa chữa tàu điện và cũng như mới được mở cửa cho nên tường vôi, gạch ngói và mọi thứ trông bên ngoài thật là mới. Tuy nhiên, bảo tàng đã lưu giữ được rất nhiều tư liệu và hình ảnh, hiện vật của giai đoạn kháng chiến đầy máu lửa của người dân Ba Lan nói chung và Warsaw nói riêng. Những mốc lịch sử của Chiến tranh thế giới cứ thế hiện ra, làm cho chúng ta hiểu hơn một cách toàn diện của cuộc chiến tranh cũng như thấu hiểu rằng đất nước Ba Lan xinh đẹp và rộng lớn, luôn là miếng bánh ngon cho những thế lực bành trướng và độc tài. Chúng tôi hiểu hơn qua những tư liệu rất thật ấy, rằng Ba Lan là nạn nhân của những thế lực quân sự và chính trị thời ấy là Liên Xô và Đức. Hiểu hơn rằng Liên Xô không phải là đồng minh trong chiến tranh mà chính Liên Xô cũng có những thỏa thuận với Đức để chia cắt đất nước Ba Lan và chiếm đất. Học lịch sử ở Việt Nam trước đây hồi chúng tôi, đã không có đoạn nào nhắc đến sự kiện như thế này.
Ấn tượng tiếp theo khi thăm bảo tàng là đoạn phim ngắn 3D cho thấy hình ảnh của Warsaw trong những năm chiến tranh. Toàn bộ thủ đô xinh đẹp đã gần như bị xóa sổ khỏi mặt đất, để lại sự tan hoang, tàn phá và gần như không có sự sống. Như thế mới biết và thực sự khâm phục người dân Ba Lan đã nỗ lực quy hoạch và tái thiết thủ đô của họ lại như thế nào. Những lâu đài, thành quách. Những tu viện, nhà thờ và các công trình khác trong thành phố ngày nay hầu như đều được xây mới lại dựa trên các hình ảnh trước đây còn lưu giữ. Thật đáng ngưỡng mộ.
Lệnh tổng động viên. Hỡi những chiến sỹ!
Lá cờ của nền dân chủ Ba Lan tung bay trên nóc vọng gác trong Bảo tàng Kháng chiến