What's new

[Chia sẻ] Xa hơn Bali…

Xa hơn Bali…



Một ngày mùa hè năm nao, chia tay Bali lòng ngơ ngẩn, tôi đã nhủ thầm “ngày về lại Bali của mình sẽ không xa…”.


Ngày tháng trôi. Cuộc đời trôi. May mắn được chìm nổi theo những chuyến lang bạt qua những miền đất tâm linh huyền bí hay thiên nhiên lộng lẫy tươi đẹp… những tưởng niềm mơ xưa đã yên giấc ngủ ngoan. Những tưởng “lời hẹn thề là những cơn mưa”…, như bao lời hẹn thề khác của kẻ lang bạt kỳ hồ vốn thường bỏ lại sau lưng nhiều thứ để lòng nhẹ, để chân vững trên những dặm xa… Nào có hay, một ngày hè Sài Gòn giấc mơ xưa lại khắc khoải quay về. Giữa những ngày cuộc sống đảo chao nhiều vướng mắc, lắm bức bối,… giấc mơ xưa ban đầu dường như là một lời rủ rê trốn chạy hơn là một hành trình hứng thú.


IMG_7371.jpg



IMG_7365.jpg

Chia tay Sài Gòn những quán mưa, áo thôn nữ bừng lên trong chiều xám, ngoài ao gần chiếc vó tung bay trong gió…



Nhưng, khi lần giở những cuốn sách, những trang mạng, tìm xem những tấm hình, kiếm đọc những câu chuyện, những sẻ chia… sau bao chần chừ, bao đổi thay ý định,… giấc mơ xưa không còn là lời rủ rê chạy trốn. Bali lại về nồng nàn trong những giấc mơ tôi. Nhưng, sẽ là một Bali khác. Ngày cũ năm đó, Bali là đích đến trên con đường đăng đẵng độc hành từ Sài Gòn, Bali mùa hè này sẽ là điểm khởi đầu cho hành trình “Xa hơn Bali…”.


Komodo-1.jpg

Tôi có đến được miền đất của những chú rồng Komodo?


TanaToraja.jpg

Hay những ngôi làng và nhà mồ bí ẩn ở Tana Toraja?



Không biết chắc tôi đi được nơi đâu, chỉ biết là sẽ là những chuyến xe dằng dặc, những chuyến phà lênh đênh đêm ngày, những con tàu lắc lư bồng bềnh xuôi nam, lên bắc, về đông... Sở dĩ tôi không biết chắc vì ở nơi xa xôi hẻo lánh của xứ vạn đảo, những miền đất hoang sơ tôi sắp đến phương tiện giao thông công cộng rất ít ỏi, có khi cả tháng mới có một chuyến tàu lơ đễnh ghé qua,… nên tôi không biết là mình sẽ đi được đến đâu.


Kelimutu-2.jpg

Tôi có đến được 3 chiếc hồ núi lửa đổi màu liên tục ở Kelimutu?


RajaAmpatIsland-2.jpg


RajaAmpatIsland.jpg

Hay những đảo ngọc ở Raja Ampat?




Chỉ biết rằng, sẽ xa hơn Bali…




Tất cả những hình ở đây sưu tập từ internet. Hy vọng sau chuyến đi này, sẽ có những tấm hình của riêng tôi!​
 
Ubon ngày rộn rã sắc màu - 1.

@ anh trantrakhuc, cảm ơn nhưng chia sẻ chân tình của anh! Bpk sẽ cố gắng để ý đến những cái ngạch cửa!
@ PRs, diroibiet, cảm ơn đã đọc và chia sẻ.


Gửi đến các bạn một trưa xanh Bali đẹp đến nao lòng, trong lúc lòng người còn hơn là cả nao lòng!



IMG_1919-1.jpg

Trưa xanh Bali.

………………………………..


Ubon ngày rộn rã sắc màu - 1.


Ubon là một điểm chính trong chuyến đi kỳ này, chứ không phải chỉ Xa hơn Bali. Và sau những ngày trải nghiệm ở Candle Feastival/Wax Festival ở đây, may mắn gặp những cơ duyên khác, tôi nghĩ rằng mình đã có một khởi đầu vất vả nhưng thật hay, những ngày Ubon cuối tháng 7 đầu tháng 8 này.


IMG_0249-1.jpg



IMG_0248-1.jpg

Candle Festival/Wax Festiavl rộn ràng khắp phố phường Ubon.


IMG_0513-1.jpg

Còn Ubon, những ngày này đẹp như thế này!


Tuy Candle Festival không được biết nhiều như Song Kran, Loi krathong,… nhưng trong chuyến ghé Ubon lần trước, tôi may mắn được xem những gì “còn sót lại” của Candle Festival năm trước, ngỡ ngàng, đọc và tìm hiểu, thấy hấp dẫn quá. Nên tôi theo dõi lịch và biết rằng lễ hội năm nay tổ chức từ 20.7 đến 5.8.2012. Dĩ nhiên là tôi không thể ở Ubon chừng ấy ngày nên nghiên cứu kỹ xem lễ hội chính diễn ra vào ngày nào. Trong cái rủi có cái may. Việc chuyến đi Bali của tôi bị dời tới dời lui cuối cùng lại gần đến ngày lễ hội của Ubon. Chứ nếu mọi chuyện không trục trặc, tôi lên đường đã lâu thì lại hụt mất Candle Festival kỳ này.


IMG_0257-1.jpg

Nghệ nhân đang vội vã những bước cuối…


IMG_0349-1.jpg

Các nghệ nhân trẻ ở chùa cũng vậy.

Chuyến tàu đêm Bangkok – Ubon trễ gần 2 tiếng nên tôi đến Ubon lúc trưa. Cõng balo đến Rivermoon GH thì thấy nó sắp sụp! Đang tần ngần tính dở sách ra xem thì dì bán quán cơm ở kế bên gọi sang. Xí la xí lô một hồi dì bốc điện thoại, làm dấu bảo tôi ngồi chơi chờ 10p. 10 phút sau có một phụ nữ lớn tuổi ghé lại, giải thích tình trạng đổi chủ của Rivermoon GH và hỏi tôi có muốn ghé nhà dì, ở trên gác xép hay không. Dì chỉ làm công quả trong ngôi chùa Wat Pah Nanchat một trong vài ngôi chùa nổi tiếng nhất Thailand vì sư trụ trì là người nước ngoài và nơi đây cũng là trung tâm tu tập, thiền định của rất nhiều người nước ngoài, kể cả người Việt. Do vậy, dì nói, thỉnh thoảng cũng có mấy đứa hết ở chùa nó ghé nhà dì ở thêm cả 2-3 tuần, 1 tháng nên dì cũng quen, và giờ căn gác đó giờ bỏ không! Nghe dì nói là tôi đồng ý liền, gì chứ mấy vụ ở ké hay home-stay là tôi hảo lắm. Nhất là khi tôi biết không dễ kiếm phòng ở Ubon bây giờ, khi hàng chục ngàn người Thái đang đổ về (theo LP) dự lễ và giá cả cũng tăng cao đắt đỏ. Thế là tôi về nhà dì, dì Nut. Một cơ duyên lạ cho tôi ở Ubon lần này!


(tbc.)
 
Ubon ngày rộn rã sắc màu – 2

Ubon ngày rộn rã sắc màu – 2



IMG_0313-1.jpg

Phố phường dậy sắc…​


Từ nhà dì Nut, không xa lắm Rivermoon GH, cũng có nghĩa là không xa lắm ga xe lửa Ubon, tôi đi bộ ra đến trung tâm Ubon dù khoảng cách không gần lắm. Lý do là vì trời mát, thứ nữa là muốn thử đi xem mất bao lâu để khi tối khuya về không còn tuk-tuk thì biết đường mà tính. Khoảng 30p, dù theo LP khoảng cách này chỉ hơn 1,2km, như vậy là ước chừng này không chính xác lắm vì tôi cũng thường đi bộ nên biết tốc độ của mình. Cũng may là trưa đó trời mát chứ như những buổi sáng hôm sau, chỉ ngồi trên xe tuk tuk mà mỗi khi xe dừng cũng toát mồ hôi hột!


IMG_0255-1.jpg

Vội vã chuẩn bị


IMG_1836-1.jpg

Và đã xong, rực rỡ.


Và cũng may là những ngày nay Ubon dậy lên những sắc màu nên làm đường đi ngắn lại!


IMG_0641-1.jpg

Ngày dậy sắc và đêm lung linh.


Ubon, dù là thủ phủ của vùng Isan, đông bắc Thailand nhưng vẫn là một tỉnh nhỏ. Tỉnh nghèo, đến nỗi khi tôi chuẩn bị ra đi, nói là sẽ đi tàu, dì Nut nhìn tôi lắc đầu “Cậu đừng có nói là đi chuyến tàu miễn phí lúc 8 giờ sáng đó nghen! Nó đi hơn 20 tiếng mới đến Bangkok đó!”. Nói thiệt là lúc đó tôi mới biết chính quyền Thailand còn có cả chuyến tàu miễn phí cho người nghèo ở Ubon nữa. Thiệt tình là do không biết, nên đã mua vé chuyến khác, nếu không tôi cũng sẽ (thử) đi chuyến tàu miễn phí đó xem sao! Ở Bangkok thỉnh thoảng tôi có đi bus miễn phí (không phải là shuttle bus mà là bus thường, nhưng miễn phí vào một khoảng thời gian nào đó, ngày nào đó mà có nhiều hôm tôi tình cờ lên trúng) nhưng cả chuyến tàu miễn phí thì giờ tôi mới nghe lần đầu! Tôi dài dòng đoạn này chỉ để nhấn mạnh Ubon vẫn còn là tỉnh nghèo, nhưng với những gì Ubon đang làm cho Candle Festival, và những gì tôi chứng kiến mấy ngày sau đó thì tôi chưa thấy 2 thành phố lớn nhất của nước X làm được.



(tbc.)
 
Ubon ngày rộn rã sắc màu – 3



Để những bạn tò mò vì cái tựa đề có dính dáng đến Bali vào đọc thử xem Bali có gì, thỉnh thoảng tôi gửi đến các bạn những tấm hình về Bali để bạn hiểu thêm Bali. Và sẽ cứ như thế, mãi đến ngày tôi "đến" Bali.


IMG_1972-1.jpg

Bali - Những luống vạn thọ vàng bên đồng xanh lúa mùa hạ sao nhắc nhớ đến những Tết nghèo ngày xưa quê tôi quá!​

______________________________________



Công viên Thung Si Mueang và khuôn viên Bảo tàng Ubon là nơi diễn ra lễ hội Candle/Wax Festival. Phần vì khuôn viên thoáng đãng, phần thì gần ngay các chùa chính, phần thì bóng râm xanh mát, phần quan trọng nữa (và theo tôi, có thể là quan trọng nhất) là hệ thống vệ sinh công cộng (miễn phí) đầy đủ và sạch sẽ, rất cần thiết cho một lễ hội nhiều ngàn người tham dự trong nhiều ngày.


IMG_1832-1.jpg

Ngày…


IMG_0627-1.jpg



IMG_0495-1.jpg

…và đêm.​


Tôi ghé khuôn viên của Bảo tàng Ubon đầu tiên, vì nằm ngay trên đường cái, và cũng trên hướng tôi định đến TAT (Tổng cục Du lịch Thailand) để lấy tin tức. Thật may mắn cho tôi vì hôm nay là ngày cuối cùng của các nghệ nhân quốc tế phải hoàn thành các tác phẩm của mình. Đến từ các châu lục khác nhau, với niềm đam mê tạc khắc trên sáp, họ đến Ubon tham gia lễ hội này. Tạc khắc trên sáp dễ hay khó, tùy theo cảm nhận của từng người, nhưng có một điều cần chú ý là với độ bóng và tính phản chiếu của sáp, các đường nét lúc không có ánh sáng (mạnh) sẽ rất khác dưới ánh nắng trưa gắt hay ánh đèn đêm... Điều này (theo tôi nghĩ) các nghệ nhân tạc tượng sáp còn là những người nắm vững kỹ năng sử dụng ánh sáng, và có những pho tượng trong bình thường ban ngày bỗng trở nên lộng lẫy hơn khi đêm xuống và ngược lại.


IMG_0284-1.jpg

Lung linh không riêng mình tượng sáp.


IMG_0279-1.jpg

Sen nào đẹp hơn?


IMG_0299-1.jpg

Để nhớ những ngày mưa Ubon!


Và, tuy là Wax Festival nhưng những tác phẩm ở đây không chỉ là sáp mà còn nhiều thể loại khác, đem lại phong vị khác thường cho lễ hội, dù-đây-chỉ-là-một-phần-nhỏ của Ubon Ratchathani Candle Festival 2012


(tbc.)
 
Ubon ngày rộn rã sắc màu – 4



@sản, cảm ơn câu chúc của bạn. Còn trong câu thứ 2, chỉ một trong hai thứ bạn nói là đã làm bpk mắc cỡ lắm rồi! Nhưng rất cảm ơn bạn!

-----------------------


Lẽ ra hôm nay là một ngày vui, nhưng chỉ vui được một nửa. Nhưng biết đâu lại vì duyên nợ với Bali của tôi vẫn nồng nàn nên tôi chưa thể ra đi!


“Bật mí” một tý (!?) về hành trình Xa hơn Bali, mà tôi không dám nói trước vì sợ bước không tới. Đó là khao khát được đặt chân lên đất nước East Timor xa lạ, mà thủ tục xin visa vào nó là những câu chuyện đớn đau lan truyền trên các diễn đàn du lịch. Tôi cũng vậy. Chi tiết tôi sẽ cập nhật theo thứ tự hành trình. Chỉ biết đêm Thứ 3 lên cơn sốt li bì ở Bali, sáng Thứ 4 vẫn phải lê xác chạy xe Honda lên LSQ Đông Timor để xin visa, lạc lối đi mất gần 2 tiếng giữa nắng nóng khói bụi mịt mù, rồi chạy đi chạy lại để chụp hình thẻ để nộp với phông nền LÀ MÀU ĐỎ (bạn nghe, thấy tấm hình thẻ kiểu này bao giờ chưa). Cuối cùng, cũng được nhận hồ sơ 5 phút trước khi hết giờ làm việc. Sở dĩ tôi phải nhọc xác như vậy vì nếu để sang Thứ 5 mới đi, cộng thêm 3 ngày làm việc là lấn sang Thứ 2 tuần sau, tôi sẽ lưu lại Bali lâu mà đích của chuyến đi là Xa hơn Bali.


Đến sáng nay, không dám đi đâu sợ có chuyện gì trục trặc không về kịp cuộc hẹn 2pm. Rồi cuộc hành xác và thẩm vấn bắt đầu (kể sau)…. Xong xuôi kêu tôi ra ngồi chờ! Hồi lâu lại hỏi…. (kể sau) rồi nói “visa mày OK rồi nhưng Thứ 2 quay lại lấy đi vì sếp bữa nay không vào, không đóng dấu được!”. Cũng phải cảm ơn rồi về. Nên chỉ mừng một nửa vì 99% là chắc có visa Đông Timor. Phần nửa kia là rầu rĩ vì “phải” ở lại Bali quá lâu so với dự định. Nhưng vừa ra khỏi cửa LSQ, lại chuyển ngay hướng suy nghĩ tích cực (!?), hay là mày còn duyên nồng với Bali chưa thể đi,… rồi bao nhiêu người muốn đi Bali nhưng chưa được, vậy mà mày… Thế là vui vẻ chạy ra biển nghe gió hát cả một chiều.


Về, hứng thú gửi tặng các bạn một góc Bali đẹp khác (mà bạn yên tâm đừng lo hết hình đẹp, sẽ còn rất rất rất nhiều hình đẹp cho những entry chính thức về Bali.).



IMG_2016-1.jpg

Hình này đẹp hơn với tôi bội phần so với bức hình đã rất đẹp này (!?). Vì a/hôm đó trốn được vé vào cửa; b/chỉ mấy phút sau là mây đen ùn ùn kéo đến, cho đến chiều lúc tôi quay lại vẫn vậy. Nên nghĩ rằng mình đã rất may!

______________________________


Ubon ngày rộn rã sắc màu – 4


Dĩ nhiên là tỉnh nhỏ, tổ chức lễ hội ở Ubon không thể hoành tráng như mấy cái “nghìn năm” hay “300 năm” gì đó, nhưng sự chuyên nghiệp thể hiện rõ, không chỉ ở những người tham gia sáng tác mà còn ở những người tham dự. Đặc biệt là các em học sinh.


IMG_0256-1.jpg

Các em học sinh chăm chú chép ghi…


IMG_0268-1.jpg

…và làm vài tấm kỷ niệm ngày vui Ubon.​


Dù các tác phẩm sáp của các nghệ nhân chưa hoàn thành, đã có những thông tin chi tương đối về họ và tác phẩm trước mỗi pho tượng. Và, cũng như ở các ngôi chùa đền đài xưa khác tôi gặp, các em đều ghi chép cụ thể về thông tin đó, để về làm bài cáo cáo cho chuyến đi tham quan tìm hiểu của mình. Hay có thể cũng chỉ là những ghi nhớ, vì tôi thấy các em đi rất đông và tự đi, không có giáo viên nào đi cùng.


IMG_0287-1.jpg

Phông nền của tác phẩm này là tòa City Shrine với nét Thailand không lẫn vào đâu được.


IMG_0307-1.jpg

Và đây là mặt trước lộng lẫy của tòa nhà.


Chưa kể đến việc “hái hoa vặt lá cướp chậu bẻ cành”, các em không hề chạm sờ vào hiện vật, dù chỉ để chụp hình. Với các pho tượng sáp này thì dù có chạm sờ cũng không ý nghĩa gì, nhưng với những tác phẩm tinh xảo mỏng manh đến từ các ngôi làng, ngôi chùa sẽ tham gia vào lễ hội trong những ngày sau,… tôi nhìn thấy rất rõ ý muốn sờ chạm vào chúng xem thử tại sao người ta làm được những thứ mỏng manh đó nhưng các em đã kiềm lại.


IMG_0312-1.jpg

Không chỉ con người biết điêu khắc, thiên nhiên cũng biết! Và đây, tác phẩm của thiên nhiên!


Bạn có biết, có những tác phẩm bằng sáp mỏng manh đến nỗi phải có một đội ngũ những người tình nguyện đi phun nước đá lạnh để giữ chúng tồn tại. Tuy nhiên, một phần trong số chúng đã tan chảy sau buổi chiều nắng nung người Ubon.


IMG_0301-1.jpg

Sen từ tre, vẫn lộng lẫy. (Xem tất cả các hình, sẽ rất ít thấy có gì dưới đất).


Nói vậy, để biết rằng, dù các em có biết rằng chúng mong manh và có thể không tồn tại qua một mùa lễ hội, các em vẫn ý thức không sờ chạm vào hiện vật, chứ đừng nói gì “gí quần sóc lên đầu cụ rùa đá”, “đứng thẳng oai phong trên lưng cụ rùa thay vì ngồi mất khí thế”, hay… gì gì đó ở một nơi vang danh ngàn năm văn hiến!


Nhưng, không chỉ có thế!


(tbc.)
 
Ubon ngày rộn rã sắc màu – 5

Ubon ngày rộn rã sắc màu – 5


IMG_0334-1.jpg

Tòa nhà thờ phụng của Ubon chiều bình yên.


Loanh quanh trong khuôn viên Bảo tàng Ubon một hồi, tôi ghé văn phòng TAT Ubon, gặp lại cô nhân viên đã gặp mấy tháng trước. Cô gửi tôi tờ chương trình chi tiết bằng tiếng Anh, dù ở bảo tàng lúc nãy có rất nhiều tờ chương trình được phát (và không nằm la liệt ở dưới đất sau đó) bằng tiếng Thái. Tôi hỏi cô là trong nội thành, nơi nào tôi có thể đi bộ hoặc song-thẻo để đến thăm các ngồi chùa, ngôi làng đang chuẩn bị các tác phẩm nghệ thuật sáp, cô lấy tấm bảng đồ, khoanh gọn mấy ngôi chùa và số xe tuyến song-thẻo đến đó… Cảm ơn cô gái dễ thương và nhiệt tình, tôi hướng đến các ngôi chùa tiến bước.


IMG_0323-1.jpg

Ngôi chùa Wat Thung Si Muaeng đẹp trầm lắng trong chiều lặng.


Có nhiều ngôi chùa trong đó nằm trong danh sách của LP tôi đã viếng lần trước, nhưng giờ cũng đã chiều nên tôi ghé qua ngôi chùa Thung Si Mueang, ngôi chùa với Tàng kinh các bằng gỗ mấy trăm năm tuổi gần đó thăm lại. Ngày trước tôi ghé sen chưa nở, giờ sen như tàn mùa, vẫn ngôi chùa cũ đẹp mộc mạc trong chiều Ubon im ắng. Biết rằng sắp tối, tôi vẫn tìm một góc lặng trong khuôn viên xanh trước ngôi chùa xưa ngồi nhìn bóng thời gian chầm chậm đi qua những mái xưa thời gian đã xanh rêu phủ.


IMG_0338-1.jpg

Ngôi chùa Wat Nong Bua đẹp rực rỡ dù chiều xám.


Đón xe song-thẻo cùng các em học sinh tôi hướng về Wat Nong Bua, ngôi chùa với 2 mô phỏng về 2 ngôi chùa của 2 miền đất linh Bodhgaya và Kushinagar ở Ấn Độ. Tác phẩm nghệ thuật bằng nến của ngôi chùa năm 2011 mà tôi sững sờ trong dịp ghé lần trước giờ đã không còn, thay vào đó là một công trường với những nghệ nhân, hay chỉ là những tín đồ Phật giáo trẻ đang miệt mài làm việc. Họ còn có thời gian hơn các nghệ nhân nước ngoài một ngày, nhưng thời gian còn lại cũng chẳng là bao.


(tbc.)
 
Ubon ngày rộn rã sắc màu – 6

Ubon ngày rộn rã sắc màu – 6


Nhìn các nghệ nhân đang làm việc miệt mài, tất tả, nhìn những khối nguyên liệu thô còn quá nhiều đang nằm chờ đợi cũng như đang trong quá trình được làm thêm, tôi không khỏi e ngại cho việc hoàn thành kế hoạch của họ.


IMG_0383-1.jpg

Công trường nghệ thuật ở Wat Nong Bua


Nhưng, nhìn những gì các bạn trẻ vừa làm và nhìn những khối nguyên liệu thô mới biết công sức của họ. Tạc tượng là một điều khó, tạc tượng Phật là một điều khó hơn vì làm sao chuyển được cái thần của Phật vào trong pho tượng. Bạn có biết chuyện về một pho tượng bình thường chỉ trở thành pho tượng Phật sau khi được điểm nhãn. Và những nghệ nhân không được nhìn trực tiếp vào mắt Phật khi điểm nhãn mà phải nhìn qua một tấm gương để làm. Và, sau khi điểm nhãn xong, họ phải bị bịt mắt lại, phải dùng gậy đập vỡ một thứ gì đó trên đường ra ngoài… Tập tục đó tôi nghe ở một quốc gia khác, chưa kịp hỏi hoặc tìm hiểu ở Thailand như thế nào, nhưng chắc sẽ không khác nhau mấy. Và nhìn những gương mặt phúc hậu của các vị Phật, Bồ Tát bên cạnh những khối sáp vô hồn kế bên, tôi càng mến phục những người trẻ này.


IMG_0371-1.jpg



IMG_0349-1-1.jpg

Các nghệ nhân trẻ đang mê say làm việc.


IMG_0346-1.jpg

Nhìn những góc đã hoàn thành đẹp đẽ tinh xảo mới thấy sự khác biệt làm sao!


Nhìn vẻ sắc xảo và hoành tráng của “công trình” họ đang làm, nhớ pho tượng to đùng đẹp đẽ kỳ trước ghé, tôi nghĩ rằng họ đã đoạt giải nhất năm ngoái nên tôi hỏi. Té là không phải, giải nhất năm ngoái về loại hình nghệ thuật cùng nhóm với họ thuộc về một ngôi làng nằm ở ngoại ô Ubon xa tít chứ không phải ở ngôi chùa hoành tráng nằm ngay giữa thành phố này. Nhưng nhìn những gì họ đang làm năm nay, tôi nói với các bạn rằng nhất định năm nay các bạn sẽ đoạt giải.


DSCN7379-1.jpg

Cụm tượng năm ngoái đẹp như thế này vẫn chưa đoạt giải. Nhưng năm nay, còn đẹp hơn!


Và họ có đoạt giải năm nay?


(tbc.)
 
Ubon ngày rộn rã sắc màu – 7

Ubon ngày rộn rã sắc màu – 7


Rời ngôi chùa Nong Bua, tôi đón song-thẻo ghé đến ngôi chùa Wat Burapha, một ngôi chùa cổ danh tiếng khác của Ubon. Chiều đã xuống hẳn bên ngoài nên tôi không chụp được những tấm hình đẹp về ngôi chùa xưa này, nhưng những tấm hình bên trong đã không làm tôi thất vọng, nhất là khi tôi gặp một vị giáo sư và hiểu thêm về ý nghĩa của lễ hội này, trong mắt các nhà khoa học.


IMG_0401-1.jpg

Công trường ở Wat Burapha. Pho tượng sáp cứng đến nỗi thanh niên to lớn này leo lên ngồi để làm việc luôn (mà chú ngựa chỉ đứng 3 chân thôi đó nghen)!


Không khí ở Wat Burapha còn khẩn trương hơn ở Wat Nong Bua và công trường ở đây còn tất bật hơn nữa. Vì khác với Wat Nong Bua, tác phẩm nghệ thuật Wat Burapha tham dự là một mô hình khác, “nghệ nhân và nhân dân cùng làm”!


IMG_0409-1.jpg

Vị sư trẻ miệt mài cán những lá sáp mỏng qua khuôn.


Từ các vị sư, các thiện nam tín nữ, kể cả các em học sinh và các nghệ nhân…, mỗi người một việc nhưng đều bận tối mắt tối mày. Bận đến nỗi bỏ lơ qua thằng người lạ vô duyên cứ xăm xoi chĩa máy chụp hình vào họ, chẳng thèm nói một lời! Tác phẩm ở cùa Burapha mang phong cách khác chùa Nong Bua, có thêm phần chi tiết tinh xảo hơn.


IMG_0399-1.jpg

Các thiện nam tín nữ tỉ mẩn ngồi cắt rời những chi tiết.


IMG_0402-1.jpg

Thành phẩm của họ là đây, sẽ được các nghệ nhân dát lên tô điểm các pho tượng.


Ở chùa Nong Bua, các nghệ nhân tạc khắc trên các hình tượng sáp. Còn ở Wat Burapha, ngoài việc đó, còn có thêm việc trang phục, trang trí cho các hình tượng bằng những lá sáp mỏng manh tinh xảo. Điều này làm cho các tác phẩm ở đây mang sắc thái khác, tinh xảo hơn. Nhưng bù lại (cũng có thể là điểm yếu) là các đường nét trên các pho tượng sáp không sắc xảo đẹp bằng loại nghệ thuật điêu khắc trên sáp như ở chùa Wat Nong Bua. Nhưng chưa chắc, vì đã có những ngôi chùa đã làm tốt cả 2 phần trong tác phẩm của mình.


IMG_0419-1.jpg



IMG_0418-1.jpg

Tôn lên nét đẹp của các pho tượng sáp sau khi đã dát những lá sáp mỏng tinh xảo vào.


Nhưng, đây vẫn chưa phải là điểm thú vị của Candle Festival. Cho đến lúc may mắn gặp vị nữ giáo sư về điêu khắc dân gian, đến từ Bangkok giải thích tận tường và tận tình, tôi mới thấm hơn nữa ý nghĩa của lễ hội này!


(tbc.)
 
Ubon ngày rộn rã sắc màu – 8



Thôi chết rồi, càng ở thêm Bali, “phát hiện” ra nhiều thứ hay ho quá, không muốn đi khỏi Bali nữa rồi!


IMG_2162-1.jpg

Buổi chiều ngang qua cánh đồng lúa Bali bên hàng dừa xanh đã nhớ quê xưa da diết, ai chơi thiệt ác còn đốt rơm đốt rạ.
Chẳng biết khói cay quá hay sao mà mắt bỗng cay!​


______________________________

Ubon ngày rộn rã sắc màu – 8



Khi nghe tôi hợm hĩnh khoe (!?) là rất thích các lễ hội của Thailand, đã vài lần nhảy múa ở Songkran,… bà nhẹ nhàng nói “Lễ hội rước nến của Ubon này rất khác biệt so với những lễ hội đó. Lễ hội này không chỉ thiên về giải trí mà liên quan nhiều đến nghệ thuật. Điều đặc biệt nhất là lễ hội này gồm sự phối hợp của chính quyền, giới tăng lữ, nghệ sĩ và một yếu tố đặc biệt là sự tham gia của người dân (trong cả việc sáng tác chứ không phải tham gia vào việc ăn chơi – tôi phụ đề Việt ngữ!). Đây là điều mà các lễ hội khác không có được. Cũng chính nhờ sự phối hợp rộng rãi các thành phần này này, bên cạnh việc gia tăng tính đoàn kết thống nhất, các kỹ thuật của các nghệ nhân hay các vị sư… sẽ được truyền lại trong quần chúng nhân dân, sẽ được bảo quản và lưu truyền cho thế hệ sau!”.


Đúng là giáo sư nói khác hẳn bpk nói há!


Chỉ có điều đáng tiếc là tôi không kịp hỏi tên tuổi của bà vì bà cứ mải mê nhiệt tình giải thích cho tôi trong khi đồng nghiệp đang sốt ruột chờ từ lâu. Rồi họ lôi bà đi, không lý tôi níu bà lại để hỏi tên tuổi… Chỉ biết bà là giáo sư đại học, chuyên về kiến trúc dân gian, từ Bangkok lên theo dõi, nghiên cứu về lễ hội Candle Festival ở Ubon.


IMG_0442-1.jpg

Phố đêm Ubon ngày hội.


IMG_0435-1.jpg

Một trong những tác phẩm của năm trước đang được trưng bày ở quảng trường.
Hình không phải bị nhòe mà đó là hơi nước lạnh dưới dạng phun sương để giữ cho sáp khỏi bị chảy.


IMG_0456-1.jpg



IMG_0451-1.jpg

Lễ hội dĩ nhiên phải có ẩm thực! Xem thử các món ăn cũng nhiều màu của Ubon há.


Quanh quẩn trong chùa Wat Burapha một lát, tôi cuốc bộ về vì đèn đêm đã lên, những chuyến xe song-thẻo đã thưa thớt hay ngưng hẳn rồi. Về lại công viên Thung Si Mueang phố phường về đêm lại càng rực rỡ ánh sáng Ubon đêm hội hè.


(tbc.)
 
Anh vẫn chưa rời khỏi Bali hả BPK? Cho em vài địa chỉ độc địa nữa nha.

Em vừa từ Pai về, lần 2, cũng nhờ anh chỉ lần trước!!!!!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,434
Bài viết
1,152,788
Members
190,080
Latest member
Cuadep
Back
Top