What's new

[Chia sẻ] Xa hơn Bali…

Xa hơn Bali…



Một ngày mùa hè năm nao, chia tay Bali lòng ngơ ngẩn, tôi đã nhủ thầm “ngày về lại Bali của mình sẽ không xa…”.


Ngày tháng trôi. Cuộc đời trôi. May mắn được chìm nổi theo những chuyến lang bạt qua những miền đất tâm linh huyền bí hay thiên nhiên lộng lẫy tươi đẹp… những tưởng niềm mơ xưa đã yên giấc ngủ ngoan. Những tưởng “lời hẹn thề là những cơn mưa”…, như bao lời hẹn thề khác của kẻ lang bạt kỳ hồ vốn thường bỏ lại sau lưng nhiều thứ để lòng nhẹ, để chân vững trên những dặm xa… Nào có hay, một ngày hè Sài Gòn giấc mơ xưa lại khắc khoải quay về. Giữa những ngày cuộc sống đảo chao nhiều vướng mắc, lắm bức bối,… giấc mơ xưa ban đầu dường như là một lời rủ rê trốn chạy hơn là một hành trình hứng thú.


IMG_7371.jpg



IMG_7365.jpg

Chia tay Sài Gòn những quán mưa, áo thôn nữ bừng lên trong chiều xám, ngoài ao gần chiếc vó tung bay trong gió…



Nhưng, khi lần giở những cuốn sách, những trang mạng, tìm xem những tấm hình, kiếm đọc những câu chuyện, những sẻ chia… sau bao chần chừ, bao đổi thay ý định,… giấc mơ xưa không còn là lời rủ rê chạy trốn. Bali lại về nồng nàn trong những giấc mơ tôi. Nhưng, sẽ là một Bali khác. Ngày cũ năm đó, Bali là đích đến trên con đường đăng đẵng độc hành từ Sài Gòn, Bali mùa hè này sẽ là điểm khởi đầu cho hành trình “Xa hơn Bali…”.


Komodo-1.jpg

Tôi có đến được miền đất của những chú rồng Komodo?


TanaToraja.jpg

Hay những ngôi làng và nhà mồ bí ẩn ở Tana Toraja?



Không biết chắc tôi đi được nơi đâu, chỉ biết là sẽ là những chuyến xe dằng dặc, những chuyến phà lênh đênh đêm ngày, những con tàu lắc lư bồng bềnh xuôi nam, lên bắc, về đông... Sở dĩ tôi không biết chắc vì ở nơi xa xôi hẻo lánh của xứ vạn đảo, những miền đất hoang sơ tôi sắp đến phương tiện giao thông công cộng rất ít ỏi, có khi cả tháng mới có một chuyến tàu lơ đễnh ghé qua,… nên tôi không biết là mình sẽ đi được đến đâu.


Kelimutu-2.jpg

Tôi có đến được 3 chiếc hồ núi lửa đổi màu liên tục ở Kelimutu?


RajaAmpatIsland-2.jpg


RajaAmpatIsland.jpg

Hay những đảo ngọc ở Raja Ampat?




Chỉ biết rằng, sẽ xa hơn Bali…




Tất cả những hình ở đây sưu tập từ internet. Hy vọng sau chuyến đi này, sẽ có những tấm hình của riêng tôi!​
 
Một thoáng Wat Pah Nanachat



@ Lymy, Bali càng đi càng “phát hiện” ra nhiều điểm lạ! Hy vọng trong những entry sắp tới bạn sẽ thấy được điều này! Mọi sự so sánh đều khập khưỡng nhưng nếu đã thích Pai, không thể không thích Bali và còn hơn thế nữa!

Lúc Lymy hỏi, bpk còn ở Bali, giờ đã nghìn trùng xa cách, bao nhiêu là đường đất, qua cả 3 chuyến phà từ Bali sang Lombok, qua Sumbawa giờ đã đến Flores mấy hôm. Mới xa mà đã da diết nhớ Bali rồi!


IMG_2215-1.jpg

Bali một hoàng hôn rực rỡ.


DSCN8583-1.jpg

Một Bali lạ với những ngôi đền hơn 1000 năm tuổi được tạc trực tiếp vào núi đá nằm sâu trong rừng gia thâm u!

----------------------------------

Một thoáng Wat Pah Nanachat


Để thay đổi không khí hội hè của Ubon, tạm xa Ubon màu mè vài giờ nhé!


Trưa hôm qua, lúc cùng dì Nut dọn dẹp giường chiếu và căn phòng cho chính mình, dì kể chuyện ở chùa và hỏi tôi rằng mai có muốn lên chùa cùng dì không, ‘mà ngó bộ cậu đi không được vì dì đi sớm lắm’. ‘Sớm là nhiêu dì?’. ‘Khoảng 6g.’. Tưởng 2-3g sáng chứ 6 thì tôi đã dậy nấu café uống là chuyện bình thường nên tôi ok cái rẹt.


Rồi đêm qua, đêm đầu tiên Ubon tôi quất một chặp Chang trong không khí tưng bừng lễ hội rồi lê bước hơn 40p mới về tới nhà. Dù tôi có chìa khóa riêng nhưng dì Nut vẫn chờ cửa (thêm nữa là tối đó có một trận boxing của một võ sĩ Thailand ở Olympic nên dì thức chờ xem). Lắc đầu khi biết tôi cuốc bộ, ngán ngẩm nhìn bộ dạng tôi dì hỏi, mai đi được thiệt hông? Ok con gà đen!

DSCN8373-1.jpg

Thông tin về ngôi chùa Wat Pah Nanachat.

DSCN8392-1.jpg

GIữa một vườn cây râm mát.


Rồi sáng hôm sau, 6 giờ sáng tôi tỉnh queo xuống nhà cùng dì thẳng tiến chùa Wat Pah Nanachat. Khổ nổi là dì không chịu để tôi chở, nên tôi đành leo lên yên sau chiếc su xì-po (hầu hết người Thái đều thích dòng xe của Suyuki, Yamaha, khác với Honda của người Việt) để bà diì 65 tuổi chở lên chùa.

Mà để làm gì vậy trời!
 
Một thoáng Wat Pah Nanachat



Visa vào Đông Timor đây rồi!


À, mà quên, các bạn chúc mừng cho tôi đi nhé. Tôi đã may mắn cầm trong tay ‘visa’ vào Đông Timor rồi đây. Đó cũng là lý do tôi vội vã rời Bali vì khi kiểm tra các chuyến tàu thủy thấy gần như mình sẽ hụt nếu không vội vã


DSCN8648-2.jpg

Cầm tờ giấy này, đến cửa khẩu sẽ được cấp visa. Mất của tôi mất 5 ngày Bali!​


Và để chung vui, gửi tặng bạn một tấm hình về Bali mà bạn sẽ rất khó gặp nếu không đi vào tháng 8.


IMG_2877-1.jpg

Và đặc biệt hơn, ở làng nhỏ ven hồ Batur, lễ hội cũng vào tháng 8 – nhưng 3 năm mới có một lần.
Muốn xem lại, bạn đợi 3 năm nữa nghen!​
_________________________



Một thoáng Wat Pah Nanachat


Nhiệm vụ đầu tiên của tôi ở chùa Pah Nanachat là ‘lau chuối cho Tây’.


Thật 100%!


Số là vào mỗi sáng, các vị sư đi khất thực từ nhiều gia đình cứ bỏ chung vào âu liễn, cũng như nhiều Phật tử đến chùa cúng dường… thức ăn bị trộn lẫn vào nhau. Các tín đồ làm công quả sẽ sàng lọc, phần nhóm, bày biện lại… mà nhiệm vụ dễ nhất là lau trái cây, bị dính xôi và thức ăn. Mà trái cây chủ yếu là chuối. Do vậy, lên chùa, tôi được giao nhiệm vụ là lau chuối, mà chùa toàn sư và các học trò tu tập là Tây. Nên mới có cớ sự này.


Sau khi đã quen việc lau chuối, tôi làm loáng là xong và nhào vô làm nhiều việc khác. Đến khi xong việc, rửa ráy sạch sẽ lên đại kinh đường ngồi nghe sư Tây giảng kinh tiếng Thái. Nghe một hồi, đến lúc hiểu được (!?) thì lễ sáng tan.


Các vị sư đã dùng bữa xong, giờ đến lượt các Phật tử. Tôi làm một thau nhôm to đùng kiếm góc cột ngồi. Xong dì Nút sợ chưa đủ còn vác thêm một mớ. Mà của chùa không dám bỏ mứa nên ních xong tôi đi hết nổi.


DSCN8398-1.jpg

Thau của tôi – cứ nhìn cái muỗng là biết cái thau to cỡ nào.​


Xong, lại lau rửa, dọn dẹp. Lúc này các dì các thím các cô cứ bu lại dì Nút hỏi thằng nào mà giỏi quá dzị! Xong còn được một cô trẻ đẹp dắt lên gặp sư trụ trì xin cho chiếc áo thun có mang tên chùa ‘để mai lên chùa thì mặc vào’.


DSCN8409-1.jpg

Các em nhỏ nghiêm trang chuẩn bị vào nghe câu kinh kệ.​


Rồi tôi phụ tùm lum chuyện trong chùa (mà ở nhà hổng bao giờ đụng chân đụng tay – thiệt là bất hiếu). Miết đến gần 12g tôi lại leo lên xe về nhà dì Nút, rồi trung tâm Ubon thẳng tiến, trở lại với Ubon màu mè của tôi!


----------------------------------------------

Sở dĩ tôi gõ những dòng này là vì tôi thấy sự gắn kết rất mật thiết và chân tình giữa giới tăng lữ và người dân Thailand, dù sư tăng bất kể là người nước nào. Không chỉ người lớn mà sáng đó còn có nhiều em bé rất bé cũng đến chùa nghe giảng. Rồi người dân giàu nghèo cứ tự nhiên vào chùa làm việc, ăn uống dọn dẹp bình thường như nhà mình. Nhiều người nghèo còn gom góp mang về rất bình thường. Người giàu thì ùn ùn đi xe hơi đến cúng dường. Giao tiếp giữa người dân với các vị sư rất tự nhiên và thân tình. Ngay cả khi sư trụ trì đang tiếp khách, nàng Pukky xinh đẹp kéo tôi đến đứng lấp ló ngoài cửa là sư hỏi ngay cần gì, nàng cứ tự nhiên nói con xin mấy cái áo… là sư kêu người vô lấy cho nàng và tôi, rồi quay lại tiếp khách. Tôi vốn rất dị ứng với các nhà sư béo tốt ở các ngôi chùa danh tiếng nước nhà cũng như sự sang trọng đài các của họ với những chiếc xe đời mới, iphone (chắc tại ganh tỵ!) nên tôi rất thích những ngôi chùa bên Thái, như chùa này…


Nên, khi dì Nút kêu tôi tháng giêng năm sau quay lại ở trong chùa một tuần, nhân có dịp lễ lớn và có thể tập tành việc tu tập luôn… tôi đã hứa là sẽ rất cố gắng!
 
Ubon ngày rộn rã sắc màu – 9

Rút kinh nghiệm những chuyến đi trước (lại rút, không biết chừng nào mới hết rút) tôi sẽ không vội vã lướt qua các cung đường – dù topic này rất cần được cập nhật nhanh hơn để kịp đường đi (mà giới sô-bít gọi là ‘live’). Rất nhiều lần trước, tôi dự định là gõ lướt về nhà rảnh rỗi gõ lại, nhưng tôi chưa bao giờ làm được. Mà cứ gõ lướt, thông tin cứ phai nhạt khi không được gõ lại. Nên lần này, tôi sẽ gõ thật kỹ về các miền đất đã qua – dù giờ tôi đã ngàn trùng xa cách. Và để người nhà bạn bè biết tôi tới đâu, tôi sẽ cập nhật thông tin ở đầu các entry nhỏ.

___________________



Từ Bali, giờ tôi đã thật sự đi xa hơn quá nhiều, qua những ngày dài đêm thâu lăn lóc trên những chuyền tàu, xe, phà,... Hiện tôi đang ở Ende, đảo Flores, nằm trong quần đảo Nusa Tenggara rộng thênh thang. Tôi đã qua các miền đất đẹp khác (đẹp đến choáng váng :Dam) nhưng vì lời hứa với Bali nên tôi chỉ sẽ chia những hình ảnh về Bali, cho đến những entry về Bali thật sự.


IMG_2067-1.jpg

Dáng đẹp của những ngôi đền Bali qua chiếc dù đỏ.​


----------------------------


Ubon ngày rộn rã sắc màu – 9


Về Ubon, tôi vội vã ghé ngôi chùa danh tiếng Wat Sri Ubon Rat Ta Na Ram. Đây là 1 trong 3 ngôi chùa có 3 pho tượng Phật quý nhất Thailand, nằm ngay trung tâm thành phố, ngay sau con đường lễ hội chính sẽ diễn ra.


IMG_0525-1.jpg

Tác phẩm ở Wat Sri Ubon Rat Ta Na Ram gần xong…


IMG_0549-1.jpg

Tôi thích gương mặt hiền hậu của vị Phật/Bồ Tát đang nhìn anh nghệ nhân trẻ mê mải làm việc.


Sở dĩ tôi vội vì nghe rằng tác phẩm điêu khắc trên nến tuyệt đẹp của ngôi chùa đang ở những bước cuối mà tôi muốn có những hình ảnh dang dở của các nghệ nhân đang làm nên tôi tranh thủ ghé. Quả thật là các tác phẩm ở đây rất điêu luyện, làm tôi bỗng “lo lắng” cho những người bạn mới quen hôm qua ở Wat Nong Bua.


IMG_0578-1.jpg

Đóa sen trắng làm dịu mát trưa nắng Ubon và ngôi chùa Sri Ubon Rat Ta Na Ram thêm duyên.


IMG_0591-1.jpg

Tác phẩm năm cũ ngay trước City Pillar Shrine của Ubon, dù thời gian đã làm xuống màu nhưng vẫn lung linh.


IMG_0598-1.jpg

Biểu tượng của Ubon


Hôm nay trời Ubon nắng vàng mây trắng và trời xanh nên những tác phẩm nghệ thuật của Ubon được trưng bày rất đẹp. Từ những tác phẩm của năm cũ, đến biểu tượng ngọn Nến của thành phố… mọi thứ đều lung linh trong nắng tháng tám vàng như mật.


(tbc.)
 
Ubon ngày rộn rã sắc màu – 10



Tôi vừa vật vờ qua một chuyến phà 19 giờ đồng hồ mà tôi đã nhầm rằng nó chỉ 9 giờ đồng hồ. Do lộn từ giờ của chuyến đi bằng ‘ship’ (mà rốt cuộc tôi không đi) qua giờ của chiếc ‘ferry’ đi như con rùa lật ngửa. Cuối cùng, rồi cũng đến nơi. Lúc một mình xa cạ lăn lóc trên phà thì ớn đến óc, nhủ rằng sao mà khổ cực như vậy (!?), nhất là con phà này lắc lư như điên khùng, nhưng khi đến được nhà trọ , quăng đồ vào, rửa ráy xong xuôi lại lôi sách ra đọc, để chuẩn bị cho hành trình kế tiếp, song song với hành trình hiện tại tại miền đất vừa chạm ngõ!


Để các bạn hình dung được những ngày đầu của Xa hơn Bali…, gửi bạn tấm góc bản đồ về một phần của đất nước vạn đảo này nhé!


Indonesiamap1-4.jpg

Từ Bali, tôi qua Lomkok, ngang Sumbawa, đến Flores…​


Hành trình này vẫn chưa cập nhật đến miền đất tôi vừa chạm chân đến ngày hôm nay.



Và như thường lệ, không thể thiếu hình ảnh về Bali nồng nàn nhé.

IMG_2303-1.jpg

Hoa sứ ở Bali dường như phô phang lộng lẫy hơn bạn bè đồng loại của chúng trên những miền đất khác.
Có lẽ vì trời xanh vậy, nắng vàng đến thế… mà không lộng lẫy thì không xứng với Bali!​

-------------------------



Ubon ngày rộn rã sắc màu – 10


Tôi không có nhiều thời gian buổi chiều đó cho Ubon. Vì có việc, tôi phải chui vào quán café có wifi ở Ubon để ngồi. Ngồi miết đến chiều wifi đứt, phải đi kiếm tiệm net khác để gửi mail. Nhưng cũng may, cậu nhỏ con chủ quán, du học ở nước ngoài về phụ việc nhà với vốn tiếng Anh chuẩn và kiến thức thông thạo của người địa phương đã cung cấp cho tôi rất nhiều thông tin bổ ích về lễ hội. Chỉ tiếc là vì wifi của quán tệ quá nên mấy ngày sau tôi không ghé quán nữa, dù tôi còn rất nhiều điều nữa muốn hỏi cậu. Ở khu trung tâm nhiều khách du lịch của Ubon chỉ có 2 quán café wifi (tiệm net thì nhiều), đều đó chứng tỏ lượng du khách nước ngoài đến đây chưa nhiều. Mà thật vậy, trong một lễ hội lớn như Lễ hội Nến mà tôi thấy ít khách nước ngoài, trong khi đó khách nội địa thì đông nhìn nghịt.


IMG_0612-1.jpg

Pho tượng sáp của năm cũ đã xuống màu này bỗng đẹp hơn khi đêm về. Mà hình như nhiều thứ khác cũng vậy (!?).


IMG_0643-1.jpg

Cả tác phẩm này cũng vậy, ánh đèn vàng làm dậy lên những đường nét lạ khó thấy trong ánh sáng ban ngày.


Và quán café wifi kia (mà mãi đến đêm tôi mới ‘phát hiện’ dù nó rất gần quán tôi vừa ngồi, lý do là nó chỉ mới mở mấy tháng qua mà lần trước ghé tôi lê la miệt mài ở đó thì nó vẫn chưa mở) là quán rất hay, của một họa sĩ nghiệp dư địa phương mở với những ý tưởng ngồ ngộ mà tôi đã ghi vào bộ nhớ - phòng khi mai mốt hết tiền mở quán sinh nhai.


IMG_0469-1.jpg

Tôi thích sự trân trọng của người Ubon trong ẩm thực, với cách trang trí chăm chút từng chi tiết
– dù chỉ là món quà vặt ăn chơi mấy ngàn đồng!


IMG_0461-1.jpg

Tôi thích sự sáng tạo của người bán cá kiểng này. Thay vì bán những bịch nylon tòn ten vài chú cá thì sự vui vẻ ngồi ngắm nghía, chỉ trỏ, tranh nhau đuổi vớt, lựa chọn…rộn rã vang tiếng cười đùa í á, í ới… này đã níu chân rất nhiều đôi trẻ - và kể cả kẻ lang thang một mình.


Tôi dành phần thời gian còn lại lang thang Ubon, đến những khu phố mà báo chí nước nhà cho là có rất nhiều người Việt sinh sống mở quán bán buôn, nhưng tôi không thấy, mà thấy ở những khu phố khác. Đêm về, lại lang thang hàng quán chợ đêm chọc gà đá chó phá mèo… xong lết bộ về nghỉ sớm.


k-IMG_0483-1.jpg

Tôi mê mải đi tìm phía cuối con đường đèn lồng đỏ treo cao… mơ như Lưu Nguyễn lạc chốn thiên thai!
Nhưng Thiên Thai nào có dành cho kẻ tục phàm!


Về đi thôi, ngày mai, Ubon mới chính thức vào hội mà!

(tbc.)
 
Ubon ngày rộn rã sắc màu – 11

Ubon ngày rộn rã sắc màu – 11


Tôi lê la miệt mài về Lễ hội Nến Ubon, nhưng vẫn chưa nói về ý nghĩa của nó. Thật ra cũng dễ, vì thời buổi này lên net gõ là ra ngay. Nhưng, đã gõ (và sẽ gõ sẽ đến) vài chục entry mà không giải thích ý nghĩa về nó thì quả là hơi quái đản – như mua được con bò nhưng không mua nổi sợi dây dắt nó về vậy.


Candle Festival có đến 2 ý nghĩa, hòa trộn vào nhau. Một là từ “Mùa ẩn dật của các vị sư”. Một là từ “Lễ hội Pháo”. Cả hai chỉ đặc trưng cho miền Ubon này. Còn từng mục riêng lẻ thì nơi này có cái này, nơi kia có cái kia, nhưng nhỏ lẻ không như ở đây. Như ở Bangkok mấy hôm trước đó cũng có Lễ hội Nến mà chẳng ai biết, chẳng thấy ai làm gì mãi đến khi tôi đi lạc vào một ngôi chùa.


Mùa ẩn dật của các vị sư là một tục lệ có từ rất lâu, nhiều trăm năm về trước. Và các nông dân tặng nến cho các nhà sư để họ có thể thắp sáng, đọc kinh ngâm kệ trong những ngày tháng ẩn dật tối trời vì mùa mưa nhiều mây xám hơn nắng xanh. Lễ hội Nến bắt nguồn từ đó. Rồi hơn trăm năm trước Vương triều Rama vì lý do an toàn đã sáp nhập Lễ hội Pháo, một lễ hội khác (cực kỳ vui nhộn và rất thích hợp với tôi – lý do sẽ nói sau) của người dân vùng này vào trong Lễ hội Nến.


IMG_0657-1.jpg

Biểu tượng ngọn nến của Ubon – lúc về đêm.​


Hoàng gia Thái Lan cũng đã tặng Nến lễ cho Ubon nhân dịp đó, do vậy biểu tượng của Ubon, như tôi cứ gửi hình lặp đi lặp lại là hình ngọn nến được cõng bởi chim thần Garuda. Biểu tượng lộng lẫy nằm thanh thoát giữa khuôn viên thoáng đãng của công viên Thuang Si Mueang mà không ai đã từng ngang qua Ubon mà không thấy.


IMG_0660-1.jpg

Buổi sáng nơi Wat Su Pat Ta Na Ram, nơi tôi gặp ông chú ‘cưa bom’ làm tôi bồn chồn cả buổi trong quán café.


Với tôi, buổi sáng hôm vào lễ chính thức đó lại là một buổi chạy nước rút. Việc vẫn chưa xong, lại phải vào quán café (quán mới) ngồi làm dù trong lòng thấp thỏm không yên. Cũng may là anh chủ quán thiệt nhiệt tình, nghe tôi hỏi đã lên mạng tìm thông tin (tiếng Thái), rồi lọ mọ in ra giải thích cho tôi, tôi mới yên tâm ngồi đó gõ.


IMG_0690-1.jpg

Gọi ly café có dĩa snack be bé. Vậy gọi bia chắc khỏi tốn tiền mồi! (Và đúng vậy thật).


Tôi lo là bởi quá ham chơi (điều không cần nói ra mà ai cũng biết)! Dù thông tin từ TAT nói là 3pm mới bắt đầu (và sau đó, anh chủ quán café cũng nói vậy!), nhưng khi sáng ghé chùa Wat Luang, tám với ông chú kia, ổng lại nói mầy phải đi lúc 1pm, vì 3pm là xong xuôi hết rồi! Nên tôi thấp thỏm là do vậy!


IMG_0685-1.jpg



IMG_0672-1.jpg

Nhưng dù sao, lúc một giờ, sông trưa đã khá chộn rộn nên cũng chẳng ‘muộn phiền’ gì nhiều lắm.


Cũng may, mọi việc xong xuôi trước 1pm nên tôi vọt ra đường – chịu nắng cháy da cháy thịt mãi đến 3pm lễ mới bắt đầu. Lúc đó lại lầm bầm tiếc cái quán mát mẻ đã ngồi! Nhưng, trách ai bây giờ!


(tbc.)
 
Ubon ngày rộn rã sắc màu – 12


Len lén phụ tình nồng Bali, tôi chia sẻ góc nhỏ, rất nhỏ của một trong những ‘thiên đường’ mà tôi may mắn lạc bước những ngày qua chia xa Bali. Ở góc ‘thiên đường’ này, tôi nhớ da diết buổi sáng Maguzor Lakes ở Tajikistan làm sao! Cũng một mình giữa nắng ấm và gió lạnh, cũng những bài tình da diết “Đêm nhớ về Sài Gòn…”


IMG_3671-2-1.jpg

Góc khuất, rất khuất của một miền đất đẹp, rất đẹp.​


--------------------


Ubon ngày rộn rã sắc màu – 12


Dù cuộc thi tranh tài về các tác phẩm bằng nến do các chùa, các ngôi làng ngày mai mới bắt đầu, nhưng đối với người dân Ubon thì buổi lễ chiều nay rất quan trọng. Họ rộn ràng làm lễ đón nhận Ngọn nến Hoàng cung, quà tặng đặc biệt của quốc vương Thái Lan gửi đến Ubon trong dịp lễ hội Nến đặc biệt năm nay. Nhất là khi nghi lễ rước nến hoàng gia này được tiến hành trên con sông Mun, từ 2 ngôi chùa nổi tiếng của Ubon Ratchathani, Wat Luang đến Wat Su Pat Ta Na Ram.


IMG_0700-1-1.jpg

Ai có đói lòng thì ghé chùa Wat Luang ăn tạm mấy trái chuối nhé
– tôi thích những lễ hội ở Thái Lan nhiều thứ, như những thứ này.


Nên từ trưa, cũng như tôi, nhiều người đã ra bờ sông ngồi chờ. Mà không khí cũng đã nhộn nhịp từ lúc này, không cần chờ đến lúc rước ngọn nến hoàng cung.


IMG_0731-1-1.jpg

Từ rất sớm, hơn cả tôi, nhiều người đã tụ tập huyên náo bên bờ Mun.


Thật ra, lúc này có nhiều điều rất hay, hơn là lúc chính thức nghi lễ. Mọi người chộn rộn đợi chờ, trên sông Mun, những chiếc ghe ngo (tôi tạm gọi vậy vì nó y chang ghe ngo xứ mình) của các trai làng chài cả năm mới động tay động chân đến vài lần, cứ lao vun vút xuôi ngược trên sông. Chỉ để đỡ cuồng chân cuồng tay. Chỉ để làm dáng với chị em cổ động viên. Chỉ để tranh tài cao thấp chút đỉnh trước khi vào trận…

IMG_0739-1-1.jpg



IMG_0745-1-1.jpg



IMG_0763-1-1.jpg

Sông Mun dậy sóng. Tôi mơ Bạch Đằng Giang.


Nhưng, nhờ có vậy mà bao nhiêu là người dang nắng chầu chực trên bờ mới quên đi cái nắng như thiêu của buổi trưa vừa đông mây vừa nhiều nắng.


(tbc.)
 
Ubon ngày rộn rã sắc màu – 13

.

Bằng chuyến phà lênh đênh 19g trên biển, tôi đã sang đến East Nusa Tenggara, hay còn được gọi là Nusa Tenggara Timur, viết tắt là NTT. Nhưng có lẽ dễ nhớ và ngắn gọn nhất là tên gọi West Timor. Thủ phủ của miền đất này là Kupang, một thành phố cảng, nhiều cảng và nhiều nắng.


Và như thường lệ, một góc nhỏ khác của Bali.


IMG_2037-1.jpg

Những sắc màu dù có hơi sặc sỡ bỗng trở nên hợp hơn trong trời mây nước Bali.​

------------------------


Ubon ngày rộn rã sắc màu – 13


Chờ mãi, rồi cuối cùng ‘thuyền nến’ cũng đến.


Con thuyền chở theo ngọn nến hoàng cung và những giai nhân mỹ nữ chầm chậm tiến về giữa sông. Tiếng sáo nhạc vang lừng, từ xa trên bờ cũng thấy thấp thoáng bóng y xiêm phất phới, những vòng tay mềm mại, những bước chân uyển chuyển. Dưới sông, những con thuyền bắt đầu xếp vào hàng hàng lớp lớp chỉnh tề để bắt đầu nghi lễ.


IMG_0780-1.jpg

Thuyền nến…


IMG_0786-1.jpg

…và các mỹ nữ giai nhân


Trên bờ sông, các vị sư từ trong ngôi chùa Wat Luang cũng đã yên vị chuẩn bị những câu kinh kệ cầu chúc phước lành mong cho quốc thái dân an trong một mùa vui mới.


Các em nhỏ học sinh, những công nhân viên chức, các sinh viên, công nhân… đều chỉnh tề hàng ngũ chuẩn bị đón chờ phúc lộc hoàng cung.

IMG_0805-1.jpg



IMG_0816-1.jpg

Dưới sông – dậy sóng.


Còn khách du thì chạy nhặng xị vì cứ tham lam muốn lấy hết mọi khung hình. Vì dưới sông lúc này đang chuẩn bị làm lễ thì trên chiếc cầu xa xa bắt qua sông Mun, từ làng quê xa xôi, từ chùa chiền vùng ven, những cụm tác phẩm nến lộng lẫy thi thoảng theo từng đoàn thiện nam tín nữ hộ tống đông vui kéo về thành phố tập trung, chuẩn bị cho cuộc đua tài.


IMG_0830-1.jpg



IMG_0833-1.jpg

Trên bờ - lộng lẫy.


Chẳng biết nên ở dưới sông hay bay lên cầu! Còn cứ chạy ngược hạy xuôi như vậy lát rã giò sụm hết xí quách đêm vui đêm nay còn làm ăn gì nữa!


(tbc.)
 
Ubon ngày rộn rã sắc màu – 14

Ubon ngày rộn rã sắc màu – 14


Nhưng, đâu chỉ có dưới sông, trên bờ, còn trên trời nữa! Làm sao bây giờ?


Dưới sông nhộn nhịp. Trên bờ huyên náo. Vẫn chưa đủ. Từng đoàn những chiếc dù lượn bắt đầu xuất hiện bay lượn chấp chới trên sông làm tăng thêm tiếng reo hò phấn khích của đám đông cuồng nhiệt mỗi khi sà xuống, đâm xuống lượn lờ trên mặt sông.


IMG_0892-1.jpg

Sợ trên sông, dưới đất chưa đủ vui, chưa nhộn nhịp – những chiếc dù lượn tung tẩy trên cao tô thêm nét vào bầu trời Ubon.


Ubon không chỉ dậy lên những sắc màu!


IMG_0850-1.jpg



IMG_0868-1.jpg

Thuyền đỏ cạnh tranh thuyền xanh (đang chở ngọn nến của quốc vương).


Mải mê xuôi ngược ngược xuôi tôi vui cùng những người dân lành Ubon. Nhiều người trong họ không biết tôi là người Việt – vì nhìn chung người Việt (và nhất là tôi (!?)) với người Thái khác nhau không nhiều lắm. Nhất là người Ubon, vùng Isan này giống với người Bắc Lào nhiều hơn… nên họ cũng hồn nhiên trò chuyện hỏi han khách lạ. Đến lúc biết tôi không phải là ‘khun Thái”, là “khun duồn” họ lại à ừ, “nem nướng chưa?”. Vì rất nhiều người Ubon có thể lõm bõm tiếng Việt, cũng như nem nướng là món nổi tiếng nhất của người Việt di dân tại Ubon này.


IMG_0955-1.jpg

Các vị chức sắc thành phố nghiêm trang đón & đưa ngọn nến hoàng gia về Thung Sri Muang.


Buổi chiều xôn xao. Buổi chiều vui. Buổi chiều ấm tình nồng. Nhưng chỉ mới bắt đầu buổi chiều…


Gắng gượng bỏ bờ sông, tôi theo dòng người về phố đông. Và ngỡ ngàng, không – sốc – vì khó thể tưởng tượng được những gì người Ubon đã làm được với sáp!


IMG_0920-1.jpg



IMG_0958-1.jpg

Những tác phẩm sáp từ quê xa về trên phố…


IMG_1026-1.jpg

… và ngỡ ngàng trước những gì sáp có thể là. Nhất là gương mặt thánh thiện xa xa…


Sao đến giờ tôi mới biết Ubon Candle Festival?


(tbc.)
 
Phải nói là quá đẹp với các biểu tượng sáp. Vậy là trong vòng 5 tháng, anh ghé Ubon 2 lần rùi. Ganh tị quá... Còn em thì đã sát đít Ubon mà chưa đến được, hy vọng Festival 2015 chăng?
 
Nghe anh kể về hành trình, em lại nhớ cung đường mình đã đi cách đây 4 năm Yogjakarta- KL-Langkawi-Hatyai-Phuket-BKK-Siêm Riệp-Phnom Pênh - SG. Cứ như mới hôm qua đây thôi. Chao ơi là nhớ. Cũng nắng vàng ngập trên từng cung đường. Rãi đầy dưới mỗi bước chân ( đến nỗi 2 vai bỏng lên vì nắng :D) .

Bali rất đẹp nhưng Lombok còn thánh thiện và trong veo hơn. Bali giờ đông quá, toàn kẹt xe! Nhất là Denpasar, Sanur và Kuta. . Có dịp ghé 3 đảo Gili nhé anh. Nếu có dịp năm sau em sẽ cùng bạn tới đó lần nữa. Lombok cũng còn rất nhiều điểm hoang sơ và tuyệt vời lắm. Lần trước, em chịu ko lê lết cùng con thuyền lênh đênh 12 tiếng đc, đành đề bạn 1 mình thăm các chú Rồng và quay trở lại :( . Lần sau sẽ đi, nhưng chắc bay thôi, đi qua vài cái ferry là đủ rồi. :D Mà nằm trên Ferry từ Bali qua Lombok cũng phê anh ha. Em đi chuyến 2h đêm, tới lúc 6h sáng, mệt nhoài vì chuyến bay đêm và cơn buồn ngủ nhưng cũng ráng lết dậy chụp mặt trời trên bến cảng ^__^.

Nhớ Lombok và những người bạn ở đó quá!

P/S: Anh đang ở đâu? Em có bạn ở Kupang đấy, nếu anh có khó khăn gì ở đó, em liên lạc bạn giúp anh. Hồi xưa em học chung với rất nhiều bạn từ East Timor.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,485
Bài viết
1,153,171
Members
190,103
Latest member
Penguin1
Back
Top