What's new

[Tổng hợp] Bắc Ấn - hành trình Di sản

Hehe cuối cùng thì cũng sống sót trở về từ Ấn Độ.

Một đất nước với những điều kì lạ không thể tin được.
Các di sản đẹp kinh hoàng, nhưng đường phố bẩn kinh hoàng, và cũng nhiều người nghèo kinh hoàng.

Bất ngờ lớn nhất là người Ấn Độ rất hiền (hay là do mình rất dữ chăng =)))? Mình không hề bị lừa lần nào (hoăc có khi bị mà không biết???).

Một chuyến đi hành xác không thể quên được.
14 ngày 13 đêm chỉ có 6 đêm ở khách sạn.
11 ngày lang thang trên đất Ấn, 9 chuyến tàu ngang dọc đất nước.
Cám ơn bạn Bpk rất nhiều với những chia sẻ của bạn trước chuyến đi đã giúp mình chuẩn bị tốt hơn.

Có một số điều mình nghĩ cần ghi nhớ cho các bạn sau này đi Ấn Độ xin chia sẻ trên topic này của Bpk luôn nhé.

- Mức sống bên Ấn không phải rất rẻ đối với khách du lịch. Nhà trọ ở được khoảng 500-700 rupees/đêm/phòng đôi (1 rupee=400 VND) ở những thành phố du lịch lớn. Phòng giá này chỉ ở được thôi, nghĩa là rất basic về tiện nghi, có nước nóng và tương đối sạch sẽ, chuyện cửa nhà tắm rớt ra bất tử hay nệm trên giường lún lút người là chuyện thường :D. Đó là các nhà trọ mình ở qua, listed trên LP. Nếu bạn chịu khó tìm thêm các nhà trọ xung quanh thì có thể giá rẻ hơn nhưng độ an toàn là tiêu chuẩn đầu tiên của mình nên mình chọn những khách sạn của LP.

- Hãy mang theo càng nhiều đồ ăn càng tốt, vì đồ ăn bên Ấn cực kì khó ăn và không rẻ với khách du lịch. Các món Ấn mình không ăn nổi, phải chuyển sang món Trung Quốc thì giá một đĩa cơm chiên rau, chỉ có cơm và một tẹo bắp cải, cà rốt, đậu que vớ vìn thái li ti khoảng từ 70-100 rupees tùy nhà hàng. Mà cũng không phải nhà hàng nào cũng làm được món này. Có nơi chiên cơm còn sống, có nơi làm cay xé lưỡi, có nơi cơm có mùi. Nói chung là chuyện ăn uống rất đau khổ đối với mình, dù mình cũng không đến nỗi khó ăn (NO). Mình đã sống sót nhờ mấy gói mỳ và đồ hộp để dành mãi, chỉ dám mang ra ăn khi không thể ăn gì nổi :Dam.

- Trừ khi bạn có nhiều thời gian và không có hành trình trước như Bpk, còn nếu bạn đã lên chương trình trước thì hãy làm cho hành trình của bạn đơn giản và an toàn hơn bằng cách đặt vé tàu online trước chuyến đi. Rất đơn giản và tiện lợi. Lợi ích là không phải mất thời gian chạy đến nhà ga, tìm tàu, đặt vé nữa. Cứ tham quan thoải mái, đến giờ đi là lên tàu thôi. Đặt vé trước bạn sẽ thoải mái chọn các chuyến tàu theo lịch trình của mình và giường nằm ưng ý. Khi mình sang tới nơi, có lần muốn đổi tàu, vào mạng kiểm tra thì tất cả các chuyến tàu mình muốn đều hết vé cả, mình thử kiểm tra các vé khác theo hành trình của mình thì cũng không còn vé. May mà mình đã mua vé trước hết, nên không phải đi tàu chợ lần nào. Lợi ích cuối cùng là hạn chế lượng tiền mặt mang theo cho an toàn, hoặc hạn chế rút ATM tốn phí, chỉ cần mang tiền trả khách sạn và ăn uống. Tuy nhiên, hạn chế của việc book trước vé tàu là tàu có thể trễ. Mình thì không gặp vấn đề này, 9 chuyến tàu của mình đều đúng giờ (8 chuyến đúng giờ hoặc trễ dưới 1 tiếng, 1 chuyến duy nhất trễ 1.5 tiếng thì rất may là hôm đó mình cũng đến ga trễ hehe). Vì thời điểm mình đi là mùa xuân, trời không lạnh lắm và không có sương mù. Chứ đi tầm tháng 12 và tháng 1 thì sương mù rất nhiều và tàu bị hủy chuyến, trễ hàng chục tiếng là bình thường.

- Bay nội địa: giá vé theo mình là rẻ, mình chỉ bay 1 chặng Delhi-Kochi 6 tiếng hết có 1.2 triệu VND. Các hãng phổ biến ở Ấn: Spice Jet, Jet Airways, IndiGo, Kingfisher. Không cần book vé quá sớm, vì gần ngày đi thì mình thấy giá vé lại giảm hơn khi mình book trước đó X( .

- Đổi tiền: nên đổi tiền luôn ở các ngân hàng tại sân bay, tỷ giá tương đương khi vào trong thành phố mà lại không mất thời gian trình đủ loại giấy tờ.

- Đi lại trong thành phố: rẻ nhất là xe người kéo (rickshaw), nhưng rất chậm, và làm mình có cảm giác tội lỗi vì bắt người khác "phục dịch" mình (dù nếu không "phục dịch" mình thì họ cũng chết đói). Tiện lợi nhất là xe auto rickshaw, giá trung bình là 50rupees/5-6km. Có một số bạn phản ánh bị các bạn auto rickshaw lừa gạt, nhưng mình không bị lần nào. Theo mình thì các bạn đừng trả giá rát quá, hãy tôn trọng sức lao động của họ, họ sẽ tôn trọng lại mình.

- Về điện thoại ở Ấn Độ: mình có rất nhiều card Mobifone nên mình roaming card để nhắn tin về VN. Còn liên lạc trong Ấn Độ (với khách sạn) thì không cần mua sim Ấn, ở đâu cũng có đầy các chỗ gọi điện thoại (như ở VN cách đây chục năm, khi cell phone chưa phổ biến). Hình như gọi về VN bằng cách này cũng rẻ, dù mình chưa thử. Gọi trong Ấn thì rẻ lắm, mỗi cuộc chỉ 10rupees thôi.

- Cuối cùng là nhớ mang theo khăn giấy ướt, rất tiện dụng, nhất là để bịt mũi khi đi qua các con đường rất bẩn, rất bụi và rất hôi thối của Ấn Độ.

Kinh nghiệm tạm thời mình chỉ nhớ chừng đó, khi nào nhớ thêm gì sẽ bổ sung. Bây giờ xin chia sẻ vài hình ảnh của đất nước Ấn Độ.

Hai di sản đầu tiên nghĩ tới khi nói về Ấn Độ:

Taj Mahal - tòa kiến trúc đẹp nhất mình từng được chiêm ngưỡng:

4405475378_cd8c0474f2_o.jpg


Và sông Hằng, sẽ không bao giờ quên những cánh chim gọi mặt trời trong một buổi sáng lộng lẫy ở thành cổ Varanasi

4405475376_d5a57bbc28_o.jpg
 
Last edited by a moderator:
Đây, có ngay quả ảnh mặt nước phục vụ bác Xe, nhưng e rằng bác sẽ thất vọng. Có lẽ em chưa đứng đúng vị trí và mùa em đi là mùa khô nên em thấy nó cũng chả đẹp gì hết. Mời bác xem nhé:

attachment.php


Sang ngày thứ 4 hành trình, tức ngày thứ 3 trên đất Ấn, hai mẹ con em thong thả thư thái dậy ăn sáng ngắm Taj từ nhà hàng trên nóc nhà trọ, đến hơn 9g mới nhàn nhã đi xuống đường bắt xe lôi tới bến xe Idgah. Hôm nay, em quyết định tự thưởng cho mình một ngày đi du lịch đúng nghĩa bằng cách xếp mỗi Fatehpur Sikri là điểm tham quan duy nhất.
Sau hai ngày đi lại ở đất nước này, em cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi tới bến xe Idgah bẩn bẩn với nhà vệ sinh lộ thiên và cái máy nước quay bằng tay như ngày xưa ơi là xưa ở xứ mình. Em chờ một lúc khá lâu thì thấy cái xe bus của em vào bãi. Chà, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ em mới được hân hạnh nhìn thấy một chiếc xe bus đáng thương như vậy. Phải gọi nó là "hồn ma của xe bus" thì đúng hơn, trông như thể nó mới trở về từ chiến trường hay chui ra từ một đám cháy hoặc mới trải qua một tai nạn vậy.
Tuy nhiên, các bác đừng nhìn mặt bắt hình dong, nội thất em nó vẫn còn khá ổn, không bẩn, không hôi, chỉ có hơi nhiều bụi tí, nhưng không sao, cửa xe mở toang hoác nên chỉ một lúc sau thì người em cũng bụi ngang với cái ghế em ngồi. Xe chạy vài tiếng thì tới nơi, mẹ con em xuống xe, kiểm tra giờ xe về rồi lon ton tìm đường tham quan.
Di sản thế giới Fatehpur Sikri nằm gần bến xe, đường tới đó đi ngang qua một cái chợ rất đông vui và một khu dân cư kinh khủng, ngay cả so với chuẩn Ấn Độ thì nó cũng rất bẩn và rất thối. Đủ thứ mùi chất thải từ đủ loại sinh vật sống bốc lên nồng nặc.
Trong 12 ngày đi du lịch ở Ấn Độ, rất nhiều lần em tự hỏi mình "khỉ thật, mình đang làm cái quái gì ở xứ này thế nhỉ?". Và thành thật mà nói, dù em luôn tìm được lời giải đáp cho câu hỏi này sau đó, dù những hình ảnh em mang về thật đẹp, thì em cũng không nghĩ đến ngày trở lại Ấn Độ. Di sản thì đẹp thật, bản sắc thì độc đáo thật, nhưng em không chịu nổi cái sự bẩn ở bên này. Âu đó cũng là cái giá của du lịch "về nguồn", đi kèm với trang phục ngàn năm không đổi thì tất nhiên sẽ có nhà vệ sinh thiên nhiên cũng ngàn năm chưa đổi. Các bác có bảo em là "phượt nửa mùa" thì em cũng đành chịu vậy thôi hihi.

Trước khi vào Fatehpur Sikri, chúng em đi qua một ngôi đền Hồi giáo to và đẹp lắm

attachment.php


Bên trong giáo đường cũng rất ấn tượng, em thậm chí còn thấy nó đẹp hơn Jama Masjid ở Delhi nữa, mà lại miễn phí nhé

attachment.php


attachment.php


Các hình hoa lá điêu khắc đặc trưng của đạo Hồi

attachment.php


Các bà các chị cười rất tươi

attachment.php


Một gia đình bên trong nhà thờ chính, mọi người cột những sợi chỉ đỏ vào khung cửa này, em chả biết làm gì, chắc là cầu nguyện

attachment.php
 
Đây vẫn còn 1 cái hình hoa lá bên trong nhà thờ nữa

attachment.php


Đi một vòng nhà thờ, em chui ra đi tiếp sang Fatehpur Sikri. Ở đây vẫn tiếp tục giảm giá 50rupee nếu có mang theo vé tham quan Taj. Tuy nhiên, ở đây còn có các em trai chào mời bạn đổi các vé tham quan đã sử dụng lấy postcard, chả biết tụi nó sẽ làm gì, em cũng mang hết mấy cái vé đã sử dụng ở Agra đổi lấy được 2 bộ postcard.
Chi tiết về di sản này các bác lại tra Google giùm em nhé, em chỉ nhớ đại loại là ông vua nào đó xây cái cung này cho 3 bà vợ theo 3 tôn giáo khác nhau Hindu, Hồi và Thiên chúa giáo. Làm vua công nhận sướng nhỉ.
Ở đây có nhiều kiến trúc lắm, em không nhớ cái nào với cái nào nữa, em post có loạn xạ các bác đừng trách nhé

attachment.php


Ở đây cũng giống như phần lớn các kiến trúc Mughal, xây toàn bằng sa thạch đỏ, điêu khắc rất tinh tế

attachment.php


attachment.php


Người phụ nữ này mặc quần áo rất đẹp ngồi bên khung cửa, không biết có phải cố ý làm người mẫu không. Em chụp hình xong có xin tiền nhưng mặt rất hiền và cười rất tươi

attachment.php


Trung tâm của cung điện là cái hồ nước này, kiểu như sân khấu nổi í. Ban nhạc và vũ công sẽ biểu diễn trên cái sân khấu giữa hồ, trông cũng hoành tráng phết

attachment.php


attachment.php
 
Các bác xem lại cái ảnh em post bên trên, để ý cái nhà nhỏ nhỏ bên cạnh hồ nước nhé. Cái nhà đó được coi là viên ngọc quý trong kiến trúc của Fatehpur Sikri đấy.
Đây là nhà nghỉ của vua xây riêng cho hoàng hậu thứ 3, trẻ nhất, người Thổ theo đạo Hồi. Theo em hiểu thì vương triều Mughal có nguồn gốc Mông Cổ và Thổ Nhĩ Kỳ, nên việc ông vua này lấy vợ người Thổ cũng là dễ hiểu.
Cái nhà này nhìn xa thì bình thường vậy thôi, nhưng nhìn gần thì rất đẹp, chạm khắc tinh xảo từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, em post tạm vài góc cho các bác đánh giá

attachment.php


attachment.php


attachment.php


attachment.php


Ở trong cung này em thấy còn có phòng họp của vua cũng đẹp lắm. Mỗi khi họp, vua ngồi ở chính giữa, 4 vị quan lớn nhất triều sẽ ngồi ở bốn góc. Cái phòng này nhỏ quá, em chỉ chụp được tạm tạm thế này, hi vọng các bác có thể vận dụng trí tưởng tượng hình dung nốt.

attachment.php


Thêm vài tấm hình cuối cùng có hoa lá cành cho các bác thư giãn

attachment.php


attachment.php
 
Úi, sao bài đang hay, hình đang đẹp mà bài lại bỏ dở thế, vậy mình biết đi Ấn theo cách nào đâyyyyyy ;)). Viết tiếp đi bạnnnnn!!!!
 
@tixt: haha bài chỉ đẹp khi còn dang dở mà bạn, bữa nay bạn tixt khai quật lại, làm mình bồi hồi nhớ ấn ghê, mà nhớ vậy thôi, yêu trong trí nhớ vậy thôi, coi lại ảnh là thấy được roài, chứ chưa muốn hít bụi lại ở xứ đó. Mà nói vậy thôi, bạn nào thích đi ấn cứ đi nhé, ấn rất tuyệt vời về văn hóa, kiến trúc. Giờ này đến tháng 3 năm sau đi ấn được nè, mùa lạnh, nhưng coi chừng mấy tháng cuối năm trời sương mù tàu bị trễ chuyến, chụp ảnh cũng không được đẹp.
Bây giờ biết viết gì về ấn nữa nhỉ, kinh nghiệm chi tiết thì quên sạch hết rồi, nếu các bạn thích xem ảnh thì mình post ảnh thôi, chứ bảo ngồi kể chuyện đi lại khách sạn như topic Thổ Nhĩ Kỳ thì mình thua, không còn nhớ đâu.

Có bài viết này mình viết cách đây 2 năm rồi, giờ đọc lại thấy bồi hồi, post chia sẻ lên đây luôn

VARANASI, HÒANG HÔN VÀ BÌNH MINH

Nằm bên bờ sông Hằng huyền thọai, Varanasi (Ấn Độ) được mệnh danh là “thành phố ánh sáng”. Đã hàng ngàn năm trôi qua, mỗi ngày mặt trời lặn rồi mọc, tỏa ra vầng ánh sáng rực rỡ và thuần khiết soi rọi thành phố “xưa hơn lịch sử, cổ hơn truyền thống, cũ hơn cả huyền thọai”(Mark Twain) này. Hành trình tìm hiểu một trong những thành phố cổ xưa nhất hành tinh của tôi, do đó, cũng đi từ hòang hôn tới bình minh, giống như hành trình bước ra từ quá khứ và vươn tới tương lai của Varanasi.

Chiều dặt dìu về trên thành cổ
Chúng tôi đặt chân xuống nhà ga Varanasi vào một ngày cuối đông ấm áp. Thoạt nhìn, thành phố với những con đường mù mịt bụi và giao thông hỗn lọan này không khác mấy so với các thành phố Ấn Độ khác. Sau khi cất hành lý vào phòng khách sạn, giống như hầu hết các du khách lần đầu tiên đến Varanasi, chúng tôi lập tức tìm đường tới sông Hằng.
Trong cuốn sách Lịch sử Ấn Độ, cố thủ tướng Jawaharlal Nehru đã viết: “Sông Hằng, trên hết thảy các dòng sông khác, là nơi cầm giữ trái tim của Ấn Độ. Câu chuyện về sông Hằng, từ cội nguồn ra đến biển khơi, từ xưa tới nay chính là câu chuyện của văn minh và văn hóa Ấn Độ, của sự thăng trầm và suy vong của các đế chế, sự vĩ đại và kiêu hãnh của các kinh thành”. Sông Hằng thường được so sánh với sông Nile, cái nôi của nền văn minh Ai Cập cổ đại, nhưng cảm xúc của tôi khi đứng trước sông Hằng chiều nay lại trái ngược với tâm trạng những ngày đi dọc dòng Nile ba năm về trước. Ký ức về sông Nile trong tôi gắn liền với các đền đài u hòai giữa sa mạc hoang vắng, những truyền thuyết bí ẩn và mơ hồ về các vị pharaoh giờ đã trở thành những xác ướp nằm trơ trọi trong bảo tàng.
Còn trước mắt tôi chiều nay, sông Hằng hiện ra với nguyên vẹn sức sống mạnh mẽ của hàng ngàn năm trước. Trên bờ sông phía Tây, hàng chục tòa tháp nằm san sát nhau, rực rỡ sắc màu, rộn rã tiếng cười nói và tấp nập người đi lại. Các tòa tháp này thường được xây ở trên cao, nối với bờ sông bởi các bến nước trong tiếng địa phương được gọi là ghat. Mặc dù những tòa tháp cổ đã tạo nên vẻ đẹp kiến trúc cho thành phố nhưng chính các ghat mới là linh hồn của Varanasi.
Hành trình đi dọc bờ sông giống như một cuốn phim màu ghi lại tòan bộ cuộc sống của người dân thành cổ. Với chiều dài lên tới hàng cây số, các ghat ở Varanasi tạo thành một không gian sinh hoạt mang tính cộng đồng cao nhất mà tôi từng biết. Ở đây, bạn có thể bắt gặp mọi cư dân thành cổ, từ các vị tu sỹ đầu tóc bù xù, vẽ mặt vằn vện trầm tư thiền định tới đám trẻ con chơi bóng chày ồn ào một khúc sông, từ những người đàn ông gày gò đen đúa ngâm mình giặt quần áo dưới sông tới những phụ nữ mập mạp đeo nữ trang đầy người du thuyền ngắm cảnh. Nhưng thú vị nhất là cảnh tượng những chàng trai châu Âu và Nhật Bản ăn mặc hippy tụ tập chơi nhạc cụ hiện đại ngay bên cạnh các thanh niên Ấn vẫn hồn nhiên thả lên bầu trời những cánh diều giấy đơn sơ dán trên khung tre.
Khi chiều tím phủ xuống dòng sông cũng là lúc những giai điệu rộn ràng từ ghat Dasaswamedh vọng lại, báo hiệu buổi lễ aarti tối sắp bắt đầu. Là một trong những nghi thức cổ xưa nhất, aarti được thực hiện hàng ngày khắp nơi trên đất nước Ấn Độ để bày tỏ lòng biết ơn với thần linh của tín đồ Ấn giáo. Người Ấn Độ coi sông Hằng là hóa thân của nữ thần Ganga, nên vào mỗi buổi chiều tà, người dân lại tập trung ở bờ sông để đốt hương trầm, dâng đèn hoa, cất lời ngợi ca dòng sông đã mang lại sự phồn vinh cho thành Varanasi.
Mặc dù nghi lễ này giờ đây đã nhuốm màu hiện đại với đèn điện sáng rực và dàn âm thanh điện tử, nhưng tôi tin không khí và tinh thần buổi lễ vẫn là của ngàn năm trước. Sau tiếng tù và lan dài trên mặt sông, năm chàng trai trẻ vừa rung chuông vừa lần lượt xoay tròn những ngọn đèn mỡ bò rừng rực cháy, những bình hương trầm bốc khói nghi ngút, thành kính hướng về dòng sông. Trên bến dưới thuyền, các tín đồ chắp tay cầu nguyện và thả đèn hoa đăng trôi theo dòng nước. Những người phụ nữ Ấn với chấm son đỏ tươi trên trán cất giọng hòa cùng tiếng cầu kinh ngân nga khi bổng lúc trầm, tiễn dòng sông vào đêm lung linh.

attachment.php


attachment.php
 
Varanasi, không thể tin được

Bốn giờ sáng hôm sau, chúng tôi ra bờ sông khi trời còn tối đen. Người lái đò bị đánh thức khỏi giấc ngủ say, ngơ ngác khi biết chúng tôi muốn thuê đò vì hầu như mọi khách du lịch đều khởi hành lúc sáu giờ sáng. Làm sao có thể giải thích cho người đàn ông sống cả đời bên sông Hằng này về ước muốn có được dòng sông cho riêng mình trong vài giờ ngắn ngủi của chúng tôi? Nhưng khi chiếc đò nhẹ nhàng rời bến, chúng tôi mới hiểu rằng chúng tôi không phải là những người duy nhất thức với dòng sông. Trong đêm đông giá rét, những người đàn ông giặt đồ thuê đã dậy từ bao giờ, dầm mình trong nước lạnh, miệt mài làm việc. Ánh đèn rực rỡ từ ghat Dasaswamedh gần đó không đủ để soi rọi những khuôn mặt và phận người chìm trong bóng tối.

attachment.php

Khi chúng tôi tới được ghat Raj, điểm tận cùng phía bắc của khu phố cổ thì bầu trời phía đông đã ửng hồng. Mặt trời đỏ ối từ từ nhô lên và những dòng người cũng bắt đầu đổ về các ghat dọc bờ sông. Tín đồ Ấn giáo tin rằng tắm ở sông Hằng sẽ gột rửa được mọi tội lỗi và chết bên sông Hằng sẽ giúp giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Do đó, đến được dòng sông này là mơ ước lớn của hàng triệu người Ấn Độ. Thậm chí, rất nhiều gia đình Ấn Độ còn giữ một bình nước sông Hằng trong nhà để nếu có ai qua đời mà chưa tới được sông Hằng thì vẫn kịp uống một ngụm nước sông.

attachment.php

Mặt trời đã lên cao. Trong ánh bình minh, Varanasi trở nên lộng lẫy nhờ luồng ánh sáng rực rỡ dường như đến cùng lúc từ bầu trời và dòng sông, bao phủ những tòa tháp uy nghi trong ánh vàng mê hoặc. Dọc theo bờ sông, các tín đồ Ấn giáo trầm mình xuống dòng nuớc, khum lòng bàn tay hứng nước sông dâng về phía mặt trời, lầm rầm cầu nguyện rồi nhẹ nhàng rẩy nước lên trán đầy thành kính. Xa xa trên mặt sông, bên cạnh những đòan thuyền chở du khách ngắm cảnh còn có cả những chiếc đò nhỏ đi rải tro hài cốt, thực hiện ước nguyện trở về với sông Mẹ của người đã khuất.

attachment.php


attachment.php

Nếu như lễ aarti buổi hòang hôn là nghi thức hòanh tráng nhất thì lễ hỏa táng ở ghat Manikarnika lại là nghi thức kì lạ nhất diễn ra hàng ngày bên sông Hằng. Đối với du khách yếu tim thì cảnh tượng thi hài người chết được nhúng xuống sông rồi đặt lên thiêu trên đám củi rừng rực cháy có lẽ khá rùng rợn. Nhưng những người Ấn Độ xung quanh chúng tôi lại tỏ ra rất bình thản. Đám trẻ con hồn nhiên lấy những thanh tre nẹp thi hài làm gậy chơi cricket. Lũ bò, dê tha thẩn gặm hoa cúng bên cạnh người đã khuất được quấn trong các lớp lụa vàng chỉ để lộ khuôn mặt, nằm trên đất bình thản như đang tận hưởng lần cuối vẻ đẹp của bầu trời. Và ngay gần đó, các gia đình vẫn hồn nhiên ngụp lặn trong làn nước sông Hằng, cầu nguyện và chúc phúc cho nhau. Mọi ranh giới, khỏang cách vốn được coi là chuẩn mực trong thế giới hiện đại dường như đã được xóa nhòa.

attachment.php

Trước chuyến đi Ấn Độ, tôi rất thích xem mẩu quảng cáo của ngành du lịch nước này trên kênh Discovery Channel với khẩu hiệu “Incredible India”, có nghĩa là “Ấn Độ, không thể tin được”. Mặc dù mơ hồ nhưng đó lại là cụm từ chính xác nhất để mô tả Ấn Độ nói chung, và Varanasi nói riêng. Trải qua hàng triệu hòang hôn và bình minh lịch sử, thành cổ hơn 3.500 tuổi với vô vàn điều kì lạ “không thể tin được” này vẫn là bài ca hùng tráng và hân hoan về cuộc sống và cái chết, về con người và thiên nhiên trên sông Hằng, một trong những dòng sông vĩ đại nhất của nhân lọai.
 
Trình săn ảnh của bạn Hanh thật tuyệt :)
Nhưng thật tình mà nói, ở ngoài đền Tajmahal nó không lung linh như trong ảnh. Mình hơi thất vọng khi đến đây, nhưng xem ảnh của bạn thì nó đẹp quá :D
Lúc mình đến Varanasi cũng đúng vào lúc người Hindu tổ chức lễ hội, rất màu sắc và có gì đó hoang dã...chỉ biết nói là quá tuyệt vời :)
 
Bác Hanh chụp đẹp quá.. Cứ như postcard ấy. Em thỉ chả biết chụp đẹp dư này.. E chỉ biết chụp thế này để thể hiện tính chất đi sâu vào quấn chúng. Ảnh chụp tại đêu quên mất rồi.. Hihi..
Image0331.jpg
 
Woa ở nhà xem hình post thôi cũng đủ sởn da gà , quá hâm mộ kiến trúc nơi đây. Nhất định sẽ đặt chân tới nơi này :X
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,464
Bài viết
1,153,083
Members
190,100
Latest member
dabongxoilac365tv
Back
Top