What's new

Châu Á trong bàn tay

Tôi đã mang ba lô và bước đi một mình trên những cung đường Châu Á. Và tôi muốn chia sẻ cùng các bạn. Những bài viết, những điểm đến không có gì mới mẻ, nhưng nó được nhìn qua lăng kính cá nhân, hài hước, rùng rợn, liều mạng, lãng mạn... Những cung đường lần lượt xuất hiện là Bangkok, Campuchia, Hongkong, Hà Khẩu, Malaysia, Phuket, Chiang Mai, Singapore, Indonesia... Rồi tôi lại còn tiếp tục một mình đi, những Myanma, Lào, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật... Con đường vẫn còn dài, nhưng đôi chân thì chưa thấy mỏi...

[Hà Khẩu - Trung Quốc] Những kinh nghiệm đau thương

Sau những ngày lang thang một mình một ngựa ở Sapa, vào một buổi sáng như mọi ngày, tôi thức dậy, rời khỏi Biển Mây và đi bộ xuống chợ ăn sáng và ngắm Sapa sáng sớm. Một buổi sáng yên bình của phố núi nhưng có nhiều mây đen. Trời này ở lại cũng không thể đi xuống làng bản. Tôi phân vân không biết có nên ở lại Sapa nữa không vì dù sao tối cũng phải xuống Lào Cai đi tàu lửa về Hà Nội. Có nghĩa nếu rời Sapa sáng nay, sẽ có thời gian đi lòng vòng Lào Cai, ghé nhà Ngân và... 1 ý tưởng lóe lên: Đi Trung Quốc :))

Một anh xe ôm chờ khách trước của Cty du lịch Sapa, hỏi đi đâu thì đèo đi. Đèo chứ ko phải chở nhé, người Bắc dùng từ thế. Tôi hỏi: Giờ này có xe từ Sapa về Lào Cai không anh? - Không có đâu, phải chiều cơ. Hay đi xe ôm không? Tôi hỏi bao nhiêu: Trăm tư. Tôi suy nghĩ nhanh trong tích tắc rồi gật đầu. Thật ra tôi không thèm tìm hiểu lại là có xe khách đi Lào Cai hay không, vì trong bụng đã định sẵn sẽ đi bằng xe máy để chụp hình. Vì đoạn lên Sapa thấy đường cũng trơn láng lắm. Khi check out khỏi Biển Mây thì trời tối sầm và mưa xối xả. Nhưng một khi lòng ta đã quyết thì trời mưa cũng mặc trời mưa.

Trên đường đi, mưa lất phất nhưng khung cảnh thì cứ đẹp mê hồn. Trùng trùng núi non và những bản làng dân tộc. Cây cối xanh mướt trong cơn mưa phùn buổi sáng như một bức tranh màu xanh đến nao lòng...

Tôi đến Lào Cao vào giữa ngọ, bảo xe ôm chở thẳng đến Cửa khẩu Quốc Tế Lào Cai để đi Trung Quốc. Một đám cò bay ra hỏi tôi đi không tụi nó dẫn đi khỏi làm thủ tục mắc công. Tôi nói KHÔNG! Tôi sải những bước dài tự tin vào nhà ga cửa khẩu như 1 thí sanh đi thi siêu mẫu, tiến đến bàn làm thủ tục. Em gái nhỏ nhẹ: Anh đi mấy người? Tôi trả lời nhỏ nhẹ không kém: Một người! Em í trợn tròn mắt nhìn tôi từ đầu tới chân giống như tôi là sinh vật lạ. Sau này mới biết là mấy em này chỉ thích làm khách đoàn, đông người. Còn khách lẻ thì làm lắc nhắc, mệt! Và em gái này cũng là nguyên nhân gây ra đau khổ cho tôi sau đó. Em chỉ tay 1 anh cò đứng bên ngoài: Giờ tụi em hết giờ làm việc rồi, hay anh đi với cò bên ngoài đi. Cũng an toàn lắm! Anh cò được dịp chạy vô dắt tôi ra. Vì tôi quá tin người nên đời tôi đã lỡ...

Tôi nói nhanh: Không đi chui và đi bằng đường đò đâu. Nguy hiểm lắm. Nói thì nói vậy chứ có tưởng tượng được nó là cái gì đâu, chưa có kinh nghiệm mà lại. Anh cò cười hề hề: Ơ hay, ai lại đi chui bao giờ. Đi bằng tiểu ngạch là đi bằng đường khách nhỏ hơn mà thôi. Leo lên xe đi, anh chở chú mày đi. Khỏi lo, anh bao hết! Tôi ngồi sau xe honda của anh cò, mặc ảnh chở đi đâu cũng không biết nữa. Tôi đang nghĩ đến 1 con đường nho nhỏ đi qua biên giới, có nhiều cây xanh và có mấy anh bộ đội biên phòng đứng gác. Mấy anh biên phòng sẽ hỏi tôi: Đi qua đó làm gì? Tôi nói: Du lịch. Mấy ảnh hỏi tiếp: Đi bao nhiêu người? Tôi nói: Một người. Và cái mặt ra vẻ sành đời lắm. Mải mê với cái suy nghĩ đẹp đẽ ấy, đến khi anh cò thắng xe cái kịt. Tôi ngước nhìn lên. Ô hay, không có anh biên phòng, không có cái cổng xinh xinh be bé. Mà chỉ có 1 cây đa và 1 con đò bé xíu trên con sông cũng bé tẹo. Trời ơi má ơi... Trong đầu tôi chỉ có 2 từ: VƯỢT BIÊN. Trước khi đi Ngân có dặn là coi chừng đừng có đi đò. Lỡ leo lên lưng cọp rồi, mà nếu không đi bằng cách này thì đi bằng cách nào bây giờ? Mà cách này thì có làm sao? Hồi xưa đi Mùa hè xanh lội sông bủm bủm mỗi buổi chiều. Máu khám phá nổi lên, dẫn dắt toàn bộ hành động. Sau khi lằng nhằng với anh cò vài câu thì cũng leo lên đò. Bên kia sông là đất Trung Quốc, thị trấn Hà Khẩu. Sau khi thỏa thuận giá cả, anh cò gọi điện qua bên kia, gọi 1 anh xe ôm chờ sẵn để đón tôi, còn anh cò quay lại cửa khẩu chính để qua Hà Khẩu. Và hẹn gặp anh cò bên đó.

Tôi được một ông già đưa qua đò, leo lên bờ và có 1 anh xe ôm chờ sẵn. Nói thiệt lúc đó tự dưng sợ vì anh xe ôm có râu quai nón bậm trợn, đeo kính đen, người phốp pháp, đi chiếc Wave và không biết nói tiếng Việt lẫn tiếng Anh. No way back. Thôi đành nhắm mắt đưa chân, leo lên xe ôm...

Vì là bến đó dành cho người vượt biên nên nằm khá xa trung tâm Hà Khẩu, nên xe ôm chạy vòng vèo 1 hồi qua nào nhà, nào ga tàu lửa, nào cửa sắt. Đời tôi sẽ về đâu...

Buổi trưa nhiều nắng. Nắng Trung Quốc cũng chói chang hơn nắng Sài Gòn, cộng với nỗi lo lắng khi ôm ba lô vượt biên nên mồ hôi túa ra. Cuối cùng cũng gặp lại anh cò. Anh í thong dong đứng chờ. Và anh cò dẫn tôi đi tung tăng nơi xứ người. Nơi đầu tiên: Chợ biên giới. Tôi bước vào chợ và xém chút nữa xỉu vì... khoái haha. Tầng trệt khiến tôi bị hoa mắt vì những thứ khiến tôi phải rùng mình: dao, kiếm, súng giả, lựu đạn giả, sex toy, quần áo lót sếch xy... Các em gái đon đả mời chào. Tiếng Việt lẫn trong tiếng Tàu í ới. Nhưng phần lớn là người Việt qua bên này làm ăn. Thấy tôi đi với anh cò thì ai cũng biết nên chào mời bằng tiếng Việt rành rẽ. Đi 1 vòng chợ coi cho biết, và đang đi bồng nghe tiếng mút chuột í ới. Tôi dừng lại, định thần lại và quay quẩn nhìn xung quanh. Anh cò cười cười, chỉ lên trên lầu. Và ô kìa, trên lầu, đứng dọc ban công chợ là khoảng vài chục em áo dây áo ống đang chu mỏ mút chuột khí thế...


Thì ra ở đây gái mại dâm hoạt động công khai và hợp pháp, trong phạm vi khu chợ. Sau này nghe có người kể là chỉ cần lên cầu thang là sẽ bị kéo vào trong lột hết đồ. Có chống cự cũng không được. Tôi thầm nghĩ: Chết cha, dù sao mình cũng là Hoa hậu thân thiện kiêm Nghệ sỹ ưu tú, nếu bị paparazzi chụp ảnh rồi đưa lên facebook thì còn gì là hình ảnh, nên mình kêu anh cò mau mau chuồn khỏi nơi u ám này, sau khi đã hỏi giá 1 lần haha. Nếu bị chụp hình trong đây, thế nào cái tít báo cũng là: Hoa hậu thân thiện đi làm từ thiện ở nhà thổ, hoặc Nghệ sỹ ưu tú Kim Tâm: Con đường trở thành trai gọi, hoặc Có hay không chuyện Hoa hậu thân thiện đi tìm vui nơi đất khách? Nghĩ tới đó đã thấy tởm heo lắm rồi...

Đi ra ngoài, hít thở không khí trong lành và anh cò dẫn tôi đi mua sắm linh tinh. Đồ đạc nhiều vô số và rẻ vô cùng. Chúng tôi thuê 1 chiếc taxi đi quanh thị trấn Hà Khẩu. Taxi đang chạy tự nhiên dừng lại, xí xô xí xào với 1 người ngoài đường rồi người đó nhảy lên xe. Tôi hỏi anh cò: Gì kỳ vậy? Ảnh mới nói là thằng kia xin đi quá giang 1 chút. Ngộ, lấy tiền của tôi rồi cho người khác quá giang là sao, nhưng không dám có ý kiến gì, sợ nó quánh phù mỏ má dòm không ra hoặc nó vứt ra đường không tìm thấy đường về quê hương. Biết thân mình đi vượt biên, không hợp pháp nên chọn giải pháp im lặng và ngắm cảnh thôi^^

Mà đời nào có yên, sóng gió còn bủa vây cho một con người khốn khổ nhưng ham vui. Sau khi đi một vòng mỏi chân và đói bụng, tôi quyết định kiếm chút gì ăn. Anh cò dẫn vô 1 quán ăn bình dân, cũng sạch sẽ. Trong đó có rau tươi, cá gà heo tá lả... Tôi cũng tiết kiệm nên gọi đồ ăn như sau: Một dĩa gà xào be bé, một dĩa mồng tươi xào bé xíu, 1 dĩa đọt mướp nấu canh y như trụng vô nước sôi, 1 tô cơm trắng và 2 chai Pepsi. Tôi mệt thấy cha vì đi bộ, có ăn được cái gì đâu. Anh cò ăn khí thế. Và khi tính tiền, chủ quán bấm máy tính ra tiền Việt mà tôi mém xỉu: 1.200.000 VND, có nghĩa là 1 triệu 2 trăm ngàn đồng cho nhiêu đó thức ăn. Tôi muốn chửi thề quá rồi nhưng dặn mình là không nên, có chuyện gì cũng chết. Cũng không dám gọi cảnh sát, không dám la làng, nói chung thân phận vượt biên nên không dám làm gì cả. Lúc đó mới quay sang anh cò: Sao mắc dữ vậy? Có lộn không? Anh cò thản nhiên trả lời: Sao lúc nãy không trả giá? Giờ ăn vô bụng rồi còn nói gì nữa. À há, cháy nhà mới lòi mặt chuột. Từ giờ trở đi sẽ không gọi là anh cò nữa, mà gọi là thằng cò khốn nạn hic. Tôi nói bằng tiếng Anh, là mắc quá. Mày tính lại đi. Thằng cò làm như vô can, không nói 1 tiếng mặc dù tiếng Trung Quốc của nó nói như dân bản địa. Giờ thì tôi hiểu ra câu chuyện rồi nên tự mình xoay sở thôi. Cá đã nằm trên thớt rồi, hãy xử em đi, chiên em đi, kho em đi... Tôi cũng giả bộ giận dữ lắm, xua tay khí thế, xong con chủ quán tính qua tính lại, rồi quyết định số tiền là 667.000 VND. Mồ hôi ướt trán mặc dù đang ngồi trong máy lạnh. Có khi nào con bỏ xác nơi xứ người không ta? Nghi lắm, vì thằng cò giờ đã thành 1 kẻ lừa đảo quá chuyên nghiệp.

Tôi chấp nhận trả số tiền kia và khi ra khỏi quán, tôi nhìn thằng cò như kẻ thù. Tôi nói: ĐI VỀ! Tôi sợ lang thang 1 hồi rồi xảy ra tiếp những chuyện không hay khác. Và tôi bám theo thằng cò sát gót. Tôi sợ nếu bị bỏ lại là coi như xong, làm sao mà về được. Tiếng Trung thì không biết, lại đi vượt biên, nhờ cậy cảnh sát thế nào được. Thằng cò đi trước, tôi đi sau và nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Khi xe ôm đưa tôi tới bến phà, tôi biết cơ hội mình còn sống khá cao, nhưng chưa chắc 100% vì vẫn còn bên đất Trung Quốc. Rồi khi run run bước xuống đò, tôi mới thở phào vì mình đã thoát. Cây đa Việt Nam đây mà, đất nước Việt Nam mà đây, tôi run run lên bờ trong lòng vui sướng và yêu quê hương quá độ. Thằng cò xuất hiện, tôi nhìn nó như nhìn kẻ thù, nhanh chóng trả tiền rồi đi bộ kiếm xe ôm quay lại ga Lào Cai. Trời chiều, sắp đến giờ quay lại Hà Nội...

Nếu bạn hỏi tôi có sợ không? Tôi sẽ nói có. Nhưng nếu hỏi tôi có thích không? Tôi cũng sẽ nói có. Tôi thích những trải nghiệm thú vị, mới lạ trên những con đường tôi đi qua. Những người tốt, người xấu trên đường cho tôi những cái nhìn thực tế về cuộc sống. Cuộc sống vốn không hoàn hảo nên tôi cũng không trông chờ những sự hoàn hảo. Nhưng tôi đã có những kinh nghiệm, và tôi đã chia sẻ với các bạn. Những chuyến đi không thể nào quên...
316340_10150321284381622_638536621_8085321_1898210459_n.jpg


Tháng 7/2011
 
Last edited:
"Người Nhật, họ đích thị là những con người lạ lùng. Tôi kính phục từ ông khách hàng già, cô gái trẻ đẹp trên phố, thím hai nhiệt tình cho đến người cảnh sát ở ngã tư. Họ không biết duyên dáng màu mè, họ cũng không biết bày trò vẽ cảnh. Tất cả mọi người lịch sự, ngăn nắp, hiền lành, nhiệt tình, thấu hiểu, thông cảm, khiêm nhường, từ tốn… Còn tính từ nào để tả người Nhật nữa không nhỉ? Trong tất cả các thành phố mà tôi đi qua, Tokyo là thành phố tôi cảm thấy an toàn nhất. Và giờ đến các thành phố khác của Nhật. "
Nước Nhật với tất cả các tính từ để diễn tả và với lòng khâm phục biết bao. Một ngày nào đó cũng phải gác qua một bên những lo toan đời thường và làm một chuyến đi để học hỏi.
p/s Thank bạn với những cảm xúc rất chân thật của mình và chúc bạn có nhiều chuyến đi thú vị để chia sẽ cùng mọi người nhé!
 
"Người Nhật, họ đích thị là những con người lạ lùng. Tôi kính phục từ ông khách hàng già, cô gái trẻ đẹp trên phố, thím hai nhiệt tình cho đến người cảnh sát ở ngã tư. Họ không biết duyên dáng màu mè, họ cũng không biết bày trò vẽ cảnh. Tất cả mọi người lịch sự, ngăn nắp, hiền lành, nhiệt tình, thấu hiểu, thông cảm, khiêm nhường, từ tốn… Còn tính từ nào để tả người Nhật nữa không nhỉ? Trong tất cả các thành phố mà tôi đi qua, Tokyo là thành phố tôi cảm thấy an toàn nhất. Và giờ đến các thành phố khác của Nhật. "
Nước Nhật với tất cả các tính từ để diễn tả và với lòng khâm phục biết bao. Một ngày nào đó cũng phải gác qua một bên những lo toan đời thường và làm một chuyến đi để học hỏi.
p/s Thank bạn với những cảm xúc rất chân thật của mình và chúc bạn có nhiều chuyến đi thú vị để chia sẽ cùng mọi người nhé!

Thật ra Nhật chưa bao giờ là một quốc gia ưu tiên phải đi trước cả. Có thể đó là một sai lầm của mình, nhưng sau khi đi rồi thì phải thú nhận rằng đó là một sai lầm to lớn. Quốc gia đầu tiên mà mình đi mà không phải lo lắng chuyện mất đồ, giựt dọc, cướp giật, sự thân thiện của người dân... Nói chung chuyến đi này ko có điểm trừ nào cả, toàn là điểm cộng cho nước Nhật, cho người Nhật... và những cảm giác nơi đó mang lại.
Câu này hơi cũ nhưng ko sai: Cuộc đời quá ngắn để làm những điều mình thích. Nên, nếu được, tạm gác lại những lo toan thường nhật, sống cho bản thân mình 1 tí, ích kỷ cho bản thân 1 tí cũng ko sao đâu. Chúc bạn vui và đạt được những ước muốn...
 
Tokyo - Trên thành phố của im lặng
10577196_10152568608176622_4969564777398534595_n.jpg


Chuyến bay đêm làm tôi mệt mỏi quá thể. Tôi thuộc loại dễ ngủ trên tàu trên xe lẫn máy bay. Nhưng chuyến bay khởi hành 7h tối và đến Tokyo 7h30 sáng này có một lý do làm tôi không thể nào ngủ yên giấc: Malaysia Airlines. Ám ảnh chưa tìm ra MH370 và những scandal kế tiếp của Malaysia Airlines làm cho không những tôi, mà những người khác trên cùng chuyến bay bồn chồn thấy rõ. Đến tận khuya mà màn hình chiếu phim của từng dãy ghế vẫn sáng, cho thấy mọi người không ngủ. Bên ngoài trời tối đen như mực, mỗi lần máy bay vào khu vực thời tiết xấu thì bàn tay bấu chặt vào thành ghế. Tâm trạng thấp thỏm không yên. Tôi, thậm chí còn không nói với bất kỳ người bạn nào về hãng bay của mình trong chuyến đi Nhật này. Đôi khi, chỉ một lời comment vu vơ của những người vô ý cũng làm tôi lo lắng không yên. Nhưng tại sao tôi lại chọn MH? Đơn giản vì gần ngày đi, hãng này có giá vé tốt hơn các hãng khác. Tôi lại không chọn bay khứ hồi Saigon - Narita (sân bay ở Tokyo), mà lại bay Saigon - Narita rồi sau đó bay Osaka - Saigon. Tôi lo nhiều đến độ khi book vé, đến phần lựa chọn mua bảo hiểm thì tôi mua ngay không chần chừ.

Mãi đến khi viết những dòng này thì thảm hoạ MH17 đã làm cả thế giới bàng hoàng. Từ cái ngày định mệnh của MH17, chắc ai đi MH sẽ còn lo lắng bội phần. Dù rằng những lý do về kinh tế luôn đưa con người vào những lựa chọn nghiệt ngã. Số phận, đó là từ ngữ duy nhất có thể diễn tả về mỗi ngã rẻ của từng người. Ai biết tương lai thế nào mà lựa chọn…

Buổi sáng, khi máy bay đáp xuống sân bay Narita, tôi thở phào một cái nhẹ nhõm như trút ra mọi gánh nặng. Dẫu biết còn chặng về dài dằng dặc trên MH, nhưng thôi, giờ cứ tận hưởng những gì đang ở trước mắt cái đã. Sân bay Narita rộng lớn và ngăn nắp. Nhưng tôi cũng không còn ồ à như cái lần đầu tiên đặt chân đến sân bay Singapore nữa. Nhanh chóng check in và tìm xe điện về trung tâm thành phố. Cho đến lúc này, tôi vẫn chưa book khách sạn chi hết. Trong đầu vẫn đinh ninh sẽ ở nhờ nhà ông Okamura. Được đến Nhật và ở homestay luôn là ao ước của tôi, mà không phải chỉ Nhật, ở đâu tôi cũng muốn ở homestay cả. Vừa học hỏi về văn hoá, sinh hoạt gia đình, trải nghiệm những món ăn địa phương, du lịch qua góc nhìn bản địa, tiết kiệm chi phí… thì hỏi ai không thích cơ chứ. Lại nói về ông Okamura là khách hàng của T. ở Việt Nam. Khi nghe nói tôi đi Tokyo thì T. liên hệ liền, ai ngờ ông nhiệt tình đồng ý. Ông hẹn buổi chiều, đón xe bus đến 1 cái trạm rồi ông đón về nhà. Đương nhiên, không thể ngồi sân bay đợi đến chiều, nên tôi phải vào downtown trước. Nôn nóng biết Tokyo huyền thoại là cái gì :)

10306560_10152568609801622_588141701512082429_n.jpg


Nhưng đi tàu về thành phố nghe nói đơn giản thế nhưng cũng có trục trặc. Tàu của Japan Railway bán vé rất là bá đạo, tiếng Nhật đầy trên vé và có thêm 1 ít tiếng Anh nhưng không đủ để hiểu. Với trình độ tiếng Nhật bằng 0, và trình độ tiếng Anh của người Nhật bằng bao nhiêu không biết, lọ mọ mãi mới vào đúng line tàu, lên tàu, ngồi đúng ghế sau khi ngồi lên ghế người khác (gớm, tàu điện mà cũng đánh dấu số ghế, mà rộng thênh thang thế kia mà). Tôi đến Shinjuku. Kéo cái vali to tướng và ôm cái ba lô to bự, bước ra ngoài nhìn đường phố nhộn nhịp trong khi cơn buồn ngủ trỗi dậy không ngừng. Giờ đó, ở Nhật là 9h sáng nhưng giờ Việt Nam chỉ mới 7h sáng, mà bình thường ở nhà, chả bao giờ tôi dậy giờ đấy :D Tokyo here I come…

Tôi nhớ bữa đó, địa điểm tôi check in đầu tiên là Kabukicho. Ơ hay, ai biết gì đâu, mở điện thoại lên, thấy nó hiện ra thì check in thôi. Bạn bè hỏi: Mày gan nhỉ? Sao vừa đến thì ra đó? Bà mẹ, là sao? Kabukicho thấy chán thấy bà, cửa đóng then cài cơ mà. Có gì vui đâu? Sau đó mới biết rằng tôi đang đứng giữa cái gọi là Red-light hoang dại nhất của Nhật Bản, và có thể là toàn thế giới. Nhưng red-light là chuyện của ban đêm, còn ban ngày, Kabukicho như một trong những con phố im lìm khác, chỉ vài hàng quán mở cửa và không thể không nhận ra sự xập xệ của một góc phố. Shinjuku, Kabukicho khét tiếng mà thế này thôi sao? Có một sự thất vọng không hề nhẹ, khi trong hoàn cảnh mang vác đủ thứ trên người, thiếu ngủ trầm trọng và đói bụng nữa. Thứ duy nhất mong muốn lúc này: đi ngủ. Một chỗ ngả lưng ngủ 1 giấc rồi sau đó mới có tinh thần mà khám phá thành phố này. Nhưng tôi biết rằng không thể đợi đến 6h chiều để đến nhà ông Okamura trong tình hình này. Rất may, trước khi đi, Quân đã đưa cho tôi địa chỉ khách sạn con nhộng Quân vửa ở, phiếu giảm giá, lonely planet. Nói chung là đầy đủ thông tin để giúp ích trong lúc này. Nên tôi nhanh chóng lên đường đi tìm khách sạn trước.

Khách sạn ở Tokyo siêu mắc, mắc hơn cả những khác sạn ở Mỹ, ở Châu Âu tôi đã từng ở. Mắc đến độ người ta phát triển mô hình khách sạn con nhộng, có nghĩa là mỗi người nằm trong những cái giường nhỏ như cái kén đủ cho một người nằm ngồi trong đấy. Có nghĩa là một cái phòng khách sạn thông thường có thể chia thành mười mấy con nhộng trong đó, mỗi người nằm im trong một cái kén, với dãy kén dài dằng dặc. Còn các hoạt động khác: tắm, giặt, khu để hành lý… đều là công cộng hết. Chuyện tắm giặt cũng nhiều cái để kể lắm, toàn ly kỳ hấp dẫn khi truyền thống người Việt mình thì tắm riêng, ai lại khoe thân nơi công cộng. Thế mà, qua đây, không chỉ khoe thân mà còn khoe toàn bộ trước bàn dân thiên hạ. Hic. Mà nghĩ tích cực là cả đám như thế, ai quan tâm ai làm gì cho mệt… Mà thôi, chuyện tắm rửa kể thì nghe kỳ cục lắm, nên giờ nói chuyện tìm khách sạn trước. Sau khi đi gần 2 tiếng đồng hồ mới tìm ra cái khách sạn. Dù có địa chỉ trong tay, nhưng với cách ghi địa chỉ như kiểu Nhật thì bó tay toàn tập. Vừa đi vừa hỏi vừa kéo vali, gặp được khách sạn thì mừng như má đi chợ về. Rất thân thiện cười tươi nhào vô lễ tân, cô lễ lân cũng thân thiện không kém, cười tươi và hỏi một câu hỏi nhỏ: Mày có hình xăm gì không? Tôi, vốn bản tính thật thà của người Nam Bộ và không muốn gặp rắc rối nên thành thật thật trả lời: Coá, nhưng nhỏ xíu à!!! (Thật ra thì hình xăm số 18 cũng không nhỏ tí nào). Cô ta không đổi thái độ thân thiện, nhưng đổi sang van xin cầu khẩn: Xin lỗi mày nha, khách sạn tao có quy định là không nhận khách có hình xăm. Mày có thể đọc quy định kia kìa, rồi chỉ vào cái bảng bự chà pá. Xin lỗi mày nhiều nha, tao rất tiếc…

Trên cai bảng quy định to thật to nằm ngay sảnh, ghi rằng: Không nhận khách có hình xăm, các hình vẽ như hình xăm! Tôi thất thiểu bước ra. Sau đó bạn tôi nói rằng khu vực này là khu vực mafia Yakuza hoành hành, nên rất sợ những người có hình xăm. Và sau này tôi mới biết là không chỉ có khu vực này, những nhà tắm công cộng khác cũng quy định rõ: Ê, nếu mày có hình xăm thì làm ơn chui vô góc mà tắm, không làm kinh động người khác. Tokyo hiện đại thế cơ mà đối xử với tôi quê mùa thế không biết, xăm hình đang là mốt thời thượng cơ mà. Tôi bước ra, trong đầu rỗng không những dự định…

10557209_10152568610226622_2910771236443767062_n.jpg

994131_10152568610811622_6037273882427957375_n.jpg
 
Tokyo - Trên thành phố của im lặng (P.2)


10570487_10152568778806622_3267830610107770156_n.jpg

Rời khỏi khách sạn con nhộng với cái hình xăm ám ảnh, tôi nghĩ rằng nếu khách sạn tới có hỏi thì tôi nói tôi trắng trinh nguyên. Với kinh nghiệm lang bạt giang hồ, tôi nhanh chóng tìm ra một khách sạn con nhộng khác cũng ở khu Shinjuku. Việc đầu tiên là đảo mắt lia lịa xem có bảng thông báo nào có chữ tatoo không? À há, không. Mà nói thiệt, tôi đi qua đi lại trước cái khách sạn đó 20 lần mà không sao tìm được. Khốn khổ thay cho cái thân già không làm việc gì ra hồn, cơ mà khách sạn thì phải lòi ra đường chứ. Sao đi qua đi lại như đứng đường khu này vẫn không tìm ra? Nhật là một đất nước kỳ lạ. Việt Nam mình và nhiều nước trên thế giới, việc buôn bán phải lòi ra mặt đường hết, còn phía trên là làm văn phòng hay để ở. Nhưng ở Nhật thì không. Tầng trệt là một nhà hàng, tầng 2 là một nhà hàng khác, tầng 3 là nhà hàng khác hoặc quán cà phê khác… Vân vân và mây mây. Nên những tấm hình tôi chụp ban đêm ở Nhật, mọi người thấy gì? Bảng hiệu neon ken đặc. Vâng, mỗi tầng đều là một nơi buôn bán. Vì vậy, để tìm một chỗ nào đó, phải rất cẩn thận nhìn biển hiệu của từng tầng một. Rất nhiều lần, lần theo google map, tôi chắc chắn rằng mình đã đến chỗ cần đến. Nhưng loay hoay đi qua đi lại cũng không thể nào tìm ra. Phải chăm chú hai con mắt cận thị phân loại biển hiệu tiếng Nhật (80%) và tiếng Anh (20%) từ tầng trệt đến tầng cuối cùng. Khách sạn này cũng vậy, sau khi mỏi mệt việc đi qua đi lại, tôi hỏi một ông bảo vệ toà nhà kế bên. Ông hiểu ý ngay, vì có một thằng ôm ba lô, kéo vali trông quê quê thì chắc chắn nó đi tìm khách sạn con nhộng giá rẻ rồi. Ông nói theo ông, rồi ông dắt tôi băng qua đường, ông chỉ tôi quẹo trái vô cái nhà 9 tầng rồi lên thang máy đến tầng 4 là lễ tân. Tôi nhìn quanh quất xem mình có bỏ lỡ cái gì không mà tìm hoài không được, thì thấy có 1 biển hiệu rất nhỏ, nhỏ xíu bà xiu nằm chen lẫn trong cái đám biển hiệu to bự bán bia, nhà hàng, karaoke, cái quần, mệt! Khách sạn gì mà lễ tân ở tầng 4, ai mà tìm cho ra. Máu nóng lên tới đầu, hairzz…

Khi đó là 2h chiều rồi. Chị lễ tân sau khi hỏi tôi về thông tin thì nói là nên book online đi, giá rẻ hơn. Nhưng đến 4h chiều mới check in được. Woah, giờ mới xem lại những quy định khắt khe của khách sạn con nhộng: check out 10h sáng, check in time 4h chiều, mỗi ngày tất cả khách hàng phải check out hết dù có ở bao lâu. Đi đâu thì đi, chiều 4h cho vô lại. May là được gửi vali lại chứ nó bắt ôm đi luôn thì tôi thề chỉ có chết. Vậy đó, mỗi ngày, có mệt mỏi thế nào thì đánh cái beng 10h sáng phải bước ra khỏi khách sạn với cái mặt ngái ngủ. Ngủ, ngủ và ngủ. Trong cuộc đời, thù nhất là đang ngủ mà bị lôi dậy. Tokyo ôi Tokyo…

Cũng may là vali gửi lại được. Tôi chỉ phải xách cái ba lô với những gì được đánh giá là “có giá trị”. Có giá trị, tổng cộng, khoảng 7-9 kg tuỳ ngày. Gồm cái macbook air, ipad, máy chụp hình Canon, nước uống, ổ cứng, cuốn sách, đồ đạc linh tinh… trên vai. Mỗi ngày, đều đặn như người nông dân ra đồng lúc 10h sáng, mang theo trên vai tầm 8kg, đi lang thang trên cánh đồng Tokyo, đến 7-8 giờ tối gì đó mới mò về, người đẫm mồ hôi. Tôi gọi những ngày ở Tokyo là những ngày tập thể lực nặng. Nặng lắm luôn nhưng không được nghỉ ngơi tí nào. Mệt quá thì để cái ba lô xuống, ngồi bệt mẹ nó xuống trạm tàu điện luôn dù chẳng ai làm thế. Khoẻ khoẻ lại thì xốc lên đi tiếp. Đi liên tục hết nơi này đến nơi kia. Khát thì mua nước uống từ một máy bán nước công cộng ven đường, đói thì ghé vô một quán ăn hay nhà hàng nho nhỏ nào đó, đi xa thì lên tàu điện ngầm. (viết tới khúc này thì xúc động quá vì nó rất chân thực). Chân cẳng từ bình thường chuyển sang mỏi, chuyển sang đau rồi chuyển sang mất cảm giác. Tôi đi như đang bước hụt trên vỉa hè. Vai cũng đau vì quai ba lô cấn vào. Lúc đó, cái ba lô như một cục nợ mà không thể quẳng đi đâu được. Tâm lý người Việt, người đâu của đó. Nhưng sau khi ở Nhật vài ngày thì tôi biết rằng mình cần thay đổi suy nghĩ một chút, à không, rất nhiều.

Ở Nhật, khắp nơi đều có máy bán nước tự động từ hang cùng ngõ hẽm. Ngoài ra, còn có một thứ có rất nhiều ở những nơi công cộng như trạm tàu điện, sân bay hay khu đông đúc: coin locker. Là những tủ chứa đồ ở nơi công cộng, bỏ tiền vào, khoá lại, lấy chìa khoá đi chơi đâu thì đi, rồi quay lại lấy đồ. Khi mới thấy, tôi nghĩ ngay: Trời ơi chắc chết, bỏ vô chút quay lại còn cái quần rách. Thông cảm, tôi vốn sinh ra ở đất nước có nhiều thị phi quá, nên đi đâu cũng nghi ngại thì ko phải là lỗi tại tôi mà là lỗi của xã hội haha. Những ngày sau đó, tôi gần như không thể mang nổi cái ba lô đó đi từ sáng đến khuya nữa thì tôi quyết định gửi vào cái locker ở trạm tàu điện gần khách sạn. Nhưng đó không phải là vấn đề. Tôi, có thể sợ mất đồ mà mang cái ba lô đó đến chết, nhưng tôi dám bỏ lại ở một nơi xa lạ nào đó thì tôi biết có 1 nguyên nhân sâu sắc hơn: Tôi tin. Niềm tin của người Nhật len lỏi vào trong tôi mỗi ngày, những con người tôi gặp trên đường, những gì tôi thấy, những lần hỏi đường, cách họ vận động trong guồng quay của xã hội. Tôi tin, niềm tin mãnh liệt rằng sẽ chẳng có ai lấy cái gì của tôi cả. Và thậm chí nếu có 1 người xấu nào đó muốn cạy tủ lấy đi vài thứ, thì cảnh sát, máy quay phim đặt mọi nơi, người dân sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó. Nói về người Nhật, tôi sẽ viết về họ trong một topic khác. Nhưng những con người đơn giản đó làm tôi sững sờ thán phục.

Sau khi vào check in khách sạn thì tôi biết không thể ở homestay nhà của ông Okamura được. Nhà ông ở một nơi nào đó cách Tokyo một giờ đi bus, ngày nào tôi cũng đi chơi đến khuya rồi còn mò đường về nhà thì phiền người ta quá, mà phiền tôi nữa. Với đường sá kiểu này, người dân không nói tiếng Anh nhiều thì cơ hội ngủ ngoài đường rất cao, hoặc qua Kabukicho kiếm thêm là hoàn toàn có thể haha. Nên tôi nhắn tin xin lỗi ông, hẹn ông gặp mặt ở Sài Gòn.

Vậy đó. Từng ngày, từng ngày tôi đi qua những chùa chiền, những Shinjuku, những Shibuya, Harajuku, Ginza… Tôi đi trên những line tàu điện ngầm ngang dọc Tokyo như mạng nhện. Tôi làm quen dần với những cái tên Nhật nhìn sơ qua có vẻ giông giống nhau. Và tôi làm quen với sự im lặng…
 
Tokyo - Trên thành phố của im lặng (P.3)

Không thể nào tưởng tượng được, từ hồi biết nói tới giờ, chưa có bao giờ tôi không nói chuyện lâu như thế. Những ngày ở Tokyo, tôi tan ra trong lòng thành phố. Tôi hoà lẫn vào dòng người xuôi ngược trên những đại lộ đông đúc tưởng như những con người này lăn ra từ những hộp đựng đầy những viên bi xanh đỏ. Tan ra, hoà lẫn vào, im lặng, hào hứng, vui vẻ. Trước khi đi, đã được nói nhiều về những chuyện người Nhật không thể nói tiếng Anh. Tôi không lo sợ điều đó nhiều, vì ngoài ngôn ngữ thì còn nhiều cách khác nhau để có thể giao tiếp được giữa người với người. Với lại, ai cũng nói Trung Quốc không nói tiếng Anh, nhưng tôi có những người bạn Thượng Hải bắn tiếng Anh siêu hạng. Vậy đấy, nhiều khi “nghe nói là” thường không phải cái gì cũng chính xác. Nên tôi tin rằng những người trẻ sẽ dùng tiếng Anh với tôi được. Nhưng không hẳn thế. Trong những lần lạc đường hay hỏi đường, có nhiều người khi tôi nói Excuse me thì đã cười rồi nói sorry. Chắc rằng không phải họ từ chối, mà là họ không thể hiểu những gì tôi sắp nói. Nhưng cũng có nhiều người không nói được nhiều vẫn nhiệt tình giúp đỡ, giúp đến khi nào được thì thôi.

Nhưng, lại nhưng, mọi thứ không bi kịch đến thế. Không phải người Nhật không nói được tiếng Anh một cách hoàn toàn. Chỉ khi hỏi một câu dài quá hoặc nói cái gì khó thì họ thua, chứ chỉ vô bản đồ hỏi 1 địa danh thì họ hoàn toàn có thể chỉ được. Họ có thể chào hỏi đơn giản, chỉ đường đơn giản, giao tiếp đơn giản. Thật ra như thế cũng quá đủ. Vì tôi nào có phải tìm người để tâm sự chuyện đời hay chia sẻ về quan điểm sống. Cái tôi cần là ê công viên đó đi như thế nào, ê tuyến tàu này có đi ngang/ đến/ về địa điểm này phải không, ê H&M ở chỗ nào vậy? Thế thôi, đơn giản mà hoá ra lại hay.

Trên cả việc nói được tiếng Anh hay không, thì bản thân người Nhật đã là những người ít nói. Cả một dân tộc nói ít, nói chậm, nói nhỏ, thì thào, thì thầm… Đường phố đông đúc là thế nhưng hiếm khi nghe tiếng rì rào rì rầm của tiếng người, tiếng con nít khóc, tiếng ba mẹ chửi con, tiếng kèn xe, tiếng nhạc trên đường… Chỉ có tiếng những con quạ đậu trên những mái nhà, những cành cây kêu lên giữa buổi chiều tĩnh lặng. Lần đầu tiên tôi ngồi tàu điện ngầm ở Tokyo, tôi không khỏi ngạc nhiên khi tàu đông là thế trong giờ tan tầm nhưng mỗi người ôm một cái điện thoại chơi game, ôm một cuốn sách đọc, hoặc nói chuyện điện thoại với âm thanh rất nhỏ. Trong cái đám đông con người đó, không ai có ý định làm phiền người bên cạnh. Như thể họ bất động đợi đến lượt mình làm những phần việc của mình. Tôi để ý mấy đứa con nít cấp 1, nhảy lên tàu, móc manga ra đọc, im lặng đến khi xuống tàu chứ không có nhoi hàng làm mệt. Nếu từ nhỏ đã được đào tạo như thế thì đương nhiên họ sẽ thành những người lớn tôn trọng sự yên lặng của người khác, biết nhìn trước nhìn sau và khiêm nhường biết bao.

Vâng, người Nhật khiêm nhường. Ngay cả khi trận sóng thần Tohoku năm 2011 làm 15.854 người thiệt mạng, 9.677 người bị thương và 3.155 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản và hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn, thì người Nhật vẫn xếp hàng trật tự để đợi sơ tán, nhận trợ cấp từ chính phủ. Ngay cả khi người thân của họ đã chết hoặc mất tích thì họ vẫn gạt nước mắt đợi chờ sự trợ giúp của chính phủ chứ không nhao nhao lên, làm mất trật tự. Ngay cả trận thua World Cup với Bờ Biển Ngà thì những cổ động viên vẫn ở lại, nhặt rác trên những hàng ghế trong sân vận động. Những buổi sáng, già trẻ đều mặc những bộ vest lịch sự, đi bộ đến trạm tàu điện ngầm. Hồi dạo đọc báo thấy Thủ tướng Nhật đi tàu điện ngầm đi làm, tôi cười tưởng sặc. Ôi hay là cái kiểu vi hành mà có 800 phóng viên chạy theo chụp hình nhỉ? Nhưng khi sang đây, nhìn thấy cách mà xã hội họ vận hành, thì chuyện Thủ tướng buổi sáng đón xe điện ngầm đi làm cũng chẳng có gì làm lạ.

Những suy nghĩ trước khi đi về xăm hình, về sex, về sự phóng túng của người Nhật đã hoàn toàn thay đổi khi tôi đến đây. Ra đường, rất khó thấy một cô gái ăn mặc hở hang dù những ngày đó là những ngày mùa hè. Nhưng họ dám thể hiện. Nếu 10 người Nhật ở trước mặt bạn thì chắc hẳn đó là 10 phong cách thời trang khác nhau. “Khác biệt để tồn tại” - Đó là những gì tôi cảm nhận được. Ở mình, ai ăn mặc khác biệt 1 chút là lên dĩa ngay. Nhưng Tokyo thì họ thích điều đó. Khác biệt, điên rồ, táo bạo, cá tính… Bữa đó đi ngoài đường có một anh già khoàng 50 tuổi vậy, ở trên mặc cái áo bó muốn nín thở, cái áo đó bỏ trong cái quần mà không biết tả thế nào nữa. Thế này nhé, hai cái ống loe rất to, tới nang đùi thì bị bó lại, bó sát rạt lên tới thắt lưng luôn. Nhìn phía sau thì bó cái mông lại đi lắc qua lắc lại, nhìn phía trước thì đúng là thảm hoạ thời trang luôn. Vì phía trước cũng bị bó lại như quần leggin’ của nữ. Hiểu rồi ha, hiệu ứng thị giác đập vào mắt người đối diện với một cục gì đó không cân đối và bị lệch sang một bên. Nếu ở Việt Nam, anh già sẽ lên trang nhất kenh14, zing, vnexpress là cái chắc. Hay một chị già mà mặc áo ren sexy, hay kiểu áo sơ mi giấu quần được nhiều chị già nhiệt tình lăng xê. Rồi có một anh thanh niên trẻ mặc cái áo ren ở ngoài, bên trong thì có cái áo ống nhỏ xíu để che 2 con ốc vít. Ngộ quá, lạ quá, kỳ cục nữa. Nhưng ai quan tâm cơ chứ. Ngoài tôi dòm theo, còn lại những người khác trên đường đi qua như chuyện thường tình thế thế. Họ không len lén nhìn, không chỉ trỏ, không bình phẩm, không cười khúc khích, không lấy máy chụp hình ra tác nghiệp. Làm như thế kẻo bị kiện thì thấy bà nữa. Thuý kể, ở Nhật, quyền riêng tư là quyền không thể xâm phạm. Nếu anh ấy cua cô ấy, mà cô ấp không chấp nhận thì đừng có mà xà quần trước cửa nhà cô ấy, gọi cảnh sát liền. Hay việc chụp hình người khác cũng coi là điều cấm nếu không được cho phép. Vâng, cấm. Nhưng trên cả sự cấm là sự tự giác, hoặc ít ra những điều cấm đó đi vào đời sống một cách tự nhiên, như hơi thở, như là việc hiển nhiên.

Bạn bè tôi hay nói: Nhật quậy lắm. Vì lên mạng kiếm 1 cái là ra cả đống phim nữ sinh Nhật Bản. Vâng, đó cũng là một thế giới sôi đông ở Kabukicho hoạt động xuyên đêm dài với sự táo bạo mà những phố đèn đỏ khác trên thế giới phải thán phục. Nhưng xin thưa, đó không phải là tất cả. Bước ra khỏi Kabukicho đã là một thế giới khác. Bạn có thể tìm thấy một cửa hàng bán đồ sex toys bên ngoài khu vực Kabukicho không? Không thể. Bạn có tìm thấy một nhà chứa nào nằm ngoài khu vực Kabukicho không? Không. Mọi sự hoạt động về sex nằm gói trong khu vực đó. Còn bên ngoài kia là thế giới của sự thịnh vượng, của sự ngăn nắp, của sự trật tự, của sự giàu có, của hiện đại xen lẫn truyền thống một cách tuyệt diệu…

Một đất nước tiên tiến là một đất nước giải phóng người dân của họ thành những cá thể tự do. Người Nhật bản thân họ là những công dân của một đất nước tiên tiến, nhưng cái hay của họ là vẫn giữ được cái gốc của một dân tộc. Môn thể thao được kính trọng vẫn là sumo, những đền chùa vẫn được giữ gìn cẩn thận và tôn trọng, những quy tắc trong xã hội vẫn được lưu giữ và phát triển lên một tầm cao mới. Họ tự do ăn mặc theo sở thích, theo cá tính trong cái khuôn khổ văn hoá phương Đông kín đáo, họ được quyền nói những gì họ thích nhưng họ ăn nói nhỏ nhẹ, từ tốn, khiêm nhường. Chẳng có sự gượng ép nào ở đây cả. Cũng giống như một bé gái ở Việt Nam đều phải thuộc nằm lòng bài ca nếu ra đường một mình sẽ bị bắt cóc, hiếp dâm, mẹ vắng nhà mà mở cửa sẽ bị lừa gạt, ăn trộm, không được tin người lạ… Bài học vỡ lòng của trẻ con sẽ theo chúng đến lớn, quan trọng là chúng được dạy những gì mà thôi…
10418442_10152570329336622_7558936924019293037_n.jpg

10574399_10152570330336622_6733897067015763953_n.jpg

12196_10152570329896622_6510237197467603952_n.jpg
 
Đọc đoạn miêu tả của bạn về thời trang mà k dám cười to bởi đang trong văn phòng :D. Cảm ơn bạn rất nhiều về những chia sẻ, những dòng hồi kí về những vùng đất mà bạn đã qua. Lần nào vào diễn đàn mà thấy topic của bạn được update cái mình phải vào đọc ngay bởi biết rằng có rất nhiều điều mới mẻ và thú vị đang chờ đón mình trong từng bài viết của bạn^^. Chờ đón những chia sẻ tiếp theo của bạn nhé!
 
Tokyo - Trên thành phố của im lặng (P.4)

Tôi đứng bật dậy khi người bồi bàn quỳ xuống chân tôi ghi order. Không thể, tôi không thể ngồi đó mà ra vẻ như là một khách hàng. Người Nhật quả là kỳ lạ. Người bồi bàn nhìn tôi cười, bảo là không sao đâu, đó là chuyện bình thường. Và nhiều câu chuyện khác xảy ra trong những ngày này, để tôi viết trên facebook rằng: Nếu có yêu, hãy yêu một người Nhật…

Không chỉ một mà là nhiều lần, những người bồi bàn quỳ dưới chân khách hàng để gọi món. Sau lần đầu tiên bật dậy vì bỡ ngỡ, những lần sau tôi quan sát xung quanh và quen dần. Đó là dịch vụ. Và nói về dịch vụ thì không đâu bằng Nhật. Từ hàng quán lề đường đến nhà hàng sang, từ trung tâm mua sắm đến siêu thị giá rẻ, nơi đâu cũng là những nụ cười của cô bán hàng, của anh nhân viên đi ngang hỏi khách có cần thêm gì không. Nhiều lần lắm tôi nghĩ rằng để cân bằng bài viết của mình thì phải có thêm phần phê bình phê phán vào. Nhưng thật sự, tôi không tìm được một điểm gì để chê cả. Mà chỉ có thể nói rằng mọi thứ đạt đến trình độ hoàn hảo. Làm gì có sự hoàn hảo trong thế giới này, đúng không? Hãy đến Nhật một lần. Để dẹp bỏ những nghi hoặc, để trải lòng mình ra và để tin tưởng vào con người.

Hoàn hảo chính là những giá trị mà xã hội mang lại cho con người sống trong xã hội đó. Tôi đã đôi lần suýt đứng tim vì không tìm ra nhà vệ sinh để đi tè trong khi lang thang ở downtown Los Angeles. Ở đó, các hàng quán không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh có mật mã mà chỉ có nhân viên mở cửa cho khách hàng của họ vào. Nhưng ở Tokyo và những thành phố khác của Nhật, các nhà vệ sinh mở cửa chào đón mọi người. Chỉ cần bạn cảm thấy cần có nhu cầu giải quyết, thì chắc chắn trước mặt bạn là một biển chỉ dẫn đến nhà vệ sinh gần nhất. Những nhà vệ sinh công cộng ở mọi thành phố đều ám ảnh tôi bởi sự bẩn thỉu, không giữ gìn vệ sinh chung. Vậy mà ở Nhật, đó là một điều ngạc nhiên hoàn hảo. Mọi nhà vệ sinh, dù lớn trong hầm tàu điện ngầm hay trong sân bay, dù nhỏ trên đường thì cũng đều sạch sẽ đến kinh ngạc. Những nhà vệ sinh được lắp đặt với công nghệ mới, sạch sẽ không một giọt nước đọng trên thành vệ sinh, hệ thống rửa, nước ấm, vòi phun, thơm tho… đến hoàn hảo. Vậy thì có khác gì nhau giữa dịch vụ của khách sạn 5 sao và những nhà vệ sinh trên đường? Nếu nói về giá trị mà người dùng được nhận thì không khác nhau. Mọi sự tiện lợi, sạch sẽ đều được nâng tầm lên thành ý thức của cả cộng đồng. Đấy, người Nhật kỳ lạ như vậy đấy…

Đương nhiên, sẽ không có chuyện một người lao công túc trực trong nhà vệ sinh, tay lăm lăm cây lau nhà đâu. Chi phí nhân công ở Nhật rất đắt đỏ, nên việc thuê một người làm chuyện đó không thể là điều phổ biến. Chỉ có ý thức giữ gì vệ sinh chung, ý thức tôn trọng người khác, tôn trọng cộng đồng mình đang thuộc về, hướng đến giá trị chung chứ không còn là lợi ích cá nhân cỏn con nữa. Tôi không ngạc nhiên khi đang đi trên đường mà có một người cúi xuống nhặt miếng rác để bỏ vào thùng rác. Hệ thống phân loại rác ở Nhật cũng vô cùng phức tạp, hơn cả Mỹ và Châu Âu. Bao gồm rác ni lông, rác chai miểng, rác giấy, rác hộp giấy, rác khác… Những khách hàng của McDonalds, Starbucks, trong các hàng bán đồ ăn nhanh… sau khi ăn xong thì tẩn mẩn tỉ mỉ phân loại rác và bưng khay để vào vị trí. Để một người khách lạ như tôi, quen được cung phụng tận tay tận chân cũng cảm thấy mình thật là vô dụng khi những việc như thế ở Việt Nam mình cũng không làm được. Nên sau này, ai đi cà phê chung với tôi sẽ biết tại sao sau khi uống xong lúc nào tôi cũng dọn dẹp sạch sẽ trước khi ra về. Tôi tin rằng mỗi người góp một tay thì sẽ tiết kiệm được bao nhiêu là sức người sức của. Và quan trọng là nâng cao ý thức cộng đồng, cái mà ở nước mình còn yếu và thiếu nhiều lắm.

Vì nhân công mắc tiền, nên có lần đi ăn với ông khách người Nhật, tôi đã ngạc nhiên. Bữa đó, tôi hẹn với ông Ken Samizo để ăn tối. Ông là khách hàng của công ty tôi ở Việt Nam, đôi lần đến Việt Nam tôi đã rất nồng nhiệt tiếp đón. Vậy nên, sang Tokyo thì tôi nhắn cho ông liền. Buổi chiều muộn, ông Ken đến khách sạn và dắt tôi đến một nhà hàng sushi gần đó. Sau khi ngồi vào vị trí, tôi nhìn dáo dác mà không thấy nhân viên nào đến phục vụ. Chưa kịp hỏi ông Ken thì nghe tiếng chào phát ra từ cái máy tính bảng đặt trên bàn. Ông Ken cầm lên, bấm bấm các món ăn trên menu và hỏi tôi muốn ăn cái gì? Tôi hỏi: Mình gọi món qua cái máy này hả? Ông Ken bảo ừ. Ông Ken bấm bấm chọt chọt vài món rồi enter, không quên chọn thêm 2 ly bia Nhật thơm tho. Rồi rất nhanh, nhân viên bưng đồ ăn vào. Nhanh gọn lẹ đến không ngờ. Tôi nghĩ về những quán sushi có nhiều nhân viên hơn khách ở quê nhà, bật cười. Ông Ken hiểu nên cũng cười. Cười thôi, suốt buổi chỉ là cười thôi vì có nhiều chuyện tôi không tưởng tượng được.

Lần trước khi ông sang Việt Nam, ông nhất định phải kiếm một thông dịch viên tiếng Nhật. Tôi không hiểu lắm vì ông viết email tiếng Anh rất hay, rất chuẩn. Khi trên taxi tôi cũng hỏi ông vài câu nhưng ông trả lời ngắn gọn và sau đó là không nói gì. Tôi nghĩ rằng, ơ hay, hay là người Nhật họ chảnh chẹ coi người Việt Nam mình không ra gì? Sau đó thì mọi giao tiếp của tôi với ông chủ yếu thông qua anh thông dịch viên. Mà chỉ cần không gặp nhau, làm việc bằng email thì mọi thứ trôi chảy đến ngạc nhiên. Lần này, chẳng có thông dịch viên nào cả. Tôi ngồi đối diện với ông trong quán sushi trứ danh Hokkaido. Tôi hỏi, cố tính nói tiếng Anh thật chậm. Có vài câu ông hiểu, và vài câu không. Cười trừ. Sau đó ông nói cái gì tiếng Anh tiếng Nhật tôi cũng chả hiểu. Rồi ông bắt đầu làm cho tôi hiểu mọi ngọn nguồn của những thắc mắc lâu nay: Ông dùng google translate. Ông gõ tiếng Nhật vào đấy, dịch sang tiếng Anh và đưa tôi đọc. Sau đó tôi gõ tiếng Anh vào đấy, ông dịch sang tiếng Nhật để đọc. Trời ơi. Thì ra trước giờ những email ông trả lời tôi là do google translate. Vậy thì phải vỗ tay khen anh google translate vì ảnh dịch quá chuẩn, ngữ pháp ngon lành, câu cú rành mạch. Nhưng thương nhất là cái cách mà ông cảm thấy có lỗi, thấy áy náy vì không thể giao tiếp được với tôi. Ông luôn miệng xin lỗi, luôn cố gắng giải thích dù rằng càng giải thích thì ông càng dùng tiếng Nhật nhiều hơn. Bữa ăn trôi qua với những cái cười thấu hiểu mặc dù không giao tiếp gì nhiều. Và tôi biết rằng tôi đã vượt qua được thứ giao tiếp đơn giản nhất là ngôn ngữ để có thể hiểu nhau hơn. Tâm lý đi bụi đến nơi không dùng tiếng Anh thì sẽ ngại ngần chùng bước. Cũng đúng thôi. Nhưng một khi dám đối diện với nó, vượt qua nó thì tôi tin rằng ngay cả khi không nói tiếng người thì vẫn có thể làm cho người khác hiểu ý mình. Đó là ngôn ngữ chung của thế giới: body language. Nó làm người ta vượt qua những trở ngại để đi xa hơn, đến những nơi mà họ đã nghĩ là "không thể". Vâng, không có gì là không thể. Chỉ có cái gọi là dám hay không mà thôi, nhỉ?

Mà trong cái xui cũng có cái hên. Vì không nói được nhiều nên tập trung ăn. Vì là khách, nên tôi được ông thết đãi những món ngon vật lạ tinh tuý sushi Nhật Bản. Tôi ăn chậm rãi, món này qua món khác. Những món như mực tươi, tôm tươi… cả đời tôi chả dám đụng tới ở Việt Nam thì bây giờ tôi quất tuốt. Nhưng ấn tượng nhất và ngon nhất là món càng cua Hokkaido. Loại cua này chỉ ăn được càng và chỉ sống được ở Hokkaido, nên gọi là đặc sản. Thịt cua thơm ngon chưa từng có. Đối với đứa không sành ăn như tôi, đó là món hải sản ngon nhất tôi từng được nếm. Lần trước khi ông sang Việt Nam, tôi chịu chi rủ ông đi ăn trong nhà hàng Ngọc Sương Marina. Vậy nên lần này ông đãi tôi, chứ tôi đi bụi mà, tiền đâu mà có những trải nghiệm sang trọng như vầy chứ. Hên ở chỗ đó. Ông bà mình thường nói: Rộng rãi thì trời cho là vậy. Còn ki bo thì trời co lại…
10402434_10152574334311622_8021287633547331702_n.jpg

10580040_10152574311356622_5371273876187525187_n.jpg

10534413_10152574312991622_8215866868673753623_n.jpg

10494740_10152574313606622_8501516779525650921_n.jpg

10530714_10152574314256622_5989965569525881286_n.jpg
 
Cảm ơn bạn rất nhiều vì những khích lệ của bạn. Chỉ biết nói là cố gắng, cố gắng và cố gắng.

Đọc đoạn miêu tả của bạn về thời trang mà k dám cười to bởi đang trong văn phòng :D. Cảm ơn bạn rất nhiều về những chia sẻ, những dòng hồi kí về những vùng đất mà bạn đã qua. Lần nào vào diễn đàn mà thấy topic của bạn được update cái mình phải vào đọc ngay bởi biết rằng có rất nhiều điều mới mẻ và thú vị đang chờ đón mình trong từng bài viết của bạn^^. Chờ đón những chia sẻ tiếp theo của bạn nhé!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,616
Bài viết
1,153,973
Members
190,147
Latest member
inhopgiaymem
Back
Top