Tokyo - Trên thành phố của im lặng (P.3)
Không thể nào tưởng tượng được, từ hồi biết nói tới giờ, chưa có bao giờ tôi không nói chuyện lâu như thế. Những ngày ở Tokyo, tôi tan ra trong lòng thành phố. Tôi hoà lẫn vào dòng người xuôi ngược trên những đại lộ đông đúc tưởng như những con người này lăn ra từ những hộp đựng đầy những viên bi xanh đỏ. Tan ra, hoà lẫn vào, im lặng, hào hứng, vui vẻ. Trước khi đi, đã được nói nhiều về những chuyện người Nhật không thể nói tiếng Anh. Tôi không lo sợ điều đó nhiều, vì ngoài ngôn ngữ thì còn nhiều cách khác nhau để có thể giao tiếp được giữa người với người. Với lại, ai cũng nói Trung Quốc không nói tiếng Anh, nhưng tôi có những người bạn Thượng Hải bắn tiếng Anh siêu hạng. Vậy đấy, nhiều khi “nghe nói là” thường không phải cái gì cũng chính xác. Nên tôi tin rằng những người trẻ sẽ dùng tiếng Anh với tôi được. Nhưng không hẳn thế. Trong những lần lạc đường hay hỏi đường, có nhiều người khi tôi nói Excuse me thì đã cười rồi nói sorry. Chắc rằng không phải họ từ chối, mà là họ không thể hiểu những gì tôi sắp nói. Nhưng cũng có nhiều người không nói được nhiều vẫn nhiệt tình giúp đỡ, giúp đến khi nào được thì thôi.
Nhưng, lại nhưng, mọi thứ không bi kịch đến thế. Không phải người Nhật không nói được tiếng Anh một cách hoàn toàn. Chỉ khi hỏi một câu dài quá hoặc nói cái gì khó thì họ thua, chứ chỉ vô bản đồ hỏi 1 địa danh thì họ hoàn toàn có thể chỉ được. Họ có thể chào hỏi đơn giản, chỉ đường đơn giản, giao tiếp đơn giản. Thật ra như thế cũng quá đủ. Vì tôi nào có phải tìm người để tâm sự chuyện đời hay chia sẻ về quan điểm sống. Cái tôi cần là ê công viên đó đi như thế nào, ê tuyến tàu này có đi ngang/ đến/ về địa điểm này phải không, ê H&M ở chỗ nào vậy? Thế thôi, đơn giản mà hoá ra lại hay.
Trên cả việc nói được tiếng Anh hay không, thì bản thân người Nhật đã là những người ít nói. Cả một dân tộc nói ít, nói chậm, nói nhỏ, thì thào, thì thầm… Đường phố đông đúc là thế nhưng hiếm khi nghe tiếng rì rào rì rầm của tiếng người, tiếng con nít khóc, tiếng ba mẹ chửi con, tiếng kèn xe, tiếng nhạc trên đường… Chỉ có tiếng những con quạ đậu trên những mái nhà, những cành cây kêu lên giữa buổi chiều tĩnh lặng. Lần đầu tiên tôi ngồi tàu điện ngầm ở Tokyo, tôi không khỏi ngạc nhiên khi tàu đông là thế trong giờ tan tầm nhưng mỗi người ôm một cái điện thoại chơi game, ôm một cuốn sách đọc, hoặc nói chuyện điện thoại với âm thanh rất nhỏ. Trong cái đám đông con người đó, không ai có ý định làm phiền người bên cạnh. Như thể họ bất động đợi đến lượt mình làm những phần việc của mình. Tôi để ý mấy đứa con nít cấp 1, nhảy lên tàu, móc manga ra đọc, im lặng đến khi xuống tàu chứ không có nhoi hàng làm mệt. Nếu từ nhỏ đã được đào tạo như thế thì đương nhiên họ sẽ thành những người lớn tôn trọng sự yên lặng của người khác, biết nhìn trước nhìn sau và khiêm nhường biết bao.
Vâng, người Nhật khiêm nhường. Ngay cả khi trận sóng thần Tohoku năm 2011 làm 15.854 người thiệt mạng, 9.677 người bị thương và 3.155 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản và hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn, thì người Nhật vẫn xếp hàng trật tự để đợi sơ tán, nhận trợ cấp từ chính phủ. Ngay cả khi người thân của họ đã chết hoặc mất tích thì họ vẫn gạt nước mắt đợi chờ sự trợ giúp của chính phủ chứ không nhao nhao lên, làm mất trật tự. Ngay cả trận thua World Cup với Bờ Biển Ngà thì những cổ động viên vẫn ở lại, nhặt rác trên những hàng ghế trong sân vận động. Những buổi sáng, già trẻ đều mặc những bộ vest lịch sự, đi bộ đến trạm tàu điện ngầm. Hồi dạo đọc báo thấy Thủ tướng Nhật đi tàu điện ngầm đi làm, tôi cười tưởng sặc. Ôi hay là cái kiểu vi hành mà có 800 phóng viên chạy theo chụp hình nhỉ? Nhưng khi sang đây, nhìn thấy cách mà xã hội họ vận hành, thì chuyện Thủ tướng buổi sáng đón xe điện ngầm đi làm cũng chẳng có gì làm lạ.
Những suy nghĩ trước khi đi về xăm hình, về sex, về sự phóng túng của người Nhật đã hoàn toàn thay đổi khi tôi đến đây. Ra đường, rất khó thấy một cô gái ăn mặc hở hang dù những ngày đó là những ngày mùa hè. Nhưng họ dám thể hiện. Nếu 10 người Nhật ở trước mặt bạn thì chắc hẳn đó là 10 phong cách thời trang khác nhau. “Khác biệt để tồn tại” - Đó là những gì tôi cảm nhận được. Ở mình, ai ăn mặc khác biệt 1 chút là lên dĩa ngay. Nhưng Tokyo thì họ thích điều đó. Khác biệt, điên rồ, táo bạo, cá tính… Bữa đó đi ngoài đường có một anh già khoàng 50 tuổi vậy, ở trên mặc cái áo bó muốn nín thở, cái áo đó bỏ trong cái quần mà không biết tả thế nào nữa. Thế này nhé, hai cái ống loe rất to, tới nang đùi thì bị bó lại, bó sát rạt lên tới thắt lưng luôn. Nhìn phía sau thì bó cái mông lại đi lắc qua lắc lại, nhìn phía trước thì đúng là thảm hoạ thời trang luôn. Vì phía trước cũng bị bó lại như quần leggin’ của nữ. Hiểu rồi ha, hiệu ứng thị giác đập vào mắt người đối diện với một cục gì đó không cân đối và bị lệch sang một bên. Nếu ở Việt Nam, anh già sẽ lên trang nhất kenh14, zing, vnexpress là cái chắc. Hay một chị già mà mặc áo ren sexy, hay kiểu áo sơ mi giấu quần được nhiều chị già nhiệt tình lăng xê. Rồi có một anh thanh niên trẻ mặc cái áo ren ở ngoài, bên trong thì có cái áo ống nhỏ xíu để che 2 con ốc vít. Ngộ quá, lạ quá, kỳ cục nữa. Nhưng ai quan tâm cơ chứ. Ngoài tôi dòm theo, còn lại những người khác trên đường đi qua như chuyện thường tình thế thế. Họ không len lén nhìn, không chỉ trỏ, không bình phẩm, không cười khúc khích, không lấy máy chụp hình ra tác nghiệp. Làm như thế kẻo bị kiện thì thấy bà nữa. Thuý kể, ở Nhật, quyền riêng tư là quyền không thể xâm phạm. Nếu anh ấy cua cô ấy, mà cô ấp không chấp nhận thì đừng có mà xà quần trước cửa nhà cô ấy, gọi cảnh sát liền. Hay việc chụp hình người khác cũng coi là điều cấm nếu không được cho phép. Vâng, cấm. Nhưng trên cả sự cấm là sự tự giác, hoặc ít ra những điều cấm đó đi vào đời sống một cách tự nhiên, như hơi thở, như là việc hiển nhiên.
Bạn bè tôi hay nói: Nhật quậy lắm. Vì lên mạng kiếm 1 cái là ra cả đống phim nữ sinh Nhật Bản. Vâng, đó cũng là một thế giới sôi đông ở Kabukicho hoạt động xuyên đêm dài với sự táo bạo mà những phố đèn đỏ khác trên thế giới phải thán phục. Nhưng xin thưa, đó không phải là tất cả. Bước ra khỏi Kabukicho đã là một thế giới khác. Bạn có thể tìm thấy một cửa hàng bán đồ sex toys bên ngoài khu vực Kabukicho không? Không thể. Bạn có tìm thấy một nhà chứa nào nằm ngoài khu vực Kabukicho không? Không. Mọi sự hoạt động về sex nằm gói trong khu vực đó. Còn bên ngoài kia là thế giới của sự thịnh vượng, của sự ngăn nắp, của sự trật tự, của sự giàu có, của hiện đại xen lẫn truyền thống một cách tuyệt diệu…
Một đất nước tiên tiến là một đất nước giải phóng người dân của họ thành những cá thể tự do. Người Nhật bản thân họ là những công dân của một đất nước tiên tiến, nhưng cái hay của họ là vẫn giữ được cái gốc của một dân tộc. Môn thể thao được kính trọng vẫn là sumo, những đền chùa vẫn được giữ gìn cẩn thận và tôn trọng, những quy tắc trong xã hội vẫn được lưu giữ và phát triển lên một tầm cao mới. Họ tự do ăn mặc theo sở thích, theo cá tính trong cái khuôn khổ văn hoá phương Đông kín đáo, họ được quyền nói những gì họ thích nhưng họ ăn nói nhỏ nhẹ, từ tốn, khiêm nhường. Chẳng có sự gượng ép nào ở đây cả. Cũng giống như một bé gái ở Việt Nam đều phải thuộc nằm lòng bài ca nếu ra đường một mình sẽ bị bắt cóc, hiếp dâm, mẹ vắng nhà mà mở cửa sẽ bị lừa gạt, ăn trộm, không được tin người lạ… Bài học vỡ lòng của trẻ con sẽ theo chúng đến lớn, quan trọng là chúng được dạy những gì mà thôi…