What's new

Ghi chép Nepal - Ấn độ 2012

Một người bạn giục, anh post lại Ghi chép của anh lên Phượt đi, lần lữa mãi, rồi ừ thì post. Thông tin về các chuyến đi và điểm đến các bạn có thể tìm thấy trên Lonely Planet và trên mạng rất nhiều, ở đây chỉ là những dòng ghi chép dọc đường của một chuyến đi dài 16 ngày qua Nepal và Ấn độ.

Mấy năm nay, từ ngày gia đình có tí "điều kiện", cả năm tôi cứ nhăm nhe săn vé rẻ để đến Tết là trốn đi chơi. Trốn nhậu nhẹt, trốn chúc tụng, trốn mừng tuổi…

Năm đầu tiên còn rón rén tối mùng 4 Tết khởi hành, rồi lấn dần tối mùng 3 Tết, rồi mùng 2 Tết. Năm nay dự định đi hẳn từ 30 tết cho hoành tráng luôn. Dự định là thế và tìm được một đoàn đi Nepal - Ấn độ trên phượt. Bàn bạc nát hết cả đường đi, điểm đến… Đến lúc chuẩn bị đặt vé thì ông anh đi cùng chuyến Tây Tạng lần trước nằn nì:

"Thôi mày lùi lại mấy hôm cho anh đi cùng đi, chứ Tết nhất bỏ nhà đi, bạn bè rồi cả họ nhà anh tưởng anh giận vợ giận con… Anh thèm đi Ấn độ lắm mà không đi cùng mày anh chẳng biết đi với ai…"

Thế là nghe bùi tai, hỏi lại một câu: "Anh chắc chưa?"

"Chắc 100%, lần này bị đuổi việc anh cũng đi. Anh đưa tiền cho mày mua vé luôn này…"

"Okie. Thế thì đi thôi, để em cancel đội kia, bốn anh em đi với nhau. Bộ tứ siêu đẳng được đi cùng nhau thì còn gì bằng." (Sau chuyến đi Tây Tạng lần trước bốn thằng ham vui và ham nhậu nhẹt suốt ngày tụ tập, rồi tự phong cho nhau là 4 anh em siêu nhân. Người già nhất gần 50, người trẻ nhất cũng gần 30).

Thế là từ vị trí đi ké đoàn khác, bốn anh em lập thành một đoàn mới, khấp khởi lên đường. Chức trưởng nhóm được giao lại cho tôi - Lo cho một chuyến đi trong nước thì cũng được vài lần, nhưng lần đầu tiên phải lo cho một chuyến đi đến chỗ lạ hoắc, thông tin thì toàn trên internet truyền lại, chưa biết các bạn sẽ dùng ngôn ngữ gì giao tiếp, rồi điểm đến, ăn ở đi lại như thế nào... Một mình đã vậy, lại còn thêm 3 ông nữa, mỗi ông một tính... Thế là lại hì hụi tìm thông tin trên Phượt, trên Lonely planet để book vé, điểm đến...

Chặng khó nhất là book vé máy bay Bangkok - Kathmandu thì may mắn được các bạn phượt chia sẻ cho một agency ở Kathmandu, có thể đặt vé của Nepal Royal Airline, rẻ bằng 1/3 so với Thai airways. Nhưng các bạn Nepal này không hề bán vé trên mạng mà toàn qua agency và giá cũng vô cùng khác nhau giữa các agency. Viết mail mỏi tay mới thấy trả lời. Chuyển tiền sang gần 2 tháng vẫn bảo tiền chưa đến nơi, trong khi bên này ngân hàng đưa cả code đối chiếu, mấy thằng tưởng bị lừa mất 1000$ vì giao dịch với các bạn agency này chỉ bằng niềm tin. Đến lúc hết hi vọng, xác định bị lừa rồi thì các bạn lại gửi vé và xin lỗi rối rít vì sự chậm trễ.

Book vé máy bay, tầu hỏa rồi cả phòng xong xuôi, chỉ chờ ngày lên đường thì chính ông anh nài nỉ lùi ngày thông báo một tin buồn:

"Anh bị ép lên làm sếp và vụ này cho anh xin cancel…"

Dớp chuyến đi Tây Tạng lặp lại. Lại một bạn bị ở nhà vào phút cuối. Thôi thì đành ở lại vì tương lai vậy, biết làm sao. Bộ tứ siêu đẳng chỉ còn lại Ba anh em siêu nhân và giờ đang ngồi trên chuyên bay RA 402 từ Bangkok đến Kathmandu của hãng hàng không Nepal Royal Airline, một chiếc Boeing 747 già nua, theo Lonely Planet thì đội bay này đã được các bạn Nepal đầu tư từ năm 1995, đến nay được 17 năm và chưa một lần thay mới. Các bạn tiếp viên cũng già không kém, nhưng bù lại rất niềm nở và đồ ăn trên máy bay rất ngon.

Mà còn đòi hỏi gì với giá 255$ so với hơn 700$ của các bạn Thai airways, và chỉ còn vài phút nữa chúng tôi sẽ hạ cánh xuống sân bay Kathmandu, một trong những sân bay nguy hiểm nhất thế giới.
 
@caocao: trai nguoc voi giao thong tai Kushinaga, chuyen di Darjeeling thang 6.12 vua qua. Nhom minh co di Jeep from Siliguri to Darjeeling, thuc su la rat phuc tai lai xe va tinh chuyen nghiep cua Jeepny Drivers, ho biet nhan nai va nhuong nhin nhau giua 2 xe Jeep leo Nui va xuong Nui, chi can tham, lan nhau 1 vong Banh Xe la xe di len Darjeeling theo huong leo Nui bi ep vao sat Vuc Sau lien!
Trong suot hanh trinh 3 tieng khong thay bong dang xe bus. Vi duong Nui nay chi lot du 2 xe Jeep chay nguoc nhau.
Sau nay biet duoc xe bus to chay DUONG khac.
Canh rat dep from Siliguri to Darjeeling va Darjeeling down to Kalimpong by Jeep road.
 
Tớ đến chết mất vì ganh tị với bạn thôi, bài viết hay lắm, ảnh chụp đẹp lắm. Cảm ơn chủ thớt rất nhiều, tiếp tục nữa nhen
 
Các bạn đi trước dọa Ấn độ bẩn lắm, đồ ăn kinh khủng lắm, không có thịt mà ăn... Đến hôm nay là hôm thứ hai trên đất Ấn độ, đúng là bẩn thật nhưng vẫn còn chịu được. Đồ ăn thì đúng là ít thịt. Chỉ có thịt gà là nhiều, nhưng vẫn ăn tốt.

422480_376480709029209_402463240_n.jpg


Buổi sáng ngủ dậy gặp ba bác đến chùa đêm qua. Các bác đã ở Ấn độ được 4-5 tháng. Mỗi người tự đi một mình, nhưng rồi người thì gặp ở sân bay, người thì gặp ở Bodh Gaya giờ họp thành một nhóm. Lúc đầu định đi ngắn ngày, nhưng rồi ở Bodh Gaya gặp hết thầy này đến thầy khác quán đỉnh, nên theo họ đi theo các thầy từ điểm này đến điểm khác, mỗi lớp quán đỉnh 25 ngày, vèo cái 4-5 tháng. Các bác bảo tự nấu ăn, chứ không ăn được đồ Ấn độ.

Ba bác này có vẻ sùng đạo, nói về Phật pháp say sưa. Vào tháp để tượng Phật nhập niết bàn, quỳ lậy lòng vòng một lúc rồi gạ ngay mấy chú bảo vệ để mấy tấm vải phủ lên tượng Phật. Mà mấy bạn Ấn độ đứng bảo vệ (trông) quanh tháp cứ thấy khách đến là gạ cho vào trong xoa tay vào chân, vào tay tượng Phật rồi xin tiền. Mất hết cả cảm tình ở chốn linh thiêng. Nhưng được cái sau khi xin tiền xong, các bạn chỉ cho bức tượng Phật nhập niết bàn này đặc biệt ở chỗ, đứng phía chân tượng nhìn lên thì thấy mặt Phật đang ngủ, đứng ở giữa tượng thì nhìn thấy mặt tượng đang suy tư, và đứng trên đầu nhìn lại thì thấy mặt Phật đang cười...

Hôm qua ba thằng tá túc chùa Linh Sơn, lúc đầu mấy bạn Ấn độ trong chùa báo giá cẩn thận là 700 rupies/phòng, chiều nay đến lúc thanh toán, bạn Việt Nam phụ trách xây chùa gạt đi, bảo tiềm nong gì làm cả bọn ngại quá. Lúc lên chào ni sư lẳng lặng thả vào thùng donate số tiền liếc trộm được trong hóa đơn. Giữa nơi đất khách, được tá túc chỗ người Việt, được ăn cơm mà lại là cơm chay Việt toàn dưa muối nấu canh, váng đậu nấu canh, măng khô kho... làm mấy thằng giang hồ vặt cảm thấy nhớ nhà và rất xúc động... Thêm nữa, lúc lên xe trời nhập nhoạng tối, nhìn sang hai bên đường, ánh đèn lập lòe trong những căn nhà bên đường, cái cảm giác nhớ nhà càng tăng lên. Nhưng chỉ được một lúc, cảm giác nhớ nhà thay bằng cảm giác đua xe tốc độ. Chiếc xe Bolero không biết xuất xứ từ đâu và sản xuất từ năm nào, được cậu lái xe phóng điên cuồng trên đường, xóc nẩy tưng tưng, trên xe còn bật nhạc ầm ĩ và cậu lái xe nhấn ga theo nhạc, nhạc nhanh thì xe chạy nhanh, nhạc chậm xe chạy chậm... bó tay với các bạn Ấn độ.

420211_376481172362496_2070241866_n.jpg


Buổi sáng khi đi vòng quanh chùa Linh Sơn, suýt nữa buột mồm Crazy India với một bạn Ấn độ khi bạn hỏi cảm giác của mày như thế nào về Ấn độ, nhưng nhanh mồm nói lái sang là Amazing India, nói xong thấy bạn có vẻ hài lòng, gật gù phiên dịch lại cho các bạn xung quanh. Sau đấy bạn nhanh chóng giới thiệu các dịch vụ mà bạn cung cấp và đưa cho cái cardvisit giới thiệu quán cafe của bạn ở đầu ngõ, với đủ các dịch vụ du lịch, nhưng mặt trước lại là M.A.PhD rồi chức danh trợ giảng môn triết học ở học viện nào đấy. Đúng là Crazy India.

Nhưng nói chung cảm giác các bạn Ấn độ ở vùng này có vẻ thân thiện và rất hay chuyện. Và cũng giống Việt Nam cũng rất hay hỏi cảm giác người nước ngoài như thế nào.
 
Chưa dẫm phải phân bò coi như bạn chưa đến Ấn độ. Mình cũng chính thức xin lỗi các bạn vì lời nhận xét hồ đồ ngày hôm qua rằng Ấn độ sạch sẽ.

425886_377141068963173_1840314506_n.jpg


Tầu đến Vanarasi lúc 4g15 sáng lúc cả ba thằng còn đang ngái ngủ, thuê một chiếc richshaw về guesthouse đã đặt trước qua Agoda, có địa chỉ rõ ràng, nhưng không hiểu đường ngõ ngóc ngách, gần nhà xa ngõ, hay tại thằng lái xe không biết đường. Đến giữa đường nó bảo thả xuống, phố đây rồi, guesthouse ở trong ngõ nên xe không thể vào được. Học các bạn trên Phượt, to mồm dọa mày mà không tìm được đúng guesthouse ghi trên giấy này thì tao không trả tiền. Không dọa thế chắc nó thả luôn giữa đường. Bắt nó phải dẫn vào ngõ ngoằn ngoèo, nhưng đi mãi nó cũng chẳng tìm thấy guesthouse đâu, đang hoang mang thì lại gặp một bạn có vẻ là thổ dân bảo cứ đi thẳng là đến. Thấy bạn này có cửa hàng ở đấy nên tin luôn, đồng ý thả cho richshaw về để đi bộ vào.

404814_377141908963089_1659546653_n.jpg


Ai ngờ ngõ càng đi càng ngoằn ngoèo, mà đi mãi vẫn chưa thấy guesthouse đâu. Trời thì tối, ngõ thì bé tí, rác ngập đường thỉnh thoảng lại thấy vài con bò nằm chềnh ềnh ra giữa đường chắn hết lối đi. Đuổi không được đành phải vác vali qua đầu chúng nó mà đi. Vừa đi vừa sợ dẫm phải phân bò. Ba thằng khiêng ba cái vali đi lòng vòng đến 1 tiếng đồng hồ vẫn không tìm thấy điểm cần đến. Bạn lúc nãy gặp bảo đi thẳng là đến, tưởng bạn mở cửa hàng sớm hóa ra bạn đóng cửa lại, giờ chẳng biết hỏi ai. Thỉnh thoảng mới có người đi qua, nhưng chẳng ai biết guesthouse ở đâu. Nản quá định vào béng một guesthouse nào đấy rồi tính tiếp, thì lại gặp được một bạn nhiệt tình giúp đỡ, bảo đi theo tao, tao đưa đến tận nơi. Hóa ra chỉ đi thêm 100m nữa là đã đến.

Mệt mỏi và buồn ngủ, chỉ muốn lấy phòng ngủ ngay thì chú trực guesthouse mặt mũi ngái ngủ, lờ vờ đọc hết tờ book phòng mất đến 10 phút, rồi bắt khai tên tuổi, ngày tháng vào sổ… cuối cùng hóa ra chú hết phòng, bảo phải sau 12h trưa mới có phòng, muốn lấy ba phòng đơn như đã book hay một phòng 3 cũng được. Ba thằng thống nhất lấy một phòng 3, còn giờ thì ngủ tạm đâu cũng được.

428247_377143605629586_1186366655_n.jpg


Dân đi phượt đến sớm, phải ngủ vật vờ chờ phòng là chuyện bình thường. Thế nhưng đến 2h chiều bạn chủ guesthouse đến và bảo chúng mày book phòng giá rẻ, lại là 3 phòng single nên tao chỉ xếp chúng mày ở tiếp cái phòng tạm kia thôi (tức là phòng ngủ của nhân viên), và thêm 1 phòng single nữa chứ không có phòng triple đâu. Ba thằng nổi điên, một thằng bảo okie tao sẽ complain với bọn Agoda, tao không book phòng rẻ mà tao book phòng standard, giá không hề rẻ, ghi là 25$/phòng. Còn chúng mày giảm giá là chuyện của chúng mày. Tao không nhận cái phòng single vì nó là 1 phần cái hành lang cứ không phải là phòng. Chúng mày có đăng trên Agoda ảnh cái phòng nào như thế đâu. Nếu biết phòng single như thế tao đã không thèm đặt.

427712_377144252296188_1710761091_n.jpg


Một thằng thì bảo tao là phóng viên chuyên về du lịch, tao viết sách để cho người Việt đi du lịch khắp nơi đọc, blah blah… rồi giơ hẳn thẻ phóng viên ra. Thế là bạn chủ guesthouse bắt đầu dịu giọng, bảo sẽ chuyển cho 1 phòng 3 người ở tầng trên nhưng không có nước nóng đâu... Từ vụ này cả bọn bắt đầu ghét bọn Ấn độ làm ăn bố láo.

Vanarasi, nghe như các bạn lái thuyền và các bạn richshaw làm hướng dẫn viên bất đắt dĩ, là thành phố nằm giữa hai con sông Vanar(Baranas?) và Asi trước khi nó chẩy vào sông Hằng (Ganga/Gange), chính vì thế thành phố được gọi là Vanarasi. Đây là một trong những thành phố cổ xưa nhất thế giới (?), ồn ào và bẩn kinh hoàng. Phân bò ở khắp mọi nơi, ngay trước hàng ăn, ngay trước hàng cafe, ngay trước cửa hàng buôn bán, ngay trước cửa nhà… và không ai cho đấy là bẩn, cứ thản nhiên sống, thản nhiên ăn uống. Cứ để thế, người đi dẫm qua, dẫm lại vài lần là khô ngay. Bò ăn rác và nằm đầy đường, người đi qua sờ vào người bò một cái rồi xoa lên đầu, mặt, cổ…

417428_377144582296155_919430630_n.jpg


Ghat là các bến sông bên bờ sông Hằng. Mỗi ghat có một tên khác nhau, tổng cộng đến vài chục ghat to nhỏ trải dài từ cửa đoạn sông Asi đến cửa sông Vanar chảy vòng sông Hằng. Ghat được dùng làm bến tắm, bến thuyền, cấp nước, cúng tế, hỏa thiêu người chết… Thành phố Vanarasi là thành phố linh thiêng bên bờ sông Hằng vì người Hindu tin rằng chính thần Shiva đã xây dựng nên thành phố 5000 năm trước(?), vì thế hàng năm có hàng trăm ngàn người hành hương đến đây để được tắm nước sông Hằng trong buổi sáng và đón mặt trời mọc. Và người Hindu còn tin rằng, nếu đến đây để chết, thiêu xác và ném xuống sông thì họ sẽ thoát khỏi những kiếp luân hồi để lên một level khác.

424659_377144945629452_932656535_n.jpg


Có rất nhiều Ghat để tắm, để chơi, nhưng chỉ có 1 Ghat để thiêu người, theo các bạn Lonely Planet miêu tả, những công nhân ở đây không làm để lấy tiền mà chỉ để lấy răng vàng và trang sức của người chết. Cũng theo các bạn miêu tả, không phải ai cũng được thiêu, trẻ con, người đang mang thai… sẽ không được thiêu mà được buộc đá rồi ném thẳng xuống sông, vì thế trong khi đi thuyền trên sông, nhìn thấy tay chân giơ lên là chuyện bình thường… Thế nhưng hai lần đi thuyền trên sông không thấy có cái tay nào giơ lên vẫy xuống, ở đây mát lắm… Hỏi các bạn chèo thuyền thì bảo giờ cũng ít người thiêu bằng củi, thiêu bằng lò thiêu luôn. Nhưng water tank cấp nước cho cả thành phố cũng nằm ngay cạnh Ghat thiêu người này.

417439_377146682295945_579313573_n.jpg


Buổi tối, ở Dasawamed Ghat là nơi diễn ra lễ cúng tế gì đấy, gần giống như lên đồng của người Việt, cũng mua may với lửa, quạt… trong tiếng nhạc, chuông, trống… người lên đồng đều là con trai, đẹp trai nữa là đằng khác và múa rất dẻo. Buổi lễ kéo dài khoảng 1g, người dân cũng lắc lư, khấn vái theo điệu nhạc.
 
Vanarasi buổi sáng thức dậy trong tiếng rì rầm cầu kinh lúc bổng lúc trầm, lúc to, lúc nhỏ. Hàng đoàn người nối nhau ra sông tắm. Dashawamedh ghat là bến tắm chính vì ở đây gần chợ và đền thờ thần Shiva. Các bến khác ít người hơn, hoặc không có ai tắm.

428071_377683638908916_1100995719_n.jpg


Người Ấn độ thành kính và tin tưởng sông Hằng một cách kỳ lạ. Trẻ con bé tí chắc được 2-3 tháng tuổi đem ra tận bến sông nhỏ mấy giọt nước sông vào mồm, không cần biết ngay cạnh đấy là rác rưởi, ngay gần đấy là người tắm.

422350_377683392242274_665672787_n.jpg


Còn người già trẻ con ngụp lặn trong nước sông là chuyện thường, giặt giũ, tro từ việc thiêu xác cũng ném xuống sông. Sông Hằng sẽ rửa sạch tất cả. Nhưng ở đây ít thấy thiêu xác hơn ở Kathmandu, chỉ 1-2 xác đang được chất củi để thiêu trong buổi sáng. Còn lại được thiêu trong lò thiêu. Một lần thiêu xác bằng củi khoảng 5000 rupies ( quãng khoảng 100$) còn thiêu bằng lò thiêu thì 700 rupies (cỡ khoảng 15-20$).

417264_377684552242158_2048114566_n.jpg



Mặt trời lên, người ta vừa tắm vừa cầu nguyện. Tiếng rầm rì càng to hơn.

423761_377686015575345_710286720_n.jpg


Crazy trafic là lời bạn lái xe richshaw thanh minh mỗi lần bạn í chạy xe điên cuồng trên đường phố. Không cần guơng, không cần nhường đường, chỉ cần phanh thật ăn, cứ rồ ga lên bằng mọi giá chiếm khoảng trống trên đường đã rồi phanh kít lại, bất kể xe bên cạnh đang đi theo hướng nào. Còi thật to để giạt người đi bộ. Trên đường là một cuộc đấu trí giữa các lái xe, chiến thắng thuộc về ai nhìn ra khoảng trống trước và ai có thần kinh thép, chấp nhận đâm thẳng vào đầu xe, đuôi xe kẻ khác khiến họ sợ mà lùi bước. Thế nên có những pha ngoạn mục mà cả ba thằng cùng nhìn nhau lắc đầu, lè lưỡi, cùng chửi thề, mẹ thằng này về Việt nam lái xe thì bị ăn đòn cả ngày. Còn ở đây mọi thứ đều bình thường.

404287_377686488908631_217733481_n.jpg


Buổi chiều nhà ga Vanarasi nhìn rõ hơn buổi sáng hôm đến. Lúc này mới biết thế nào là bẩn. Đường ray ngập nước, buồn tè các bạn có thể ra thẳng đường ray tè. Bò, khỉ, chó, chuột đi lại tung tăng khắp nơi kiếm ăn trên những bãi rác. Tầu đến ngay trước mặt mà lại ghi số hiệu gộp cả 3 chuyến vào nhau nên tí nữa nhầm, ba thằng cứ thản nhiên đứng nhìn tầu ngay trước mặt. Đến lúc nhìn bảng điện tử thấy số hiệu tầu ghi trên vé chuyển sang ready mới nháo nhào đi hỏi, nháo nhào chạy đi tìm toa và lên tầu.

431559_377686728908607_498256790_n.jpg


Bẩn nhưng phải ghi nhận ga tầu ở Ấn độ văn minh, có nước sạch ở vòi có thể uống (ghi rõ drinking water), trên sân ga người ta trải chăn chiếu nằm ngồi chờ tầu, nhưng có phòng sạch sẽ điều hòa cho bạn nào có tiền vào ngồi chờ, tất nhiên là phải trả tiền. Hệ thống bảng thông báo điện tử rõ ràng, thông tin đầy đủ.
 
200 rupies cho 7km từ Ga Arga fort về khách sạn bằng xe taxi.

800 rupies cho hơn 100km cả đi và về từ khách sạn đi Fatehpur Sikri bằng taxi.

Và 50 rupies cho 5km từ nhà ga Arga fort về cổng chính của Taj Mahal bằng xe richshaw chạy bằng cơm, một loại xe đạp kéo giống ở Việt nam.

432004_380257658651514_683810062_n.jpg


Đổi tiền ngoài phố tỷ giá dao động từ 47 - 48 rupies/usd, nhưng đổi tiền trong ngân hàng giá 45 rupies/usd, trừ thuế còn 44 rupies, nhưng đứng kỳ nèo một hồi, bảo giả lại tao tiền tao ra ngoài đổi thì bắt đầu đưa về tỷ giá 45 vì không tính trừ thuế, thêm một lúc nữa thì về giá 46 rupies/usd vì không tính hoa hồng, bố khỉ.

431351_380258545318092_1220664422_n.jpg


Nói chung giá cả của các bạn Ấn độ nhặng xị ngầu, không biết đằng nào mà lần, cứ nhẩm theo giá Việt nam lúc thì hớ, lúc thì lãi. Nhưng nói chung trình mặc cả của cả ba thằng vẫn còn kém. Hình như, chỉ thỉnh thoảng mới mua bán được đúng giá.

428738_380258931984720_671204157_n.jpg


Bia ở Ấn độ rất đắt, 300 rupies cho 2 chai, uống xong lè lưỡi ra vì tức. Bia vừa chán, vừa nhạt phèo.

417583_380259368651343_755753657_n.jpg


Arga là thành phố thủ phủ của tỉnh Ulta, đường phố sạch sẽ, thoáng đãng hơn rất nhiều so với Vanarasi, và đặc biệt xe chạy trên đường rất từ tốn, nhường đường cho nhau đúng luật, trâu bò thả rông ngoài đường cũng ít hơn, hầu như ít thấy trong thành phố, chỉ có ở ngoại ô. Nhưng không phải thả rông mà có người chăn dắt đàng hoàng. Điều này không hề giống như Vanarasi. Đáng ra Vanarasi phải gọi là Crazy city chứ không phải là Holly city.

429450_380259558651324_704998822_n.jpg


Các bạn đi Ấn đều than thở phải ăn toàn rau, không hề có tí thịt nào. Thế nhưng ba thằng lùng sục khắp nơi và tìm ra một quán ăn thịt gì cũng có thậm chí là thịt bò. Sung sướng hí hửng gọi một xuất beefteak, nhưng ăn chỉ để có cảm giác sung sướng vì được ăn bò thần của các bạn Ấn độ mà thôi chứ còn chả ra gì. Beefteak mà sốt đậu với masala với những cái gì đấy đổ lên trên, ba thằng ngắc ngứ mãi mới hết được 1 miếng, đấy còn là vừa ăn vừa động viên nhau. Mà ở ngay cổng phía Tây của Taj Mahal có một hàng bán thịt, tuy che kín cửa suốt ngày, nhưng lần nào đi qua cũng thấy rất đông khách và tiếng băm chặt tíu tít.

422977_380259745317972_339881167_n.jpg


Taj Mahal đẹp đến từng centimet, từng khối, từng khối đá cẩm thạch trắng muốt chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, sống động xếp chồng lên nhau,tạo thành khu lăng mộ chính. Mầu trắng của đá cẩm thạch nổi bật trên nền đỏ sẫm của đá sa thạch dùng để xây tường thành bao quanh và những khu đền phụ. Khi chưa đến Taj Mahal, chỉ được nhìn qua ảnh, chắc ai cũng chỉ nghĩ đấy là một tòa nhà đẹp, thế thôi. Nhưng khi được tận mắt nhìn thấy, tận tay sờ vào những họa tiết trang trí, được nhìn ngắm bằng mắt mình, lúc đấy mới khâm phục tài năng của những người thợ Ấn độ.

Tại sao lại có thể chạm trổ trên những khối đá cẩm thạch cứng như đấy những hoa văn tuyệt đẹp, sống động, cân xứng. Tại sao chỉ bằng tay mà những phiến đá cứng và thô ráp có thể biến thành tấm mành mỏng manh, mềm mại, họa tiết hoa văn đều tăm tắp, không tìm thấy một lỗi sai nhỏ. Tại sao bằng trí tưởng tượng và công cụ thô sơ có thể xây được một công trình có tỷ lệ hài hòa, cân xứng mà các kiến trúc sư ngày nay với đủ các phần mềm, máy móc hỗ trợ cũng không nhiều người đưa ra được tỷ lệ cân xứng như thế. Và với công nghệ xây dựng hiện đại, những mái vòm kia xây lên chưa chắc có thể tròn xoe như thế. Đấy còn chưa kể những đền đài xung quanh, ngay cả sân cũng được tính toán lát đá mầu sắc hài hòa làm nổi bật công trình. Chỉ có thể giải thích được đấy là tình yêu đã làm nên một kỳ quan như thế.

Trong tiếng Ấn độ, Taj hình như có nghĩa là vương miện, Taj Mahal là vương miện cho hoàng hậu Mahal. Kiệt tác kiến trúc này được ông vua Ấn độ nhưng gốc Mông Cổ xây dựng trong vòng 16 năm để tưởng nhớ bà hoàng hậu Mahal. Ông vua này yêu vợ đến nỗi, hoàng hậu từ năm 22 tuổi đến năm 38 tuổi đẻ đến 14 người con cho vua, nên bà không chết sớm mới là lạ.

Arga Fort lại là một kiến trúc khác, một pháo đài kiên cố và nguy nga. Hào nước bao quanh, hai tầng thành và những cung điện nguy nga tráng lệ nối tiếp nhau từ dẫy này sang dẫy khác. Tất cả được xây bằng đá sa thạch đỏ và đá cẩm thạch. Góc đẹp nhất của pháo đài chính là sân ngắm cảnh hướng ra sông và nhìn về Taj Mahal. Chỉ tiếc một điều, mấy hôm nay trăng đang tròn rất đẹp không được ngắm Taj Mahal dưới trăng vì giá vé quá đắt. Haizz ngân sách đã bị thâm thủng vì không nghĩ giá vé vào các khu di tích ở cả Nepal và Ấn độ đắt đến thế, chưa kể cái tội chỉ ăn chay thịt, không ăn chay rau và tội mua sắm vô độ ở Kathmandu.
 
Ấn tượng đầu tiên về Jaipur - Pink city là bạn chủ Guesthouse rất vui vẻ, nhiệt tình, ân cần hỏi han chúng tôi. Và là bạn duy nhất từ trước đến giờ nói một câu như trong phim với cả 3 thằng:

"Welcome to a nice guesthouse."

Quả thật là một guesthouse đẹp, sạch sẽ. Cả ba thằng thấy hài lòng. Sau vụ bị đối xử tệ bạc và cãi nhau, dọa nạt các bạn khách sạn ở Vanarasi, không còn tin bọn Agoda, chuyển sang Hostelbookers, ngay lần đầu tiên đã cảm thấy hài lòng.

Khi biết chúng tôi từ Việt Nam đến, các bạn khoe luôn 4 ngày trước đây cũng có mấy bạn Việt Nam vừa ở đây, chúng nó còn vẽ lên tường ở phòng internet. Chốc chạy lên mà xem.

417492_381570998520180_1061560312_n.jpg


Ấn tượng dễ chịu ấy kéo dài đến cả buổi chiều dạo phố Pink city. Cả thành phố (cũ) được sơn toàn mầu hồng, và như một khu chợ khổng lồ bán đủ đồ từ quần áo, gia vị, sách vở, giầy dép… đến vàng bạc châu báu. Hàng nọ nối tiếp hàng kia. Nhưng đường phố được quy hoạch theo dạng ô cờ, nên dễ đi, dễ tìm. Và đặc biệt đi dạo ở đây rất thích vì các bạn Ấn độ ở đây không chèo kéo, chỉ hello rồi cười tươi, không nì nèo, níu kéo.

Nói đến vụ nì nèo, níu kéo khách thì chắc không đâu như các bạn Ấn độ, có thể lẵng nhẵng theo cả một đoạn dài chỉ để giới thiệu mặt hàng, thậm chí cửa hàng ở xa tít mù khơi cũng vẫn mời chào. Và không nề hà, lúc trước đi qua đã từ chối, lúc sau quay lại các bạn sẵn sàng tua lại từ đầu. Tiếp đến là các bạn xe richshaw. Nhiều lúc phát bực, quát to lên một câu "Noooooo….", thế là các bạn chạy biến hết.

Rajasthan hình như là vùng trồng các cây gia vị của Ấn độ thì phải. Ngoài chợ bạt ngàn các loại gia vị, loại biết tên loại không. Nhưng khi các bạn cho hỗn hợp các loại gia vị vào đồ ăn thì khỏi ăn luôn. Nhà hàng của Guesthouse đã không hề có tí thịt nào, thậm chí trứng cũng không có, chỉ toàn rau củ, thế mà chỉ quên không dặn đừng cho gia vị vào là từ rau xào, cơm luộc, bánh nan… đều đầy mùi gia vị, không thể nào ăn được. Thậm chí lúc sau xin nước sôi đổ vào mỳ vẫn có mùi thoang thoảng. Đành nhắm mắt ăn cho nhanh.

Thức ăn trên đường phố phổ biến nhất là món bánh rán chiên phồng, rỗng ở giữa. Lúc ăn các bạn sẽ lấy tay chọc một lỗ rồi nhồi nhân là khoai tây nghiền với một loại gia vị gì đấy vào giữa, rồi đổ một ít nước sốt gì đấy nữa. Nhưng nhìn cách các bạn đổ nước sốt thì thôi, khỏi muốn ăn luôn. Cầm nguyên cả cái bánh trên tay dúng ngập vào thùng nước sốt, rồi đưa cho khách. Hết khách này đến khách khác, khỏi cần rửa tay, khỏi cần găng tay. Thế mà các bạn vẫn ăn bình thường.

417718_381571525186794_303414657_n.jpg


Món phổ biến thứ hai là pizza kiểu Ấn độ, làm ngay trên đường phố, đầu tiên bột gạo xay nhuyễn, rồi cán trên chảo như tráng bánh cuốn, sau khi chín thì rắc hành, rau… Rồi cuộn lại, chấm nước sốt. Món này các bạn Nepal cũng làm, nhưng có vẻ nhiều đạm hơn vì sau khi rán đế bánh xong các bạn cho trứng đánh với hành, rau… để làm thêm một lớp thứ hai, rồi cuộn hai lớp lại với nhau ăn luôn.
 
Cám ơn bác chủ! em vẫn mơ ước được đến thăm mấy quốc gia phật giáo trên dãy Hymalaya, những huyền bí của Nam Á
 
Bạn Cào Cào viết hay gớm nhỉ. Hồi trẻ mình cũng thích đi cung này mà hụt không đi được. Giờ chắc ko đi nữa, đọc cho biết cũng hay, đỡ phải đi :)
 
Mình đã hụt chuyến đi tới Ấn, và bây giờ đang trên đường tới Nepal. Đọc bài của bạn thấy có nhắc tới 2 loai khăn mua ớ Nepal, bạn có thể nói rõ hơn ko ạ. Cám ơn bạn nhiều nhé.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,554
Bài viết
1,153,640
Members
190,118
Latest member
sanphukhoa
Back
Top