What's new

[Chia sẻ] Hồ Lugu và huyền thoại Nữ nhi quốc - Lệ Giang, Shangrila, Đại Lý

Chuyến đi đã kết thúc từ hơn 1 tháng, vậy mà giờ mới viết được vài dòng. Năm mới đến, chả có gì cho nhà ta, ngoài một topic này vậy.

Từ lâu rồi, đọc bài viết của nhà báo Nguyên Bình về "hồ Lugu trên cao nguyên Minh Châu", rồi lại nhớ topic kêu gọi đi của bác Kận (hình như thế) cách đây 2 năm, giờ trôi đâu đâu. Thế mà rốt cuộc 3 người cũng đến nơi đó.

Tìm trên mạng thông tin "Cao nguyên Minh Châu", nhưng chả có cái cao nguyên nào tên như thế cả. Thì ra cả cụm từ đó có nghĩa là "Viên ngọc sáng trên cao nguyên", tức là để ví hồ Lugu như một viên ngọc. Chứ làm gì có cái cao nguyên Minh Châu nào đâu ! Té ra nhà báo cũng dịch hớ thôi...


Thực ra thì hồ Lugu cũng chỉ là một điểm trong hành trình dài Đại Lý - Lệ Giang - Lugu - Shangrila của bọn tớ thôi, nhưng mấy cái kia mọi người đi nhiều rồi, có mỗi hồ Lugu là mới...
 
Last edited:
Re: Hồ Lugu và huyền thoại Nữ nhi quốc

Trong topic này còn thiếu Đại Lý. Hồi đi về có viết bài gửi báo về Đại Lý, nay gửi lên đây nốt.
_________________________________________

Đại Lý, thiên nhiên kì diệu, lịch sử nghìn năm


Nằm ở độ cao hơn 2000 mét so với mực nước biển, cách thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam hơn 300 km về phía Tây Bắc, Đại Lý là một trong 24 thành cổ được công nhận của Trung Quốc. Thành cổ có địa thế rất độc đáo, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, khí hậu ôn hòa mát mẻ, được mệnh danh là vùng đất tứ tuyệt, hội tụ đủ “phong hoa tuyết nguyệt”.


Người dân tộc Bạch và Di đã định cư trên vùng đất này từ xa xưa, canh tác và chăn nuôi trên những mảnh đất mầu mỡ quanh hồ Nhĩ Hải, gìn giữ và phát triển một nền văn hóa độc đáo. Đến thế kỉ thứ 8, quanh vùng có sáu tiểu quốc gọi là sáu “chiếu”, năm 737, thủ lĩnh của chiếu Mông Xá đã thống nhất tất cả, lập ra nước Nam Chiếu, dần phát triển khắp cả vùng Vân Nam, Tứ Xuyên. Đến năm 779, vua Nam Chiếu quyết định đặt đô tại thành Dương Tư Mị, tức thành Đại Lý về sau, trấn giữ trong hơn 160 năm, cho đến khi Đoàn Tư Bình lên ngôi lập ra nước Đại Lý.

Họ Đoàn là người dân tộc Bạch, tuy nhiên tự nhận mình là hậu duệ nhà Hán, kế tiếp Nam Chiếu, gọi kinh đô là Tử thành (thành màu tía), hay thành Diệp Du (lá của cây du). Nước Đại Lý tồn tại từ năm 937 đến năm 1253, khi vua Thế tổ nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt thân chinh tiêu diệt. Nhà Nguyên dời trị sở về Côn Minh, thành Diệp Du chỉ còn là quá vãng của một thời huy hoàng và dần bị phá hủy. Năm 1381, nhà Minh chiếm lại đất Vân Nam, thấy thành cũ đã đổ nát, nên xây dựng một ngôi thành mới mang tên Đại Lý, không xa thành cũ. Đó là ngôi thành cổ Đại Lý mà ta thấy ngày nay. Sau này, thành phố Đại Lý hiện đại chuyển về Hạ Quan, trả lại sự bình yên trầm mặc của ngôi thành cổ, và tạo ra một điểm du lịch hấp dẫn với du khách khắp nơi.

Thành cổ Đại Lý có địa thế rất độc đáo. Dãy núi Thương Sơn cao ngất nằm chắn phía tây, hồ Nhĩ Hải mênh mông trải rộng phía đông, để lại ở giữa một dải đồng bằng ở giữa, bằng phẳng màu mỡ. Hồ Nhĩ Hải là hồ nước ngọt lớn thứ hai ở Vân Nam, lớn thứ bảy ở Trung Quốc, dài hơn 40 km, rộng chừng 10 km, có hình dáng hơi giống cái tai, nên có tên đó. Dãy Thương Sơn, nghĩa là núi màu xanh thẫm, trải dài từ đỉnh Vân Lộng ở phía bắc đến đỉnh Tà Dương ở phía nam gồm 19 ngọn, ngọn cao nhất hơn 4000 mét so với mực nước biển. Giữa các đỉnh núi là 18 thung, từ đó tạo thành 18 dòng suối chảy xuống hồ Nhĩ Hải. Núi cao phía tây, hồ rộng phía đông là thành trì tự nhiên vững chắc che chắn, chỉ cần đặt trấn Thượng Quan ở phía bắc, trấn Hạ Quan ở phía nam bảo vệ lối vào là có thể tạo nên một tòa thành khổng lồ vững chắc, chặn đứng các cuộc tấn công, trăm người địch nổi vạn quân. Đô thành Diệp Du nằm ở chính giữa vùng, sát vào chân núi, giữa hai ngọn Trung Hòa và Long Tuyền. Cũng vì địa thế độc đáo đó, mà triều Đường ba lần tấn công Nam Chiếu thì cả ba lần thất bại, hàng vạn quân vùi thây ở Hạ Quan. Khi Hốt Tất Liệt thân chinh tấn công nước Đại Lý, phải nhờ đến nội gián mới có thể tiến vào hạ được thành. Vui mừng và tự hào, vị Đại hãn Mông cổ này đã sai dựng tấm bia đá ghi lại chiến công, nay vẫn còn, gọi là bia “Nguyên Thế tổ bình Vân Nam”. (Tuy nhiên, khi tiến quân xuống Đại Việt, quân Nguyên đã thua trận, mặc dù không gặp thành cao hào sâu, núi hiểm sông dài, nhưng gặp thế trận lòng dân còn vững chắc gấp vạn lần thành Đại Lý).

Thương Sơn và Nhĩ Hải

34510924.jpg
 
Re: Hồ Lugu và huyền thoại Nữ nhi quốc

Nước Nam Chiếu theo Phật giáo, đến triều Đại Lý thì lại càng tôn sùng đạo Phật. Trong 22 vị hoàng đế Đại Lý, có đến 10 vị bỏ ngôi đi tu. Khoảng năm 824 - 859, vua Nam Chiếu cho dựng tòa tháp lớn cao gần 70 mét, gọi là tháp Pháp Giới Thông Linh Minh Đạo, triều Đại Lý sau đó cho dựng thêm hai tòa tháp nhỏ hơn ở hai bên, và dựng chùa Sùng Thánh vô cùng rộng lớn, đến nỗi được gọi là “Phật đô”, các hoàng đế xuất gia đều tu ở đây. Về phía nam, lại dựng chùa Hoằng Thánh và một ngọn tháp cao hơn 40 mét. Trải qua nghìn năm biến động, bao lần động đất, chiến tranh, bốn ngọn tháp vẫn sừng sững trơ gan vươn lên trời xanh, là những công trình cổ nhất còn lại nơi đây. Chùa Sùng Thánh Tam tháp trở thành biểu tượng của Đại Lý, ba ngọn tháp là bảo vật quốc gia hàng đầu của Trung Quốc, xuất hiện trên không biết bao nhiêu bức tranh ảnh. Ngôi chùa Sùng Thánh cổ đã bị phá hủy gần hết, đặc biệt trong Cách mạng Văn hóa, ngôi chùa hoành tráng hiện nay mà du khách phải mất rất nhiều tiền vào tham quan chỉ mới được dựng lại hoàn toàn trong vài năm trước.

Khi nhà Minh cai trị, thấy địa thế sát chân núi của thành Diệp Du không thuận lợi, đã xây thành dịch về phía đông nam, đặt giữa chỗ đất bằng phẳng bốn phía rộng rãi, ngay phía đông của bia Hốt Tất Liệt. Thành hình vuông chu vi 12 dặm, có bốn cổng ở bốn hướng, trên cổng xây lầu cao, bốn góc lại có lầu quan sát. Cổng phía tây trông lên núi gọi là cổng Thương Sơn, cổng nhìn ra hồ gọi là cổng Nhĩ Hải. Vì không còn là kinh đô, trong thành không có hoàng cung, chỉ có phủ Tướng quân, là người quản lý chung. Thành có 9 phố 18 ngõ ngang dọc như ô bàn cờ, phố Phức Hưng nối thẳng cổng nam – bắc, là nơi tập trung các cửa hiệu sầm uất nhất, bán các sản vật địa phương. Phố chính đông – tây xưa tên là Hộ Quốc, sau này người châu Âu đến nhiều nên gọi là phố Dương Nhân. Tại hai góc đông bắc và đông nam là hai hồ lớn để giữ nước cho thành. Trải nhiều biến động, chỉ có đoạn tường thành phía nam và bốn cổng là còn lại từ đời Minh, các công trình chủ yếu dựng lại về sau, đặc biệt sau thời kì Trung Quốc mở cửa và Đại Lý trở thành thành phố du lịch nổi tiếng.

Sùng Thánh Tam tháp tự (Sùng Thánh ngụ ý tôn sùng Quán Thế Âm bồ tát)

34510746.jpg
 
Last edited:
Re: Hồ Lugu và huyền thoại Nữ nhi quốc

Thành Đại Lý cao ở góc tây nam, thấp ở đông bắc, các kiến trúc sư xưa đã khéo léo dẫn dòng suối Lục Ngọc chảy vào thành, tạo thành dòng nước ngày đêm róc rách qua các con phố. Bởi thế bên cạnh những con phố như Thủy Cảnh, Phức Hưng, Dương Nhân, Ngọc Nhĩ đều có dòng suối, và các ngôi nhà bên cạnh thì bắc cầu qua để vào nhà. Cũng nhờ nguồn nước dồi dào, khí hậu thuận lợi nên khắp thành có rất nhiều hoa, hầu như nhà nào cũng có vườn hoa, và hoa nở quanh năm, do đó mới có câu “nhà nhà nước chảy, cửa cửa trồng hoa” hay “ba nhà một giếng nước, mỗi cửa mỗi bồn hoa” để chỉ Đại Lý. Ngày nay, ngay trên con phố đi bộ, du khách cũng có thể bắt gặp những giếng nước cổ trước một cửa hiệu, và người dân vẫn ra đây kéo nước về dùng.

Giếng nước cổ ngay trước cửa nhà, mỗi sáng người dân vẫn dùng nó

34510906.jpg


Người Đại Lý còn tự hào là nơi hội tụ của “Phong hoa tuyết nguyệt” đệ nhất thiên hạ, đó là bốn thắng cảnh, cũng nằm ở bốn hướng của Đại Lý: gió Hạ Quan, hoa Thượng Quan, tuyết Thương sơn, trăng Nhĩ Hải. Do dãy Thương Sơn chắn lại, khí ẩm Nhĩ Hải bốc lên, hàng năm cứ vào đợt mùa đông – xuân, ở Hạ Quan phía nam xuất hiện những luồng gió rất mạnh, có khi đến cấp 10, là điều kì lạ giữa cao nguyên này. Về phía bắc, ngoài cửa ải Thượng Quan xưa có một thôn trồng toàn một giống hoa “Thập lý hương”, tương truyền do tiên ông Lã Đồng Tân gieo, giống hoa vô cùng kì lạ, năm thường nở 12 cánh, năm nhuận nở 13 cánh, mỹ lệ không đâu có, hương thơm bay xa mười dặm; giống hoa đó giờ không còn, hiện giờ khi nói đến hoa Thượng Quan, người ta chỉ hoa mộc liên được trồng rất nhiều nơi đây. Dãy Thương Sơn phía tây cao trung bình 3500 mét, đỉnh cao nhất 4000 mét, mùa đông có tuyết phủ dầy, đến hè mới tan hết, từ xa trông như dát bạc lung linh trên nền trời xanh thẳm, là một cảnh đẹp kì thú. Trên hồ Nhĩ Hải phía đông, mỗi độ trăng tròn, trời trong nước trong, ánh trăng dát bạc trên các con sóng nhẹ, là cảnh đẹp bậc nhất; chẳng thế mà từ xưa, từ vua đến dân Đại Lý cứ đến ngày rằm là thả thuyền trên hồ ngắm cảnh. Quả thật thiên nhiên đã vô cùng ưu đãi vùng đất này, khi quy tụ cả bốn tuyệt phẩm lại một nơi như thế.
 
Last edited:
Re: Hồ Lugu và huyền thoại Nữ nhi quốc

Người dân sinh sống ở đây từ xưa là người dân tộc Bạch và Di. Họ trồng đại mạch, ngô, chăn nuôi bò, lợn, gà trên những cánh đồng màu mỡ, hay ra hồ Nhĩ Hải đánh cá, giao thương buôn bán với các nơi, vì Đại Lý là cửa ngõ đi về phía Tây. Các loại thổ sản nổi tiếng có đá cẩm thạch, tuyết lê, trà, cá hồ. Đại Lý cũng nổi tiếng là đât của các giống hoa đẹp như sơn trà, đỗ quyên, mộc liên, đặc biệt các loại hoa trồng ở đây có thể nở hoa ngay trong ngày có tuyết. Mỗi năm lễ hội truyền thống của người Bạch được tổ chức vào tháng ba tại quảng trường Tam Nguyệt ở phía tây của thành cổ, là một lễ hội đông vui bậc nhất vùng Vân Nam.

Những năm gần đây, du lịch Đại Lý rất phát triển. Bên ngoài thành, phim trường bộ phim Thiên Long Bát Bộ đã trở thành một nơi hấp dẫn, tại đây có các tòa thành, đền đài cung điện giả cổ, trình diễn hoạt cảnh cung đình Đại Lý với các sinh hoạt văn hóa đặc sắc khiến du khách thích thú. Những người muốn ngắm cảnh từ trên cao có thể đi cáp treo lên Thương Sơn, tìm đến đầm Thất Long Nữ trên đỉnh núi, hay ngắm thác Thanh Bích, soi mình trong dòng nước trong như gương của suối Hồ Điệp. Du khách cũng có thể thuê du thuyền đi trên hồ Nhĩ Hải, thăm đài Thiên Kính, đảo Kim Toa, đảo Phổ Đà, hay tìm hiểu văn hóa tại khu làng dân tộc Nam Chiếu. Màu sắc trong trang phục, nét duyên dáng trong nụ cười, giọng hát của các cô gái người Di, người Bạch sẽ làm du khách thấy mình như lạc vào tiên cảnh.

Ngôi thành cổ nghìn năm tuổi, với thế núi soi bóng nước, phong hoa tuyết nguyệt kì thú, với những người dân thân thiện mến khách và truyền thống văn hóa đặc sắc chắc hẳn sẽ không bao giờ phai nhạt trong lòng những du khách đã đến đây một lần.


34510912.jpg


Thông tin:
- Có thể lên Đại Lý từ Côn Minh bằng xe khách hoặc tàu hỏa và ngược lại. Chạy vào buổi đêm có xe giường nằm. Lưu ý các xe thường chỉ dừng ở Hạ Quan, cần đi thêm 15km mới đến cổ thành Đại Lý.
- Từ Đại Lý thường xuyên có xe đi Lệ Giang, Shangrila và các nơi khác.
- Từ đường quốc lộ vào thành cổ đi xe bus số 2, 1 tệ/người, xuyên qua phố Ngọc Nhĩ
- Khu nghỉ ở rải rác, giá khá rẻ. Trong khu phố Dương Nhân thì đắt hơn một chút.
- Vé vào chùa Sùng Thánh: 120 tệ/người.
- Vé vào phim trường Thiên Long Bát Bộ: 100 tệ/người.
- Vé đi thuyền trên Nhĩ Hải: tùy vào số người và hành trình, thời gian.
 
Last edited:
3000 said:
Đoạn này bác Chit trách sai các bạn Tàu Hán rồi. Khi người Hán phiên âm các tên nước ngoài, thường thì họ đếm xem có bao nhiêu âm tiết rồi chọn bấy nhiêu từ Hán âm gần giống nhất ghép lại để phiên âm. Khi bác đọc lên bằng giọng Bắc kinh nghe sẽ na ná như âm gốc. Nhưng khi phiên âm một lần nữa ra âm Hán-Việt thì nhiều khi lệch hẳn so với âm gốc. Như từ America, âm Bắc kinh đọc là A-mei-li-jia nghe gần giống nhưng Hán Việt thì thành Á Mỹ Lợi Gia khác hẳn. Ở đây Lugu sẽ ra Lư (lô) Cô, chữ Lư trong Lư sơn (Lushan). chữ Cô trong Tứ cô nương (Siguniang). Âm Bắc kinh đọc vẫn thế nhưng bác chơi Hán Việt thì lệch pha ngay.

Đoạn này thì bác cũng ứ hiểu ý em.

Em lại chả biết quá là giữa Hán - China và Hán Việt đọc một chữ ra hai âm khác nhau tóe loe hay sao. Đúng là chữ Lô Cô người TQ đọc sẽ là Lùgú, gần giống âm Lugu của người Mosho,

Nhưng cái em nói là ý nghĩa kia. Trong khi chữ Lugu có nghĩa là hồ - làng trên núi, thì hai chữ Lùgú (Lôcô) lại không có nghĩa. Tức là Lugu là từ gốc, Lô Cô là từ phiên chỉ để đọc mà vô nghĩa. Bản thân chữ Lô cũng không giống Lô sơn đâu bác ạ. Lô trong Lô sơn là cái lò hương, còn Lô ở đây có dấu chấm thủy, là một tên riêng sông Lô ở TQ. Chữ Cô cũng không phải Cô nương, mà là chữ Cô có dấu chấm thủy, cũng là tên riêng một cái hồ.

Lô Cô là tên của 1 cái sông, 1 cái hồ ghép lại, đọc giống Lugu.

Cái này em viết cho rõ, là vì có người vốn chả biết, nhưng lại cứ nghĩ Lô Cô là tên gốc, Lugu là tên phiên âm ra tiếng Anh.

....

Mà thôi, đang cảm xúc dạt dào của nhà Ong, mà mình lại đổ toàn mùn cưa vải bạt vào thế này.


...

Ồ, mà con đường đi đến hồ Lugu, cũng đẹp lắm cơ, đâu phải chỉ mặt hồ?


Vốn dĩ đang tìm bài về người Mosuo theo chế độ Mẫu hệ, nhưng tình cờ thấy cái này nên cho em nhiều chuyện tí xíu nhé.
Trước hết là vấn đề 2 chữ "泸沽" này đã làm cho mọi người có ý kiến."泸沽" hay "lugu" trong tiếng Mosuo là hồ trong khe núi và "沽" ý nghĩa là trong.Người Trung Quốc vì muốn để dễ nhớ và dễ gọi trong tiếng Hán, nên người ta lấy chữ "泸" thay âm cho chữ "lu", và chữ "沽" thay âm cho chữ "gu", mọi người thấy cả 2 chữ đều là bộ 3 chấm thủy đại diện cho bộ nước, liên quan đến sông suối ao hồ, và chữ " 泸" là tên của 1 đoạn sông thuộc sông Kim Sa là thượng nguồn của sông Trường Giang và bắt nguồn từ Thanh Hải, nó chảy qua khe Hổ nhảy mà mọi người thường nhắc đến và chạy gần qua khu vực hồ LuGu nên họ lấy chữ "泸" cho dễ nhớ và có ý nghĩa, còn chữ "沽" là chỉ phần âm của "gu" trong tiếng Mosuo và vẫn duy trì được bộ thủy.Còn 2 chữ "泸沽" này không phải chữ và nghĩa của 庐山(lu shan) hay 四姑娘(si gu niang), còn 庐(lu) trong Lu shan là ý nghĩa của vùng Lư Châu ngày xưa, nay thuộc Hợp Phì tỉnh An huy, lư hương 香炉(xiang lu)có bộ hỏa ở phía trước.
Còn về vấn đề người Trung Quốc dịch âm tên riêng của các vùng dân tộc Tạng, Mông Cổ hay các dân tộc khác cũng là điều rất bình thường, vì mục đích dễ đọc, dễ nhớ và ngay cả người Việt ta dịch sang tiếng Việt từ tiếng Hán cũng rất dễ sử dụng, cụ thể như những tên mà chúng ta lấy từ tiếng Hán đã dịch như sau : 成吉思汗(Thành Cát Tư Hãn), 菩萨 (Bồ Tát)...Ngay cả trong tiếng Hán dịch tên của các quốc gia mà ta cũng dịch từ đó ra và sử dụng như: Portugal(葡萄牙) là Bồ Đào Nha, Spain(西班牙) là Tây Ban Nha...Những cách dịch âm và dịch nghĩa từ những ngôn ngữ khác qua tiếng Hán thì họ đã tuân theo một chuẩn nhất định mà nếu ai đã từng học theo chương trình tiếng Trung Quốc thì sẽ biết được những quy tắc của nó. :)
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,534
Bài viết
1,153,523
Members
190,107
Latest member
Nguyenphuhai
Back
Top