What's new

Mật mã Tây Giang: Hành trình đi tìm Bùa yêu

Chúng tôi là một bọn người Kinh, chưa vợ chưa chồng, đầu đôi thứ tóc, tuổi ngấp nghé ba mươi.
Như bao bọn người kinh ế ẩm khác, chúng tôi mơ mộng về những cuộc tình, kiểu tình yêu sét đánh, chí ít cũng như Chí Phèo - Thị Nở hay vợ chồng A Phủ. Nhưng tình nơi đâu mà sao chẳng đến???

Một ngày đầu hè, mặc kệ gió mùa về, mặc kệ bão số 1 đang biến hóa khôn lường trên biển, chúng tôi đọn đồ, quấn khăn rằn, áo mũ, bắt xe khách rẻ tiền, đi Tây Giang. Tôi mơ mộng, rộn ràng. Lũ người Kinh bạn tôi chắc cũng thế

Nơi ấy chả có gì, nhưng người với người vẫn yêu nhau nhờ bùa ngải. Đó chỉ là một truyền thuyết, hay là một sự thực hiện hữu trên dãy Trường Sơn.
Thôi thì đi mới tỏ.

Ngày bé, tôi níu áo ngoại rồi hỏi: Sao người làng mình cứ đi về phía Đông?
Bà tôi cười hiền từ: Vì người Việt vốn là dân đi Biển, đàn ông đi ra biển đánh cá, họ đi về phía Đông để kiếm cái ăn, còn phụ nữ, họ yêu thương đàn ông, nên đi về phía biển để chờ đợi.
Lớn lên, tôi không đi về phía Đông như bao người phụ nữ khác, lại cứ ngược lên phía Tây. Tôi không muốn chờ đợi người đàn ông của tôi, nên tôi nên núi tìm chàng. Hay chăng đó là lời bao biện, cho việc mê những con đường thuộc về phía Tây tổ quốc...

Bạn tôi hớn hở bay từ Sài Gòn ra Đà Nẵng chờ đợi. Kẻ thì bay từ Sài Gòn về Hà Nội để lên xe khách, đi cùng đoàn.
Ngày chúng tôi đi, gió sông Hồng thổi phần phật, có ngờ đâu rằng, hành trình đi tìm bùa yêu khó khăn mới chỉ bắt đầu.
18h30, tôi uống thuốc ngủ, co ro nằm trên chiếc giường bé tý tẹo của một chiếc xe chở toàn hàng là hàng. Những kẻ to xác, chắc vì mải nghĩ đến hạnh phúc bùa yêu, mà cắn răng chịu đựng đi ngủ. Đoàn người Kinh bỏ lại thủ đô mưa giông...
 
Xe của chúng tôi không hỏng, nhưng xe của bạn đường là vợ chồng người Cơ Tu đang trên đường về Tà Ri bị hỏng. Xe mất phanh, 2 bạn ngã nhào. Chúng tôi tụm lại hỏi han và sửa xe cho các bạn - những người không biết nói tiếng Kinh.
Họ hiểu và chỉ làm theo bọn sửa xe bất đắc dĩ này. Trên vỉa đường họ ngã toàn đá sỏi, ấy thế mà dù đi tông, chân các bạn vẫn không sao. Thiết nghĩ, nếu là bọn thành phố, da bủng beo, dẵm phải gai mùng tơi cũng khóc như chúng tôi, nếu ngã sẽ thế nào.
Nước da của người Cơ Tu ấy phải chăng được tôi theo thời gian, trở nên chai sần và rắn rỏi.
imgp2195_1334767390.jpg

Bên đường, một lũ cả Kinh cả đồng bào túm tụm lại sửa phanh cho nhau.
Tôi rút máy ra quay phim, được mấy phút lại lăn ra ngủ. Tôi cứ dựa lưng vào vách núi mà ngủ, rồi tỉnh dậy, lại quay phim. Như một kẻ ngốc nghếch...

Trời đã về chiều, chúng tôi vẫn chưa đi được về biên giới, nơi theo lời kể có truyền thuyết bùa yêu. Sửa xe xong, chào bạn đồng hành, chúng tôi tất tả bỏ đi, để lại câu hỏi ngọng nghịu " bao nhiêu tiền" và ánh mắt lạ lùng của họ.
Con đường đất hiện ra, dài tít tắp.
p2257edited_1334767530.jpg

Tôi đã nghĩ rằng, Tây Giang lần đầu tiên và cuối cùng trong mắt tôi là những con đường đất màu đỏ, bụi mù mịt. Cho đến bây giờ, hình ảnh về con đường ấy vẫn lưu lại, phảng phất trong cái đầu gần như rỗng tuếch sau chuyến đi của tôi. Không có bình minh hay hoàng hôn nào hết, chúng tôi chở chân máy ảnh theo rồi lại chở về. Và xế của tôi, cũng chở tôi đến rồi về hệt như cái chân máy ấy.
Bùa yêu bỗng nhiên là thứ vụn vỡ.

Buổi chiều ấy, cả lũ loanh quanh trong một bản ngang dốc. Bọn con trai túm tụm lại đùa vui cùng mấy cô gái Cơ Tu. Họ ngã giá chiếc vòng trên tay cô gái, hóng hớt chuyện làm bùa và nghe chuyện một anh thành phố, lên biên giới, dính bùa, về nhà rồi lại quay lên.
Người Cơ Tu chẳng tiếc gì một câu mời mọc, chẳng ngại ngần giữ chân chúng tôi nếu muốn ngủ lại trong nhà. Chúng tôi cũng chẳng tiếc gì những nụ cười. Mọi thứ được cho đi và nhận lại, đủ đầy.

Rồi 3 chiếc xe lại nối đuôi nhau, sóng sánh chạy qua con suối lòng toàn đá sỏi, chiếc xe của tôi chỉ chực ngã.
Con đường chạy về biên giới có chiếc cầu tre đã bị lũ cuốn phăng, và con đường qua suối là lựa chọn duy nhất của người trong vùng. Nếu không may mùa nước lên, họ sẽ bị cô lập, trong bùn lầy và núi rừng của họ.
 
Last edited:
Những người bạn của tôi sau chuyến đi về bỗng nhiên im lặng. Không ai rôm rả kể lể với những người ở nhà như mọi lần trở về. Chuyến đi có cái gì đó nằng nặng ở ngang ngực.

Nếu ai bảo chuyến đi Tây Giang của lũ chúng tôi không thú vị, thì là sai hoàn toàn. Vì ở nơi thủ đô xa xôi, có chiều nào chúng ta có thể ngồi thảnh thơi ngắm nhìn những người phụ nữ Cơ Tu tụ tập buôn chuyện dưới hiên nhà hoặc trên sân bóng chuyền bằng đất đỏ, mặc kệ cho chân váy thổ cẩm lấm lem.
imgp2236_1334766979.jpg

Có chiều nào chúng ta dám nói cười vô tư lự khi biết rằng tối ấy nhà không có điện như những con người của mảnh đất này.
Họ sống trong bóng tối và cũng yêu trong bóng tối, lặng lẽ và sâu sắc.

Tôi không thích Hà Nội khi phố xá cứ phô ra những kẻ yêu nhau, lởm chởm ven Hồ Tây hay trong vườn Bách Thảo. Tôi không thích vài ba vết sẹo thuộc về Hà Nội, nhưng cũng yêu Hà Nội, bằng tình cảm của một đứa nhà quê ra phố.
Đó cũng là lí do, khi tôi ở Tây Giang, tôi chẳng muốn trở về, dù con đường đất đỏ của nơi đây dường như không có điểm kết thúc.
 
Last edited:
Hơn 2 tuần lễ trôi qua, lũ người Kinh đứa nào đứa nấy trở về nhà, không gặp nhau dù chỉ một lần, kiểu như share ảnh cho đúng "nghi lễ đi bụi" Tôi trở thành kẻ quẩn quanh, viết lách và kể chuyện một mình. Những bức ảnh về Tây Giang đến đoạn này, còn rất ít. Như nụ cười vậy.
Chỉ còn đó, một nụ cười ngờ nghệch của tôi và bạn đồng hành khi chơi trò " đổ đèo" trên chiếc ô tô hỏng sát mép vực. Tôi trèo qua cái cửa xe không kính, vào ngồi sau vô lăng, trên một đống rác toàn là thủy tinh và lá khô, cười toe toét. Còn bạn tôi thì ngồi bên cạnh, ra sức vỗ tay vào thân xe " tới luôn".
p2250edited_1334766909.jpg

Tôi rất muốn đi, đi tiếp...
Nhưng đó chỉ là ý muốn mà thôi...
 
Biên giới ở rất gần và màn đêm cũng vậy. Ngày của chúng tôi trôi qua lặng lẽ, nhắm mắt cái đã thấy gần đêm. Con đường bụi đỏ dầy cộm, mang trên mình hàng trăm dấu chân trẻ con xinh xắn, dấu chân còn sót lại từ buổi tan trường. Các em nhỏ trở về nhà, sau hàng chục km đi bộ trên con đường Tây Giang, để đắm mình trong mùi thơm của nồi cơm mới thổi.
Và chúng tôi, cũng phải quay đi. Mặc cho hoa mua vẫn nở hồng bên sườn núi.
p2253edited_1334767235.jpg

Chiếc xe bị gãy côn cũng đã được thay xong, dưa hấu mua ven đường cũng được ăn hết, chỉ có con đường là dang dở.
Tôi nuối tiếc vì vẫn chưa chạm môi vào rượu Tà Vạt cay thơm, chưa được in bánh xe của mình lên con đường đất vẫn còn dài trước mặt.
Thôi thì nén lòng để về với Đông Giang, Prao giờ đây cũng xa lơ xa lắc.
 
Trời vì đâu bỗng đổ cơn mưa. Một cơn mưa khiến lòng người rệu rã, không dứt. Tôi thấy mình nóng hổi, nước mưa hình như có vị mặn. Trong cơn mê, tôi bồng bềnh trôi giữa con đường. Bên tai vẫn văng vẳng tiếng hát từ chiếc Ipod: “ …Ngựa buông vó, người đi chùng chân đã bao lần? nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng. Vùng u tối, loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng…”

Tôi bị sốt suốt hơn 100km mưa dông trở về Đông Giang. Tiếng sấm trên đầu rền rã, tôi mơ màng. Mở mắt thấy chân mình toàn máu, chợp mắt nhìn lên trước, thấy chân xế của mình cũng y hệt. Tôi lại lịm đi, người ngửa ra sau.
Dẫu đó chỉ là một cơn mộng mị trong lúc sốt cao, nhưng cơ thể tôi hoàn toàn mất thăng bằng. Tôi mơ hồ thấy một bàn tay kéo mình về phía trước, được một quãng, tôi lại lịm đi. Miệng tôi rát đắng, câu Anh ơi chưa kịp buông ra đã mắc lại ngang cổ.
Về đến khách sạn, tôi hoàn toàn mất hết sức sống, ngồi nôn thốc tháo trước vỉa hè. Nhưng nào trong bụng có thứ gì, nước mưa có lẽ là thứ duy nhất.

Có lẽ việc ngấm lạnh triền miên trong 3 đêm đã khiến cơ thể tôi mất hết sức đề kháng. Và chiếc áo khoác mỏng mang theo không đủ giữ ấm cho những đêm Trường Sơn giông gió. Tôi cảm thấy kiệt sức, người cứ rét run lên từng cơn. Đêm ấy, con ma sốt thi thoảng lại về, hành hạ đến rã rời.

Mật mã Tây Giang khép lại, trong cơn ho xé phổi. Cho dù sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi vẫn cương quyết xuôi về Nam Giang.
Trời cũng chẳng vì thương người mà bớt mưa.
Nam Giang dẫu gần lại, nhưng vẫn chỉ là cái bóng nhạt nhoà trước mặt. Tôi lại sốt, lại ho, lại mất thăng bằng cơ thể. Câu “ Về” cụt lủn của xế như vết dao cứa vào vết rách trong lòng. Nhưng tôi không có lựa chọn nào khác, khi cơn sốt cứ dấm dẳng trong người.
Gã xế chào Nam Giang bằng cách đọc cái biển hẹn gặp lại. Khi ấy nước mắt tôi chỉ chực trào ra. Một cảm giác bất lực vì chính mình đang xâm lấn trong lòng.
”Vậy nhé, ta bỏ lại đây một cung đường chưa đi hết. Mà chưa biết ngày nào mới có thể quay lại để đi cho trọn.”

Chúng tôi về với Hội An, chốn bình yên thân quen sau những chuyến đi xa về miền Trung tổ quốc, để lại ngồi lặng lẽ cùng nhau bên sông Hoài, hệt như những ngày tháng cũ.
…Lại xe khách rẻ tiền…
…Lại thuốc ngủ cho giấc ngủ gập ghềnh…
 
Tôi bắt đầu viết về Hành trình của mình với cái tên như bây giờ khi phát hiện ra rằng: Bức ảnh cuối cùng của chuyến đi là một rừng cây bị tỉa hình trái tim được chụp taị Tây Giang, trên đường trở về. Không có một bức ảnh nào sau đấy nữa. Bùa yêu mà tôi mang theo về, phải chăng là nó.
p2258edited_1334768119.jpg

Nếu một ngày nào đó, bạn ghé nơi đây, và đứng trước trái tim này. Tôi tin bạn sẽ yêu thương và gửi gắm trái tim mình cho một ai đấy.
Và nếu một ngày nào đó, tôi tìm được người đàn ông đi cùng tôi suốt cuộc đời, thì tôi dám khẳng định rằng: Người đó yêu tôi bằng chính thứ “bùa yêu” tôi mang về từ Tây Giang xa xôi.
 
Đọc một mạch hết 4 trang, một cảm xúc dâng trào, bỗng dưng khóe mắt lưng tròng. Phải chăng vì ai đó đang viết về quê hương ta với một tình yêu mộc mạc, k màu mè; phải chăng vì quê hương ta đó mà ta chưa một lần đến. Ta nợ quê hương một lời xin lỗi, nợ những người đã yêu quê hương ta một ân tình.


"Ở đó không có điện, nhưng mắt trẻ con vẫn sáng.
Ở đó không có nước sạch, nhưng lòng người vẫn trong."
 
Cám ơn các bạn. Những cảm xúc rất thật mà gần gũi.
Mình xin góp vui với chip

Tây Giang 2006 :

7098430535_2290d02475_c.jpg


Nắng sớm :
6952359648_49a188562f_c.jpg

(Điện của BĐBP nhé)

Bản gì cũng quên tên rồi . Chỉ nhớ là rất vui : Sáng đó có nhà bắt được con thú (chắc cũng chả có hươu nai gì nên mình không sang :)) )
thế là gọi nhau râm ran cả lên. Mà mọi người đến chủ yếu là để chung vui với gia chủ là chính chứ chả quan trọng gì mấy. Chẳng biết có dịp nào mà quay lại..
 
Nếu một ngày nào đó, bạn ghé nơi đây, và đứng trước trái tim này. Tôi tin bạn sẽ yêu thương và gửi gắm trái tim mình cho một ai đấy.
Và nếu một ngày nào đó, tôi tìm được người đàn ông đi cùng tôi suốt cuộc đời, thì tôi dám khẳng định rằng: Người đó yêu tôi bằng chính thứ “bùa yêu” tôi mang về từ Tây Giang xa xôi.
Đúng là trái tim của 1 phượt thủ ^^ [me 2] Hy vọng có thể đọc thêm nhiều cung đường độc nữa từ Phiêu Diêu
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,924
Bài viết
1,156,738
Members
190,268
Latest member
NutGarden
Back
Top