Còn đoạn trích ở trên mình chỉ vừa đọc vào lúc cuối ngày. Nguyên tắc của mình là hạn chế đọc quá nhiều bài viết về các địa danh cũng như điểm tham quan trước khi đến để có thể có những nhận xét, suy nghĩ thật sự của mình như một người lần đầu đặt chân. Cách này có cái dở là nhiều khi bỏ mất những điều hay cần khám phá; lại nữa trong lúc viết bài mình cũng không sử dụng nhiều tư liệu từ kho kiến thức khổng lồ là internet với mục đích giữ đúng tính chất bài viết như tên ban đầu, đó chỉ là những suy nghĩ vụng vặt, những ký ức cá nhân và những mẫu chuyện trên đường. Việc tham khảo nếu có chỉ nhằm không cung cấp những thông tin quá sai lạc, chủ quan trên tinh thần nếu cần tham khảo thật sự chắc chắn không ai dùng thông tin từ bài viết của mình mà nó chỉ truyền cho các bạn, những người cùng sở thích đi đây đó những thông tin tối thiểu của người đi trước, cùng ham mê thực hiện những chuyến đi. Trong phần còn lại mình sẽ tiếp tục sử dụng hai đoạn trích về những ngọn đèo danh tiếng, đó là những thông tin rất hay mình đọc sau chuyến đi nghĩ là các bạn cũng sẽ thích.
Nhân nói đến "Tứ Đại đỉnh đèo" mình nhớ trong diễn đàn mình hoặc đâu đó mình đã đọc qua một bạn đã có comment đại ý là gọi Tứ đại đỉnh đèo nghe rất chướng tai vì nửa Việt nửa Hán Việt mà nên gọi là "Tứ đại quan" ( "Tứ đại hùng quan" thì hơn chứ) hoặc "Bốn đèo lớn". Mình không đồng tình với ý kiến này ở chỗ: Thứ nhất, sau hàng ngàn năm bị đô hộ tiếng Hán Việt tràn ngập trong ngôn ngữ của chúng ta, hầu hết các từ ghép không là từ láy của chúng ta là từ Hán Việt và hầu hết các câu chúng ta đang sử dụng hàng ngày đều có từ Hán Việt, muốn dùng từ thuần Việt ngay trong ngôn ngữ đời thường đã là chuyện không tưởng. Thứ hai, chữ "quan" trong tiếng Hán Việt không có nghĩa là đèo mà là cửa hoặc ải, nhiều người nhầm lẫn điều này có lẽ do danh xưng "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" mà vua Lê Thánh Tôn dùng để chỉ cửa đèo Hải vân, trên cửa đèo này mặt nhìn về phía Nam đề "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" và mặt hướng về Bắc ghi "Hải Vân Quan" , chữ quan ở đây là chỉ cửa đèo chứ không phải con đèo. Đèo là một từ thuần Việt và không có từ Hán Việt cho từ này. Nếu chịu khó tra từ điển Việt Hán, sẽ thấy rằng chữ đèo trong tiếng Hán hoàn toàn khác với chữ quan nghĩa là cửa hay ải.
Tiện thể nói về một nhầm lẫn khá phổ biến trong chúng ta khi dùng cụm từ "lang bạt kỳ hồ" với ngụ ý "phiêu bạt giang hồ" thực ra đây là câu đầu của một bài ca dao trong Kinh Thi mà câu tiếp theo là "Tái chí kỳ vỹ" nhằm diễn tả một tình thế tiến thoái lưỡng nan chứ hoàn toàn không như nhiều người vẫn sử dụng.
Đến gần cuối đèo thì đường đỡ xấu và mưa cũng ngớt dần, nhờ vậy mà mình cũng "vớt vát" được vài tấm ảnh, về xem lại thời gian thì mình đã lần mò dưới mưa chỉ vài phút nữa là tròn một tiếng.
Ruộng bậc thang ở Mù Căng Chải.
