What's new

Ta rong chơi phiêu lãng cuối trời

Bạn host của tôi đang cực lực lên án chính quyền sở tại vì sự chậm trễ trong công tác ứng cứu và hỗ trợ người bị nạn! Những dòng tâm sự của bạn làm cho tôi cũng ngại vào chia sẻ và cũng không biết làm gì ngoài việc hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp lên hơn. Bạn sống ở Cebu, thành phố này là nơi siêu bão đi qua! Tôi vào trang web của hãng bay, ở đó tôi kiểm tra lại lần nữa về tình trạng của chuyến bay sắp tới. Khi chắc chắn rằng sẽ không có sự thay đổi nào trong chuyến hành trình đầy mạo hiểm này, tôi bắt đầu lôi laptop ra và gõ những dòng chữ này! Trang web vẫn nhấp nháp những top up nhiều sắc màu, Phil đang vẫy gọi, thiên đường của du lịch biển đảo, những ngọn núi lửa, những nhà thờ và thiên đường của jeepney, tricycle, kiến trúc cổ đậm màu Châu Âu, và có một Phil khác cũng đang oằn mình với những màu ảm đạm! Báo chí nước nhà rải những tin tức đầy ám ảnh, về cuộc sống, về con người (cả sống, hay đã chết) ở nơi này! Nếu đếm ngược lại thì chỉ còn ba ngày nữa là tôi sẽ xách ba lô lên, và đi!

Ngày thứ hai luôn là một thảm hoạ đối với những bạn trẻ đang đi làm nhưng máu xê dịch lúc nào cũng chảy rần rần! Tối qua tôi vừa vượt hơn trăm cây số đi và về từ Ninh tới Sài, chỉ để coi một show ca nhạc yêu thích! Sáng ra thì mắt cứ nhúm nhíu lại, vì mệt, và phần lớn vì sức khoẻ cũng chẳng còn sung mãn nữa (Nhắc lại để biết là tai nạn giao thông gây ra cho tôi những nỗi lo sợ, ở đó chỉ cần thấy xe lạng qua thôi cũng đủ để cái cảm giác chạm vào với mặt đường, ngón chân bị gãy và bất lực khi thấy tôi không di chuyển được mới kinh khủng như thế nào, thì cũng cái chân này là cái chân đi, đã quen đi rồi - nhưng đó lại là một câu chuyện khác, của hơn nửa tháng về trước).

Vẫn phải cố gắng tỉnh táo! Nhưng công việc bận rộn cứ cuốn trôi đi tất cả. Ngày tàn, ngày dài! Chợt tỉnh ra mới nhớ ra là trời ơi tôi vẫn chưa gửi đơn xin nghỉ phép! Nỗi ác mộng bắt đầu!

(Dĩ nhiên là đời đến đây vẫn còn lấp ló - Phil của những ngày bão nổi, chắc chắn mình sẽ hoàn tất những dòng hồi ức này. Còn 3 ngày nữa, sẽ đi!)
 
Last edited:
CHÚT TÌNH GỬI LẠI TÍCH LAN


14184492_1280264428651855_6964173662653374588_n.jpg



Có một lần, tôi hỏi Phong chớ đường nào tới Tích Lan, lúc đấy là tháng năm, mùa của những vòng khói nắng. Sau đó, Phong có gửi cho tôi một cái folder, gồm itinerary và những hình ảnh về đất nước đó. Tôi giải nén, ngồi mê mẩn một hồi xong lại bưng đi cất. Mùa hạ năm đó qua nhanh, nắng cũng tan nhanh trên gương mặt ngày càng đậm đà những nhăn nhó. Cái ý định đến Tích Lan năm nào, cũng như nắng, nhảy nhót bay đi đâu mất không kịp để lại gì trong trí óc. Năm dài tháng rộng qua đi, bỗng nhiên một bữa chúa nhật không làm gì hết, tháng bảy, sau bận đi Tà Năng Phan Dũng, tôi ngồi nhà và tìm thử vé máy bay. Khi ý nghĩ chưa kịp hình tượng thì mọi thứ đã được ráp nối vào nhau một cách vô thức, đặt vé, apply ETA, rải vài lời trên mặt sách tìm bạn đồng hành. Nửa tiếng sau có bàn tay em nhỏ chìa ra biểu cho em đi chung với nghen. Rồi thế thôi, hai tháng sau, là lên đường.


14183685_1280264521985179_2326298777704160498_n.jpg



Lên đường, với tôi, luôn là cái cảm giác náo nức. Đêm trước luôn ngủ sớm. Ngày hôm sau sẽ luôn quay cuồng, vì thuộc dạng đi cũng nhiều, chắt chiu từng ngày nghỉ, nên công việc, thứ nuôi tôi sống, thứ làm nòng cho cái chân được chắp cánh bay đi xa, bao giờ cũng dồn đống, nghẹn bứng. Tôi xác định cho mình cái tư tưởng, đi là một chuyện, nhưng công việc của mình, kiểu gì cũng phải làm cho xong. Nhờ người thì ngại, nhờ người thì lúc nào cũng hồi hộp, việc của mình chỉ mình ên mình làm mới đủ tin tưởng. Thứ người như nớ, bao giờ cũng ôm đồm, và khổ. Phải chi cứ mây mây cứ vân vân và phiên phiến, được chăng hay chớ thì đã đỡ hơn nhiều rồi. Hôm đó, xin nghỉ nửa buổi, công việc quá trời, đến độ tới lúc em gọi điện, nói là anh xác định đi một mình nghen, nhà em có việc, tôi chỉ kịp nhắn tin lại, anh ổn, em cứ lo việc nhà đi, anh rồi sẽ ổn. Nắng in như bữa đó cũng không gắt gỏng chỏng chao lắm, để tôi thấy mình mình với vía, loi lẻ phía trước. Kiểu gì cũng có một mình, như duyên!


14462869_1295637663781198_7207260246774133317_n.jpg



Có đôi khi cái duyên trở thành nỗi ám ảnh. Tôi đạo Đài, nên duyên với miền đất Phật chưa tới. Tôi cũng không biết nữa, nhưng trong tư tưởng tôi khoái đi tới những miền Phật tích, Nepal là một trong những nơi đó. Nhớ, tôi đã từng khát khao và kỳ vọng được tới đấy, nhiều đến chừng nào ở một mùa lỡ hẹn một năm kia. Sau tất cả, tôi đâm ra lạ lẫm với chính cái duyên của mình với những quốc gia Phật giáo. Tích Lan cũng thế. Mảnh đất của những con người đen đen, quấn quấn, nhưng thay vì theo đạo Hồi, Hindu thì họ lại theo đạo Phật. Má tôi nói, những người theo đạo Phật, thường hiền.


14595798_1307659929245638_9212494922448084482_n.jpg



Chắc là nhìn tôi lúc đấy, hiền lắm, nên dù check in trễ, nhưng bằng cách nào đó, tôi đã được cho lên máy bay, rồi vượt đại dương đáp xuống Colombo lúc mười hai giờ tối. Khuya lơ khuya lắc, nhọc nhằn và vất vả. Tôi biết, chuyện đi chơi, lại rush như thế này, có bao giờ là sung sướng đâu. Lại còn đổ bể cái dự định ban đầu, anh em đi với nhau có gì san sẻ, mệt chia đôi, vui thì cùng nhau bẻ nửa. Bây giờ, dòm cái cảnh sân bay lô xô với những quầy hàng kim khí điện máy, tủ lạnh, tivi bày đầy mặt tiền sân bay quốc tế, miệng tôi vô thức méo mó, vẽ lên những đường cong kỳ dị. Mới thấy lần đầu ở sân bay lại bán những thứ này. Ngạc nhiên hơn cả cái cảnh rất đông người đang tụ tập tại một cái tivi to bự ngay ở sảnh đến sân bay để coi đá banh. Những ánh mắt lấp lánh, đêm tới.


14572131_1307659949245636_5960003557285288233_n.jpg



Đêm tới, và đêm rất dài. Mới đầu định là ngủ luôn ở sân bay cho đỡ rộn chuyện, nhưng cuối cùng lại bắt tuk tuk đi vào thành phố, kiếm cái nhà trọ nào đó, chui vô cho đỡ nhọc thân. Nhưng có đôi khi, tiền không mua được cho mình sự thanh thản. Tôi ngọ ngoạy trong cái thành phố nóng rẫy đó, đêm lặng gió và những người quấn sà rong nằm ngủ tơ hơ bên vệ đường, những người đàn ông râu ria xồm xoàm và đen đủi. Tôi cứ thơ thẩn ở Fort, định là sẽ ngồi luôn chờ trời sáng, rồi bắt xe đi Kandy, nhưng rồi run rủi, bị dắt tay dắt vô một cái chỗ trọ tối om bẩn bẩn, nhìn vô là biết trong đấy có chứa những cái gì, một người đàn ông tay dắt theo một người đàn bà, phấn son ngầy ngụa, tôi nghĩ, chỗ này là nhà chứa. Bằng mọi cách, tôi vực một tôi rời rã – bây giờ ở nhà đã là ba giờ sáng, chắc người ta ngủ đã no mắt, thoát ra khỏi chỗ đó. Và tìm được một cái phòng nhỏ xíu, chật nức và tềnh toàng đối diện với Fort cùng một mức giá trời ơi đất hỡi, cuối cùng, lại như một sự giải thoát. Ở nơi này, hotel không có nghĩa là nhà nghỉ, nó nghĩa là quán ăn. Tôi chợp mắt trong cái rời rã và nhẩm trong đầu mình mấy lời như thế. Chỉ một cái ngả lưng thôi, là ngày mới đến rồi.


14233231_1279579012053730_5538375378500988167_n.jpg



Và ngày mới tới thiệt, lúc tôi chưa kịp vùi mình thật dài và sâu trong giấc mộng mị, đã bị tiếng chuông điện thoại gào lên biểu ngồi dậy rồi. Chưa rõ mặt người nhưng bước ra ga đã thấy chợn, những dòng người nối đuôi nhau mua vé, lên tàu xong thì lưng đã kịp rủ đầy mồ hôi. Đường từ đây đi Kandy là năm tiếng, tôi len mình ra ngoài cửa của toa tàu, nghĩ rằng năm tiếng đồng hồ tới chắc cũng sẽ qua mau, như cái chớp mắt ngắn ngủi tối qua trong cái phòng trọ bé nhỏ đó, như những lúc hạnh phúc vui vẻ là những khi thời gian trôi đi nhanh nhất. Những đường tàu dần chuyển, trời sáng nhanh tới mức mỗi khi tàu dừng lại ở ga nào, là tôi lại thấy mình thê thảm và bẹp đi vì những dòng người chen đầy vào cái toa tàu chật nức ấy. Lúc đó, tôi nhớ cái phòng trọ nhỏ bé nhưng im ắng và cô độc chỉ có một mình tôi ở đối diện Fort. Tôi đâm ra buồn ngủ, và hai đứa tử tế Trung Quốc kế bên đưa cho tôi tờ báo, biểu trải xuống sàn mà ngồi cho đỡ dơ.


14479817_1307659985912299_1275570282667355549_n.jpg



Đường dài và xa nên có đôi khi tôi nhoài người ra khỏi tàu, thả chân mình xuống đường rày, những lúc tàu đi qua hầm, hay có khi một đoàn tàu khác chạy qua, tiếng tàu nghiến vào nhau nghe thật ghê sợ. Cái cảm giác thả chân xuống đường ấy, mê dụ lắm. Sợ, nhưng sau đó bị ghiền, thấy mình bảnh, tự do là cái cảm giác quý giá lắm. Tôi thả chân mình trong suốt hành trình đó, vượt qua những ngã tư ken người đứng chờ, vượt qua những sân ga đầy người trong một ngày mới, qua luôn cả những vùng đồng lúa trắng phêu, qua bờ bãi nương ruộng và chập chùng đồi núi. Rồi tàu tới Kandy lúc trời vừa chum chím mưa. Tôi tạt vô nhà ga mua chút bánh mì ăn sáng, rồi tôi cầm luôn cái sandwich vị curry ấy mà thấy mình thê thảm dễ sợ vì bụng đói mà curry thì quá đáng sợ không ăn được. Trời cũng mưa nên đành lang thang qua những toa tàu, bắt gặp những ánh nhìn thiệt hoang hoải. Là bầy trẻ ôm chai coca to mắt thả vào đời ngập tràn mộng mị. Là cô gái tóc bob áo xanh lẳng lặng nhìn dòng người lại qua, mi cong mũi cao và thanh thoát. Là những người già, là đôi vợ chồng cười thiệt tươi khi có người giơ máy ảnh lên chụp họ. Và những tì kheo khoác áo cà sa đi trên đường rày, mưa gió bụi trần như không hề dính đến họ trong một giây phút nào. Tôi thả vía mình chạy tơi bời trên những toa tàu như thế. Đến một lúc nào đó, mưa dứt. Tôi khoác ba lô, nhảy lên tuk tuk chạy về nhà, ở Kandy.


14212085_1279266125418352_8219421069416005817_n.jpg




Cô chủ nhà trọ có cái giọng nói thiệt ấm, pha cho tôi cốc trà, và tử tế gói cho tôi một cái sandwich không có curry trong đó, với vài trái chuối. Nhà của tôi ở Kandy có view nhìn xuống thung lũng, với cái ban công thiệt là dễ thương và im ắng. Tôi ở Kandy một ngày, một mình thuê tuk tuk chạy lang thang lên đồi trà, chạy lên mấy ngọn đồi cao, viếng cảnh chùa trong một ngày cao nguyên chút mưa chút nắng. Chiều thả bộ ở quảng trường, chờ đến giờ thì vô xem dance show múa lửa, đói bụng thì ghé quán ở chợ ăn bún, người ta ăn bốc bằng tay còn tôi khều bún bằng đũa, đói bất tử thì mua trái cây nhét đỡ vô bụng. Yên ổn rồi tôi thấy mình y chang đứa trẻ, khát khao gì đâu những phút giây tự do như thế này, muốn làm gì thì làm. Gặp cô dâu chú rể đang chụp ảnh cưới bên hồ, thì loi choi xin chụp ké. Thấy con chó đang ngủ yên bên một công trường ngang ngổn, tự nhiên lại muốn hiền ngoan như vầy mà sao vời xa quá trời. Một ngày ở Kandy chỉ quanh quẩn, tối về muộn nhà đi ngủ hết chỉ kịp giở packed cơm chiên ra ăn mà ăn một nửa ngán quá gói lại để ở chạn bếp. Cao nguyên Kandy, thành phố du lịch nổi tiếng của Tích Lan, kiểu như Đà Lạt ở mình, những căn nhà nhỏ nằm trên đồi, có cả cái hồ to nằm lọt giữa thung lũng, nơi này từng là thủ đô của một vương triều xưa lơ lắc. Đêm, tôi cứ ngồi ở ban công nhìn xuống thung lũng cho đến khi rập rèm không còn chút ý thức nào nữa hết thì quay vô phòng nằm ngủ. Cao nguyên lạnh lạnh chỉ có mình ên nên đi ngủ sớm cho rồi. Đồng hồ điểm mười một giờ khuya.


 
Last edited:
CHÚT TÌNH GỬI LẠI TÍCH LAN (2)


14224877_1279266142085017_8924196571335279030_n.jpg



Sáng hôm sau dậy sớm, tôi thuê tuk tuk chạy từ Kandy đi Sigiriya, Mới hôm qua thôi tôi gieo mình trong cái nhịp sống bình yên của thành phố cao nguyên se lạnh này, mà bây giờ đã chia tay rồi. Thời gian chưa đủ để quyện tròn thương nhớ, cái cầm tay phớt qua liệu có đủ để mơi mốt quay lại hay không? Và Sigiriya, với ngọn núi huyền thoại Lion Rock, không biết nữa nhưng khi nhìn thấy bức ảnh các tì kheo quay lưng lại với ngọn núi ấy, nắng chiếu xiên, những nụ cười, bình yên thanh thản. Tôi quyết định đi Tích Lan cũng vì vô tình nhìn thấy bức hình đó. Chú chauffeur với hàng râu con kiến cứ sợ tôi buồn, vì đường dài, nên đi tới đâu chú cũng tranh thủ giới thiệu cho tôi biết cái này là gì, tới đâu rồi, còn bao xa nữa. Tuk tuk ở Tích Lan cũng vui, mấy chiếc xe lam cũ, chạy tốt. Do ngồi có một mình, nên tôi thoải mái quay đông quay tây. Đường đi dễ, xe chạy ào ào. Tôi thu hết vào tầm mắt mình những cánh đồng đã gặt, những vườn gia vị, những căn nhà nhỏ xíu nép mình bên đường, những sạp bán nông sản đìu hiu quạnh quẽ. Những người phụ nữ vận sari đi bộ trên đường phố, những cụ già với bộ râu ngô lỏi chỏi, bầy trẻ tinh khôi và ánh mắt nhìn vời vợi. Có nhiều khi chỉ việc ngồi im nhìn ngắm những chuyển động đời thường đó thôi, với tôi cũng đủ để thỏa mãn rồi. Không cần phải làm cho được cái này, đi cho bằng được điểm đến đó, để có thể tròn được niềm vui. Hay là tôi dễ dãi, hay là tôi khờ dại?


14237635_1279266088751689_3584490503008214076_n.jpg



Tôi đến Sigiriya lúc mười giờ sáng. Lion Rock từ xa đã hiện lên trong tầm mắt. Ngọn núi thấp, nhưng độc đáo và đầy mê hoặc. Đã đọc về lịch sử của Sigiriya, nên mỗi bước chân đi cũng trở nên khẽ khàng. Lion Rock với người mê leo núi, rõ ràng chỉ là muỗi. Nhưng là người cũng mê lịch sử nên Lion Rock cũng khuyến dụ vô cùng. Tôi chậm rãi thả bộ trong khu vườn bao xung quanh ngọn núi đó, cứ loanh qua loanh quanh trước khi đặt chân lên những bậc thang đầu tiên của ngọn núi – cung điện cổ xưa và là chứng nhân của vương triều Tích Lan thuở nào. Dân đông, toàn dân du lịch. Bước qua hàng dài những bậc thang, đi qua những bức bích họa có từ cả ngàn năm trước, nhìn nhìn vậy thôi chứ để hiểu được tầm vóc và sự quan trọng của nó trong lịch sử phát triển đầy biến động của quốc gia này, có lẽ, còn chưa đủ. Tôi cứ vậy mà nhởn nhơ trên lưng chừng ngọn núi ấy. Nghe tiếng gió lộng, nghe tim mình độc hành. Khám phá là thứ mà chỉ khi ở một mình, từ từ chậm rãi bóc tách nó ra mới thấy được cái cảm giác cô đơn mới thú vị đến mức nào. Lên đỉnh núi rồi, tôi dành nguyên buổi trưa để nhìn bọn Tây choai chơi pocker, nhìn hai cô gái Tây chụp ảnh, nhìn dân Sri đi qua đi lại. Vậy thôi rồi tuột xuống, leo lên tuk tuk đi về nhà.


14291751_1280264481985183_8590106267686417891_n.jpg



Đi về nhà là đi thiệt. Thời gian đã hết. Chú chauffeur chở tôi ra bến xe bus, từ đó, tôi leo lên chiếc xe công cộng nhồi nhét quá trời người, trở lại thủ đô Colombo. Đoạn đường không xa, quá hơn 120 cây số, mà trồi trọc ngồi từ hai giờ chiều mãi đến hơn chín giờ tối mới đến nơi. Ở chuyến xe đó, tôi đứng hơn nửa chặng đường, mùi mồ hôi nhễ nhại, những lượt lên và xuống, cái xóc nảy người vì xe vượt qua một khúc cua ngặt. Lúc yên vị rồi thì lại nghe mùi curry bốc lên từ những bạn đường bên cạnh. Là cô gái đi làm xa cuối tuần về thăm nhà, cô có nụ cười thiệt tươi và nói chuyện lúc lắc. Hai vợ chồng trẻ rời quê lên Colombo làm việc, họ xách theo hành lý nặng nề, nhưng chồng trước vợ sau thiệt duyên dáng. Và mấy bạn trẻ rời xe bus mà không quên chào tôi bằng cái đầu nhúc nhích, có cả giai điệu kèm theo trong lời chào ấy. Hay biết đâu đấy giữa chặng đường dài, tự nhiên nghe tiếng của người đàn ông và đàn bà hát lên thiệt hào sảng, một kiểu y chang như những chuyến xe đò đường dài đi lục tỉnh miền Tây mình những năm trước, hay có những người bán hàng rong hay bán thuốc cổ gia truyền lên chào mời khách đường xa mua ủng hộ. Giọng hát thiệt vang đưa tôi vượt qua được cả một chặng đường dài mệt mỏi. Trưa sang chiều rồi chiều dần ngả về tối mà vẫn chưa thấy đến nơi. Tự động viên mình thì thôi đây mới là những trải nghiệm vô giá của cả chuyến hành trình.


14199664_1279579168720381_5433539260998540554_n.jpg



Về tới Colombo rồi thì tự động chui vào một nhà trọ ẩm thấp nhìn thẳng ra Fort, sát bên là chợ đêm. Tôi sửa soạn lại hành lý để ngày mai nữa là quay trở về, rồi tranh thủ vọt ra chợ. Đi lang thang qua những hàng quán đông đúc, cảm nhận Tích Lan về đêm cũng thiệt ầm ào, sôi động và náo nhiệt. Rồi ngấy vị curry quá nên mua mấy trái táo, nhấm nháp cho qua con đói, cũng may không phải dạng ăn nhiều, qua loa cũng được rồi nên trái táo thôi cũng ấm bụng. Đi mỏi chân mà chả thấy có gì mua sắm được nên ngồi nhìn người qua đường, cảm nhận cuộc sống đường phố ở một trong những nơi mà dân ta bà khắp xứ chưa đặt chân đến quá nhiều, để thấy được những nét văn hóa mộc mạc truyền thống ở đây vẫn còn chưa bị mai một đi mất. Trước khi mắt híp lại vì cơn buồn ngủ, tôi trở về nhà, đặt lên tủ giường tấm vé vào Lion Rock đã được xé kiểm soát, và trong cơn mơ biết đâu trở lại với vương triều Ceylon xa xưa cũ. Chỉ giấc ngủ thôi là đã đủ bình yên rồi.


14264908_1279579388720359_6129978886512341664_n.jpg



Trở về. Bao giờ cũng ngổn ngang tiếc nuối. May mắn, tôi lại bắt được chiếc tuk tuk với cậu nhỏ chauffeur thuộc dạng tay lái ngông cuồng. Bạn cứ tấp tấp né né và chạy vào những hang cùng ngõ hẻm, để tôi tha hồ ngồi sau thả rông cho đôi mắt mình đã đời nhìn ngó những lát cắt bình dị khác của đất nước này. Leo lên sân bay trở về nhà, nghĩa là, khép lại một chuyến đi vả mở ra một chuyến đi mới. Tích Lan ngắn ngủi, Tích Lan của tôi như một cái duyên chóng vánh. Trên máy bay, vô tình gặp chị Thanh Mỹ, cũng là một người mê xê dịch, ngồi cạnh nhau thôi mà đã nói quá trời chuyện rồi. Ai biểu cái xứ này ít ỏi người Việt quá, nên gặp nhau giữa Tích Lan đã mừng lắm rồi.


14265101_1279579028720395_6495499403459174369_n.jpg



Và đi được đến Tích Lan, để cảm nhận những nét văn hóa còn nguyên sơ của vùng đất này, là một niềm hạnh phúc. Hạnh phúc, với tôi chỉ là những điều nhỏ bé như thế.

Tích Lan 09/2016
 
VỨT ĐÁ ĐI VÀ LEO KOTA KINABALU

13138784_1199220046756294_5303758433727866195_n.jpg





Mùa hạ, của gần mười năm trước, lần đầu tiên leo núi, là lên đỉnh, chứ không phải chỉ ở lưng chừng một con đồi, núi Bà Đen, cao nhất Đông Nam Bộ. Năm đó, tôi mười tám tuổi, năm đó, tôi vừa thi xong đại học. Tuổi thanh xuân tràn đầy năng lượng, cơn mưa mùa hạ gột rửa cho chặng đường đầy áp lực thi cử, chuyện học hành. Mười tám tuổi, đứng trên đỉnh núi phóng tầm mắt nhìn xuống phía dưới, thấy cuộc đời tươi sáng, thấy mình quá nhỏ bé trước cuộc đời dài rộng này, hừng hực khí thế, tươi mát thanh xuân. Mùa hạ năm đó đi qua, chuyến leo núi đánh dấu kết cho một chặng đường nho nhỏ, mở ra một chương mới của cuộc đời. Rồi tôi vào đại học, rồi bốn năm giảng đường tràn ngập tiếng cười cũng qua đi, không vội vã không ồn ã, đầy niềm vui nhưng cũng không thiếu nỗi buồn. Và đi làm và cắm mặt vào với sâu rộng những gương mặt người. Gần mười năm sau ngày leo lên đỉnh Bà Đen năm đó, lại một mùa hạ lăm le kéo tới. Năm nay mưa muộn, nắng cháy cá chết rạt bờ. Bứt mình ra khỏi những giới hạn của cuộc sống thường ngày, vứt sỏi trong đầu và lổn ngổn đá trên vai đi, rồi cứ thế, tôi leo Kota Kinabalu.



13173757_1199220263422939_2521010638058273163_n.jpg





Tôi không nhớ rõ, là tôi hay là Minh, ai là người khởi sướng chuyến đi này, hơn nửa năm trước. Lúc đó, chúng tôi rủ nhau cùng leo Kinabalu, đơn giản, là vì thấy nó khuyến dụ đầy mê hoặc, ngọn núi cao nhất Đông Nam Á, là nóc nhà của khu vực rộn ràng đông đúc này. Sau đó, tôi rủ thêm Thư, rồi thêm Thùy và Hồng nữa, năm người, lập thành một đội. Trong nhóm, Minh đã từng leo Fan, tôi thì mười năm trước, như đã nói, có lên đỉnh Bà Đen một lần – chỉ thế thôi, đơn giản như chưa từng đơn giản hơn thế nữa. Thùy, Hồng và Thư, ba cô gái chưa hề có kinh nghiệm về leo núi, như lời Thùy nói: tiền có sẵn, sức khỏe cũng sẵn sang, thế là đi thôi. Tôi thực sự không biết, lý do họ leo KK là gì? Tôi cũng không hỏi. Với tôi, đôi khi có người đi chung để chia sẻ tiền phí leo núi cũng đã được rồi. Đủ người cho việc đặt tour, một viên sỏi nhẹ hều được tôi vứt xuống, không hề day dứt. Đó, là chuyện của hơn nửa năm về trước.


13177378_1199220253422940_5774026203614799324_n.jpg




Tôi sợ mình không đủ sức khỏe để leo đến tận cùng của ngọn núi ấy. Thực sự thì tôi bắt đầu lo lắng cho sức khỏe của mình, kể từ ngày má tôi bị tai biến, liệt nhẹ nửa người. Hôm đó, là buổi sáng bình thường, tôi đi làm, và chị gái tôi gọi, nói má đang ngồi ăn bánh canh, rồi tự nhiên cứng đơ cứng ngắc. Trên đường từ sở làm hớt hải chạy về nhà, sở làm cách nhà tôi hơn ba mươi cây số, tôi nghĩ đủ thứ kỳ quặc trong đầu, nhưng may mắn, má tôi vượt qua được. Và kể từ đó, tôi đâm ra hay suy nghĩ về sức khỏe của mình. Sau đó tôi đăng ký đi tập thể dục ở một phòng tập gần nhà, mỗi ngày tôi chạy đều 5 cây số. Nhiều người chắc dòm tôi rồi cười, vô phòng tập tạ chỉ nhỏn ôm máy chạy bộ, tôi cứ kệ. Tôi thuộc dạng ngại những nơi như vầy, phải có động lực kinh khủng lắm mới có thể khiến tôi nhấc mình đến với phòng tập. Và rồi đều đặn tôi dậy lúc bốn giờ sáng, vượt qua những tháng hè oi ả, vượt qua những ngày Ninh trở lạnh buốt hết cả da đầu, tôi cứ thế mà tèn tèn mỗi ngày chạy năm cây số, hết ba mươi phút, đốt cháy 567kcl. Lúc đặt vé leo KK, tôi đã tập được một thời gian rồi. Tôi nghĩ, cứ chạy như thế này, liệu rồi có đủ sức bền để lên tới đỉnh được hay không? Một tạ đá, rớt uỳnh trên vai tôi, muốn xiểng niểng.


13177107_1199220903422875_6039645470088511384_n.jpg




Một ngày nọ, cũng lâu rồi, tôi có nói chuyện với cô bạn, lúc đó, là một buổi chiều chạng vạng cuối xuân, ở Singapore. Bạn tôi lúc đó đang làm việc ở đây, tôi qua bên đó chơi, rồi hẹn bạn đi ăn cháo ếch. Bạn tôi nói, leo Kinabalu là thử thách về mặt thể lực kinh khủng nhất, mà cô ấy đã từng vượt qua được. Bạn tôi – là hình mẫu lý tưởng mà rất nhiều năm sau này, tôi nghĩ những bạn bè đồng học với tôi ở FTU2 K46 năm đó, sẽ còn nhắc đến, bởi bạn thuộc dạng nữ cường nhân, cái gì cũng giỏi, giỏi đều, học giỏi mà làm cũng giỏi, khỏe khoắn, tích cực với cuộc sống này. Và bạn đã nói với tôi điều đó, găm vào đầu tôi cái ý nghĩ, leo KK không hề là chuyện đùa. Rồi có lần Minh nói với tôi, leo KK có là cái méo gì, leo Fan được thì KK cũng không là gì hết. Tôi cũng không biết thế nào, nhưng tôi biết, tôi có sức khỏe. Má tôi nói sao con cứ đi chơi hoài, không tuần nào nghỉ ngơi hết, là trâu bò hay sao mà không biết mệt mỏi? Tôi tự tay nhấc một hòn đá thật lớn khỏi vai mình, thấy nhẹ hơn hẳn.


13164346_1199220233422942_7262018191652788196_n.jpg




Trên trang cá nhân của tôi có một người bạn tên là Luân Phạm – tôi không biết người này, nhưng một lần vô tình tôi thấy cậu ta check in ở Kota Kinabalu, thế là tôi gửi lời kết bạn. Định bụng, sẽ hỏi thăm coi cậu ấy có leo KK chưa, chia sẻ một chút kinh nghiệm với tôi được hay không? Nhưng rồi tôi đã không hỏi, chưa từng hỏi và sẽ không bao giờ hỏi. Tương tự như việc tôi cũng chưa từng bao giờ nhắn tin hỏi Nhung xem Kinabalu như thế nào? Thời tiết nắng gió xứ ấy ra sao? Nhung là bạn đại học của tôi, bạn ấy cũng đã từng đến đây, hình như lỡ hẹn với chuyến leo núi. Nhung là một người thích xê dịch, đi nhiều còn hơn tôi nữa. Nhưng tôi cũng không biết, vì sao tôi lại không hề hỏi họ bất cứ điều gì cho chuyến đi của tôi dễ dàng hơn. Tôi quyết định đổi lại vé máy bay từ KL đi KK sớm hơn bốn tiếng đồng hồ. Một quyết định tôi cho là nông nổi, cận ngày bay, với cái giá y chang như mua một vé bay mới. Nhưng biết sao được, tôi quen với sự nông nổi đổi vé máy bay nhiều rồi. Tốn tiền, cũng đã nhiều rồi. Đổi được giờ bay tốt hơn để có thêm thời gian nghỉ ngơi trước khi chính thức check in ở KK park, là lúc đầu tôi vơi bớt sỏi. Đôi khi dùng tiền để đổi lấy sự bình yên, cũng đáng giá. (Và Minh share với tôi tiền đổi vé máy bay ấy, tôi đánh giá cao sự nhiệt tình đó, cám ơn!)


13118970_1199220286756270_6250286219213374277_n.jpg





 
VỨT ĐÁ ĐI VÀ LEO KOTA KINABALU (2)


13179208_1199220016756297_5630271181862579692_n.jpg


Tôi bay từ Sài Gòn qua KL, chuyến bay muộn, mãi đến gần 3 giờ sáng mới đến được sân bay xứ Cọ. Rồi tôi chuyển qua terminal nội địa, 5h đã lồm cồm bò dậy một mình bay đến KK. Ở đây tôi chờ Thư, Hồng và Thùy rồi cùng họ đi đến chỗ hẹn với Minh. Sau đó, chúng tôi bắt taxi đi từ KK city đến KK park, đoạn đường xa, nhỏn hơn hai tiếng ngồi xe mới tới. Khi đến nơi, đã tầm 2h chiều, chúng tôi tốn cả đống thời gian cho việc check in và lấy permit cho cuộc leo núi sáng mai. Tối đó, tôi đi ngủ sớm, sau khi dùng bữa tối buffet buồn chán và một buổi brief ít ỏi thông tin quá nhiều vết muỗi đốt chuẩn bị cho hai ngày leo núi. Căn phòng nhỏ nằm heo hút trên một ngọn đồi, xung quanh là cây cối bao trùm, yên tĩnh tịch mịch với toilet nằm riêng biệt ngoài phòng. Khung cảnh bàng bạc lạnh lẽo khiến đôi chân cóng lại, đêm có muốn đi number 1 tôi cũng nhịn không dám bước ra. Những gương mặt người háo hức, đôi chân rộn ràng. Nhiều khi tâm trạng làm cho mình thấy mình không muốn đi nữa, trực tiếp bay lên đến đỉnh ngọn núi mờ sương xa xa kia. Một đêm đó, tôi ngủ ngon lành. Bao nhiêu sỏi đá, tiêu tán đi đâu hết.

13151733_10204748307106839_5357020625341226092_n.jpg





Thời tiết hôm leo núi tuyệt vời, trời quang, không nhiều sương và có chút đỉnh nắng. Mỗi ngày, chỉ có tối đa 125 người có được permit leo Kinabalu thôi, vé chúng tôi đặt trước sáu tháng. Đoàn năm người thuê thêm một guide kiêm porter cho cả nhóm. Đoàn leo cùng chúng tôi đủ quốc tịch, nhiều nhất vẫn là dân Malay bản địa, có một cậu người Thái – đi một mình, dân Ấn, dân Sing – bác lớn tuổi người Sing lúc nào cũng khiến tôi lo lắng, hỏi ông có ổn hay không, có cần nghỉ hay không? Tụi Tây, dân Nhật và Hàn – lúc nào cũng trang bị tận chân răng mọi đồ nghề cần thiết. Chúng tôi – nhóm người Việt duy nhất leo lên núi ngày hôm đó – quá sức là tài tử, y chang một gánh cải lương múa phụ họa cho người ta. Lèo tèo những dụng cụ leo núi ít ỏi, ai cũng mỏng manh và không hề có chút gì gọi là “dân leo núi” hết. Không ai nói với ai điều gì hết, tự nhiên vai oằn, chắc là đá từ đâu ghé chơi trên vai rồi. 9h30 sáng chúng tôi đặt những bước chân đầu tiên ở Timohon gate, những bước chân đầu tiên – tưởng nhẹ nhàng nhưng trùng trình nặng nề. Phía trước, ai biết được sẽ là chuyện gì đang chờ đâu?

13138927_1325789434105174_8411758372350700435_n.jpg





Tôi quyết định sẽ bỏ rơi mọi người, không có nghĩa là Minh, Thùy, Hồng hay Thư leo chậm, mà chỉ đơn giản, tôi muốn dành thời gian cho riêng mình. Bắt đầu từ km số 3, sau khi có packed lunch, mọi người thì ăn, tôi không, tôi để bụng mình trống rỗng, tôi cũng thấy đói, nhưng chưa kiệt sức, tôi muốn lòng mình thật rộng, để thoải mái co kéo trong đó rất nhiều những suy nghĩ. Đi một mình, tôi có thời gian để mường tượng ra nhiều thứ, nghĩ đến nhiều chuyện lông ngỗng lông gà trên cuộc đời này, tự vẽ cho mình những vai diễn khác nhau, và khóc cười với nó. Tôi không kể về hành trình leo núi, có gì đâu, cắm chân vào đất rồi bám đá mà lên. Ai có sức, sẽ leo được, ai có ý chí, cũng sẽ leo được, ai có tiền, tiền nhiều, thuê người cõng lên, cũng gọi là leo được. Đoạn đường leo núi ấy, mồ hôi có (rất nhiều), những lúc mệt tôi cũng thở như trâu, khát nước uống nước, đói bụng móc bánh ra mà ăn. Nhưng đi thì cứ đi thôi, đi để biết sức mình còn đến được lúc nào. Và tôi đến Laban Rata lúc 3h chiều, đủ mệt và đói để ngay lập tức móc packed lunch khô quéo ngồm ngoàm cho vào miệng. Nhạt toẹt, nhưng vui. Ngày đầu như thế cũng không đến nỗi nào.

13151552_1325789037438547_4253703887764144837_n.jpg




Đêm đó ngủ ở Laban Ratan không được, sàn nhà bằng gỗ chứa cả trăm người trong đó, quá chật cho những tiếng ồn ào. 2h sáng đã phải dậy, gói ghém hành trang cho vô ba lô rồi cầm đèn pin leo lên đỉnh. Đoạn đường từ Timohon lên tới Laban Rata tầm hơn 6 cây số, từ Laban Rata lên đến đỉnh là hơn 3 cây số nữa. Trong đêm tối, tôi lò dò leo lên phía thẳm vời xa trước mắt. Cái đèn pin cầm tay xui rủi, chỉ cho tôi thấy được một khoảng trắng nhỏ nhoi trước mắt. Tôi không nhìn được xa, nhưng tôi biết mình phải tiến lên thôi. Tôi bỏ lại Minh, Thùy, Hồng và Thư trong chưa đầy 10 phút leo đầu tiên đó. Và cứ thế tôi vượt qua rất nhiều những đồng bạn khác, trong đêm sâu thẳm, tôi không nhận ra ai hết, tôi cứ cảm ơn khi vượt qua được một người. Tôi không cho phép mình ngừng lại, nghỉ ngơi nghĩa là thỏa hiệp, nghỉ ngơi – nghĩa là cái lạnh sẽ xâm chiếm và ngừng lại – nghĩa là khó khăn khi lại tiếp tục cất bước lên đường. Đường leo đỉnh khó khăn, gió núi mây ngàn và trăng sao làm bạn. Lúc mệt quá tôi chỉ có thể lê chân mình qua từng bước nhỏ. Lúc khỏe hơn rồi thì tôi đu dây búng mình qua những gò đá cao. Tôi cứ xăm xăm tiến về phía trước. Vượt qua rất nhiều người. Có lúc tôi nghĩ, chắc là mình đang dẫn đầu cả đoàn người phía sau. Ngoái đầu nhìn lại, trong đêm đen giữa bầu không bao la, chỉ thấy cả một hàng dài những ngọn đèn pin lấp ló, cảnh tượng mờ ảo hư thực, ảo diệu vô cùng.

13118854_1325789260771858_1524923467139291477_n.jpg





Đúng 5h sáng, tôi lên đến đỉnh núi. Là người thứ ba, là người thứ ba đó, chạm đến bảng tên đỉnh KK. Tôi không biết lúc đó tôi nghĩ gì? Thực sự, trên đường một mình, tôi đã vẽ ra biết bao nhiêu kịch bản, hú hét sung sướng cũng có, ôm lấy những người cùng keo rồi giả vờ chúc mừng mày nha thành công rồi, hay đơn giản là chỉ đứng ở đó, thấy mình nhỏ bé giữa đỉnh núi ngàn trượng này mà chờ le lói ánh bình minh đầu tiên của ngày mới lên. Nhưng sau tất cả, lúc lên đỉnh, thấy mình là người thứ ba, tôi chỉ dòm người thứ nhất, người thứ hai, hai thằng Malay, đêm còn mờ mịt, không thấy mặt, hỏi đây là đỉnh rồi à? Tao là người thứ ba hả? Thế thôi, rồi lôi từ trong áo một trái táo, cắn một phát ngập răng rồi ngồi đó, chờ những người phía sau còn lâu mới tới. Chỉ vậy thôi, nếu có suy nghĩ, chắc là, phải kiếm cái gì đó bỏ lõi táo vô thôi, không lẽ quăng rác ở trên đỉnh KK như thế này. Rồi không đợi bạn lên cùng lúc, tôi cứ thế đi xuống, đường đi xuống, chán vô cùng. Ngày đã lên, nắng đã xua tan cả một màn đêm bí ẩn, giờ ngọn núi hiện ra, đá rặt đá, đen xì vô vọng. Trong đêm tối, cái gì cũng mơ màng và trần đầy những hình ảnh ẩn dụ kỳ thú, tôi thích thú ghém mình trong màn đêm u mê đó, thấy mình làm gì cũng chả ai biết, tha hồ tưởng tượng đủ thứ chuyện kinh khủng trong đầu mình. Chắc đó là mầm mống của một căn bệnh gì đó, lỡ một mai có chuyện gì xảy ra, bí ẩn và ly kỳ, dám người ta sẽ đổ cho mình, tôi phì cười. Điên loạn và muốn nổi loạn. Ai biết được, tôi là một nhân viên ngân hàng chăm chỉ, không có đâu, tôi chỉ là một người bình thường.

13138799_1199220056756293_5330867735291977939_n.jpg




Là một người bình thường nên tôi nghĩ việc chinh phục KK cũng là một việc bình thường. Tôi xuống đến chân núi lúc 2h chiều, một trong những người nhanh nhất. Rồi tôi chờ các bạn tôi trong hơn 3 tiếng, trong 3 h đồng hồ đó tôi đã phải làm đủ mọi trò, chống đẩy, hát cải lương đến dân ca và nhạc cổ truyền, lôi bàn tay chữ nhất ra soi coi có đường vân nào mới, massage bàn chân, cổ chân gót chân… Đợi mãi rồi cũng đến lúc họp mặt mọi người. Check out khỏi Timohon gate lúc tầm 5h30. Ngọn núi khuất mờ trong sương chiều dày đặc, chắc nó có chào tôi đó nhưng tôi mệt quá nên không để ý. Đá hay sỏi gì bây giờ cũng đã dời đi hết, chỉ cần lại chân tay rã rời và một thể xác nặng nề. Nhưng bù lại, tôi tỉnh táo để còn nhận ra là mình đã kịp làm gì đó cho tuổi thanh xuân trôi qua bớt nhàm chán. Năm 27 tuổi và năm 18 tuổi, tự đánh dấu cho cuộc đời mình bằng một lần lên đỉnh. Xứng đáng chứ bộ giỡn chơi à!

13177465_1199220043422961_1475930137022312958_n.jpg



Rất nhanh thôi rồi mình sẽ già. Và nếu may mắn thì trong khi chờ nó đến, cái tuổi già ấy, đã kịp vứt đá trong lòng đi rồi cứ thế mà leo Kota Kinabalu.
 
KARLOVY VARY - MỘT HÔM ĐI VỌC TUYẾT​

Mình cứ đâm đầu đi mãi, rồi thấy tuyết. Mừng như đứa trẻ.

Ngày về, cứ ngoáy đầu nhìn lại, mơ mải ánh tuyết trong tim.​



16938825_1448549255156704_2055883848984304962_n.jpg


Leo lên đồi nhìn từng vạt nắng.​


16681732_1448549285156701_3155588396539654574_n.jpg


Con đường này, hoá ra, có mình mình.​


16730649_1448549311823365_4067984641105053273_n.jpg


Nắng trong.​


16938910_1448549328490030_6052587717891101472_n.jpg


Phía dưới kia, cũng im lặng.​


16832140_1448549388490024_7112085828672340409_n.jpg


Một nhà thờ nằm trong tuyết!​


16832217_1448549415156688_3072980833098885816_n.jpg


Một bảo tàng, hoặc tòa thị chính, hoặc một cái gì đó, có tuyết rơi dày!​


16938930_1448549455156684_8442886020624732831_n.jpg


Trấn nhỏ Karlovy Vary, cách Prague 200km, gần hai giờ bus chạy.​


16864917_1448549521823344_1964842824620282480_n.jpg


Yên lặng trong cái lạnh cuối mùa đông.​


16938788_1448549548490008_4906186205752391083_n.jpg


Với mình, cái chi cũng lẻ loi, đơn độc có một mình! Thông, cũng vậy!​


16832310_1448549568490006_5565366058467324975_n.jpg


Không một bóng người!​

 
VENICE MÙA TRÔI LẶNG LẼ

Thành phố thơ mộng này đắt đỏ, nhưng tôi đi vào mùa đông, nên lạnh lẽo và quá mức đơn côi.

Nhưng hơn tất cả, nơi này chả bao giờ buồn.

Tôi đi qua bao nhiêu cây cầu ở chốn này, tự nghĩ cho mình đằng sau mỗi cây cầu là một câu chuyện, vui có buồn có.

Ai không thích Venice, chứ mình, vẫn yêu nơi này dù cho bất cứ chuyện gì.


17191209_1459768290701467_6100691497348669422_n.jpg


Đi bộ ở Venezia, mình nhủ mắc gì phải lạc trong cái chốn mà ai cũng nói "lạc là đặc sản ở chốn này". Đường mình đi, cứ thênh thang thôi.


17191064_1459768314034798_1089613172732096866_n.jpg


Lên Gondola thôi.​


17201028_1459768360701460_1922100432517805334_n.jpg


Những con kênh nhỏ.​


17155969_1459768374034792_3244240408505536501_n.jpg


Và những góc cua ngoặc.

17155993_1459768394034790_2314825246355484959_n.jpg


Phải lên gondola, điều ko thể tha thứ nếu đến Venezia mà không lên Gondola.


17155833_1459768400701456_8520700563225757483_n.jpg


Nếu may mắn, người lái thuyền sẽ hát một vài khúc nhạc nào đó. Tip là, chọn người lái gon có tuổi một chút, bọn thanh niên họ ít chịu hát lắm.


17190655_1459768424034787_4052639033434514083_n.jpg


Chuẩn bị ra Grand Canal.​


17201308_1459768437368119_1257823078454873528_n.jpg


Và biển lớn.​


17098255_1459768454034784_8320746536111868115_n.jpg


Khúc hát sông quê.​


16938459_1459768470701449_2370448133716793691_n.jpg


Đôi lứa​

 

BÌNH YÊN NHỮNG NỖI PRAGUE​

Từ Bỉ, tôi bay sang Prague vào một buổi sáng xám xịt. Đã quen với cảnh trời mờ sáng phải kéo vali nghiến trên mặt đường, bắt bus hoặc metro rồi trôi ra vùng ngoại ô, trèo lên máy bay tan vào sương sớm để đến một vùng đất mới. Prague, Prague, lại là một vùng đất mới khác.

17264211_1468199406525022_5483029037012151618_n.jpg



Không biết bắt đầu từ lúc nào, nhưng mỗi lần nghĩ đến Châu Âu, lục địa già, tôi lại mơ về Tiệp Khắc cũ, cái tên ấy đã in đậm vào trong trí nhớ, cái quảng trường có cái đồng hồ con gà, và những vị tông đồ, thị trấn mái ngói đỏ, những con đường, thành cổ và phố cổ. Cái tên Prague cũng gợi nhiều ký ức, từ hồi học tiếng Anh, đã thắc mắc không biết cái từ kia đọc ra làm sao? Quyết định đi châu Âu, là lúc tôi mừng vui vì rồi cuối cùng tôi cũng sẽ đến được Prague. Bạn tôi nói, đi Đông Âu làm gì, qua màn hình chat, tôi nhận thấy cả một cái nhìn dè bỉu, là Đông Âu?

17342577_1468199769858319_605283225753001470_n.jpg



Ớ thì nếu có là Đông Âu, thì có làm sao? Đông Âu không giàu và phát triển bằng Bắc Âu hoặc vùng Scandinavi thiệt, nhưng bù lại, Đông Âu không đắt đỏ, giàu truyền thống, văn hóa. Đông Âu lạnh, người Đông Âu cũng đẹp hơn nữa. Tôi nhận ra mình yêu Prague ngay từ lúc bước ra khỏi hầm metro, ngước lên nhìn những hàng dài những dãy phố cổ. Metro nằm ngay trạm Museum, bước vài bước là tới Khu New town, và thêm vài bước nữa là tới hotel tôi đặt chỗ. Những con dốc thoải, tôi cứ nghiến chân trên những con đường thênh thang gió nắng, thứ nắng cuối đông chênh chao, và gió, cũng rất ngọt ngào.


Hotel của tôi nằm ngay đầu đường Katerinska, rất gần với khu trung tâm thành phố, chỉ cách vài bước chân là đến trạm metro, và thêm vài bước chân nữa, là tới Old town. Đêm đầu tiên ở Prague, tôi cứ đi tềnh tang trên phố, rồi giữa tất bật những biển hiệu chữ Tây chữ Tàu, chợt nhận ra một chữ Phở thân thương mà thấy mừng vui khôn tả. Tôi biết Czech có nhiều người Việt sinh sống, nhưng vẫn không kiềm được cái cảm giác sung sướng khi gặp đồng hương giữa nơi xa lạ - dù là có thể chỉ mình mình mừng thôi, người ta thì chắc là quen rồi nên thấy cũng bình thường. Ăn phở giữa trời đông Âu lạnh giá, xa nhà xa mẹ, mới thấm thía hết được cái gốc tre ruộng lúa quê nhà đã thực sự ăn đậm vào xương tủy rồi. Dù có đi đâu có làm gì, dù ngày mai kia có dâu bể như thế nào, thì mình vẫn cứ là người Việt, ăn cơm Việt mẹ nấu vẫn là ngon nhất. Đi chưa xa chưa lâu, mà đã nhớ đã thèm món ăn phong vị Việt đến nhường nào.

17352078_1468199906524972_1571217426104783903_n.jpg




Hôm sau nữa tôi đi Karlovy Vary, một trấn nhỏ cách Prague khoảng 200 cây số. Sáng sớm bức mình khỏi giường, lại nuốt trệu trạo một bữa ăn Tây nhàm chán, rồi cứ thế bắt metro ra Florenc đi Karlovy. Cái tripod trên đường đi bị hư, lúi húi chùi lau cuối cùng bị trễ chuyến bus, vậy là tôi cứ ngồi đó chong ngóc nhìn những hàng người đang tất bật đi lại ở bến Florenc nhộn nhịp. Ở Prague, người ta vẫn sử dụng đồng Koruny (CZK) song song với sử dụng euro, đồng CZK thì rẻ, nên đổi sang tiền CZK cho dễ sử dụng, những máy bán vé metro hoặc bán hàng tự động thường chỉ chấp nhận mỗi CZK thôi nên nếu bạn không đổi tiền, sẽ vô cùng bất tiện. Có nhiều điểm đổi tiền trên phố, tất cả đều trưng biển no commission. Cái nào mà đầy rẫy ra quá, tôi đều đâm chợn. Tôi cứ nhè thẳng ngân hàng và đổi, không cần đổi nhiều vì ở cái xứ Châu Âu này, mọi thứ đều có thể trả bằng thẻ, hạn chế sử dụng tiền mặt tối đa. Bên cạnh những điểm đổi tiền như thế, cái nhiều thứ hai ở Prague là chó, cứ chủ đi trước là phía sau kèm theo một em chó, chạy lọc cọc trên phố thấy cưng gì đâu.

17342849_1468200523191577_1808311958820870233_n.jpg




Karlovy Vary nằm trên núi, bao phủ bởi tuyết trắng xóa cuối đông. Nếu không có nhiều thời gian, Karlovy là một sự lựa chọn tuyệt vời dành cho một chuyến đi trong ngày xuất phát từ Prague. Tôi đi một mình, ngồi cạnh là một cậu nhóc người Czech chơi Sudoku, đường không quá xa để kịp bén duyên cho những câu chuyện rời rạc, tôi nhìn ra hai bên đường, bốn bề trắng xoá bởi tuyết. Lần đầu nhìn thấy tuyết, bao nhiêu phấn khích bao nhiêu háo hức tôi mang ra hết. Xe bus tôi đi kiểu xe chất lượng cao chạy những tuyến cố định và ngắn, trên xe sạch sẽ, có wifi và có phục vụ trà, cà phê, chocolate cho hành khách. Tôi cắm charge cho điện thoại của mình, rồi vô tư hết nhìn cảnh tuyết mịt mùng dài theo chuyến đi, rồi quay qua nhìn những ô số Sudoku của thằng nhóc Tây đẹp trai hôi rình ngồi cạnh, nhớ lại cái thời ngày xưa đã từng có thời mình mê mải giải Sudoku trên báo Thanh niên cuối tuần. Bây giờ đa phần đọc báo mạng, không biết tờ Thanh niên chủ nhật còn cho đăng tải những bài số Sudoku như ngày xưa nữa, hay không?


Tôi đến Karlovy lúc trời đã bắt đầu xỏ xiên nắng. Karlovy nhỏ xinh, hiền ngoan như một bà lão già cô độc, dân cư ở đây không quá đông đúc, phố thị nhiệm màu chỉ toàn những căn nhà nghiêng nghiêng theo hướng con dốc đi lên. Và thêm đậm đà kiến trúc châu Âu cổ, giữa là một con sông, bắt qua sông là mấy nhịp cầu, hai bên đường là hai dãy phố với những biệt thự cổ, đa phần toàn là những cửa hàng sang trọng, những hàng thức ăn nhanh, cửa hiệu đồ cổ, và quán cà phê. Những dòng suối nước nóng chảy đâu đó giữa lòng Karlovy, và người ta thiết kế những vòi nước nóng lộ thiên rải rác trên trục đường chính, có tổng cộng 12 vòi nước như thế, được đánh số thứ tự, mỗi vòi có độ nóng khác nhau, cao nhất tầm trên 60 độ, và thấp nhất là khoảng 30 độ. Nước nóng uống được, tôi thích thú nhấm nháp từng vị mặn nhẹ khác nhau của dòng suối nước nóng đó, có cái hơi chợn, như kiểu mình uống nước nhiễm phèn, có cái lơ lớ, dễ thương như uống nước muối khoáng. Những vòi nước nóng công cộng đó, trở thành một đặc sản, với việc bán kèm những cốc uống nước rất dễ thương. Tôi lại nhớ, tôi hay nhớ, và đem ra so sánh, tại sao ở chỗ mình không có những dịch vụ dễ thương như thế này? Và cái cốc nước mát bên hiên nhà, nước rộng trong lu sành, có cái gáo dừa vắt trên miệng lu, nước giếng nên mát, ai lỡ chân đi ngang qua, dừng lại uống thoải mái. Cái gáo dừa trong lành đó, bây giờ chắc chỉ còn, trong những du sinh thái theo kiểu nhà vườn, giả tạo dễ sợ.

Và tôi cứ sải bước cho đến tận cuối con đường cái quan ở Karlovy, cho đến khi không còn ai phía trước nữa, và quay lưng lại, cũng chỉ mình tôi, với con đường trống trải chỉ mênh mông bốn bề là tuyết. Những âm thanh hoang hoải, đến cả những con quạ cũng lười đáp lại bước chân tôi, im lặng. Tôi đi lên đồi cao, cương quyết đạp lên những hàng dày tuyết, và ngóng cổ nhìn xuống thành phố. Có đôi khi tôi nghĩ, nếu mình có bạn đồng hành, chắc thay vì mình đi lên đồi, tạt ngang rẽ cua ở những chỗ hiu hắt thế này, mình sẽ ngồi ở quán cà phê nào đó, cười tếu táo và rộn rã vì những câu đùa vô tận. Đi một mình, vì không để buồn nên tự rướn ra tất cả những niềm vui. Buồn thì chắc ăn không có, nhưng ẩn ẩn, là nỗi cô đơn không gì vợi được.


Tôi bắt bus trở về thành phố. Trải qua cái lạnh đáng sợ khi đứng chờ xe ở bến, không có lò sưởi ở bến xe đâu, nên tôi cứ nép mình ở những bức tường lạnh, kéo cao cổ áo và vùi mình trong cái suy nghĩ, cố lên đi mỗi năm mình chỉ tận hưởng được cái lạnh như thế này, có dăm ngày. Đường về nhà lưu luyến, xe vụt qua những cánh đồng trơn tru tuyết trắng xóa, tôi cố gắng ghi lại hết những cảnh tượng này, trong ánh tà dương ngại ngùng. Cảnh đẹp này, biết bao giờ mới bắt gặp lại đây?


Rồi tôi cũng trở về với Prague, đêm đó tôi ngủ trễ, vì thèm món ăn Việt nên trễ cỡ nào cũng lôi google map ra tìm đường đến nhà hàng Việt gần nhất ăn một tô phở. Prague với tôi như một cái duyên. Ớ Pháp và Italia, tôi thèm món ăn Việt quá trời, tôi cũng thèm được nói tiếng Việt nữa, nhưng chả hiểu sao, ở những nơi rộng lớn ấy, tôi chưa gặp được một người Việt da vàng mũi tẹt nào cả. Chỉ đến khi qua tới Prague, chưa gì hết đã gặp ngay quán ăn người Việt, quán phở Việt Nam ở Prague nhiều lắm. Những bát phở ở Prague, không đậm đà và đúng vị như ở quê mình, nhưng vô tình, lại là những tô phở ngon nhất tôi từng được ăn. Tôi ăn hết cái và húp hết nước, cứ ăn từ từ vì thực sự tôi là người ăn không được nhiều, bao tử phải rướn hết sức mới chứa nổi một tô phở to ứ hự như phở ở trời Tây này. Động viên mình, cố ăn đi vì được ăn món Việt ở đây, khó khăn lắm. Bạn tôi hỏi, có ý định sống ở nước ngoài không. Tôi nói không, chắc chắn và không hề do dự, vì ai biết được, trong vô vàn lý do, có cả việc số phận đã định sẵn rồi, ngoài món ăn Việt Nam, ngoài nước mắm và cơm gạo trắng, tôi chả thể dung nạp thêm những thức ăn ngon lành nào khác nữa rồi.


Ngày trở về, để thêm phần kịch tính, Prague mưa. Tôi khổ sở kéo vali trên đường, cái áo phao không có tác dụng chống thấm, nên nước mưa âm thầm len vào trong áo, lạnh kinh khủng. Nhưng tôi nghĩ, giữa đất và trời Prague này, mưa cũng đáng. Để thấy một Prague cổ kính khép nép lại trong màn mưa mờ đục, những ngôi nhà hắt ánh đèn le lói giữa trời đêm quạnh quẽ. Tôi cứ kéo vali bước qua những mái nhà trăm năm đó, ngoáy đầu lại là mặt nước đọng trên những vệt kẻ đường lam màu.

17309664_1468201809858115_8858850529188860961_n.jpg

Nơi cuối đường hầm metro, tôi thấy một Prague hiền hòa và luôn khép mình lại vẫy tay chào. Một trong những kỷ niệm đẹp và đúng đắn của tháng ngày lang bạt, tôi đã chọn đến và rời Prague của lần đầu tiên bước ra thế giới mới. Prague bình yên, ngủ ngoan trong những giấc mơ tôi, cho mãi đến giờ!
 
GẶP NỤ HÔN VENEZIA​

18485958_1537544452923850_2199707839564173598_n.jpg


Buổi chiều nắng vàng ruộm, giòn tan, mặc dù vẫn lạnh, gió thổi từ biển bàng bạc, mất mát. Tôi đi bộ qua cây cầu gỗ Accademie cực kỳ đẹp, thả hồn theo ánh hoàng hôn phía xa. Ôi hoàng hôn Venice, dù đã từng được ngắm tà dương ở rất nhiều nơi màu nhiệm, nhưng hoàng hôn Venice xa xăm, hoàng hôn của ngày mà cả thế giới rộn ràng trao nhau nụ hôn và những vòng tay đôi lứa ken đầy hạnh phúc, vẫn đầy cảm xúc. Hôm ấy là lễ tình yêu, và tôi trở về nhà thật trễ. Đi chậm qua những cây cầu ở Venezia, cho đến khi nắng đã tắt, đêm thật sâu và tiếng sóng vỗ ì oạp vào bờ.

18555936_1537544202923875_6960542874728285954_n.jpg



Tôi bắt chuyến tàu trưa từ Milano đến Venezia, ngồi từ hai giờ trưa, đến chiều là tới. Đi tàu, cái thú là được nhìn ngắm mọi thứ trên đường, đi một mình, lại càng có thêm không gian và thời gian để ngắm nhìn mọi thứ nhiều hơn nữa. Toa phía trên bọn trẻ Trung Quốc xoay ghế lại rồi chơi bài, chúng ầm ĩ và loi nhoi. Chợt nhớ một chuyến tàu năm cũ, từ Bắc Kinh đi Thượng Hải với các anh chị em đồng nghiệp Vietcombank mình. Lúc đó vui, những gương mặt và những nụ cười. Tôi không biết sao nữa, nhưng những chuyến đi dài, chuyến đi này tôi kết nối với chuyến đi khác, chuyến đi nào cũng đong đầy kỷ niệm. Và kỷ niệm, là thứ quý giá mà tôi luôn trân trọng giữ chặt trong tim mình, không bán mua, không đổi chác, vì nó là vô giá.

18486445_1537544156257213_3923003035141453520_n.jpg


Venice hiện ra từ trong mù sương mùa đông, với những tòa nhà san sát dọc theo dòng kênh lớn. Đi tàu vào trong nhà trọ, nằm giữa hai trạm water bus. Lần đầu tiên đi bus đường thủy thế này, nên háo hức chạy ra ban công ngắm cảnh dọc đôi bờ. Venice đẹp lắm, chỉ riêng kiến trúc thành phố xây dựng trên mặt nước như thế này, tưởng tượng thôi cũng thấy đẹp đến mức độ nào. Đường nhỏ ngõ nhỏ, thuyền đi trên sông, sông mùa đông lạnh ngơ ngác. Tôi đến bến phà nơi gần nhất với khách sạn tôi đặt chỗ, sau khi hỏi hết người này đến người khác xem cái địa chỉ nhà mình ở đây, có đúng hay không. Mất gần bốn mươi lăm phút đi bộ vô nhà trọ, cái nhà trọ ấy, có sân vườn có phòng khách thật hút mắt. Và cánh cổng sắt đóng im lìm, tôi phải gọi cửa mấy lần, mới có người mở cửa cho vào. Và đó cũng là lần đầu tiên, lần duy nhất tôi thấy có người trong căn nhà cổ xa xôi lạ lẫm ấy.

18485534_1537544112923884_359297236250314659_n.jpg


Đêm đầu tiên xuống nhanh. Tôi thả bộ đi sâu vào trung tâm thành phố. Cứ đi loanh quanh thôi, vì ở Venice, tôi để cho tim mình cứ tự nhiên theo dòng lờ lững này. Những dòng người, không biết xuất hiện từ đâu trong những ngõ rất nhỏ ở Venezia. Nghĩ trong bụng, may mình đi Venice vào cái mùa lạnh lẽo, nên người không đông đúc lắm, nên mình cứ lủi thủi một mình giữa những dãy phố bình yên hiền hòa như thế này. Bạn tôi bảo, ở Venice dễ lạc nhau lắm. Vì bởi những con hẻm quá nhỏ, lại ngoằn nghèo, hai bên đường là những ngôi nhà xây cao, cửa nhìn chỉ gói trọn trong bốn bề là hẻm, lại hẻm, rồi nhà san sát, tường cao, lại hẻm, lại qua cầu, cầu tiếp, rồi lại hẻm. Nên ở Venice, đặc sản là lạc đường.

18555897_1537544322923863_6142786450527090817_n.jpg



Tôi thì bao giờ cũng tùy hứng, đường trong miệng mình mà ra, má tôi dạy như thế. Tôi cứ trôi theo những con phố chăng kín đèn, ngước lên là thấy cả trời sao vằng vặc, cứ đi thôi, lạc thì vòng lại. Cái bản đồ tiện tay lấy ở đâu đó, mà trong cảnh tranh tối tranh sáng, không biết sao mà lần, Venice nhỏ xíu dày đặc chữ, và chữ nào, cũng rối rắm như nhau. Thì thôi cứ đơn giản hóa, mình cứ trôi đi giữa lòng Venice bé nhỏ, quán xá tấp nập vui vui thì ngừng lại, gió lên nhiều thì kéo áo kéo khăn che chắn, thèm ăn pizza thì tạt vào mua một slice ngấu nghiến với người ta, ăn kem nữa, kem ở Italia, ngon lắm. Đêm đó tôi đi qua rất nhiều những dãy phố, hàng quán mở cửa rộn ràng. Những gương mặt người cũng rộn ràng. Và đêm tối tôi lần mò trở về nhà, áp mình trên chiếc giường đơn nhỏ bé cạnh lò sưởi. Ngủ ngon và ngoan như một đứa khờ lần đầu xa nhà mà mê ngủ đến mức an ổn. Ai bảo phải lạc đường ở Venezia, với tôi, đường đi là trong tim mình, trái tim mách bảo, mình đang đi đúng đường ở Venezia này rồi.

18556253_1537544056257223_1620089899012212559_n.jpg



Những cây cầu ở Venice. Nếu có thứ để tôi nhớ về thành phố nổi này, chắc sẽ là những cây cầu. Ở đây, cầu là đường, là hơi thở, là nhịp sống của một đô thị cổ, dựa vào biển mà đi qua trăm năm, nghìn năm. Có tổng cộng hơn 440 cây cầu ở thành phố bé nhỏ này, và nếu đi qua được hết 440 cây cầu ấy, hãy thử đi, chắc chắn bạn sẽ tìm được người thương của mình, cho dẫu người ta có ở nơi gốc bể chân trời nào. Tôi thích thú với cái ý nghĩ tìm người thương qua những nhịp cầu đó, rồi sải rộng chân đi theo tiếng gọi con tim mình. Ở Venice ba ngày, ngày nào cũng lội từ bờ Đông sang bờ Tây, cây cầu nào cũng cố gắng đi qua. Đói thì mua pizza và lon Coca bỏ vô bụng. Và tôi lại đi cầu, đi qua những cây cầu lát gạch nhẵn nhụi, có những cây cầu gỗ đẹp mê hồn vắt qua kênh nước êm đềm chảy, những cây cầu khác nhỏ xíu, len lỏi giữa lòng Venice bé nhỏ âm thầm. Và cũng bằng một cách âm thầm như thế, những cây cầu ở đây cũng dần chìm xuống theo dòng nước lên. Người ta nói rồi thì Venice sẽ lụi tàn thôi, cả cái thành phố này rồi sẽ bị cuốn trôi theo biển. Cái ý nghĩ về việc thành phố này đang thở đó, đang sống đó nhưng cũng đang dần chìm xuống biển ấy, cho tôi một cái nhìn đầy khắc khoải về một tương lai bàng bạc. Đâu đâu cũng là màu xám về thay đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Mỗi người, tự nhiên đã là một nhân tố góp phần vào việc đó. Đáng buồn thay.

18528018_1537544022923893_8224271139708519758_n.jpg


Tôi cứ trôi vô định theo những con ngõ nhỏ ở Venice, đói thì ăn, mệt thì nghỉ. Sẽ chẳng cần một kế hoạch nào đâu ở thành phố bé nhỏ này. Tôi thấy trên mạng hay có kiểu 10 việc cần làm ở Venezia, nhưng tôi kệ, mình thích thì mình cứ làm thôi. Như đi gondola, cứ xuôi theo dòng nước, ngắm nhìn trời mây và những căn phố nhỏ đôi bờ hiền hoà. Ông lái đò lớn tuổi, gõ mái chèo bì bõm đưa chúng tôi lượn lờ trên mặt nước buổi đông lạnh lẽo mà buồn bã. Cái cảm giác ngồi trên gondola bình yên thăm thẳm lắm. Nếu đi vào mùa xuân, hoa cỏ mọc đầy hẳn còn đẹp hơn nữa, nhưng mùa đông này, ngồi trên gondola trôi khẽ khàng giữa lòng Venice, vẫn có cái thú kỳ lạ. Đó là khoảng khắc tĩnh tại vô cùng giữa một thành phố du lịch đắt đỏ của châu Âu này, và mình thì thật nhỏ giữa những dòng kênh ở nơi là trung tâm của mọi cuộc tình. Nếu có người thương, ngồi trên gondola và cứ thế trôi đi giữa dòng, chắc là không còn gì tuyệt vời hơn nữa.
Tôi đến Venice khẽ khàng, và rời nơi này cũng nhẹ nhàng không kém. Ba giờ sáng tôi đã dậy, khua lẻng kẻng mọi thứ nhưng chắc ăn ngôi nhà này rồi chẳng có ai hết ngoài một mình mình, cho đỡ sợ. Cái căn nhà cũ, biệt thự cổ nằm cuối con hẻm nhỏ, có cái bậc tam cấp bắc lên nhà thiệt cao, có cái khoảnh sân con đón nắng đẹp rụng rời, và hai cây dù màu đỏ nhưng lúc tôi đến ở chả ai buồn bung nó lên cả. Tôi ngủ trong căn nhà rộng lớn đó, không khoá cửa, tối cứ rúc mình bên lò sưởi, và cái giường nằm cạnh cửa sổ tha hồ ánh trăng soi. Đến tận lúc chia tay rồi tôi vẫn còn mụ mị vì thiếu hơi người trong căn nhà ấy.

18582138_1537543969590565_3784778871636708479_n.jpg


Kéo vali đi giữa những con hẻm nhỏ ở Venice lúc 3 giờ sáng, tay tôi như dại đi vì không còn cảm giác, lạnh quá. Phố thị chìm trong cơn ngái ngủ. Giờ này, ra đường thì cũng chỉ là những cậu trẻ chơi bời la cà beer pub, ngất ngưỡng đứng bên những bậc thềm. Tôi thấy mình can đảm dễ sợ, mò đường từ nhà ra tới trạm bus, lôi lôi kéo kéo vali đi qua không biết bao nhiêu cây cầu. Tôi sợ hãi nhưng tôi hăm hở. Ai biết chuyện gì đang chờ đợi ở con đường phía trước, và gần ba mươi tuổi đầu cho mình thêm can đảm để dấn thân. Giữa lòng Venice nhỏ bé, tôi thấy lòng mình rộng mở, cứ kéo dài chân đi cho đến hết quãng đường này. 4h30 sáng có chuyến bus đầu tiên ra sân bay, và tôi là một trong những hành khách ngáy ngủ cáu kỉnh trên chuyến bus đầu ngày day dứt đó.

18486204_1537544379590524_7370796626812280892_n.jpg



Nếu có một giấc mơ nào kỳ dị, tôi nghĩ rằng đó là việc giữa Venice bé nhỏ nhưng bao giờ cũng chen đầy khách du lịch tứ xứ ta bà, tôi lại đặt được một cái nhà nghỉ to rộng theo dạng biệt thự cổ, và chỉ có một mình ên tôi trong đó, lay lắt trôi qua một kỳ lễ tình yêu quạnh quẽ cô đơn giữa nơi mà tình yêu nảy nở đâm chồi.
Hay là mình quay lại Venice, đi qua hết 440 cây cầu, để rồi tìm được người thương, như tìm lá diêu bông. Và đặt lên môi người ấy nụ hôn Venezzia thật nồng nàn và cháy bỏng. Hay đó chỉ là một giấc mơ, của tháng ngày lang bạt, không biết đến khi nào, và bao giờ, tôi mới thực hiện được đây?

18556252_1537544262923869_5406643568636154312_n.jpg

 
BÊN KIA LÀ GIẤC MƠ

1.jpg

Môi bong lở vì trời lạnh, da chân và tay cũng lốm đốm trắng khô ngái, tóc bời bời thả rong trong gió, thứ gió biển thốc lên từ vịnh San Francisco lạnh lẽo u ám một ngày thu đượm màu buồn. Mình thả dốc lang bạt cho hết cung đường ven biển, nhìn cầu Golden Gate hiện lên như một nốt nhạc lửng lơ giữa trời, quay sang nói với cái vô lăng của chiếc Chez màu nhớt đang quạu đeo vì nhiều ngày lang bạt chưa ngơi nghỉ, vậy thôi mình về, đã đời rồi, về thôi.

2.jpg


Nhiều ngày trước đó, một đêm Sài Gòn hừng hực vì nóng, mình ngồi ăn bún bò Huế với Kate chỗ giao lộ đường Tám với Hương, quán bún nhỏ, có mấy bạn trai order mặt mũi bảnh tỏn mà lúc nào cũng khó chịu đăm đăm như có gì khó ở trong bụng. Bỏ qua chuyện đó thì mình với bạn ngồi ăn mà nói, trời ơi tối nay tui bay rồi, có khi nào bay luôn không? Không về nữa, một lần bay là bay luôn. Giấc mơ Mỹ sắp thành hiện thực, bỏ lại tất cả không quay về. Bạn gái đó hôm ấy cũng chuẩn bị bay về thăm nhà, nhà bạn ở Hà Nội. Còn mình thì chưa sắp xếp đồ gì cả. Ăn tô bún mà cũng rộn ràng không chịu nổi, chốc chốc lại ngó đồng hồ. Tô bún chưa kịp tiêu hóa đã chia tay nhau, mình chạy về nhà gói ghém đồ đạc. Dồn hết mọi thứ vô cái va ly size 70 mượn của Minh rồi ngủ trệu trạo đâu được năm, mười phút. Đồng hồ báo thức để sẵn đó, mà chưa kịp đổ hồi chuông nào mình đã thức. Một giờ sáng bắt chuyến taxi thiệt sớm ra sân bay. Ba giờ sáng mình yên vị trên tàu bay. Và bốn giờ đồng hồ sau mình đặt chân trên một sân bay khác, Bắc Kinh, một ngày cuối thu lạnh quéo cả cẳng. Ở đó, giấc mơ Mỹ tròm trèm. Chờ thêm bốn giờ đồng hồ để transit. Thêm một chặng bay dài mười mấy giờ đồng hồ nữa. Để rồi cuối cùng, là San Fransico, là Mỹ, cách nhà mình nửa vòng trái đất.


1.1.jpg


Cách nửa vòng trái đất, khi mà những người quen đang yên ổn ngủ sâu, mình nhích chậm trên những dòng người đang xếp hàng chờ được thông quan. Mình bay của Airchina, chuyến bay dài và đầy, người Trung Quốc. Mình scan passport trước, xác minh online bằng những máy scan đặt ngay tại khu vực hải quan. Và rồi tan vào những gương mặt người (không vì chuyến bay dài mà mệt mỏi, họ liên tục nói, họ cũng mắt hí và da vàng, chỉ khác biệt về giọng nói và ngôn ngữ). Mình trộn lẫn trong đó, đến nỗi lúc đến lượt mình đối diện với bạn hải quan người Mỹ gốc Á, câu đầu tiên bạn ấy chào mình và hỏi mình là: mày đi chung với con mẻ vừa mới thông quan hay con mẹ đang đứng lói nhói ở quầy bên. Bằng thứ tiếng Anh mạnh mẽ và dứt khoát, mình nói tao là người Việt Nam, tao không biết mấy con mẹ kia, và tao đi một mình. Bạn hải quan ậm ờ, và bắt đầu hỏi mình những câu hỏi tử tế hơn: mày đi làm gì, ở Việt Nam mày làm gì, mày qua đây làm cái quéo gì, khi nào mày về? Thì cũng phải trả lời thôi, sau đâu đó chừng ba phút, bạn hải quan đóng dấu, và mình bỏ lại những bực bội liên quan đến màu da và quốc tịch, bỏ lại những hờn dỗi vì bị người ta dòm bằng ánh mắt không được thân thiện cho lắm, chính thức vào Mỹ. Là vào nước Mỹ.


1.2.jpg


À mà chưa vào được. Nó là câu chuyện nhỏ, ở sân bay. Lúc đó mình đang loay hoay mở laptop, ngồi bệt xuống thảm, chỗ belt hành lý chạy ra, để check mail từ quê nhà. Ngồi đó, sẵn tiện mình xử lý công việc, loay hoay thế nào, một chút cảnh vệ sân bay tới, hỏi thăm nói mày đang chờ gì à? Mình nói không, tao đang bận xíu. Cảnh vệ nói chỗ này không dừng lâu được, đi ra ngoài đi. Mình ok, để tao gửi xong cái mail, là đi liền. Rồi khệ nệ ôm mớ của nả ra sảnh. Và ở chốt chặn cuối cùng, lại một lần nữa bị cảnh vệ chặn lại. Cái ông đó cao to, đẹp trai ngời ngợi, nói ê, mày có gì để khai báo không? Rồi tự nhiên bạn ấy dắt mình vào khu vực riêng, nếu có gì thì khai ra đi, tốt nhất là khai trước khi tao phát hiện ra. Mình nói tao sạch, liêm chính như một vì sao sáng (mặc dù dĩ nhiên, mày nhìn tao hơi bần – vì tao thân thiện nên thấy tao xuề xòa, chứ tiền tao đem đốt mày cũng được – này mình nghĩ trong bụng, hổng dám nói, sợ thiên hạ cười!). Bạn ấy lôi hành lý của mình ra, kiểm tra từ đầu. Tới lúc móc cái bịch khô gà lá chanh – bạn đưa lên mũi hửi hửi. Mình nói khô gà đó, tao đem theo ăn chống đói, muốn ăn thử không? Bạn bảo cám ơn, hông thèm, đoạn nhét lại vào túi ba lô. Không phát hiện được điều gì khác lạ, bạn thả cho mình đi, dĩ nhiên. Mình mắc cười muốn chết, ở kế bên là một ông già châu Âu, bị xổ tung xòe hành lý vì cái tật ngoan cố, nói nhiều. Ông đó cũng như mình, bị cảnh vệ vịn lại – vì nhìn mặt gian. Ở cái xứ này, ủa mà sao biết mặt mình gian?


1.3.jpg


Nước Mỹ là nơi tự do, ở cái xứ này, chỉ thở thôi cũng nghe đậm đặc mùi tự do nữa. Nên mình nghĩ trong bụng, chắc là chỉ cần bước ra sân bay, là sẽ thấy hàng dài những banner và booth cho thuê xe – như ở Thái, hoặc những nước khác, thuê xe tự lái. Nhưng rồi mình bơ vơ, khi sảnh đến của SFO vắng lặng, không có quá nhiều người đứng chờ đón thân nhân, không có những lố nhố booths bán đồ lặt vặt, khu vực taxi hoặc shuttle bus đã được chia ra theo từng khu, và không có chỉ dẫn nào dắt mình tới điểm thuê xe cả. Thì tìm người hỏi, mình đi tìm dấu chấm hỏi, gặp cái bác kia đang ngáy ngủ vì trời lạnh hoặc vì bác đói, nói chú ơi con muốn thuê xe, chỗ nào tìm được hở chú? Chú nói mình leo lên lầu 4, bắt airtrain màu xanh trời, trạm thứ 4, trạm cuối, ở đó là cái rental car center, muốn gì có đó. Mình cười cảm ơn tươi như nắng, nói dạ cái gì cũng có hả chú, để tới đó con mua một gói mì tôm, thèm mì Việt Nam quá chừng. Ông già chắc không hiểu gì hết, ném cho mình ánh mắt vẫn cực kỳ thân thiện, chúc may mắn. Và mình cứ thế, lại đi.


1.4.jpg


Đi, và chỉ đi thôi, không sợ cái gì hết. Cái nào người khác làm được, là mình làm được. Mình là như vậy, cứng đầu và cố chấp. Như cái kiểu mình đi Mỹ, mà không chuẩn bị gì. Chỉ nghĩ trong bụng, qua đó mình thuê xe, rồi làm một chuyến road trip, cứ ôm vô lăng, chạy tới đâu hay tới đó, chỗ nào vui thì dừng lâu một xíu, chỗ nào tẻ nhạt và buồn thì cất cánh bay đi. Nên chuyến đi của mình, đa phần là tẻ nhạt, học được quá nhiều bài học, tất cả, cũng xuất phát từ chuyện mình không chuẩn bị tốt. Các bạn trẻ (và không còn trẻ) đừng như mình, vì đi như vậy hổng có được trọn vẹn, vui thì vẫn vui nhưng lưng lửng.




Như cái chuyện thuê xe. Trong khi lo lắng về cái chuyện bằng lái PET Việt Nam có thuê xe ở Mỹ được hay không? Thì mình mang tâm niệm, ủa chạy xe ở Mỹ có dễ hay không? Mình không hề lo lắng về chuyện cần phải có bằng lái quốc tế mới thuê xe được, mà chỉ lo mình đi một mình, lỡ có chuyện gì rồi làm sao xử lý? Mình lưu sẵn một vài số điện thoại emergency, bằng lái thì photo sẵn vài bản, passport scan sẵn để lưu trong điện thoại, kẹp túi vài cái photo nữa. Rồi thuê xe, giá xe lúc nào cũng rẻ hơn tiền bảo hiểm nhưng phải mua, người ta không bắt buộc mua bảo hiểm này, nhưng mình vẫn mua. Ở Mỹ, cái gì họ cũng làm quạng được, nhất là xe cộ. Tiền từ trên trời rơi xuống là khi mình bị tai nạn, bị đụng xe, tiền bảo hiểm sẽ rớt xuống đầu mình một cái đùng, biểu xài đi, lộc của trời. Nên mình không tiếc tiền khi mua bảo hiểm. Và đừng lo lắng, nhà xe nó không quan tâm bằng lái của mày có phải bằng quốc tế hay không? Miễn là có tiếng Anh, nó đọc được, và còn hạn, và mày có tiền, mày chịu trả cho nó, là người ta cho mình thuê xe, không thắc mắc không khó khăn.

Đừng như mình, hãy lên mạng đặt xe online, giá sẽ rẻ hơn nhiều, rất là nhiều. Mình đến Sanfran, đặt xe ở đó bốn ngày, hết ba trăm đồng. Trong khi xuống LA, mình khôn hơn, lên mạng đặt trước một ngày, tìm được một cái deal cho tám ngày chỉ xê xích với bốn ngày ở Sanfran vài đồng, thực sự đau lòng cho cái chuyện không chuẩn bị tốt của mình ở những ngày chân ướt chân ráo ở Mỹ. Nếu đặt xe online, tất cả đều phải thanh toán tiền xe trước, bằng thẻ tín dụng. Yên tâm, cái tiền đó chỉ là tiền thuê xe – tầm trên dưới 20 đồng một ngày, rẻ ha. Nếu đặt tại sân bay trực tiếp, phải chờ đợi check xem có xe không, nếu xui, không còn xe dạng compact basic, thì phải cắn bụng mà thuê xe chất lượng cao, đời mới, có wifi chéo chéo, và giá tiền cũng méo cả mặt. Đó là mình ở Sanfran, thuê cái xe giá bèo nhất là ba chục đồng một ngày. Lúc đó, vì nghĩ là giá này là rẻ nhất rồi, nên vui vẻ lắm. Sau đó, cộng thêm tiền bảo hiểm – bảo hiểm này là bảo hiểm cho người lái. Vì xe ở Mỹ đa phần đều đã mua bảo hiểm, tùy là bảo hiểm hai chiều hay một chiều rưỡi. Ở mấy nhà xe, họ sẽ mua một chiều rưỡi, và mình mua bảo hiểm nửa chiều đó cho mình. Tầm khoảng mười mấy đồng một ngày, họ tính bảo hiểm theo ngày, cái quéo gì cũng theo ngày, mắc như quỷ, nhưng phải mua. Không mua tới lúc có gì thì còn đau đớn hơn nữa. Bên cạnh bảo hiểm, còn một cái phí nữa, cũng đau không kém, là phí lái xe trên đất Mỹ (liability fee). Này sẽ khác theo từng bang, do bang quy định. Ở Cali, nó rơi vào khoảng mười lăm đồng một ngày, kiểu dạng đóng thuế cho bang, nộp sổ gạo. Cali là bang giàu, vì giàu nên nó mới thu nhiều như thế, thu để làm giàu mà. Cái này bắt buộc, không mua không được. Giá xe mới đầu từ ba chục đồng, để rồi cuối cùng nhảy một cái đùng lên bảy chục đồng, tức trào máu, nhưng đành chịu. Ai biểu ham vui, không chuẩn bị kỹ mần chi. Xe đậu dưới bãi, sau khi ký tá vào hợp đồng thuê xe, cứ lấy mã số, xuống bãi lấy chiếc xe của mình, chìa khóa để luôn trong xe, rồi cứ vậy mà chạy ra exit. Ở exit, bảo vệ sẽ đối chiếu hợp đồng với số xe và cho mình ra khỏi bãi. Dĩ nhiên, ở Mỹ mà, thuê ở chỗ này và có thể trả xe ở chỗ khác, nếu chỗ đó có đại lý của hang xe, rất tiện, phí sẽ cao hơn một chút so với thuê chỗ nào trả chỗ nấy. Mình lấy con năm chỗ gầm cao, đau lòng vì mất tiền oan mạng, nên gầm rú xả ga chạy cái ào ra khỏi car rental center. Và choáng ngợp trước một rừng những dòng xe chảy không ngưng nghỉ ở Sanfran. Mở GPS, nhập địa chỉ nhà, Oakland, cách tầm 15 dặm. Thế là mình chạy. Máy sưởi nhấc lên 80 độ F, vì lạnh cóng.

Và lạnh quá, nên sẽ còn những câu chuyện khác, về Mỹ - và bên kia của giấc mơ.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,592
Bài viết
1,153,881
Members
190,141
Latest member
bongdatvme
Back
Top