What's new

Ta rong chơi phiêu lãng cuối trời

Bạn host của tôi đang cực lực lên án chính quyền sở tại vì sự chậm trễ trong công tác ứng cứu và hỗ trợ người bị nạn! Những dòng tâm sự của bạn làm cho tôi cũng ngại vào chia sẻ và cũng không biết làm gì ngoài việc hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp lên hơn. Bạn sống ở Cebu, thành phố này là nơi siêu bão đi qua! Tôi vào trang web của hãng bay, ở đó tôi kiểm tra lại lần nữa về tình trạng của chuyến bay sắp tới. Khi chắc chắn rằng sẽ không có sự thay đổi nào trong chuyến hành trình đầy mạo hiểm này, tôi bắt đầu lôi laptop ra và gõ những dòng chữ này! Trang web vẫn nhấp nháp những top up nhiều sắc màu, Phil đang vẫy gọi, thiên đường của du lịch biển đảo, những ngọn núi lửa, những nhà thờ và thiên đường của jeepney, tricycle, kiến trúc cổ đậm màu Châu Âu, và có một Phil khác cũng đang oằn mình với những màu ảm đạm! Báo chí nước nhà rải những tin tức đầy ám ảnh, về cuộc sống, về con người (cả sống, hay đã chết) ở nơi này! Nếu đếm ngược lại thì chỉ còn ba ngày nữa là tôi sẽ xách ba lô lên, và đi!

Ngày thứ hai luôn là một thảm hoạ đối với những bạn trẻ đang đi làm nhưng máu xê dịch lúc nào cũng chảy rần rần! Tối qua tôi vừa vượt hơn trăm cây số đi và về từ Ninh tới Sài, chỉ để coi một show ca nhạc yêu thích! Sáng ra thì mắt cứ nhúm nhíu lại, vì mệt, và phần lớn vì sức khoẻ cũng chẳng còn sung mãn nữa (Nhắc lại để biết là tai nạn giao thông gây ra cho tôi những nỗi lo sợ, ở đó chỉ cần thấy xe lạng qua thôi cũng đủ để cái cảm giác chạm vào với mặt đường, ngón chân bị gãy và bất lực khi thấy tôi không di chuyển được mới kinh khủng như thế nào, thì cũng cái chân này là cái chân đi, đã quen đi rồi - nhưng đó lại là một câu chuyện khác, của hơn nửa tháng về trước).

Vẫn phải cố gắng tỉnh táo! Nhưng công việc bận rộn cứ cuốn trôi đi tất cả. Ngày tàn, ngày dài! Chợt tỉnh ra mới nhớ ra là trời ơi tôi vẫn chưa gửi đơn xin nghỉ phép! Nỗi ác mộng bắt đầu!

(Dĩ nhiên là đời đến đây vẫn còn lấp ló - Phil của những ngày bão nổi, chắc chắn mình sẽ hoàn tất những dòng hồi ức này. Còn 3 ngày nữa, sẽ đi!)
 
Last edited:
NHỮNG NGÀY Ở XANH



Là những ngày thảnh thơi nhất anh từng có, qua rất nhiều những bận xách của nả lên mà rong chơi phiêu lãng cuối trời. Xanh hiền hòa, thiệt là đúng với cái ý của anh khi đặt vé đến đây. Xanh thì cũng thuộc dạng nổi tiếng, nhưng ưa thích thì anh không biết có ai ưa thích nơi này hay không? Vì Xanh thì buồn, chủ yếu là đền đài, cây cỏ nhiều, đồng ruộng cũng nhiều, chả khác gì cái nơi anh sinh ra, lớn lên và sống. Mà ai biết được, dám chừng anh thích Xanh cũng do bởi những đồng rơm gốc rạ đó. Xanh thiệt hiền và buồn, giá cả lại rẻ, người Xanh cũng không bon chen, họ sống chan hòa với cộng đồng, những nét văn hóa truyền thống hòa vào sự đa dạng từ những luồng văn hóa khác, với những điều giản dị hòa chung với không khí của dân du lịch từ khắp muôn nơi. Xanh len lén rót vô bụng anh những niềm thương nỗi nhớ rất nhẹ nhàng và bãng lãng. Xa Xanh rồi, mà vẫn cựa hoài nhiều niềm nhớ.

Là những món ăn địa phương - ăn hoài suốt mấy bữa nên đâm ra ngán. Món ăn ở Xanh cũng đầy màu sắc, anh ăn từ trong nhà hàng cho đến mấy quán dọc lề đường, kiểu nào cũng có cái hay riêng. Nhiều khi người ta đi đến đây, ngắm mây trời, ngắm những gương mặt người, lắng nghe tiếng gió hát, tiếng biển cười, là đã đủ. Anh thuộc dạng dễ chịu, nhất là trong mấy khoản ăn uống với ngủ nghỉ, nên cái nào anh cũng thích. Không e ngại, không chần chừ. Mấy bữa anh ở Xanh, có khi ăn sáng bằng tô mì giấy, có khi tự đãi mình bằng một bữa tối ở bãi biển có ánh nến và trăng hôm rằm, với tiếng đàn hát rộn ràng, có bữa lại đói khờ râu vì tô hủ tiếu bò viên dở lỏng đạn không đủ can đảm nuốt cho hết, hay nhìn ra ngoài ruộng, với mấy món ăn địa phương vào một chiều muộn, không gian thì ngập trong tiếng côn trùng kêu và tiếng người nông dân hối hả thu hoạch cho xong lúa đông xuân. Hay biết đâu đó, là mấy trái ớt đâm muối xẩn, thêm trái ổi trộm ngoài vườn - chỗ anh ở như một cái rừng, có cây cối và hoa lá, có chim kêu và ông bà chủ thiệt hiền, giữa mênh mông ta bà vừa ăn vừa cười.

Là mưa, có cơn mưa nặng hạt, theo chân anh suốt từ nơi này qua nơi khác mà chưa chịu dứt. Cũng có mưa bóng mây, mưa luồng và gió biển, mới lé đé nhiễu giọt qua vành tai, lại bay đi mất tiêu nhường chỗ cho nắng, nắng lên sau cơn mưa cũng dịu dàng, anh thì khoái những cái gì dịu dàng và nhẹ nhàng. Và cầu vồng sau cơn mưa cũng đẹp, rạng rỡ về trên những nếp nhà nhỏ nằm bên vệ đường, những ngôi nhà có mái lợp ngói cũ, với vườn cây ăn trái bao chung quanh. Con đường quê nhỏ nhỏ, chạy cong cong qua mấy mảnh vườn, xe chạy qua rồi mà vía anh còn đứng hoài ở nơi đó, quấn mãi không chịu đi. Đong sao cho đầy những yêu thương về trên những cơn mưa cuối mùa ở xứ Xanh này. Người Xanh bảo thời tiết càng ngày càng khó chịu, mùa mưa nơi này tháng ba đã khô véo rồi, còn bây giờ thì cuối tháng tư, đầu tháng năm, mà mưa vẫn rớt hột, hổng hiểu nổi. Chỉ có anh là khoái. Anh có coi thử thời tiết mấy bữa ở Xanh như thế nào. Bữa nào cũng có mưa, từ nhẹ đến rải rác, riêng bữa cuối cùng trước khi chia tay Xanh thì nắng, nắng ấm và ít mây. Vậy mà mưa suốt, từ lúc trưa cho đến chiều. Trước lúc về, anh cởi giày, chạy ra ngoài lộ, mưa phợt thẳng vô mặt, vô quần áo tay chân, lạnh nhưng vui. Là những phút thấy mình y chang con nít, vui lắm luôn ấy, Xanh ạ.

Là những gương mặt người. Lâu lắm rồi anh không tha thiết gì chuyện tìm bạn cho những chuyến ruổi rong. Anh thì sống ở quê, không quen bù khú, không ưa chuyện gặp mặt và diễn những nụ cười. Nhưng rồi phút cuối cùng, trước lúc đến Xanh, anh rải lời nhoi nhỏ tìm bạn, rồi gặp duyên thì thắm lại. Qua đến Xanh, anh ráp vô với những gương mặt người, những người trẻ, những người không còn trẻ, họ vô tư và thân thiện, họ cũng chịu đi chơi nhưng cũng giữ lại cho mình những khoảng khắc riêng. Anh thấy vui vì biết đâu đó khi mình mở lòng mình ra, là sẽ tiếp cận với một Xanh khác, không phải một mình. Cái cảm giác không phải một mình lâu rồi anh mới có lại. Chỉ đơn giản là để sáng sớm sẽ có người ơi ới gọi nhau dậy đi, ăn trưa cũng sẽ bàn nhau bữa nay ăn cái gì, tối thì mướn xe máy chạy vòng vòng vô chợ, không biết làm gì thì kéo vô một quán cà phê nào đó, nói chuyện ta bà, đưa tay nhau ra coi đường tình duyên vì sao mà trắc trở, để đến giờ này còn độc thân vui tính mà thắm lại một đám thế này với nhau. Tiếng người nói cũng sẽ làm cho lòng ấm lại, đừng nói chi đến những bàn tay và những nụ cười. Gặp gỡ ở Xanh rồi, là duyên!

Những ngày ở Xanh, với anh thiệt bình thường và giản dị. Không vui quá, không buồn quá. Cứ vậy mà Xanh hết cả chuyến đi. Chắc anh không viết nhiều, thay vào đó anh sẽ chụp ảnh. Viết buồn quá, mất hay, mất vui!


 
NHỮNG NGÀY Ở XANH​

1.


Là những ngày thảnh thơi nhất anh từng có, qua rất nhiều những bận xách của nả lên mà rong chơi phiêu lãng cuối trời. Xanh hiền hòa, thiệt là đúng với cái ý của anh khi đặt vé đến đây. Xanh thì cũng thuộc dạng nổi tiếng, nhưng ưa thích thì anh không biết có ai ưa thích nơi này hay không? Vì Xanh thì buồn, chủ yếu là đền đài, cây cỏ nhiều, đồng ruộng cũng nhiều, chả khác gì cái nơi anh sinh ra, lớn lên và sống. Mà ai biết được, dám chừng anh thích Xanh cũng do bởi những đồng rơm gốc rạ đó. Xanh thiệt hiền và buồn, giá cả lại rẻ, người Xanh cũng không bon chen, họ sống chan hòa với cộng đồng, những nét văn hóa truyền thống hòa vào sự đa dạng từ những luồng văn hóa khác, với những điều giản dị hòa chung với không khí của dân du lịch từ khắp muôn nơi. Xanh len lén rót vô bụng anh những niềm thương nỗi nhớ rất nhẹ nhàng và bãng lãng. Xa Xanh rồi, mà vẫn cựa hoài nhiều niềm nhớ.



11222419_980733151938319_7808839381457876330_n.jpg


Anh đến Xanh vào lúc tối muộn, khuya chập chờn lúc một giờ đêm. Nửa đêm về sáng, trên máy bay anh có rủ rê hỏi han mấy người bạn mũi cao mắt xanh chung quanh coi thử có ai về Xanh cùng anh hay không? Đường từ sân bay về chỗ anh ở chạy xe ô tô cũng gần một tiếng. Cuối cùng thì thằng nhỏ người Hòa Lan cũng đồng ý đi chung, về đến nhà thì đã gần hai giờ sáng. Anh mệt quá nên gọi anh bạn đã đến check in trước mở cửa rồi vội vàng đi ngủ. Sáng hôm sau anh dậy sớm, bữa sáng đầu tiên ở Xanh nhẹ nhàng như thế này, nắng mới lên vắt qua hàng ba trước nhà những nụ cười.



10985381_980736485271319_2411130546948283953_n.jpg


Một nét rất Xanh! Nhà anh ở nhỏ xíu, hẹp té, nhưng bước chân ra ngoài là đồng ruộng! Chỗ này thì xa, thuộc vùng khỉ ho cò gáy. Nhưng anh thì thích! Lánh xa hết những xô bồ, ồn ã, Xanh trong anh bình yên nhẹ nhàng đến vô cùng. Buổi sáng thì nắng lên, ruộng đồng xanh mướt, nước chảy theo những con mương cong cong quẹo quẹo, tối thì hòa vô bản hòa ca của đủ các thể loại côn trùng, ễnh ương, ếch nhái. Dân ở đây theo đạo Hindu, hơn chín mươi phần trăm. Họ sống hiền hòa, họ cũng mần ruộng, cũng buôn gánh bán bưng như các chế, các hia của anh nơi quê nhà. Xanh, thân thuộc như nhà mình!



11203072_980737285271239_2158410982898208902_n.jpg


Những vạt sarong in vào trong gió, thứ gió biển Xanh không táp vào mặt người. Anh không thích quấn sarong đâu, vì với anh, Xanh thuộc về những người dân nơi này, anh chỉ là khách, là người có duyên bước vội qua đây. Anh có thể cười vui hỉ hả, anh cột sarong để bước chân vô những ngôi đền, chụp ảnh và khoe với mọi người, nhưng điều đó không làm anh thuộc về nơi này. Anh khó tính, anh chịu, nhưng thích thì anh chỉ giữ trong lòng mình thôi, chớ hổng có thể hiện ra.



11150815_980737568604544_1868349349706767733_n.jpg


Có con cào cào nào vừa chạy qua trong trí nhớ. Là Xanh của một bữa nào đó, có anh của tháng ngày thanh xuân đầy mơ mộng, muốn đắp đá đổi trời, muốn xuống biển lên rừng. Chợt nhớ ra, anh chỉ là anh thôi! Chỉ có trái tim là ấm nóng, nhưng chỉ Xanh mỗi việc của mình. Chỉ là chiếc lá, nên việc của mình - là xanh!



13392_980739038604397_3447098147677039878_n.jpg


Water Palace một bữa mưa nhẹ nhẹ! Nước thì mát và trong.



11151052_980931178585183_1357164467497737961_n.jpg


Thêm một cung điện Hoàng gia nữa. Bữa đó, trong một ngày mà anh ngây ngất với những công trình Palace này!



11119712_980932045251763_1415112079415544320_n.jpg


Có gió biển thổi lên nên mát rười rượi là phaỉ rồi!



11050235_980936331918001_5515196906567979869_n.jpg


Hàng hoa ven đường. Hổng lẽ anh chạy vô hỏi mua một vài cành bông gì đó, rồi bưng về nhà, rồi cắm một bó thiệt bự để trước hàng ba. Sáng sáng đi qua anh ngắm, trưa trưa buồn buồn anh lôi ra ngắm, tối tối tắt đèn nhìn trăng cũng ngắm. Thấy thi vị lãng mạn quá nhưng thôi, anh giữ cái ý tưởng đó lại! Chỉ là một bữa xách xe đạp chạy vô trung tâm Xanh thiệt sớm, hàng hoa đã bày ra rồi nhưng chưa có khách nào dừng chân thôi!



11150690_980942365250731_2394624361200756045_n.jpg


Mây xà xuống núi, núi ấp ôm mây! Không khí nhẹ nhàng bãng lãng!



11200594_980940365250931_7400729459543318158_n.jpg


Và chắc đã biết Xanh là nơi chốn nào!
 
anh ơi, mấy cái hình ở đầu nó "die link" hết rầu... Anh có thể fix lại cho em và mọi người xem được không?
 
NHỮNG NGÀY Ở XANH


2.1

Là những món ăn địa phương - ăn hoài suốt mấy bữa nên đâm ra ngán. Món ăn ở Xanh cũng đầy màu sắc, anh ăn từ trong nhà hàng cho đến mấy quán dọc lề đường, kiểu nào cũng có cái hay riêng. Nhiều khi người ta đi đến đây, ngắm mây trời, ngắm những gương mặt người, lắng nghe tiếng gió hát, tiếng biển cười, là đã đủ. Anh thuộc dạng dễ chịu, nhất là trong mấy khoản ăn uống với ngủ nghỉ, nên cái nào anh cũng thích. Không e ngại, không chần chừ. Mấy bữa anh ở Xanh, có khi ăn sáng bằng tô mì giấy, có khi tự đãi mình bằng một bữa tối ở bãi biển có ánh nến và trăng hôm rằm, với tiếng đàn hát rộn ràng, có bữa lại đói khờ râu vì tô hủ tiếu bò viên dở lỏng đạn không đủ can đảm nuốt cho hết, hay nhìn ra ngoài ruộng, với mấy món ăn địa phương vào một chiều muộn, không gian thì ngập trong tiếng côn trùng kêu và tiếng người nông dân hối hả thu hoạch cho xong lúa đông xuân. Hay biết đâu đó, là mấy trái ớt đâm muối xẩn, thêm trái ổi trộm ngoài vườn - chỗ anh ở như một cái rừng, có cây cối và hoa lá, có chim kêu và ông bà chủ thiệt hiền, giữa mênh mông ta bà vừa ăn vừa cười.

11146557_980740501937584_2157234769171211476_n.jpg


Ngày đầu tiên anh đi vòng vòng Xanh, ghé thăm mấy cái Water Palace, cảnh nhẹ nhàng dịu dàng vì gần sát bên biển. Trưa hòm hòm thì ghé đai cái nhà hàng bên cạnh Palace ăn trưa. Bữa trưa đầu tiên nơi xứ Xanh nên kêu những món địa phương để coi thử coi nơi xứ lạ người xa, khẩu vị như thế nào. Món này in như là Cado Cado, màu sắc vậy thôi chớ ăn thì phải trộn hết vô chung, cho đỡ ngấy!



11151039_980740571937577_364123954017647367_n.jpg


Hơn 90% người xứ Xanh theo đạo Hindu, khác biệt hoàn toàn với phần còn lại của đất nước này - một đất nước Hồi giáo lớn nhất thế giới. Anh kêu thử curry, món này cũng phổ biến, lại dễ ăn. Tuy nhiên, ăn nhiều thì ngán đến tận cổ!



11178299_980740658604235_4079126505408243594_n.jpg


Bữa ăn cũng thanh đạm, có thịt có cá có rau có canh! Anh ăn ngon lành no cành hông cả bụng, lấy sức đi tiếp những nơi khác. Mà nói chung ở Xanh thì bình yên lãnh đạm, anh cứ ta bà, chả việc gì phải gấp rãi! Anh ghét những cái gì gấp rãi!



10930849_980934531918181_577363618888355432_n.jpg


Buổi tối đó thì có cá chiên, ăn ở một nhà hàng có tầm nhìn cực kỳ đẹp, nhìn ra ruộng. Ruộng tháng tư, cuối tháng năm, cuối mùa, người dân Xanh đang tích cực phóng lúa, tiếng máy phóng chạy xành xạch, dân nơi này thiệt ra vẫn chưa có máy gặt đập liên hợp, họ vẫn xài máy tuốt lúa giống kiểu Việt Nam mình hồi năm, mười năm trước, tối muộn họ vẫn miệt mài bên vuông ruộng. Lắng nghe tiếng muỗi mòng ếch nhái, giữa những đồng quê gốc rạ, bữa cơm chiều xao xác man mát thiệt buồn!


11071007_980933885251579_7078153047499318833_n.jpg


View nhìn từ nhà hàng! Sang trọng xen với những bình dân, khói đốt đồng xa, bãng lãng những gương mặt và nụ cười! Bình yên đến lạ lùng. Bù lại, món ăn dở tệ!


11188466_980936505251317_176638709425310564_n.jpg


Ngủ dậy thì đi pha trà, hai anh em rủ nhau pha trà thiệt là đậm, dè đâu toàn là trà túi lọc, lạt nhách, mà cũng ráng uống, ta bà đủ thứ chuyện! Ông anh Việt kiều lớn hơn đúng một tuổi, nói chuyện cũng ba xàm bá láp mà vui!


11218505_980945375250430_4427467795958893766_n.jpg


Tô mì meatball ở ven đường, gần Tanalot, trời ơi cái cuộc đời này chưa từng được ăn món mì nào dở như thế này! Bù lại, giá rất rẻ, chỉ 10.000 rp một tô!


10458627_980945681917066_5244394654935452587_n.jpg


Trái cây ăn thoải mái, giá cực rẻ, trả giá cực kinh hoàng, một số giá tiêu biểu: mây: 7.000 rp/kg, ổi: 10.000 rp/kg, dâu: 20.000 một hộp (bonus hộp nhỏ), quýt: 10.000 rp/kg. Lưu ý: phải trả giá cho mạnh vô, không là hớ đau hớ đớn. Họ cân bằng cái cân xách tay có cái cục đồng giống mấy bà mấy mẹ mình ở quê bán cá, nhìn thương lắm!

(Hình còn nhiều quá, nên chắc vẫn còn tiếp!)
 
Last edited:
NHỮNG NGÀY Ở XANH


2.2

Là những món ăn địa phương - ăn hoài suốt mấy bữa nên đâm ra ngán. Món ăn ở Xanh cũng đầy màu sắc, anh ăn từ trong nhà hàng cho đến mấy quán dọc lề đường, kiểu nào cũng có cái hay riêng. Nhiều khi người ta đi đến đây, ngắm mây trời, ngắm những gương mặt người, lắng nghe tiếng gió hát, tiếng biển cười, là đã đủ. Anh thuộc dạng dễ chịu, nhất là trong mấy khoản ăn uống với ngủ nghỉ, nên cái nào anh cũng thích. Không e ngại, không chần chừ. Mấy bữa anh ở Xanh, có khi ăn sáng bằng tô mì giấy, có khi tự đãi mình bằng một bữa tối ở bãi biển có ánh nến và trăng hôm rằm, với tiếng đàn hát rộn ràng, có bữa lại đói khờ râu vì tô hủ tiếu bò viên dở lỏng đạn không đủ can đảm nuốt cho hết, hay nhìn ra ngoài ruộng, với mấy món ăn địa phương vào một chiều muộn, không gian thì ngập trong tiếng côn trùng kêu và tiếng người nông dân hối hả thu hoạch cho xong lúa đông xuân. Hay biết đâu đó, là mấy trái ớt đâm muối xẩn, thêm trái ổi trộm ngoài vườn - chỗ anh ở như một cái rừng, có cây cối và hoa lá, có chim kêu và ông bà chủ thiệt hiền, giữa mênh mông ta bà vừa ăn vừa cười.



11193253_980740111937623_2471509152798469302_n.jpg


Cái nhà hàng này nằm ở ngay phía ngoài của Water Palace, view mát mẻ, sạch sẽ, giá cả khá ổn! Mà thực sự ra ở khu anh ở, anh ăn, mọi thứ đều có giá rất dễ chịu, hơi bất ngờ vì không nghĩ rằng ở nơi này mà mọi thứ lại không đắt đỏ đến vậy!


11130233_980935188584782_2639170989558182090_n.jpg


Đây là cái mặt dựng của nhà hàng có view nhìn ra đồng, nhà hàng này do bác tài xế giới thiệu, nghĩa là bọn anh hỏi chú ơi có chỗ nào ăn ngon ngon có view đẹp giá rẻ mà vừa có súp, có cá, có thịt, có rau mà lại rẻ không chú ơi? Bác nói có chớ có chớ, yên tâm đi, mười hai bến nước xứ này, bác rành lắm. Bữa đó trời gần xâm xẩm tối, sắp không thấy mặt người, bác dừng xe cái chách trước nhà hàng này, thấy đẹp đẽ, thấy cao sang, nghĩ trong bụng, rồi, sụp hố. Sụp hố thiệt, quán đẹp, món ăn nhìn ngon, nhưng bù lại ăn mắc, lại còn dở ẹt. Ruột đau, lòng đau hết chín chiều!


11110277_980945881917046_5298726472090718859_n.jpg


Đi chợ, một cái chợ nhỏ xíu thôi, nằm lưng lửng giữa đồi, gió thổi nhẹ nhẹ, nắng cao nguyên thì dịu dàng. Xong vô chợ, trả giá thè le. Mấy cái lọ nhỏ nhỏ tinh dầu, ông anh Việt kiều hỏi bao nhiêu, báo giá 60.000 rp một lọ, quay qua quay lại, thành ra 25.000 rp hai lọ. Quá sốc! Nhưng mà đâu có nghĩa là không được yêu thương mấy cái cảnh chợ nhỏ yên bình như thế này! Mấy chai dầu gió, nhớ ngoại anh xưa, lúc nào cũng thoang thoảng mùi dầu cù là, mùi dầu đó, là mùi của thương nhớ xa xăm dịu vợi!



11220892_984995778178723_7879043412321739281_n.jpg


Bắp 1


11068384_984995801512054_8305955429834024623_n.jpg


Bắp 2



11182222_980946375250330_614673726520478934_n.jpg


Bắp 3, màu thần thánh thấy bể luôn! Không dám ăn là cái chắc rồi!


11139959_985004731511161_1100881036820727956_n.jpg


Bắp 4, bonus thêm dũng sĩ diệt bắp! Quả bắp chút béo, mà ăn 15.000 rp!



11013308_980946791916955_3124926113188868059_n.jpg


Một góc chợ, bữa đó mưa, mưa thì buồn, nhưng màu sắc thì vẫn cực kỳ rực rỡ.


11150423_980967838581517_3159778030558025182_n.jpg


Lunch set cho một bữa ở terrace rice field. Một trong những nơi có view đẹp nhất trong suốt chuyến đi ở Xanh



11099382_980970098581291_847852113722340749_n.jpg


Uống nước lọc trước đã, rồi tính gì thì tính! Ly uống nước đẹp quá mức cho phép nhé!


 
NHỮNG NGÀY Ở XANH

3.

Là mưa, có cơn mưa nặng hạt, theo chân anh suốt từ nơi này qua nơi khác mà chưa chịu dứt. Cũng có mưa bóng mây, mưa luồng và gió biển, mới lé đé nhiễu giọt qua vành tai, lại bay đi mất tiêu nhường chỗ cho nắng, nắng lên sau cơn mưa cũng dịu dàng, anh thì khoái những cái gì dịu dàng và nhẹ nhàng. Và cầu vồng sau cơn mưa cũng đẹp, rạng rỡ về trên những nếp nhà nhỏ nằm bên vệ đường, những ngôi nhà có mái lợp ngói cũ, với vườn cây ăn trái bao chung quanh. Con đường quê nhỏ nhỏ, chạy cong cong qua mấy mảnh vườn, xe chạy qua rồi mà vía anh còn đứng hoài ở nơi đó, quấn mãi không chịu đi. Đong sao cho đầy những yêu thương về trên những cơn mưa cuối mùa ở xứ Xanh này. Người Xanh bảo thời tiết càng ngày càng khó chịu, mùa mưa nơi này tháng ba đã khô véo rồi, còn bây giờ thì cuối tháng tư, đầu tháng năm, mà mưa vẫn rớt hột, hổng hiểu nổi. Chỉ có anh là khoái. Anh có coi thử thời tiết mấy bữa ở Xanh như thế nào. Bữa nào cũng có mưa, từ nhẹ đến rải rác, riêng bữa cuối cùng trước khi chia tay Xanh thì nắng, nắng ấm và ít mây. Vậy mà mưa suốt, từ lúc trưa cho đến chiều. Trước lúc về, anh cởi giày, chạy ra ngoài lộ, mưa phợt thẳng vô mặt, vô quần áo tay chân, lạnh nhưng vui. Là những phút thấy mình y chang con nít, vui lắm luôn ấy, Xanh ạ.



11016975_980738565271111_712142770118453799_n.jpg


Những người dân xứ Xanh, đạo Hindu, họ quây quần bên những cộng đồng nhỏ, nhiều cộng đồng nhỏ, thành ra một xã hội lớn, xã hội lớn đó, thiệt riêng biệt ở đất nước này. Một người đàn ông, đang làm công tác điều chuyển giao thông vì nơi đây đang có một đám tang, họ cần mẫn làm những công việc cộng đồng, vì nghĩa tử, là nghĩa tận, bác tài xế ngồi trên xe nói thế với anh. Trời lúc này vẫn còn xanh trong!


11209421_980738698604431_1681467390508958308_n.jpg


Phố xanh ngăn ngắt. Những con đường nhỏ, uốn lượn quanh những mái nhà có mái cong, có hàng rào và bàn thờ bên hiên nhà. Mưa có vẻ đã xâm xấp chảy ra. Rót sao cho cạn những màu xanh êm đềm và dịu dàng này?


11205552_980738818604419_546662447745027354_n.jpg


Ngang qua một ngôi trường, bọn trẻ vừa tan thì cũng chơm chớm một trận mưa rào. Biết đâu bỗng thấy tuổi thơ thiệt là trong trẻo. Nhớ những bàn tay ngày thơ bé, những suy nghĩ cũng nhỏ bé theo cái ngơ ngác trong lành của tuổi học trò. Năm qua đi, tháng qua đi, cái còn lại chỉ là những bận rộn thường nhật, những con số, những cái nhíu mày và những đêm gác tay lên trán đếm thời gian trôi. Chỉ có trẻ con, là hạnh phúc nhất trần đời, anh nghĩ vậy!


10600474_980931821918452_1711179577970981711_n.jpg


Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, còn chuồn chuồn đậu, thì thế nào?


10502018_986592408019060_8475394413201164297_n.jpg


Sau cơn mưa, nước biển cũng không còn trong xanh nữa, chỉ có sóng là lúc nào cũng oàm oạp vỗ về, kể những câu chuyện tình khắc khoải. Ủa, mờ ai nghe được tiếng sóng, hiểu gì và như thế nào, là ý của mỗi người!


10470855_980958708582430_3241912296338938066_n.jpg


Trời chuyển mưa tối thui. Cá nhân anh, ghét trời mưa lắm. Mưa buồn bã và dai dẳng. Mưa ẩm ướt và rên rỉ. Anh sống ở xứ nắng, nên quen rồi cái oi ả nồng nàn của xứ nắng nỏ quê mình. Mưa đâm ra trở thành người thứ ba, không có tội nhưng ai biểu chen chân vào cuộc tình mộng mị của anh với cái nóng xứ này! Nhưng ở Xanh, mưa trở thành bạn, một người bạn lúc nào cũng buồn!

11188470_980959085249059_2517209237973252404_n.jpg


Xách cây dù đi trong mưa. Giữa những đền đài cổ kính, cẩn thận lỡ trợt chân, lại té!


11224122_984998334845134_8483029266260082457_n.jpg


Xứ Xanh mờ sương mưa phủ!


 
NHỮNG NGÀY Ở XANH

4.

Là những gương mặt người. Lâu lắm rồi anh không tha thiết gì chuyện tìm bạn cho những chuyến ruổi rong. Anh thì sống ở quê, không quen bù khú, không ưa chuyện gặp mặt và diễn những nụ cười. Nhưng rồi phút cuối cùng, trước lúc đến Xanh, anh rải lời nhoi nhỏ tìm bạn, rồi gặp duyên thì thắm lại. Qua đến Xanh, anh ráp vô với những gương mặt người, những người trẻ, những người không còn trẻ, họ vô tư và thân thiện, họ cũng chịu đi chơi nhưng cũng giữ lại cho mình những khoảng khắc riêng. Anh thấy vui vì biết đâu đó khi mình mở lòng mình ra, là sẽ tiếp cận với một Xanh khác, không phải một mình. Cái cảm giác không phải một mình lâu rồi anh mới có lại. Chỉ đơn giản là để sáng sớm sẽ có người ơi ới gọi nhau dậy đi, ăn trưa cũng sẽ bàn nhau bữa nay ăn cái gì, tối thì mướn xe máy chạy vòng vòng vô chợ, không biết làm gì thì kéo vô một quán cà phê nào đó, nói chuyện ta bà, đưa tay nhau ra coi đường tình duyên vì sao mà trắc trở, để đến giờ này còn độc thân vui tính mà thắm lại một đám thế này với nhau. Tiếng người nói cũng sẽ làm cho lòng ấm lại, đừng nói chi đến những bàn tay và những nụ cười. Gặp gỡ ở Xanh rồi, là duyên!

11214334_985008484844119_7775424032963642061_n.jpg


Chiều mưa và sân vắng. Hai cô gái đi trước anh, sarong quệt vào từng bước chân thoăn thoắt. Anh cứ mắc cười hoài, vì ai biểu hai cô gái cũng chịu chơi, quấn sarong hơi ngắn, bảo làm mini sarong cho đúng điệu. Lúc xuống đâu đó ở lưng chừng đền, gặp cậu nhóc làm nhiệm vụ tourguide dắt khách đi tham quan nhắc nhở, biểu mặc sarong cho đàng hoàng lại đi, mấy cô gái!




11165262_985009248177376_7330686456583681125_n.jpg


Một nụ cười, của cô gái du khách một bữa mê mải với vẻ đẹp xứ Xanh. Và anh, in như cũng mê mải với nụ cười trong trẻo này! Anh thì về rồi, về lâu rồi nhưng vía của anh thì ở lại, chắc còn lâu thiệt lâu mới chịu trở về!



11143179_985009298177371_8197630142086838686_n.jpg


Mấy đứa nhỏ vác theo quyển catalogue, hỏi mấy đứa da vàng mũi tẹt và mắt hí này vẽ tattoo đi mấy anh mấy chị ơi? Anh le lưỡi bảo thôi, cái thân phận nhà quê mười hai bến nước chưa biết bến đục bến trong, sáng xách cặp đi mần, chiều xách cặp về nhà ăn cơm với má như anh, làm nhà nước, đâu có nỡ lòng nào vẽ lên làn da nước tóc những hình xăm giả loằn ngoằn như thế này! Đồng ý là nước sẽ làm phai đi, nhưng cơ bản anh thấy nó không được hay ho cho lắm. Nhưng điều đó, không có nghĩa là những hình vẽ này không đẹp, heng!



11267103_985009374844030_6464837281650386791_n.jpg


Nếu không đậu trên tay, thì cho hình xăm bay xuống chân, kiểu gì cũng tha hồ lượn lờ trong tiết trời Xanh mát mẻ trong trẻo những lúc tạnh mưa và chưa nắng!



11150696_980738148604486_7521223139128191445_n.jpg


Không phải lên chùa bẻ một nhành sen đâu, người ta đang làm lễ chi đó, một nghi lễ truyền thống của người xứ này! Họ làm một cách trang trọng, thường xuyên và đầy đức tin. Một đức tin không bao giờ ngưng nghỉ!


11220085_980738515271116_8759253192590915311_n.jpg


Nếu chán những gương mặt người, thì thôi chuyển sang mặt nạ, mặt nạ Barong truyền thống!


11011879_980935358584765_5216168576719580823_n.jpg


Ứ chịu mặt nạ, thì thôi bỏ đi chơi với chó cho rồi!


11188293_980938891917745_7531191873855051830_n.jpg


Không thôi thì với khỉ, kiểu nào cũng được!


11136632_980943538583947_4368424129548283599_n.jpg


Khó chịu quá thì trở về nhà, với gia đình. Cái nhà hạnh phúc bao giờ cũng ấm a ấm áp hết trơn!


11269651_984998091511825_3357326486756083672_n.jpg


Hai mẹ con!

(Hết)
 
Last edited:
ĐI VỀ, NHỚ XỨ NHỎ, MÀ THƯƠNG

1.

Lúc móc cây viết mực nước ra vội ghi cho gia đình anh Thắng vài dòng cảm ơn vội vã, anh nghĩ trong bụng trời ơi nếu có một điều ước thì anh chỉ nhoi nhỏ mong mỏi rằng hôm nay là ngày thứ sáu, để mình vẫn còn đang rộn ràng với chuyến đi, ước rằng kết quả trận cầu đừng phũ phàng như thế, và những cuộc gặp mặt sẽ không chóng tàn. Anh nằm dài trên ghế ngồi chờ ở sân bay, sau những thẫn thờ cho ngày vui qua vội. Ngoài kia thì mưa đang bay. Lòng anh cũng thẩn thơ cho những nhớ thương dành cho những người bạn của xứ Nhỏ này.

Anh Thắng hay kiểu rủ rê, qua đây chơi với gia đình nhà anh, ăn ngủ anh bao hết. Bữa đó, cũng ngày thứ sáu trước ngày anh đi chơi ở xứ Trùng dương, anh Thắng lại nhắn, biểu nước mình vô bán kết rồi, qua đây chơi coi đá banh đi. Anh nói khoan đi đại ca, cái gì cũng từ từ, phải có thời gian suy nghĩ chớ. Ông anh già tìm luôn cho vé máy bay, book một cái chát, đưa anh bạn nhỏ vào cái thế không thể nào từ chối được nữa. Thì đi, đi coi ủng hộ xứ quê nhà, sau lại đi thăm bạn bè. Bạn ở Xứ Nhỏ này nhiều vô thiên lủng, mà đi ít ỏi quá nên im re nào dám hú hí gì ai, vì sợ, thời gian lúc nào cũng là không đủ cho những tình cảm bạn bè. Anh thì bao giờ cũng ngại làm phiền người ta, kiểu như lỡ báo tin bữa nay qua Xứ Nhỏ chơi, nhín chút thời gian cho anh với nghen, mà lỡ đâu bạn bè có việc bận (dù bận thiệt, hay giỡn, ai biết được) rồi lại phải dành ra nửa ngày hay vài tiếng đồng hồ đặng dắt anh đi đây đi đó, ăn uống thăm hỏi. Sợ phiền người nên thì thôi chuyến lăn này anh câm như hến, xách đít lên đi, rồi về!

Lúc cả gia đình hừng hực khí thế chuẩn bị áo nón cờ decal ra khu sport Hub ủng hộ đội nhà, anh nghĩ đây là nhà mình, chớ nào có phải nơi nào xa lạ đâu. Bọn anh chuẩn bị sẵn cờ, decal quốc kỳ, băng đô và áo thun nữa, dành tặng cho những cổ động viên nào mắt tẹt và da vàng, đi tình tang lang thang nếu có nhu cầu cần trang trí thêm chút đỉnh cho lòe loẹt cùng thiên hạ, thì gửi tặng họ. Những người xa lạ có thể là lần đầu gặp nhau, chưa nói chuyện được một câu, nhưng có hề chi, chỉ đơn giản là ới nhau Phải Việt Nam hôn? Vô đây? Thế là anh sẽ dán lên má họ một lá cờ, sẽ cột hộ lên đầu họ cái băng đô đỏ thắm, cờ tổ quốc và áo thun do không có nhiều nên ai cần thì mới được bưng ra. Anh chạy qua chạy lại ở trước cửa sân vận động, nhìn những gương mặt người, là người nhà mình, là tộc mình, là tất cả. Chưa bao giờ anh vơi tự hào vì mình là người Việt Nam mũi tẹt, mắt hí và da vàng. Trận cầu diễn ra lúc trưa, nắng và nóng vì dòng người đổ về dự khán. Khán giả Burma đông hơn mình nhiều lắm, vậy nên lại càng trân quý nhau nhiều hơn. Những du học sinh, những người lặn lội từ quê nhà, có người từ Malay đi qua, có người là chồng là vợ của những người mang quốc tịch Việt, những người lớn, những em bé, những người đã già, cậu thanh niên trẻ.... tất cả tạo nên một cái không khí cội nguồn vô cùng đặc biệt. Có bưng hết những ràng buộc những nghi ngại về cuộc sống ra phía sau lưng, mới cảm nhận hết cái luồng không khí ấy. Ở chỗ cửa soát vé, một anh bạn người Việt sang chưa kịp mua vé, hỏi bọn anh còn vé dư hay không? Bọn anh bảo không, nhưng chỉ sang những người bán vé dạo bên ngoài sân vận động. Chút nữa thì ông anh đấy cầm tấm vé vào cổng, anh hỏi mua vé được rồi à? Anh đó cười, nói được rồi nhưng hơi lo, vé này không biết vào cửa được không? Hỏi tại sao? Ảnh nói vé này do người Việt bán. Anh thấy mất cảm tình dễ sợ? Trời ơi cái vé có bao nhiêu tiền? Mười đô, hai mươi đô không lẽ người mình vời người mình lại đi đen đỏ với nhau, mà mần chi? Anh tự nhiên thấy mất hứng, nói không sao đâu, anh cứ vào đi, mình đều là người Việt mà! Thì bởi, mình đều là người Việt Nam mà!

Anh Thắng tối nào cũng dắt anh ra quán cơm tấm Việt Nam ở Kitchenner Road, rồi sau đó sẽ ngồi cho đến khi trời gần sáng, mới chập choạng đi bộ về nhà. Ở quán cơm đó, có cô bé phục vụ, làm ca đêm, từ Việt Nam sang. Em người Bến Tre, da trắng tóc ngang lưng và nụ cười rạng rỡ. Hai đêm liền, đêm nào anh cũng cười muốn bể bụng vì những câu chuyện được chăng hay chớ của mấy gương mặt đồng hương của mình nơi Xứ Nhỏ này. Mấy anh em toàn gọi cơm trắng, thịt kho tiêu, canh nữa, và nước mắm. Món ăn thì để gọi là ngon là làm sao ngon bằng cơm má nấu được. Nhưng ăn uống có là gì khi ngồi chung mâm với mình là những gương mặt thân quen ruột rà, khi mình chấm miếng nước mắm là mình thêm vào câu chuyện kiểu như mùng năm tháng năm nhà em chôm chôm chín rộn lắm, mà em không về được, hổng biết ai trèo cây hái, thế là nước mắm chan cơm trắng cũng tự nhiên mắc ngon. Rồi cái kiểu ngồi một chút thì anh em chạy ra đường đốt thuốc, anh không có thói quen hút thuốc nhưng lâu lâu làm một điếu cũng được. Thấy cuộc đời cũng gọi là có thêm chút vị lạ. Như ở quán cơm Việt Nam này, khuya thiệt khuya có mấy chế người Việt đi vô ăn, nước hoa rẻ tiền sực nức, tóc vàng tóc đỏ môi bầm đỏ choe choét. Mấy anh em chỉ nhìn nhau cười, là chua chát là đeo lên những gương mặt sượng sượng trân trân vì, ờ vì tụi mình cũng đều là dân Việt Nam hết. Ủa, mà mắc gì phải sượng sùng, ai cũng có cuộc đời riêng, ai cũng phải sống. Mắc gì phải ngượng ngùng, giùm ai? Biết đâu, ở quê nhà có một me già, một bầy trẻ, cũng từ những chắt chiu nhọc nhằn đó, mà sống được!



(Vì mục đích câu còm, để đó, ít bữa quỡn đãi, anh lại biên chút ảnh, treo lên cho nhà bớt quạnh quẽ và lòng bớt tịch liêu!)
 
ĐI VỀ, NHỚ XỨ NHỎ, MÀ THƯƠNG​

2.

Cái cảm giác, cuối cùng khi còi vỡ trận vang lên. Mọi người, những người Việt đều ngồi lại, cú xụ ủ rũ vì thua trận nó bẽ bàng và buồn thê thảm. Anh nhìn ngược lại phía khán đài, chỗ anh ngồi tập trung rất đông cổ động viên mình, những gương mặt không thể che giấu nỗi buồn. Ai cũng không thể tin nổi rằng đội nhà đã thua, một trận cầu mà mình đá trên chân, đá nửa sân luôn mà cuối cùng, cái quan trọng nhất là bàn thắng, lại không có. Cuộc chơi nào, rồi cũng phải có kết thúc. Người thắng hân hoan, người thua thì bẽ bàng. Những gương mặt phờ đi vì mệt vì đã hết mình để cổ vũ. Khán đài đâu lặng tiếng rộn ràng, chỉ có những trái tim của mình thì tan nát hết rồi. Là lý do để anh đi sang đây, là lý do của chuyến đi này, thế mờ cuối cùng anh lại tận mắt chứng kiến trận thua này! Nhiều năm trước, và nhiều năm trước nữa, bao giờ đội nhà ra trận cũng đều khấp khởi hy vọng, có chê đó có dè bỉu đó, nhưng gót chân của đội nhà mình lúc nào cũng có đôi mắt anh dõi theo, hy vọng và đợi chờ. Lại thêm một lần thất bại, lại thêm một lần chiến thắng vụt qua kẽ tay. Lần này thì anh trực tiếp chứng kiến. Đau đớn nào hơn? Lúc tan trận rồi, mấy anh em lủi ra ngoài khu công viên trước Sport Hub, từ đó, phóng tầm nhìn ra vịnh Marina, mây vẫn bay, gió vẫn thổi, nắng nhạt nhòa. Chỉ có tim là tan nát mất rồi. Một anh công nhân đi qua, thấy bọn anh mặc áo đỏ thì lắc đầu đánh rơi một câu chuyện, buồn não nề. Anh đi từ Malay sang, thức lúc ba giờ sáng, xin nghỉ việc một ngày, bây giờ thì thấy cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa! Nói thì nói thế thôi, cuộc sống vẫn tuần hoàn, vẫn nước chảy mây trôi hoa rơi nắng gió. Nhưng đâu có nghĩa là không được buồn?

Sáng chúa nhựt, anh ngủ tới mười giờ rưỡi mới dậy, cả nhà đã đi vắng. Ngồi lại một mình, anh sắp sải lại mớ của nả hôm qua đi chơi về trễ rồi lúc về nhà, mệt quá cứ bày bừa ra đấy. Chiều nay thì anh phải trở về. Trưa có hẹn đi ăn với một người bạn. Từ nhà đi bộ ra Bugis chưa tới mười phút, xách theo quyển thơ mới, cầm ra MRT, vừa đứng đọc vừa ngóng bạn (Điện thoại đem cất, hôm trước vội quá nên đâu kịp xách theo cái sim xứ này, nên qua đây, ra khỏi nhà là coi như trở về với cuộc sống nguyên thủy, không có sóng điện thoại, không mặt sách, không insta, cũng may, vừa nhận được Mỏ neo nên có bạn đồng hành). Sáng hôm ấy trời mưa, trước khi đi anh Thắng nhắc có đi thì xách cây dù theo, khỏi sợ ướt. Lúc ở nhà, do dậy trễ nên anh vội vàng đi mà quên mất tiêu, cũng sợ, muốn quành lại mà sợ trễ nên đành nhắm mắt đi cho lẹ, có gì thì tìm chỗ nào đó, kín kín gió, đứng trú. Bạn anh cũng đang làm việc nơi xứ Nhỏ này. Nơi này, theo lời bạn, hiện đang thắt chặt tuyển dụng lại, mấy ngành văn phòng, ngân hàng, bảo hiểm hồi trước hút dân ngoại lắm, bây giờ khó nhằn hơn nhiều rồi. Bù lại mấy ngành khác, kỹ sư chẳng hạn, thì dễ thở hơn. Bạn anh qua đây làm cũng hơn một năm, chúa nhựt được nghỉ, bắt MRT lên Bugis dắt anh đi vòng vòng. Chưa bị kiến cắn bụng nên đi loanh quanh mấy khu mua sắm, tháng sáu, mùa giảm giá đậm đà nhứt năm của Xứ Nhỏ nên đi đâu cũng ken chật người hết trơn. Bạn bảo, cái xứ này là vậy, người đi ra đường, ngoài đi mua sắm, thì còn biết đi đâu. Anh nghĩ trong bụng, cũng đúng thiệt, xứ gì có chút béo, đi một vòng là hết. Đúng là đi một vòng, thì hết thiệt, là hết tiền thiệt. Mùa giảm giá, anh gặp cái gì cũng thấy mê, kiểu như định mua cái này, mua cái kia, đã tính trước từ hồi ở nhà rồi, nên qua đây, gặp cái gì, cũng muốn thử, thử rồi, lại muốn lấy. Hồi sau, móc thẻ tín dụng ra cà, méo hết cả mặt. Bạn đứng ngoài kia, lạnh quéo râu vì chờ, anh thấy cũng kỳ, nên thôi nói bạn ráng ráng, năm thì mười họa mới có dịp anh sang chơi, biết làm sao, ráng nghen! Trời ngoài kia thì cứ u u như bông mù u rụng trắng trời buồn não nề thúi ruột, thấy quờn quờn bụng thì lủ khủ xách đồ đi ăn ramen. Ăn ramen xong thì bạn dắt đi vô thư viện quốc gia của xứ này. A, xứ này thì nhỏ thiệt, nhưng cái thư viện thì bự vật vã, to đùng. Ngày chúa nhựt, lại ngay dịp có tuần lễ đọc sách gì đó, bọn trẻ con bu cũng đông. Anh giả vờ bay vô, lật lật sách, nhớ hồi đâu chừng chục năm trước, nhà xa, nhưng mê đọc sách, hổng có tiền mua, nên lúc rảnh là đạp xe lên thư viện tỉnh, mượn sách về đọc. Cái thư viện ba từng lầu, nằm giữa một con đường mới mở thuộc khu đất mới dời về, ở đó có những bữa trời mưa anh ngồi trên phòng đọc sách ở lầu ba, đọc miên man biết bao nhiêu là quyển thơ mới, có cả tiểu thuyết nữa. Hồi đó anh ôm nhiều mơ mộng. Hồi đó, thoắt cái cũng cả chục năm rồi. Rời thư viện thì rủ bạn đi vô Starbuck. bạn uống cái kiểu gì đó mà bị săc cà phê, muốn ói, hay ai biết nữa, chắc chán đi với anh rồi nên đòi về. Dòm đồng hồ, cũng đến giờ sửa soạn ra sân bay, tại đó, anh chia tay bạn rồi quay ngược về nhà. Đường về nhà, chưa đầy một cái sải tay!

Nhưng kiểu gì cũng nhớ như in cái cảm giác lúc đội nhà mình đá vô một trái, hồi phút sáu mươi mấy. Cái cảm giác lâng lâng sung sướng tột đỉnh đó, chỉ chia sẻ được với tất cả những ai có mặt trên sân. Không phân biệt già trẻ, dù lớn dù bé, dù trai dù gái gì, cũng đều nhảy cẫng lên, rú rên la hét không còn biết dùng âm thanh gì để giải phóng cái sướng nữa cả. Sự hân hoan say men vì chiến thắng, là chất xúc tác mạnh nhất, giúp cho con người dễ dàng đến được với nhau. Nhắc lại mới nhớ, hồi đận năm 2008, đội nhà mình vô địch, anh cũng hòa chung vô dòng người đổ vô thành phố. Tối đó, chạy nhong nhong khùng điên đến ba giờ sáng, cái nồi trong nhà sáng ra thành cái dĩa, giọng nói thành một cái gì đó ché ché chớ nào phải tiếng nói mình đâu. Men chiến thắng chảy tràn thành một cơn bão giúp mình dễ dàng buông thả mọi thứ. Sau bàn thắng đó, tất cả đều chắc ăn rằng đội nhà sẽ vào chung kết. Anh thì chắc ăn tối nay về phải đổi lại vé máy bay, coi xong trận cuối rồi về. Nhưng chuyện đâu thể dễ dàng như thế. Nếu đã như thế, thì mọi chuyện đã khác rồi!

Anh gọi một ly cà phê nóng. Máy bay chuyến chiều lạnh te tái. Ai cũng ngồi co ro trong ổ của mình. Anh cũng giở đến tận trang cuối cùng của Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời. Anh thích đọc thơ lắm, những câu thơ gợi nhiều hình ảnh, lời ít ý nhiều. Hồi xa xưa anh nghĩ nếu mình thất nghiệp mình sẽ đi làm thơ, ngày ngày thanh cảnh viết thơ thưởng hoa uống trà và lãnh nhuận bút, mà sống. Sau này, anh phát hiện ra thơ hổng bao giờ là dễ. Chắt chiu từng giọt cảm xúc để kết tinh trong từng câu từng chữ. Dạo đó, anh chuyển qua viết nhăng viết cuội, khùng điên mà lơ đễnh hết năm tháng trôi qua rồi. Và chuyến đi này anh đem Mỏ neo theo làm bạn, một quyển thơ, ngắn ngắn dễ thương mà ý nhị thâm trường. Những câu chữ cuối cùng. Lúc gấp sách lại, anh nhìn ra ngoài cửa máy bay, chả thấy gì ngoài cái cánh máy bay chớp tắt đèn hiệu. Lúc đó, anh biết rằng mình đã lại trở về nhà. Sau một chuyến đi ngắn ngủi có quá nhiều đợt cảm xúc.

Và cũng như sóng, cảm xúc đôi khi thầm lặng, đôi khi cuộn trào làm anh ngắc ngoải không thôi!

(Chữ nhiều quá nên bị bắt phải chia đôi ra, chớ thiệt sự, anh cũng nào có muốn hành hạ những ai lỡ dừng chân nơi đây như thế này đâu!)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,594
Bài viết
1,153,916
Members
190,144
Latest member
acesgame
Back
Top