Nước Nhật: Trên xứ sở của im lặng
Phần 1: Những con người tôi đã gặp trên đường
Tôi sẽ không bao giờ quên những con người tôi gặp trên đường.
Trước khi đi, tôi nghe nhiều người nghi ngại về chuyện tôi không thể nói chuyện bằng tiếng Nhật. Vâng, một chữ bẻ đôi cũng không biết. Nhưng mà, tôi có lòng tin về những con người cùng thế hệ 8X với tôi, hay 9X, chắc chắn họ sẽ trò chuyện bằng tiếng Anh căn bản chứ? Nhưng mà, lại nhưng mà, tôi vẫn nghe người ta nói nhưng lại muốn đi tìm lý lẽ của riêng mình. Cho dù người Nhật không xài tiếng Anh thì ít ra tôi cũng phải tin điều đó bằng cách đối diện thực tế với nó chứ không bao giờ sống theo kiểu: tôi nghe thế này, tôi nghe người ta nói thế kia… Nghe nói, nó không nằm trong từ điển của tôi. Và quan trọng hơn, tôi có nhiều bạn bè từ nhiều nơi lạ lùng của thế giới. Họ trẻ lắm, 8X 9X có đủ. Họ không có máy tính, không có điện thoại thông minh, không có ipad… vậy mà họ đi vòng quanh thế giới. Vậy họ giao tiếp với thế giới bằng cái gì? Đó chính là ngôn ngữ căn bản nhất mà con người dùng để giao tiếp với nhau: ngôn ngữ cơ thể.
Và, tôi đến Tokyo cơ mà. Tôi nào phải đi vào vùng sâu thẳm nhất thế giới mà lo. Vậy thì lên đường…
Tokyo bắt đầu vào hè. Trong vali là cuốn Lonely Planet dày cộm về Nhật Bản mà Quân đưa. Sau chuyến đi mới thấy rằng tôi đã không đọc 1 chữ nào trong quyển sách đó. Vì có thể cách đi của tôi hơi kỳ lạ một chút. Thế nào nhỉ? Mỗi một chuyến đi như là đọc một quyển sách. Và việc đọc những thông tin, xem những tấm ảnh hay đọc những bình luận về địa điểm sắp đến giống như là đọc quá nhiều tóm tắt, thảo luận về cuốn sách đó. Rồi tự vẽ nên những mặc định. Khi đến và đối diện thì còn gì mà hay nữa. Nên tôi để cho đầu óc mình rỗng tuếch, một cách thực sự. Vậy đó mà tôi bò qua và sống sót hết thành phố này đến thành phố khác, khám phá ra nhiều thứ mới lạ mà tôi gọi là cái duyên để gặp. Thậm chí, vì công việc mà tôi vẫn xài số điện thoại của Việt Nam và roaming chứ không xài sim ở Nhật để có 3g mỗi lúc mỗi nơi. Để xem mình sẽ sống thế nào, thích ứng ra sao và hành xử trong môi trường thiếu những điều kiện (tưởng là) căn bản sẽ thế nào. Ừ thì có khó khăn thật, nhưng chẳng sao cả. Vì có một thứ làm cho chuyến đi của tôi trở nên dễ dàng một cách thực sự, đó là những con người tôi đã gặp. Những con người tôi không thể nào quên…
Đó là người phụ nữ trung niên. Đêm đó, tôi đứng giữa ngã tư đường. Người đi qua người đi lại đông nghẹt. Tôi nhìn quanh và chọn một người phụ nữ trung niên đang đi ngang để hỏi đường đến cái quán cà phê nổi tiếng. Chị đứng lại và cố hiểu tôi đang nói gì. Tôi vì viết sai cái tên quán nên chị tìm hoài không được. 5 phút, 10 phút, 15 phút… Chị vẫn không tìm ra cái địa chỉ đó. Thỉnh thoảng trong lúc bấm điện thoại để tìm, chị nhìn sang tôi với đôi mắt hối lỗi và luôn miệng nói xin lỗi. Chị đâu có lỗi gì đâu. Cho đến khi tôi không đợi được nữa mới nói là thôi cảm ơn chị, tôi phải đi rồi thì chị nói là đợi chị chút xíu đi. Chị sẽ tìm giúp tôi được. Vâng, chị vẫn không tìm ra cái địa chỉ đó và vẫn nói lời xin lỗi với đôi mắt thành khẩn. Tôi thì thấy mình có lỗi vì đã làm phiền chị, ngăn cản bước chân về nhà của chị dù trời đã đêm. Tôi thấy có lỗi vì làm chị căng đầu ra để hiểu người đàn ông nước ngoài này đang cần cái gì, khi không giúp được thì thấy bản mình có lỗi.
Đó là một cô gái trẻ. Ngày thứ bảy, cô đi trên ga tàu điện. Tôi, sau một tiếng đồng hồ không thể định vị được vị trí và cách đi đến Metropolitan thì buộc miệng hỏi cô. Cô gái nói tiếng Anh tốt nhưng sau một hồi tra điện thoại cũng không biết cái toà nhà tôi tìm. Cô nói: Folow me. Rồi đi băng băng qua những cầu thang, những ngả tư để đến một… đồn cảnh sát. Tôi ngoan ngoãn đi sau, thỉnh thoảng nói cảm ơn. Sau khi cô ta nói với anh cảnh sát một hồi thì biết là tôi cần đi đến đâu, nhưng hôm nay thứ Bảy nên toà nhà đóng cửa. Cô ta lại xin lỗi với vẻ mặt thành khẩn. Ơ hay, cô đâu có lỗi. Nhưng cô ta vẫn nhanh nhẹn chỉ tôi cách đi đến đó, phòng trừ trường hợp ngày nào tôi muốn đến thì có thể đi. Cô ta hỏi tôi đến từ đâu, tôi nói Việt Nam thì cô ta vui mừng ra mặt. Thì ra là cô ta vừa đi 6 ngày ở Việt Nam hồi tháng 3 với những người bạn. Rồi cô ta rời đi, không quên chúc tôi có một chuyến đi vui vẻ…
Trong những ngày lang thang ở Nhật, chưa có lần nào tôi hỏi đường mà người ta không tận tình chỉ dẫn. Có người hiểu tôi nói gì, có người không. Có người biết tôi muốn đi đến đâu, có người không. Có người nói được vài câu tiếng Anh, có người không. Nhưng một điều chắc chắn, nếu tôi chưa biết phải làm như thế nào, thì họ không bao giờ bỏ tôi lại. Nếu họ không biết, họ sẽ hỏi cảnh sát, hỏi information ở trạm tàu điện, hỏi internet, hỏi người khác cho đến khi biết mới thôi. Tôi gọi đó là sự cam kết với cộng đồng. Tôi làm một điều tra nho nhỏ, bằng cách chọn những mẫu khác nhau để hỏi đường. Người già có, trung niên có, thanh niên có, học sinh có… Và hầu như kết quả phản hồi đều như nhau. Từ anh chàng công sở, cô gái thời trang, em học sinh nhỏ đến cô trung niên nhìn khó tính phết. Suy ra, họ được giáo dục từ một cái nên căn bản, để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và đồng bộ. Như cái lần ở trạm tàu điện mà tôi bị ấn tượng mạnh…
Số là tôi muốn đi thử tàu cao tốc shinkansen nhưng lại đi lộn qua line tàu thường. Trong khi mọi người sắp lên tàu thì tôi quýnh quáng hỏi một người đàn ông mặc vest đang bước lên tàu rằng đây có phải là shinkansen hay không? Anh ta chỉ còn 1 bước chân nữa là lên tàu, nhưng dừng lại và bảo tôi đi cùng với anh ta. Tôi nói không, ông sẽ bị trễ tàu thì anh ta nói là không sao đâu, chút anh ta đi chuyến sau. Rồi anh ta đi trước, tôi đi sau băng qua nhiều cầu thang mới đến trạm tàu nhanh shinkansen. Tôi gập người cảm ơn như cách người ta vẫn làm khi biết ơn ai đó. Anh ta cười rồi đi ngược lại về chuyến tàu của mình.
Giúp đỡ một người khác đã không còn là chuyện của một người, mà người Nhật xem như là một trách nhiệm của cá nhân họ đối với những người cần sự giúp đỡ. Đối với họ, quyền lợi cộng đồng được đặt cao hơn quyền lợi cá nhân, do những gì tôi thấy và tôi cảm nhận như vậy. Trong những ngày ở Tokyo, thông tin những cổ động viên Nhật ở lại nhặt rác trên sân vận động sau trận thua Bờ Biển Ngà làm cả thế giới nể phục. Họ làm vì sự tận tâm, là cần thiết chứ chẳng để chứng tỏ gì với ai cả. Khắp nên trên nước Nhật, là một sự ngăn nắp và sạch sẽ đến không ngờ. Bất cứ ai đi trên đường mà thấy rác thì cũng cúi xuống nhặt lên và bỏ vào thùng rác. Kể thêm chuyện bữa ở Thành cổ Osaka, có một nhóm học sinh trải bạt ra ngồi để tham quan. Tôi đứng nhìn từ xa. Rồi ông thầy phụ trách cầm cái bịch ni lông giơ cao, gọi học sinh lại để hỏi cái bịch ni lông này của ai vứt ra. Cuối cùng có một bản nhỏ lên nhận lỗi rồi cầm cái bịch ni lông đó đi thật xa để bỏ vào thùng rác.
Ngay cả việc phân loại rác cũng làm cho người ta kính nể một nước Nhật tiết kiệm và thông minh. Những chai lọ một thùng, vỏ chai nước suốt một thùng, đá viên còn sót sau khi uống cà phê một thùng, giấy một thùng, bịch ni lông một thùng… Bạn tôi còn kể là mỗi tuần, có những ngày cố định để các gia đình đổ những loại rác khác nhau. Đi ăn, hầu hết các quán thì khách hành phải tự dọn dẹp bàn của mình sau khi ăn xong. Tôi cũng không ngoại lệ. Phần vì muốn học tập cái cách người ta làm, phần vì không thể nào để đó mà xách đích lên đi, kỳ cục không chịu được. Nhân viên ở Nhật cũng không lấy tiền bo của khách. Họ bảo rằng số tiền khách trả đã bao gồm tiền lương của họ trong đó. Khi ghi thực đơn cho khách thì họ gần như quỳ dưới chân khách. Tôi ngạc nhiên đứng dậy, nhưng nhìn xung quanh thì đều như vậy. Đó là cung cách phục vụ, và người Nhật là bậc thầy về dịch vụ…
Ở những vùng quê, khi tôi nhờ chụp hình thì nhiều ông bà già không biết chụp nên bấm tá lả trên cái iphone. Nhưng họ nhiệt tình lắm, bao giờ cũng hỏi được chưa để làm lại. Hay mấy em Harajuku, khi tôi ngỏ ý muốn chụp hình với các em thì các em vui vẻ tạo dáng, khi chụp xong thì các em cảm ơn rối rít. Nước Nhật ngộ thật, nhiều thứ diễn ra trái với những giá trị mà trước giờ tôi được biết. Tôi cảm ơn những con người Nhật, họ giúp tôi nhìn ra nhiều thứ cần phải sửa đổi, cung cách phục vụ khách hàng và trách nhiệm của mình đối với xã hội.
Đó là những con người tôi đã gặp trên đường…