What's new

Nhà Phượt đang đọc sách gì ?

Em đang đọc Tôtem Sói, mãi ko xong, dưng mà hay, vừa đọc vừa tưởng tượng ra thú lắm :x.
Vừa đọc vừa mơ mình đang ở Nội Mông :)
 
Thế thì highly recommend Evil nên đọc,heheh :D
À, cả quyển Trái tim của Sói nữa, truyện tình cảm Việt Nam, ngắn thôi nhưng rất thích :p. Chị nhân vật nữ chính có cuộc đời rất "phượt", ngắn ngủi nhưng đủ đẹp để mơ ước. Rất thích :)
 
“Âm thầm hơn chiếc bóng, tôi đi giữa biển người chất ngất lòng tham.
Những nhân vật quan trọng, phi thường, ưu tú của ngày mai.
Tôi là ai mà cũng chẳng là ai.
Tôi đi trong chậm rãi, như một người đến tự rất xa, xa đến nỗi chẳng mong ngày tới đích”

Trên đây là một đoạn trích trong bài thơ Tụng ca tĩnh lặng của Jorge Luis Borges, được dùng làm lời mở đầu cho tiểu thuyết Di sản của Mất mát, của Kiran Desai – Tác giả đoạt giải Booker 2006. Với tất cả những ai tò mò về một thế giới xa lạ và gai góc, nơi câu chuyện được đặt trong bối cảnh của một ngôi nhà hoang tàn dưới chân núi Kanchenjunga thuộc dãy Himalaya, một cuốn sách thế này không thể bỏ qua.

---

Cuốn thứ hai đáng đọc trong tuần là Thế giới tính dục của Henry Miller. Cuốn này in dựa trên bản dịch cũ của Hoài Khanh nên giống như mọi lần, bản dịch không được ổn lắm, chưa kể lỗi chính tả chi chít. Lấy một đoạn giới thiệu để hiểu vì sao nó đáng đọc.

“Tác phẩm Henry Miller đi giữa dòng văn chương và kinh thánh. Đó là sự phối hợp kỳ diệu giữa Chí Tôn Ca (Bhagavad-Gitaa) linh thánh và Dục lạc Kinh (Kama sutra) nhầy nhụa. Bước vào tác phẩm của Miller như bước vào một ngôi đền Ấn Độ, người ta thấy những bộ phận sinh dục vĩ đại ngổn ngang cạnh những tượng thánh uy nghi, những cảnh dâm loạn tiếp cận những nghi lễ tôn nghiêm, tác động giao hợp được coi như tác động sùng thượng (acte d’adoration sublime), một phương tiện xuất thần nhập diệu”.

---

Cuối cùng là cuốn sách được coi là “Nhật ký thời bao cấp” – một cuốn sách viết về kinh tế nhưng vô cùng dễ đọc của người Hà Tây nhà mình – Đặng Phong. Cuốn sách mang tên “Tư duy kinh tế Việt Nam – Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989”.

Trích một đoạn ca dao phê phán thời kỳ này:


“Trong nông nghiệp thì có những câu:

Mỗi người làm việc bằng hai
để cho cán bộ mua đài mua xe,
Mỗi người làm việc bằng ba,
Để cho cán bộ xây nhà, lát sân

Trong công nghiệp thì có công thức:

Chủ nghĩa cộng sản = Mất điện toàn quốc + Chính quyền phường

Trong phân phối lưu thông thì có những câu:

XHCN = Xếp hàng cả ngày…”
 
"Trẻ em trong ngọn lửa chiến tranh" và "Mẹ vắng nhà" - Iwasaki

2964250406_8409dd6a08.jpg


Ai có lòng thì đi mua hai cuốn “Trẻ em trong ngọn lửa chiến tranh” và “Mẹ vắng nhà” của Chihiro Iwasaki đi nhé. Hai cuốn truyện tranh được vẽ bằng chì than cực đẹp với những khuôn mặt trẻ thơ trông xinh xắn và quen thuộc vô cùng. Mình vô tư đã tự nhận có một cái tranh trong đó vẽ chân dung năm mình lên 6 tuổi rồi.

Iwasaki vẽ hai tập tranh này với cảm hứng từ cuộc chiến tranh Việt Nam. Tập “Mẹ vắng nhà” là vẽ minh họa cho truyện ngắn đó của Nguyễn Thi. Tiền bán hai cuốn sách này sẽ được dùng để ủng hộ cho Quỹ Vì trẻ em nhiễm chất độc màu da cam. Yên tâm là sách in cực đẹp, giá cực rẻ, có thể mua nhiều làm quà tặng cho bọn trẻ con. Nghe đâu trong bữa đầu tiên đã gom được hơn 100 triệu cho Quỹ trên.

2964249966_4f9ed03482.jpg
 
Mình giới thiệu cuốn Buồn nôn (La Nausée) của J.P. Sartre, không có tranh vẽ minh họa, cũng không có tình tiết gì nóng bỏng lắm, lại về một thanh niên vì cá nhân chứ không phải vì tập thể. Nói chung đọc rất là dễ ngủ.
 
Tuyết (Maxence Fermine) vs Tuyết (Orhan Pamuk)

Cái cảm giác mong manh sợ làm tan chảy một bông tuyết cũng giống như cảm giác khi lật giở từng trang của Tuyết – cuốn tiểu thuyết mini nhỏ nhắn của Maxence Fermine. Phải, lần đầu tiên trong đời mình, tôi đã run rẩy lật từng trang của cuốn sách ấy, lật nhẹ với nỗi lo vẻ đẹp này, nỗi buồn này, những dòng chữ nhiệm màu này,… sẽ biến mất. Không phải quá lời đâu, khi tôi đã đọc Tuyết đôi khi bằng sự nín thở.
Văn hóa Nhật là gì? Đẹp và Buồn. Cả hai điều đó đều được đòi hỏi phải đạt đến sự tận cùng, tột đỉnh. Và cả hai điều đó đều được truyền tải rất cô đọng và thành công trong Tuyết.
Chỉ một sắc trắng của tuyết thôi, Maxence Fermine đã nhìn ra vô số sắc độ của tình yêu, của tài hoa, của kiếp người, của nghệ thuật, những va đập văn hóa. Mỗi một chương bắt đầu bằng một bài thơ haiku. Lại có chương vỏn vẹn chừng ấy dòng, giống như một bài thơ haiku. Câu chuyện không nhiều đối thoại. Những đối thoại cũng không dài, nhưng nó gợi ra những liên tưởng bất tận. Cảm giác như bất kỳ cuộc đối thoại nào cũng giống như một bài thơ ngân nga mãi.

“Khi anh về đến nhà, cha anh hỏi:
- Yuko, con đã chọn được con đường cho mình rồi chứ?
Chàng trai trẻ quỳ xuống và nói:
- Còn hơn cả thế, thưa cha. Con đã tìm thấy tuyết!”


Trong cuộc hành trình đi tìm Tuyết của đời mình, chàng trai trẻ Yuko mười bảy tuổi từ lúc chỉ cảm thấy sắc trắng mênh mang của tuyết trong lòng mình, trong mắt mình, trong thơ trong họa của mình,… đã tìm được cách để biến cuộc đời mình không chỉ còn sự trống trắng lạnh lẽo của tuyết; từ một chàng thanh niên thiên tài bẩm sinh tự cho mình đã “đủ” nhận ra còn thiếu hụt quá nhiều. Sự thiếu hụt ấy chỉ được lập đầy khi chàng dấn thân vào cuộc đời, thay đổi nhận thức thông qua sự chín muồi trong tình yêu, thể hiện qua tình dục.
Đọc Tuyết, cảm thấy “phong vị” của Phật giáo đâu đây. Hay đó là màu sắc của Thần đạo (Shinto)? Thấy cuộc đời là một con đường, một cuộc hành trình tìm về bản thể của mình. Thấy sự gặp gỡ của nhân duyên, mối nhân – quả và sự kết thúc của nghiệp.
Cuốn sách chia làm 3 chương, nhưng có lẽ chương 1 sẽ hút hồn độc giả hơn cả. Chương 3, Maxence dường như hơi “tham” hoặc đã bất lực để tìm ra một kết thúc (nếu bạn là người viết truyện, bạn sẽ cảm thấy rõ điều này), nên tiếc thay, kết thúc câu chuyện lại là những gì đó hơi giống một câu chuyện cổ tích châu Âu. Và cách viết hàm súc mang nhiều ý nghĩa gây ấn tượng mạnh trong chương 1 đã chuyển qua sự diễn giải, đôi khi triết lý (không cần thiết) trong những trang cuối.
Nhưng dù sao bạn cũng không nên bỏ qua Tuyết – lựa chọn cho vị trí số 1 trong năm nay của tôi.
---
Cũng là sắc trắng mênh mang vô tận của tuyết, nhưng Tuyết của Orhan Pamuk lại lồ lộ như một cái cớ để lý giải những vấn đề của một xã hội hiện đại.
Bối cảnh câu chuyện diễn ra trong những ngày thành phố biên giới Kars bị cắt đứt với thế giới bởi tuyết rơi quá lớn, một nhà thơ lưu vong trở về mang trong mình một tâm hồn khô trọi không còn thể viết nổi thơ. Thành phố xa lắc lơ, tưởng như nếu tuyết còn tiếp tục rơi nhiều đến thế, sẽ không ai còn tìm tới nơi này, không ai biết tới nơi này, nơi đêm đêm không còn ai muốn bước ra đường và mọi thứ trong ngày cũng tê liệt, vậy mà, đằng sau sự trống trải ấy, là những cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái, các nhóm tôn giáo, giữa chính phủ và những người bất đồng…, nơi người ta “thậm chí còn sợ nghe tiếng mình nói”.
Nhà thơ mang tên Ka, không ngờ lại trở thành chứng nhân của tất cả những nghịch lý ấy. Và trong khi chứng kiến tất cả mọi chuyện, cũng giống như Yuko tìm được Tuyết của mình, Ka không còn là một kẻ lưu vong nữa, cho dù thời hạn của anh chỉ ngắn ngủi ở Kars, anh đã thực sự nhập cuộc trở lại.
Giữa những màn kịch của các phe phái, Ka gặp lại người tình cũ một thời anh đeo đuổi. Vào chính lúc đó, anh có thể viết thơ trở lại. Nhưng niềm vui của việc có thể viết nên những câu thơ trên chính mảnh đất của mình, giữa những người cùng dân tộc với mình lại song hành cùng đòi hỏi về sự lựa chọn nơi mà anh thuộc về, cộng đồng anh thuộc về, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức của chính anh…
Tuyết có một lối viết duy lý, đòi hỏi sự động não từ độc giả nhiều hơn cảm giác. Sẽ có nhiều người không thích Tuyết của Pamuk vì nó mệt mỏi, dằng dai, đôi khi có cảm giác như đọc một hồi ký chính trị chứ không phải một tác phẩm văn học. Giữa những đoạn văn trúc trắc và ngồn ngộn thông tin về tôn giáo, chính trị, những đoạn miêu tả tình yêu của Ka với Ỉpek trong tuyết trở nên đẹp đẽ hơn bao giờ hết:

“… Trong thành phố trống trải im lìm tới mức gọi đến ngày tận thế, tuyết không ngừng rơi.
Họ nằm bên nhau trên giường một hồi lâu, không nói gì, mắt nhìn ra tuyết ngoài kia. Đôi khi Ka ngoảnh lại nhìn tuyết rơi ở trong mắt Ỉpek”


Trong Tuyết của Maxence, Yuko đi tìm Tuyết của đời mình, cũng là tìm đến sự tuyệt đối tuyệt đỉnh của thơ. Vì Tuyết vừa là thơ, là nhạc, là họa, là tất cả những gì vừa bất biến vừa biến đổi vô cùng và bài thơ đẹp nhất mà anh tìm thấy là bài thơ cuộc đời anh có trọn vẹn với người con gái anh yêu, thăng bằng trên sợi dây của cuộc đời - ở một nghĩa nào đó, là những lằn ranh trong nghệ thuật và cuộc sống. Còn trong Tuyết của Pamuk, Ka đã tìm lại được thơ trong tuyết, cũng chính là anh đã tìm lại được tiếng nói của mình, bản thân của mình, sự hiện hữu của mình trong một xã hội, dù điên loạn và khó lường, nhưng là xã hội mà anh thuộc về, thay vì chỉ là một thân phận lưu vong viết những bài thơ ít người đọc trên những chuyến tàu tẻ ngắt của một đất nước khác.
 
Gào thét trong mưa bụi - Dư Hoa

Phàm những người tên Hoa, mình không thích. Nhưng có anh Dư Hoa mình thích. Mỗi lần đọc sách của anh xong, mình tự bảo mình, có lẽ phải nên đi gặp anh ấy một lần xem sao. Chưa tác giả nào khiến mình muốn gặp như anh ấy.

Mấy hôm mưa ngập, trong ánh trời xầm xì (muốn viết là Sầm Sì hơn), đọc Gào thét trong mưa bụi – truyện dài Dư Hoa viết năm anh 31 tuổi, cảm thấy như trải qua tuổi thơ nào đó rất gần gũi, ngay ở bên cạnh đây, ngay như vừa qua đây.

Trong Gào thét trong mưa bụi, mối quan hệ của một gia đình điển hình gợi ra hầu hết sự phức tạp trong mối quan hệ của bất kỳ gia đình nào ở Trung Quốc của một thời kỳ, cũng tương tự như ở bất kỳ gia đình VN nào cách đây vài chục năm. Một gia đình nhỏ, một ngôi làng lớn, nơi tiếp giao với thành phố với những đứa trẻ rải rác trong ký ức của nhân vật Tôi, với những cái chết, những câu chuyện tình thành và bất thành, những cuộc vụng trộm đen tối, những căn bệnh của cá nhân và của cả một cộng đồng,…

Vẫn là cách viết ấy thôi, chẳng có gì mới mẻ, chỉ là một sự đào sâu vào ký ức, nhưng cũng như mọi khi (thực ra là như những truyện viết sau này), Dư Hoa luôn có cách lấy nước mắt người đọc không phải bất kỳ sự sến xẩm nào cả, mà bởi sự chua xót của cuộc đời, của những trò gian lận, của cuộc chiến giữa các thế hệ và cá tính. Điều khiến tôi thích Dư Hoa hơn các tác giả khác của Trung Quốc, chính là cái sự viết ấy diễn ra rất tự nhiên, nó trôi chảy tới mức, cứ cảm giác như tác giả ngồi thủ thỉ kể bên tai mình ấy, chứ không phải đang viết, đang diễn, đang phô tài. Tâm lý của các nhân vật cực kỳ nhuyễn, từ một cụ già sắp chết đối đầu với đứa con hỗn láo, tới cuộc tranh đấu để có một vị trí trong gia đình của những đứa con, cho tới tâm lý của đám đông tò mò thích bươi chuyện, những người đàn ông lép vế ở gia đình nhưng ra bên ngoài lại sẵn lòng đe nẹt những kẻ dưới cấp để lấy lại cho mình sự cân bằng tâm lý,…

Trong tất cả các tác phẩm của Dư Hoa đã đọc, có lẽ mình thích quyển này hơn cả, cho dù đây là lúc anh chưa nổi tiếng và kết cấu truyện chứng tỏ anh đã chọn giải pháp an toàn và không bứt phá gì lắm trong giai đoạn đầu.
 
Hôm qua em đi mua được cuốn Con đường tơ lụa rồi, mở ra 5 phút nghía thì thấy mấy cái tên chị LM nhắc đến.
Cơ mà vẫn đang nằm mộng với LP Tibet. Em nghĩ là trù úm mãi, Om Mani Batme hum mãi tế nào cũng có lúc đẹp trời nào đấy, vì một lý do nào đấy, em đủ mọi điều kiện (tiền, time, t...) để đến đó. CHị B..., chị B.... hé hé (kêu cho hắt xì luôn)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,616
Bài viết
1,153,958
Members
190,146
Latest member
sportifiles
Back
Top