Cầu Thuận Phước, mang danh là chiếc cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam nhưng theo mình cái đẹp của cầu này chỉ là ở cái dáng uốn lượn còn thì cáp treo không đẹp, trụ cầu không đẹp, chạy trên cầu không cho cảm giác choáng ngợp. Nói chung về mặt kết cấu và kiến trúc khó lòng qua được cầu Phú Mỹ ở Sài Gòn. Lại nữa, khánh thành chưa bao lâu nhưng hiện nay tình trạng mặt cầu đã khá tệ với những đường sóng trâu khó tránh khắp mặt cầu. Chiều qua trượt qua một cái như thế làm ôm mình hết hồn sáng nay không cho không cho chạy trở lại.
Một ít số liệu mình vừa đọc được trên Thanh Niên Tuần San trước khi bắt đầu chuyến đi trong bài viết của ông Nguyễn văn Mỹ về thành phố Đà Nẵng thấy hay xin phép được trích.
Lâu nay Đà Nẵng tự hào về cầu quay sông Hàn duy nhất ở Việt Nam do nhân dân tự đóng góp. Cầu dài 487,7m. Cứ sau nửa đêm, vào tầm 1 giờ, cầu quay 90 độ để tàu bè qua lại. Năm 2009, có thêm cầu Thuận Phước dài 1.856m, là cầu treo dây võng dài nhất nước Việt Nam.Hệ thống dây cáp treo nhìn từ xa tựa như hai cánh chim khổng lồ đang khát vọng vươn ra thế giới. Tháng 3 năm 2013 Đà Nẵng có thêm cầu Trần Thị Lý (bên cạnh cầu Nguyễn Văn Trỗi, xây dựng bằng thép vòm của Mỹ từ 1965, nay chỉ dành cho người đi bộ) và cầu Rồng. Cầu Rồng dài 666,565 m. Thành cầu là con rồng vàng dài 568 m, nặng hơn 9000 tấn. Con rồng oai phong như đang cố lấy đà bay và đầu rồng có thể khạc lửa. Còn cầu Trần thị Lý, dài 731 m, là cầu dây văng một trụ, nghiêng 12 độ, nom tựa cánh buồm lớn dong thuyền ra biển Đông. Đây là một trong những chiếc cầu có tải trọng lớn nhất thế giới, trên 30.000 tấn! Cũng dịp này Đà Nẵng khai trương hệ thống cáp treo thứ 3 tại Bà Nà, đạt 4 kỷ lục thế giới: cáp treo 1 dây dài nhất – 5.771,61 m; độ chênh giữa ga đi và đến – 1.318,93 m; chiều dài sợi cáp không nối – 11.587 m; trọng lượng của dây cáp – 141,24 tấn. Mỗi lượt vận chuyển được 860 người và chỉ mất 17 phút để lên tới đỉnh.