Những chiếc lá màu tím đỏ mọc trên vách đá trên đường vào thị trấn.
Đứng bên này vách núi, nhìn sang phía bên kia những con đường dài thăm thẳm, quanh co ăn sâu vào sườn núi thoạt ẩn thoạt hiện; ở giữa là thung lũng khi thắm màu xanh của cây lá lúc lại trơ trơ đá sỏi. Thiên nhiên như giễu cợt con người khi để đến một nơi chỉ cách mình vài trăm mét lại phải vượt qua hàng chục cây số đường đèo núi. Những con đèo nơi đây trở nên bình thường như những lối mòn không thèm cả mang tên. Trên những con đường mà với chiếc xe gắn máy làm phương tiện mình còn ngán ngại thì thỉnh thoảng lại xuất hiện những bóng người lầm lũi bước như thách thức sự trớ trêu khắc nghiệt của tạo hóa .Sức sống của con người ở vùng đất này thật mãnh liệt một cách lạ lùng. Trên suốt đường đi mình cứ luôn tự hỏi vì sao trên những vùng đất cheo leo hiểm trở, cằn cỗi như thế này sự sống vẫn cứ sinh sôi phát triển. Và những con người kia, nhỏ thó, quắt queo, lưng còng vì trĩu nặng từ thuở bé, những đôi chân vòng kiềng suy dinh dưỡng tự lúc lọt lòng, những bà mẹ địu con trên lưng làm mình giật thót khi biết tuổi lại chính là linh hồn, sự sống cho vùng đất hoang vu khắc nghiệt này.
Tuần trước đọc Tuổi trẻ cuối tuần, mình mới biết người ta đang triển khai một dự án nâng chiều cao dân Việt Nam lên vài cm với số tiền 6.400 tỷ đồng trong 5, 7 năm gì đó. Không biết dự án đó gồm những gì, nếu lại là những bích chương biểu ngữ, những buổi diễu hành trên phố hoặc phát sóng lặp đi lặp lại trên truyền hình nói về tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng, sự cần thiết của buổi điểm tâm và hàng loạt khoản chi cho thống kê, triển khai, đánh giá sự thành công của dự án thì thật là xót. Giá mà người ta thực hiện một cách đơn giản như ngày trước khi còn chế độ cũ, cứ mang sữa và bánh mì đặc ruột vào phát cho trẻ con lứa tuổi mầm non các vùng nghèo khó thì hay biết bao nhiêu. 6.400 tỷ quy thành sữa và bánh mì có thể mang hàng trăm ngàn đứa trẻ thoát chứng còi xương, những đứa trẻ ở những vùng miền có lẽ chẳng bao giờ được chọn mẫu cho một dự án cần nhiều thành tích lẫn thành công.
Đến thị trấn thấy khách sạn đầu tiên có vẻ sạch sẽ mình ghé vào ngay vì lúc này đã 5 giờ chiều, gần 12 giờ đồng hồ ngồi trên xe qua những đoạn đường hầu hết là đèo dốc mình chỉ muốn được ngã lưng một chút và tắm nước thật nóng để lại sức nên không còn kén chọn gì nữa. Khách sạn Bình An, tương đối sạch nhưng phòng rất nhỏ, có lẽ sẽ có lựa chọn tốt hơn trong thị trấn này mà nay đã khác lúc các bài viết mình đọc được với nhiều nhà trọ, khách sạn mini san sát.
Tắm rửa xong lại mò ra phố xem có gì lạ, gặp ngay chợ cũ Đồng Văn, vào chụp vài kiểu ảnh nhưng lúc này nắng đã không còn, tiếp theo là một số ảnh phố cổ và bên ngoài quán cafe Phố Cổ rất quen thuộc trong các bài về Đồng Văn.
Chợ cũ đồng văn vào buổi chiều khi nắng đã nhạt, không sao mình sẽ còn buổi sáng mai quay lại nơi này.
Phố cổ Đồng Văn.
