What's new

Sài Gòn - Hà Giang: Chuyện trên đường.










Hình chụp từ cột cờ.














Trên đường trở ra sẽ có một ngã rẽ vào thị trấn Đồng Văn mà khoảng cách chỉ là 9Km, lợi hơn rất nhiều so với quay ra ngã ba vào nhà họ Vương nhất là đường đồi núi thế này. Hôm nay là lần đầu kể từ khi bắt đầu hành trình và ngay cả cho đến nay, sau hơn ba mươi năm vui thú ngồi trên yên xe, mình biết “oải” với đèo dốc quanh co, mong có một quảng đường thẳng chạy cho nhẹ đầu mát máy.

Lùa bò, dê về chuồng lúc cuối ngày.




 
Những chiếc lá màu tím đỏ mọc trên vách đá trên đường vào thị trấn.







Đứng bên này vách núi, nhìn sang phía bên kia những con đường dài thăm thẳm, quanh co ăn sâu vào sườn núi thoạt ẩn thoạt hiện; ở giữa là thung lũng khi thắm màu xanh của cây lá lúc lại trơ trơ đá sỏi. Thiên nhiên như giễu cợt con người khi để đến một nơi chỉ cách mình vài trăm mét lại phải vượt qua hàng chục cây số đường đèo núi. Những con đèo nơi đây trở nên bình thường như những lối mòn không thèm cả mang tên. Trên những con đường mà với chiếc xe gắn máy làm phương tiện mình còn ngán ngại thì thỉnh thoảng lại xuất hiện những bóng người lầm lũi bước như thách thức sự trớ trêu khắc nghiệt của tạo hóa .Sức sống của con người ở vùng đất này thật mãnh liệt một cách lạ lùng. Trên suốt đường đi mình cứ luôn tự hỏi vì sao trên những vùng đất cheo leo hiểm trở, cằn cỗi như thế này sự sống vẫn cứ sinh sôi phát triển. Và những con người kia, nhỏ thó, quắt queo, lưng còng vì trĩu nặng từ thuở bé, những đôi chân vòng kiềng suy dinh dưỡng tự lúc lọt lòng, những bà mẹ địu con trên lưng làm mình giật thót khi biết tuổi lại chính là linh hồn, sự sống cho vùng đất hoang vu khắc nghiệt này.





Tuần trước đọc Tuổi trẻ cuối tuần, mình mới biết người ta đang triển khai một dự án nâng chiều cao dân Việt Nam lên vài cm với số tiền 6.400 tỷ đồng trong 5, 7 năm gì đó. Không biết dự án đó gồm những gì, nếu lại là những bích chương biểu ngữ, những buổi diễu hành trên phố hoặc phát sóng lặp đi lặp lại trên truyền hình nói về tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng, sự cần thiết của buổi điểm tâm và hàng loạt khoản chi cho thống kê, triển khai, đánh giá sự thành công của dự án thì thật là xót. Giá mà người ta thực hiện một cách đơn giản như ngày trước khi còn chế độ cũ, cứ mang sữa và bánh mì đặc ruột vào phát cho trẻ con lứa tuổi mầm non các vùng nghèo khó thì hay biết bao nhiêu. 6.400 tỷ quy thành sữa và bánh mì có thể mang hàng trăm ngàn đứa trẻ thoát chứng còi xương, những đứa trẻ ở những vùng miền có lẽ chẳng bao giờ được chọn mẫu cho một dự án cần nhiều thành tích lẫn thành công.

Đến thị trấn thấy khách sạn đầu tiên có vẻ sạch sẽ mình ghé vào ngay vì lúc này đã 5 giờ chiều, gần 12 giờ đồng hồ ngồi trên xe qua những đoạn đường hầu hết là đèo dốc mình chỉ muốn được ngã lưng một chút và tắm nước thật nóng để lại sức nên không còn kén chọn gì nữa. Khách sạn Bình An, tương đối sạch nhưng phòng rất nhỏ, có lẽ sẽ có lựa chọn tốt hơn trong thị trấn này mà nay đã khác lúc các bài viết mình đọc được với nhiều nhà trọ, khách sạn mini san sát.
Tắm rửa xong lại mò ra phố xem có gì lạ, gặp ngay chợ cũ Đồng Văn, vào chụp vài kiểu ảnh nhưng lúc này nắng đã không còn, tiếp theo là một số ảnh phố cổ và bên ngoài quán cafe Phố Cổ rất quen thuộc trong các bài về Đồng Văn.

Chợ cũ đồng văn vào buổi chiều khi nắng đã nhạt, không sao mình sẽ còn buổi sáng mai quay lại nơi này.








Phố cổ Đồng Văn.













 
Những hình ảnh về phố cổ ở Đồng Văn.










Bên hông café Phố Cổ.











Ghé vào một quán để bảng cơm rang gần đó, cơm rang ăn cũng khá nhưng món canh chua với cà có một vị rất lạ như là vị thuốc, hỏi được chủ quán trả lời là tai chua không biết chính xác không vì cả hai đều không hiểu người kia nói gì cho lắm.

Một điều đáng tiếc là đã không vào cafe Phố Cổ, hôm đó nhìn từ bên ngoài quán này không có gì đặc biệt, lại người đứng lao xao trước cửa. Chỉ khi vừa về nhà đọc đúng một bài viết trên Kiến Trúc và đời sống về café Phố Cổ ở Đồng Văn mới thấy tiếc cho một người vẫn lê la hàng quán như mình.
 
19/ Ngày 20: Đồng Văn – Mèo Vạc - Bảo Lạc

Dự tính một ngày nhàn nhã khi chỉ chạy khoảng 100Km. Sáng ra như để đền bù cho mất mát của ngày hôm qua và hôm đi qua Mù Căng Chải, hai ngày "đinh" của chuyến đi mà hôm nay thời tiết không thể tốt hơn được, trời trong vắt, nắng tuyệt đẹp, mây trắng bồng bềnh buông thả. Trả phòng, gửi đồ lại tiếp tân chạy một vòng qua chợ cũ và mới để ôm mình kiếm "xôi ngũ sắc Đồng Văn". Chiều qua mình đã ghé chợ cũ, sáng nay mới sang chợ mới. Không đến Đồng Văn ngày chợ cũ còn hoạt động, không có được cái cảm giác tiếc nuối ngôi chợ này như tâm trạng của nhiều bạn trên diễn đàn nhưng mình vẫn không hiểu vì sao lại phải có chợ mới.Vị trí chợ cũ đẹp hơn, kiến trúc so với chợ mới thì khỏi bàn, vả lại một thị trấn nhỏ như thế này cũng không cần một khuôn viên quá rộng lớn cho việc chợ búa. Đành rằng một số cái cũ sẽ phải nhường chỗ cho cái mới tốt đẹp hơn như hồi khu Passage Eden giải toả để xây dựng nên Vincom Eden bây giờ, nhiều bài báo đã viết bài luyến tiếc góc cafe Givral thì rất lâu trước đó mình đã thấy khu tứ giác này cần phải phá bỏ để xây mới, không thể để một toà nhà nhếch nhác như thế ở ngay trung tâm thành phố dù rằng khu Eden này với mình kỷ niệm có khi còn nhiều hơn tác giả các bài báo.

Chợ cũ Đồng Văn trong nắng sớm.














Chợ mới thì xấu xí đến mức chẳng muốn mang vào đây.
Chất hành lý lên xe ra khỏi khách sạn thì đã 7 giờ đúng. Theo hướng thị trấn Mèo Vạc một đỗi đã bắt đầu vào đèo Mã Pí Lèng.





Mây vờn đỉnh núi trên đường đi.













 
Mã Pí Lèng vẫy gọi.










Một trong những khúc ngoặt không nhiều của con đèo.













Nhưng chuẩn bị ăn sáng với xôi ngũ sắc Đồng Văn trước đã; mấy khi được ăn sáng trong khung cảnh như thế này.




 
Không thể biết khi xếp Mã Pí Lèng vào một trong Tứ đại đỉnh đèo là dựa vào tiêu chí nào nhưng với mình đó là cảnh quan. Không dốc đứng quanh co, nghèo những khúc quanh tay áo, chiều dài khiêm tốn , thiếu hẳn cảm giác ghê người của vực sâu không rào chắn nhưng đây thật sự là một phong cảnh đẹp với đa dạng mây núi, ruộng nương, vách đá, sông nước, góc nhìn phô diễn những đường cong duyên dáng để một lần nữa lại nhủ thầm đất nước mình đẹp quá. Nhớ hồi năm nào có dịp đến điểm tham quan "Núi ba chị em" bên Úc mới thấy người ta làm du lịch tài thật, chỉ với ba ngọn núi, loại bên mình đem phá lấy đất đá không biết bao nhiêu cái mà nói vậy mà họ dựng nên một điểm tham quan bắt du khách ngồi xe hàng trăm cây số đến ngắm rồi quay về cũng bấy nhiêu cây số đó nữa.










Mã Pí Lèng.

Vào những ngày nắng đẹp, Mã Pí Lèng hiện ra như một sợi chỉ vắt ngang sườn núi.
















 
Last edited:
Trích Wiki

Đèo Mã Pí Lèng (còn có âm đọc là Mã Pì Lèng, Mã Pỉ Lèng, Mả Pì Lèng) thuộc tỉnh Hà Giang là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km vượt đỉnh Mã Pí Lèng, một đỉnh núi có độ cao khoảng 2.000m thuộc Cao nguyên Đồng Văn, nằm trên con đường mang tên Đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Con đường dài khoảng 200 km này được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng.
Mã Pí Lèng được du khách gọi một cách không chính thống là một trong "tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin.
Tên gọi và đặc điểm Mã Pí Lèng
Mã Pí Lèng là tên gọi theo tiếng Quan Hỏa chỉ “sống mũi con ngựa” theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa.Tuy nhiên, theo một số người Hmong bản địa thì tên đúng của đèo là Máo Pì Lèng, nghĩa là “sống mũi con mèo”.
Đỉnh Mã Pí Lèng thuộc ba xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) trong cao nguyên đá Đồng Văn có độ cao khoảng 2000m so với mặt nước biển, được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồm đá vôi, đá phiến ánh, đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 426 triệu năm, bao gồm trong đó nhiều vết trượt và vết nứt do các hoạt động tạo núi gây ra. Cảnh quan khu vực này lởm chởm đá dựng, trong đó vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là Săm Pun (Sam Pun), nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín Cái sang Điền Bồng, Trung Quốc. Các học giả Pháp, từ cả trăm năm trước, đã gọi đỉnh Mã Pí Lèng nói riêng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung là một "Tượng đài Địa chất". Đi trên đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống vực sâu, con sông Nho Quế chỉ bé như một sợi chỉ mà muốn xuống đến mặt nước của sông phải mất hơn một ngày đường.
Trước những năm 1960 hơn 8 vạn người Mèo thuộc 4 huyện ở phía sau các dãy núi hùng vĩ của cao nguyên Đồng Văn không có khái niệm con đường. Bao đời họ chỉ biết vượt Mã Pí Lèng bằng cách đóng cọc treo dây trên vách đá để bò qua chín khoanh đèo hun hút, lởm chởm đá tai mèo dựng đứng. Dốc Chín Khoanh leo tới đỉnh Mã Pí Lèng còn gọi là con dốc của Giàng (Trời). Chính nơi đây từng là giang sơn nơi Vua Mèo treo người không phục mình lên cột cho đến chết và sau vua Mèo là thổ phỉ hoành hành, lấy cán bộ mở đường làm bia tập bắn.
Nhằm mục đích giúp vùng núi tiến kịp vùng xuôi, năm 1959, sau 5 năm kể từ năm hòa bình lập lại ở miền Bắc. Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Khu ủy Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang-Đồng Văn-Mèo Vạc. Con đường này, về sau mang tên Đường Hạnh Phúc, được khởi công vào ngày 10 tháng 9 năm 1959 với sự tham gia của hàng vạn thanh niên xung phong và bà con thuộc 16 dân tộc Mèo, Tày, Dao, Pu Péo, Lô Lô v.v. của 8 tỉnh Cao Bắc Lạng (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn), Hà Tuyên Thái (Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên), Hải Hưng, Nam Định. Sau 6 năm xây dựng với 2.946.321 lượt ngày công đục khoét trên 2.899.638m3 đá mà hầu hết trong đó là lao động thủ công không có sự hỗ trợ của máy móc, con đường được hoàn thành hoàn thành vào 15 tháng 6 năm 1965.
Qua hơn 1.000 ngày đầu tiên con đường được thi công, cả vạn thanh niên xung phong và người dân các dân tộc vấp phải một bức tường thành đá khổng lồ dựng đứng là đỉnh Mã Pí Lèng. Để vượt bức tường đá này cần xây dựng một đường đèo men theo vách núi ở độ cao khoảng 1.600m. Tuy nhiên, khó khăn đến mức trong giai đoạn đầu nhằm mở một vỉa đường nhỏ mang tên “đường công vụ” rộng khoảng 40 cm trên vách đá (để công nhân về sau có chỗ đặt chân trên đó thi công phá đường rộng ra), 17 thanh niên trong đội cảm tử (giai đoạn này gọi là “Đội Cơ Dũng”) phải treo mình bằng dây trên các vách đá ròng rã trong 11 tháng đục đẽo hoàn toàn bằng bàn tay trần và những phương tiện thủ công. Nhằm thể hiện lòng quyết tâm và tinh thần đối diện với hiểm nguy, các công nhân đã đặt tại lán của mình 10 chiếc quan tài và truy điệu sống trong từng ngày làm việc.
Sau khi hoàn thành, Đèo Mã Pí Lèng tuy không dài nhưng là con đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía Bắc, được ví như "vua" của các con đèo Việt Nam. Cung đường đèo ban đầu được mở chỉ đủ rộng chỗ cho người đi bộ và xe ngựa thồ, về sau được mở rộng hơn cho ô tô nhưng vẫn rất nguy hiểm vì những đoạn cua tay áo và mặt đường lổn nhổn đá hộc, hai ô tô rất khó tránh nhau. Nằm giữa cao nguyên Đồng Văn trơ trọi đá, một bên là vách núi Mã Pí Lèng cao dựng đứng và một bên là vực sâu sông Nho Quế, phía Bắc và Đông Bắc đèo trải dài trong tầm mắt là hàng ngàn quả núi đá trọc màu xám trùng trùng điệp điệp lơ thơ cây cối.
Cung đường Mã Pí Lèng nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc trong đó có đoạn đèo 9 khoanh dài 20 km về sau trở thành một kỳ tích mà nhiều người ví như một Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam hay Kim Tự Tháp của người Mèo. Trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, cũng là nơi cao nhất của Đường Hạnh Phúc, hiện có một trạm dừng chân cho du khách ngoạn cảnh và tại đây đặt một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn trong quá trình xây dựng đường đèo.
Thắng cảnh quốc gia
Ngày 16 tháng 11 năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã quyết định xếp khu vực Mã Pí Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Theo đó danh lam thắng cảnh Mã Pí Lèng bao gồm: đèo Mã Pí Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam; hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.












Con Đường Hạnh Phúc đó mình may mắn đã đi qua, còn tên gọi như vậy là vì sao có lẽ nên để mỗi người lý giải theo ý của riêng mình; có thể là hạnh phúc của những người đã được mang tuổi trẻ đóng góp xây dựng nên con đường mộng ảo mang tên Hạnh Phúc này, hay đó là niềm vui của người dân miền núi cheo leo khi được sở hữu nó để bớt nỗi nhọc nhằn, mà cũng có thể là nhằm vào những người được một lần qua đây, ngắm nhìn thiên nhiên từ con đường này, tại góc nhìn này vào một ngày nắng ấm hoặc chẳng vì sao mà chỉ đơn giản là một tên gọi như mọi tên gọi khác.


Một lần nữa thầm cảm ơn thời tiết hôm nay, nếu trời không trong vắt như thế thì làm sao có thể thu được hình ảnh những con đường uốn lượn xa tít tắp tận chân trời, lại tô điểm bởi mây trời trắng xoá.

Góc nhìn đẹp ở gần cuối đèo.







 
Hai đứa bé người dân tộc thật xinh ngay cổng vào Mèo Vạc.








Chợ Mèo Vạc.







Rời thị trấn lại tiếp tục với miên man đồi núi.










Nhưng vẫn còn nhiều lắm những đứa bé cơ cực như thế này mà quần áo có lẽ phải để dành cho mùa đông khi trời trở rét.








Sáu đứa bé sau cùng là chị em chung một nhà ở Niệm sơn, đầu tiên thấy một đứa đứng trước cửa mình dừng xe hơi lố nhà ngoắt con bé, có lẽ đã quen với những viên kẹo đột xuất kiểu này nên quay vào nhà gọi thế là xuất hiện thêm năm đứa bé lớn nhỏ ra nhận kẹo, chưa dừng lại, trong nhà vẫn vẵng ra tiếng khóc của trẻ sơ sinh.

Hà Giang không là nơi dùng lời để miêu tả, càng không phải để đọc hoặc ngắm nhìn qua tranh ảnh, đó là nơi để đến thụ hưởng quà tặng từ thiên nhiên hào phóng và có những cảm nhận của riêng mình.Thú thật một trong những lo ngại của chuyến đi là Hà Giang, như là đích đến cuối hành trình sẽ không mang lại cho mình những cảm giác mong đợi trước chuyến đi. May sao điều đó đã không xẩy ra và mình hiểu vì sao các bạn khi đã qua nơi đây đều hẹn ngày trở lại.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
37,445
Bài viết
1,147,334
Members
193,505
Latest member
w88vtvcom
Back
Top