Re: Shanghai - kinh hoàng
1. Thượng Hải là thành phố đông dân nhất TQ với hơn 20 triệu người, còn chưa kể dân số lưu động (3-4tr). Vì vậy cảnh chen chúc xô đẩy là chuyện rất bình thường. Nhất là vào lúc cao điểm và vào những ngày nghỉ lễ (ví dụ Tết âm lịch, đợt tuần lễ vàng ngày Quốc khánh). Chẳng riêng gì Thượng Hải đâu, ở Bắc Kinh cũng vậy, mình luôn luôn sợ khi có việc phải đi ra ngoài vào giờ cao điểm. Lái xe thì bị tắc đường, đi phương tiện công cộng thì bị chen cho bẹp ruột và có khi còn mất cắp. Ở BK là thế này, nếu bạn muốn đến chỗ làm, với chỉ 10-15p lái xe, thì bạn phải dự trù khoảng thời gian là 1 tiếng cho việc tắc đường. Vì thế, nếu bạn muốn xem một thành phố yên ả, vắng người, thì không nên đi các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, Thâm Quyến, Trùng Khánh vì ở đâu cũng gần như nhau. Bạn nên lựa chọn một số thành phố nhỏ như Hàng Châu, Tô Châu, Thành Đô...
2. Do các thành phố lớn có số dân ngoại lai rất lớn, tức là những người được xếp vào loại dân số lưu động, mà điển hình là nông dân ra thành phố làm thuê. Họ là những người ít học, văn hóa kém, chủ yếu là làm các công việc nặng nhọc hoặc vất vả như xây dựng, bốc vác, quét dọn, móc cống... Và đối tượng chen xe bus, Subway để tranh một chỗ ngồi phần lớn thuộc loại này. Họ không có văn hóa xếp hàng, cũng không có chuyện nhường nhịn, mặc dù xe bus và Subway của TQ luôn luôn ra rả là hãy nhường ghế cho 5 đối tượng : Người Già - Phụ nữ có thai - Trẻ em - Người tàn tật - Người ốm. Bạn thử nghĩ, sau một thời gian làm việc nặng nhọc cả ngày đi xe bus về nơi trọ (thường mất cả tiếng), trong thời tiết khắc nghiệt (lạnh, tuyết), thì việc tranh được chỗ ngồi là cực kỳ quan trọng với họ. Vì thế nếu hôm nào bị cấm biển số xe , đi xe bus thì cứ để họ lên hết, rồi mình mới lên. Không có chỗ ngồi, miễn là lên được xe và không bị xô đẩy.
3. Lái xe taxi của Thượng Hải đa phần là ở các tỉnh Triết Giang, Giang Tô đến. Vì thế họ cũng chung đối tượng là kém văn hóa. Chuyện chạy vòng vèo kiếm thêm tiền và ý thức vệ sinh kém cũng là điều dể hiểu.
4. Bạn đi chỗ Dự Viên, là nơi du lịch nổi tiếng của Thượng Hải. Người Thượng Hải chắc không ai đến đây, mà lượng khách chủ yếu là các tỉnh khác đến. Giống như Thiên An Môn của Bắc Kinh, khách tham quan tuyệt đại đa số là dân các tỉnh + khách nước ngoài. Địa điểm nhỏ, người đông, nên việc tranh giành taxi là điều không tránh khỏi. Bọn mình cũng như bạn, luôn luôn đi bộ xa khỏi khu đông đúc ấy, rồi hẵng bắt taxi.
5. Chuyện "khạc nhổ" là một vấn đề nan giải của TQ. Hãy khoan nói đến "ý thức", mà hãy nói đến "truyền thống". Theo Y học Trung Quốc, đờm dãi là thứ bẩn, cần phải đào thải ra, chứ không nên nuốt vào. Vì thế từ xa xưa người ta đã khạc nhổ. Người giàu có thì có ống nhổ riêng, còn dân thường thì đương nhiên là cứ nhổ đại ra đường. Dân có học thì nhổ vào giấy rồi vứt đi, còn dân lao động thì đang phải chắt chiu từng đồng, lấy đâu ra tiền mà mua giấy để nhổ.
6. Ngành công nghiệp xe hơi TQ phát triển nhảy vọt cùng với việc giá xe rẻ (cùng loại xe, TQ đa phần rẻ hơn VN khoảng 100tr), dẫn đến nhu cầu tiêu thụ người dân cao. Hơn nữa là giá nhà ngày càng đắt, thế nên người ta tính toán rằng, mua nhà xa trung tâm một chút (thậm chí ngoại thành), còn thừa tiền mua xe, còn hơn là mua nhà trong trung tâm mà phải oằn vai trả nợ ngân hàng. Vì thế nên tại các thành phố lớn hiện nay, nạn tắc đường là chuyện cơm bữa. Cho dù CP TQ đang áp dụng nhiều biện pháp để khắc phục, ví dụ làm thêm rất nhiều Subway; tăng cường xe bus;giảm giá xe bus (ở BK mà quẹt thẻ thì chỉ mất 0.4RMB = 1200VND/lần), cấm biển số xe theo ngày (ví dụ thứ hai cấm xe có biển số cuối là 1-6, thứ ba 2-7..., trong khoảng thời gian tổ chức Olympic, họ cấm theo số chẵn lẽ, tức là cách một ngày nghỉ một ngày); hoặc gần đây nhất là hạn chế mua xe. Ở BK, ai muốn mua xe phải có hộ khẩu BK + bằng lái xe, sau đó mới được đăng ký bốc thăm với tỉ lệ hiện nay là 1/40-50...Biện pháp nhiều như vậy nhưng vẫn không xuể, vì thế những hiện tượng kèm theo như chen chúc xe bus, Subway hay tranh giành taxi là không khó hiểu.
7. Trong vòng 10 năm trở lại đây, kinh tế TQ phát triển nhanh, người dân cũng giàu lên nhanh chóng. Thỉnh thoảng tụi mình ngồi với mấy bạn TQ (có chút nhận thức), họ đều cho rằng, vì giàu lên nhanh quá, mà ý thức người dân lại không theo kịp, dẫn đến việc xã hội có vẻ "loạn" như hiện nay. Chung quy lại, cũng vì dân số quá đông, lại là nước đang phát triển, ý thức người dân chưa được cải thiện, nên những "nạn" trên là không tránh khỏi.
Một số điểm nhận xét như vậy, có thế giúp đỡ bạn hiểu được những vấn đề gặp phải.
Theo mình, đi phượt là một thú vui, không chỉ ngắm nhìn cảnh đẹp, cảnh lạ, non xanh nước biếc, mà phần quan trọng hơn là hiểu được văn hóa, phong tục tập quán, đời sống con người ở nơi bản địa nữa. Mọi thứ có mặt tích cực và tiêu cực. Hãy xác định một tâm lý thoải mái, (bạn chỉ đến đây tham quan thôi mà, chứ không sống đời ở kiếp ở đây đâu). Đi một ngày đàng học một sàng khôn, bổ sung thêm những điều mắt thấy tai nghe vào kho kiến thức của bạn, thì cuộc sống sẽ thú vị hơn nhiều, phải không?
P.S: Đọc topic này của bạn, tự nhiên lại phì cười vì nhớ đến mấy đứa bạn TQ. Sau khi mình đã hết sức giới thiệu về vẻ đẹp tự nhiên của Việt Nam, sự thân tình nồng hậu của người dân VN, sau khi bọn nó đi thăm về, xì ra một đống ấm ức, rằng nào là xe máy nhiều quá, nào là cái gì cũng bé bé, chẳng có gì để xem, nào là bị chặt đẹp mấy lần, nào là ra khỏi hải quan bị hạnh họe tờ khai không hợp lệ, sau khi đưa 30 nghìn VND cho hải quan VN nhờ "khai giúp" thì mới được xuất cảnh trót lọt... Mình bảo bọn nó ấu trĩ, nhưng cũng chẳng hơi đâu mà tranh luận, bởi vì nó cũng nhìn VN theo góc độ của nó, giống như bạn nhìn Thượng Hải theo góc độ của bạn vậy.
Hơi liên thiên quá, sorry nhé!
