What's new

Ta rong chơi phiêu lãng cuối trời

Bạn host của tôi đang cực lực lên án chính quyền sở tại vì sự chậm trễ trong công tác ứng cứu và hỗ trợ người bị nạn! Những dòng tâm sự của bạn làm cho tôi cũng ngại vào chia sẻ và cũng không biết làm gì ngoài việc hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp lên hơn. Bạn sống ở Cebu, thành phố này là nơi siêu bão đi qua! Tôi vào trang web của hãng bay, ở đó tôi kiểm tra lại lần nữa về tình trạng của chuyến bay sắp tới. Khi chắc chắn rằng sẽ không có sự thay đổi nào trong chuyến hành trình đầy mạo hiểm này, tôi bắt đầu lôi laptop ra và gõ những dòng chữ này! Trang web vẫn nhấp nháp những top up nhiều sắc màu, Phil đang vẫy gọi, thiên đường của du lịch biển đảo, những ngọn núi lửa, những nhà thờ và thiên đường của jeepney, tricycle, kiến trúc cổ đậm màu Châu Âu, và có một Phil khác cũng đang oằn mình với những màu ảm đạm! Báo chí nước nhà rải những tin tức đầy ám ảnh, về cuộc sống, về con người (cả sống, hay đã chết) ở nơi này! Nếu đếm ngược lại thì chỉ còn ba ngày nữa là tôi sẽ xách ba lô lên, và đi!

Ngày thứ hai luôn là một thảm hoạ đối với những bạn trẻ đang đi làm nhưng máu xê dịch lúc nào cũng chảy rần rần! Tối qua tôi vừa vượt hơn trăm cây số đi và về từ Ninh tới Sài, chỉ để coi một show ca nhạc yêu thích! Sáng ra thì mắt cứ nhúm nhíu lại, vì mệt, và phần lớn vì sức khoẻ cũng chẳng còn sung mãn nữa (Nhắc lại để biết là tai nạn giao thông gây ra cho tôi những nỗi lo sợ, ở đó chỉ cần thấy xe lạng qua thôi cũng đủ để cái cảm giác chạm vào với mặt đường, ngón chân bị gãy và bất lực khi thấy tôi không di chuyển được mới kinh khủng như thế nào, thì cũng cái chân này là cái chân đi, đã quen đi rồi - nhưng đó lại là một câu chuyện khác, của hơn nửa tháng về trước).

Vẫn phải cố gắng tỉnh táo! Nhưng công việc bận rộn cứ cuốn trôi đi tất cả. Ngày tàn, ngày dài! Chợt tỉnh ra mới nhớ ra là trời ơi tôi vẫn chưa gửi đơn xin nghỉ phép! Nỗi ác mộng bắt đầu!

(Dĩ nhiên là đời đến đây vẫn còn lấp ló - Phil của những ngày bão nổi, chắc chắn mình sẽ hoàn tất những dòng hồi ức này. Còn 3 ngày nữa, sẽ đi!)
 
Last edited:
Buổi tối đầu tiên ở Sihome, phòng có sáu giường, bạn nằm ở giường số 3, tầng 1. Phía trên là một cậu nhóc dễ thương người Tây Ban Nha - Louis, bên giường đối diện là bạn gái của cậu ấy, Adriana (nếu bạn nhớ không lầm và ờ, viết đúng). Kia nữa là một thanh niên trẻ râu tóc bờm xờm bụi bặm, mắt hí, da vàng và một củ khoai Tây ít nói, lặng lẽ. Giường cạnh bạn là một cô gái, mũi tẹt, da vàng và mắt hí. Tối hôm đó, hai cô cậu Tây Ban Nha là cầu nối, nói chuyện với bạn và những người còn lại, trừ củ khoai Tây chả biết đến từ nơi nào vì sau một buổi chiều lừ đừ với Beer Laos, củ khoai Tây mềm nhũn nằm trùm mền rên hự hự. Bạn cũng lặng lẽ và không nói chuyện nhiều, quấn mền đi ngủ sớm lúc đồng hồ chỉ mười một giờ đêm, đêm Lào yên tĩnh và bình lặng. Thanh niên trẻ râu tóc bờm xờm bụi bặm với cô gái, mũi tẹt, da vàng và mắt hí thì cũng không nói chuyện gì với nhau. Biển Đông sóng dậy ầm ào. Đừng hỏi bạn vây chớ hai người kia đến từ nơi nào?

Ngủ một đêm sáng dậy mới nhớ ra, vậy chớ bạn đi Lào làm chi? Tìm bình yên và tĩnh tại mờ mắc cái gì tiết kiệm một cầu chào, một lời thăm hỏi. Thanh niên trẻ mắt hí dậy sớm, ở nhà vệ sinh chung bạn khẽ khắng chào buổi sáng, hỏi ngủ có ngon không? Thằng nhỏ cười! Cô bạn mắt hí giường kế bên còn ngủ. Lúc trời đã sáng bửng rồi, bạn cũng đã sửa soạn xong rồi cho một ngày lê la mới, ở chỗ cửa ra vào, khi nhẹ khép cửa tránh tạo tiếng ồn, bạn thấy cô gái vừa mới tỉnh dậy, mắt hí cũng giống bạn thôi, hấp háy thật hiền. Thoáng qua thôi nhưng tự nhiên cũng thấy âm ấm lòng! Một cô gái lẻ loi đi bụi một mình! Cô gái ấy đến từ Trung Quốc (vì sao bạn biết thì ờ, đó là chuyện của chương tiếp sau!).

3. Sáng ấy Lào mưa

Hostel có phục vụ bữa sáng. Bạn ngồi ở sảnh, ăn chung với bạn thanh niên trẻ. Hoá ra thằng nhỏ là dân Hongkong, sinh viên thôi, đang đi bụi ở mấy nước Đông Nam Á! Mới đầu hắn định đi Trung Quốc, nhưng Hongkong với Đại lục mấy hổm nay đang có biến, nên hắn đổi kế hoạch, đi Lào, Thái Lan và Miến Điện. Hắn đến Vientiane hai ngày rồi, chút trưa hắn sẽ đi Vang Vien. Bạn hỏi thăm một số chổ có thể đi ược trong một buổi sáng ảm đảm như thế này. Chàng trai trẻ nói đi Vườn Phật đi, cách Vientiane không xa, Vientiane thì nhỏ xíu rồi, nhưng Vườn Phật thì đi cũng được, nó chỉ là một khu vườn, ờ thì đúng chỉ là một khu vườn, có nhiều tượng Phật, vậy thôi. Đi thì cũng được, đi đi. Đó là chính xác lời bạn trẻ nói. Bạn cũng hổng có nhiều lựa chọn, sáng nay trời mưa lâm râm, cũng không có nhiều chỗ để đi, thì thôi đi thăm tượng Phật vậy!

Vườn tượng Phật nằm ở ngoại ô thủ đô. Con đường đi đến Vườn cũng không xa lắm. Mới đầu bạn định tiếp tục thuê xe máy, vì hôm qua bình xăng đổ đầy, vẫn chưa đi hết nên vẫn còn tiếc. Nhưng hỏi đường đi thì chị chủ nhà trọ cũng bảo xa lắm em ạ, đường lại không có tên theo mẫu tự ABC nên chị cũng không biết chỉ làm sao. Thế là lại lóc cóc lên mạng tìm đường đi vườn Tượng Phật. Sau đó thì bắt đầu đội mưa đi ra chợ Sáng, cách hostel khoảng chừng 3 cây số. Cạnh chợ Sáng là trạm xe bus trung tâm, kiểu giống như trạm xe bus ngay chỗ chợ Bến Thành vậy. Xe đi vườn Tượng Phật xuất bến liên tục, có lẽ do đây là đoạn đường giao thông chính, vì bến cuối của tuyến xe này là cầu Hữu nghị đi qua cửa khẩu Noongkhai, biên giới giữa Thái Lan và Lào.

Quãng đường di chuyển không xa lắm, ngồi chưa nóng chỗ, chưa kịp ngắm đường và những gương mặt người thì đã đến bến rồi. Tất cả mọi người đều xuống ngay tại cầu Hữu nghị, còn bạn thì ngơ ngác, hỏi cô soát vé ủa ủa tới chưa sao thấy người ta đi xuống hết rồi. Cô soát vé cười thiệt hiền, chỉ chỉ tay nói ngồi xuống đi cưng, qua bên kia, mới tới. Xe đánh một vòng bùng binh ngay cửa khẩu, rồi cô soát vé kêu bạn xuống. Hóa ra, đường đi vườn Phật chỉ có bus một nửa, nửa đường còn lại - xa hơn, trắc trở hơn vì đường đất đỏ chưa biết khi nào mới được sửa chữa lại - bạn phải đi bằng tuk tuk. Ờ thì đi tuk tuk, ngồi lặc lư cả buổi mới tới. Trời lúc này cũng đã hưng hửng nắng lên rồi. Thứ nắng nhẹ sau cơn mưa rề rà buổi sáng. Mà nắng vậy thôi chớ bầu trời vẫn cứ ảm đảm một màu! Màu của khói!

Mất khoảng ba mươi phút từ cầu Hữu nghị đến vườn Tượng Phật. Ở đó bạn mua vé, đi vào vườn. Khu vườn yên tĩnh, nằm nép ở một khu vực ngoại ô, với mặt sau quay ra bờ sông, cây nhiều và ngăn ngắt màu xanh của cỏ. Những bức tượng nằm âm thầm, thở những trở trăn về một giai đoạn đầy biến động của đất nước Vạn tượng xa xưa. Tượng Phật rất nhiều, ở đâu cũng nhìn thấy tượng hết. Không có tourguide nên bạn đi kiếm quầy thông tin và phòng truyền thống. Đọc lấy đọc để rồi bắt đầu hành trình đi qua những tượng Phật. Không có nhiều du khách chọn nơi này làm điểm đến. Chắc có lẽ như bạn trẻ Hong kong nói, ờ thì chỉ là vườn với tượng Phat, nên chưa đủ sức hấp dẫn những du khách đến từ phương xa. Nhiều người thích sự ầm ào, đến đây chắc sẽ ngủ, vì sớm nay trời rặt màu khói. Và khu vườn lại toàn là những đối thoại của những gương mặt Phật im lìm.

Dành hơn hai giờ đồng hồ ngắm trời ngắm đất ngắm tượng Phật xong rồi thì bạn đã bắt xe tuk tuk quành trở ra. Kiến cắn bụng rồi nên bắt đầu thấy đói. Ngay chỗ cửa khẩu, người ta bán buôn tấp nập ê hề! Cảnh này làm bạn nhớ đến cảnh qua phà ở mấy tỉnh miền Tây hồi xưa chưa xa. Miền Tây quê mình hồn hậu và chơn chất, là những trẹt bánh ú, bánh tét, mấy xe cóc ổi mía ghim, mận, xoài y chang như Việt Nam. Mưa tháng bảy lắc rắc để thương để nhớ vào lòng người. Mưa ướt áo mất rồi, không mang theo áo mưa, giày lẹt đẹt rớt nước. Bạn chạy nhanh lên xe bus. Ngồi nhìn mưa rơi âm thầm và lòng bạn cũng âm thầm. Chuyến đi ngắn ngủi vậy là trôi qua hết phân nửa rồi. Bus dừng ở chợ Sáng, mưa cũng nặng hạt nên bạn phải vô chợ Sáng, tìm mua áo mưa, tìm cái gì đó bỏ vô bụng. Khu ẩm thực ở chợ cũng rộn ràng, thì ngay giờ trưa mà, trời lại mưa nên người ta đi tới đi lui đông như trẩy hội! Bạn ăn thử món bún riêu, thấy ngon! Chắc tại do đói!

Đi qua nửa ngày nơi miền đất xa lạ, yên tĩnh mà gần gũi. Mưa rụng rời cho những tâm sự âm thầm. Sáng hôm ấy trời mưa. Nhưng lòng người, thì đã hưng hửng nắng!
 
Hostel mang phong cách trẻ trung. Trước nhà có mấy dãy bàn ghế con con, ở đó lúc nào cũng có mấy bạn Tây ngồi hàng giờ đốt thuốc, nhâm nhi beer Laos, nói chuyện kết bạn ta bà... Bên trong là bàn billiards. Thằng nhỏ phụ việc xăm trổ đầy mình lúc hứng lên là rủ hết người này đến người kia làm vài cơ cho đỡ buồn tay! Phía sau cầu thang là phòng chờ, hay xuất hiện mấy củ khoai Tây nằm ngủ ơ hờ trong đó. Lên cầu thang là một không khí khác, đi khẽ nói nhẹ và cười duyên.

Trong những gương mặt người đó, cuối cùng cũng quen mặt và biết tên một vài kẻ. Toàn một bọn quỡn đời hứng chí ta bà, có đứa nghỉ việc, có người đã ly thân, có kẻ vừa kết thúc khóa học, có người sau khi vẫy vùng sương khói, đi để trở về.


5. Dòng Kong của tháng năm không bao giờ trở lại (Hết)


Buổi trưa đi Budda Park về, không có chuyện gì mần nên bạn lóc cóc xuống nhà dưới tụ tập với mọi người. Mưa nhẹ nhẹ, mỗi người kêu vài chai beer nhấp cho vui! Ông bạn lớn nhất hội - người Mỹ gốc Hongkong khui ra thêm một trái sầu riêng, beer uống chung với sầu riêng, đắng nghét. Mấy gương mặt đỏ lựng lên, nói chuyện trên trời dưới bể. Mới đầu có vài tên thôi, sau lại kết nạp thêm nhiều bạn mới. Một bạn đến từ New Zealand, hơn bạn một tuổi, nghỉ việc từ mấy tháng trước - một công việc theo ý bản là chán phèo, kế toán cho một công ty tư nhân. Sau đó bản đi ta bà khắp tiểu vùng Mekong, vừa đi dọc hết dải đất hình chữ S. Bản nói với bạn bằng cái thứ tiếng Việt lơ lớ mà bạn cười đến mức mùi sầu riêng sộc lên mũi ngai ngái cả một buổi chiều Vientiane mưa buồn (Hai tiếng "Phở bò"). Câu chuyện của bản bắt đầu với việc gom hết tiền dành dụm sau ba năm đi làm, xin nghỉ việc, cứ thế xách ba lô lên mà đi. Chàng trai mũi cao dong dỏng với nước da trắng, mắt xanh ấy đã đi hết mấy nước Asean rồi, sau Lào, bản sẽ đi Miến Điện, sau Miến Điện, là trở về quê nhà. Trong khoảng thời gian đó, bản đã kịp nộp đơn cho một công ty bên Mexico, và sau khi về thăm gia đình, bản sẽ tiếp tục một hành trình mới, một mình nhưng cũng đầy hấp dẫn. Bạn nói, hay quá chừng, ước gì bạn cũng có đủ can đảm như bản, rứt hết những ràng buộc trói bỏ mình, tự do đi, nghỉ việc và đi. Mark cười, nói vậy thôi chớ nhìn là biết trong ánh mắt cũng như suy nghĩ của củ khoai Tây mắt xanh mũi lỏ ấy, người Việt Nam da vàng mũi tẹt mắt khăm khẳm hí như bạn, thì vẫn còn là một xứ gì mông muội lắm. Như cái kiểu bản nhăn mũi khi người ta mời bạn ăn múi sầu riêng, cứ nhẵn mũi, và từ chối! (Bạn thì khác, bạn đi và sống, theo cái cách lăn xả vào những mới mẻ và không ngại trải nghiệm).

Những cô cậu sinh viên trẻ, ngồi nói chuyện té ra toàn dân trẻ trung phới lới tuổi đời. Họ đi chơi sau ba năm nghiền đít trên giảng đường, có người đi dạy học theo một chương trình tình nguyện tới miền Nam Thái Lan (hai anh chàng người Mỹ, một thằng rất tếu, nói chuyện liên hồi. Thằng còn lại ít nói, hay ngồi im rít thuốc, khói lờn vờn bay trên cặp kiếng cận lúc nào cũng có vẻ bù xù). Ông bạn Tây Ban Nha đến sau, hàm râu quai nón che mất tiêu khuôn miệng cười ngọt lịm. Ông bạn đi một mình, đến hostel vào buổi chiều, vẫn còn mệt nhưng vẫn tấp nập những nói cười. Cái cô gái Bắc Kinh chung phòng với bạn cũng đã trở về, cũng được mời vô chung bàn nói chuyện cho vui. Hỏi cô ấy đến từ đâu, màn dạo hỏi ban đầu trở nên căng thẳng trong một phút giây nào đó. Cô ấy cười nhỏ nhẻ, trả lời cũng nhỏ nhẻ. Ờ thì tui đến từ một nơi nào đó, somewere somewhere. Ai cũng có câu trả lời cho riêng mình. Sau một hồi nói chuyện thân thân, cô cũng trả lời nghiêm túc và thẳng thắn, cô đến từ Bắc Kinh - Trung Quốc. Một cô giáo tiểu học hai mươi lăm tuổi, đi nghỉ hè, một mình! Cô nói tiếng Anh giọng Mỹ chuẩn. Mắt một mí, da ngăm ngăm cười rất có duyên. Hòa nhập tốt với mọi người, cuối cùng, hai kẻ có quốc tịch Á như bạn với cô ấy, lại kết thành một cặp. Cũng có sao đâu. Hai người đều buồn, nên gộp chung lại, lại thành vui!

Đêm xuống nhanh. Cả nhóm hẹn nhau buổi tối sẽ ra chợ đêm ven đê ăn tối. Nhóm gồm có chín người, chín quốc tịch, màu da, mắt, mái tóc khác nhau. Những cái bắt tay chào hỏi và những câu chuyện nối dài thành ra những gương mặt xa lạ đã thành thân thuộc. Chờ mọi người xuống đông đủ, thế l;à rồng rắn kéo nhau đi bộ ra sông Kong. Đường ra bờ sông ngắn xịt, xe cộ giờ chiều đông đúc, phần do ngay chỗ bạn ra ăn tối là kiểu khu trung tâm, tập trung rất nhiều nhà hàng riverside, chợ đêm... tá lả. Mưa cũng đã ngớt lâu rồi, đêm mười sáu trăng tròn, nên người người nhà nhà đổ ra đường. Chợ đêm chưa nhóm đã thấy đông vui!

Chúng tôi gọi lẩu. Hai cái lẩu lửa lục bục soi chín gương mặt người đủ mọi màu da, thứ tóc. Chúng tôi cũng kêu beer, loại beer rẻ tiền mà cũng dễ khiến người ta chếnh choáng. Và ngồi bên dòng Kong đêm trăng mười sáu ngẩn ngơ treo đầu, bên kia dòng là một quốc gia khác rồi. Đêm cuối cùng ở Vientiane. Ngày mai bạn sẽ bay về nhà. Ngày mai Sophia và Mike cũng bắt bus đi Vang Vien. Ngày mai Eden cũng sẽ xuôi qua dòng kia đi Chiang Mai. Và Mark sẽ cùng tôi bắt tuk tuk ra sân bay, từ đây bạn sẽ đi Miến Điện, sau đó là Mandalay, và sau đó nữa là New Zealand và sau đó nữa... Ờ thì ai mà biết được, chuyện ngày mai cứ để ngày mai tính!

Đêm đó vui. Chúng tôi cứ ngồi đó, nói hết chuyện này đến chuyện nọ. Sự khác biệt về văn hóa cứ dẫn chúng tôi đến những chân trời mới. Ở quê mình cái này là thân thuộc nhưng ở chỗ khác, quốc gia khác, đã là một trời mới mẻ, đầy hấp lực. Bạn sẽ nhớ mãi những gương mặt người đã chập chạp trôi qua đời này, vào một khúc giây này. Với dòng Kong chia đôi bờ Lào - Thái đẹp mơ màng trong đêm trăng sáng. Đêm trăng sáng cho người nhìn rõ mặt người. Đêm trăng sáng cho lòng mình tĩnh tại! Đêm trăng sáng cho những tháng năm thanh xuân chưa bao giờ ngừng lại! Và sông vẫn cứ mải miết chảy xuôi, cho người tìm đến với nhau, nơi nào đó có hạnh phúc.

Có những tiếng cười như vỡ mất nơi phía cuối còn đường. Chỉ còn lại là những cái nắm tay nhẹ như khói. Trở về hostel khi đồng hồ chuyển mười hai giờ đêm. Bạn đi ngủ. Miệng vẽ một nụ cười. Tối đó, bạn ngủ say!


Qua ngày hôm sau bạn xếp ba lô, lên tuktuk chung với Mark ra sân bay để trở về. Chào tạm biệt Mark nơi quầy check in. Nhắn tin cho ông anh người Lào để cám ơn vì đã giúp đỡ thông tin cũng như hẹn gặp lại, một ngày nào đó. Lên máy bay, phóng tầm mắt xuống sân bay Lào đìu hiu quạnh quẽ, ôi Vientiane thật là yên lặng quá. Ngày đến vẫn thế, ngày đi vẫn cứ như thế. Hãy cứ chậm trôi đừng vội vã. Để dù cho mười hay hai mươi năm nữa có cơ hội trở lại nơi này, bạn vẫn sẽ được người bạn này chào đón bằng tất cả những trinh nguyên, đìu hiu, buồn và yên ả như thế này, Lào nhé.

Sau chuyến quá cảnh ở Phnompenh, máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất lúc 3 giờ chiều. Thói quen đầu tiên là mở điện thoại lên gọi cho mẹ. Con đã trở về.

- Tháng bảy năm nào đó, có người yên ả những bước chân - xa!
 
attachment.php


Sỏi đá ở Sihome - Những hòn đá nhỏ nhỏ, có cái để mần quà!

attachment.php


Sân chùa vắng!

attachment.php

Hoa nở trên những đền đài cũ

attachment.php


Những khung cửa sổ đẫm hương trầm

attachment.php


Kong một chiều rơi

attachment.php


Patuxay của tháng năm không bao giờ trở lại!
 
Một vài bức ảnh còn sót lại khi đào mộ cái laptop sắp sửa die, về chuyến đi Phil, đâu hồi năm ngoái!

10437299_798421443502825_803378812_n.jpg


Hoàng hôn ở Cebu Mactan

10438782_798421236836179_639521813_n.jpg


Những quãng ngắn vủa buổi sáng Makati còn ngái ngủ.

10456288_798421376836165_1514649500_n.jpg


Mờ sương bến Ormoc nhưng ngày Haiyan chưa tan.

10425584_798421410169495_715685235_n.jpg


Và Intramurus với dấu ngựa âm thầm.

10423604_798477303497239_1926542025_n.jpg


Sự ngổn ngang ở một làng chài ven biển.


10419840_798477066830596_1703708892_n.jpg


Chỉ có trẻ con là vẫn hồn nhiên nhìn sự đời lạ qua!
 
MÙA THU DU KÝ - BẠT​


Trên bước đường rong ruổi, một lần anh gặp một người bạn trẻ. Người bạn trẻ ấy đã leo lưng chừng dãy Hy mã lạp sơn những ngày đông lạnh giá, đã bước nhưng vòng Kora ở điện Potala, ăn hủ tiếu ở Mỹ Tho, ăn ếch nhái, dế mèn, dế nhũi.. ở mấy xe bán dạo ven đường ở Cambodia, ngủ đêm ở một ngôi chùa cổ nằm trong một hốc hẻm nào đó của Lào và nhiều nhiều những trải nghiệm khác nữa. Bạn trẻ nói với anh bạn thích Burma lắm. Anh ngẩn ra thế Burma là nước nào, ở đâu và nó ra làm sao? Bạn trẻ cười, nói với anh rằng Burma vẫn còn nhiều bí ẩn và cũng đẹp bụi bặm đến ngỡ ngàng.

Vậy là Burma len lén rót vào lòng anh những ngọt ngào rù quến. Tháng giêng anh lên mạng tìm thông tin. Burma ám ảnh anh bởi những bài viết và hình ảnh đẹp đến vô thực từ những người đã may mắn đặt chân đến đất nước này. Tháng ba, anh đặt vé máy bay. Từ nơi anh ở không có chuyến bay thẳng tới Burma, nên anh phải bay vòng qua Thái. Đặt vé xong rồi thì anh cũng muốn quên luôn, vì thời gian bay còn xa xôi lâu lắc quá mà. Hết tháng năm, anh lên mạng tìm bạn đồng hành. Đầu tháng mười, cuối thu, anh sắp sạn hành lý và quảy ba lô lên đường. Burma như một cái duyên anh chờ đợi mãi. Và cuối cùng, anh đã đặt chân qua.


Mưa mùa thu âm thầm nhè nhẹ. Chuyến đi của anh thì lại gấp rãi và gập ghềnh. Nhưng mà ai biết được, Burma mùa này lại dịu mát, cứ như thế mà dịu dàng để ngỏ những niềm thương bền sâu trong lòng. Nhắn tin cho bạn trẻ, nói anh đã đặt chân tới Burma rồi. Từ xử sở chuột túi, bạn gửi cho anh dấu mặt cười.


Nếu muốn đến Burma, hãy đi ngay trước khi nơi này không còn nguyên sơ và không còn là Burma của những khói bụi mịt mù, đường xa vạn dặm nữa!


1. Hành trình bắt đầu
2. Những đêm không ngủ
3. Chạy theo ánh mặt trời
4. Vó ngựa Bagan
5."Không - tên"
6. Bao lâu nữa cho những vàng mười này?




1012398_865676653443970_8062739462780240340_n.jpg


Bóng dừa

1794665_865516736793295_9162170901346589439_n.jpg



Trên cây cầu gỗ tếch dài nhất thế giới. Lặng nhìn hoàng hôn trôi.
 
Last edited:
đọc bài của anh mà thấy hồi hộp quá tuy nó đã qua rồi. cơn bão đang đến mà các anh tiến về nó không thấy sợ sao ?
 
MÙA THU DU KÝ (1) - HÀNH TRÌNH BẮT ĐẦU​


Từ Hà Nội, muốn đến Burma, chỉ đơn giản là đặt vé máy bay bay thẳng từ Nội Bài qua Yangon, sau đó, sẽ là những ngày rong ruổi trên miền đất vàng. Nhưng anh lại ở miền Nam. Từ Sài Gòn, hiện vẫn chưa có đường bay thẳng tới Myanmar. Vậy nên, nếu đi bằng đường hàng không, chỉ có cách duy nhất là quá cảnh ở một quốc gia khác có đường bay nối chuyến tới xứ sở của chùa chiền, đạo Phật, của Longi, của những người đàn ông và đàn bà nhai trầu trầm tư bên một cảnh chùa nào đấy... Một số anh em đi bụi lượt phượt có thể chọn đi bằng đường bộ, cũng qua mấy nước Đông Dương.

Dù bằng kiểu nào, anh đều nghĩ rằng ấn tượng mà Burma để lại trong trí nhớ của mọi người, mãi cho đến những tháng ngày sau này, sẽ rất dài, sâu và nồng đậm. Bằng một nỗi nhớ chưa vơi chưa cạn, anh lại trở về với chuyến đi của mình.


1. Hành trình bắt đầu

Những sợi mưa thu bàng bạc rơi từ tháng tám bắt qua tháng chín. Quãng ấy Dầu Hạ cũng mưa nhiều, cứ chợt mưa rồi chợt nắng, ẩm ương như cái công việc của anh những bận gần đến cuối năm. Anh làm trong nhà băng, công việc cuốn anh đi qua những cơn mưa đầu mùa đến rất nhanh, đi rất nhanh, đi qua những cơn mưa nấm mối rộn ràng, qua thêm một mùa nước nổi về dâng ngập ruộng, bông điên điển nở vàng rộm cả những quãng sông.

Anh không chuẩn bị nhiều cho chuyến hành hương về đất vàng này. Bởi trong suy nghĩ, anh cho rằng mình đã có quá nhiều kinh nghiệm đi bụi một mình tới những vùng đất xa lạ rồi. Anh chỉ thấy ám ảnh, những nụ cười cô gái thoa thanaka và ráng chiều rơi trên cây cầu cổ trăm năm. Những hình ảnh ấy đôi khi rạo rực bước chân anh những bữa đi làm về, những lúc anh thấy buồn, lòng quạo quạo muốn xách của nả lên mà đi.

Đôi khi anh cũng muốn ngày tháng hãy trôi qua thật nhanh, nhanh hơn nữa. Chuyến đi như một gánh nặng. Anh cũng thấy mình già, đi như một cách để trả nợ quỷ thần. Là một anh luôn mệt mỏi, chìm nổi trong đống công việc. Rồi thì một cách âm thầm, tháng mười đến, mưa thu cũng đã tàn. Những cơn mưa cuối mùa mang anh vào một ngày cuối thu nắng rất nhẹ nhàng. Chiều hôm ấy tan sở, anh gói hành lý trong một cái ba lô hành trang nặng sáu kg, nhẹ nhàng xách xe chạy xuống Sài Gòn. Chuyến bay đêm từ Tân Sơn Nhất đi Bangkok bị chậm mất nửa tiếng. Trong cơn ngái ngủ và rệu rã sau một ngày bận túi bụi với núi công việc, anh bước lên máy bay mà thèm đau thèm đớn một góc nhỏ có chỗ để nghỉ ngơi. Sau hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, anh bước ra khỏi máy bay, ngầy ngật và mệt mỏi. Mới đó mà anh đã bước chân trên một đất nước khác rồi.

Chuyến hành trình coi như đơn lẻ. Anh nằm ở sân bay, cạnh bên có tiếng của mấy cậu trẻ người nước ngoài mua beer về nhậu chay ngay trên nền đất. Không lạnh lắm nhưng anh bị mắc chứng khó ngủ. Những tiếng người cứ oang oang vọng vào đầu. Anh không ngủ được. Dậy, xem đồng hồ đã ba giờ sáng. Anh lết thết đi dọc ngang sân bay Don Muong, coi chỗ này, nhìn chỗ kia. Mắc cười vì tụi Tây ba lô nằm nghiêng nằm ngửa phơi bụng trắng ễnh, đàn ông đàn bà con trai con gái tụ lại với nhau ngủ ngấc ngủ ngơ.

Anh giở sổ ghi chép. Hành trình của anh có bốn ngày, từ đêm thứ năm đến cuối ngày thứ hai của tuần đầu tiên cảu tháng mười cuối thu. Chuyến đi qua ba quốc gia, năm thành phố. Trong ví anh định sẵn chỉ đem theo hai trăm đô Mỹ, anh cũng không định đổi tiền Bath vì Bangkok chỉ là một điểm dừng, anh cũng không định sẽ tiêu xài gì cho chuyến đi hành xác hành hương này. Năm thành phố anh đi qua, sẽ có những đêm anh vỗ về giấc ngủ trên xe bus đêm từ thành phố này qua thành phố khác. Sẽ là những ngày liền không tắm. Lúc xách ba lô anh quên mất giắt theo tuýp kem đánh răng nên phải lộc cộc tìm chỗ để mua (mà trời, ở Don Muang lại không thấy chỗ nào bán!). Anh đi vội vã quá nên quên đem cái này, thiếu cái khác. Mà anh cũng kệ, chuyến đi này anh đi bụi hết cỡ, nên anh cũng chẳng muộn phiền gì. Anh nghĩ nghĩ lại thấy vui. Đôi ba bận có người biểu anh kể lại mấy chuyến du hí, lời vụng về anh hay bãng lãng theo cái kiểu, mỗi chuyến đi anh gắn kèm theo những kỷ niệm, và kỷ niệm thì đâu có mua bán được gì nên dẫu vui, buồn gì, cũng nhớ. Những kỷ niệm thuộc về nỗi nhớ. Đâu có dễ để quên.

Dấu chân anh sẽ ngừng ở sân bay DMK một đêm, sau đó anh lên máy bay bay đi Mandalay, một thành phố khá năng động của Myanmar. Anh sẽ dành nửa ngày để đi thăm thành phố đã từng là thủ đô của Miến Điện thuở xưa. Chiều tối anh lại quày quả bắt xe bus vượt 250 cây số đường dài đặng đi Bagan, với những dấu ngựa âm thầm, với hơn 3000 đền đài, chùa tháp nghìn năm trơ cùng tuế nguyệt. Vẫn chưa được tắm, anh sẽ dành trọn một ngày từ lúc mặt trời mọc cho đến khi hoàng hôn buông trên những đỉnh tháp đẹp nhất thế giới. Sau đó anh lại tiếp tục - vẫn chưa - được - tắm bắt xe bus đêm từ Bagan vượt tiếp 750 cây số về lại Yangon. Kể từ năm 2006 trở về trước, Yangon là thủ đô của nước Myanmar. Sau này thủ đô mới dời về Naypyidaw, để lại cựu đô với những dãy nhà xây từ thời thuộc địa hoành tráng nhưng nay đã rệu rã và hoang tàn.

Nhiều người sẽ nói rằng đó là một kế hoạch không hay chút nào. Nếu làm ngược lại, đi Yangon, sau đó đi Bagan, về Mandalay, sau đó về lại Bangkok, đó là hành trình chính thống từ đời nào giờ của dân đi bụi. Anh làm điều ngược lại, và đôi lúc anh thấy phải chi mình đi Yangon trước, sau đó về Bagan cảm xúc của mình còn vỡ òa hơn nữa. Nhưng trái tim anh lại phản bội anh mất rồi. Nếu không phải những giờ phút đó, liệu anh có chạy theo cơn mưa chiều Bagan để cầu cho mặt trời hãy ló dạng lên ở cuối đường chân trời, để cầu vồng thắp những màu sắc rạng rỡ cho người với người lạ xa mà cùng xuýt xoa với nhau hay không? Hoàng hôn trên cầu Ubein cũng sẽ không đáng nhớ nếu anh không gặp sự cố với mấy món ăn đường phố, và cây cầu dài ngoằng sẽ không in hết dấu chân anh nếu anh không mò mẫm khi trời đã lặn hết cuối mặt hồ. Sẽ không có ba tiếng đồng hồ ngủ lại trong ngôi thiền viện, một cảm giác phiêu lưu khi nửa đêm về sáng ngồi sau xe tải để mưa tạt vào mặt ướt át mà tìm chỗ ngủ.

Và ờ thì không giống ai nhưng anh đã đi và đã trở về. Anh mừng vì mình đã trở về. Anh cũng mừng vì kiểu gì anh cũng đã sống những tháng ngày thanh xuân sôi nổi nhiệt huyết nhất. Chuyến đi không buồn, chỉ có lời anh rải ra sao lại bát ngát buồn thiu như thế này. Anh cũng không biết nữa. Chỉ có mưa thu là bao đời vẫn cứ rải rác những giọt buồn thương thôi! Và ai mà biết đâu!

10734237_868734676471501_6095834121823804880_n.jpg


Chỉ có mấy tiếng đồng hồ dành cho Mandalay nên chắt chiu từng khoảnh khắc. Nhất là khi chiều rơi rơi trên cây cầu trăm năm ngàn năm.

1782143_868729159805386_981939844864797583_n.jpg


Là duyên. Mưa đổ xuống vào chiều Bagan, ướt rượt mấy dấu chân ngựa buồn. Rồi thì mưa tạnh, có cả cầu vồng. Và may mắn là dưới chân những đền đài, mưa thu đi qua có mình đứng lại mà ngẩn ngơ.


10150534_868639883147647_8489830871132612075_n.jpg


Nắng đổ dài trên hào nước quanh Cung điện. Vàng son một thuở Mandalay
 
Last edited:
MÙA THU DU KÝ​

Anh là người nhà quê, anh không có thói quen thức quá khuya. Từ hồi còn học phổ thông ở quê, mặc dù học trường chuyên lớp chọn, lại là lớp chuyên toán, nghĩa là muốn cho bằng bạn bằng bè thì anh phải thức khuya dậy sớm cày tối ngày. Nhưng anh vẫn giữ thói quen sau tám giờ tối là mắt líp díp lại và chỉ muốn đi ngủ.

Sau này xuống Sài học đại học, anh lại học trường Thương, ngành Kinh tế không đòi hỏi anh phải thức đêm thức hôm học hành túi bụi nên mặc dù đêm Sài nào cũng sáng choang đèn nhưng anh vẫn cứ tít thù lù ngủ mê ngủ muội. Đến khi tốt nghiệp ra trường, công việc đủ bận rộn để cuối ngày, khi buông hết mớ giấy má sổ sách bằng khoán thu nợ, thu lãi... ra là đủ để giấc ngủ không mộng mị kéo tới đánh bạn với anh rồi. Nhiều khi anh nghĩ, hay người yêu của mình là ngủ, một kiểu như đẹn ngủ, cứ đến giờ là phải buông mọi thứ mà tỉnh bơ đi ngủ thôi!


10712972_868705263141109_8052549261503962561_n.jpg


Trời chiều Bagan


2. NHỮNG ĐÊM KHÔNG NGỦ

Những ngày cuối tháng chín, bạn anh gửi tin nhắn qua facebook, rủ rê bây giờ Hà Nội vào thu rồi, đẹp lắm, đi đông đi tây gì mà sao chưa ra ngoài này chơi. Anh nói để anh cố gắng sắp xếp công chuyện, rồi ra ngoài đó. Anh nói vậy chớ cũng thấy ngại. Bởi vừa hết tháng chín, bước qua tháng mười, anh xách ba lô lên đường. Địa điểm là một quốc gia khác, ngoài vòng tay với. Trong nhật ký hành trình, anh ghi chễm chệ chuyến đi qua ba quốc gia, năm thành phố. Và nhìn đi nhìn lại, hơn phân nửa là những đêm không ngủ.

Đêm đầu tiên anh ngủ ở sân bay Don Muong, sân bây Don Muong coi như đại bản doanh của các hãng bay giá rẻ, có Air Asia và Nok Air. Mới đầu cũng sợ, vì nào giờ anh đi bụi nhiều, nhưng ngủ ở sân bay thì chưa bao giờ. Thêm kinh nghiệm ngày trước có lần đi Bangkok, cũng chuyến bay đêm, định ngủ ở đây nhưng sân bay lại vắng vẻ quá, không phải vắng vẻ mà là nhìn đâu cũng những gương mặt xa lạ, lần đó, anh cũng đi một mình. Những lần đầu tiên bay nước ngoài lúc nào cũng đem lại cho anh những nỗi lo sợ, nhiều khi cầm tiền mặt trong người cũng sợ, thảng hoặc cái passport để trong túi cũng lâu lâu lại móc ra dòm chừng. Những nỗi sợ làm bạn với anh suốt dọc dài của những chuyến bụi đầu tiên.

Lần này thì khác, anh tự tin hơn hẳn. Máy bay đáp xuống Don Muong cũng hơn nửa đêm rồi. Do sáng ngày mai anh phải bắt chuyến bay từ Bangkok đi Mandalay vào lúc mười giờ sáng, không kịp thời gian để vào trung tâm Bangkok kiếm hostel ngủ, nên vừa check in vào Thái Lan là anh vòng qua khu Departures tìm chỗ trú. Don Muong khá nhỏ nhưng đêm về thì bao la chỗ để dân đi bụi như anh tha hồ vạ vật. Lên tầng hai, cả một sảnh dài với nhiều dãy ghế sẵn sàng làm chỗ ngả lưng cho những bạn đường gió bụi. Do cả ngày sử dụng điện thoại nên anh phải kiếm chỗ nào có ổ cắm để charge pin. Và chỗ của anh, là một cái ổ gần toilet, kệ, đi bụi mà, nên anh cũng chẳng để ý gì hết trơn.

Đêm đầu tiên cũng vật vã trôi qua. Anh không ngủ sâu được vì trần nhà lúc nào cũng sáng choang ánh đèn. Ngồi kế bên là mấy đứa choai choai vừa nhậu vừa tám đủ thứ trời bể. Ngủ ở sân bay mà ghế thì không liền nhau nên người chia làm mấy khúc. Đi bụi mà nên dù lạnh và giấc ngủ cứ chập chờn chập chờn nhưng cũng cố gắng vỗ về những khoảng ngắn được nghỉ ngơi như thế này. Trời sáng lúc nào cũng hổng hay vì đèn ở sân bay cứ bật suốt. Anh quơ quào tỉnh dậy khi xung quanh líu ríu tiếng nói. Sáng rồi. Cả một đêm bị giam hãm trong cái không gian đóng của sân bay khiến anh càng thêm mệt mỏi. Kiếm một gian hàng nào đó bán đồ ăn sáng, anh mua vội một hộp cơm bò xào bỏ vào bụng. Xong rồi lại loay hoay check in cho chuyến nối từ DMK đi Mandalay. Lúc chín giờ, anh vào khu vực chờ. Mười giờ máy bay cất cánh. Mười hai giờ trưa đáp xuống Mandalay. Ngẫm ra thì vòng quay của anh bắt đầu bằng tô bún mắm ở Dầu Hạ chiều hôm trước. Tối đó đã có mặt ở Sài Gòn, ngồi ăn bánh tráng nói chuyện ta bà với thằng bạn chí cốt (mỗi bận anh đi xa, bạn đều ra sân bay để hóng chuyện, chắc có mình nó, là được anh chia sẻ mức lương của anh! Nói để biết, bạn thân!). Khuya anh vạ vật ở Bangkok, sáng ăn sáng ở Bangkok, trưa lại hít khí trời của Mandalay - một thành phố khác nữa thuộc về Myanmar. Hai chuyến bay nối liền vào chuyến hành trình - vẫn chưa được tắm và ngủ nghỉ.

Đêm thứ hai anh lại còng queo trên xe bus. Anh có chuyến xe đêm cùng ngày đi từ Mandalay ngược lên Bagan. Đoạn đường dài hơn 250 cây số. Xe bus của nhà xe gốc gác Trung Quốc, anh tài xế người bản địa - người đã cho anh cái cảm giác chạy đua với ánh mặt trời suốt cả chiều hôm ấy khuyên anh đừng đi Shwe Man Thu, vì sẽ phải đi chung với rất nhiều hành khách Trung Quốc. Anh tài xế trẻ lắc đầu, theo cái kiểu bọn đấy là chúa phiền. Nhưng anh mặc kệ, nhà xe ấy có tuyến rời Mandalay đi Bagan trễ nhất. Anh thì chỉ đơn giản là muốn kéo dài ra khoảng thời gian mình đến bến Bagan. Đó lại là một đêm không ngủ. Xe rời Mandalay lúc 9h30 tối. Khuya ngật ngầy vì lạnh. Lạnh đến cóng hết cả chân. Những chuyến xe đêm với máy điều hòa bật dù nhiệt độ trung bình cũng đủ để người ta tê tái. Trời thu mát mẻ, đêm thu lại lạnh đến buốt hết cả lòng.

Những chuyến đi của anh, theo một cách nào đó, dù vô tình hay hữu ý, cùng đều giáp những ngày trăng tròn. Trăng mười ba tối nay đã đượm màu vằng vặc, ánh trăng treo trên những bóng cây, soi rõ cả đường chữ nhất trên bàn tay anh. Bàn tay chữ nhất, má nói thằng này lớn lên sẽ là chúa ngang tính, vân tay nó có một đường ngang phè thế này mà. Và tối mùa thu ấy, trăng mười ba soi bàn tay anh bằng thứ ánh sáng dịu nhẹ. Đường quốc lộ từ Mandalay đi Bagan chỉ có mỗi ánh trăng làm bạn, nên trăng dịu dàng, trân trọng cả những người nhỏ bé, rệu rã theo từng vòng bánh xe lăn. Xe nghỉ giữa chuyến hành trình cho hành khách xuống gửi tình yêu vào lòng đất. Ánh trăng soi những bóng cây trong đêm tối. Cây ở đất nước này mang hình thù rất đỗi lạ lùng - như những con quái trong truyền thuyết, trong ánh sáng trăng vời vợi, đẹp đến lạ lùng. Nếu không tiếp tục chuyến đi, anh chỉ đơn giản ước rằng thời gian hãy dừng lại, ánh trăng này, ánh sáng này, cây cỏ hình thù và cảm xúc này, hãy giữ nguyên, để anh tản mác trôi trong không gian dịu kỳ và đậm màu liêu trai ấy. Xe đến bến New Bagan vào lúc 2h sáng. Bước xuống bến xe mà anh ngỡ ngàng, phần vì mệt phần vì theo kế hoạch anh không có đặt hostel trước ở Bagan này. Một ngày dành cho Bagan, một ngày chạy đua theo những dấu chân Bagan. Ánh trăng khuya bị ánh sáng hắt ra từ mấy ngọn đèn nên bến xe khuya vắng soi rõ những gương mặt người xa lạ. Cánh tài xế xe ôm vây lấy, tiếng người nói tiếng Anh ồ ề, tiếng thở nặng nề, tiếng của trái tim anh rung lên mạnh mẽ. Đêm vẫn chưa qua, ngày vẫn chưa lên, bình minh vẫn chưa rạng ở phía chân trời. Nhưng ờ thì đó, lại là một câu chuyện khác, thuộc về Bagan mà thôi!

Và Bagan vẫy tay lưu luyến chào anh vào buổi chiếu ngày hôm ấy. Chiều ấy trời đã quang, mưa đã tàn, nắng cũng héo hắt trên những đền chùa thành cũ. Xe taxi chở anh ngược lại đoạn đường mà vừa sáng nay anh đi qua. Bến xe New Bagan vừa mới xây xong, anh - sau một ngày gió bụi, đi quanh quẩn ở những nhà xe để xin tắm nhờ. Có chỗ tắm rồi, khuất sau những dãy nhà hai tầng - trụ sở của các nhà xe đi khắp các vùng xuất phát từ Bagan, có một thùng phuy đã cũ. Anh bạn - chắc là nhân viên của một trong những nhà xe ấy, vui vẻ chỉ cho anh chỗ tắm. Anh hỏi, chỗ này à? Nó gật đầu, chỗ tắm lộ thiên. Cứ việc hòa cùng thiên nhiên, không che đậy gì cả, cứ thế mà tắm. Anh hoảng hồn, dù rằng ba ngày rồi chưa được giải phóng khỏi cái mùi mồ hôi, mùi chua loét của những chuyến xe đêm, của những bước chân bụi mù không mệt mỏi, nhưng anh vẫn ngại. Anh đi vòng vòng hỏi xin chỗ tắm khác. Cuối cùng, anh đánh bạo khỏi xin khỏi hỏi cứ tông đại vô một nhà tắm dành cho nhân viên của một nhà xe nào đó, mang theo ba lô, xối đại mấy gào nước lên người. Ôi nước, mát lạnh và tuyệt vời. Anh không thuộc dạng người quá kỹ lưỡng, nhưng thói quen của anh là một ngày phải ba lần xối nước lên người, dù nóng dù lạnh cũng đều là như vậy cả. Sáng dậy anh đi tắm trước khi đến sở làm. Trưa đi làm về, ngủ nhanh và trước khi đi làm, anh lại đi tắm. Bữa chiều, anh sẽ tắm lại trước khi ăn cơm, trước khi đi ngủ. Thói quen tắm táp khiến cho anh cảm thấy không còn gì hạnh phúc hơn nữa khi đã qua ba ngày rồi anh không có một giọt nước trên người. Bằng niềm hạnh phúc vô bờ bến vì cuối cùng cũng được sạch sẽ, anh leo lên xe. Chuyến xe đêm vượt 7.500 cây số từ Bagan đi Yangon.

Về tới Yangon, là như về tới thiên đường. Ở đó, anh sẽ có một đêm nghỉ tại hostel. Nhưng vấn đề là, anh vẫn chưa đặt trước nhà nghỉ nào cả. Anh đem theo một danh sách dài những hostel đã tìm kiếm trên mạng. Đó cũng là một câu chuyện dài. Anh sẽ trở lại.

Nói gì thì nói thì đã thấy bụi mù cuốn lên theo từng dấu chân anh đi chưa, hỡi người?

10593058_868041409874161_7315276896172294262_n.jpg


Chuyến xe đêm từ Bagan về Yangon

10701938_868041476540821_4060127945386984903_n.jpg


Như những bến xe khác, đều có đội ngũ đội mâm bán hàng rong chực chờ, kể cả chuyến xe đêm. Cô gái mặc Longi, trong đêm nhìn vẫn hết sức hiền

10347696_868041536540815_3792586699829027646_n.jpg


Xe đường dài, hành khách được phát mỗi người một travelkits, bao gồm khăn lạnh (dù trên xe lạnh quéo, không cần dùng đến), kem và bàn chải đánh răng
 
Last edited:
MÙA THU DU KÝ

Bên cạnh những đêm ngủ lang trên xe trong những chuyến di chuyển từ thành phố này qua thành phố khác, bên cạnh những đền đài âm thầm, những khuôn mặt người thoa thanaka rựng lên trong nắng, dáng longi lệt phệt rót vào hồn người, bệt trầu phai trên mỗi góc phố... Anh gói theo về làm quà những ánh bình minh rạng rỡ, của ánh tà dương huy hoàng. Nếu nỗi nhớ ăn được, chắc anh đã đem ra nhai rôm rốp nỗi nhớ tan hoang rồi.

Là ánh mặt trời và hoàng hôn chưa tắt phía cuối chân đồi


3. CHẠY THEO ÁNH MẶT TRỜI (a)

Để có đủ thời gian đi ngắm mặt trời mọc ở Ubein, theo dấu ngựa lóc cóc khắp Bagan, ở Yangon thì uống nước mía và lạy Phật ở Swedagon, leo đồi leo núi lên ngắm Golden Rock và cuối cùng là xuôi thuyền đi Inle, thường Mphải kéo dài từ năm đến bảy ngày. Đó là hành trình thông thường của dân bụi đi Burma. Anh không có thời gian, anh chỉ có đúng ba ngày và ba đêm cho chuyến đi chớp nhoáng về miền đất Phật. Vậy nên anh vạch ra cho mình ba điểm đến: Mandalay, Bagan và Yangon. Lúc bắt đầu đặt vé, anh đã nghĩ rồi làm cách nào mình đi cho bằng hết ba điểm này?

Anh chọn Mandalay làm điểm dừng chân đầu tiên, từ Bangkok. Máy bay đáp xuống sân bay Mandalay, nhỏ xíu, quạnh quẽ lúc mười hai giờ rưỡi. Cảm giác đầu tiên Mandalay gõ vào lòng anh những nhịp chập chùng. Không phải lần đầu tiên anh bước qua những sân bay lặng lẽ và nhỏ bé như thế này, nhưng Mandalay đem đến cho anh cái cảm giác thật bình yên, nhỏ và bình yên thật khác. Hình ảnh những người đàn ông và đàn bà, trong bộ longi bước đi nhỏ nhẹ, đôi lúc họ sẽ ngừng chân, sửa lại bộ longi giữa chốn người qua cứ nhẹ như không. Anh ấn tượng với hình ảnh ấy. Phố vẫn đông người, đã qua biết bao đổi thay của thời cuộc rồi, nhưng người ở nơi này vẫn giữ nguyên những nếp sống từ rất nhiều nhiều năm về trước. Truyền thống, là những thứ quý giá mà nơi anh ở, đã dần bị mơi một đi, phai lợt đi ít nhiều rồi.

Sân bay Mandalay nằm ở ngoại ô của thành phố, cách trung tâm khoảng 45km. Ít người biết sân bay nhỏ bé này lại là nơi sở hữu đường băng dài nhất châu Á (hơn 4.000m, trong khi Tân Sơn Nhất của mình chỉ khoảng hơn 3.000m thôi). Anh di chuyển vào thành phố bằng shuttle bus của hãng bay. Trên đường trung chuyển, anh ngồi cạnh cô gái trẻ - Carol, người Đức, dân Berlin. Cô gái trẻ trung, sôi nổi và thân thiện, kể mãi cho anh nghe về chuyến đi bụi đầu tiên của cô, ngay sau ngày tốt nghiệp đại học. Cô ngạc nhiên trước một Bangkok tràn đầy màu sắc của những chiếc xe máy, kẹt xe, của chùa chiền và những nụ cười. Anh nói với cô hãy đến Việt Nam để thấy cuộc sống đường phố nơi này còn thú vị hơn nhiều. Anh cũng hẹn cô nếu đến Việt Nam, hãy báo cho anh biết nhé. Những câu chuyện trò lặt vặt làm cho quãng đường di chuyển ngắn lại. Nhìn ra phía bên ngoài, chỉ thấy toàn cây cỏ và những trảng xanh vắng ngơ ngắt. Mùa thu đi qua nơi này, chỉ chừa lại trơ trọi có nắng và những vệt khói xe tản mác sau mỗi chuyến shuttle bus đi qua. Thật sự ngoài chiếc shuttle bus của mình, anh không còn thấy chiếc xe nào khác di chuyển lại qua trên con đường trải nhựa láng e nữa.

Xe vào Mandalay lúc khoảng hai giờ chiều. Anh nhanh chóng phác thảo ra cho mình một lộ trình di chuyển để kịp thời gian bắt xe bus đêm từ Mandalay đi Bagan vào lúc tối muộn. Mandalay nằm ở Thượng Myanmar, là thành phố lớn thứ hai ở Burma, thuộc vùng Mandalay rộng lớn. Tính ra, chỉ có khoảng bốn giờ đồng hồ cho thành phố sôi động và náo nhiệt bậc nhất ở đất nước này. Xe cộ chạy như mắc cưởi ở trên đường, đơn giản thôi, anh đang ở khu trung tâm Mandalay mà. Bến xe bus AirAsia nằm rất gần King Palace. Đường phố rộng và rất thoáng. Phương tiện trên đường có xe máy (anh hơi ngạc nhiên, sao lại bảo ở Burma chính phủ cấm xe máy mà), xe lam, xe bus và nhiều xe hơi. Dân đa phần mặc longi, nhét điện thoại di động bên hông, chạy ào ào trên phố.

Nhưng người vẫn đi bộ. Những người đàn bà vận longi khoan thai giữa ánh nắng mùa thu dát vàng trên những nẻo đường. Giẫm lên những vệt trầu phai trên phố, anh bắt đầu hành trình ngắn ngủi khám phá thành Mandalay. Cánh chim bồ câu sải cánh tung trời, trời thu Burma không quá gắt gỏng, thoảng chút hương xa nhè nhẹ như chào mời người bạn lạ xa. Anh đeo ba lô đi bộ hàng cây số, từ bến xe Air Asia đi King Palace. Vọng canh kinh đô hoàng triều cuối cùng của Miến Điện thâm trầm nơi xa, phía ngoài là hào sâu, mặt nước phẳng lặng êm đềm. Bờ bao Hoàng cung bao đời nay là mạch nước hào xanh với những hàng cây phủ bóng này. Không gian trưa tĩnh lặng, anh bước vô cổng, do không có bản đồ nên anh vào nhầm cổng rồi, không gian trưa trở nên nóng nảy vô cùng. Cuốc bộ hàng cây số rồi, giờ lại nhầm cổng, ở Hoàng cung, khách nước ngoài chỉ có thể vô mỗi một cộng cố định nằm ở phía Tây, vé vào cổng là 6usd mỗi người. Anh bỏ cuộc, đứng ra đường vẫy taxi, những chiếc xe taxi chạy vụt qua, không giống như ở nơi anh ở, nếu taxi có khách, đèn hiệu sẽ báo, anh sẽ nhận biết. Nhưng ở nơi này, taxi cứ chạy hà rầm. Sau hơn nửa giờ đồng hồ bươn mặt ra đường vẫy taxi nhưng kết quả toàn là những cú vụt qua không chút gì lưu luyến, anh mất mát rệu rã đánh liều vẫy đại những chiếc xe bus công cộng. Những chiếc xe ken đặc người, những gương mặt người với thanaka rưng rức. Đông và quánh đặc.

Nhưng xe bus cũng không thèm đoái hoài đến người phương xa. Anh đau khổ nhận ra trời ơi nếu như lúc nãy ở cổng vào King Palace - cái cổng có vọng canh bằng gỗ, muốn qua phải đi qua cây cầu gỗ tếch nhỏ đẹp rụng rời. Ở đó, có mấy cậu thanh niên chạy xe ôm cứ nằng nặc đòi chở anh qua bên phía cổng Tây, nhưng cái đòi tiền cao vói nên anh thẳng thừng từ chối. Bây giờ thì nắng mùa thu giữa trưa xiên xẹo soi mặt anh thẩn thờ chán nản. Định bụng kiếm đại bác xe ôm nào đó nhờ chở đi quá vội, nhưng mà trời cũng phũ phàng với lòng người. Những người anh đinh ninh làm nghề xe ôm - thì họ có hai chiếc mũ bảo hiểm, đứng ngồi nơi ngã ba, ngã tư đường - anh hỏi đều lắc đầu không phải là dân xe ôm rước khách dọc đường. Cuối cùng, anh nghỉ lại bên đường, thất thơ thất thiểu, mùa thu đi qua thấy chán mất một nửa. Vọng gác Hoàng cung nhìn từ xa cho đến lúc chạm đến gần tay cũng thấy ơ hờ, hào nước xanh trong đẹp đẽ làm chi để soi bóng người mệt mỏi. Hàng cây bao quanh in bóng lúc nãy thấy mát mẻ tươi ngời giờ bỗng dưng đâm ra nổi quạu, cây cao bóng cả che mát mặt người nhưng chân vẫn phải bước, phải mỏi vì đường xa, xe cộ đông, mặt người thì nóng. Những lúc như thế, anh tự hỏi, có đáng phải khổ sở như vậy không?


10600560_877866742224961_5357822528283627062_n.jpg


Đám mây hình trái tim trên trời Mandalay

10734228_877866852224950_2984029223908008718_n.jpg


Sân bay Mandalay vắng, chỉ có mây là nhộn nhạo vẽ những nụ cười

10640994_877866888891613_6957907741843314443_n.jpg


Giờ thì con nhà có điều kiện rồi. Tỷ giá là 196,4 kyat ăn 1 Usd

10256858_877866912224944_6820433936063551940_n.jpg


Mấy con búp bê đất truyền thống rựng lên trong nắng.

13995_877866962224939_5002641103467681369_n.jpg


Chum vại lô xô, có mùa thu qua ngoảnh lại

10322486_877866992224936_2865784341059986371_n.jpg


Và nắng cũng hiền hơn trên vai người

10603721_877867102224925_8195903725652256067_n.jpg


Bữa trưa vội

1925349_877867135558255_1246104361537478025_n.jpg


Vọng gác gỗ đẹp quá trời

10155742_877866695558299_2560454887206260683_n.jpg


Đâu có nghĩa là xe bus không đông ken

10372057_877867185558250_8172665971425424780_n.jpg


Bên này là Hoàng cung
 
MÙA THU DU KÝ​


Có đáng phải khổ sở như vậy không? Câu hỏi ấy anh lặp đi lặp lại suốt quãng đường đi của mình. Chuyến đi khẳm vì bụi, lọc cọc những mồ hôi và cực nhọc. Nhưng có trải qua rồi, ai nghĩ sao anh không biết, chỉ tự chân thấy vui và xứng đáng để anh trốn làm bỏ đi tang bồng. Anh ngồi giữa gốc cây nơi ngã tư đường, rồi có anh tài xế taxi quay lại, nói lúc nãy tôi thấy cậu vẫy bên đường, tôi quay lại là để chở cậu đấy, lúc nãy tôi đang bận khách, giờ tôi đã quay lại rồi. Rất nhanh, anh leo lên taxi, nói nhanh với tài xếrằng chiều nay anh phải đi Bagan rồi, bây giờ là ba giờ hơn rồi, anh muốn đi một vòng Mandalay, anh có ý kiến gì hay không? Anh tài xế - tên gì anh quên mất - vui vẻ nhiệt tình vạch ra cho anhmột số điểm đến: đừng đi Hoàng cung, nó sát bên ấy, nhìn bên ngoài vọng gác lầu cao hào sâu đẹp đẽ, chễm chệ nhưng bên trong chả có gì (anh ngờ rằng chắc do người ta là dân nơi đây, uống nước nơi này, nên thấy trong hộp là những thứ bình thường quá đối, chớ với anh, chắc chắn mở hộp ra, sẽ có nhiều điều để khám phá chớ), Hoàng cung có tốn phí, 6 USD cho một lượt ra vào, cậu đừng đi. Đầu tiên đi Mandalay Hill, sát bên, gần xịch, chạy một phút ba mươi giây là tới. Xong rồi thì đi chùa, đến Mandalay mà không đi chùa, là thiếu sót, nhưng ủa, có nhiêu đó thời gian hả, đi MahaMuni thôi vậy, chùa này to lắm. Đi tu viện Shwenandaw nữa, và cuối cùng, chốt hạ khi ngắm hoàng hôn ở cầu Ubein. Rồi thôi, thỏa thuận giá cả xong, lên đường. (Thực sự anh biết giá thuê xe như thế là đắt, nhưng sau những dãi dầu nắng nóng, anh cảm thấy thôi thì nhiêu đó cũng đã đủ rồi. Vả lại, anh taxi cũng vui vẻ và nhiệt tình, dáng người mập mạp râu quai hàm nhìn lún phún nói chuyện có duyên. Gặp nhau là duyên, thì nên kết. Vậy thôi!)

Duyên đưa anh đến, duyên đưa anh về. Bắt đầu hành trình chạy về phía mặt trời


3. Chạy theo ánh mặt trời (b)

Quyết định không đi King Palace, phần vì bác tài xế cứ nhiệt tình hối thúc, thôi chú đừng đi vô trỏng, có cái gì ở đó đâu, chán ngắt chán ngơ, buồn thiu. Thì thôi, coi như cả giờ đồng hồ lượn lờ bên ngoài hào nước, nong sâu không biết thế nào nhưng cái nắng thu Mandalay đã muốn trở thành bạn, cứ tam táp vào mặt làm anh muốn khùng luôn rồi. Bác tài xế vạch ra cho anh kế hoạch xông pha khám phá Mandalay trong chưa đầy một phút. Anh nên đi chỗ này, anh đừng nên đi chỗ kia, chỗ nọ cần phải đến, chỗ đó nữa - nhất định phải đến. Anh giữ cho mình quyết định duy nhất, làm gì làm, đi đâu thì đi, anh nhất định phải ngắm hoàng hôn trên Ubein - là cây cầu đó, anh rõ ràng như vậy. Thì bắt đầu đi.

Mandalay hóa ra cũng nhỏ bé, anh nắm gọn hơ trong một bàn tay (đó là anh nghĩ vậy, chớ nhỏ bé rộng lớn gì khi anh chỉ dành quá ít thời gian cho thành phố này). Chỉ có ba giờ đồng hồ, anh bắt đầu chạy lên đồi. Mandalay Hill - ngọn đồi mà vùng và thành phố này cùng mang tên - là biểu tượng của cả thành phố. Đồi cao chừng 200m, có thể đi bộ lên, nhưng anh đi taxi, bác tài xế thạo tay, đánh tay lái ào ào trên cung đường dốc, nhiều cua ngoặt, anh chỉ muốn lộn cổ. Chiều tà dần buông, bác tài càng thêm đưa đẩy, ngừng dưới chân đồi cho anh hí hoáy với hai bức tượng Sư tử đá trấn chùa chụp vài bô ảnh, rồi hối thúc lên đường.

Đường đồi hai bên cây xanh ngăn ngắt, thời gian cũng không còn sớm nên không thấy ai đi bộ lên chùa cả. Anh thấy lạ, có bận nghe người ta bảo, dân trong vùng mãi cho đến ngày nay vẫn còn mang đá lên xây chùa. Hình ảnh những con người nhỏ bé, ngày ngày cặm chân vào đất bước từng bước lên đồi mang theo từng viên đá góp lên xây chùa gợi cho anh một niềm ngưỡng mộ thành kính không tả nổi. Rất tiếc, đường thì vắng, chiều thênh thang, nắng hanh vàng, và bác tài xế chạy nhanh không kịp thở.

Trên đỉnh của Mandalay hill là chùa Sutaungpyei Pagoda (anh không biết đọc thế nào cả). Như tất cả những chùa chiền khác trên vùng đất này, cần phải đi chân trần lên chùa. Đường lên có thang máy, có thang cuốn, anh đi chân trần lên chùa. Cảnh chùa cũng bình thường thôi, sức vàng rực rỡ hòa với ánh nắng chói chan của ngày sắp tắt khiến anh chói hết cả mắt. Dân đi lễ khá đông, đủ để mọi nơi đi qua đều có dáng longi âm thầm phệt vào trong ánh mắt. Từ đỉnh Mandalay có thể phóng tầm mắt ra khắp bốn phía của vùng. Mandalay rất xanh, cây cối và đất đai còn nhiều. Đô thị hóa ngấp nghé bên bờ tường thành King Palace rồi nhưng ai biểu dân Mandalay nói riêng và dân Burma nói chung vẫn còn nặng nề những giáo điều nhà Phât, họ giữ gìn những truyền thống văn hóa như những hơi thở của mình. Đó là lý do mà dù Mandalay được xếp vào hạng thành phố lớn, nhưng vẫn đậm đặc mùi của những truyền thống cũ kỹ. Cây xanh ngan ngát mắt người. Ai biết được, nhiều khi anh đến đây, đơn giản chỉ vì những thứ cũ kỹ như thế.

Dừng lại khoảng nửa tiếng, anh bắt đầu đi xuống đồi. Bác tài mải chơi, quên mất tiêu hành khách. Anh phải chạy đi kiếm, hỏi người này hỏi người kia, chỉ chỉ cái xe nói có ai biết sếp lớn của tôi đâu không? Bác tài béo béo duyên duyên râu quai nón chạy ịch đụi đi chơi rồi ịch đụi chạy về, mở cửa xe, khéo léo nói nóng quá ha để mở máy lạnh lên cái đã. Anh dịu xuống cái một. Lại tiếp tục đi. Lúc vòng về qua ngã Tây của Hoàng cung, là chợ chiều - khu chợ bày đầy hàng rong, những thức ăn đường phố, dơ hầy, hong mình trong khúi bụi của đủ loại xe cộ. Đông đúc và náo nhiết, anh thích. Nhờ bác tài dừng xe lại, anh lúi húi phang xuống hòa vào dòng người, chen vào chỗ này, dừng ở chỗ kia. Mua một bị to đủ các thứ bánh trái chiên xào ngọt lạt có đủ. Lên xe, anh mời bác tài xế, bác béo bụng ấy chỉ cười, nói cám ơn nhưng nhất quyết không ăn. Không ăn thì anh ăn một mình, thấy ngon nhưng dơ quá. Lỡ mua nhiều nên anh đành cầm trên tay, vướng tay quá nhưng tìm mãi không thấy chỗ vứt rác. Ăn nhiều, cái bụng kêu lộp cộp, chỉ sợ có vấn đề về tiêu hóa thôi. Chiều bắt đầu chênh chao, mặt nước hào sâu sáng loáng những giọt tà dương le lói.

Xe dừng lại ở Mahamuni. Lại một ngôi chùa khác, rất nổi tiếng không chỉ ở Mandalay mà còn ở khắp vùng Miến Điện này. Chùa Mahamuni Buddha là một thánh tích Phật giáo linh thiêng, thuộc triều đại Konbaung xây dựng vào năm 1785 để thờ phụng một bức tượng Phật mà người Phật tử Miến Điện rất mực kính ngưỡng, bởi vì bức tượng này được cho là tạc vào thời Đức Phật còn tại thế. Một số người tin rằng, có năm bức tượng được tạc vào thời Đức Phật, trong đó có hai bức ở tại Ấn Độ, hai bức ở tại thiên giới, và bức thứ năm là bức tượng tại chùa Mahamuni. Nhiêu đó thông tin đủ để anh phải dừng chân thật lâu trước bức tượng Phật dát vàng lộng lẫy, tư thế Phật ngồi thiền định, khuôn mặt tròn, tai dài có khuyên, trên đầu Phật đội nón, mình khoác áo bào. Phật tử Miến Điện ngày đêm đem lá vàng đến dát vào tượng Phật. Có thông tin rằng lớp vàng trên tượng dày khoảng 15cm, anh không có cơ hội được chạm vào Phật, nhưng bằng sự kính ngưỡng, anh cúi đầu, lạy và cầu nguyện dưới chân Phật. Cầu quốc thới dân an, cầu gia đạo bằng an. Anh có tôn giáo của riêng mình, nhưng vào chùa thì bái Phật, là điều má anh dạy thuở anh mới giêng hai, nhỏ tí đội mấn theo má lên chùa.

Anh thỉnh chuông ở Mahamuni, tiếng chuông chiều văng vẳng, thanh trong chìm lơ lắc trong những bước chân anh vội vã chạy trở ra. Gần năm giờ rồi? Còn kịp thời gian đi ngắm hoàng hôn trên Ubein hay không? Bác tài xế cười hiền khô, nói anh lên xe đi, đừng có lo, mọi chuyện rồi cũng sẽ kết thúc, sớm thôi mà. Taxi xuyên qua những dòng người vội vã, chắc do anh vội vã nên thấy mình không phải đang đi, mà đang trôi. Những con đường với những hàng dài tượng Phật điêu khắc, những mái nhà gỗ nhỏ bé, những con người mặc longi chạy xe máy nhét smart phone bên hông, những gương mặt nói cười, những má cô gái hay hay rựng màu thanaka... Vội vã anh trôi trong buổi chiều tà. Thu Mandalay vội vã, có kịp chờ anh bên bến sông hay không?



10411329_884996534845315_962549864547293501_n.jpg

Từ Mandalay Hill nhìn ra

10612857_884996438178658_3376651509258624499_n.jpg


Bị mê hoặc bởi mấy cái street food dơ dơ bẩn bẩn này, và bị đau bụng

10734266_884996204845348_264522940621577674_n.jpg


Trên dòng
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,593
Bài viết
1,153,910
Members
190,143
Latest member
joneforex
Back
Top