7. Tư Khê, Diên Thôn
Tư Khê, Diên Thôn vốn là 2 thôn nằm sát nhau là thôn Tư Khê và thôn Diên nên được gộp chung là một điểm du lịch. Ở đây nổi tiếng bởi những bản điêu khắc gỗ. Tôi vẫn còn nhớ ngày chúng tôi đến trời nắng đẹp, hai bên đường nở đầy một loài hoa dại màu tím biếc. Tư Khê, Diên thôn vắng vẻ hơn rất nhiều so với cung phía đông hôm trước, quán xá cũng không nhiều. Một vài căn nhà cổ được chọn làm địa điểm thăm quan sẽ luôn mở cửa, trong đó bán những đồ lưu niệm giả cổ. Thường thì những căn nhà ở Vụ Nguyên bao giờ cũng có một khoảng sân nho nhỏ. Người ta sẽ đặt một cái lu đầy nước ở giữa sân, có người nói là do phong thủy, cũng có người bảo đó là cách người ta giữ lại tiền của trong nhà. Tôi còn nhớ có một nhà rất sáng tạo thể này, ở trong lu nước đấy người ta đặt một cái cái bát con con, khách ghé qua có thể thả đồng xu vào lu nước, nếu nó rơi trúng cái bát con trong lu thì sẽ được tặng một món quà. Chúng tôi đã chứng kiến một bạn gái được tặng 1 cái vòng tay nên cũng thi nhau thử vận may, tiếc là chẳng trúng.
Chúng tôi lang thang từ căn nhà này sang căn nhà khác, chạm tay vào những hoa văn khắc gỗ cổ xưa, ngồi vào một chiếc ghế tre đặt trước cửa một ngôi nhà nào đó. Những người già ở đây có thói quen ngồi trước hiên nhà, nhất là vào bữa ăn họ sẽ mang một bát cơm ngồi trước cửa ăn. Thỉnh thoảng chúng tôi nhìn vào một ngõ nhỏ và nhận ra cuối ngõ là vách núi.
Những cây cầu cổ ở Vụ Nguyên hao hao giống chùa cầu ở Hội An, bằng gỗ và có mái che. Chúng tôi đã gặp những cây cầu như thế ở Hiểu Khởi, ở Lý Khang và cả ở Tư Khê, Diên Thôn nữa. Ven làng, những ruộng hoa cải dầu đang vào mùa nở rộ, thình thoảng xen lẫn mấy cây hoa đào, hoa lê, cả một bức tranh mùa xuân rực rỡ sắc màu. Nếu một ngày nào đó tôi có trở lại Vụ Nguyên, tôi có thể sẽ bỏ qua Hiểu Khởi, Giang Loan; có thể không ghé vào Lý Khang nữa, nhưng chắc chắn tôi sẽ quay lại Tư Khê, Diên Thôn, nơi vẫn chưa đánh mất nét thanh thản, bình yên của một làng quê thực sự.