What's new

[Chia sẻ] Du ký Mỹ: 60 ngày qua 12 thành phố

60 ngày trên đất Mỹ. Tôi đi qua 12 thành phố: New York, Los Angeles, San Jose, San Francisco, Miami, Seattle, Philadelphia, Atlantic City, Washington DC, Key West, Boston, Las Vegas và một vài điểm đến như Grand Canyon, biển Santa Cruz, biển Huntington, Rosemead, quận Cam... Tôi tiễn mùa thu lá vàng lá đỏ, chạm vào cái lạnh đầu đông của bờ Đông bờ Tây, chạm cả vào những bông tuyết đầu mua rơi lả tả khi đang đứng đợi chuyến xe buýt cuối ngày ở Boston. Lại là hành trình một mình, nhưng từng điểm đến tôi đã có những người bạn, những người anh em, hoặc thậm chí là những người lạ trên đường nhưng cuối cùng lại trở thành quen.
Năm 2013 khép lại bằng những đợt pháo bông trên bầu trời Los Angeles, người ta ôm nhau, nói lời chúc mừng để chào một năm mới. Tôi cũng khép lại hành trình để đợi một hành trình mới nhiều thú vị hơn. Nhưng bây giờ thì hãy quay ngược thời gian để ôn lại 60 ngày lang thang trên xứ cờ hoa, hành trình dài nhất của tôi và nhiều cảm xúc nhất của tôi...

Los Angeles - Thành phố của những thiên thần

Trong hàng trăm thành phố của nước Mỹ, tôi chọn Los Angeles là điểm đến đầu tiên để bắt đầu hành trình dài của mình. Tôi không biết, không biết tại sao mình lại chọn nơi này cả. Nhưng thấy rằng nó thân thuộc. Hay chỉ vì một cái tên: Los Angeles - Thành phố của những thiên thần. Thời đại này, có ai còn tin vào những thiên thần?

Chuyến bay vô cùng dài đáp đến phi trường Los Angeles sau khi quá cảnh ở Bắc Kinh làm đầu tôi nhức như búa bổ. Phần vì ngủ không được, phần vì xung quanh quá ồn ào với phần lớn hành khách là người Trung Quốc. Tôi kéo vội hành lý đến quầy làm thủ tục hải quan, chỉ mong mau mau thoát khỏi cái đám đông ồn ào này. Mới 5h sáng, sân bay còn rất vắng, có 3 nhân viên hải quan đang làm việc. Người thứ nhất là Mỹ đen, người thứ hai Mỹ trắng và người thứ ba là Châu Á. Tôi cầu trời cho mình không đụng nhân viên hải quan Châu Á vì thể nào anh ta cũng người Hoa, không biết có làm khó dễ gì mình không. Vậy mà trời xui đất khiến thế nào tôi đi đúng vào quầy đó. Nhưng khi nhìn bảng tên thì tôi ngạc nhiên: TRINH. Có nghĩa anh tên Trịnh hoặc họ Trịnh gì đó, và chắc chắc là người Việt. Ô hay, tưởng xui lại hóa may. Anh hỏi bằng tiếng Việt rành rọt sau khi xem passport của tôi: Em đi qua đây làm gì? - Dạ du lịch. Em đi bao lâu? - Dạ lịch trình là 1 tháng, nhưng có thể kéo dài thêm. Em có bà con gì bên này không? - Dạ không! Em có bạn bè không? - Dạ có vài người bạn du học bên này. Em đi một mình hả? - Một mình. Rồi hỏi thêm vài câu gì nữa không nhớ, những không mang tính chất đánh đố như thiên hạ hay đồn thổi. Vậy thôi, passport được trả lại với cái dấu cho ở Mỹ 6 tháng. Trạm đầu tiên khá thuận lợi, tôi nghĩ thầm và nhanh chóng kéo hành lý ra khỏi đám đông...

Sân bay vắng lặng nhưng lại có rất nhiều cảnh sát. Mỹ lạ quá ta, đâu cũng thấy cảnh sát. Sau khi nhanh chóng tìm được một cái Starbucks nằm khiêm tốn trong một góc sân bay, tôi mở facebook ra để liên lạc với bạn ra đón thì nhận được tin động trời: Sáng hôm qua, có một thằng điên nào đó cầm súng vô sân bay nã đạn làm một người chết và nhiều người bị thương. Hèn chi mà cảnh sát nhiều như thế này, thấy tâm hồn dao động run run một chút. Nhưng cái sự háo hức lấn át tất cả. Nước Mỹ đang chờ đợi...
 

Attachments

  • 68877_10152168531791622_1807802516_n.jpg
    68877_10152168531791622_1807802516_n.jpg
    210.4 KB · Views: 3,554
  • 1521816_10152159543416622_465134887_n.jpg
    1521816_10152159543416622_465134887_n.jpg
    82.4 KB · Views: 1,290
  • 1531865_10152165252521622_1416433444_n.jpg
    1531865_10152165252521622_1416433444_n.jpg
    165.6 KB · Views: 260
  • 1551667_10152197047251622_975118254_n.jpg
    1551667_10152197047251622_975118254_n.jpg
    98.3 KB · Views: 245
Last edited:
Chỉ hy vọng mỗi người đi thì có những cảm nhận khác nhau, muôn hình vạn trạng, đa dạng trong cách nghĩ và cảm xúc. mà chắc chắn 1 điều, những ngày tháng ở Mỹ dạy con người ta cách suy nghĩ độc lập và tư duy độc lập.
cảm ơn bạn đã quan tâm đến note của mình.

bài viết rất hay và tràn đầy cảm xúc... ai đọc chắc cũng muốn có được 1 chuyến đi Mỹ giống như bạn... cảm ơn bạn đã chia sẻ!
 
Đêm trắng ở Seattle

Một buổi sáng, tôi rời khỏi Las Vegas, đi chuyến bay của hãng Alaska Airlines đến Seattle. Trong khi chờ chuyến bay cất cánh, tôi cũng kịp cúng thêm cho Las Vegas vài chục đô la (đau đớn). Khi đến những thành phố khác, tôi có nhiều thông tin hơn thì khi đến với Seattle, tôi hoàn toàn mù tịt. Trong đầu là mập mờ những thước phim của Tom Hanks và Meg Ryan trong Đêm trắng ở Seattle cùng với những cơn mưa mù trời và rừng thông của ma cà rồng không tuổi trong Chạng Vạng. Vậy thôi, còn lại là mù tịt. Cái hay của mù tịt là khi khám phá ra cái gì là lạ thì hào hứng không chịu nổi. Mà đời này nhiều người khôn quá rồi, nên mình làm người mù tịt có khi lại hay ☺

Seattle đón tôi bằng cơn mưa nhẹ hạt. Ồ, cơn mưa trứ danh của Seattle. Sẽ không có cảnh “Sài Gòn chợt mưa chợt nắng” mà cơn mưa ở đây kéo dài đăng đẵng. Có tuần liền mưa hết 7 ngày. Trung bình một năm chỉ có khoảng 60 ngày nắng, còn lại toàn bộ là mưa. Vào đông, hàng cây nhỏ hai bên đường ngả sang vàng đỏ nổi bật lên cái nền xanh thăm thẳm của rừng thông sau lưng. Bình yên quá, tôi nghĩ thầm. Và trong những ngày lưu trú ở thành phố của những cơn mưa này, cảm xúc như bị tê liệt vì những hình ảnh khác nhau cứ đan xen. Như những cơn mưa mỗi ngày vẫn rơi đều trên những tán thông già, tôi lờ lững đi qua thành phố, qua những khuôn mặt người và những vòng khói thuốc đậm đặc giữa mùa đông lạnh lẽo. Ừ, và cả những đêm trắng ở Seatte…

Cậu hay bảo tôi: Tâm, ra hút thuốc với cậu. Tôi và cậu có điểm chung duy nhất đó, ra cửa sau, đốt điếu thuốc lên và thả những làn khói giữa khung cảnh xám mù lạnh lẽo. Im lặng. Người đàn ông hơn 50 tuổi, ra đi khỏi Sài Gòn hơn 20 năm mà chưa một lần quay lại. Ngày cậu đi chắc cũng trạc tuổi tôi đây giờ. Cái tuổi nhiều ước vọng. Nhưng chừng ấy năm ở cái thành phố mù mưa này làm cậu thành một người ít nói. Thỉnh thoảng cậu hỏi tôi Sài Gòn bây giờ thế nào, rồi thôi. Cái im lặng của hai con người nếu nhìn từ xa chắc là buồn bã lắm, tôi nghĩ vậy. Thật ra tôi không nghiện thuốc lá, nhưng giữa cái lạnh 4 độ C ngoài trời thì khi rít khói thuốc ấm vào trong người là cảm giác không thể nào quên, sau này, khi sống những ngày nóng ở Sài Gòn, tôi vẫn còn thòm thèm cái cảm giác cô đơn rít thuốc vào một buổi chiều chạng vạng nào đó giữa mùa đông xứ người. Và tôi muốn hiểu cậu. Tôi, hay ai kia, rồi một ngày cũng sẽ đến cái xế chiều của cuộc đời, sẽ im lặng ngồi trên bậu cửa nhìn ra thế giới bên ngoài để nhớ về những ngày trẻ tuổi. Chỉ khác là bây giờ, có tôi ngồi với cậu, thả những vòng khói lên khoảng không gian. Cậu nói cậu hay xem phim Việt Nam, xem hết, xem để biết xã hội đang như thế nào. Rồi cậu hỏi góc ngã tư đó còn người bán hàng rong, quán phở đó còn nằm ở chỗ kia không? Hai mươi năm không về, chắc mọi thứ đã không còn như xưa. Sài Gòn thay đổi chóng mặt cậu ạ. Tôi đánh liều hỏi cậu một câu, sao cậu không về? Cậu trả lời là cậu sợ ngồi máy bay. Rồi cậu trầm tư, cậu sợ quay lại, mọi thứ đã không còn như xưa nữa…

Đó là lần đầu tiên tôi gặp cậu. Cũng không phải là cậu của tôi, mà là cậu của bạn tôi. Nhưng tôi thấy hình ảnh của cậu ở nhiều người lắm. Là những người đàn ông ở xứ người, đã qua thời thanh niên sôi nổi. Mỗi buổi sáng tụ tập ở khu Lion, khu Phước Lộc Thọ đánh cờ, nói chuyện, uống cà phê cho đến chiều. Nhưng khác những người đàn ông kia ra ngoài chém gió, thì cậu hiền lành chỉ ở nhà nghe nhạc, xem phim và hút thuốc.

Ở xứ người buồn lắm. Khi các con lớn lên và thành đạt, chúng bay đi các phương trời khác. Những người bước qua bóng xế cuộc đời sẽ trở thành những con người cô đơn trong ngôi nhà của chính mình. Tôi vẫn hay tự trào rằng xứ Mỹ tự do lắm. Vâng, cũng chính vì chữ tự do đó mà tuổi trẻ tha hồ ra ngoài bay nhảy, trong khi cha mẹ, ông bà thì cứ im lặng đếm từng ngày. Tuổi của cậu, nếu giờ này, ở Việt Nam chắc đang cùng mấy ông bạn lai rai trong một quán nhỏ này đó, hay đang chăm chút cho những con chích choè, chào mào hay đang chơi với thằng cháu nội cháu ngoại vừa bắt đầu biết nói. Chẳng có gì là hoàn hảo cả, tôi không dám hỏi cậu có vui không. Nhưng tôi ước gì cậu leo lên máy bay, về Việt Nam một lần thôi, để tìm lại những người bạn, ngã tư cũ, thành phố mà cậu đã bỏ lại 20 năm. Rồi cậu sẽ đưa ra một chọn lựa. Cậu sẽ nhìn Sài Gòn bằng xương bằng thịt chứ không phải qua những thước phim thực thực hư hư. Ở Sài Gòn, mỗi ngày có bao nhiêu người quay về…

Ở xứ người buồn lắm. Bà ngoại rất già nhưng lại ở một mình trong nhà dưỡng lão. Căn phòng không quá rộng cũng không quá hẹp, có đầy đủ tiện nghi cho một người ở. Mỗi ngày, ngoại phải tự nấu ăn, và hình như có người đến dọn dẹp sơ sơ căn phòng. Ngoại sống ở đó, có vài người bạn gần phòng. Không phải vì ngoại không có con cháu. Cậu là con của ngoại, và các anh chị con của cậu cũng ở cùng trong một thành phố, và các con cháu của ngoại ở Sài Gòn thì phải gọi là siêu giàu. Nhưng cái tự do của Mỹ làm mỗi người có một cuộc sống riêng, không ai làm phiền đến ai. Thật ra thì tôi thích cuộc sống đó, khi mình còn trẻ. Nhưng ví dụ như mẹ tôi bây giờ, nếu không có các anh chị tôi sống gần bên thì tôi có thể tự do bay nhảy đi các phương trời hay không? Văn hoá gia đình Á Đông có những ràng buộc không lời, văn hoá Mỹ là tự do. Nhưng tôi vẫn thấy buồn vô hạn với những gì tôi nhìn thấy. Chỉ là vì mình đang đứng giữa những lựa chọn cho con đường phía trước. Hay là vì mình không biết mình là ai, đang thuộc về nơi nào?

(còn tiếp)
1454899_10152748208231622_6880877150526758986_n.jpg

10388190_10152748208046622_6938456164263822572_n.jpg

10710807_10152748207021622_3211905853201391688_n.jpg

10391374_10152748206911622_8245179514142151322_n.jpg

10320523_10152748206526622_3377482946240457707_n.jpg

10556323_10152748206451622_4179379948999313327_n.jpg

9739_10152748206026622_4935990533271731211_n.jpg

10734119_10152748206311622_5161822235310396965_n.jpg
 
Đêm trắng ở Seattle


Những ngày Seattle cứ mù mịt những cơn mưa, hoặc không mưa thì cũng u ám như thể mặt trời đang chơi trốn tìm. Tôi đi vào phố, ngơ ngẩn giữa chợ cá Pike Place. Tiếng người bán hàng nói cười vui vẻ, hay khi họ giật một con cá mặt quỷ làm khách hàng sợ xanh mặt rồi cùng nhau phá lên cười. Số là họ làm một cái biển chỉ vào mặt con cá mặt quỷ xấu xám hồn. Ai cũng nhìn chăm chăm vào mặt con cá. Rồi họ cột đuôi con cá với một sợi dây dài, luồn dưới những lớp nước đá. Một người đứng từ xa, khi thấy khách hàng dán mặt vô mặt con cá thì hét lên, giật cái đuôi cá làm con cá cũng nhảy dựng lên. Đám khách hàng cũng nhảy dựng lên vì giật mình. Rồi phá lên ha hả cười. Hay tiếng hô hò của những người ném cá, chụp cá khi khách hàng đặt mua, rồi họ cùng nhau hát. Với tất cả niềm say mê, Pike Place này, đã trở thành linh hồn của Settle, nơi mà những tính cách của con người Seattle được thể hiện rõ ràng nhất: say mê, sáng tạo, hồn nhiên, vui tươi, sống động… Bạn nào học marketing chắc sẽ biết về chợ cá này, vì chính từ nơi này là ý tưởng cho nhiều quyển sách marketing nổi tiếng thế giới. Cũng từ chợ cá này, tôi được nếm những con hào, con nhum to vật vã và béo ngậy.

Rồi tôi trốn cái lạnh co ro trong cái áo to xụ, đi bộ qua phố Pike, ghé cái quán cà phê Starbucks đầu tiên trên thế giới. Quán bé xíu nằm nép mình trên phố. Chỉ cần bước vào nhìn ngó xung quanh, chụp một tấm ảnh, check in thì đã hả dạ lắm rồi. Cũng may bạn tôi đến kịp, chụp cho tôi một tấm hình với quán cà phê này, kẻo sau này có vấn đề gì lại bảo tôi du lịch qua màn ảnh thì chết. Quán cà phê tôi yêu thích, mà nơi này lại là khởi nguồn cho mọi vấn đề, bảo sao không vui sướng cho được. Tôi trở về, tung tăng như trẻ nhỏ.

Đêm đó, mọi người tập trung ở nhà chị Tú, con gái của cậu.Trong cuộc đời, tôi chưa bao giờ ở trong ngôi nhà to như thế cả. Chị và chồng chị, anh Jimmy người Tàu, hai người ở trong căn nhà hai tầng 5 phòng ngủ. Bạn bè của anh Jimmy, bạn của cậu, bạn tôi, tôi và sau đó Phương cũng lái xe đến sau giờ làm, cùng ngồi uống bia, đàn hát. Mọi người hay ngạc nhiên khi biết tôi một mình đi bụi từ Việt Nam sang, chẳng có người bảo lãnh, chẳng có sự chuẩn bị chu đáo gì. Rồi cậu hay bảo tôi đọc thơ tôi cho cậu nghe. Những người bạn của cậu cũng già, con cái cũng đã lớn, chắc lâu lắm rồi mới tụ tập với nhau, nên tiếng cười ai cũng giòn giã. Rồi cậu lại nói: Tâm, ra hút thuốc không? Bỏ đám đông đang 1.2.3 zô, tôi và cậu lại đứng ngoài trời, sau cánh cửa gần bếp, rít những đám khói nhỏ và thả lên bầu trời. Tôi nói: Cậu, nếu được thì về Việt Nam chơi một chuyến…

Đêm đó, mọi người uống rất nhiều. Phương lái chiếc Ferrarimàu đỏ rời khỏi, trước khi hỏi tôi có muốn đi cùng qua nhà chơi không. Tôi trả lời là không, vì đêm đã rất khuya và ngoài trời nhiệt độ xuống rất lạnh. Hai anh em, gặp một lần ở Sài Gòn, rồi vô tình gặp lại ở Seattle nhưng cứ như thân thiết từ rất lâu. Chiếc xe đỏ mất hút vào đêm, tiệc tàn. Đêm đó, không có Tom Hanks, không có Meg Ryan. Nhưng đối với tôi, là một đêm trắng không ngủ…

10689613_10152748206191622_8402664820249663886_n.jpg

10391374_10152748206911622_8245179514142151322_n.jpg

1005536_10152255839656622_1109681913_n.jpg

1462912_10152060632061622_472860485_n.jpg
1396003_10152060654491622_1704585792_n.jpg
1451335_10152060656086622_84291976_n.jpg
 
Đám cưới ở Little Sài Gòn

Đám cưới gì ngộ. Hơn nửa cái đám cưới lấy tay lau vội giọt nước mắt vừa rớt ra. Cô dâu khóc, chủ rể khóc, khách mời khóc. Đám cưới gì mà ai cũng khóc…


Một buổi tối cuối tuần ở Little Saigon, tôi mặc vội cái áo khoác bạn tôi đưa cho bớt lạnh. Nghe đồn Cali quanh năm nắng vàng, vậy mà mới chớm đông đã lạnh như cái nhà kho. Little Saigon, trong trí tưởng tượng của tôi, cũng đông đúc ồn ào như Chợ Bến Thành, nhưng thực tế khá vắng lặng. Đó chỉ là một khu vực tập trung nhiều thương xá buôn bán của cộng đồng người Việt, mỗi thương xá có phía trước là một khoảng sân rộng hình chữ nhật, bên trong là khu phức hợp hai tầng có chợ (giống siêu thị ở nhà ta, Mỹ gọi là chợ), nhà hàng bán đồ Việt đầy đủ các thể loại, có tiệm bán điện thoại, dịch vụ làm móng, cửa hàng nhu yếu phẩm, dịch vụ nhà đất, luật sư… Trong đó nổi tiếng nhất là khu Phước Lộc Thọ giăng giăng biển hiệu tiếng Việt, và khi loanh quanh đây tôi tưởng mình đang ở Sài Gòn (về chuyện người người nói tiếng Việt thôi, chứ mức độ đông đúc thì nói thật là chả đâu bằng Sài Gòn mình cả). Khoảng cách giữa các thương xá cũng khá xa, phải đi xe hơi chứ đi bộ thì sẽ chảy mồ hôi giữa mùa đông mà còn chưa tới. Trong khoảng sân trước các thương xá, xe hơi đậu thành hàng ở khoảng sân, rồi người ta túa ra đi vào chợ. Thật sự, người du lịch bụi khu vực này sẽ rất khó khăn vì các phương tiện công cộng không hề thuận lợi, chỉ có cách nhảy lên xe hơi mà phóng thì mới tiện lợi nhanh gọn lẹ được. Thử tưởng tượng nếu không có người quen hoặc bạn bè ở đây, chắc tôi đứng giữa đường mà hối hận không kịp.

Nhưng trong cái khó ló cái hên, không những có bạn mà còn được đi dự đám cưới ở Little Saigon nữa. Đám cưới thì đi ăn hoài có gì đâu, nhưng đây là đám cưới của hai người Việt ở xứ người. Chú rể là một bác sỹ nhi khoa rất giỏi ở Sài Gòn và khá thành công. Tôi có quen biết chú rể qua vài lần nhậu chung, trước đó còn tài lanh làm mai cô bạn thân cho, nhưng không thành. Cô dâu là một cô gái Việt đang sống ở Philadelphia, cao ráo và đẹp đẽ. Thấy tôi, chú rể ngạc nhiên ủa thằng cu sao ở đây? Tôi cười khà khà bảo đám cưới anh thì thằng em phải đến dự chứ, dù tôi là thành phần ăn theo của một người bạn thân chú rể. Đó cũng là một khu thương xá nho nhỏ. Chập tối, chỉ còn nhà hàng tổ chức lễ cưới còn mở cửa, khu thương xá vắng lặng. Bên trong nhà hàng trang trí đơn giản với 4 bàn và một cái sân khấu nhỏ. Đám cưới nhỏ, giản dị nhưng lại đầy cảm xúc…

Vì chú rể từ Việt Nam sang và cô dâu đến từ Philadelphia nên bạn bè không nhiều (như những đám cưới ở Việt Nam). Khách mời chủ yếu là người thân của cô dâu chú rể ở California, vài người đặc biệt thân từ Việt Nam, hoặc từ các nước khác bay sang. Cô dâu ít nói, đứng khép nép bên cạnh anh chồng mới. Chú rể lên sân khấu cảm ơn mọi người. Anh cảm ơn từng-người. Có nghĩa là mỗi người được tham dự cái đám cưới này đều có ý nghĩa lớn lao đối với vợ chồng anh. Từ mẹ, những người giúp đỡ anh ăn học, bạn bè bác sỹ, những người hỗ trợ trên con đường tiến thân, những người bạn nối khố khi còn khó khăn… đều không quảng đường xa, đến chung vui với vợ chồng anh. Rồi khi anh đang cảm ơn, thì những giọt nước mắt đầu tiên đã rơi. Tôi không biết tả thế nào nữa, nhưng giây phút đó cả buổi tiệc trở nên xúc động lạ thường. Giống như hôm nay đây, là ngày trọng đại của vợ chồng anh với đầy đủ những người thân thiết bên anh, đến đây chúc phúc cho vợ chồng anh. Đôi khi tôi nghĩ rằng, trong không gian ấm cúng, đơn giản như thế này thì cái tình cái nghĩa là thứ thật thà nhất. Vì tôi sợ những cám đám cưới ai đến mạnh ai nấy ăn, cụng ly, cười cười nói nói rồi về, cô dâu chú rể ghé qua mỗi bàn chụp 1 tấm hình…

Đám cưới ấm cúng. Ngay cả người chạy bàn cũng chỉ có 4 người, quán xuyến toàn bộ mọi thứ. Đó là cái đám cưới giản dị nhất tôi từng tham dự, nhưng đó cũng là cái đám cưới nhiều cảm xúc nhất tôi từng tham dự.
1496913_10152197070501622_130319640_n.jpg

1524619_10152197071911622_792733240_n.jpg

971227_10152041095056622_1384960580_n.jpg
 
cho em hỏi ở Mỹ các thành phố NY, Phila, LA, Las, Washington thì từ 6/12-16/12/2014 đã lạnh và có tuyết chưa. Em định sang Mỹ thời gian này. Nhưng sợ có tuyết không đi được đâu.
 
Hi em kebuomhoa,
Thời điểm em đi chắc chắn đã lạnh rồi, nhất là khu vực Bờ Đông gồm NY, Philladelphia, Washington DC. Tuyết thì có thể sẽ có, nhưng nhiệt độ trung bình thời điểm đó khoảng -3 đến 5 độ C, cũng tuỳ năm. Còn LA với LV thì ấm hơn tí, tuy nhiên cũng rất là lạnh so với người Việt mình. Em nên chuẩn bị đồ ấm thật tốt để có một chuyến đi trọn vẹn.

cho em hỏi ở Mỹ các thành phố NY, Phila, LA, Las, Washington thì từ 6/12-16/12/2014 đã lạnh và có tuyết chưa. Em định sang Mỹ thời gian này. Nhưng sợ có tuyết không đi được đâu.
 
Hi em kebuomhoa,
Thời điểm em đi chắc chắn đã lạnh rồi, nhất là khu vực Bờ Đông gồm NY, Philladelphia, Washington DC. Tuyết thì có thể sẽ có, nhưng nhiệt độ trung bình thời điểm đó khoảng -3 đến 5 độ C, cũng tuỳ năm. Còn LA với LV thì ấm hơn tí, tuy nhiên cũng rất là lạnh so với người Việt mình. Em nên chuẩn bị đồ ấm thật tốt để có một chuyến đi trọn vẹn.

Cám ơn anh, em chỉ sợ có tuyết rơi nhiều quá đến nỗi không đi ra đường được. Thế là mất toi kì nghỉ.
 


Nhưng tôi sẽ không bao giờ quên những buổi chiều chạng vạng tối, trong một quán Starbucks trên đại lộ danh vọng, tôi ngồi một mình, nhìn mọi người qua lại, uống một ly Caramel Macchiato nóng trong cái lạnh se sẽ của mùa đông Cali, và nhớ về một ai đó. Cảm giác như thể mọi thứ trôi qua thật nhẹ nhàng, không có gì quan trọng để mà níu kéo nữa. Và các bạn có tin rằng trong những ngày lang thang vô định này, tôi thay đổi rất nhiều về quan điểm sống, quan điểm yêu và cách nhìn nhận bản thân mình. Lại là một chủ đề được để dành để viết khi nào có dịp, hứa.

Cũng trên đại lộ danh vọng này, có một lần tôi đã uống hết một vại bia rất đầy trong Rusty Mullet. Cái quán bia mang hơi thở cao bồi này nằm bình yên trên một góc của đại lộ. Uống và nói như chưa bao giờ được nói. Vâng, có những thứ tôi sẽ để dành như là món quà của riêng mình. Nhưng chắc chắn rằng mỗi khi đi ngang Rusty Mullet, nhìn vào cái bàn đó, tôi thấy lại những hình ảnh cũ như mình đang ngồi đó và chậm rãi uống. Bia thật đắng...


Bạn mang tình cảm vào bài viết. Thật tuyệt!
 
Tuyết nhiều thì ra đường chụp hình với tuyết, anh thấy vậy cũng hay. Do mình thôi, ko phải do thời tiết được. Mình vui thì cái gì cũng lại thấy hay ho :))

Cám ơn anh, em chỉ sợ có tuyết rơi nhiều quá đến nỗi không đi ra đường được. Thế là mất toi kì nghỉ.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,410
Members
189,944
Latest member
mahormonu81
Back
Top